N
ăm 1955.
Từ tháng Mười năm 1954, vì ở ngay đầu cầu Long Biên, một trong những cửa ngõ vào nội thành Hà Nội, có Bến Nứa là bến xe liên tỉnh, có hai chợ lớn Đồng Xuân, Bắc Qua, nên khu nhà tôi trở thành khu vực nhạy cảm và hội tụ nhiều biến động về đời sống và lịch sử Thủ đô.
Những ngày tháng này, người gốc nông thôn xuất hiện tràn ngập ở Hà Nội, và họ, các chàng trai trẻ mặc đồ bộ đội và các cô gái cắt tóc ngắn kiểu nữ Hồng quân trong các phim Liên Xô, mỗi tối đều có mặt ở các ngã tư làm nòng cốt, thu hút tuổi trẻ phố phường vào các điệu nhảy xòe Thái “sòn sòn sòn đô sòn…”, “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa…(7)”, múa sạp, hát vang các bài ca Đông phương hồng, Kết đoàn, Vì nhân dân quên mình, Ca ngợi Hồ Chí Minh, Giải phóng Điện Biên… Anh Khôi, chị Tâm và đám thanh niên trai gái cùng lứa ở phố quanh chân cầu như Trần Nhật Duật, Hàng Đậu, Hàng Khoai, Yên Phụ… cứ như cá gặp nước. Anh Khôi và Danh Hùng, sáng ra không còn tập chạy, hoạt động của hội Tre Việt cũng tự nhiên loãng đi, vì các anh bỗng nhiên được lôi cuốn vào sinh khí của các sinh hoạt thanh niên khu phố, đón mừng chiến thắng quân Pháp xâm lược và hòa bình cho đất nước. Rồi anh cũng nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của phong trào. Chị Tâm là hoa khôi trường trung học Thăng Long, nổi tiếng nhờ mái tóc dài đen mượt, từng làm xao xuyến biết bao chàng trai trong trường, trong phố, cũng cắt xoẹt thành tóc ngang vai và ra đường chỉ mặc một loại áo thời trang “cán bộ”, quần ka ki màu xanh rêu, giống các cô gái từ chiến khu về… Trên cột đèn, các đầu ngã tư đều được gắn các loa phóng thanh để sáng, trưa, chiều, tối, cứ đúng giờ, là oang oang các tin tức về thành công, thắng lợi của cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, các tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm và âm mưu phá hoại Hiệp định Genève (1954) của đế quốc Mỹ, cũng như tràn ngập các ca khúc chiến thắng, ca ngợi Đảng, Hồ Chủ tịch, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa.
(7) Bài hát “Mùa hoa nở” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Ngày trước, các bà, các cô Hà Nội ra đường đều chỉnh trang áo dài thướt tha, đàn ông đến công sở không com lê, áo vét thì cũng áo quần thẳng thớm, cà vạt đàng hoàng. Bây giờ, mọi thứ đó đều trở thành lỗi thời, mọi người đều hướng tới những trang phục đơn giản, xuềnh xoàng cho hòa đồng với tầng lớp công nông. Mấy năm sau, kinh tế miền Bắc ngày một khó khăn, mỗi người lớn chỉ được tiêu chuẩn bốn mét vải, tiếp đến là giai đoạn Mỹ ném bom miền Bắc, mọi trang phục đều gần với màu ngụy trang. Những chiếc áo dài và bộ com lê mãi đến năm 1976, 1977, sau khi giải phóng miền Nam, mới hồi sinh trở lại.
Hè năm 1955, nhà tôi không còn ở đường Trần Nhật Duật mà chuyển về phố Lê Thái Tổ, đoạn nối với đầu Hàng Trống, ngay bên bờ Hồ Gươm. Bố tôi vẫn làm việc ở Nhà in và xuất bản T&X. Sang thời xã hội chủ nghĩa, không có xuất bản tư nhân, nên bảng hiệu lớn ở mặt tiền tòa nhà bỏ đi hai chữ “xuất bản”. Từ chỗ ở đến chỗ làm, bố tôi chỉ đi bộ vài bước chân. Vì chuyển nhà và lên cấp hai, tôi không còn học ở Yên Thành, Cửa Bắc, mà học ở trường phổ thông cấp hai và cấp ba Hà Nội (nay là trường Việt Đức), trên đường Lý Thường Kiệt, khúc giữa hai đường Bà Triệu và Quang Trung, nên rất gần nhà. Không hiểu sao, trong giai đoạn này, bố tôi hay nhấn mạnh: “Mình đang làm thuê và ở nhà thuê”. Sau này, khi anh em chúng tôi phải khai lý lịch hằng năm ở trường, tại mục “thành phần”, chúng tôi hỏi, thì bố tôi nói:
- Ghi thành phần: “làm công”.
Tôi nói:
- Thầy giáo bảo thành phần chỉ có: tư sản, tiểu tư sản, tiểu chủ, công nhân, trung nông, bần nông, địa chủ… chứ không có thành phần: làm công. Nếu làm công thì phải ghi công nhân.
Bố tôi gắt:
- Ghi công nhân để người ta nói mình thấy người sang bắt quàng làm họ hả? Con cứ nói rằng bố em bảo ghi như thế.
Tôi nói vẫn không phục:
- Anh Khôi bảo nhà mình thành phần tư sản.
Bố tôi lại gắt:
- Ai dạy anh Khôi nói thế? Bố vẫn đang làm thuê ở nhà in, cửa hàng của cô thì dẹp rồi, ruộng đất ở quê cũng hiến hết, còn gì nữa mà nói tư sản?
Nhà về Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, nhưng anh Khôi vẫn học ở trường trung học Chu Văn An. Lúc đầu, vẫn theo hệ mười hai năm của chế độ cũ, anh học lớp đệ Lục, nhưng sang chế độ mới, hệ mười năm, anh học lớp bảy, tức năm cuối cấp hai.
Nhà ở Lê Thái Tổ rộng thênh thang, nhiều phòng lớn nhỏ, tiện nghi hiện đại, nhưng thành viên gia đình cũng đông hơn, vì mẹ kế lần lượt sinh thêm năm em. Tôi và anh Khôi vẫn cùng học buổi sáng, nhưng anh em chỉ thấy nhau lúc sáng sớm khi cùng chạy bộ quanh Hồ Gươm. Tôi với thằng Vinh, hôm mặc may ô, hôm cởi trần, vì thằng mười tuổi, thằng chín tuổi cùng ở trần có khi hợp thời hơn mặc áo. Riêng anh Khôi vẫn chiếc may ô trắng có hàng chữ Tre Việt trên nhành lá tre bên ngực trái, không rõ anh vẫn lưu luyến thời Tre Việt, hay do hồi đó, áo may ô là của hiếm, bỏ đi thì tiếc. Trừ buổi tối và hai bữa cơm trưa, thời gian còn lại anh rất ít khi có mặt ở nhà.
Bộ tứ ngự lâm pháo thủ lập nên đoàn Tre Việt của anh tự tan rã. Anh Thanh Cường theo bố là ông Tân trưởng khu di cư vào Nam, sau đó, cả nhà sang Pháp. Anh Huy Lạc có bố là cán bộ Việt Minh về làm lớn, con cái đổi đời. Anh được chọn làm hạt giống đỏ, cử sang Quế Lâm, Trung Quốc đào tạo thành lực lượng kế thừa lâu dài trong tương lai. Riêng anh Danh Hùng, học ở trường trung học Nguyễn Trãi, cùng phố Cửa Bắc với trường Yên Thành, thỉnh thoảng có đến nhà tôi gặp anh Khôi. Hai người hay kéo nhau ra bờ hồ trò chuyện, nhưng về sau, không thấy anh đến nữa.
Anh Khôi nhập cuộc chế độ mới rất nhanh, rất tâm huyết, rất nhiệt tình. Năm đầu ở Chu Văn An, tôi thấy anh được quàng khăn đỏ, rồi về nhà với chiếc phù hiệu hình chữ nhật màu trắng có hai vạch đỏ, gắn ở cánh tay áo bên trái. Tôi hỏi ý nghĩa, anh nói:
- Anh được bầu làm đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong ở lớp.
Tôi hỏi:
- So với đoàn Tre Việt của anh thì thế nào?
Anh nói:
- Tre Việt gần một trăm thành viên, phạm vi hoạt động rộng hơn, trong khi đội lớp anh chỉ có mười sáu đội viên. Nhưng Tre Việt được lập ra do sự tự phát lãng mạn tiểu tư sản của một nhóm thanh niên thành phố, còn Đội Thiếu niên Tiền phong là hạt nhân và lực lượng kế thừa trong tương lai của Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân Việt Nam, mang giá trị và ý nghĩa lớn hơn rất nhiều.
Tôi nghe ù cả đầu, nhưng cũng mừng và khâm phục cái phù hiệu đội trưởng oai phong của anh. Sang năm sau, tôi càng khâm phục và tự hào về anh hơn khi chiếc phù hiệu đó được thêm một vạch đỏ nữa. Anh nói với tôi, anh được bầu làm liên đội trưởng khối lớp bảy và phụ trách văn thể liên Đội Thiếu niên toàn trường. Nhưng quan trọng hơn là trong Đại hội Thiếu niên toàn thành, có Bác Hồ và bác Trần Duy Hưng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đến dự, anh được bắt tay cả hai bác.
Ngoài việc học, anh còn tham gia công tác Đội ở trường, ở Câu lạc bộ Thiếu nhi Thành phố, đó là lý do anh thường xuyên vắng nhà. Và nếu có nhà, thường là vào cuối buổi chiều và các Chủ nhật, anh hay rủ các bạn và mấy anh chị phụ trách câu lạc bộ về nhà, rồi kéo nhau ra bờ hồ chơi, vì câu lạc bộ ở đường Lý Thái Tổ, đi qua vườn hoa Chí Linh, vòng bờ Hồ Gươm phía Hàng Khay là sang đến nhà tôi. Hai trong số những người phụ trách thường chơi thân với anh Khôi là anh Cửu Thọ và anh Quang Lộc, sau đều công tác ở Trung ương Đoàn, mà những năm theo nghề viết văn, tôi đều có giữ mối quan hệ.
