“Một câu hỏi dành cho các chuyên gia tâm thần học: Liệu các chứng loạn thần kinh có thuộc về sức khỏe không?”
- Nietzsche (1886) -
Quan niệm của phân tâm học về các chứng rối loạn thần kinh chức năng và về bệnh tật nói chung chắc chắn đã dẫn chúng ta đến một quan niệm rộng hơn về bệnh tật. Từ góc độ trị liệu, có lẽ tốt nhất chúng ta nên gọi đó là một triết lí về đau khổ. Từ những suy luận trước đó của chúng ta về nỗi sợ sống và nỗi sợ chết, trước hết chúng ta có được một nền tảng để hiểu về đau khổ. Nó vốn vượt khỏi ý niệm lí tính về việc tự trừng phạt mình trong tâm - sinh lí học. Bệnh tật, ít nhất được gọi là chứng loạn thần kinh chức năng, chứng tỏ nó là một phương tiện để trả giá từng phần cho cái chết, một nỗ lực thoát khỏi cái chết toàn phần bằng cách từ bỏ một phần của bản thân, nghĩa là, một nỗ lực để né tránh nỗi sợ chết. Từ một nỗ lực đánh lừa cuộc sống của cá nhân, rốt cuộc thành ra chúng ta lại tự đánh lừa mình về cuộc sống, và điều ấy chỉ góp phần tạo nên chứng rối loạn thần kinh mà thôi. Rõ ràng là trong chứng rối loạn thần kinh, con người đã sử dụng sai những đặt định của tự nhiên: Chúng ta đánh giá quá cao bản thân một cách cố chấp bướng bỉnh, và do đó, tước đoạt giá trị sinh học của chính nó. Chúng ta không thể chấp nhận cái mà Đức Phật gọi là sinh, lão, bệnh và tử như là một hệ quả tự nhiên của chu trình sống. Bởi quá trình già và chết đi sẽ hoàn toàn xóa sổ mọi tác động của con người, nên con người coi bệnh tật như một điều gì xấu ác phải tấn công hòng chứng tỏ sức mạnh vượt trên tự nhiên của mình. Tuy nhiên, với sự thấu hiểu sâu hơn về đời sống tinh thần của con người, chúng ta phải biết rằng đau bệnh không chỉ cần thiết về mặt sinh học, mà còn cần thiết với tinh thần con người: Bằng những “cái chết” một phần, bằng sự hủy diệt và mất đi từng phần trong mình, chúng ta giải phóng những khả năng sống mới; đồng thời về mặt tâm lí, nó có tác dụng như một dạng trả nợ, một dạng trút đi cảm giác tội lỗi vì được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi.
ĐAU BỆNH VÀ CHỮA LÀNH (1): VAI TRÒ CỦA Ý CHÍ
Tâm lí học về các chứng rối loạn thần kinh, theo nghĩa hẹp hơn, sẽ đưa chúng ta đến một câu hỏi sâu hơn, đấy là: Liệu con người có thể tự tạo ra bệnh tật, hay thậm chí phát triển một mầm mống bệnh tật cho một mục đích nào đấy hay không? Và nó có thể đến mức độ nào?
Có vẻ như là điều đấy rất có thể xảy ra khi nỗi sợ sống, hoặc cảm giác tội lỗi với cuộc sống do đã liên tục từ chối sống, trở nên quá lớn đến mức anh ta chỉ có thể cân bằng nó với một căn bệnh tạm thời hoặc lâu dài. Người rối loạn thần kinh do vậy sống tiêu cực, như luôn là thế, vì anh không trả giá bằng sự sống mà bằng cái chết. Anh ta tìm cách chuộc lại tự do cho mình bằng cách giết chết, hủy hoại một phần trong mình thông qua một cơn bệnh, mà không thu lại bất cứ điều gì từ cách đó. Không thể nói anh ta là một kẻ kém may mắn, vì người rối loạn thần kinh, ngược lại, sẽ không chấp nhận cái gì, ngay cả sự may mắn, bởi anh ta không sẵn lòng trao đi, và thực tế là không thể trao đi bất cứ thứ gì. Do vậy, có vẻ như trong cơn đau bệnh của người rối loạn thần kinh, chúng ta gặp phải một nỗ lực cưỡng ép tự nhiên từ phía con người, tức là nỗ lực chống lại chính mình như là một phần của tự nhiên. Mặc dù tình huống này giờ đây có vẻ đã khá rõ ràng, nhưng vẫn chưa rõ nguồn cơn của sự cưỡng ép đấy thật sự là gì, và toàn bộ quá trình này nhắm tới mục đích nào.
Trong khi nghiên cứu các chứng rối loạn thần kinh, tôi dần thấy rõ rằng phân tâm học Freud, mặc dù đã nhận ra nghịch lí này, nhưng không thể hiểu về nó một cách đầy đủ. Bởi vì phân tâm học Freud đã bỏ qua một yếu tố cốt yếu trong đời sống tinh thần, đấy là ý chí cá nhân. Thế nên, trong quan điểm về các chứng rối loạn thần kinh, phân tâm học vẫn kiên quyết cho rằng đấy là sự tự trừng phạt bản thân. Khái niệm này dựa trên ý tưởng về sự trừng phạt từ bên ngoài và thấm nhuần mùi vị đạo đức. Freud cho rằng, cái phần thực hiện sự tự trừng phạt này chính là cái siêu-tôi. Song bản thân cái siêu-tôi lại là một đại diện bên trong của những áp lực bên ngoài (như người cha, hay xã hội) đã từng trừng phạt hoặc có khả năng trừng phạt cá nhân.
