T
háng Bảy năm 2009.
Từ Hà Nội, vợ chồng chị Tâm bận công chuyện không đi được, nên chỉ có vợ chồng Thế Vinh bay vào, còn con trai Tuấn Phúc của tôi cũng từ Sài Gòn bay ra. Tôi gọi điện cho Tư Bông:
- Người bên tôi ra Huế đủ rồi. Giờ tôi sang nhà nghỉ gặp chị bàn về vụ gọi hồn anh tôi được không?
- Vậy là tốt. Nhưng để con sang khách sạn. Cô chú đều lớn tuổi, đừng mất công sang con làm gì.
Ngay tức khắc, Tư Bông đã có mặt ở sảnh tiếp khách. Nhà ngoại cảm vẫn quần nâu cũ, nhưng áo mới tinh hở cổ, thuộc loại thời trang hàng chợ diêm dúa, gương mặt son phấn đậm và vụng, tươi tắn hơn hôm gặp chúng tôi ở Sài Gòn.
- Con chỉ gặp cô chú được mười phút, vì con có hẹn với một nhà khác cũng nhờ tìm hài cốt cho người cha bộ đội miền Bắc, hy sinh ở chiến trường Đà Nẵng.
Tôi hỏi:
- Cùng thời gian, chị tìm mộ cho nhiều người, liệu có bị nhầm lẫn?
- Với cõi âm thì không nghĩ như cõi dương mình được đâu, chú. Trên cõi dương, mình sống với đủ thứ phân biệt, giàu nghèo, già trẻ, tôn giáo, cộng sản, quốc gia, người trước, kẻ sau, người gần, người xa, nhưng ở cõi âm, tất cả đều như nhau. Con cứ thắp nhang cầu khấn gọi hồn, ai tiện thì đến trước, cũng có người mấy ngày mới hiện, nhưng không bao giờ lộn xộn.
- Chị gặp anh Khôi tôi chưa?
- Ở Sài Gòn, con đã gặp và bác ấy hẹn hôm nay, nhưng vì cô chú muốn đổi ngày mai, nên con xin bác ấy vào sáng mai.
Tôi nói:
- Trước hết, chiều nay, vợ chồng tôi mời chị đi ăn cơm. Cùng ra Huế với cùng một công việc, chúng ta nên cùng đi ăn cơm cho tình nghĩa. Mặt khác, sáng mai, lúc làm lễ cầu hồn cũng sẽ có mặt cả mấy người đồng đội cùng trung đoàn với anh Khôi tới dự.
Mặt Tư Bông thoáng ngẩn ra:
- Làm sao cô chú biết họ là đồng đội của bác Khôi?
- Khi chị nói anh tôi hy sinh ở Huế, tôi tìm cách liên lạc với những người từng chiến đấu ở mặt trận này.
Tư Bông lại vui vẻ ngay:
- Nếu thế thì quá tốt rồi. Có mặt các bác ấy, chắc bác Khôi mừng lắm đó.
Tôi nói thêm:
- Các anh ấy sẽ làm việc với cả bên Thương binh Xã hội của Ủy ban Quận và Ủy ban Phường, nơi chúng ta làm lễ, để họ cử người xuống hỗ trợ việc đào xới và làm lễ tiễn đưa liệt sĩ. Chị cho biết địa điểm, để tôi báo cho các anh ấy.
- Nếu được sự giúp đỡ của chính quyền thì con đỡ nhiều và hồn bác Khôi chắc sẽ mát mẻ. Về chuyện địa điểm và chọn giờ gọi hồn, con phải chờ gặp bác ấy mới biết chính xác. Như vậy, để tối nay đi ăn cơm với cô chú con sẽ báo.
Chuông điện thoại của Tư Bông bỗng reo, cô vội rút điện thoại:
- A lô! Tôi hứa sẽ đến đúng giờ mà. Ở nhà chuẩn bị xong chưa? Rồi. Lái xe của tôi thuộc đường. - Tư Bông cúp máy, rồi nói với chúng tôi. - Giờ xin phép cô chú, con phải đi Đà Nẵng ngay bây giờ.
Tôi tiễn Tư Bông ra cửa, thấy chiếc Innova màu xám mà cô ta đi từ Quảng Trị về hôm trước đã đậu sẵn trước cửa khách sạn.
- Giờ mới đi Đà Nẵng liệu tối chị có về kịp không?
- Chú an tâm. Con đã nhận lời là không bao giờ sai hẹn.
Do tò mò, tôi cố tình tiễn Tư Bông ra tận xe.
Người đàn ông đứng tuổi đang ngồi bên tay lái vẫn là người đưa Tư Bông từ Quảng Trị về, và cũng chính là người chạy chiếc Yamaha cũ, đón Tư Bông ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Thấy tôi có vẻ để ý, anh ta miễn cưỡng mỉm cười, gật đầu chào. Nhìn ánh mắt anh ta tự nhiên tôi thoáng cảm giác không an tâm. Nhưng lúc quay vào, tôi lại gạt đi mối nghi ngờ, anh ta cũng chỉ là người lái xe.
Tối đến, vợ chồng tôi, vợ chồng Thế Vinh và Tuấn Phúc đi ăn cơm với Nguyễn Quang Hà và vợ chồng Quốc Toản.
- Hôm nay, cậu mà uống một giọt rượu hay bia, là tôi bỏ về đấy. - Quang Hà nói với Toản.