Bất ngờ tiếp theo, một hôm anh Khôi mang về tờ báo Thiếu niên Tiền phong, trong đó có bài của anh in ngay trang nhất. Bài báo rất ngắn, chỉ chừng ba trăm chữ, có tựa đề: “Tôi đã xin lỗi bố”. Nội dung bài báo hóm hỉnh, tóm tắt về cuộc cách mạng “chuồng xí” của anh, Danh Hùng và Thanh Cường ở Trần Nhật Duật. Rồi anh kết luận: “Khi cuộc ‘cách mạng’ thất bại, bố tôi chỉ nói: Các con làm những việc tốt, thậm chí rất tốt, mà không phù hợp hoàn cảnh thì sẽ thất bại như vậy. Còn tôi nghĩ tất cả đều do sự lãng mạn tiểu tư sản mà ra. Cái hoàn cảnh không phù hợp đó là do thiếu ánh sáng soi đường của giai cấp công nhân. Và tôi đã chân thành xin lỗi bố tôi”.
Cả nhà đều vui sướng cùng ngắm nghía, đọc đi đọc lại bài báo. Hồi đó, cả miền Bắc chỉ có vài tờ báo, đều là của Nhà nước. Ai viết được một bài đăng trên báo là cả một sự kiện lớn, đằng này bài báo lại là của chính anh Khôi tôi.
Bố tôi lẽ ra phải là người cảm động nhất vì bài viết ca ngợi sự đúng đắn của ông trong sự kiện gay cấn nhất của gia đình, nhưng ông chỉ nói một cách điềm đạm:
- Bố không ngăn cản con viết lách, vì đây là truyền thống văn hóa nhà Mai Lĩnh của các ông bên ngoại con, nhưng đã chọn nó, thì con phải nhớ, đây là con đường vô cùng khắc nghiệt, rất dễ mang vạ vào thân, thành thì ít mà bại thì nhiều. Không ý thức được điều này, nên theo nghề khác.
Chị Tâm trầm trồ:
- Ở tuổi thiếu niên mà viết thế này là giỏi rồi… Viết về bố mình, lại chỉ là đề tài chuồng xí, mà được đăng trên trang nhất, chứng tỏ họ đánh giá thằng Khôi rất cao.
Anh Khôi nói:
- Con chỉ muốn thành quả đầu tiên trong việc viết là món quà tặng bố. Sau khi bài đăng thu được dư luận tốt, Ban Biên tập đánh giá con có năng khiếu phát hiện đề tài về vấn đề xã hội, giọng văn hóm hỉnh nhưng thiện chí, nên mời con làm cộng tác viên thường xuyên, sau đó, sẽ chọn con đi học một khóa đào tạo phóng viên.
Thật sự là tôi và thằng Vinh còn quá nhỏ nên không nhìn sự kiện sâu xa như bố và chị Tâm, mặc dù về lòng tự hào về anh ở chúng tôi chắc chắn phải lớn gấp mười bố và chị. Thằng Vinh mang tờ báo chạy đi khoe trẻ con khắp phố. Phố Lê Thái Tổ của tôi kéo dài từ nhà Thủy Tạ đến ngã tư Tràng Thi, Bà Triệu, nhưng nhà ở chỉ có từ khách sạn Phú Gia đến trụ sở Công an Quận Hoàn Kiếm (quen gọi là Đồn Công an Hàng Trống) với hơn chục gia đình gồm: hiệu may Tiến Thành, hiệu may Bùi Huy Xương, Kem Bốn Mùa, hiệu may Bùi Huy Nhượng, nhà chơi đồ cổ Đức Minh, tiệm chụp ảnh Phương Đông, nên Vinh chạy khoe xong chừng hai mươi phút đã về.
- Đứa nào cũng lé mắt. - Vinh hào hứng kể.
Tôi hỏi:
- Có cho chúng nó đọc không?
- Đời nào. Em bảo chúng nó muốn đọc thì phải đi mua.
Sau này, Vinh trở thành biên tập viên rồi chuyên viên lọc lõi ở hai nhà xuất bản lớn là Văn hóa Thông tin, rồi Hồng Đức, có lẽ nhờ có năng khiếu tuyên truyền và phát hành sách báo từ lúc là trẻ con.
Anh Khôi cùng những học sinh Hà Nội khác, những người chào đời vào các năm 1940 đến 1942, đã ở độ tuổi mười hai đến mười bốn vào năm 1954, là năm Hà Nội được Việt Minh giải phóng, thực dân Pháp chịu thua và rút quân. Các anh chị ấy đã uống bầu sữa của lòng yêu nước và Chủ nghĩa Xã hội như nắng hạn gặp mưa rào, đua nhau ngốn đủ thứ thực tế và lý thuyết của sự đổi mới, đua nhau rũ bỏ mọi nhiệt huyết lãng mạn, cùng mọi ngây thơ hồn nhiên, ấu trĩ, để có sự trưởng thành vượt bậc. Trong khi lứa tôi và thằng Vinh, ngoài việc tự hào coi anh mình và các bạn anh là những thần tượng lớn, thì chỉ biết chơi và học. Sang chế độ mới, thầy cô giáo với học trò không còn xưng hô “thầy, con”, không còn mấy nghiêm khắc như dưới chế độ thực dân, nên học cũng như là chơi. Trong khi anh Khôi tham gia đủ thứ công tác Đội, công tác xã hội mà học vẫn rất giỏi, thì tôi và thằng Vinh chỉ nhàng nhàng ở mức trung bình. Những năm lên cấp ba, khi chín mươi lăm phần trăm học sinh cả nước đều thuộc loại “giỏi và khá”, chúng tôi mới chia tay được mức “trung bình”, thằng Vinh lên được mức “khá”, còn tôi là “trung bình khá”.
Thời thực dân Pháp, anh Khôi đã giỏi hai ngoại ngữ Anh, Pháp. Sang chế độ mới, anh bỏ đi một, chọn Anh văn. Nhưng phe xã hội chủ nghĩa không có nước Anh, trong khi đất nước đang tràn ngập hơi thở chính trị, văn hóa thuộc các nước xã hội chủ nghĩa mà đỉnh cao là Liên Xô và Trung Quốc. Môn ngoại ngữ bậc trung học chỉ có tiếng Nga và tiếng Trung Quốc, anh chọn học tiếng Trung Quốc. Tôi hỏi: ”Liên Xô vĩ đại hơn Trung Quốc, sao anh không chọn?”, anh nói: “Tiếng Nga kiểu chữ khác nhưng vẫn gần với hệ La Tinh như Anh, Pháp nên anh tự học được”. Từ đó, anh tìm mua và mượn cả núi sách tiếng Nga và Trung Quốc ngoài chương trình ở trường về học và đọc. Những dịp câu lạc bộ Thiếu nhi Thành phố tổ chức giao lưu với thiếu nhi các nước Liên Xô, Trung Quốc, chủ yếu là con cái các cán bộ đại sứ quán và chuyên gia công tác ở Việt Nam, thỉnh thoảng anh rủ được từng người hoặc một nhóm đi chơi Hồ Gươm, vào đền Ngọc Sơn, chùa Bà Đá, nhà thờ Lớn… rồi kéo nhau về nhà, khi uống trà, khi ăn kem, ăn trái cây. Những cuộc gặp gỡ đều vui vẻ. Thấy anh Khôi nói tiếng Nga, tiếng Trung một cách trôi chảy, hòa đồng với các trẻ Nga, Trung, chúng tôi và đám trẻ cùng phố đều phục sát đất.
Không chỉ sách học tiếng Nga, tiếng Trung, mà sách văn học Nga, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu được dịch ra tiếng Việt cũng được anh săn về ùn ùn.
Ban đầu là những cuốn khổ nhỏ, in bằng giấy bản mà anh nói là sách quý, in từ trên chiến khu Việt Bắc như: Tỉnh ủy bí mật, Một người chân chính, Cố hương, Nhật xuất… và phải rất thân với các anh Cửu Thọ, Quang Lộc, anh Khôi mới mượn được. Từ khi được báo Thiếu niên Tiền phong chọn đi bồi dưỡng cộng tác viên, anh đọc thêm các cuốn: Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, Lê Nin tuyển tập, Mao Trạch Đông tuyển tập, Chuyên chính vô sản đỉnh cao của văn minh nhân loại…
Đọc được cuốn nào thích thú, anh đều không giấu được cảm xúc. Ở trong nhà, bố tôi là một người dường như biết hết tâm tính, mọi sinh hoạt, học tập của các con, và nếu không có sự cố nào lớn, ông đều để các con thoải mái. Từ sau ngày miền Bắc được giải phóng, ông sống lặng lẽ, không còn mấy nghiêm khắc, cũng không đánh mắng khi các con có lỗi. Sau vụ “cách mạng” chuồng xí, tôi biết ông không mấy an tâm khi thấy anh Khôi hoạt động xã hội quá nhiều, nhưng ông cũng không nói gì. Nét mặt ông gần như thường xuyên ở trạng thái căng thẳng, lộ vẻ lo âu, rất ít khi cười đùa với con cái. Anh Khôi cũng biết chuyện và hiểu bố hơn chúng tôi, nên những niềm vui lớn lao có được ở xã hội hay ở trường, anh đều ý tứ, giữ đúng mực. Mẹ kế tôi chỉ là nội trợ thuần túy, hoàn toàn là người của gia đình, chỉ quan tâm gia đình và gia đình. Với bà, chỉ cần gia đình được đầy đủ, êm ấm thì chế độ nào cũng đều như nhau. Chị Tâm lúc này đang học Đại học Sư phạm Hà Nội, ít ở nhà. Dù rất thương yêu các em, nhưng chị sinh năm 1936, chênh với anh Khôi tới sáu tuổi, nên giữa chúng tôi cũng có khoảng cách. Sau thời gian ngắn cảm hứng cao độ, đùng đùng cắt tóc ngắn, mặc đồ đại cán nữ binh Trung Quốc, chị đã tĩnh tâm, nhưng cũng không thể trở lại truyền thống quá khứ, vì kinh tế đất nước thời gian này rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn bởi các chính sách bao cấp. Tất cả, từ cái ăn lẫn cái mặc đều gói gọn trong chế độ tem phiếu, muốn mơ về thời áo dài thướt tha cũng không có cả tiền lẫn vải để may. Con gái tầng lớp nào cũng đều sống khiêm nhường để nổi trội trong chuẩn mực mới: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, nên hoa khôi một thời của trường Thăng Long chỉ chú tâm vào việc học hành, sống giản dị cả hình thức lẫn phong cách, để sau này ra trường được dạy ở Hà Nội, lấy chồng tử tế và sinh con. Nên anh Khôi muốn tung các niềm phấn khởi trong các phong trào xã hội mà anh đang gặt hái cho bà chị, người có đủ trình độ hiểu mình nhất trong nhà, cũng không mấy khi được chị đón nhận một cách tương xứng.
