Thống nhất để phân li, phân li để hợp nhất, đấy là đời sống tự nhiên
- Goethe -
Xuất phát từ quan điểm về chứng rối loạn thần kinh vừa được trình bày ở trên, chúng ta nhất định phải có một cuộc thảo luận về tác nhân trị liệu, và chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc mô tả về vai trò của nhà trị liệu. Trước hết, điều quan trọng cần nhấn mạnh là, quan điểm này về chứng rối loạn thần kinh sẽ không thể trực tiếp dẫn chúng ta đến liệu pháp điều trị. Bởi xét đến cùng, dù thế nào thì kiến thức hay hiểu biết cũng không thể dẫn đến liệu pháp trị liệu và chắc chắn không phải là tác nhân trị liệu dành cho bệnh nhân. Sở dĩ hiểu biết của chúng ta về mẫu nhân cách rối loạn thần kinh, đạt được chiến thắng về mặt trị liệu, không phải chỉ nhờ vào việc phân tích một mình bệnh nhân, mà còn từ sự thấu hiểu hoàn cảnh trị liệu, và đặc biệt, hiểu vai trò của nhà trị liệu. Do vậy, liệu pháp ý chí năng động của chúng ta không quan tâm đến việc mô tả một “kĩ thuật” chết cứng rập khuôn, theo kiểu nhất thiết phải được định hướng từ quan điểm của nhà trị liệu, và phải bao gồm các hướng dẫn dứt khoát rõ ràng về việc phải làm gì hay bỏ qua cái gì. Liệu pháp năng động được định hướng bởi bệnh nhân, và về cơ bản, hướng đến từng cá nhân cụ thể như thế. Mặt khác, nhà trị liệu có thể và phải biết được một cách tổng quát những gì bệnh nhân làm, nghĩa là những gì anh ta phải làm và những gì anh ta nên tránh. Nhà trị liệu có thể hiểu những mô tả dưới đây về hiệu quả hoạt động của hoàn cảnh trị liệu khi ông ấy giả định rằng những tri thức về tác nhân trị liệu sẽ thu được từ việc thực hành liệu pháp tâm lí mà chúng ta đã trình bày trong các chương trước. Tuy nhiên, chúng ta không sử dụng những tri thức này trực tiếp cho trị liệu, mà nhà trị liệu sẽ dùng chúng để hiểu điều gì đang diễn ra trong quá trình trị liệu ở các khía cạnh kiến tạo và hủy hoại của nó.
VAI TRÒ CỦA NHÀ TRỊ LIỆU (1): CÁI TÔI HỖ TRỢ
Đến đây rồi, chúng ta phải nhớ một điều rất quan trọng: Thông qua bệnh nhân, người có chức năng như là tác giả – người tạo tác, nhà trị liệu mới được trao cho vai trò của mình. Nhiệm vụ của nhà trị liệu khá giống với nhiệm vụ của nhà sản xuất, nghĩa là ông ấy phải lo liệu sao cho buổi biểu diễn diễn ra thành công và không bị phá đám, và cũng phải luôn sẵn sàng đảm nhận bất cứ vài trò nào được yêu cầu.
Để thấy, có rất nhiều vai trò rơi xuống nhà trị liệu trong quá trình điều trị, những vai trò này là ông ấy không thể nào tránh được trong mỗi ca bệnh. Bất kể bệnh nhân trao cho nhà trị liệu vai trò cha mẹ hay bạn đời, anh chị em hay bạn bè, cấp trên hay cấp dưới, tạm thời hay lâu dài, thì ông ấy phải đi xuyên qua những biểu hiện bề mặt đấy để đi tới cái tôi của bệnh nhân và sự phân li, như vậy ông ấy mới có thể thấu hiểu và sử dụng các động lực bên trong cá nhân theo hướng trị liệu. Các vai trò luân phiên mà bệnh nhân phân cho nhà trị liệu đấy đều là một phân mảnh trong cái tôi của anh ta. Phân mảnh đó lúc thì là cái tôi bốc đồng, khi thì là cái tôi ý chí, cũng có thể là cái tôi nỗi sợ hãi đang phải kiềm nén. Và trong từng mảnh cái tôi này, các mối quan hệ quan trọng của cuộc đời một người như cha mẹ, bạn đời, v.v. chỉ là những đại diện có tính biểu tượng.
Nói cách khác, tác dụng trị liệu đầu tiên, mà thông thường xuất hiện ngay sau khi bắt đầu điều trị, là bệnh nhân bằng cách phóng chiếu, có thể trút bỏ được xung đột chia tách cái tôi bên trong, chuyển dịch nó ra bên ngoài và được cụ thể hóa thành một dạng vật thể. Tuy nhiên, đây không đơn thuần là sự phóng chiếu trong cuộc sống đời thường lên cha me, bạn đời, v.v. Ở đây, nhà trị liệu đảm nhận vai trò như là một trợ lí bản ngã, một cái tôi hỗ trợ trên cơ sở thái độ của ông, dù ông có ý thức về vai trò đấy hay không. Trước tiên, bệnh nhân có thể sẽ gán cho nhà trị liệu cái phần bản ngã phiền phức nhất, cái làm anh ta cảm thấy lo ngại nhất. Song cũng chính vì thế, anh ta dường như sẽ sớm kháng cự nhà trị liệu trong chính vai trò đấy – vai trò mà ông ấy đã đảm nhận thay anh.
Cùng với việc khách thể hóa thành công một phần bản ngã của mình, đồng thời diễn ra một sự thay đổi mang tính quyết định. Nhà trị liệu có thể thấy rằng, sự thay đổi mang tính quyết định này không phải do bất kì loại phương pháp điều trị nào, mà chính bản thân tình huống trị liệu đã làm cho ở bệnh nhân diễn ra sự phân chia bản ngã mới. Cái mà một số người theo trường phái Freud cấp tiến gọi là “các cuộc phân tâm nhân cách”, trong đó họ nỗ lực điều chỉnh nhân cách của bệnh nhân, do vậy, xét cho cùng, là quá trình điều chỉnh do chính tự thân bệnh nhân khởi tạo thông qua chứng rối loạn thần kinh của anh ta. Và chúng ta đã mô tả điều đấy như là một hành động nguyện ý tái tạo chính bản thân mình. Người rối loạn thần kinh tự bảo vệ mình trước việc nhà trị liệu muốn thay đổi anh ta. Và cái mà anh ta phản ứng chính là việc người ta cố thay đổi anh ta theo một phác đồ đã định trước. Có điều, trong quá trình trị liệu, anh ta điều chỉnh mình liên tục, khuynh hướng thoái lui của anh ta chỉ chứng tỏ anh đấu tranh chống lại ý muốn thay đổi đấy mạnh mẽ nhường nào. Bởi thay đổi có nghĩa là phát triển, phát triển có nghĩa là sự sống, và rồi sống rốt cùng sẽ dẫn tới cái chết. Trong liệu pháp năng động, dựa trên sự thấu hiểu về vai trò của nhà trị liệu, bệnh nhân sẽ phải thay đổi khi: (i) nhà trị liệu chấp nhận vai trò cái tôi hỗ trợ mà anh ta tạm thời giao cho ông; và (ii) bằng việc khách thể hóa một phần cái tôi của mình. Khi các điều kiện đấy hội đủ, một tình huống năng động mới sẽ khởi lên bên trong bệnh nhân. Đến lượt mình, tình huống này lại tác động đến một sự phân chia năng lượng có lợi khác trong anh ta.