- Cậu không thấy tôi đi với bà xã à? Đời lính của tôi đánh nhau với đủ các loại lính Mỹ, Đại Hàn, Úc, Thái, không sợ bất cứ thằng nào, nhưng về nhà lại sợ vợ. Từ khi khám tổng quát, bác sĩ phán cấm uống rượu vì viên đạn vẫn nằm trong đầu, ở nhà, một giọt rượu vợ cũng không cho uống.
Vợ Toản cười khoan dung:
- Nhưng vẫn uống ở nhà bạn.
- Thì anh đã nói rồi. Anh chỉ uống chút xíu ở nhà những bạn từng là đồng đội, vì gặp những thằng còn sống lại nhớ những thằng đã chết.
Toản bỗng quay sang tôi:
- Này, sáng mai, không tính Nguyễn Quang Hà, đoàn của tôi sẽ có mười hai người. Bên Thương binh Xã hội thành phố, quận, phường đội cử ba tay lính trẻ, còn chín người thì có bốn người thuộc trung đoàn Mai Siu với ông Khôi. Trước có tới mười lăm thằng cơ, nhưng sáu thằng bệnh yếu không đi nổi, hai thằng bận đi làm kiếm sống, cùng nhờ tôi thắp giùm nén nhang. Năm thằng còn lại không cùng trung đoàn, không kêu cũng đòi đi. Chúng nó nói rằng không cùng trung đoàn, sư đoàn nhưng cùng đánh Mỹ.
Đã quá giờ hẹn, không thấy Tư Bông đến, tôi ra ngoài nhấn số điện thoại.
Giọng Tư Bông đáp ngay:
- Con đây chú. Con vô cùng xin lỗi cô chú. Vì bây giờ con vẫn đang trong lễ gọi hồn ở Đà Nẵng. Do hồn đã hiện trễ, lại nhất định không chịu rời nghĩa trang về quê, vì bao nhiêu năm quá quen với đồng đội ở đây. Vụ phát sinh này khiến con cũng không biết thế nào, nên vẫn phải ở lại. Đã nhiều lần con nói với cô chú người cõi âm không giống người dương mình.
Tôi phải lặng đi đến nửa phút, mới mở miệng:
- Còn vụ anh Khôi tôi?
- À… Con đã hẹn được với bác Khôi rồi. Như vậy năm giờ sáng sẽ bắt đầu làm lễ. Cô chú và con sẽ rời khách sạn lúc bốn giờ.
- Sao sớm thế? Chúng tôi vẫn chưa mua đồ cúng, lại nói với taxi đón khoảng sáu giờ. Bác ta cũng bao luôn cả cuốc ra Hà Nội. Nhưng quan trọng nhất là các đại diện của Thương binh Xã hội thành phố, quận, phường và các đồng đội của anh tôi làm sao có mặt lúc năm giờ được?
- Con cũng nghĩ đến những điều chú nói, nhưng giờ là do bác Khôi hẹn chứ không phải con. Đồ cúng con đã chuẩn bị đủ rồi. Mặt khác, việc khai mộ tối kỵ làm khi mặt trời đã lên. Về vụ taxi, ở Huế, chú hẹn nửa đêm cũng có người đi. Nhưng con có xe bảy chỗ, nhà chú năm người, cộng thêm con và người lái là bảy, chú việc gì phải thuê xe cho tốn tiền.
Tôi cố nén bực:
- Các khách sẽ tham dự thì sao?
- Con nghĩ chuyện này cũng đơn giản. Các bác là đồng đội bác Khôi đều ở tuổi nghỉ hưu, đa số nhàn rỗi, nếu nặng tình đồng đội thì dậy sớm, đi sớm mấy giờ cũng không sao. Còn mấy người ở Ủy ban họ có mặt cũng tốt mà không cũng chẳng sao, vì từng đi nhiều nơi, con biết, mình báo lý do trục trặc, không đi được, họ càng mừng.
Cô ta im một chút, rồi nói thêm:
- Cán bộ chính quyền bây giờ là thế hệ không dính đến chiến tranh nên họ vô cảm lắm, chú ơi.
Tôi chỉ còn cách thở dài, quay vào bàn ăn, ngồi với gia đình và bạn bè, nhưng không nuốt nổi miếng cơm. Đã vậy, còn phải cố nghĩ ra cách nói dối Nguyễn Quang Hà và vợ chồng Quốc Toản. Tất cả họ đều ở tuổi ngót bảy chục, sức khỏe đều không tốt, phải có mặt năm giờ sáng ở nghĩa trang, dù họ nhiệt tình, vợ chồng tôi cũng không nỡ. “Anh Khôi ơi, nếu sáng mai, đúng là anh hiện về, thiếu mặt những đồng đội của anh, em xin anh hãy tha lỗi”.
Sáng hôm sau, ba rưỡi sáng Tư Bông từ nhà nghỉ đã gọi điện sang cho chúng tôi.
- Con phải gọi sớm, vì bốn giờ xuất phát là giờ đẹp, đến nơi còn phải sửa soạn mọi thứ, để đúng năm giờ làm lễ. Người dương mình sai hẹn tùm lum không sao, chứ người âm hay giận lắm.
Vợ chồng tôi, vợ chồng Vinh và Tuấn Phúc xuống tầng trệt, nhân viên khách sạn ra mở cửa, giúp xách đồ, đã thấy Tư Bông đứng bên ngoài. Chiếc Innova với người lái xe đứng tuổi quen thuộc đã chờ sẵn ở trước cửa.
Tư Bông tươi cười xách đỡ vợ tôi bó hoa lớn và túi đựng nhang:
- Con đã nói với chú tất cả đồ lễ, con lo rồi mà.