Tâm lý chung của những người trẻ đang hừng hực lý tưởng, ngoài cảm hứng hòa nhập vào xã hội đang cuồn cuộn biến động còn có cảm hứng lôi cuốn người khác giác ngộ theo mình. Nhìn khắp nhà, bố, mẹ kế, chị Tâm thì như tôi đã nói ở trên, còn tính từ dưới lên là năm đứa em đều lít nhít trong tuổi trứng gà, trứng vịt, chẳng hiểu biết gì. Cuối cùng, chỉ có tôi và Vinh, một thằng lớp năm, một thằng lớp bốn, được anh chọn để truyền cảm hứng. Hồi ở Trần Nhật Duật thì đọc Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, đọc lén Số đỏ, Giông tố, Làm đĩ, Bỉ vỏ…(do nhà xuất bản Mai Lĩnh của ông ngoại in, bố tôi còn giấu trong tủ, chỉ cho chị Tâm đọc tham khảo theo yêu cầu của trường trung học). Khi chuyển đến Lê Thái Tổ, chúng tôi bị anh ép ngốn Timur và đồng đội, Thép đã tôi thế đấy, Người mẹ, Thời thơ ấu, Sông Đông êm đềm, hoặc sách của Lỗ Tấn, Tào Ngu… Hai thằng ranh kính nể ông anh thần tượng hơn là yêu những cuốn văn chương dày cộp, toàn chuyện người lớn, uể oải ngốn sách văn học Nga, Trung Quốc. Không dừng ở đó, một hôm anh bảo: “Sách của các nhà văn hiện thực Pháp rất đáng đọc”. Thì ra các nhà “học viện” và tuyên giáo nước ta, một lúc nào đó, hồi tâm về sự quá tả, đã sực tỉnh, cho tái bản hàng loạt sách của các nhà văn hiện thực Pháp cuối thế kỷ mười chín và lại truyền cho anh tôi và thế hệ cùng thời sự thay đổi. Thế là tôi và Vinh lại ngốn Victor Hugo, Balzac, Alexandre Dumas… theo định hướng áp đặt của ông anh thần tượng. Chúng tôi đọc ngay rồi cũng quên ngay, nhưng anh đọc, thấy câu nào hay, chương nào thích, anh đều ghi vào sổ tay. Ghi rồi vẫn chưa “đã”, anh lại hào hứng nhồi vào tai hai thằng em. Anh đọc nhanh, nhiều, hiểu cũng nhanh và nhiều, nhưng lại đem đổ hết vào bốn cái tai của hai thằng em non nớt chơi nhiều hơn học, thì quả là thiếu thực tế. Nhưng quy tắc nghiêm ngặt trong nhà của bố tôi là “cấp dưới phải phục tùng cấp trên”, nên chúng tôi đành ngoan ngoãn nghe anh và gánh những gánh nặng quá sức. “Làm em anh Khôi không đứa nào được quyền dốt”, hoặc, “Cầm một cuốn sách lên mà không đọc hết là tội lỗi”, vân vân và vân vân. Anh thường tra tấn hai thằng em bằng những tuyên bố quyết liệt như vậy. Chỉ khi lên cấp ba, bắt đầu mê sách văn học, ham đọc và hiểu sâu những Con đường đau khổ, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Những người khốn khổ, Đỏ và đen, Tấn trò đời, Ba người lính ngự lâm… chúng tôi mới quý lối truyền cảm hứng bằng sức ép có phần thô bạo của anh.
Trên mặt bàn học và kệ sách của anh luôn dán những mảnh giấy nhỏ hình chữ nhật, ghi những câu danh ngôn mà anh yêu thích bằng mực đỏ, như: “Học, học nữa, học mãi (Lênin)”, “Đoàn kết, đại đoàn kết - Thắng lợi, đại thắng lợi (Bác Hồ)”, “Hạnh phúc của nhân loại là đấu tranh, đấu tranh và đấu tranh (Các Mác)”… Một hôm, tôi thấy trên bàn anh có dán thêm mảnh giấy viết mấy chữ in đậm: “C - S - C - N = C - C - V - S = Đ - K - H - Lê-nin”. Tôi hỏi anh:
- Những chữ này nghĩa là gì?
Lúc này trong nhà chỉ có hai anh em, anh hùng hồn lớn tiếng:
- Đây là tuyên ngôn và dự báo vĩ đại nhất của Lênin về thiên đường tương lai của loài người: “Cộng sản chủ nghĩa là chuyên chính vô sản cộng điện khí hóa”. Có tài liệu dịch là “Chính quyền Xô Viết cộng điện khí hóa”, nhưng anh thấy “Chuyên chính vô sản” chính xác hơn.
Tôi nói:
- Tại sao lại phải viết tắt?
Anh thì thào:
- Trong phe xã hội chủ nghĩa, một số nước, đứng đầu là chủ nghĩa xét lại Nam Tư không tán thành chuyên chính vô sản.
Thấy mặt tôi thộn ra có vẻ không hiểu, anh nói thêm:
- Tuy chuyện đó ở tận Nam Tư, nhưng ngay nước mình cũng nhiều người không tán thành, trong đó có bố, nên anh phải viết tắt.
Thú thật, ngay cả khi nghe anh giải thích thêm như vậy, kèm theo niềm tự hào anh mình đã có những hiểu biết ở tầm thế giới, tôi cũng chỉ mười phần hiểu không tới một về “chủ nghĩa xét lại”. Còn “chuyên chính vô sản” hay “Chính quyền Xô Viết”, trong câu danh ngôn của Lênin, tôi cũng ù ù cạc cạc. Nhưng “điện khí hóa” thì Hà Nội đang trong thực tế mất điện liên tục với giải thích là do âm mưu phá hoại của địch trước khi rút đi, khiến thủ đô đói điện như đói cơm. Nên tôi nghĩ, nếu đủ điện thì chủ nghĩa cộng sản đúng là thiên đường thật.
Cho đến một hôm, tôi thấy anh Danh Hùng đến nhà. Anh Khôi rất mừng. Một người học Nguyễn Trãi, một người học Chu Văn An, hồi đầu, vẫn thỉnh thoảng gặp nhau, nhưng rồi bẵng đi một thời gian không thấy anh Hùng đến nữa. Nguyên nhân? Tôi không biết, mà cũng không hỏi. Giờ bỗng nhiên anh xuất hiện. Hai người vừa nói với nhau mấy câu, tôi thoáng thấy anh Khôi thất sắc, vội kéo anh Hùng ra bờ hồ, ngồi ở chiếc ghế đá trông thẳng ra Tháp Rùa. Tôi biết họ có chuyện lớn và anh Khôi không muốn cho tôi biết.
Cả tiếng sau, khi tôi vẫn ngồi làm bài ở bàn học, anh Khôi mới đưa anh Hùng vào. Anh Hùng tiến lại chỗ tôi, anh nói:
- Cho anh bắt tay em một cái.
Nói xong, anh rơm rớm nước mắt, ôm tôi rất chặt. Tôi hỏi:
- Có chuyện gì thế anh?
- Nhà anh chuyển về Nam Định nên anh cũng phải chuyển theo. Hôm nay, anh đến để tạm biệt anh Khôi và các em.
- Cả Huyền cũng đi ạ?
- Đương nhiên Huyền cũng đi, nhưng trước mắt, bố anh và anh đi trước. Sang năm, nhà cửa ổn định, cả nhà mới đi hết.
Anh Khôi và tôi tiễn anh Hùng ra tận cổng, nhìn anh đạp xe đi khuất hẳn ngã tư Tràng Thi - Bà Triệu mới cùng quay vào. Khi chỉ còn hai anh em, thấy anh Khôi thái độ bồn chồn khác thường, tôi đoán chắc chắn không chỉ vì chuyện anh Hùng tạm biệt để đi Nam Định, nên gặng hỏi:
- Có phải anh Hùng có chuyện buồn?
Anh Khôi đáp qua loa:
- Phải rời Hà Nội về quê, chia tay với bao nhiêu bạn bè thì vui làm sao được.
Nhưng tôi không tin, bèn để ý theo dõi anh. Đến tối, sau khi cả nhà ăn cơm xong, chỉ còn mình bố tôi ngồi uống trà, anh Khôi liền xán đến:
- Bố có biết bác Danh Quỳnh bị bắt vì là gián điệp do Mỹ Diệm cài lại?
Mặt bố tôi không biến sắc:
- Ai nói cho con biết?
- Lúc chiều, Danh Hùng đến. Vì bác bị bắt nên anh Danh Hoàng bị đuổi khỏi bệnh viện Bạch Mai, Danh Hùng phải về quê.
Bố tôi ngồi im rất lâu, rồi mới nói:
- Bác Quỳnh không bao giờ là người như thế.
- Vậy tại sao bác bị bắt?
- Chỉ có thể bác ấy bị vu cáo, rồi bị bắt oan. Nhưng đây là chuyện người lớn, con không hiểu, đừng có tò mò.
- Con cũng không tin bác Quỳnh là gián điệp. Nhưng liệu việc bác bị bắt, có liên quan đến hồi bác Quỳnh gái kinh doanh nhà thổ để hợp tác với các quan chức quân đội Pháp?
Bố tôi bất ngờ quay sang tát anh Khôi một cái nổ đom đóm mắt:
- Ai bảo con bác Quỳnh gái kinh doanh nhà thổ?
- Cả phố Lý Thái Tổ đều nói dãy năm số nhà đó như vậy. Toàn đón khách Tây vào với đám gái điếm.
Bố tôi gay gắt:
- Cả phố, cả Hà Nội nói, con cũng nói theo hay sao?
- Chính bố cũng cấm chúng con đi qua chỗ đó.