Tuy nhiên thực tế là, giai đoạn giải phóng đầu tiên này có thể vẫn có chút hiệu quả, nhưng đấy chưa phải là chữa lành. Điều này thì đã quá rõ ràng, bởi:
• Trước hết, việc khách thể hóa và trút sang người khác này nó không thể lâu dài, và do vậy dẫn đến những phóng chiếu trút bỏ mới;
• Thứ hai, bản thân tình huống này đôi khi phải được từ bỏ, và cùng với nó là sự từ bỏ cái tôi hỗ trợ;
• Thứ ba, ngay cả khi tình huống phóng chiếu này có thể diễn ra liên tục, thì đấy chỉ là một đời sống phân mảnh, sẽ dẫn bệnh nhân đến một cuộc đời kí sinh.
Liệu pháp trị liệu thật sự rốt cuộc phải đưa anh ta đến một toàn thể cái tôi cảm xúc, mà trên cơ sở đó, cuối cùng anh ta cũng có thể biểu lộ cảm xúc của chính mình, và do vậy, chuộc lại tự do cho mình, trở nên tự do tự tại.
NHÂN TỐ CẢM XÚC TRONG TRỊ LIỆU (1): KHẢ NĂNG BỘC LỘ
Ở đây để cho dễ hiểu, có thể hình dung thế này: Đời sống cảm xúc chính là một loại phương tiện thanh toán thông thường, giống như tiền giấy của chúng ta vậy. Tiền giấy đấy chỉ có giá trị trong buôn bán, nghĩa là trong trao đổi song phương, trong giao dịch qua lại lẫn nhau. Sự mất mát cảm xúc không bao giờ là một sự mất mát thực sự, đấy chỉ là một tưởng tượng mà thôi. Không hề có sự trao đi đích thực, vì về cơ bản, cảm xúc vẫn luôn là của-tôi. Và theo lẽ thường, cảm xúc chỉ có thể tìm cách biểu lộ khi được người còn lại hồi đáp, nghĩa là được trao lại. Hơn nữa, cảm xúc ngay cả khi nhẫn chịu, nhượng bộ, trông thì có vẻ như là trao đi, thật ra nó vẫn hoặc là được bảo toàn trong bản ngã, hoặc sẽ lập tức được đưa trở lại bản ngã. Do vậy, thường thì cảm xúc (i) trông thì vẻ như được trao đi; và (ii) nếu thực sự được trao đi thì chỉ ở mức mà người ta chắc chắc sẽ nhận được sự đáp trả tương xứng.
Nói cách khác, cá nhân có khuynh hướng duy trì một định lượng cảm xúc nhất định, mà bằng cách đó cái tôi bù đắp cho những mất mát nhất thời của nó, nghĩa là có thể tránh né hoặc làm dịu đi những phản ứng sợ hãi. Đến đây, hẳn chúng ta đã vỡ lẽ một chút về những khúc mắc trong đời sống tình cảm - cảm xúc. Chẳng hạn như, tại sao cá nhân có thể cảm thấy tội lỗi vì cảm xúc mà anh ta dành cho người khác? Bởi nó chỉ là cảm xúc, và chẳng là gì hơn thế. Nghĩa là cảm xúc đó không được trao đi một cách thực sự, nó chỉ là một cử chỉ làm-bộ-trao-đi, hòng giải phóng cá nhân đó khỏi mặc cảm tội lỗi của mình. Nhưng hóa ra, nó chỉ làm tăng thêm cảm giác tội lỗi thôi. Do đó, người ta thường thấy những người rất vị kỉ, chẳng hạn như người rối loạn thần kinh, là những người có những khả năng nhận thức cảm xúc rất mạnh mẽ, song lại hoàn toàn bất lực trong việc biểu lộ cảm xúc của mình.
Trong tình huống trị liệu, bệnh nhân phát triển những cảm xúc mạnh mẽ mà bình thường anh ta giữ cho riêng mình – cho dù anh ta có thể biểu lộ chúng. Mặc dù không nhận được từ nhà trị liệu bất kì biểu lộ cảm xúc nào, nhưng anh ta nhận được giúp đỡ từ nhà trị liệu, và vì thế anh ta phải đáp trả dưới một vài hình thức. Tuy nhiên, sự đền đáp của anh ta lại diễn ra dưới hình thức phát triển một cảm xúc hoàn toàn vị kỉ dành cho nhà trị liệu, anh ta giữ cảm xúc đấy cho riêng mình và do đó nó càng khiến anh cảm thấy tội lỗi hơn. Cùng lúc đấy, cái quá trình mà phân tâm học mô tả là dục năng (libido) vẫn tiếp tục diễn ra. Theo cách nói của trị liệu năng động, thì quá trình này thật ra có thể được diễn tả như sau: Nếu coi cảm xúc là tiền mặt để trao đổi trong giao dịch – như chúng ta đã hình dung ở trên, thì bởi chưa bao giờ học được cách thanh toán thông thường bằng cảm xúc, nên trong mỗi lần trao đi – bất kể nặng nhẹ ra sao, người rối loạn thần kinh vẫn đem toàn bộ kho vàng của anh ta ra để chi trả, thay cho khoản tiền mặt kia.
Thế nên, trước hết anh ta phải học làm tốt việc biểu lộ, bày tỏ cảm xúc của mình. Dù chỉ là biểu lộ tượng trưng bằng lời nói thôi, thì anh ta cũng phải ra dáng một kẻ độc tài có tiềm lực, đủ khả năng chi trả cho những dịch vụ mà anh ta đã được hưởng, thông qua biểu trưng riêng của anh ta. Mường tượng như thế để thấy rằng, xét từ góc độ trị liệu năng động, suy cho cùng đấy chỉ là xung đột mà trước đấy chúng ta đã nói tới, giữa toàn thể và bộ phận, giữa nhất thể và phân mảnh. Người rối loạn thần kinh trong khi trao đi, hoặc ít nhất là trong việc trao đi, anh ta chỉ có thể trao toàn bộ con người mình, chứ không thể nào tách riêng cảm xúc ra để nhượng bộ, để trao đi, bởi cảm xúc vốn chỉ là một phần biểu trưng cho toàn thể. Người bình thường trao đi cảm xúc với từng liều lượng nhỏ để có thể giữ lại mọi thứ khác, nghĩa là giữ lại toàn bộ toàn bộ bản thân. Trong khi, nếu làm theo cách ấy, người rối loạn thần kinh có thể sẽ gánh chịu nguy cơ khiến cảm xúc trở nên là tất cả và hoàn toàn đánh mất bản thân trong đó.