Trái với quan điểm này, trong cuốn sách đầu tiên của mình, The Artist, tôi đã giả định rằng, có một khả năng kiềm chế vốn có trong chính đời sống bản năng, đấy gần như một bản năng ước chế. Mãi về sau92 tôi mới nhận ra đấy là Ý chí, khi tôi thừa nhận khía cạnh tích cực của nó: (i) Ý chí như là một cơ quan hợp nhất cái tôi bốc đồng thường hay làm theo những xung năng thôi đẩy; và (ii) Ý chí có khả năng kiến tạo để từ đó thiết đặt, phát triển và thay đổi không chỉ thế giới xung quanh mà còn cả chính mình. Tâm lí học di truyền của tôi sẽ cho thấy ý chí cá nhân tự hình thành như thế nào trong mối liên hệ với những ảnh hưởng từ bên ngoài của uy quyền và thực tại, rằng vì những ảnh hưởng này, ý chí trở nên vững mạnh hoặc đổ vỡ ra sao. Ở một cá nhân đã phát triển, chúng ta thấy ý chí hiện diện như một sức mạnh tự chủ, có khả năng tạo ra những thay đổi tích cực, mặc dù nó rất thường biểu hiện ra một cách tiêu cực. Schopenhauer có lẽ là người đầu tiên nhận thấy rõ ràng rằng, con người có thể biến đổi từ có-ý-chí thành không-ý-chí. Thật ra phát hiện này cũng không có gì mới mẻ, bởi chúng ta phải hiểu rằng, đúng ra lúc ban đầu, ý chí của cá nhân khởi nguồn từ chỗ là “không-muốn”: không chỉ trong mối liên hệ với các áp lực bên ngoài, mà còn trong mối liên hệ với những xung lực thôi đẩy từ bên trong.
92 Quan niệm này xuất phát từ tác phẩm phân tâm của tôi, sau đó đã được Klages xác nhận. Tuy có phần phiến diện, nhưng ông ấy đã hiểu ý chí như một cơ quan ước chế. Xem thêm tóm lược bài viết của Ludwig Klages, Persönlichkeit, Das Welt- bild Bd. 11 Potsdam, 1927.
Giờ chúng ta hãy quay trở lại với khái niệm bệnh tật. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ không thể nào thấu triệt về bệnh tật nếu không có Tâm lí học Ý chí. Rõ ràng là bản chất tiêu cực của ý chí, cái không-muốn của nó làm cho nó hoàn toàn có thể kháng cự lại bệnh tật, như trong thực tế, tâm thức dân gian đã chứng minh. Vậy thì đến đây, tôi muốn bổ sung thêm một quan điểm mới, rằng: Ý chí tích cực có thể chấp nhận bệnh tật như một thứ được điều khiển bởi ý chí, hoặc ít nhất khẳng định nó, hoặc sử dụng nó, hay xa hơn nữa như mẫu người sáng tạo – thậm chí có thể vượt qua bệnh tật một cách kiến tạo.
Có lẽ Nietzsche là nhân chứng vĩ đại nhất cho ý chí tích cực này, cũng là khởi nguồn cho cái nhìn sâu sắc về tầm quan trọng của ý chí ở khía cạnh tâm lí học. Ông nổi tiếng không chỉ vì đã xác nhận sự đau bệnh của mình, mà thật ra còn tán dương nó. Cùng với đó, thông qua trải nghiệm của mình, ông còn khám phá ra rằng, hóa ra trở nên khỏe mạnh thậm chí còn có giá trị hơn cả sự khỏe mạnh vốn sẵn. Bởi vì trở nên khỏe mạnh, bản thân nó là một sự kiến tạo, theo một nghĩa nào đó, nó cho thấy tính sáng tạo của ý chí cá nhân. Ông nói rằng: “Tôi đã nắm giữ chính mình, tự mình tôi đã làm cho mình khỏe mạnh trở lại.” Điều kiện tiên quyết cho quá trình này là một người phải khỏe mạnh từ trong bản chất. Một người vốn đã bệnh tật không thể trở nên khỏe mạnh, thậm chí còn khiến cho chính mình bệnh tật hơn. Trong khi với một người vốn đã khỏe mạnh, thì ngược lại, đau bệnh thậm chí có thể là một tác nhân kích thích mạnh mẽ để tiếp tục sống.
Tuy nhiên, chính Nietzsche cũng đã trải nghiệm cái điều mà chúng ta thấy ở rất nhiều nghệ sĩ, đấy là: Bất cứ loại đau bệnh nào cũng có thể dẫn đến việc bù trừ một cách sáng tạo quá mức bằng công việc, tác phẩm của mình93. Và ông cũng đặt ra một vấn đề sâu sắc hơn, đấy là: Phải chăng cả bệnh tật và công việc đều là biểu hiện của một ý chí sáng tạo trong cá nhân? Chúng ta cũng có thể hiểu như thế. Với Tâm lí học Ý chí mà tôi đã phát triển từ việc nghiên cứu về các chứng rối loạn thần kinh, tôi tin rằng, trong một số tình huống bệnh tật nhất định, cá nhân nỗ lực tái tạo bản thân, và sự tái tạo này mang dáng vẻ của việc tự chữa lành. Nhưng trở nên khỏe mạnh không phải mục đích của nó. Ngay cả Nietzsche, sau khi tự chữa lành cũng không phải là trở nên khỏe mạnh mà là trở nên hiệu quả và năng suất, nghĩa là ông có khả năng chuyển hóa thôi thúc sáng tạo từ cơ thể sang nhân cách, và điều đấy được biểu hiện về mặt tinh thần trong công việc hay tác phẩm của ông.
93 Học thuyết của Alfred Adler cũng dựa trên một quan điểm tương tự về khuynh hướng bù đắp quá mức cho những phần cơ thể bị khuyết thiếu và là nền tảng cho ý tưởng của Wilhelm Ostwald về một khuynh hướng sinh học “chữa lành quá mức”.
Tạm gác lại chủ đề năng suất này, chúng ta một lần nữa quay trở lại với chứng rối loạn thần kinh. Trong kiểu người này, khuynh hướng sáng tạo thay vì biểu hiện ra bên ngoài, lại chỉ giới hạn trong phạm vi cái tôi.