Dường như thấy càng nói, ngôn ngữ càng bất đồng, bố tôi đã khoanh tay bất lực, nhưng rồi lại cố nhẫn nại:
- Hồi đó, bố cấm con đi qua mấy cái bar đó và cũng không muốn các con gần gũi với bác Quỳnh gái là vì loại bar đó, loại nghề kinh doanh của bác Quỳnh gái rất xa lạ với văn hóa nhà mình. Quán bar, với người Việt đã là nghề kinh doanh tai tiếng, lại chỉ giao tiếp với khách dân chơi, càng tai tiếng hơn, còn thực hư nó ra sao, mình không biết, đừng vội miệt thị…
Anh Khôi ngồi im. Từ ngày dọn về Lê Thái Tổ, thật ra chính xác là từ vụ “cách mạng” chuồng xí ở Trần Nhật Duật, anh Khôi không bao giờ dám cãi lại bố. Còn bố tôi khó chịu, thậm chí, rất muốn ngăn cản anh tham gia các công tác đoàn thể và xã hội vốn chiếm quá nhiều thời gian học tập của anh, kèm theo những lo lắng, bất an sâu xa khác của ông, nhưng ông vẫn cố kiên trì, nhẫn nhịn. Đây là lần đầu tiên từ hồi hào khí đổi đời, anh tôi dám tranh cãi với bố và cũng lần đầu tiên từ sau ngày giải phóng, bố tôi bật tung cái vỏ âm thầm nhẫn nhịn để trút cơn giận dữ vào con trai. Nhưng đó là việc của hai người lớn. Còn với riêng tôi, thằng ranh nghe lỏm, lại phần nào thấy nhẹ nhõm. Hóa ra mấy quán bar chuyên tiếp khách Tây, trong đó có quán của bác Quỳnh gái bị gọi là nhà thổ. Mà nhà thổ thì tôi hiểu ngay là loại nhà chứa gái điếm, gái lầu xanh như trong Kim Vân Kiều, mà thỉnh thoảng theo anh Khôi đến trung tâm Judo Nhu Việt của bác Danh Quỳnh tôi vẫn đi qua. Nhận thức mới khiến tôi rùng mình. Bố bảo anh Khôi không biết thì đừng vội theo thiên hạ nói xấu người ta. Nhưng nếu quán bar của bác Quỳnh gái là nhà thổ thật thì sao? Vậy thì bác Quỳnh trai cũng rất có thể là gián điệp của Mỹ - Diệm? Đầu óc trẻ con non nớt của tôi suy luận vậy. Bởi khi bắt đầu học cấp hai, những nội dung giáo dục ở trường và tuyên truyền trên báo chí, cùng các loa phóng thanh khắp phố phường, đều dành rất nhiều thời lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và tố cáo âm mưu thâm độc chia cắt lâu dài đất nước của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, nên thế hệ chúng tôi đều ít nhiều bị ảnh hưởng cái bệnh “nhìn đâu cũng thấy địch”. Nếu bác Quỳnh trai là gián điệp của Mỹ - Diệm thật thì sao? Nhớ lại dáng điệu thiểu não và gương mặt thất thần của Danh Hùng khi anh đến gặp anh Khôi, tôi bỗng thấy thương Danh Huyền.
Từ ngày về ở Lê Thái Tổ, tôi không gặp lại Huyền. Có lần cùng đám bạn lớp năm ở trường mới kéo nhau ra bãi Phúc Xá, mà chúng tôi gọi là sa mạc Sahara, đứng trên bờ đê nhìn xuống Trần Nhật Duật, nhớ nhà cũ quá, tất nhiên trong đó có cả nhà Huyền, tôi rủ mấy thằng bạn thân nhất là Trịnh Hữu Tân, Nguyễn Kim Đan và Nguyễn Mạnh Hùng (sau là nhà văn Hòa Vang), Phạm Văn Lân, rẽ xuống nhà cũ, rồi vào ngõ Tư Đường. Bốn thằng cùng hỏi: “Rẽ vào đó làm gì?”, tôi bảo: “Tao nhớ những dãy chuồng xí công cộng. Mùi thơm ở đây dẫu đi khắp thế giới cũng không thể nào quên”. Cả bọn cùng cười vang. Chúng tôi chỉ đi lướt qua nhà cũ của Huyền và sớm nhận ra nhà đã có chủ khác, chen chúc, chật chội, vì hình như có tới bốn, năm hộ ở chung.
Nhưng rồi trái đất vừa tròn vừa chật và một bất ngờ xảy ra. Sang năm lớp sáu, chừng khoảng một tuần sau ngày khai giảng, cô chủ nhiệm Lê Diễm Tuyết đưa vào lớp một nữ sinh mới. Tôi nhìn kỹ và giật bắn người, khi đó chính là Danh Huyền.
- Hôm nay, lớp 6A chúng ta có thêm học sinh mới Nguyễn Thị Danh Huyền, từ trường Sinh Từ chuyển qua.
Tôi ở dưới lớp nhìn lên, phải nhìn kỹ vì không tin ngay cô gái đó là Huyền, bởi nay Huyền cao lớn, khác hẳn hai năm trước, hồi cùng học ở trường Yên Thành. Còn Huyền đứng trước lớp, lại mới vào, đang lớ ngớ nên không nhìn thấy tôi. Năm sau là đã lên lớp bảy, bọn con trai chúng tôi mười bốn, mười lăm tuổi rồi mà vẫn còi cọc như đám suy dinh dưỡng, còn đám con gái chỉ mười hai, mười ba tuổi đã cao vọt, nở nang, nhìn lũ con trai dưới tầm con mắt.
Lúc ra chơi, thấy Huyền chưa quen ai, đứng lủi thủi ở hành lang, rất tội nghiệp. Mấy lần tôi cố ý lượn qua lượn lại, Huyền vẫn ngơ ngơ, tôi đành đứng trước mặt hỏi trống không:
- Sao anh Hùng nói nhà chuyển về Nam Định?
Huyền nói:
- Chỉ anh Hùng đi thôi.
- Sao lại về trường này?
- Nhà gần.
Tôi rất muốn hỏi: “Ở đâu?”, nhưng rồi lại lái đi:
- Sao mặt buồn?
- Tại lạ.
Chúng tôi chỉ nói với nhau mấy câu trống không, cụt lủn. Huyền thì lạnh lùng, còn tôi thì vụng về. Lúc hết giờ ra chơi, trở về chỗ ngồi, tôi vẫn bị ám ảnh về đôi mắt đen sâu thẳm của Huyền hồi cùng học ở Yên Thành luôn lanh lợi và tự tin, giờ thay bằng nỗi buồn vu vơ, không để ý những gì quanh mình, không tỏ ra muốn hòa đồng cùng các bạn, kể cả bạn gái.
Nhưng chỉ sau một học kỳ, Huyền vượt lên, ở trong tốp học sinh giỏi nhất lớp, nổi tiếng toàn trường là học sinh không có điểm bốn ở các môn toán, lý, hóa. Môn văn, đứa nào được điểm năm coi như số độc đắc, vậy mà điểm này cũng gần như đậu thường xuyên ở các bài tập làm văn của Huyền với các thầy Thiện, cô Tuyết dạy văn, đều nổi tiếng khó tính. Hồi đó, chỉ những học sinh giỏi mới được làm trưởng, phó lớp, đội trưởng, đội phó đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam. Quá xuất sắc trong học tập, đầu học kỳ hai Huyền đã được cô Tuyết chọn làm lớp phó phụ trách học tập và thầy Bào, tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong toàn trường chọn làm đội phó Đội Thiếu niên Tiền phong của lớp. Đã vậy Huyền còn là “họa sĩ” chuyên trình bày báo tường của lớp. Tờ báo luôn được chấm giải cao trong các cuộc thi báo tường hằng năm ở trường. Tôi ngầm tự hào về người bạn từng là hàng xóm cũ, cùng học trường cũ, lớp cũ, nhưng hai đứa vẫn không thân thiết, vì từ bé tôi đã có cái tật cố hữu, dù rất thích những đứa con gái thông minh, nhưng với đứa quá giỏi tôi lại luôn có khoảng cách khá xa. Còn Huyền tại sao không thích gần tôi thì chỉ có trời mới biết, tính cách của bọn con gái mới lớn mà.
Đoàn Thị Bảo là đội trưởng đội Thiếu niên của lớp, được bọn con trai trong lớp đặt biệt hiệu “Bảo Còi”, vừa vì Bảo thuộc tạng người ít phát triển so với bọn con gái cùng lứa, vừa vì trong các buổi sinh hoạt Đội, cô bé luôn đeo chiếc còi lủng liểng trước ngực để huýt ra oai mỗi khi tập hợp thể thức Đội. Một hôm, Bảo Còi đến gặp tôi trong giờ ra chơi:
- Tuấn này! Cuối tháng này, ban chỉ huy Đội đã nhất trí kết nạp năm đội viên mới, trong đó có cậu, vì thời gian gần đây cậu có nhiều tiến bộ.
Tôi tưởng mình nghe nhầm. Những năm đó, được vào Đội, đi học được đeo khăn quàng đỏ, được tham gia những sinh hoạt riêng so với các bạn ngoài Đội là niềm vinh dự thiêng liêng. Vào Đội lúc đó cũng khó như vào Đảng hồi trước giải phóng miền Nam, nên những đứa có sức học chỉ trung bình, không có năng khiếu gì nổi bật, và ham nghịch ngợm như tôi chỉ đứng ngoài liếm mép, với tâm trạng của con cáo và chùm nho.
- Tớ tiến bộ những điểm nào?
- Ban chỉ huy Đội đã nhận xét tỉ mỉ từng người về những ưu điểm cần được phát huy và những nhược điểm còn tồn tại, rồi người bồi dưỡng cho cậu trước khi kết nạp sẽ trao đổi kỹ hơn. Mình còn đang là cảm tình Đội, khi nghe ưu điểm chớ có tự cao tự đại, còn nghe nhược điểm nhớ khiêm tốn tiếp thu, chớ có tự ái.
Tôi suýt nổi máu điên với hai câu giảng đạo của Bảo Còi, nhưng rồi vẫn kiềm chế được:
- Ai sẽ bồi dưỡng điều lệ Đội cho tớ?
Bảo nói:
- Sau khi cân nhắc và thảo luận kỹ, Ban chỉ huy Đội quyết định cử Nguyễn Thị Danh Huyền. Cậu còn một số nhược điểm trong học tập và đạo đức, nên phải cần một người vượt trội, tính cách nghiêm túc và thẳng thắn như Huyền mới có thể giúp cậu tiến bộ. Còn một thuận lợi khác là cậu và Huyền từng ở cùng phố, học cùng lớp ở trường Yên Thành, hai đứa vừa tình bạn vừa là đồng chí, chắc chắn có thể nói ít, hiểu nhiều.