NHÂN TỐ CẢM XÚC TRONG TRỊ LIỆU (2): KHẢ NĂNG BIỂU ĐẠT
Trong sự trao đi từng phần này, khả năng diễn tả cảm xúc bằng lời được xem như là một phương tiện biểu lộ mạnh mẽ. Bước tiến bộ đầu tiên trong trị liệu, mà trước đấy chúng ta vẫn gán cho là sự trút bỏ gánh nặng của cái tôi, thường được giải thích như như là công hiệu của “lời thú nhận”. Ở góc độ thấu hiểu tâm lí học mà nói thì giải thích như vậy vẫn còn thiếu sót98.
98 So sánh với nỗ lực nổi tiếng của Theodor Reik trong việc giải thích hành động thú nhận dưới góc độ phân tâm học như là “sự cưỡng ép thú nhận và nhu cầu bị trừng phạt” năm 1925 (Chú thích của tác giả). Theodor Reik (1888 - 1969) được đào tạo như một trong những sinh viên đầu tiên của Freud ở Vienna, Áo. Reik nhận bằng Tiến sĩ về tâm lí từ Đại học Vienna năm 1912. Luận án của ông là luận án phân tâm học thứ hai từng được viết sau luận văn của Otto Rank. Sau khi nhận bằng Tiến sĩ, Reik đã dành vài năm để học hỏi, nghiên cứu với Freud.
Để hiểu đầy đủ hơn về cơ chế này, chúng ta hãy xem một nghiên cứu dân tộc học xuất bản gần đây về sự thú tội và chạm đến nấc thang kì diệu đầu tiên của nó từ buổi sơ khai của con người99. Người nguyên thủy tin rằng mình sẽ luôn tồn tại. Họ cho rằng, đau bệnh cũng như cái chết là do tác động bí ẩn của một vật chất có hại nào đó xâm nhập vào ta anh từ bên ngoài. Do đó, liệu pháp của họ cốt ở việc một lần nữa đẩy vật chất này ra bên ngoài và do đó khiến nó trở nên vô hại. Có nhiều phương cách đã được thực hiện, chẳng hạn trích máu như ở các dân tộc Nam Mĩ, hoặc uống một chất làm cho người ta ói ra, nôn mửa ra – như với các bộ tộc da đỏ Bắc Mĩ. Vật chất có hại cũng có thể bị đẩy ra ngoài bằng một cách tượng trưng hơn, như là cởi bỏ quần áo – giống như là bỏ đi một phần của bản thân, hoặc bằng cách tắm rửa. Sau cùng là một hình thức chữa lành sơ khai nổi tiếng có sức mạnh đáng kinh ngạc, đấy là nhờ một thầy thuốc kéo rút thể ngoại lai gây đau bệnh ra bên ngoài. Vào thời trung cổ, trong nhà thờ, cuối cùng nó đã biến tướng thành các hình thức hành xác để chuộc tội tầm thường và dã man (bản chất nó chính là giết người). Tuy nhiên, tôi nhìn nhận việc từ bỏ cái tôi, hay một phần cơ thể thay cho toàn thể cái tôi (đang chết dần) này như một sự hi sinh, với ý nghĩa mua chuộc một phần bản thân và sự sống.
99 Xem thêm R. Pettazzoni, La Confessione dei Peccati, Bologna, 1929.
Thực tế nữa là, lời thú tội diệu kì được sử dụng từ thời xa xưa, bản chất là dùng sự diệu dụng của lời nói nhằm xua đuổi đau bệnh, có nghĩa chỉ vậy thôi là có thể thải loại ra vật chất độc hại bên trong cơ thể ra bên ngoài. Bởi, nói như Kagaba, “thú tội chẳng có nghĩa gì khác ngoài việc biết được điều gì bên trong chính mình”. Do vậy, nói ra đau bệnh một cách rõ ràng chính là cự tuyệt đau bệnh bằng lời nói, trong đấy đã bao hàm sẵn giả định về ý tưởng về tội lỗi mà dường như vắng mặt trong phép chữa bệnh nguyên thủy. Lúc đầu, đau bệnh và cái chết được xem là do những yếu tố bên ngoài xâm nhập vào, là do bởi sự xấu ác độc của những cái khác, không có nhân tố tội lỗi cá nhân trong đấy. Song cuối cùng, như một lẽ tất yếu không thể tránh được, dường như tất cả những điều đấy đã dẫn đến việc nhận thức về tội lỗi như là một điều thuộc về cá nhân, và sau đấy nó được định nghĩa là “làm điều sai trái” (tội lỗi), mà thường xuyên nhất sai quấy trong hoạt động tính dục, bởi vì tính dục – như đã phân tích, được xem là một cái chết tiềm ẩn, trong đấy cơ thể người ta ngày càng suy kiệt đi100.
100 Xem bàn luận của tôi về nguồn gốc nhân quả của cái chết như là sự trừng phạt cho tội lỗi trong Seelenglaube und Psychologie, 1930, S 109.
Ở bất kì mức độ nào, những điều này đều cho thấy rằng sự biểu đạt bằng lời này tạo thành nhân tố biểu hiện cảm xúc duy nhất trong hoàn cảnh trị liệu. Nó không chỉ là một sự thay thế mang tính tượng trưng cho hành động và cảm xúc, mà nó còn thực sự cho thấy sự chối bỏ, sự cắt bỏ một phần cái tôi. Chúng ta có thể thấy điều tương tự xảy ra trong các triệu chứng khác, thay thế cho cảm xúc hay lời nói, chẳng hạn như hành động nôn mửa, cũng tương ứng với việc bỏ đi (hoặc trả lại) một phần của mình.
NHÂN TỐ CẢM XÚC TRONG TRỊ LIỆU (3): VỞ KỊCH CỦA NỘI TÂM
Tuy nhiên, trong quá trình trị liệu, những vật chất độc hại của tội lỗi bị tách lìa khỏi bản ngã sẽ được chuyển sang cho nhà trị liệu – người mà trên thực tế, trong nhận thức của nhiều bệnh nhân, vẫn giữ vai trò là “vật tế thần”, kẻ giơ đầu chịu báng. Về mặt tâm lí mà nói, trong quá trình trị liệu, nhà trị liệu trở thành một “bãi phế thải” để bệnh nhân trút ra cái tôi rối loạn thần kinh của mình. Và trong những ca thành công, cuối cùng anh ta đã bỏ nó lại phía sau.