Người rối loạn thần kinh là người thể hiện ý chí sáng tạo chỉ riêng trong giới hạn cái tôi của anh ta, cả về thân thể và tinh thần. Điều này cho thấy rằng anh ta không thể thực sự chấp nhận bản thân mình như vốn có. Anh ta bất mãn với bản thân, với cái tôi vốn có của chính mình, và anh bị thôi thúc phải cấu trúc lại, tu sửa lại cái tôi đấy theo ý chí của riêng anh. Việc anh ta có một hình ảnh lí tưởng về bản thân trong tâm trí hay không cũng không khác biệt là mấy. Bởi điều anh ta chú tâm là biểu đạt ý chí của mình, hơn là đạt được một mục tiêu xác định nào đấy – mà trong bất kì trường hợp nào, mục tiêu đấy hầu như cũng ngoài tầm với. Do đó, anh ta chưa chắc đã thực sự muốn được chữa lành hay khỏe mạnh, bởi điều đấy có nghĩa là anh ta đã đạt được một mục tiêu – có lẽ anh ta sẽ muốn đạt được nó với điều kiện đấy không phải là một mục tiêu. Mục tiêu chính là một kiểu kết thúc, và kết thúc đấy chẳng khác nào cái chết đối với người loạn thần kinh, dù cho nó là kết thúc của một quá trình trị liệu với mục đích là sức khỏe đi chăng nữa.
Nhưng chứng rối loạn thần kinh không chỉ là biểu hiện của ý chí sáng tạo cá nhân được thực hiện trên “mảnh đất” của bản ngã. Nó còn là biểu hiện của ý chí hủy diệt đối với cái phần bản ngã đã bị khuất phục. Nói cách khác, đấy là một nỗ lực của ý chí cá nhân trong việc cải tạo, tu sửa một phần cái tôi của mình, hòng tạo ra một bản thân chính xác theo cái hình ảnh lí tưởng mà anh ta mong muốn. Chứng rối loạn thần kinh cho thấy quá trình nung chảy cái tôi này đang trong thời kì thai nghén (statu nascendi), trong đó cái cũ đã tan chảy phần nào và cái mới vẫn chưa được kết tinh thành hình.
Tại sao rất nhiều người rõ ràng vẫn mắc kẹt vô vọng trong quá trình tái kết cấu cái tôi vốn sẵn này thành một cái tôi có ý chí, và thường không thể thoát khỏi nó bằng bất kì phương pháp trị liệu nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét một số khía cạnh phức tạp của vấn đề.
Trước hết chúng ta phải nhớ rằng, dù số lượng người mắc rối loạn thần kinh liên tục tăng, đa phần con người bằng cách nào đó đều hoàn thành nhiệm vụ tự hình thành cái tôi và sáng tạo cái tôi. Mặt khác, sự gia tăng các chứng rối loạn thần kinh có liên hệ với sự gia tăng ý thức về bản thân, cùng với đó là sự gia tăng cảm giác tội lỗi và sợ hãi, để kiểm soát những điều này mà cá nhân ngày càng phó thác vào chính mình nhiều hơn, khi các phương pháp trị liệu tập thể đều đã thất bại.
Có một suy ngẫm khác dẫn sâu hơn vào tâm lí học và gắn liền với những kết luận của chúng tôi về nỗi sợ sống. Một cá nhân chạy trốn khỏi cuộc sống: (i) thứ nhất là vì anh ta bất mãn với cái tôi vốn sẵn của mình do có những lí tưởng mục tiêu quá cao vời; (ii) thứ hai do bởi sợ hãi nên không thể chấp nhận cái tôi của mình, chấp nhận mình là mình. Anh ta có thể trốn chạy bằng cách hình thành một lí tưởng phi lí theo kiểu nghệ sĩ và thể hiện nó ra bên ngoài bằng những hình thức khách quan hóa, hay cũng có thể hình thành những triệu chứng huyễn ảo theo kiểu rối loạn thần kinh, biểu hiện một cách chủ quan. Trong thực thế, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều cá nhân với những biến thể kết hợp của hai cơ chế trốn chạy này.
Quan điểm vừa trình bày giả định hai thực tế: một là sự mở rộng của ý thức về bản thân, nhất là trong kỉ nguyên tâm lí học mà chúng ta đang sống; hai là sự gia tăng ý thức về bản thân hẳn đã đủ giải thích cho việc gia tăng cảm xúc tội lỗi và nỗi sợ hãi, thể hiện trong sự gia tăng đặc biệt của các chứng loạn thần kinh. Cả hai điều đấy rõ ràng đều có mối liên hệ với sự cá nhân hóa ngày càng gia tăng. Theo đó, cá nhân một mặt ngày càng phó thác cho bản thân nhiều hơn, mặt khác ngày càng chìm sâu hơn vào chính mình – đấy là một trạng thái mà về cơ bản cái tôi nỗ lực đạt tới trong bất kì trường hợp nào. Mặt tối của khả năng làm chủ bản thân là trách nhiệm cá nhân ngày càng tăng lên, nó biểu hiện ra với cảm giác tội lỗi, và theo đó, làm nỗi sợ hãi tăng thêm.
Một lần nữa, chúng ta lại bắt gặp xung đột căn bản giữa toàn thể và bộ phận. Bởi nỗi sợ xuất hiện như một hệ quả của sự cá nhân hóa, là nỗi sợ một mình, nỗi sợ cô độc, sợ mất đi cảm giác thân thuộc với những người khác, và cuối cùng sợ mất đi kết nối với TẤT CẢ. Ở đây liệu pháp tâm lí có một chức năng hàn gắn: Nó không chỉ nỗ lực gắn kết người rối loạn thần kinh với xã hội, mà thậm chí trong phương pháp của mình, nó còn mang đến cho bệnh nhân tư cách của nhà trị liệu – cái “kẻ” mà anh ta đã xa rời trong khi cố gắng tạo nên một ý chí độc lập tự chủ, “kẻ” đó là một phần trong chính anh ta. Giờ đây, chúng ta có thể hiểu được vì sao từ một phần, một “kẻ” bị chia tách từ chính bản thân, rất nhanh nó sẽ trở thành “tất cả” đối với người rối loạn thần kinh, và điều này góp phần tạo nên cái khía cạnh khó khăn nhất trong điều trị cho người rối loạn thần kinh. Vì chứng rối loạn thần kinh vốn được hình thành dựa trên tâm lí hoặc là tất-cả hoặc không-là-gì. Cả hai chiều kích tâm lí đấy đều có nghĩa là cái chết đối với anh ta, và chúng đều có khuynh hướng giải phóng nỗi sợ hãi.