Tôi cố nuốt cơn nghẹn tự ái xuống bụng:
- Nói như cậu thì Huyền bồi dưỡng cho tớ là quá tốt, nhưng chẳng phải trong Ban chỉ huy Đội có thằng Lê Dưỡng Hạo, nó là con trai, lại cùng trong đội bóng đá của lớp với tớ, để nó bồi dưỡng tớ có phải còn tốt hơn không?
Tôi có cảm giác Bảo suýt đưa chiếc còi lên miệng thổi:
- Cậu chưa vào Đội mà đã có tư tưởng trọng nam khinh nữ hả? Xuất sắc toàn diện như cái Huyền mà cậu cũng khinh? May mà cậu nói với tớ, chứ đến tai đứa khác trong Ban chỉ huy Đội thì chuyện kết nạp cậu chắc chắn khất sang lớp bảy.
Tôi chỉ còn cách đứng im thin thít.
Bảo thấy Danh Huyền đang tư lự ở gốc bàng giữa sân, liền đưa còi lên miệng, huýt một hồi dài, khiến mấy chục đứa đang chơi đùa dưới sân đều ngoảnh lên nhìn. Tất nhiên, Bảo chỉ vẫy Huyền lên:
- Tớ đã trao đổi với Tuấn rồi. Bạn ấy rất vui vẻ khi nghe tớ nói cậu sẽ bồi dưỡng điều lệ Đội cho bạn ấy. Bây giờ hai đứa bắt tay nhau đi.
Bảo cầm tay tôi và tay Huyền đặt lên nhau, cười hì hì:
- Sao tay cả hai đứa cùng run thế? Cứ nghĩ người với người là bạn thì không có rào cản nào không thể vượt qua.
Những câu nói thân tình sặc mùi sách vở của Bảo cũng không xóa được ánh mắt lẫn sự hờ hững ở bàn tay Huyền, thứ truyền đạt ngôn ngữ sâu xa là trước đó Huyền đã không muốn là người bồi dưỡng cho tôi vào Đội. Chỉ có điều về nguyên nhân thật thì tôi đã hiểu rất sai.
Hôm đó là thứ Tư, Huyền bảo tôi:
- Theo quy định, tớ phải bồi dưỡng cho cậu ba buổi chiều, nhưng cậu thông minh, nên tớ chỉ gặp cậu một buổi chiều thứ Sáu thôi.
Được con gái khen thông minh, thằng nào không phổng mũi, nhưng những đứa thông minh mà khen mình thông minh thì phải cảnh giác.
- Phải bồi dưỡng những gì? - Tôi hỏi.
- Điều lệ Đội và Năm điều Bác Hồ dạy. Không thể không học.
- Ở đâu?
- Ở trường không được vì có học sinh buổi chiều. Cậu đến nhà tớ thì không tiện, nên tớ sẽ đến nhà cậu. Được không?
- Cũng được. - Tôi ra vẻ miễn cưỡng nhưng thâm tâm lại thích. Có bạn gái đến nhà, làm sao không tự hào, nhất là với thằng Vinh, anh Khôi và chị Tâm.
Tôi hồi hộp tưởng tượng ra cuộc đón tiếp bạn gái suốt ngày thứ Năm và sáng thứ Sáu, nhưng đến chiều lại quên bẵng chuyện thiêng liêng được kết nạp vào Đội lẫn giờ hẹn đón Huyền đến nhà. Vì chiều hôm đó, đội bóng phố tôi, gồm đám trẻ Lê Thái Tổ và Hàng Trống đá với đội Hàng Khay - Bà Triệu (đứng đầu đội này là Lưu Mộng Hùng, học sinh trường Trưng Vương, sau là huấn luyện viên đội Công an Thành phố Hồ Chí Minh), tại “sân vận động” bãi cỏ rộng cạnh vườn hoa, bên bờ Hồ Gươm, góc Hàng Khay - Lê Thái Tổ.
Những ngày ấy, đám học sinh các trường cấp hai như Trưng Vương, Đoàn Kết, Quang Trung, Diên Hồng… tuy học khác trường nhưng nhà lại chỉ quanh hai quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, nên trong các cuộc thi đấu bóng đá vỉa hè và các bãi cỏ ở công viên đều nhẵn mặt nhau hết. Tan học sớm một tiếng, hẹn nhau đá một chầu đến giáp trưa mới về nhà. Buổi chiều, đi học nhóm, học tổ, chỉ ào chừng một giờ là lại kéo nhau đá bóng. Thậm chí, trời tối cũng chơi dưới các ánh đèn thiếu sáng. Các vỉa hè cạnh sân tòa án đường Lý Thường Kiệt, lề hè góc Xí nghiệp Ô tô 1 - 5, đối diện khách sạn Hòa Bình trên đường Trần Hưng Đạo, trước cửa ga Hàng Cỏ, trước cửa Nhà hát Lớn, sân quần vợt Quán Sứ của Tổng cục Đường sắt, các bãi cỏ quanh Hồ Gươm, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Thiền Quang, đều nhẵn dấu chân chúng tôi. Sau này trưởng thành, trở thành những Tôn Thất Bách, Hoàng Vĩnh Giang, Hoàng Vĩnh Hồ, Lưu Mộng Hùng, Vũ Công Lập, Nguyễn Kim Đan, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Văn Lân… chúng tôi gặp lại nhau đều cười ha hả. Có khi nhờ những mảnh tự do hiếm hoi thời niên thiếu so với sự mất tự do tuổi trưởng thành mà chúng ta nên người. Thực ra, hồi đó, với công an bảo vệ trật tự trị an văn minh đô thị, việc đá bóng vỉa hè và bãi cỏ công viên cũng bị cấm, nhưng có lẽ chúng tôi đá quá hay nên các quý anh công an thường đứng xem và cổ vũ, chứ ít khi giải tán. Rồi chúng tôi lại cười ha ha bởi sự bất công này, khi chính mình lại cấm con cái đá bóng vỉa hè, bãi cỏ công viên và khi các ông con, bà con, đã học lên cấp hai, cấp ba, thậm chí, đại học, mình không đưa chúng đến tận trường và đón rước về tận nhà thì không an tâm.
Tan trận đấu, tôi cùng thằng Vinh, cứ quần đùi cởi trần, qua đường, về nhà và giật bắn người khi thấy Danh Huyền đang ngồi với anh Khôi ở ngay thềm cửa.
- Xin lỗi. (Hồi đó, hai từ “xin lỗi” và “cảm ơn” vẫn còn là văn hóa của người Hà Nội). Tớ quên mất… - Tôi lúng túng mặc vội chiếc áo may ô.
Huyền vui vẻ đứng dậy:
- Không sao. Anh Khôi nói để ra gọi cậu, nhưng tớ bảo thôi… Các cậu đang cay cú thắng thua, có về cũng mất hứng.
- Nhưng bây giờ muộn rồi.
Huyền đưa tôi cuốn Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong và nói:
- Cũng không sao. Cậu chịu khó học thuộc, nếu ngại học thuộc thì cũng đọc cho hết. Riêng năm điều Bác Hồ dạy và lời thề khi kết nạp phải học thuộc lòng.
- Chuyện này thì dễ, nhưng tớ ngại phải nói trước đám đông lắm.
Huyền cầm lại cuốn Điều lệ:
- Thế thì chỉ cần thuộc năm điều bác Hồ dạy, còn lời thề chỉ có một trong năm bạn thề, rồi mọi người hô theo, cậu không thuộc cũng được. Tớ về đây.
Huyền định đi ra cửa thì anh Khôi nghiêm mặt:
- Không được. Được kết nạp vào Đội là sự kiện thiêng liêng, là vinh dự, mơ ước của tất cả thiếu niên Việt Nam, mà điều lệ Đội, năm điều Bác Hồ dạy và lời thề không chỉ thuộc lòng mà còn phải ngấm trong máu thịt, em nhất định phải bắt nó học thuộc lòng. Lấy tư cách là Liên Đội trưởng Liên Đội Thiếu niên Tiền phong, anh yêu cầu em phải bắt thằng Tuấn thực hiện nghiêm túc chuyện này… Nếu trước giờ kết nạp, nó không thuộc thì đề nghị Ban chỉ huy Đội hoãn ngày kết nạp lại.
Huyền nói:
- Như thế em sẽ bị phê bình không hoàn thành nhiệm vụ. Em còn phải về nhà giúp mẹ em một số việc.
Anh Khôi lấy cuốn Điều lệ Đội từ tay Huyền:
- Vậy để anh ép nó học thuộc lòng. Trong hai ngày, nó không thuộc thì anh đá đít. Ở nhà anh có hàng chục cuốn, nhưng em mang đến đây để bồi dưỡng cho nó thì em viết vào đây mấy chữ “Danh Huyền gửi đội viên mới Nguyễn Mạnh Tuấn” cho nó chính danh.
Ánh mắt Huyền lộ rõ vẻ nhẹ nhõm, lấy ra chiếc bút máy Hồng Hà viết mấy chữ vào trang đầu của cuốn Điều lệ rồi đưa tôi:
- Đây! Hai ngày mà không thuộc là anh Khôi nói chuyện với cậu đấy nhé.
Anh Khôi tiễn Huyền ra cổng, rồi quay vào:
- Em coi thường chuyện vào Đội lỗi một, nhưng hẹn bạn gái đến nhà mà bỏ đi đá bóng là lỗi mười. Bố vẫn dạy: “Dối trá và sai hẹn là hai tội muốn học làm người đều phải tránh”.
Dù không tin sai hẹn với bạn gái, lại cùng là nhóc con, tội lại nặng hơn dối trá, nhưng tôi vẫn đứng im.
Anh Khôi nói tiếp:
- Tối nay, sau khi ăn cơm xong anh sẽ ngồi kèm đến khi em thuộc hết Điều lệ Đội mới đi ngủ.
- Em sợ không thuộc nổi. Vẫn còn hai ngày…
- Nhưng anh không có thì giờ. Anh còn bài học ở trường, còn bao nhiêu công tác Liên Đội, chưa kể rất nhiều việc ở Câu lạc bộ Thiếu niên Thành phố. Em không học kịp thì anh và em cùng thức suốt đêm. Thức suốt đêm mà học thuộc được Điều lệ Đội cũng là một thành tích và một kỷ niệm đẹp đáng ghi nhớ suốt đời.