Vợ tôi nói:
- Chúng tôi không chỉ lo nhang, hoa cho anh Khôi mà còn cho các mộ khác trong nghĩa trang.
Tư Bông vẫn vui vẻ:
- Cô nói thế thì con chịu.
Đợi chúng tôi yên chỗ trên xe, Tư Bông mới lên ngồi cạnh người lái:
- Cô chú thấy chưa? Đúng năm giờ. Con canh giờ gọi sớm từ ba rưỡi là con rất có kinh nghiệm.
Trời bắt đầu mưa lâm râm. Đường phố Huế vắng lặng và rất thiếu sáng, thỉnh thoảng mới có chiếc xe hơi và xe gắn máy chạy trên đường. Tôi cố nhìn ra đường để thưởng thức xứ Huế vào giờ chưa thức giấc.
- Hôm qua, cô chú có tranh thủ đi tham quan các nơi ở cố đô Huế không?
Vợ tôi nói:
- Vì phải đón vợ chồng cậu em, rồi đón con trai, sau đó, lại phải dành thời gian thanh minh vụ phát sinh đi quá sớm với mấy đồng đội của anh Khôi, nên chưa tham quan được đâu.
- Thế thì thật là tiếc. Vì đưa xong bác Khôi ra Hà Nội, cơ hội trở lại Huế của cô chú lại phải là lúc khác… Nhưng cũng có khi con lo hơi thừa, vì dân ở khách sạn ba sao như cô chú thiếu gì cơ hội đi chơi các nơi.
Chúng tôi cùng không nói gì. Vì càng đến gần thời điểm gặp anh Khôi, chúng tôi càng hồi hộp, không hào hứng nói chuyện.
Nhưng Tư Bông vẫn tiếp tục quay lại:
- À ! Như vậy, chú có hẹn lại giờ với mấy người của Ủy ban và các bác, các chú đồng đội bác Khôi?
Tôi miễn cưỡng:
- Tôi chỉ nói chúng ta buộc phải làm quá sớm vì còn phải đưa hài cốt ra Hà Nội trong ngày.
Tư Bông không giấu được vui mừng:
- Thế cũng được. Không chừng cũng do bác Khôi vì thương, không muốn đồng đội đã lớn tuổi phải dậy sớm vì mình, đã để chú nói thay bác.
Thực ra chuyện này, sau khi cân nhắc, tôi cũng thú thật với Nguyễn Quang Hà lúc ăn cơm.
Hà nghe xong, hơi trầm lại, rồi nói:
- Ông quyết định như vậy là đúng. Anh em có người ở ngoại thành đều lớn tuổi, có người còn thương tật và rất nghèo phải dậy sớm từ ba bốn giờ sáng đều không dễ. Tôi chỉ thương thằng Toản vì nó quá nhiệt tình. Nhưng có điều… Điều này, tôi thấy cần phải nói thêm, vì tính tôi hay lo xa, trước đây một số chuyện cũng từng xảy ra trong thực tế.
- Ông cứ nói.
- Ở Huế, cũng như ở quê tôi, rất nhiều vụ nhờ nhà ngoại cảm mà tìm ra hài cốt người thân. Chính tôi từng kiểm chứng và không thể không tin. Nhưng cũng có nhiều trường hợp sai số khá lớn. Những trường hợp sai số ở Huế, thường từ các nhà ngoại cảm né tránh sự tham dự của chính quyền.
- Tôi hiểu ý ông rồi. - Tôi cảm kích nắm tay Hà.
- Tôi vẫn có niềm tin ông tìm được hài cốt ông Khôi, vì ông Khôi cùng trung đoàn với thằng Toản, thằng Sơn là chắc chắn, sai số có lẽ cũng ít xảy ra. Nhưng nếu nhà ngoại cảm này tránh sự tham gia của chính quyền và đồng đội ông Khôi vì lý do không đàng hoàng thì mình cảnh giác cũng không thừa. Mình đang là người cõi dương, trong khi chỉ mình cô ta liên lạc được với người cõi âm.
Về khách sạn, tôi cũng nói điều trên với vợ tôi và vợ chồng Thế Vinh.
Vợ tôi nói:
- Cô này đến nay chưa thấy có biểu hiện gì đáng ngờ, vì đúng là khai quật mộ chí người ta đều tránh làm ban ngày. Cứ cho là nhờ anh Nguyễn Quang Hà và anh Toản quen biết với các cấp chính quyền, nhưng trường hợp trong họ có người không tin chuyện ngoại cảm, ra lệnh cấm khai quật vì mê tín dị đoan thì sao? Nếu có gì đáng nghi ngại thì chính là thái độ bất thường của tay lái xe.
Thế Vinh nói:
- Vấn đề về tâm linh và khả năng ngoại cảm, nhà xuất bản Hồng Đức bên em có in một số cuốn có thông tin nghiên cứu từ người thật, việc thật. Và sự thật là ngay cả những nhà ngoại cảm xuất sắc nhất cũng có khi thất bại. Nên nếu cô này thất bại, mình cũng nên coi đó là chuyện thường, không nên vì thất bại mà nghi ngờ người ta lừa bịp.
Thu Hương, vợ Thế Vinh, nói:
- Khi nghe anh Tuấn gọi ra về vụ này, ngày nào vợ chồng em cũng thắp nhang trên bàn thờ các cụ. Trước khi chúng em đi, cái Nga con chị Tâm chạy sang nhà kể, mấy đêm liền nó đều ngủ mơ thấy chú Khôi về. Hai chú cháu nói chuyện với nhau hàng giờ. Căn cứ vào đấy, em nghĩ chuyện này đáng tin cậy.