ĐAU BỆNH VÀ CHỮA LÀNH (2): TRÊN TẤT CẢ LÀ Ý CHÍ SỐNG
Chúng ta sẽ quay trở lại với quá trình trị liệu này và vai trò của nhà trị liệu trong chương sau. Bây giờ hãy quay trở lại với quan niệm về đau bệnh.
Hẳn bạn đã không còn phải nghi ngờ gì nữa: Bệnh tật bắt nguồn từ một nỗ lực tái tạo lại cái tôi vốn sẵn thành một cái tôi có-ý-chí. Trong cơn đau bệnh ấy, khoảnh khắc mà một con người tìm đến nhờ cậy nhà trị liệu hé lộ một bước ngoặt quan trọng: một mặt, nó cho thấy một bước tiến hướng đến việc cải thiện tình hình; mặt khác nó cho thấy bệnh nhân đã đạt đến đỉnh điểm căng thẳng của quá trình rối loạn thần kinh. Và hành động cầu cứu sự giúp đỡ từ một người lạ có hai ý nghĩa: thứ nhất, nó cho thấy bệnh nhân có khả năng sẽ từ bỏ ý chí của bản thân; thứ hai, đối với sự tự trị của cá nhân mà nói, đấy còn là một lời thú nhận thất bại.
Như tôi đã chỉ ra, trong giai đoạn ban đầu này, khi bệnh nhân tìm đến nhà trị liệu, họ luôn có khuynh hướng ngoan cố đi liền với nhượng bộ, cứng đầu lẫn yếu nhược, đầu hàng lẫn chi phối. Theo thuật ngữ phân tâm học, thì tức là bệnh nhân tự nguyện đến cùng lúc mang theo sự phản kháng. Nhưng tôi tin rằng, trong mọi trường hợp, chúng ta không nhất định phải loại bỏ những phản khánh này, không cần phải đánh bại và đập tan ý chí của bệnh nhân để có được kết quả. Phân tâm học cho rằng phải loại bỏ phản kháng của bệnh nhân là bởi nó xuất phát từ việc lấy nhà phân tâm làm trung tâm. Thế nên nó chỉ nhận diện việc chống lại sự giúp đỡ từ bên ngoài như là sự “phản kháng”, mà không thấy những khuynh hướng tự chữa lành ẩn tàng trong sự phản kháng đấy.
Theo tôi hiểu, ngay từ đầu chứng rối loạn thần kinh, cùng với sự hủy hoại bản thân, đã bao gồm trong nó cả sự tự sáng tạo bản thân. Và tôi tin rằng, một liệu pháp năng động nên đem sức mạnh kiến tạo tích cực này vào trong cá nhân, thay vì buộc anh ta phải chấp nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài, sự giúp đỡ mà hẳn nhiên sẽ bao hàm cả những giá trị và đánh giá của cá nhân khác. Nói cách khác, tôi cố gắng làm nảy nở trong những bệnh nhân rối loạn thần kinh sức mạnh và những lực thúc đẩy tự trị liệu này, chúng sẽ thường ẩn nấp đằng sau cái gọi là phản kháng, và thường chỉ có thể biểu hiện ra theo lối tiêu cực.
Tôi đã nhận ra vai trò tự trị liệu của chứng loạn thần kinh sau khi thấu hiểu giá trị kiến tạo của sự phản kháng: Điều này thể hiện ra không chỉ trong thái độ của bệnh nhân với cuộc sống, với tình huống trị liệu và với bản thân anh ta nói chung, mà còn thể hiện cụ thể trong quá trình hình thành triệu chứng và chuyển hóa triệu chứng khi nó phát sinh, và thể hiện không chỉ trong quá trình đau bệnh mà còn trong khi chữa lành. Tôi chưa từng thấy một bệnh nhân rối loạn thần kinh nào lại không tận dụng các triệu chứng của mình – dù sớm hay muộn, dù ý thức nhiều hay ít, để tự trị liệu, như một minh chứng hay sự kiểm tra sức mạnh của mình.
Nói cách khác, anh ta tạo ra các triệu chứng đó hoặc bám chặt vào nó thành mãn tính, tức là anh ta sử dụng nó nhằm xem xem mình đã vượt qua nó chưa, hay vẫn có thể tiếp tục duy trì nó.
Đối với việc trị liệu, anh ta cũng làm như vậy, không chỉ để sau cùng biến khả năng tự chữa lành trong mình trở thành một liệu pháp, mà còn để với khả năng này, anh ta có thể áp dụng những xung lực sáng tạo trong mình theo ý chí của riêng mình lên quá trình trị liệu, thay vì vào chính bản thân. Trong nỗ lực này của anh ta, liệu pháp năng động phải hỗ trợ anh ta, nếu không anh ta sẽ hướng sự hủy hoại mang tính rối loạn thần kinh của mình vào quá trình trị liệu trong khi chứng tỏ cái tôi của mình. Khi đó, thay vì phá hủy chính mình, anh ta sẽ phá hủy công việc trị liệu – một thế thân cho chính anh ta, đặc biệt khi đấy lại là công việc của nhà trị liệu.