Trong lúc ấy, bệnh nhân đã tiến hành đánh giá lại toàn bộ thái độ của mình đối với cuộc sống, bằng cách hồi tưởng và tái tạo một phần quá khứ. Để có thể chấp nhận bản thân mà trước đấy anh ta đã chối bỏ, anh ta phải tái tạo lại cái quá khứ tượng trưng hay đại diện cho bản thân đó, dưới góc độ của một cái tôi mới được củng cố vững mạnh. So với sự thật trong quá khứ, nhà trị liệu có thể gọi mô tả quá khứ này của anh ta là “làm giả quá khứ”, “viết lại quá khứ”. Ở khía cạnh trị liệu, việc viết lại quá khứ này là cần thiết để cá nhân có thể hình thành một hệ tư tưởng mới từ những diễn giải mới này của anh ta về cuộc sống của mình. Việc tìm kiếm sự thật đích thực về quá khứ, hay thậm chí về hiện tại, là điều rất đáng ngờ trong địa hạt tinh thần nói chung, bởi vì không có tài liệu quá khứ nào ngoài kí ức. Và về mặt trị liệu, việc tìm kiếm đấy cũng không cần thiết. Một con người bình thường sống tốt hơn với quan niệm chính của mình về sự vật, thay vì bằng hiểu biết thực sự về sự thật. Có lẽ chúng ta có thể sống chỉ với quan niệm của riêng mình về mọi thứ. Rốt cuộc, chỉ có cái quá khứ trong nội tâm mỗi người mới là thứ duy nhất xác định cái tôi hiện tại của họ, và nó có thể được tiết lộ thông qua thái độ của người ta với các sự kiện thực tế hiện thời, từ đó chúng ta hoàn toàn có thể thấu hiểu họ mà không nhất định biết về quá khứ thật sự của họ.
Với trải nghiệm trị liệu của bệnh nhân cũng thế. Trong tiến trình phát triển của nó, mỗi trải nghiệm trị liệu sẽ trở thành quá khứ ngay khi nó vừa xong. Trong liệu pháp tư tưởng của phân tâm học, nhà phân tâm có xu hướng đo lường tình trạng của bệnh nhân, sự tiến bộ của anh hay nhiệm vụ còn phải thực hiện dựa trên những gì đã xuất hiện trong khi phân tâm. Trong khi liệu pháp ý chí năng động sẽ đánh giá tình huống trị liệu hiện thời tùy theo ý nghĩa của nó đối với bệnh nhân nói chung, và ở thời điểm hiện tại nói riêng; nói cách khác, dựa trên: (i) cái anh tạo ra từ hoàn cảnh trị liệu, (ii) cái quá khứ mà anh tái tạo lại, và (iii) vai trò anh ta giao cho chính mình và cho nhà trị liệu.
Cá nhân tôi cho rằng, không cần thiết phải phá hủy ảo tưởng này của bệnh nhân bằng cách nhắc đến những khó khăn thực tế như anh ta vẫn giả định, hoặc cố gắng cho anh ta thấy là anh ta đã “viết lại” trải nghiệm phân tâm sau khi đã làm “biến chất” nó ra sao. Điều đấy cũng không có tác dụng chữa bệnh nào cả. Bởi xét cho cùng, thực tại là thực tại, nó căn bản không thể khác đi. Nhưng có những ảo tưởng của cộng đồng, hoặc ít nhất được xã hội thừa nhận, hoạt động thay thế cho các ảo tưởng cá nhân sẽ xuất hiện trong trị liệu. Điều mà trước tiên bệnh nhân có thể học và phải học, đấy là học cách sống trọn vẹn, và theo tôi, anh ta chỉ có thể làm điều ấy cùng với những ảo tưởng. Phân tâm học thích dùng thuật ngữ “sự thăng hoa” hơn. Nhưng dù gọi theo cách nào, thì chúng chỉ có thể mang nghĩa là ảo tưởng, bởi thăng hoa dựa trên ảo tưởng, về bản chất là như nhau. Khái niệm thăng hoa bao hàm trong nó sự phủ nhận một cái gì đó khác, nó có thể thô sơ hơn nhưng có lẽ gần với cuộc sống hơn, thật hơn. Và do vậy, gán mác “sự thăng hoa” như một hành động tự lừa dối bản thân theo kiểu “đánh chẳng được, tha làm phúc”101.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, dường như là không một người nào và không một loại người nào có thể sống, hoặc mong muốn sống trên cái mặt đất trần trụi, trên nền thực tại thô nguyên này. Cuối cùng chúng ta sẽ phải đi đến câu hỏi rằng: Thế thì con người ta có thể sống ở mức độ ảo tưởng nào?
Tôi không đề cập đến cái gọi là “con người tự nhiên” – người mà theo một góc nhìn nhất định, dù có nguyên thủy ra sao, vẫn sống cách rất xa tầng mức chúng ta, họ ở một tầng mức siêu-thực, trong đó thế giới quan diệu kì của anh ta nâng anh ta lên. Việc bàn luận về các mức độ ảo tưởng khác nhau mà các thời đại và các dân tộc đã từng nuôi dưỡng cho đến tận nền văn minh hiện đại của chúng ta, với các loại người và tầng lớp khác nhau, có lẽ sẽ dẫn chúng ta đi quá xa khỏi chủ đề đang nói tới. Quay trở lại, nói chung, chúng ta đang nói đến các hình thức tôn giáo, nghệ thuật, vui chơi, thể thao và các hệ tư tưởng chuyên ngành nhất định. Những thứ đấy không chỉ nâng con người lên khỏi cuộc sống thường ngày, mà còn nâng chúng ta lên khỏi chính bản thân mình. Không phải bởi chúng ta cần giải trí, tiêu khiển, cần lãng quên, hay một cái gì đấy khác, xét cho cùng đấy không phải mục đích chính của chúng ta. Chỉ bởi vì, chúng ta không thể tồn tại trên bề mặt sơ nguyên, nói cách khác, không thể sống nổi với cái tôi nguyên thủy trần trụi của chính mình.
101 Bản tiếng Anh dùng thành ngữ “Sour grape”: Có nghĩa “tuy không có nhưng cố giả bộ như là không muốn”. Nó được sử dụng khi bạn cố gắng thanh minh với người khác về việc bạn không muốn một thứ gì đó, nhưng sự thực là bởi vì bạn không thể có nó. Nếu bạn cố gắng vượt khó khăn để có được một thứ nào đó và bạn đã nỗ lực thử đi thử lại nhiều lần, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được thì gọi là “sour grapes”. Hiểu một cách đơn giản, bạn rất muốn ăn một chùm nho nhưng bạn lại không đủ tiền mua nó, vậy nên bạn liền chê rằng nó rất chua.