***
Ngồi ở hàng ghế sau xe, nhìn qua cửa kính mờ, tôi ráng nhận diện đường phố. Suốt ngày hôm qua, chúng tôi đã nhờ ông Quý lái taxi đưa đi qua những đường phố chính và những nơi là nghĩa trang hoặc có dính dáng tới nghĩa trang, để không bỡ ngỡ khi đi với Tư Bông. Nhưng do trời mưa, đường phố thiếu sáng, Huế vẫn chưa thực sự thức giấc, không sống động như ngày thường, nên không thể biết chiếc xe đang đưa chúng tôi đi hướng nào. Đến một khúc đường hơi cua vòng, Thế Vinh, người đã vào Huế vài lần, thốt lên:
- Đàn Nam Giao.
Tư Bông nói:
- Con chưa đi Huế, nên không biết đàn Nam Giao. Cả cố đô nữa, ai cũng nói là rất đẹp, là nhất định phải thăm khi đến Huế, con cũng không biết.
- Thế làm sao chị biết nơi chôn hài cốt bác Khôi? - Vợ tôi hỏi.
- Bác Khôi cho con biết nơi chôn, còn đường đến, con nhờ anh Năm lái xe đây đưa đến. Đồng hương của con ở đâu cũng có.
Thu Hương hỏi:
- Quê cô Tư ở đâu?
- Thưa! Con ở Phú Yên.
Thế Vinh hỏi dò:
- Cô làm nghề ngoại cảm lâu chưa?
- Thực ra, con không chọn nghề mà nghề chọn con… Ông nội con là bộ đội, hy sinh năm 1972 ở mặt trận Đường 9 Nam Lào. Sau giải phóng, được bên Thương binh Xã hội nói hài cốt đã quy tập về nghĩa trang Quảng Trị, nhưng nằm trong số những ngôi mộ vô danh. Mãi năm 1991, người ta đồn ở nghĩa trang liệt sĩ thị xã Phú Yên có ông thầy ngoại cảm từ Bắc vào tìm mộ liệt sĩ, chỉ đâu đúng đó. Ba con vội tìm đến, thấy ông ấy đang làm lễ, liền năn nỉ ông ấy về nhà gọi hồn, tìm mộ ông nội. Tất cả họ hàng con cháu xa gần đều quy tụ trước bàn thờ. Con đang bệnh cũng được dìu ra, nhưng ngồi tít vòng ngoài, gần cửa. Vậy mà khi hồn hiện lên, ông nội nhập luôn vào con. Ông nói đang ở nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị, nhưng ông không muốn về, vì người cùng làng mình có bốn người nữa cũng ở đấy, nếu không đưa cả năm người về thì ông không chỉ mộ của ông. Bố con hỏi: “Người cùng làng là những ai?”. Ông đọc vanh vách tên từng người. Mọi người có mặt đều sởn gai ốc. Hai trong bốn người đó, có hai người gia đình chưa nhận được giấy báo tử. Chú con là chủ tịch xã cũng có mặt, chú đứng ra xin lỗi và hứa sẽ đưa rước hết về quê một cách trang trọng, ông nội mới nói rõ tên người nào đang là mộ số bao nhiêu ở nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị. Sau lễ gọi hồn, tự nhiên ông thầy đến gặp con và nói: “Cô có căn làm nghề ngoại cảm, nếu thấy thích thì theo tôi”. Từ đó, con theo thầy, nhập nghề.
- Thế là cô cũng hơn chục năm trong nghề? - Tôi nói.
- Dạ! Từ năm 1991 đến giờ, tính rộng cũng gần hai chục năm.
Thế Vinh hỏi:
- Có bao giờ tìm sai không?
- Cũng có, nhưng rất ít. Trường hợp sai hay nhầm thì cả thầy thật giỏi cũng không tránh khỏi, vì cõi âm là thế giới mênh mông, thầy giỏi đến đâu vẫn không thấu hết, chưa kể người âm rất hay hờn giận và thù dai. Mình chỉ không vừa ý chút chút là họ cũng làm khó, để mình mất uy tín, phải bỏ nghề. Nên gặp người cõi âm, mình không chỉ thật thà mà còn phải khéo nữa.
Im một lúc, Tư Bông nói thêm:
- Nhưng trên tất cả, mọi chuyện thành hay không đều trông vào sự phù hộ của Bồ Tát và các bề trên, mà muốn vậy, chúng con phải luôn lấy chân thiện làm gốc.
Cuối cùng người lái xe tên Năm cũng đưa chúng tôi tới đích. Mưa vừa tạnh.
Tư Bông nói:
- Các cô chú thấy chưa? Mình vừa dừng xe là mưa tạnh liền. Rõ ràng bác Khôi cũng thương các chú, các cô lặn lội từ Hà Nội vào, từ Sài Gòn ra Huế.
Người lái xe lẳng lặng mở cửa, đẩy ghế cho chúng tôi rời xe, rồi thản nhiên lên xe ngồi, vừa hút thuốc, vừa lấy điện thoại di động ra bấm.
Lúc xuống xe, chúng tôi mới nhận ra chiếc xe đã rời mặt phố và đường nhựa, rẽ vào con đường đất khá dài từ lúc nào, vì nhìn về hướng thành phố, chỉ thấy một vầng sáng mờ ảo, còn ở chính nghĩa trang, trời vẫn sâm sẩm, hơi sương chưa tan, khiến không gian có phần rờn rợn.
