Tiêu đề Will Therapy (Liệu pháp ý chí) được lựa chọn với sự giúp đỡ của tác giả, dựa trên ba tập của tác phẩm Technique of Psychoanalysis (Phương pháp phân tâm học) tôi dịch từ nguyên văn tiếng Đức: Tập I, The Analytic Situation Illustrated from the Technique of Dream Interpretation (tạm dịch: Tình huống phân tâm học minh họa qua kĩ thuật diễn giải giấc mơ) ra đời năm 1926; Tập II, The Analytic Reaction in its Constructive Aspects (tạm dịch: Các khía cạnh kiến tạo phản ứng phân tâm) xuất bản năm 1929; và Tập III, , The Analysis of the Analyst and His Role in the Total Situation (tạm dịch: Phân tích của nhà phân tâm và vai trò của ông trong toàn bộ tình huống phân tâm) năm 1931. Tiêu đề chung của ba tập được chọn và thống nhất với nhà xuất bản trước khi Rank ý thức được đầy đủ sự khác biệt sâu xa trong phướng pháp và triết lí của ông – triết lí rốt cuộc đưa ông viễn li khỏi căn bản của phân tâm học của Freud.
Tập I, mặc dù có những khám phá kĩ thuật đáng kinh ngạc, nhưng vẫn được viết từ quan điểm của Freud. The Trauma of Birth (Chấn thương sinh nở) cũng vậy, chưa xa rời lí thuyết phân tâm học. Trước đó, Rank hợp tác với S. Ferenczi, xuất bản một phác thảo sơ bộ có tên The Development of Psychoanalysis (tạm dịch: Sự phát triển của phân tâm học). Sau này, ngay khi nhận ra lí thuyết của nó viễn li phân tâm học Freud, Ferenczi liền thoái thác. Khoảng năm 1929, chia cách nhen nhóm từ năm 1924 trở nên trầm trọng hơn trước phản ứng gay gắt của Freud với The Trauma of Birth, vốn ban đầu được Rank viết tặng cho Freud. Sau cùng, một tâm lí học mới và một phương pháp trị liệu mới cũng được Rank giới thiệu lần đầu tiên trong Tập II của Technique of Psychoanalysis dưới dạng phê bình, thay vì mô tả phương pháp phân tâm học của Freud. Cùng lúc đó, Rank viết một cuốn sách tuyên bố về quan điểm lí thuyết của mình với tiêu đề Truth and Reality (Cái thật và thực tại), ông gọi đấy là “một phác thảo về triết lí của kẻ mang sức mạnh tinh thần”. Khi Tập III ra mắt năm 1931, Rank không còn coi mình là một nhà phân tâm kiểu Freud nữa, ông giữ lại từ “phân tâm học” ở tiêu đề vì đã thống nhất với nhà xuất bản.
Cuốn sách bạn đang cầm trên tay đây, Will Therapy (Liệu pháp ý chí) là sự kết hợp Tập II và Tập III của bộ sách gốc Technique of Psychoanalysis, chứa đựng cống hiến độc đáo của Rank cho tâm lí học hiện đại ở phương diện trị liệu thực tiễn. Rank đặt vấn lại về học thuyết và phương pháp của Freud bởi vì ông cần phải cho ra quan điểm của riêng mình, chứ không đơn thuần là phản ứng chống lại toàn bộ chủ nghĩa của Freud. Đồng thời ông cũng dùng nguyên liệu từ lí thuyết phân tâm thuyết Freud để phát triển một lí thuyết mới.
Ở đây, sở dĩ tôi tách riêng Tập I của bộ sách gốc ra khỏi Will Therapy là để độc giả khỏi cảm thấy bị rối. Vì Tập I vẫn viết dựa trên tinh thần phân tâm học của Freud, còn Tập II và Tập III đã hoàn toàn dựa trên nền tảng thuyết tâm lí học ý chí mà Rank phát triển từ cuốn Truth and Reality (Cái thật và thực tại). Tôi cũng đã viết một chương giới thiệu để chỉ rõ những gì được viết trong Tập I là căn cốt để thấu hiểu quan điểm trị liệu thực tiễn của Rank.
Tôi làm quen với những hạt nhân đầu tiên của Liệu pháp Ý chí của Rank từ năm 1926 khi bắt đầu dịch Tập I của Technique of Psychoanalysis. Kể từ đó, tôi đã dịch từng chút cả ba tập, cũng như Truth and Reality (Cái thật và thực tại). Không chỉ dịch, tôi còn chậm rãi thẩm thấu những ý tưởng tuyệt vời của Rank về một nền tảng trị liệu mới. Tôi đã đề xuất xuất bản Will Therapy kèm với bản dịch Truth and Reality bởi chúng như một sự nối tiếp nhau. Bản dịch nhìn chung là chân thực với bản gốc, song tôi đã không ngần ngại loại bỏ hay sắp xếp lại một số phần nhất định, và thỉnh thoảng thêm các phần chú thích để giúp làm rõ ràng hơn lí thuyết mới của Rank. Tôi giữ lại các thuật ngữ “phân tâm học” (psychoanalysis), “nhà phân tâm” (analyst), “tình huống phân tâm” (analytic situation) và những từ tương tự như thế, vì chúng được chính Rank dùng trong Tập I khi ông vẫn coi mình là môn đệ của phân tâm học Freud. Trong Tập II và Tập III, tôi đã cố gắng phân biệt rõ nhất có thể, bằng cách thay một số từ như “analysis” (phân tâm học) bằng “therapy” (liệu pháp trị liệu) và “analytic” (thuộc về/mang tính phân tâm) bằng “therapeutic” (thuộc về/mang tính trị liệu) ở những chỗ cho thấy quan điểm của Rank khác với phân tâm học Freud.