Tối hôm đó, hai anh em thức gần suốt đêm. Thực ra, có lúc, tôi vừa đọc, vừa díp mắt, còn anh cũng ngáp ngắn ngáp dài. Sau, anh có sáng kiến học theo kiểu vấn đáp. Anh hỏi, tôi trả lời, gượng kéo dài sự tỉnh táo và dễ thuộc. Khi anh xác định đạt yêu cầu, cũng là lúc đồng hồ báo thức réo chuông, loa phóng thanh gắn trên chạc cây me ngoài đường phát oang oang bài thể dục buổi sáng báo hiệu đúng năm giờ, thằng Vinh được bố đánh thức, vừa dụi mắt, vừa chạy ra giục:
- Đến giờ chạy rồi.
Anh Khôi nói:
- Hôm nay nghỉ.
Rồi anh bảo tôi:
- Vào giường ngủ nửa giờ, lấy sức. - Vừa nói anh cầm chiếc đồng hồ báo thức trên bàn, vặn chuông báo thức. - Anh cũng phải chợp mắt một lúc.
Anh Khôi nằm xuống cạnh tôi, thấy thằng Vinh và thằng Hiển (con lớn mẹ kế) mặt ỉu xìu ở cửa như bánh đa ướt. Những ngày muốn ngủ trễ ít phút thì bị đánh thức, còn được một ngày hứng chạy, lại bị “thần tượng” bảo nghỉ thì làm sao vui được. Anh Khôi nằm chợp mắt thả lòng, lại nghĩ thương hai thằng chíp hôi, liền bật dậy:
- Tuấn cứ ngủ đi. Anh ra chạy với Vinh, Hiển rồi vào gọi em là vừa.
Đương nhiên, tôi lao ngay vào giường, ngủ say như chết. Khi tỉnh dậy, cắp sách đến trường, mới mang máng nhớ chuyện Huyền đến và chuyện cùng anh Khôi thức suốt đêm.
Nhà tôi ở khúc giữa đoạn khách sạn Phú Gia với trụ sở Công an Quận Hoàn Kiếm đầu ngã tư Hàng Khay, Tràng Thi, Bà Triệu. Một hàng me lâu năm nằm giữa con đường đôi mặt phố, vừa rợp mát, vừa làm sang con đường. Xe cộ đi từ Hàng Trống và nhà Thủy Tạ xuống phải đi đường bên mặt phố, còn ngược lại thì đi bên mé khuôn viên bờ hồ.
Sáng sớm, từ bốn rưỡi đến sáu giờ, mùa hè cũng như mùa đông, già trẻ, lớn bé quanh khu Hồ Gươm có thói quen ra bờ hồ tập thể dục, tập chạy, đạp xe đạp... Một tập quán có sức thu hút tự nhiên, nên dù loa phóng thanh quanh hồ phát nhạc oang oang cũng không xáo trộn sự êm đềm của một nếp sống đẹp.
Một buổi sáng, anh Khôi, thằng Vinh và tôi đang chạy như mọi ngày. Tôi và anh Khôi luôn chạy trước, lúc đến đoạn từ khách sạn Phú Gia về gần đến nhà, đương nhiên là chạy phía mặt phố, anh bỗng lao vọt qua phần hè của hàng me giữa đường đôi, sang đường ngược chiều phía bên bờ hồ, đứng giữa đường dang tay, quát:
- Sao các anh đi trái đường?
Hóa ra anh sang chặn hai thanh niên quần cộc, áo may ô đang đạp hai xe đạp “cuộc”. Hai người kia khoảng mười chín đến hai mươi tuổi, đều cao to gấp rưỡi anh Khôi, khinh khỉnh cùng dừng xe nhưng không xuống xe mà chỉ chống chân xuống đường:
- Mày muốn gì?
- Tôi muốn các anh không được đi ngược chiều.
- A! Thằng láo. Đường đang vắng, tao cứ đi việc gì đến mày?
Đúng lúc đó, thanh niên thứ ba cùng một hội đạp xe tới, dừng lại hỏi bạn:
- Chuyện gì thế?
- Thằng ranh này gây sự. Ngày nào chúng tao đi qua đây, công an cũng không nói gì… Tránh ra!
Anh Khôi bước tới, nắm ghi đông xe của anh ta:
- Yêu cầu các anh đi đúng luật giao thông.
Hàng chục người tập chạy và tập thể dục ở gần, thấy có to tiếng, liền xúm lại cùng lên tiếng:
- Em nó nói đúng thì phải nghe chứ.
- Mấy chú đi sai rõ ràng rồi còn gì?
- Mình là người lớn, sai thì phải sửa làm gương cho các em, lại còn ngang.
Gã thanh niên thứ ba sừng sộ, đẩy xe đạp ngã xuống đường, bước đến trước anh Khôi:
- Nó là trẻ con dám hỗn với người lớn có đúng luật không? Mày có bỏ tay ra khỏi xe bạn tao không? Không bỏ là tao đánh đấy.
- Các anh chịu đi đúng luật thì tôi bỏ. - Anh Khôi kiên quyết.
Cũng có mấy người can anh Khôi:
- Tránh voi chẳng xấu mặt nào, cháu tránh ra cho chúng nó đi.
- Luật với người có học chứ không luật với hạng vô học, cháu chớ có dây vào chúng nó.
Anh Khôi vẫn cứng rắn:
- Yêu cầu các anh đi đúng chiều.
Hai gã kia liền rời xe, vây anh Khôi vào giữa, mà anh thì quá nhỏ nhoi trước ba tên lực lưỡng. Một tên nói:
- Thằng này chó cậy gần nhà, phải dạy cho nó một bài học.
- Đ.M! Đúng chiều này. - Tên thanh niên vung tay tát thẳng cánh vào mặt anh Khôi.
Anh né tránh rất nhanh, bắt lấy cánh tay gã, giật theo đà đánh, vừa ngáng chân, vừa độn lưng, khiến cả người gã tung lên, ngã sấp, sống mũi đập trúng gân lề hè, máu văng tung tóe, gã cố chồm dậy mà không nổi.
Một tên trong bọn hoảng hốt kêu lên:
- Thằng này có võ. - Rồi gã vừa chạy vừa la lối. - Các anh công an ơi! Có thằng du côn đánh người.
Anh Khôi thấy tình trạng đối thủ như vậy thì tái mặt, phân bua với mọi người:
- Cháu không cố ý.
Tên bị thương và tên còn lại, chạy lại gốc me, mỗi tên vồ một cục đá định xông lại anh Khôi. Tôi và thằng Vinh cũng nhanh tay, mỗi đứa một cục đá. Rất may nhiều người lớn đang tập ở gần xúm lại can. Chuyện xảy ra cách trụ sở công an quận chưa đầy trăm mét, nên công an cũng có mặt kịp thời. Tại hiện trường, kẻ có dấu tích bị đánh chỉ có tên thanh niên. Gã ôm cái mũi đầy máu kêu váng:
- Chúng em đang đi đường, không gây sự gì, tự nhiên thằng này chặn xe gây sự.
Tên bỏ chạy cũng quay lại chỉ mặt anh Khôi:
- Thằng này là trùm du côn phố Nhà Thờ.
Những người tập thể dục ở bờ hồ chứng kiến câu chuyện từ đầu, nhao nhao tham gia phân minh:
- Ba thằng này đi ngược chiều. Em này chỉ ra nhắc là chúng nó đã xông vào đánh.
- Ba thằng lớn vây đánh một thằng bé, bị thua không biết nhục lại còn già mồm vu vạ.
Công an có mặt là một viên trung úy trẻ, thái độ nhẹ nhàng:
- Bây giờ đúng sai thế nào, mời tất cả cũng về đồn giải quyết, không nên đôi co ngoài đường làm mất trật tự đường phố.
Anh Khôi có vẻ sợ về đồn, cố thanh minh với viên trung úy:
- Thực ra, em không cố ý.
Viên trung úy nhã nhặn:
- Không cố ý thì em cũng theo anh về đồn giải quyết. - Rồi anh nói với đám người vây quanh. - Để xử lý công bằng và khách quan, chúng tôi rất cần các nhân chứng. Trong bà con, ai chứng kiến từ đầu vụ này, sẵn sàng làm nhân chứng, chúng tôi cũng xin mời cùng về đồn, còn lại xin bà con giải tán giùm.
Viên trung úy giải anh Khôi và ba tên thanh niên về đồn kéo theo hàng chục người nhân chứng. Lúc qua cửa nhà tôi, tôi bảo Vinh:
- Em vào kể với bố đi.
Đám đông rẽ vào cổng trụ sở công an ở ngay góc đường. Sự ồn ào khiến hàng chục công an trong trụ sở cũng kéo ra cửa. Viên đại úy công an vừa xuất hiện, hỏi trống không:
- Đứa nào đánh đứa nào?
Thằng vỡ mũi mếu máo, chỉ anh Khôi:
- Thưa, thằng du côn này đánh em.
Viên đại úy liền đứng chắn ngang, lừ lừ nâng cằm anh Khôi:
- Tao trông mày quen quen. Mày ở phố nào?
- Thưa! Lê Thái Tổ.
- À! Thế thì tao biết mày con nhà ai rồi.
Anh ta cao giọng nói với đám đông:
- Bây giờ những ai làm nhân chứng thì mời vào văn phòng, còn lại xin bà con giải tán.
Viên trung úy bước đến, nhỏ to với viên đại úy điều gì, sau đó, viên đại úy nói:
- Đồng chí để tôi giải quyết vụ này, vì chưa chắc chỉ là chuyện thanh niên mâu thuẫn ngoài đường đánh nhau mà có thể là âm mưu gây rối an ninh đường phố của địch.
Lúc đám đông giải tán, số công an hiếu kỳ cũng kéo nhau vào trong đồn, cổng trụ sở vắng hẳn, tôi và mấy đứa cùng phố nhảy lên, bám vào chấn song cửa sổ phòng thường trực nhìn vào, thấy chỉ còn viên trung úy ngồi ở bàn làm việc, anh Khôi và ba tên thanh niên cùng ngồi chung trên chiếc ghế gỗ dài đối diện, dường như họ đã hòa với nhau khi cả bốn cùng bật cười về chuyện gì đó. Thằng vỡ mũi thậm chí còn bắt tay anh Khôi khiến tôi tưởng mình nhìn nhầm.