Ở giai đoạn cuối của quá trình phân tâm, nếu còn lại đủ năng lượng sáng tạo, anh ta sẽ tạo ra một cơn đau bệnh thể chất, và rồi sau đấy anh sẽ tự chữa khỏi nhờ chính sức mạnh tự thân. Điều này xảy ra nhiều lần, thậm chí suốt cả quá trình, trong liệu pháp tư tưởng của phân tâm học. Có vẻ như khi loại bỏ những ức chế trong tinh thần, thì hạn chế về mặt thân thể trở nên không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, nó ít nhất cũng là một biểu hiện của năng lượng sáng tạo tự nguyện, mà phân tâm học theo liệu pháp tư tưởng đã cản trở nó hoạt động, do vậy năng lượng này chỉ có thể biểu hiện ra như là sự phản kháng. Mặt khác, trong quá trình tái tạo lại thông qua cơn đau bệnh này, xung lực hủy diệt cũng đóng góp phần cân xứng, thế nên kết quả của một cơn đau bệnh như vậy thậm chí có thể là tiêu cực. Có vẻ như Nietzsche đã đúng khi nói rằng, một người sẽ khỏe mạnh từ tận cốt tủy, nếu như anh ta muốn sống, có ý chí sống, thì động lực sáng tạo trong anh ta vẫn mạnh mẽ hơn tất cả, bất chấp mọi sự đau ốm. Và dù là phép chữa trị nào, anh ta rốt cuộc sẽ khỏe mạnh và vững vàng từ thảy những trải nghiệm của mình về cái chết, về sự hủy hoại. Trong khi một người về cơ bản đau bệnh, chừng nào anh ta còn chưa vượt qua được nỗi sợ sống, anh ta để cho xung lực ức chế sống trong anh chiếm ưu thế, thì anh ta không bao giờ có thể trở nên khỏe mạnh được cả.
RỐI LOẠN THẦN KINH VÀ NHÀ TRỊ LIỆU: HAI MẪU HÌNH BỔ KHUYẾT
Việc đánh giá bệnh tật như là một biểu hiện của năng lực sáng tạo cá nhân dẫn đến một quan niệm hoàn toàn khác về người loạn thần kinh. Đấy gần như là một lời bào chữa cho người rối loạn thần kinh, rằng họ không chỉ có tiềm năng hợp nhất trong chính mình những khả năng hủy diệt cũng như sáng tạo, mà còn chứng minh chúng trong thực tế. Người loạn thần kinh, mặc dù không thành công trong việc dịch chuyển hai khuynh hướng tư tưởng cơ bản này từ bản ngã của mình sang tác phẩm hay công việc khách quan, tuy thế anh ta giống như một nghệ sĩ bị sa cơ, và vẫn thuộc về mẫu người năng suất, hơn là giống với một con người bình thường. Suy cho cùng, thái độ khinh miệt mà nhà trị liệu dành cho người rối loạn thần kinh, bất chấp mọi hiểu biết về anh ta, xuất phát từ việc là ông nhìn thấy trong anh ta cái tôi tự hủy hoại chính mình. Cũng giống như khi bệnh nhân cố gắng tìm kiếm bóng dáng cái tôi sáng tạo của chính mình nơi nhà trị liệu, bằng cách đồng nhất hóa. Theo nghĩa này, nhà trị liệu và bệnh nhân rối loạn thần kinh là hai mẫu hình nhân cách bổ sung cho nhau. Theo đó, cách nhà trị liệu sử dụng bệnh nhân trên phương diện tinh thần, cũng hệt như cách bệnh nhân sử dụng nhà trị liệu cho mục đích sáng tạo bản ngã của mình94.
94 Xem Cái thật và Thực tại (Truth and Reality), Sđd. Trong một cuốn sách có tiếng mà tôi chú ý đến khi viết chương này, tôi thấy tác giả Schulte-Vaarting cũng có cách hiểu tương tự về mối liên hệ chuyển giao, ông ấy đã cố gắng giải thích theo hướng sinh học xã hội (socio-biological) bằng cách bỏ qua mọi yếu tố tâm lí. Xem thêm Neubegründung der Psychoanalise, Berlin, 1930.
Trước đấy, người ta vẫn hiểu nhầm rằng, thuyết phân tâm học được coi là một tâm lí học dành cho người rối loạn thần kinh, trong khi thực ra nó đại diện cho kiểu tâm lí của nhà trị liệu, và nó chỉ là phương pháp trị liệu của nhà trị liệu thôi. Nói cách khác, trong khi lí thuyết phân tâm hướng đến trị liệu, thì phương pháp trị liệu của nó lại mang tính tư tưởng – một tình trạng nghịch lí giữa lí thuyết và thực hành mà chúng ta vẫn nói từ đâu đến giờ. Tôi cho rằng, yếu tố chữa lành của liệu pháp tâm lí không nằm ở khả năng tự hiểu biết về tâm lí của bản thân và và sự hình thành tư tưởng của nó, mà ở trong chính mẫu nhân cách trị liệu của nhà trị liệu. Đấy là mẫu hình mà bệnh nhân rối loạn thần kinh tìm kiếm và muốn sử dụng như một mảnh ghép hòng hoàn thiện cái tôi lí tưởng của anh ta.
Để có thể sử dụng liệu pháp bổ khuyết này một cách linh hoạt, chúng ta cần phải hiểu vai trò tinh thần của các lực đằng sau. Chúng ta đã thấy, làm thế nào mà ý chí cá nhân – một yếu tố tâm lí ưu trội đã được thêm vào hai nhân tố sinh học nguyên thủy là xung năng gốc (bản năng) và nỗi sợ trong con người. Chúng ta cũng thấy ý chí đấy có thể biểu hiện ra một phần tiêu cực như là sự ức chế (kiểm soát) và một phần tích cực như là năng lượng sáng tạo. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trong quá trình đau bệnh của người rối loạn thần kinh, động lực sáng tạo này không phải là tính dục như phân tâm học phỏng đoán, mà thực ra là khuynh hướng chống lại tính dục của con người, và chúng ta đã mô tả là nó như một hành động kiểm soát đời sống bản năng một cách tự nguyện. Như tôi hiểu, điều đấy có thể được công thức hóa như sau: bởi động lực sáng tạo thôi thúc, những xung năng sống sẽ phục vụ cho ý chí cá nhân, và đến lượt mình, ý chí này theo tự nhiên sẽ né tránh xung năng tính dục.