Chứng rối loạn thần kinh là hiện thân cho một sự thô thiển dị thường ở con người. Bởi bằng việc tự xác quyết lựa chọn theo cách đấy, nó kéo con người ra khỏi bình diện sinh học của sự sống, cô lập anh ta và do vậy khiến vở kịch của ảo tưởng thấm đẫm tính rối loạn thần kinh, hoặc trở nên phi thực. Trong khi các tầng mức ảo tưởng đã được thiết lập về mặt ý thức hệ (như vừa đề cập đến ở trên) đặt cá nhân vào một nhóm dù lớn hay nhỏ, do đó ít nhiều duy trì mối liên hệ với thực tại, ngay cả khi chúng không có thực (chẳng hạn như trong các nghi lễ tôn giáo).
Hoàn cảnh trị liệu cung cấp cho người rối loạn thần kinh một bình diện ảo tưởng102: Anh ta không những có thể sống – chừng nào anh ta còn có nó, mà còn có thể học cách sống trên bình diện đấy. Điều này là cực kì cần thiết giúp anh ta tồn tại trong xã hội này. Tuy nhiên, để bản thân một người có thể chấp nhận bất kì ảo tưởng nào được lẽ thường thừa nhận, qua đó làm mất đi tính chất ảo tưởng của nó đối với anh ta, thì trước tiên anh ta phải có cho mình một phỏng đoán cần thiết về nó. Từ đó, anh ta tìm ra cho chính mình một bình diện ảo tưởng nội tâm bên trong mình, mà trên đó thảy mọi trải nghiệm đều có tiềm năng diễn ra, giống như “những cái bóng trong hang” của Plato – nó có thể ở đó, nhưng nó không nhất định phải thực sự xuất hiện.
Bình diện ảo tưởng nội tâm của con người hiện đại chúng ta chính là đời sống cảm xúc, nó cho phép một trải nghiệm nội tâm diễn ra mà không nhất định phải thật sống ở bên ngoài. Nhưng khi phải bày tỏ cảm xúc đấy ra, thì nó lại thường bị giới hạn ở một trong những bình diện xã hội vốn sẵn. Do vậy, như chứng loạn thần kinh cho thấy, những cảm xúc đấy có thể mô phỏng cuộc sống, mà trong đấy cá nhân không ý thức được khía cạnh ảo tưởng của chúng. Người rối loạn thần kinh mong muốn một đời sống cảm xúc “bình thường” theo lí tưởng của anh ta, mà không biết rằng người bình thường sử dụng những cảm xúc của mình để bảo vệ bản thân khỏi các trải nghiệm đời thực, hơn là xem nó như một phương tiện để trải nghiệm đời thực.
102 Chữ “ảo tưởng” (illusion) mà Rank dùng không có ý là ngụy tạo hay tự lừa dối bản thân. Ông ám chỉ một mức đóng kịch, cho phép chúng ta tự tạo ra thực tại của riêng mình – một thực tại của nội tâm, một sự sáng tạo trong cuộc sống thường ngày. Cần phân biệt cái thực tại này với lối hiểu về thực tại theo kiểu “là- mình” hay “không-phải-là-mình” (Chú thích của DG bản tiếng Anh).
Nếu tầng cảm xúc nội tâm là sân khấu mà mối quan hệ trị liệu chủ yếu diễn ra, thì chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của đời sống mơ ước mà ta có thể đạt được trên bình diện đó. Khi ấy, mọi giấc mơ ở đây sẽ đồng thời là một giấc mơ trong một giấc mơ, nó là khúc xạ kép của cuộc sống ở cấp độ cảm xúc. Bởi bản thân hoàn cảnh trị liệu chính là một cuộc sống đã được nâng lên thành một vở kịch của ảo tưởng, giấc mơ vì thế một lần nữa đóng vai trò biểu trưng. Theo đó, trong suốt quá trình trị liệu, giấc mơ có thể là hiện thân cho chính tình huống trị liệu, hoặc cho chính cảm xúc của người mơ, hoặc là cho cuộc sống – nó biểu trưng cho một sân chơi giả tưởng.
Bởi mặc dù có mọi khó khăn và xung đột, trải nghiệm trị liệu không “ráo riết như cuộc đời”, và nó giống như một quang cảnh có phần sôi nổi, nếu không muốn nói là thú vị như nghệ thuật. Bệnh nhân rối loạn thần kinh, những người vốn coi mọi thứ quá nghiêm túc, quá toàn hảo, thông qua trải nghiệm trị liệu có thể học cách “nhập vai” trên bình diện ảo tưởng, nghĩa là học cách hoạt động bằng các lực thay thế và mục tiêu thay thế, tức là dùng biến thân của mình mà hành động. Từ đó, trên tất cả, học được cách đóng một vai trò, thay vì để toàn bộ bản thân mình bị kéo vào mọi cảnh huống, trong mọi lúc mọi nơi. Ngay cả trong cuộc sống bình thường hàng ngày, kiểu sống ấy cũng là không thích đáng, và quả thật là có lẽ hoàn toàn không thể sống như vậy.
VAI TRÒ CỦA NHÀ TRỊ LIỆU (2): CHIẾN THẮNG CUỐI CÙNG LÀ CHIẾN THẮNG CHÍNH MÌNH
Kế hoạch sống một cách nghệ thuật và kế hoạch sống trên tầng ảo tưởng được dần dần tạo ra thông qua mối quan hệ trị liệu, và về cơ bản chúng không khác nhau. Ở đấy, đời sống chúng ta đã tiến triển đến một cái mức mà cá nhân có thể phản ứng với những kích thích thông thường một cách phù hợp, thỏa đáng. Trên thực tế, tầng sống riêng biệt trong nội tâm đấy thậm chí còn mong chờ những kích thích từ bên ngoài, hòng đạt được cái toàn vẹn mà nó vẫn hằng khao khát bấy lâu, bằng cách dung nạp vào mình cả thực tại, thay vì muốn loại trừ thực tại ấy. Để rồi sau đấy, cá nhân không còn cố hòa nhập thế giới vào cái tôi của mình nữa. Anh ta làm cho cái tôi của mình trở nên – hoặc ít nhất là có khả năng trở nên phong phú, linh động giống như thực tại, bởi anh ta đang ở vị thế có thể phản ứng một cách phù hợp thỏa đáng với những kích thích của nó. Bằng chứng rõ nhất là vào giai đoạn cuối của quá trình trị liệu, khi mà cái tôi hỗ trợ – vai trò nhà trị liệu đảm nhận từ đầu cho đến giờ – trở thành một cái tôi thực sự, khi đó bệnh nhân không còn thấy việc mất đi nhà trị liệu là đau khổ giống như thể mất đi cái tôi nữa. Anh ta chấp nhận việc đó, cũng như để cho thực tại tiến vào đời sống của cái tôi.