Trong khi đó, viên đại úy làm việc xong với bảy nhân chứng, đang tươi cười tiễn họ ra cổng và nói:
- Em đó hành động như vậy là dũng cảm. Không có những thiếu niên có ý thức như em ấy thì công an chúng tôi ba đầu sáu tay cũng không ngăn được bọn coi thường pháp luật.
Một nhân chứng đứng tuổi nói:
- Các anh phải truy xem ba thằng lớn nguồn gốc ở đâu. Nếu là hạng thanh niên hư hỏng thì phải tống hết chúng nó vào trại cải tạo.
Một nhân chứng khác:
- Cái loại đã vi phạm luật giao thông, người ta nhắc lại xông vào đánh thì phải mời cả bố mẹ nó đến để phạt.
Viên đại úy ôn tồn:
- Xin các bác an tâm. Nếu đúng chúng nó như các bác làm chứng thì chúng tôi sẽ không nương tay, để làm gương cho những đứa khác, vì bây giờ hiện tượng thanh niên thoái hóa biến chất ngày càng có dấu hiệu gia tăng.
Một chiếc xe hơi Volga màu đen từ đường Bà Triệu vào cua, rẽ thẳng vào cổng trụ sở công an. Một người đàn ông và một phụ nữ mặc áo đại cán, cùng cỡ tuổi ngoài bốn mươi, từ trong xe lao ra giữa lúc viên đại úy tiễn xong mấy người làm chứng đang định quay vào. Người đàn ông hỏi trống không:
- Thằng con tôi đâu?
Người phụ nữ hớt hải gào lên:
- Con tôi đâu?
Viên đại úy:
- Các đồng chí tìm ai ạ?
- Thằng con tôi, bị bọn du côn phố Hàng Trống - Nhà Thờ hành hung, chứ còn thằng nào?
Viên đại úy lễ phép:
- À à…Thưa! Em đang còn ngồi trong này. Mời hai đồng chí vào.
Vừa thấy thằng vỡ mũi, người phụ nữ chồm đến:
- Trời ơi là trời! Mẹ đã nói con bao nhiêu lần, Hồ Gươm buổi sáng chứa đầy những thành phần phức tạp, đừng có kéo nhau ra đấy tập tành nhưng con nhất định không nghe, để giờ ra nông nỗi này. Đâu, thằng nào đánh con?
Bà ta nhìn anh Khôi và chụp nhanh ngực áo anh:
- Mày đánh con tao phải không? Tao chỉ nhìn là biết ngay mày là hạng du côn đầu đường xó chợ rồi.
Anh Khôi không nói lại, chỉ đứng dậy với tính chất phòng thủ.
Viên trung úy vội lao đến gỡ tay bà ta:
- Xin đồng chí bình tĩnh cho. Chúng tôi đã đưa các em về đây thì mọi việc đã có chúng tôi phân xử.
Hung hãn vậy, nhưng khi có can thiệp của viên trung úy, người đàn bà cũng chịu buông anh Khôi, tuy vẫn rít hai hàm răng, xỉa xói:
- Bà gặp mày ngoài đường, bà không đập cho mày mười chiếc guốc vào mặt, bà là con chó.
Người đàn ông điềm tĩnh hơn, nghiêm mặt với viên đại úy:
- Dù sự việc thế nào thì việc đầu tiên là phải đưa người bị thương đến bệnh viện, sao đồng chí không đưa?
Viên đại úy thoáng lúng túng:
- Thưa, lúc đầu chúng tôi định đưa, nhưng khi sơ cứu, y tá của đồn nói không cần thiết.
- Mũi sưng tấy thế kia mà không cần thiết? Nhỡ mất máu quá nhiều, nhỡ dập xương lá mía, nhỡ nhiễm trùng dẫn đến hoại thư thì sao? Chuyện một mạng người mà đồng chí để một y tá quyết định?
Người đàn bà gào lên:
- Không có bác sĩ bệnh viện chữa trị, không có Hội đồng y khoa giám định, các đồng chí định xử vụ này thế nào? Tha bổng tội phạm chắc?
Viên đại úy tái mặt:
- Thưa, đúng là chúng tôi có thiếu sót… Chúng tôi định lập biên bản xong mới xử lý như đồng chí nói.
- Vậy bây giờ tôi chỉ đạo để khắc phục ngay tức khắc thiếu sót của đồng chí nhé. Trước tiên phải đưa con tôi đến bệnh viện, còn thằng này chắc chắn thuộc băng du côn Hàng Trống - Nhà Thờ nổi tiếng cả Hà Nội, đồng chỉ muốn xử thế nào?
- Thưa đồng chí! Thằng này ở Lê Thái Tổ.
- Đồng chí ở Hà Nội bao nhiêu năm mà không hiểu Hàng Trống với Lê Thái Tổ cùng một đường thẳng, nên đồn này ở Lê Thái Tổ nhưng người ta vẫn gọi là đồn Hàng Trống hả?
- Thưa, tôi mới chuyển công tác ra Hà Nội ba năm, nên chưa kịp để ý.
- Vậy bây giờ, tôi nói cho đồng chí để ý nhé. Hà Nội này bao nhiêu năm sống trong lòng địch là bấy nhiêu năm nhiễm độc chế độ thực dân tư bản, mà nơi nhiễm độc nhiều nhất là những khu phố nhà giàu như Hàng Trống, Lê Thái Tổ. Bề ngoài nó êm ả, nó sầm uất như là tốt đẹp, như là bình yên, nhưng sự thực nó đang là những con hổ dữ giả vờ ngủ, để hễ có cơ hội là vùng lên. Thế nên, quản lý nó, các đồng chí phải thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, từng giây từng phút nắm chắc phương châm chuyên chính vô sản.
- Thưa, tôi hiểu ạ!
- Đồng chí có biết bọn Mỹ - Diệm thâm độc ở trong Nam đang có âm mưu lâu dài phá hoại thành trì xã hội chủ nghĩa của chúng ta bằng cách chia rẽ nội bộ, hạ thấp uy tín cán bộ cách mạng và tha hóa con em cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp, để chúng ta mất thế hệ kế thừa? Những vụ đón đường đánh con cái cán bộ giữa ban ngày ban mặt như vụ này không đơn thuần chỉ là chuyện mấy đứa trẻ với nhau.
- Thưa! Tôi sẽ cố gắng nhìn vấn đề rộng hơn để giải quyết ạ.
- Bây giờ, tôi đưa thằng con tôi đến bệnh viện điều trị và giám định thương tích… Đừng quên Hà Nội đang hòa bình, nhưng cả nước vẫn thời chiến, chỉ mất cảnh giác một chút là thiên hạ đại loạn.
Bà vợ hung hăng lên tiếng:
- Con tôi bị làm sao vì chậm đưa cấp cứu bệnh viện, tôi sẽ kiện lên tận anh Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an. - Rồi bà nói với thằng con, - theo mẹ ra xe…
Thấy thằng con vẫn tỏ ra uể oải, bà ta xấn lại xốc nách:
- Có đi được không? Nếu không đi nổi để mẹ gọi xe cấp cứu.
Thằng con cau có đứng phắt dậy, vùng vằng đi thẳng ra cổng, chui vào xe, đóng sập cửa. Hai thằng đi cùng hết nhìn viên đại úy, lại nhìn người đàn ông:
- Chúng em cũng được về chứ ạ?
Viên đại úy lưỡng lự chưa quyết định thì người đàn ông đã lên tiếng:
- Hai đứa cũng cùng đến bệnh viện kiểm tra mức độ chấn động thần kinh để đưa luôn vào biên bản giám định y khoa. Cẩn thận không bao giờ thừa.
Hai thằng nhẹ nhõm hẳn, cùng lao vọt ra xe, trước sự chưng hửng của viên đại úy.
Trước khi ra khỏi phòng, người đàn ông nhìn anh Khôi, rồi nói với viên đại úy:
- Còn thằng kia, đồng chí cứ tống nó vào phòng giam, chờ kết luận của bệnh viện. Đối với hạng này mà mềm mỏng là có ngày mất chính quyền.
Chiếc Volga rời cổng trụ sở Công an quận, viên trung úy mới rời ghế ngồi, đến bên viên đại úy, thì thào:
- Anh tính thế nào?
- Đúng là chuyện tưởng bé lại xé ra to. - Viên đại úy thở hắt.
- Theo em, cũng thả thằng này ra… Lúc ngồi đây, chúng nó đã cười hòa với nhau rồi.
Viên đại úy đang khó xử, bỗng trừng mắt:
- Thả là thế nào? Gây rối trật tự là chúng nó, rồi hòa thuận cũng chúng nó thì công an là thừa à?
Anh ta hằm hằm ngồi vào chiếc ghế sau bàn làm việc, cầm cây bút và mở cuốn sổ trực ban, hất hàm hỏi anh Khôi:
- Họ, tên?
Anh Khôi nói:
- Nguyễn Minh Khôi, đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam.
- Mày mang Đội Thiếu niên Tiền phong ra lòe tao hả?
Anh ta bỗng cau mày, khi sực chú ý vào hai chữ “Tre Việt” nổi bật trên ngực trái áo may ô của anh Khôi:
- Tre Việt là tổ chức nào? Mày nói mày là đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong, nhưng da thịt mày lại là Tre Việt. Mới mấy tuổi ranh mà đã đỏ vỏ, đen lòng, thì lớn lên chỉ có làm giặc. Đội viên Thiếu niên Tiền phong mà đánh nhau ngoài đường, tội nặng gấp đôi, rõ chưa?
Anh Khôi đứng phắt dậy:
- Em không đánh nhau ngoài đường mà tụi nó xông vào đánh em, có nhiều người đã làm chứng. Nhưng em đề nghị anh không được xưng hô mày tao, vì em không phải tội phạm.
Viên đại úy hơi sững, rồi nhếch miệng cười mỉa:
- Chú em muốn anh gọi là đồng chí chắc?
- Anh gọi gì tùy anh nhưng không được xưng “tao, mày”.
- Hừ! Con ông chủ T&X có khác…
- Bố em không phải ông chủ mà chỉ là người làm công.