Đây là một nghĩa trang trên bãi đất rộng ở ngoại vi thành phố, không có cổng và tường rào bao quanh, mộ chí thưa thớt, lộn xộn, ít được chăm sóc, nên cỏ và cây dại mọc um tùm. Có bốn ông già gầy guộc, ăn mặc lam lũ, đều khoảng tuổi trên dưới sáu mươi, đã ngồi chờ sẵn ở gốc cây cuối con đường với đầy đủ cuốc xẻng. Chẳng ai buồn đứng dậy khi chúng tôi đến. Nhìn xa hơn vào trong nghĩa trang, có hai bóng người đang ngồi cắt cỏ, thấy xe đến, họ ngừng tay, ngẩng lên nhìn, rồi lại cắm cúi làm công việc của mình.
Tư Bông nói với chúng tôi về bốn người đang ngồi chờ:
- Đây là mấy chú dân địa phương, được con hẹn ra đây giúp mình đào chỗ chôn hài cốt bác Khôi.
Thế Vinh lấy thuốc lá ra châm hút, rồi mang bao thuốc đến mời từng người:
- Rất cảm ơn các bác đã nhiệt tình đến giúp gia đình tôi.
Bốn người lặng lẽ nhận thuốc, châm vào ngọn lửa từ bật lửa ga của Vinh, nhưng không ai đáp lại lời nào, dù chỉ hai tiếng cảm ơn. Tư Bông hướng vào vùng mộ chí trong nghĩa trang, vừa lẩm nhẩm khấn và vái về các hướng khác nhau, rồi nói với chúng tôi:
- Bây giờ chúng ta làm lễ cầu hồn trước. Khi nào hồn bác Khôi hiện về, chỉ chỗ nào, ta sẽ đào chỗ đó.
Chúng tôi cùng với Tư Bông ra xe lấy đồ lễ gồm trái cây các loại, các bó nhang đủ loại lớn nhỏ, chân nến, các chén đĩa xôi chè, một con gà luộc, một chục lon bia 333 Sài Gòn, chục lon nước ngọt… Người lái xe tên Năm dửng dưng trước hoạt động của khách, vẫn thản nhiên ngồi vắt chân trên ghế lái, chăm chú bấm điện thoại di động. Tư Bông lấy từ trên xe xuống chiếc bàn gỗ gấp chân.
- Bàn này là bàn dã chiến, đi đâu con cũng mang theo, để hồn chỉ chỗ nào, con cũng đặt được. Bia thì có hồn không uống nên con phải chuẩn bị nước ngọt.
Vinh nói đùa:
- Hồn thèm rượu thì sao?
- Hôm trước gặp, con hỏi, Bác Khôi nói từ ngày vào chiến trường, bác không uống rượu, cũng không hút thuốc, nếu không, con đã mua cho bác chai rượu ngoại và một cây 555 rồi.
Tư Bông đặt chiếc bàn gấp về hướng mặt trời mọc, bày các đồ lễ lên, rồi nói:
- Đúng năm giờ, con sẽ làm lễ. Khi con làm lễ, các cô chú nhớ hướng vào bàn thờ nhắm mắt khấn liên tục “Nam Mô A Di Đà Phật”, khấn càng to càng tốt, mà khấn nhẩm cũng không sao. Khi hồn về, sẽ nhập vào một trong số các cô, các chú.
- Nhập vào người ruột thịt gần nhất chứ? - Tôi hỏi.
- Không. Bác ấy sẽ nhập vào người có niềm tin nhất. Ruột thịt gần nhất mà không tin, hồn không bao giờ nhập, nhưng dâu, rể, thậm chí, người dưng có mặt trong lễ, có niềm tin, hồn cũng nhập.
Thế Vinh nhìn bộ đồ hàng chợ có phần diêm dúa của Tư Bông, nói đùa:
- Thầy có phải thay đồ trước khi làm lễ không?
- Không cần đâu chú. Cõi âm bây giờ đổi mới tư duy nhiều lắm. Ra ngoài Bắc, con cứ quần jean, áo thun mà làm lễ, hồn vẫn hiện. Mấy năm nay, trên cõi dương, lễ hội, lễ chùa, lễ gọi hồn, người giàu cũng như người nghèo, thi nhau ăn mặc sặc sỡ, xanh đỏ vàng lòe loẹt là hiểu rất sai về cõi âm, nên thờ cúng tốn kém rất nhiều mà không thiêng.
Vợ chồng tôi đưa mắt cho nhau cùng thú vị với sự nhìn nhận ngồ ngộ này, khi mà áo quần cô thầy cũng không kém phần lòe loẹt.
Chờ đúng năm giờ, Tư Bông bắt đầu làm lễ. Chiếc bàn được đặt ở chỗ trũng trên bãi cỏ ướt sũng nước mưa. Sau khi quỳ, chắp tay vái tứ phương, cô cũng xếp chân ngồi phệt, dường như không để tâm mình đang thả mông giữa vũng nước. Cô thầy khấn gì chỉ mình cô biết, nhưng mặt cô mỗi lúc một đờ đẫn, bì bì như mất hồn…
Vợ chồng tôi, vợ chồng Vinh và cậu con tôi cùng quỳ gối, nhắm mắt miệng liên tục lẩm nhẩm “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…” một cách nghiêm túc và tràn trề hy vọng. Gần mười phút trôi qua. Chúng tôi sốt ruột như đã quỳ hàng giờ. Tư Bông bất ngờ mở mắt, quay lại chúng tôi:
- Hồn về rồi, nhưng các cô, chú không ai tin, nên bác Khôi không chịu nhập vào ai.