Tôi cho rằng, việc từ bỏ cái tôi hỗ trợ, cùng lúc với việc chấp nhận thực tại dường như là mấu chốt quan trọng nhất của phép trị liệu. Để giải quyết nó, nhất định phải chuẩn bị cẩn thận từ trước, từng bước và duy trì xuyên suốt quá trình trị liệu. Thế nên thay vì “chữa trị” cưỡng ép cho bệnh nhân, nhà trị liệu nhất định phải thiết lập giới hạn để đi đến kết thúc trải nghiệm trị liệu, như ở phần đầu chúng ta đã nói, “sắp đặt một hồi kết”. Rõ ràng khi khoảnh khắc kết thúc tới, đấy là thời điểm mà nhà trị liệu tính đến việc giải quyết nhiệm vụ thích ứng (vừa đề cập ở trên). Nhưng đấy là thời điểm nào, thì nhà trị liệu không thể đưa ra dựa trên một quy tắc cứng nhắc, mà phải tùy theo cá nhân từng trường hợp.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là nhà trị liệu biết điều gì đang xảy ra trong giai đoạn cuối này, những lực nào có hiệu lực, và những yếu tố nào quan trọng về mặt trị liệu.
Những gì chúng ta đã nói cùng nhau từ đầu đến giờ có thể giúp chúng ta trả lời những câu hỏi này một cách hệ thống. Tính hệ thống này có lẽ không hoàn toàn phù hợp với bản chất năng động của chủ đề chúng ta đang nói đến, nhưng nó sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn rõ ràng trong tất cả mọi tình huống dù là phức tạp.
Trước hết, trong giai đoạn cuối này, bệnh nhân căn bản sẽ phải thấu hiểu được vấn đề phản ứng toàn thể - bộ phận, và cố gắng vượt qua sợ hãi theo cách mà anh ta thấy khả thi nhất. Mặc dù điều này tùy thuộc vào từng ca bệnh, nhưng chúng tôi vẫn muốn đề cập đến những phản ứng điển hình nhất định của hai mẫu hình chính, đấy là mẫu nhà trị liệu và mẫu rối loạn thần kinh chính. Về cơ bản, chúng ta chủ yếu quan tâm đến mô tả trải nghiệm của bệnh nhân trong giai đoạn cuối, trải nghiệm“theo cách nào” được tùy mặc theo ý thích cá nhân của anh ta.
Trong công thức đơn giản nhất rút ra từ kinh nghiệm của tôi, giai đoạn cuối cùng của quá trình trị liệu là giai đoạn trong đó nhà trị liệu phải đi qua và vượt thoát khỏi vai trò cái tôi hỗ trợ, để đi đến ý nghĩa đích thực của mình. Có thể mô tả cuộc vượt thoát này như một trận chiến để sống sống còn cao độ giữa hai cá nhân, một người phải chết để người kia có thể sống. Trước khi giải thích về tâm lí sống còn này, điều quan trọng là đoán biết nhiệm vụ của nhà trị liệu là gì trong cuộc chiến sống còn đấy, và tiên liệu những nguy cơ nào khiến ông thất bại trong nhiệm vụ của mình. Chắc chắn là trong cuộc đấu tay đôi này, bệnh nhân phải vẫn là người thắng cuộc nếu anh ta muốn cảm thấy mình được chữa lành, tức là có khả năng sống. Và nguy cơ thất bại của nhà trị liệu nằm ở chỗ, bản thân ông ấy – theo bản năng là muốn giành chiến thắng, nghĩa là muốn sống chứ không muốn bị tiêu diệt. Nhà trị liệu có thể che đậy, ngụy tạo khuynh hướng bảo trì bản thân này bằng trí tuệ và tri thức của mình, hoặc biện hộ cho nó về mặt trị liệu. Song ông sẽ bị mắc kẹt trong khuynh hướng đấy, trừ phi ông nhận ra nó trong chính mình và có thể ước chế nó vì lợi ích của cuộc trị liệu.
Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này, nhà trị liệu chỉ có thể thành công nhờ sự lên về trí tuệ và cảm xúc: Không chỉ vượt lên bệnh nhân, mà còn phải vượt lên chính tình huống trị liệu, cũng có nghĩa là vượt lên chính đời sống. Không nhiều người làm được điều này, cũng chỉ có hiếm hoi những nhà trị liệu sở hữu năng lực này. Với cái nhìn vượt lên cảnh huống đấy, ít nhất nhà trị liệu phải tin rằng, bệnh nhân không đấu tranh chống lại nhà trị liệu, mà chống lại một đại diện quyền lực nào đó như người cha, người mẹ, hay một số người khác. Nói cách khác, ông ấy phải thấy tình huống kia là không thực, nó chỉ là một ảo cảnh thôi. Ở một mức cao hơn nữa, nhà trị liệu phải biết rằng, trong cuộc chiến sống còn này, bệnh nhân đấu tranh không phải với ông, mà là đấu tranh để giải quyết xung đột giữa những khuynh hướng hủy hoại và khuynh hướng kiến tạo trong chính anh. Và rằng, sau rốt anh ta phải giết chết cái tôi hủy hoại cuối cùng nơi nhà trị liệu – người mà trong suốt quá trình trị liệu đã biểu trưng cho cái tôi kiến tạo, và giờ đây bệnh nhân thâu nhận cái tôi kiến tạo đấy về mình.
Một khó khăn đặc biệt với nhà trị liệu trong khi thấu hiểu và xử lí đúng tình huống này, phát sinh từ thực tế là: Chính ông đại diện cho loại người sáng tạo, thế nên ông không muốn người khác tạo tác mình, càng không muốn người ta phá hủy mình. Song trong giai đoạn cuối của trị liệu, xảy ra sự đảo ngược hoàn toàn các vai: Bệnh nhân phải đảm nhận chức năng sáng tạo, năng động – vai trò mà vốn cho đến nay được giao cho nhà trị liệu. Trong khi đấy, lúc này nhà trị liệu trở thành biểu tượng của cái tôi hủy hoại kiểu rối loạn thần kinh, và cái tôi phá hủy này phải bị tiêu diệt. Khuynh hướng hủy hoại này của bệnh nhân, theo lẽ tự nhiên, chỉ có thể hiểu là một phản ứng theo kiểu toàn thể cực đoan: Với sự hủy diệt của mình, anh ta dễ dàng rơi từ tư tưởng là-tất-cả sang tư tưởng không-gì-cả. Và thay vì hủy diệt người khác, anh ta lại tự hủy hoại chính mình, vẫn theo kiểu rối loạn thần kinh. Chúng ta đã thấy rằng, khuynh hướng tự hủy hoại bản thân, cùng với sự bất lực trong việc tự bảo vệ mình là thái độ sống tiêu cực của bệnh nhân rối loạn thần kinh. Sự phục hồi sức khỏe của anh ta chủ yếu nằm ở việc giải thoát các sức mạnh sáng tạo, trước hết phải được giải phóng trong quá trình trị liệu theo một cách tích cực, năng nổ103 trước khi chúng có thể được áp dụng để quản trị cuộc sống.