- Rồi! Khai tiếp…
Viên đại úy chưa nói hết câu thì bố tôi và thằng Vinh đã từ ngoài vào. Tôi cũng nhân cơ hội buông lan can cửa sổ phòng trực ban vào theo, vừa nơm nớp sợ bị đuổi ra, nhưng viên trung úy lại bảo cả tôi lẫn thằng Vinh ngồi xuống chiếc ghế dài sau lưng bố tôi. Về sau, tôi mới biết sự ưu ái này là do anh vốn là “fan” hâm mộ những trận bóng đá vỉa hè và bãi cỏ mỗi chiều của bọn nhóc chúng tôi ngay xế trụ sở Công an.
Vừa vào phòng, bố tôi đã nói với viên đại úy:
- Thưa ông! Tôi là bố cháu Khôi.
Viên đại úy lãnh đạm:
- Tôi biết rồi. Chúng tôi với bác là hàng xóm, cách nhau có mấy nhà. Giờ tôi đề nghị bác đừng gọi chúng tôi là ông nữa. Chúng ta đang sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, công an chúng tôi là con đẻ của nhân dân, bác gọi tôi là anh được rồi.
- Xin ông thông cảm. Người Hà Nội chúng tôi từ lâu đã quen gọi những người giao tiếp lần đầu là ông, bà, để chứng tỏ lịch sự và tôn trọng, nếu muốn đổi, chắc cũng phải lâu mới đổi được.
Viên đại úy nhún vai:
- Tùy bác. Cần phải nhắc thì tôi nhắc để xác định với bác, chúng tôi là đầy tớ của nhân dân như lời Bác Hồ dạy, chứ không phải ông to, bà lớn của dân như dưới chế độ thực dân, phong kiến. Chắc bác đã biết nguyên nhân vì sao thằng con bác bị chúng tôi bắt về đây?
- Thưa! Trước khi đến đây, tôi có tìm hiểu. Cháu nó rất sai.
Viên đại úy nói với anh Khôi:
- Em nghe rõ bố em nói rồi chứ? Bây giờ, cách tốt nhất là em thành khẩn khai rõ và nhìn nhận mình đã sai thế nào? Nếu chân thành nhận lỗi, các anh sẽ tìm cách giảm nhẹ hình phạt, còn không, thẳng mực tàu đau lòng gỗ, các anh sẽ chuyển lên cấp thành phố giải quyết, đưa thông báo về trường… Nào, đầu đuôi câu chuyện thế nào?
Anh Khôi rất lì và bình tĩnh kể lại từ đầu vụ đụng độ. Viên trung úy tỏ ra lắng nghe và ghi chép tỉ mỉ, nhưng viên đại úy chỉ cầm bút nguệch ngoạc một cách thờ ơ và hỏi những câu vớ vẩn. Sau khi kể xong, anh Khôi ngồi lặng.
Viên đại úy chìa cho anh tờ biên bản. Lời kể của anh Khôi hàng chục phút, trong khi tờ biên bản chỉ có chừng chục dòng:
- Em đọc đi. Nếu không có gì thắc mắc thì ký vào.
Anh Khôi cầm tờ giấy, đọc thật kỹ, và ngạc nhiên:
- Em nói em không có lỗi, sao anh lại viết em nhận rõ sai trái và vô cùng hối hận?
Viên đại úy nhún vai:
- Chẳng có thằng tội phạm nào lại nhận lỗi ngay cả. Anh viết thế là để thả em ngay, chứ tống giam vài ngày, chờ em nhận lỗi cũng chẳng có gì sai?
- Bị tống giam một năm, em cũng không bao giờ nhận lỗi mà em không phạm.
Bố tôi liền cầm tờ biên bản, chăm chú đọc kỹ. Lặng đi một lúc khá lâu, ông mới chìa tờ biên bản và cầm cây bút dúi vào tay anh Khôi:
- Con ký đi. Nghe bố, con ký đi.
- Bị bắn chết con cũng không ký vào tội con không có.
- Nếu phải chết về chữ ký này thì bố sẽ chết trước, con có ký không?
Gan lì như Khôi mà nước mắt cũng chảy ròng ròng trên mặt, lăn cả xuống bàn. Cuối cùng anh run tay ký vào tờ biên bản ướt đẫm nước mắt.
Bố tôi còn phải ký thêm vào tờ cam đoan sẽ bồi thường toàn bộ chi phí bệnh viện cho thằng vỡ mũi.
Lúc bốn bố con cùng ra khỏi trụ sở Công an quận, anh Khôi lạnh lùng như tảng đá, tôi và thằng Vinh cùng khóc òa như chính mình phải chịu nỗi oan ức cao như núi dài như sông của anh Khôi.
Về đến nhà, tôi hình dung bố tôi sẽ phải đánh cho cả ba anh em chúng tôi một trận nhừ tử, nhưng bố tôi chỉ mệt mỏi buông người xuống phản và nói với anh Khôi:
- Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại… Chỉ cần bị tống giam một giờ trong đồn, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nên không có tội cũng cứ phải nhận để được ra ngoài, chứ bố hoàn toàn biết con bị oan… Bố bắt con phải ký là chính bố cũng bị oan, vì bố mang tiếng không biết dạy con.
Rồi ông nhỏ nhẹ nhắc lại vụ “cách mạng” chuồng xí ở Trần Nhật Duật:
- Con nhớ hồi ấy, bố nói gì với con? Những việc tốt, thậm chí, rất tốt, nhưng không đúng hoàn cảnh sẽ gây những hậu quả trái ngược, vậy nên đừng làm.
Anh Khôi ấm ức:
- Như vậy là phải làm ngơ trước những chuyện sai trái sao?
- Bố không khuyên con làm ngơ, mà phải biết lượng sức mình, nếu không sẽ thành Đông Ki-sốt đánh cối xay gió.
Anh Khôi không cãi lại, nhưng tôi biết anh vẫn chưa phục. Những ngày sau, tôi thấy tối nào anh cũng ngồi viết đến khuya. Tôi đoán anh viết báo. Sau thấy anh mua hàng xấp phong bì về, tôi tò mò hỏi:
- Anh mua phong bì làm gì?
- Anh viết đơn khiếu nại, gửi Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh…
Tôi hồi hộp:
- Liệu các bác ấy có trả lời?
- Chắc chắn các bác sẽ đọc và trả lời. Anh biết các bác ấy bận rất nhiều việc lớn, nhưng một công dân, một đội viên Thiếu niên Tiền phong bị oan ức không phải việc nhỏ.
- Bố đã bảo những việc tốt không đúng hoàn cảnh thì đừng làm.
- Thế nào là không đúng hoàn cảnh? Mình là công dân nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa bị oan, thể hiện quyền kêu oan, tức là mình có niềm tin ở Đảng và Chính phủ, không kêu tức là không tin, hóa ra mình phản động à?
Không đủ lý sự để bàn về chuyện niềm tin, điều quá lớn lao so với hiểu biết của mình, tôi không tranh cãi, mà chỉ lo anh thất bại.
Không ngờ chỉ khoảng một tuần, sau khi hàng trăm lá đơn của anh gửi đi khắp nơi, lại có một nơi trả lời, là bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Vào khoảng bốn giờ chiều, anh Khoa, thư ký riêng của bác sĩ Trần Duy Hưng mang thư của bác sĩ đến tận nhà gặp bố tôi. Rồi bố tôi gọi anh Khôi ra phòng khách. Cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài chừng nửa giờ. Anh Khoa đưa anh Khôi bức thư viết rất ngắn của bác Trần Duy Hưng, chờ anh Khôi đọc xong, rồi nói:
- Trước khi đến đây, anh đã làm việc với bên Công an quận. Các đồng chí ấy nói em đã nhận lỗi và ký vào biên bản rồi, giờ tại sao lại khiếu nại?
Anh Khôi nói:
- Nếu không ký, các anh ấy tống em vào nhà giam… Nên em đã ký chữ “Khói” chứ không phải chữ “Minh Khôi” mà em vẫn ký.
Anh Khoa bật cười:
- Anh hiểu rồi. - Sau đó, anh nói với bố tôi. - Thư khiếu nại và kêu oan đến văn phòng chúng tôi thì nhiều, nhưng thư của em Khôi khiến bác sĩ Chủ tịch chú ý và nói với tôi, “Đây là một cậu bé rất thông minh và cũng rất trong sáng, đồng chí xuống tận nơi tìm hiểu và giải quyết. Để những ngọn lửa nhiệt tình và trong sạch của tuổi trẻ bị dập tắt là chúng ta có tội”. Giờ gặp em, tôi thấy Chủ tịch nhìn nhận đúng. Ông có thể tự hào về em Khôi.
Chiều hôm sau, cũng khoảng thời gian này, chính viên đại úy và trung úy Công an quận Hoàn Kiếm sang nhà xin gặp bố tôi và anh Khôi. Bố tôi thận trọng mời cả hai vào phòng khách, rồi bảo chị Tâm ra pha nước mời khách. Sự xuất hiện của chị, hoa khôi một thời của trường Thăng Long, làm cho không khí trong phòng dịu đi.
Họ sang xin lỗi vì có sự hiểu lầm. Rồi nói nhà tôi và bên Công an quận thực ra là hàng xóm láng giềng… Cả nhà tôi nhẹ nhõm. Cũng từ đó, viên đại úy tên Thỏa và viên trung úy tên Đông thường xuyên sang nhà tôi chơi, thân mật chủ yếu với bố tôi, anh Khôi và chị Tâm. Hai người còn nhận bố tôi là bố nuôi. Thì ra, nếu không bị bơm vào đầu đủ thứ lý thuyết thì người với người vẫn là “cây đời mãi xanh tươi”. Nhưng tôi vẫn thắc mắc với anh Khôi:
- Như vậy Bác Hồ, bác Phạm Văn Đồng và bác Trường Chinh vẫn chưa trả lời?
Anh Khôi nói:
- Sao em ngốc thế? Chắc chắn các bác ấy có đọc và chỉ đạo, nên bác Trần Duy Hưng mới quan tâm.
Lá đơn khiếu nại của anh Khôi viết nội dung thế nào, tôi không biết, nhưng lá thư bác sĩ Trần Duy Hưng viết cho anh Khôi đã được anh giữ kỹ suốt nhiều năm sau, nội dung thư rất ngắn:
“Gửi cháu Nguyễn Minh Khôi. Việc của cháu, bác đã quan tâm và chỉ đạo giải quyết sớm theo đúng luật pháp, để cháu an tâm học tập và phấn đấu.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội: Trần Duy Hưng”.