Chúng tôi cùng ngẩn ra. Có thể Tư Bông đã nói đúng. Chúng tôi chỉ hy vọng, chứ trong lòng cũng chưa thật tin, nhưng cũng có thể không đúng vì niềm tin không nhất thiết phải như đinh đóng cột. Một niềm tin kèm theo sự phản biện, khi thành sự thật, càng nâng cao giá trị… Nhưng khi chưa thành sự thật, vẫn là chưa tin. Tôi tự suy vấn rồi hỏi Tư Bông:
- Tóm lại chị sẽ giải quyết thế nào? Có phải làm lễ lại?
Tư Bông nói:
- Hồn giận nhưng vì thương các em từ Hà Nội, Sài Gòn lặn lội vào tận đây, nên trước khi đi, hồn vẫn chỉ chỗ chôn hài cốt.
Từ thất vọng bỗng chuyển sang hy vọng, mấy anh em chúng tôi cùng sáng mắt:
- Ở đâu?
- Chỗ nào?
- Ở trên kia. Hồn nói đã đánh dấu từ hôm gặp con ở Sài Gòn. Hồn muốn được đưa hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ ở Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội.
Tôi nghi ngờ, hỏi vợ:
- Em đã cho cô ta biết sẽ đưa hài cốt về đâu chưa?
- Em chỉ nói với cô ta, tìm được hài cốt sẽ bàn với chị Tâm và chú Vinh nên đưa về quê hay đưa về nghĩa trang liệt sĩ ở Sài Gòn.
Vinh bảo:
- Vấn đề là cô ta có gặp anh Khôi hay không, chứ đã gặp rồi thì anh Khôi nói chứ không phải thầy nói.
Hương, vợ Vinh đã từng cùng chị Tâm dự mấy cuộc gọi hồn ở Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người, tại số 1 Đông Tác, Hà Nội, tỏ ra hiểu biết:
- Ở cõi âm, tên các địa danh trên này sáp nhập hay đổi khác thế nào các vong cũng biết hết.
Chúng tôi trao đổi nhanh và cũng nói nhỏ để Tư Bông không nghe thấy, rồi theo Tư Bông giẫm đại lên đám cỏ và cây dại ướt sũng, đi lên phía trên nghĩa trang, nơi có hai người đang cắt cỏ.
Bốn người dân địa phương cũng lững thững vác cuốc xẻng lên theo.
Tư Bông đến một gò nhỏ đầy cỏ dại, thì đứng lại, đưa mắt nhìn quanh:
- Bác Khôi nói có một cây bông dừa đang ra bảy bông hoa tím và ba cái nụ, dưới gốc có một đầu đạn AK, do người chôn là người của ta, đặt lên để đánh dấu.
Chúng tôi cùng nhìn bao quát ra xung quanh, bấy giờ mới nhận ra trong mờ mịt màn sương, đây đó trên hoặc bên các ngôi mộ hoang dại, lác đác có đủ các loại hoa cỏ, hoa cúc, còn hoa dừa màu tím chắc chắn phải lẻ loi và dễ nhận… Chưa ai nhìn thấy gì. Vợ tôi và vợ Vinh xông xáo rẽ những đám cây dại ướt đầm đi lên cao hơn.
- Kia rồi! - Vợ Vinh reo lên.
Vinh, Tuấn Phúc và tôi cùng hùa bước theo. Đúng là có một cây bông dừa cách chỗ Tư Bông chỉ chừng chục mét, khuất sau mấy ngôi mộ do đứng dưới nhìn lên, bị khuất nên không ai nhìn thấy.
Tuấn Phúc nhanh nhẩu đếm những bông hoa của cây bông dừa, rồi lạnh lùng nói:
- Đúng bảy bông và ba nụ.
Chúng tôi cùng lặng đi vì kinh ngạc.
Tư Bông áo quần ướt đầm, dẫn theo bốn người dân địa phương, vừa cười vừa đi lên:
- Chắc bác Khôi quý mến em dâu nên mới để cô nhìn thấy trước.
Vinh thận trọng nói nhỏ với tôi:
- Phải để ý xem chỗ đó là đất cũ hay đất mượn. Nếu đất mượn là cây mới trồng, cỏ thế nào cũng héo…
Tôi nói:
- Khẽ mồm thôi. Trước hết mình cứ phải tin đã.
Trong tôi, thật tình không muốn sự việc gặp thêm trắc trở.
Trước khi Tư Bông đến, Vinh cúi xuống cầm gốc cây nhấc thử, rồi dùng tay bới đất, thấy ngay một đầu đạn AK bị sét gỉ.
Mọi người cùng mừng rỡ:
- Đúng đây rồi.
- Anh Khôi quá thiêng.
Tư Bông nói:
- Bây giờ các cô chú kiểm tra kỹ xung quanh, coi có gì nghi vấn không tin thì nói, để con cho mấy chú đây đào.
Vinh ghé tai tôi nói thầm:
- Hoa, lá vẫn tươi. Có thể do trời mưa nên đất không rắn. Nhưng vẫn cứ phải tiếp tục để mắt, vì cảnh giác không bao giờ thừa.
Tôi nói với Tư Bông:
- Chị cho đào đi.
Tư Bông làm thủ tục thắp nhang, khấn vái rồi dùng một cây nhang cháy khoanh một hình vuông, mỗi chiều chừng một mét rưỡi quanh cây bông dừa.
Bốn người dân địa phương lẳng lặng theo dấu, dùng dao phát cây cỏ dại và dùng xẻng xén đất. Đất bị thấm nước mưa không rắn nhưng cũng không dễ đào, khiến tôi an tâm không phải đất mượn như Vinh lo xa.