Truth and Reality (Cái thật và thực tại) là Tập III thuộc tác phẩm “Grundzüge einer genetischen Psychologie auf Grund der Psychoanalyse der Ichstruktur” (tạm dịch: Phác thảo tâm lí học di truyền trên cơ cở phân tâm học về cấu trúc cái tôi). Tập I bộ sách xuất bản năm 1927, viết về sự phát triển sinh học của cái tôi, bao gồm cội nguồn của sự trưởng thành sinh dục, nguồn gốc của cảm giác tội lỗi, và căn nguyên của mối quan hệ đối tượng; bàn luận về những cơ chế tinh thần như phóng chiếu, đồng nhất hóa và phủ nhận. “Phủ nhận” là một khái niệm căn bản và quan trọng mà Rank giới thiệu, thay vì khái niệm “dồn nén”. Tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản sang tiếng Anh nhưng đã được Rank giảng dạy tại Trường Công Tác Xã Hội New York năm 1926 trước khi ra mắt ở Đức.
Tập II, “Gestaltung und Ausdruck der Persönlichkeit” (Sự phát triển của tính cách) xuất bản năm 1928, vượt ra ngoài phạm vi sinh lí học ở Tập I, hướng đến tiến trình thành nhân của con người, một quá trình trở thành một sinh mệnh mang tính xã hội, có cảm xúc, biết đối nhân xử thế. Tập này bàn luận nhiều về sự hình thành nhân cách (character), khác với cái chúng ta gọi là tính cách (personality), sự phát triển của đời sống cảm xúc, giáo dục, thích nghi xã hội, óc sáng tạo và chức năng tương trợ. Cũng như Tập I, tập này được ra mắt trước ở Mĩ dưới dạng bài giảng cho một khóa học Trường Công Tác Xã Hội New York và Trường Công tác Xã hội Pennsylvania năm 1927.
Truth and Reality (Cái thật và thực tại) – Tập III của bộ sách, cũng như hai tập đầu, trước tiên ra mắt bằng tiếng Anh dưới dạng bài giảng cho Trường Công tác Xã hội Pennsylvania, trước khi xuất bản sang tiếng Đức năm 1929. Truth and Reality (Cái thật và thực tại) kết luận lại những mô tả ở hai tập trước, và cũng trình bày tích hợp rõ ràng một quan điểm độc đáo của Rank. Đấy cũng chính là đóng góp tuyệt vời của ông cho tâm lí học và triết học, ông đã không ý thức được nó trọn vẹn mãi cho đến khi viết tập cuối này. The Trauma of Birth (Chấn thương sinh nở) xuất bản bằng tiếng Đức năm 1924, đã đánh dấu bước tiến vượt ra ngoài phân tâm học Freud của Rank. Hai tập đầu của bộ Genetische Psychologie (Genetic Psychology) khác hoàn toàn cách tiếp cận phân tâm học chính thống, nhưng vẫn chưa khác biệt rõ rệt với tâm lí học của Freud. Trước khi viết Tập III, Truth and Reality (Cái thật và thực tại), Rank đã tìm ra chìa khóa để kiến tạo lí thuyết riêng của mình khi bất ngờ nhận ra vai trò của Ý chí trong tình huống phân tâm.
Được khai tâm sáng trí nhờ khám phá này, ông cùng lúc viết Tập II của bộ Technique of Psychoanalysis (Technik der Psychoanalyse), cho thấy mối liên hệ giữa ý chí với quá trình trị liệu và hoàn toàn li khai khỏi phương pháp phân tâm của Freud. Cùng với Tập III của Genetische Psychologie là Truth and Reality (Cái thật và thực tại), Rank đã phát triển những hàm ý tâm lí và triết học ẩn dưới tầm nhìn mới của ông về quá trình trị liệu.
Trong Truth and Reality (Cái thật và thực tại), Rank không đưa ra một kiểu tâm lí cá nhân mới nhằm phục vụ cho trị liệu. Cái ông đưa ra là một triết lí đứng sau Ý chí của con người: Một phác thảo về quá trình tiến hóa của ý chí, với óc sáng tạo vô tận, động cơ phóng chiếu và phủ nhận, cùng gánh nặng sợ hãi và tội lỗi cứ lớn dần mãi lên của nó.
Trước hết, xin cảm ơn tác giả - bác sĩ Rank, ông đã giúp tôi giải quyết những dữ kiện thực tế, cũng như các vấn đề dịch thuật nan giải và sửa giúp tôi những lỗi dịch. Tiếp đến, xin cảm ơn bạn tôi, Edith M. Everett, đã đọc và phê bình sơ bộ bản thảo. Cuối cùng là cô Aida Naabe với kĩ năng tốc kí hoản hảo, đã định dạng bản thảo và cho ra một bản in hoàn hảo tuyệt vời.
JESSIE TAFT
Philadelphia, tháng 12 năm 1933