103 Sự trút bỏ gánh nặng nội tâm ra bên ngoài sẽ cản trở sức mạnh hủy diệt tiến hành việc hủy hoại ở bên trong. Hủy hoại bên trong theo cách phổ biến nhất mà chúng ta thấy là sự dồn nén một cách dữ dội, hay đúng hơn là sự phủ nhận; sự lãng quên cũng là một dạng đang-chết, cũng như sự phủ nhận chính là giết chết theo kiểu “Anh ấy đã chết vì tôi”.
VƯỢT LÊN NỖI SỢ ĐỂ TRƯỞNG THÀNH
Đến điểm này, bạn hẳn đã thấy toàn bộ quá trình đau bệnh và chữa lành hóa ra là một cuộc tung hứng qua lại giữa năng lượng sống và năng lượng chết, giữa những biểu tượng của chúng. Vậy thì bạn cũng sẽ hiểu vì sao trong giai đoạn cuối cùng của trị liệu, các biểu tượng sống và chết đấy thản nhiên đi vào những giấc mơ, cùng những phản ứng tức thời của bệnh nhân. Tuy nhiên, khi điều đấy càng trở nên rõ ràng, nhà trị liệu lại càng có nhiều nguy cơ phản ứng với nó bằng cái bản năng người-khỏe-mạnh của ông, nghĩa là theo một cách bất lợi cho bệnh nhân.
Trong hệ tư tưởng phân tâm, những phản ứng điên cuồng này của bệnh nhân thường bị đóng dấu là nhi tính bạo dâm hay khổ dâm, và việc kéo dài cuộc trị liệu là cần thiết. Xung đột cuối cùng này có thể hiển thị trong những biểu tượng rõ ràng của sự sống (tính dục) và cái chết (tự sát, sát hại); hay trong những biểu tượng cụ thể về sức khỏe (sống) và bệnh tật (chết). Bất kể trong mọi trường hợp, cả hai khuynh hướng đấy luôn vận động, để một trong những vai trò của bản thân sẽ được phân ra và chuyển cho nhà trị liệu. Nhưng dường như đối với nhà trị liệu, việc tháo gỡ bệnh nhân khỏi vai trò sai lầm của anh ta cũng khó khăn như tự ông đảm nhận chính xác vai trò của mình.
Câu hỏi đặt ra là: Sau khi bệnh nhân đã phân chia con người toàn thể của mình thành hai cái tôi cơ bản, thì anh ta sẽ bỏ lại cái tôi hay con người nào của anh ta trong nhà trị liệu, và trong tình huống nào thì anh ta từ bỏ nó? Còn con người nào anh ta sẽ mang theo vào cuộc sống: một bản thân sáng tạo tốt lành, hay một bản thân rối loạn, đau bệnh?
Có điều, ngay cả khi bệnh nhân thành công trong việc bỏ lại phía sau cái tôi rối loạn thần kinh của mình, và phá hủy nó làm nó biến mất, thì thường anh ta sẽ phải chuốc lấy cảm giác tội lỗi. Nếu không, anh ta đã không phải kẻ rối loạn thần kinh và hoàn toàn không phải tìm đến trị liệu. Thay vì cố giải thích theo lối tư tưởng phân tâm, rằng cảm giác này xuất phát từ những tội lỗi ấu thơ, và rồi phủ nhận hay hiểu nhầm nguồn gốc thực sự của nó, thì nhà trị liệu có thể giải thích cho anh ta rằng, cảm giác tội lỗi này là nhất thiết phát sinh từ tình huống trị liệu, và do đó khiến nó dễ chịu đựng hơn. Về cơ bản, trong bất cứ trường hợp nào, nhà trị liệu cũng sẽ không thể nào loại bỏ hoàn toàn cảm giác tội lỗi của con người, ít nhất là với nhân cách rối loạn thần kinh. Nhưng có một khác biệt to lớn giữa:
(i) một đằng là việc bệnh nhân cảm thấy sợ hãi và tội lỗi mà không có lí do rõ rệt nào, và
(ii) một đằng là việc anh cảm thấy tội lỗi vì đã làm theo ý chí riêng của mình.
Trong trường hợp đầu tiên, cá nhân cảm thấy tội lỗi gấp đôi, nghĩa là anh ta cảm thấy tội lỗi vì tội lỗi không có lí do nào cả. Trong trường hợp thứ hai, cảm giác tội lỗi hình thành một chỉ số giá trị để cho cá nhân thấy một thái độ phù hợp với mục tiêu của mình.
Trước đấy, chúng ta đã mô tả mặc cảm lỗi kiểu rối loạn thần kinh như là một sự ức chế nỗi sợ chống lại sự phát triển và trưởng thành – một sự phát triển mà trên thực tế dẫn đến điểm cuối cùng là cái chết. Nếu cá nhân chấp nhận nỗi sợ chết được hợp lí hóa thành cảm giác tội lỗi này, thì anh sẽ lại rơi vào vòng xoáy ý thức tội lỗi chống lại chính mình – bắt nguồn từ nỗi sợ sống. Cảm giác tội lỗi này cho thấy nó không chỉ là vấn đề cơ bản nhất của cuộc sống nói chung, mà còn là vấn đề cốt yếu của mọi liệu pháp tâm lí. Bởi cảm giác tội lỗi khởi lên từ chính cá nhân, cũng như từ những người phải chịu đựng nó trước đó, được phóng chiếu lên nhà trị liệu. Và chính vì thấu hiểu sâu sắc về sự phóng chiếu tội lỗi không thể tránh khỏi này của cá nhân, chúng ta thấy được rõ ràng ý nghĩa nền tảng của nó trong đời sống tinh thần con người. Đối với người chỉ dựa trên tư cách cá nhân của mình, anh ta sẽ không thể chịu được điều tự nhiên nhất của mọi quá trình sống, đấy là sự phát triển và trưởng thành. Đơn giản vì, việc thừa nhận sự độc lập của bản thân nhất định phải gắn với trưởng thành, mà anh ta cũng cố gắng kháng cự lại việc trưởng thành đấy.
Để bảo trì bản thân, và để phát triển hơn nữa, chúng ta sẽ phải liên tục tiếp nhận sự nuôi dưỡng, tức là thâu nhận đời sống bên ngoài, bất kể là vật chất hay tinh thần, và chúng ta phải có khả năng đáp đền cho sự trưởng dưỡng này bằng những hành động cụ thể, bằng từng phần sinh mệnh của mình. Người rối loạn thần kinh, với thái độ toàn thể của mình, không thể thực hiện sự phân hóa từng phần này. Do vậy, anh ta có triệu chứng từ chối chấp nhận bất cứ điều gì xuất hiện theo kiểu nguồn nuôi dưỡng, anh ta chối bỏ sự nuôi dưỡng đấy.