Khi phân tâm học nói đến sự thăng hoa của bản năng tính dục, nghĩa là nó đã chuyển hướng bản năng tính dục khỏi chức năng thuần túy sinh học và hướng đến những mục tiêu cao hơn. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: Cái gì làm chuyển hướng và dẫn hướng cho bản năng tính dục đấy? Phân tâm học né tránh câu hỏi này bằng cách nói đến sự dồn nén tính dục. Nhưng sự dồn nén là một nhân tố tiêu cực, nó có thể làm chuyển hướng bản năng tính dục chứ không bao giờ có thể dẫn lối, điều hướng bản năng đấy. Cùng với đó, câu hỏi mang tính xã hội xa hơn kia cũng vẫn đang để ngỏ, rằng: Ban đầu cái gì đã dẫn đến chính sự dồn nén này? Như bạn đã biết, người ta cho rằng sự dồn nén này là do sự tước đoạt từ bên ngoài, và như vậy sự tước đoạt này cũng chỉ có nghĩa là một sự hạn chế tiêu cực. Trong khi tôi cho rằng, ít nhất từ một điểm phát triển nhất định của cá nhân trở đi, sự tự kiểm soát sẽ thay thế cho sự dồn nén và sự chủ động sử dụng xung năng tính dục để phục vụ cho ý chí của mình đã tác động đến sự thăng hoa của bản năng tính dục.
CÁC MẪU HÌNH NHÂN CÁCH: XUNG NĂNG, NỖI SỢ VÀ Ý CHÍ
Do vậy, ở một cá nhân đang trong quá trình phát triển nhân cách, chúng ta phải tính đến bộ ba: xung năng, nỗi sợ và ý chí. Mối liên hệ năng động của những yếu tố này sẽ xác định thái độ hiện tại của cá nhân, hoặc xác định việc anh ta sẽ trở thành kiểu người nào trong thực tế khi đạt đến một sự cân bằng nhất định nào đó giữa những yếu tố này. Cho dù việc đúc rút những quá trình năng động này thành các mẫu điển hình là không thỏa đáng, song đấy vẫn là cách duy nhất để tiệm cận và làm rõ vấn đề phức tạp này. Nếu so sánh các mẫu nhân cách này với nhau, thì rõ ràng chúng ta sẽ thấy:
• Ở người rối loạn thần kinh, đời sống xung năng bị dồn nén quá mức. Tùy theo liệu sự dồn nén xung năng rối loạn thần kinh này phát sinh do nỗi sợ hay ý chí, mà chúng ta có những chứng rối loạn thần kinh khác nhau: chứng cuồng loạn (hysteria) – dồn nén do sợ hãi, hay chứng loạn thần kinh cưỡng chế– một điển hình của dồn nén do ý chí.
• Ngược lại, với mẫu người sáng tạo, ý chí chiếm ưu thế, với sự kiểm soát sâu rộng. Nhưng nó không dồn nén được đời sống xung năng, do vậy xung năng này được giải phóng để phục vụ mục đích sáng tạo trong đời sống xã hội và có khuynh hướng cải thiện nỗi sợ hãi.
• Đối với người được gọi là “thần kinh không ổn định” (psychopathic), thì đời sống xung năng tương đối không bị dồn nén. Tội phạm cũng thuộc mẫu nhân cách này. Với loại người này, ý chí xác nhận và khẳng định đời sống xung năng, thay vì kiểm soát nó. Nghĩa là, dù nhìn có vẻ trái ngược, họ thật ra là những con người có ý chí yếu nhược, chịu sự thôi đẩy từ những xung lực bản năng của mình. Trong khi, trái với những gì chúng ta nghĩ, người rối loạn thần kinh đại diện cho mẫu nhân cách có ý chí mạnh mẽ. Chỉ có điều anh ta chỉ có thể thực thi ý chí của mình trên mảnh đất bản ngã của riêng anh, và nói chung, theo một cách đàn áp khá thô bạo.
Nhà trị liệu có lẽ có thể tóm gọn lại là: (i) Với loại rối loạn thần kinh, nỗi sợ hãi chiếm ưu thế; (ii) Với loại tâm thần không ổn định, những xung năng chiếm ưu thế; và (iii) Với loại sáng tạo thì ý chí chiếm ưu thế. Mặc dù trên thực tế, những mẫu hình theo kiểu phân loại cực đoan này sẽ xuất hiện ở dạng ít nhiều trộn lẫn vào nhau, và cũng có thể liên tục biến đổi. Mặt khác, có vẻ rõ ràng là có tồn tại một đời sống tình yêu trọn vẹn với sự hòa hợp của cả ba nhân tố, mà không loại nào trong số ba loại nói trên có khả năng đạt tới cuộc sống đấy. Khi đời sống xung năng được thỏa mãn trong tình dục, ý chí cá nhân sẽ được thỏa nguyện trong sự lựa chọn và chuyển hóa sáng tạo người bạn đời, trong khi đó nỗi sợ sẽ khuất phục trước tình yêu. Hơn nữa, khi ấy cảm giác tội lỗi cũng phát sinh ở một mức độ nhẹ nhất có thể, bởi (i) những phần tính cách khác nhau: cái tôi xung năng, cái tôi ý chí và cái tôi sợ hãi khi ấy cùng hợp tác, thay vì chống lại nhau; và bởi (ii) mặc cảm sinh lí trước bạn đời, cũng như mặc cảm tội lỗi xã hội với đồng loại sẽ được đền đáp bằng việc tự nguyện trao đi một cách vui vẻ.
Với ba mẫu nhân cách ở trên, cảm giác tội lỗi là không thể tránh được, giống như hơi nóng được tạo ra bởi ma sát trong máy móc:
• Với người rối loạn thần kinh, cảm giác tội lỗi giới hạn hành động và có tác dụng như nỗi sợ, nó ngăn trở cái tôi khỏi việc hành động;
• Với loại tâm thần không ổn định (hay tội phạm), cảm giác tội lỗi thường xuất hiện sau khi có hành vi bốc đồng, đó là sự ăn năn hối hận;
• Với loại sáng tạo, cảm giác tội lỗi thường đi kèm với sự sáng tạo, nhờ thế mà có thể kiềm nén, ước chế, cũng như có những hiệu dụng khác95.