Tư Bông nói:
- Chỗ này trước đây là nghĩa trang tế bần, chuyên chôn người nghèo và vô gia cư. Đơn vị bác Khôi tham gia đánh Huế hồi Mậu Thân 1968, bị địch bắt tra tấn, giam đến năm 1970 mới mất vì bệnh. Ở đây còn nhiều hài cốt bộ đội miền Bắc hy sinh hồi đó, được dân là những người nằm vùng chôn. Sau giải phóng, nhiều người đã được rước về, nhưng cũng nhiều người như bác Khôi còn bị thất lạc.
Trời sáng dần. Nắng bắt đầu hưng hửng. Một ông già đào đất đứng dưới hố, nói lên với Tư Bông:
- Gần một mét rồi. Hồi trước, không chôn xuống tận đất rắn thế này đâu.
- Cứ đào tiếp đi. Chỉ người dương mới nói dối, chứ hồn không nói sai đâu… Nếu mệt, các chú lên nghỉ một lúc. Trên xe, tôi có mang theo nước đấy.
Tư Bông gọi với ra phía chiếc xe đang đậu ở lề đường dưới chân nghĩa trang:
- Anh Năm à! Mang giùm em thùng nước suối lên cho mấy bác uống nghe.
Bốn người già đào đất kéo nhau lên khỏi hố, thì tay Năm tài xế cũng đang bê thùng nước suối Vĩnh Hảo đến.
Tư Bông nhắc:
- Đường trơn ướt, anh đi cẩn thận không té đấy.
Chúng tôi tế nhị lảng ra xa, nhìn ngắm quang cảnh khu vực nghĩa trang, để đám thợ được thoải mái nghỉ ngơi.
Tôi đi đến ông già đang cắt cỏ:
- Bác là người ở đây sao?
- Đến đời cháu nội tôi là thứ tư.
- Đây có phải nghĩa trang tế bần không?
- Nói vậy đúng nhưng cũng không đúng. Cả vùng này nguyên là đất của dòng họ ông Bảy Tuệ, đủ tên là Võ Minh Tuệ. Sau Mậu Thân 1968, hai bên đánh nhau ác liệt, dòng họ ông ấy theo Việt Nam Cộng hòa, chết rất nhiều, nên phần lớn chạy vào Sài Gòn lập nghiệp, mồ mả ở đây vì thế cũng lần lượt chuyển về quê gốc ở Khánh Hòa. Từ đó, khu này như đất vô chủ, tiện ai nấy chôn. Tuy là nghĩa trang tế bần, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người chăm sóc. Chỉ sau giải phóng, mới thật sự bỏ hoang. Nhưng nghe nói sắp tới, nhà nước sẽ cho bốc hết hài cốt, để quy hoạch thành khu đền, chùa lớn, nhằm thu hút khách du lịch.
- Ông có thường thấy những nhà ngoại cảm đến đây tìm hài cốt liệt sĩ không?
- Người khác thì tôi không rõ, nhưng cô thầy này đến lần này là lần thứ ba.
Thế Vinh hỏi:
- Ở đây lâu, bác có thấy người ta chôn lính Việt Cộng ở nghĩa trang không?
- Nếu có chôn đều là chôn lén vào ban đêm, làm sao biết được.
Đúng lúc đó, người lái xe tên Năm kêu lên tiếng:
- Ối!
Chúng tôi giật mình, ngoảnh ra, thấy anh ta trượt chân ngã sấp xuống đám cây dại, thùng nước suối Vĩnh Hảo và túi ni lông đựng mấy chiếc bánh mì kẹp thịt văng ra bãi cỏ ướt.
Tôi và Vinh cùng chạy xuống đỡ anh ta dậy.
- Chú có sao không?
Tuấn Phúc lẳng lặng chạy xuống, nhặt mấy chiếc bánh mì cho lại vào túi ni lông, rồi bê thùng nước suối lên chỗ mấy người thợ đang ngồi.
Tư Bông từ phía đống đất vừa đào, la vọng về phía gã Năm:
- Em đã dặn rồi mà anh cứ hậu đậu.
Vinh rút hẳn chiếc khăn tay sạch trong túi quần, đưa cho Năm:
- Mặt chú dính đầy bùn rồi, chú lau đi. Có đau ở đâu không?
Gã Năm lạnh lùng nhận chiếc khăn từ Vinh, vừa lắc đầu vừa đáp gọn lỏn: “Không”. Anh ta uể oải đứng dậy, dùng khăn vuốt qua loa những chỗ dơ ướt trên quần áo, rồi vứt chiếc khăn vào bụi cây, vừa chậm rãi theo triền dốc, xuống chỗ xe hơi đậu.
Những người đào huyệt ăn, uống xong, lại tiếp tục nhảy xuống hố đất.
Vinh bảo:
- Mình vẫn phải lên giám sát.
Chúng tôi chưa đi đến chỗ hố đất, đã nghe Tư Bông reo:
- Thấy rồi, các cô chú à! Thấy rồi!
Chúng tôi cùng mừng rỡ ùa lại. Tư Bông đang đứng dưới hố sâu chừng hơn một mét, huơ lên hình thù một chiếc quần không ra đen, không ra nâu, rách bươm, ướt sũng bùn đất, vừa giải thích:
- Lúc nghỉ giải lao, nước trên bờ tràn xuống, đất mềm ra, nên vừa móc đã thấy liền.
Tôi hỏi:
- Sao không phải quần bộ đội?
Tư Bông trả lời:
- Bác Khôi bị bắt làm tù binh nên phải mặc đồ tù chứ.