Trong trị liệu, việc chấp nhận vật chất nuôi dưỡng trong vai trò người mẹ dễ dàng hơn là việc phải từ bỏ nó. Trong đấy, một người đã phải từ bỏ chính mình để tiếp nhận nguồn sinh dưỡng, và nó không đòi hỏi sự hồi đáp nào. Do đó, bệnh nhân càng thích nghi tốt với hoàn cảnh trị liệu, thì việc cắt đứt sau cùng sẽ càng khó khăn cho anh ta. Với anh ta, bất kì chia sự chia tách nào của- tôi khỏi của-bạn đều chỉ có thể thành công với những khó khăn. Rồi thì sau đó, anh ta hoặc là cố gắng để lại ở đó tất cả những gì anh ta đã nhận được, hoặc đem tất cả những gì anh ta có (bản thân mình) để trả lại cho những gì anh ta đã nhận. Không có cách nào là giải pháp mang tính kiến tạo cả, vì nó chỉ là sự thay thế cho: thứ nhất là vấn đề thực sự về sự trưởng thành độc lập; và thứ hai là cho một giả tưởng đạo đức xã hội về việc trao và nhận. Bởi giải pháp thứ nhất sẽ là sau chót, còn giải pháp thứ hai là một phần.
Chúng ta không thể giúp bệnh nhân thoát được khỏi vướng mắc tội lỗi này bằng cách nêu ra những dồn nén và mê đắm thời thơ ấu. Bởi không thể phủ nhận rằng, cá nhân đã chịu ảnh hưởng bởi cha mẹ, và cứ theo cái đà đó, thì sẽ quy về tội lỗi tổ tông. Tuy nhiên, trong đó, chúng ta đã nhận ra được vấn đề cá tính hóa. Theo đó, trong và từ hoàn cảnh trị liệu, chỉ có giải pháp năng động là khả thi, và cũng chỉ khả thi duy nhất trên bình diện đạo đức - xã hội của vấn đề ý chí và tội lỗi, thể hiện ra trong cá nhân như là một vấn đề sống căn bản: trưởng thành và cái chết.
Cảm giác tội lỗi khởi lên: (i) một đằng từ nỗi sợ chết ức chế không để cho cá nhân trưởng thành và trở nên tự lập; (ii) một đằng từ bổn phận với bản ngã của chính mình, mà cá nhân mắc nợ nó khả năng sống và phát triển tự do. Do vậy, giải pháp phải chạm đến cả hai khía cạnh của vấn đề tội lỗi bằng cùng một cách. Điều này chỉ khả thi nếu trải nghiệm trị liệu mang đến cho cá nhân một tiềm năng sống với cái phần nhân cách mà từ trước đến nay bị anh ta nén lại hoặc bị phủ nhận, bất kể đó là cái tôi xung năng bốc đồng hay cái tôi ý chí. Thông qua việc thấu rõ cảm xúc của mình về cái phần bản ngã cho đến nay vẫn bị phủ nhận, cá nhân ở trong một vị thế có thể đối chiếu, và trên cơ sở đấy đưa ra lựa chọn, mặc dù đấy không phải là một chọn lựa có ý thức. Trị liệu giải phóng những phần cái tôi cho đến giờ vẫn bị phong bế trong bệnh nhân, và anh ta lại sử dụng nó nhằm bảo vệ mình trước những trải nghiệm đời thực. Phép trị liệu này cũng đồng thời có giá trị như một tầng mức phát triển, nó không còn chỉ đơn thuần là tiềm năng nữa. Vì trong chừng mực cảm giác tội lỗi khởi lên từ sự ân hận vì đã dồn nén một phương diện sống, thì trong hoàn cảnh trị liệu, trải nghiệm cảm xúc về phương diện sống bị dồn nén hay phủ nhận ấy sẽ làm dịu đi cảm giác hối hận đó. Trong khi đấy, cảm giác tội lỗi xuất phát từ một nguồn cơn đối ngược là sợ giải phóng và sợ trải nghiệm đời thực sẽ được chuyển hóa thành sự tự chịu trách nhiệm bởi những lựa chọn giờ đây để ngỏ cho cá nhân.
Giờ đây, nhà trị liệu sẽ thấy rằng mọi “kĩ thuật” chẳng có gì quá cao siêu cả, nó chỉ là một sự cân bằng khéo léo giữa bình diện ảo tưởng trong trị liệu với bình diện đời sống thực tế. Ông ấy còn có thể thấy rằng, trong mọi trường hợp, con quỷ xấu ác ẩn dưới tất cả đang và vẫn là nỗi sợ:
(i) Nỗi sợ này trước hết phải được giải phóng khỏi mọi lớp ngụy trang và hợp lí hóa của nó. Nó phải được đưa trở về hình trạng căn bản của nó với hai thái cực: nỗi sợ sống và nỗi sợ chết;
(ii) Bước trị liệu tiếp theo là vượt qua nỗi sợ này bằng cách hoàn toàn để bản thân đầu hàng trước trải nghiệm trị liệu, cùng lúc phân biệt đâu là cảm xúc của cái tôi, từ đó giúp cái tôi trở nên có năng lực trải nghiệm cuộc sống với từng phần bản ngã của mình dựa trên bình diện ảo tưởng;
(iii) Bước cuối cùng là giải phóng con người sáng tạo đang hành động trong giai đoạn cuối của trị liệu, theo đó thay thế cho nhà trị liệu – một cái tôi hỗ trợ mà cuối cùng sẽ phải loại bỏ. Thay vào đó, thực tại sẽ nhận lấy vai cái tôi hỗ trợ. Đấy không còn là một thực tại tĩnh như thái độ rối loạn thần kinh thấy lúc đầu, mà là một thực tại thay đổi theo mỗi trải nghiệm, và cá nhân có đủ khả năng đối mặt bằng thế giới nội tâm riêng biệt bên trong anh.
Nguy cơ thất bại lớn nhất trong liệu pháp nằm ở thực tế là bệnh nhân muốn kết thúc quá trình: (i) hoặc hoàn toàn triệt để như khi anh ta bắt đầu nó và từ đó thoát khỏi tội lỗi của anh ta trước cuộc sống và chính mình trong trải nghiệm tiềm năng này; (ii) hoặc anh ta cố chuộc lại mình tự do khỏi nó và khỏi cuộc sống với khoản thanh toán một phần quá nhỏ trong hoàn cảnh trị liệu. Trong cả hai trường hợp, cảm giác tội lỗi phát sinh về sau là tội lỗi vì đã chống lại cuộc sống, vẫn sẽ mang tính rối loạn thần kinh. Trong trường hợp giải phóng thành công con người sáng tạo, đúng là cảm giác tội lỗi xuất hiện là điều không thể tránh khỏi, nhưng không phải là không thể khắc phục được.