Tuy vậy, mẫu người sáng tạo không chỉ đền trả cho cuộc sống, cho nhân loại bằng tác phẩm hay công trình của mình, mà còn đền bù cho cái chết bằng sự thống khổ rối loạn thần kinh về thể xác hoặc tinh thần. Và ngược lại, nhiều sản phẩm được đem đền trả cho cuộc sống về cơ bản là một dạng rối loạn thần kinh. Do đó, có thể phân biệt hai tuýp nghệ sĩ cơ bản, đôi khi được gọi là:
(i) Dionysian (cảm xúc và bản năng, phi lí và hỗn loạn); và
(ii) Appolonic (lí trí và hài hòa, hợp lí và trật tự). Hoặc cũng có thể gọi là:
(i) Loại lãng mạn; và
(ii) Loại cổ điển96.
95 Xem chương “Sáng tạo và Tội lỗi” trong Cái thật lí và thực tại, Sđd.
96 Gần đây E. Von Synow đã từ quan điểm mĩ học mà gọi những thứ trái nghịch cực điểm là nghệ thuật “bị thống trị bởi tình yêu” và “thống trị tình yêu. Xem thêm Primitive Kunst und Psychoanalise, 1921.
Cùng với đó, theo quan điểm năng động của tôi, hai mẫu hình nghệ sĩ đấy sẽ tương ứng với hai nhóm rối loạn thần kinh chủ yếu:
(i) Dạng Dionysian gần với loại xung năng tâm thần. Dạng này sáng tạo nhiều hơn từ sự kiệt quệ và sự đền bù. Đối với nhóm này, tác phẩm của họ là toàn thể trọn vẹn ngay trong từng biểu hiện đơn lẻ nhất. Trong công việc của mình, họ sống một cách tích cực. Sáng tạo của họ không phải cho xã hội, mà là cho cuộc sống, sự tự nguyện sáng tạo của họ là cách để họ chuộc lại tự do cho mình;
(ii) Dạng còn lại – Appolonic gần với kiểu ý chí rối loạn thần kinh cưỡng chế. Dạng này sáng tạo ra nhiều hơn từ sức sống, từ năng lượng mãnh liệt thông qua sự thăng hoa. Và tác phẩm của nhóm này, ngay cả trong trạng thái toàn vẹn nhất vẫn chỉ là một phần của sự sống. Họ dùng công việc của mình để trả giá cho cuộc sống. Cũng giống như loại trên, điều họ làm không vì xã hội, mà vì cuộc sống, công việc với họ là một biểu hiện của cuộc sống.
Ở đây một lần nữa, trong cuộc đọ sức của các xung năng và ý chí, việc nỗi sợ sống hay nỗi sợ chết chiếm ưu thế sẽ phân biệt các mẫu hình sáng tạo khác nhau (nghệ sĩ, triết gia, v.v.), và tạo ra sự khác biệt về năng suất sáng tạo ngay trong cùng một mẫu hình. Liều lượng của nỗi sợ sống và nỗi sợ chết cũng tác động đến việc sản sinh ra các chứng rối loạn thần kinh. Bởi một người, trong khi cố giảm bớt hay né tránh nỗi sợ hãi, sẽ phải chọn giữa việc từ bỏ hoàn toàn (nỗi sợ chết), hay chỉ tỏa phát một phần thôi (nỗi sợ sống), và hẳn sẽ thấy là cả hai hướng đó đều không đem lại sự thỏa mãn. Cả hai điều đấy đều có thể dẫn đến đau bệnh, bất kể nó là sự phòng vệ trước việc sống (sự dồn nén), hay là sự trả giá cho cái chết. Có những người vắt kiệt, tiêu phí mình trong đau bệnh, cũng có những người coi bệnh tật như một khoản tiết kiệm sự sống. Nói chung, một ý chí loạn thần kinh sẽ luôn có tính bủn xỉn bệnh hoạn, nghĩa là nó kiềm nén việc sống. Trong khi đau ốm về thể chất giống như một khoản chi trả cho cái chết. Tuy vậy, trong cả hai trường hợp, đời sống tâm hồn của cảm xúc và ý chí đều tiêu tán, hoặc qua các triệu chứng cơ thể, hoặc trong hoạt động của những suy nghĩ.
ĐỜI SỐNG CẢM XÚC: HẠNH PHÚC HAY KHỔ ĐAU
Như tôi đã chỉ ra trước đó, cảm xúc khởi lên từ xung năng bị kiềm nén bên trong, trong đó cái ý chí gây ra sự ức chế này thì dường như tự nó mềm yếu đi. Theo nghĩa này, mọi cảm xúc là một hỗn hợp của hai khuynh hướng gây hấn và nhẫn chịu, hung hăng và phục tùng. Trong đó:
• Khuynh hướng gây hấn chiếm ưu thế trong việc gây tác động, ảnh hưởng97. Còn khuynh hướng nhẫn chịu chiếm ưu thế trong sự xúc động, cảm động;
• Tính chất hung hăng gây hấn của đời sống cảm xúc, khát khao được thể hiện ra của nó bắt nguồn từ xung lực bản năng bị kiềm nén. Còn tính nhẫn chịu, buông lỏng của đời sống cảm xúc bắt nguồn từ sự mềm yếu của ý chí.
• Triệu chứng của suy nghĩ (hành động) cưỡng chế là sự bốc đồng và gây hấn. Triệu chứng thể chất của cuồng loạn là tính nhẫn chịu.
97 Xem thêm về cơ chế cảm xúc và ý chí trong Modern education (Giáo dục hiện đại), 1929. Trong Genetische Psychologie, Tập II, Rank định nghĩa sự ảnh hưởng, tác động, (affect) sẽ bao gồm những cảm xúc như ghen tị, tức giận, ghét bỏ, v.v. – đấy là các cảm xúc đau khổ; còn sự xúc động (emotion) được sử dụng để chỉ sự hợp nhất, gắn kết, các cảm giác hay cảm nhận (Chú thích của dịch giả bản tiếng Anh).