Cô ta lại lôi từ vũng bùn lên chiếc áo đen rách nát, có vẻ là áo kiểu bà ba:
- Cái áo nè. Đất ở đây bắt đầu màu đen là đến xương thịt của bác ấy.
Cô ta nói với hai người đào đất vừa nhảy xuống hố:
- Bắt đầu từ đây, hai chú chỉ dùng bay và dao. Đất màu đen là máu thịt lẫn vào, còn xương bốn chục năm cũng mủn chung vào đất, các chú nhớ nạo nhẹ, giữ được chút nào hay chút đó, vét hết vào túi ni lông… - Dứt lời, cô ta với tay cho người đào đất đứng trên bờ kéo lên. - Bây giờ, hai chú là em ruột bác Khôi, chịu khó đưa giùm con cái tiểu, trong lót lụa vàng, để đưa hài cốt bác Khôi vào…
Tuấn Phúc nói:
- Bố để con với chú Vinh khiêng.
Tư Bông lớn tiếng:
- Không được. Nếu bác Khôi có con thì người làm việc này là con bác, có vợ thì là vợ bác, nhưng chưa vợ con thì phải là anh em ruột, nếu không bác ấy giận, không muốn về quê là bọn con rất mệt.
Tôi và Vinh ra chỗ đặt bàn cúng, khiêng chiếc tiểu bằng gốm lại bờ huyệt. Vinh nói nhỏ:
- Trước lúc thợ nghỉ, rõ ràng trong huyệt không có nước.
Thật sự từ lúc thấy chiếc quần và chiếc áo cùng những nhuốm bùn đất đen như một phần thân thể của anh mình, sự xúc động chân thành khiến trong tôi không còn cảm giác nghi ngờ. Tôi bảo Vinh:
- Đến lúc này đừng nghi nữa. Lúc thợ nghỉ, nước mưa từ trên bờ có chảy xuống thật.
Chiếc tiểu được đặt ngay ngắn ở đầu huyệt, vợ tôi và Hương như bị những diễn biến đang xảy ra hớp hồn, tíu tít lót tấm lụa vàng mà Hương mua từ Hà Nội lót vào lòng tiểu, đổ cả chục cân chè Thái Nguyên vào đáy tiểu, rồi rắc hoa, đốt nhang, rót rượu. Miệng hai chị em liên tục:
- Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật…
Tư Bông khen nịnh:
- Cô Hương còn rành hơn cả chúng con. Đổ chè ướp sen vào tiểu thì hài cốt sẽ nhanh khô và thơm lâu.
Hai người đào đất ở dưới huyệt, người cạo từng chút đất, người thì hai tay mò mẫm tromg bùn, lúc đưa lên mẩu xương, lúc chìa ra chiếc răng hàm, lúc là chiếc khuy áo, lúc lại là lọn tóc.
Tư Bông đón lọn tóc, rũ rũ rồi vuốt sạch đất:
- Trời! Tóc đen bóng. Không biết bao nhiêu người phải chết trẻ trong chiến tranh.
Người thợ đào đất bỗng đưa lên một vật đầy bùn nhão:
- Cái gì đây?
Tư Bông bảo tôi:
- Chú cầm giùm con xem cái gì?
Tôi ngồi ngay bờ huyệt, gần người đào đất hơn, nên tiện tay nhận vật đó từ ông ta, rồi bóp cho bùn tuột ra.
- Hình như một lọ thuốc.
Tư Bông giục:
- Chú rửa đi! Chú rửa đi!
Tiện xô nước ở bên, tôi rửa sạch bùn đất bám quanh vật vừa nhận. Trong tay tôi là một lọ Penicillin có nắp đậy cao su màu vàng nhạt.
Vợ tôi reo:
- Anh mở ra coi trong có tờ giấy ghi tên người mất không? Hồi em ở chiến trường, lính ta hy sinh, rất phổ biến việc chôn theo lọ Penicillin trong có tờ giấy ghi tên tuổi, hòm thư, quê quán...
Vợ Vinh hồi hộp nói:
- Cầu trời đúng là bác Khôi.
Tôi run tay mở nắp lọ thuốc. Bên trong đúng là có tờ giấy cuộn như nửa điếu thuốc lá, chỉ cần dốc nhẹ là rơi ra. Tôi giở tờ giấy. Đó là loại giấy pơ-luya mỏng đã vàng ố, kích thước chỉ bằng hai đốt ngón tay, có mấy dòng chữ viết bằng mực bút bi xanh đã nhạt màu.
Thế Vinh xán lại bồi hồi đọc. Dòng chữ viết: “Nguyễn Minh Khôi. Sinh 1942. Lập Chí, Minh Trí, Kim Anh, Vĩnh Phú. Mất 12-3-1970”.
Tôi và Vinh cùng ngẩn ngơ, chân tay bủn rủn trong cảm xúc ngạt thở trước một điều không dám tin nay đã thành sự thật. Vợ tôi và vợ Vinh cùng bật khóc nức nở. Riêng Tuấn Phúc vẫn có vẻ dửng dưng, khiến tôi thoáng khó chịu. Và dù không hề mê tín, cả vợ chồng tôi lẫn vợ chồng Vinh đều tin rằng thời điểm đó dường như anh Khôi, trong bộ đồ quân giải phóng cũng có hiện về từ một cõi xa xăm.
Tư Bông có vẻ cũng cùng cảm nhận nên ngậm ngùi nói:
- Hồn bác Khôi đúng là rất thiêng. Con tận mắt thấy bác ấy hiện về chọn đúng chú Tuấn để trao chiếc lọ.