Đến đây, chúng ta có thể kết nối những điều này với những mẫu hình nhân cách trước đấy. Theo đó:
• Các hiện tượng của chứng cuồng loạn là các triệu chứng chết được thể hiện trong bản ngã. Trong khi những nỗi lo sợ và mong ước của chứng rối loạn cưỡng chế tương ứng với nỗi sợ chết được phóng chiếu lên người khác;
• Người cuồng loạn phải chết (giết chính mình) để được sống trọn vẹn. Trong khi người rối loạn cưỡng chế là loại người ý chí, kẻ có khuynh hướng giết người khác để sống.
Tuy nhiên, ở cả hai dạng rối loạn trên, đau bệnh đều tương ứng với sự phủ nhận cảm xúc, nghĩa là cảm xúc hoặc trở nên phóng túng thành hành động bốc đồng, hoặc bị ước chế bởi ý chí, hoặc bị nỗi sợ cản trở không thể bày tỏ. Việc giãi bày cảm xúc luôn có xu hướng bộc lộ hoàn toàn, có nghĩa là từ bỏ chính mình hay đánh mất chính mình, và suy cho cùng, là chết. Người nào không xem việc bày tỏ cảm xúc như là sự từ bỏ cái tôi, từ bỏ chính mình, tức là họ khẳng định và không sợ hãi thể hiện cảm xúc, thì người ấy sẽ không cần dùng đến bệnh tật, cả về thể chất lẫn bệnh tinh thần, để làm kiệt quệ đời sống cảm xúc của mình.
Việc thể hiện các nấc thang cảm xúc phong phú của đời sống tinh thần con người, với khả năng cảm nhận khoái cảm lẫn khổ đau trong chừng mức các liều lượng nhỏ, là bảo đảm tốt nhất cho sự khỏe mạnh và hạnh phúc. Phần lớn những người rối loạn thần kinh, đặc biệt người mắc chứng cưỡng ép, biết rằng họ bị kiệt quệ cảm xúc, hoặc phải chịu đựng sự chối bỏ cảm xúc. Nhưng liệu pháp cho tình trạng thiếu hụt cảm xúc này không phải là sống buông thả theo tính dục (hòng thể hiện cảm xúc) hay “phân tích tính dục”. Bởi những xúc cảm khởi lên từ địa hạt tính dục quá bốc đồng, quá nôn nóng giải tỏa, nên không thể phục vụ cho sự thống nhất bản ngã, hay đi đến cái tôi đích thực. Đồng thời, tính dục cũng có thể trở thành một lối xả hay phương tiện giải tỏa những cảm xúc đã phát khởi từ những địa hạt khác, nhưng những cảm xúc này trước hết phải được đánh thức và tích lũy, nếu chúng muốn có chức năng kiến tạo cũng như chức năng thanh tẩy. Loại người cuồng loạn thể hiện mọi cảm xúc của mình, chứ không chỉ riêng cảm xúc tính dục, thông qua cơ thể, chẳng hạn đau khổ tinh thần cũng là đau đớn thể xác, sự chán ghét ghê tởm thể hiện ra thành cơn nôn mửa, v.v. Trong khi đấy, loại rối loạn cưỡng chế lại cảm xúc hóa mọi suy nghĩ của mình, nói cách khác, anh ta biến suy nghĩ của mình thành cảm xúc.
Trong cả hai trường hợp này, phân tâm học nói đến tình trạng tính dục hóa của các chức năng cơ thể, hay tính dục hóa suy nghĩ, mà những điều đấy vốn không hề giống nhau. Sở dĩ Freud cho rằng như vậy là vì, đối với ông, đời sống cảm xúc khởi lên từ địa hạt tính dục, do đó cái gọi là tính dục hóa của ông trong thực tế có nghĩa là cảm xúc hóa. Freud đã không thể thấy được các nấc thang phong phú của đời sống cảm xúc khi nghiên cứu thông qua người rối loạn thần kinh, bởi họ là những người mắc phải chứng kiệt quệ cảm xúc, bần cùng hóa cảm xúc, thực ra là họ tằn tiện trong việc thể hiện cuộc sống. Bởi rốt cuộc, cảm xúc sẽ buộc cá nhân phải nhượng bộ, nhún nhường, và nó sẽ bộc lộ, phát tác trong bất kì tình huống nào, bất kể cảm xúc cụ thể nào. Và người rối loạn thần kinh thực hiện việc kiềm chế cảm xúc theo cùng cái cách mà anh ta ức chế mọi biểu hiện sống khác. Anh ta biết rằng khi một người khi bày tỏ, biểu lộ cảm xúc, cho dù cảm xúc đó là nhẫn chịu hay gây hấn, thì đều có nghĩa là đánh mất bản thân mình, từ bỏ chính mình.
Với các tình huống hạn chế hành động và hình thành cảm xúc mà nói, mối quan hệ trị liệu do đó về bản chất là một quá trình học cách cảm nhận. Đấy là một quá trình mà cá nhân học cách phát triển cảm xúc, đồng thời cũng phải học cách nhận diện cảm xúc khởi lên trong chính mình. Nghĩa là, anh ta phải chấp nhận và chịu đựng những cảm xúc đấy mà không tùy tiện phát tác ra ngoài bằng bất cứ hình thức nào, ngoài việc nghĩ và nói. Khi có thể đạt được sự ước chế cảm xúc, là khi cá nhân có thể để cho cảm xúc trỗi dậy mà vẫn giữ được nó và không đánh mất mình. Đấy cũng là bước đầu tiên trong quá trình hướng đến việc hợp nhất cái tôi, một sự thống nhất vốn đã từng tồn tại rồi bị phá vỡ bởi nỗi sợ hãi mất đi cái toàn thể.
Ở những người rối loạn thần kinh, động lực bản năng và ý chí dồn nén vốn xung đột với nhau. Cảm xúc không chỉ đại diện cho cả hai lĩnh vực, mà còn liên kết chúng với nhau, đưa chúng về thế cân bằng một cách năng động. Nói cách khác, đấy chính là đại diện cho toàn bộ nhân cách ở cấp độ cuối cùng trong quá trình tiến hóa của nó.