N
ăm 1954.
Sang niên khóa 1953 - 1954, anh Khôi chia tay bậc tiểu học để lên lớp đệ Thất trường trung học Chu Văn An, nằm trên đường Quán Thánh bên bờ Hồ Tây. Và năm này xảy ra một chuyện mà tôi nhớ đời. Nhân vật chính lại là anh Khôi.
Nguyên do từ việc Hà Nội ba mươi sáu phố phường, ngàn năm văn hiến vào những năm cuối thập niên 1950, với kiến trúc nhà ống, phố xá bàn cờ thiên về tự phát, vẫn giải quyết vấn đề chất thải từ con người đất Tràng An bằng “công nghệ” đổ thùng. Không rõ từ những năm nảo năm nào, có lẽ từ ngàn năm, mặt trước của các dãy phố kinh kỳ luôn ngựa xe như nước áo quần như nêm, đã có mặt sau là các dãy chuồng xí, diện tích từng căn khiêm tốn chừng một mét vuông, có đục lỗ ở sàn lửng, để người có nhu cầu ngồi lên hai hòn gạch xả thải xuống thùng gỗ, sau này là thùng tôn, ở dưới… Rồi đêm đêm, đội quân hàng ngàn ông bà nông dân chuyên đổ thùng, sẽ gánh những sọt hoặc thùng tro, từ các vùng ngoại thành: Thanh Trì, Thường Tín, Từ Liêm, Cổ Nhuế, Chèm, Vẽ… nườm nượp tiến vào nội đô. Họ âm thầm luồn lách đến từng chuồng xí, đổ chất thải từ các thùng vào đầy thùng hoặc sọt của mình, rồi gồng gánh trở về đồng ruộng, góp phần làm tươi tốt những cánh đồng lúa, ruộng rau, các vườn hoa đào, hoa cúc, hoa hồng, thược dược… Tuy nhiên, vào thời kỳ rối ren, “văn minh đổ thùng” cũng để lại nhiều hệ lụy, ít nhất là ở dãy phố nhà tôi.
Nhà tôi ở Trần Nhật Duật, lúc đầu là con đường vô danh, chỉ từ khi ngoài sông là bến đò cùng các bãi bè gỗ, tre, nứa thuận theo đường thủy, còn chân đê là bến xe tỏa đi khắp nơi, rồi từ khắp nơi tụ về, thuận cho đường bộ và nhất là khi có cầu Long Biên, mới kéo theo sự hình thành khu phố có kiến trúc nhà ống này. Do ra đời sau các khu phố cổ ở trung tâm, nên nó có phần khang trang hiện đại hơn, với sự xuất hiện của nhiều nhà hai tầng có cải tiến. Phía sau dãy phố là một bãi đất trống cỡ chục ngàn mét vuông rồi mới đến chợ Bắc Qua và chợ Đồng Xuân bên phố Hàng Khoai, Hàng Giấy. Ban đầu bãi đất hoang chỉ để đám thanh niên và trẻ con ở các phố tụ tập, chiều mát rủ nhau ra chơi đùa, thả diều. Sau, mấy gia đình Hoa Kiều làm thêm sân bóng rổ. Khi lập ra đoàn Tre Việt, đám anh Khôi, Danh Hùng và anh Thanh Cường, con trai ông Tân trưởng khu, biến bãi đất này thành sân chơi bóng đá, bóng chuyền, rồi dựng khu tập xà đơn, xà kép, bày mấy khung gỗ treo thang dây, đu dây, mấy chiếc ghế tập tạ, để sáng sớm và chiều muộn nào cũng thu hút khá đông thanh thiếu niên và cả người lớn tuổi quanh khu vực đến tập luyện. Từ đấy sinh ra mấy xe bán nước giải khát, mấy gánh hàng rong, phục vụ đám dân chơi thể thao. Từ năm 1948 - 1949, chiến tranh bùng nổ ở gần khắp các tỉnh đồng bằng, lan rộng lên các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc, dân tản cư từ các vùng giao tranh tràn về Hà Nội. Bãi đất trống, tự phát dần thành khu dân cư nhà tôn, nhà lá với vài trăm hộ, ngay phía sau dãy phố nhà tôi. Số dân tứ chiếng(6) này tiện đâu ở đó, đa số bám vào hai chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, bến sông, bến xe... Họ làm đủ nghề, từ buôn thúng bán mẹt, đến khuân vác, làm thuê… Giai đoạn đầu, tình hình không quá xấu vì người ngụ cư còn ít và lành. Càng về sau, mèo già hóa cáo, tệ nạn xã hội phát sinh, đẻ ra cả dân giang hồ, trộm cắp, đĩ điếm… Khu nhà tôn bắt đầu xuất hiện những tay anh chị, thao túng đời sống cư dân, ảnh hưởng nhiều đến dân mặt phố.
(6) Từ cũ. “Tứ chiếng” là cách đọc chệch từ “tứ chính”, gọi tắt của “tứ chính trấn”, tức bốn kinh trấn quanh kinh đô Thăng Long, bao gồm: Nam Sơn, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương. “Dân tứ chiếng” ban đầu dùng để chỉ những người thuộc bốn kinh trấn, có trình độ cao, phát triển hơn những nơi khác, về sau, cụm từ này chỉ những người từng trải, rày đây mai đó, như dân tứ xứ.
Giữa dãy phố mặt tiền và khu nhà tôn là các dãy chuồng xí. Trừ số ít nhà mới xây có nhà xí nằm trong nhà thì còn lại đều đi nhà xí công cộng, cách dãy nhà xây khoảng chục mét. Mỗi dãy chuồng xí có mười căn, chia đôi, năm căn nam, năm căn nữ riêng biệt. Khi khu nhà tôn chưa hình thành, các dãy chuồng xí không có vấn đề gì, vì tuy là công cộng nhưng người sử dụng lâu dần thành nếp. Việc dọn dẹp vệ sinh đã có những người đổ thùng giải quyết hằng đêm. Người trong phố hằng tháng đóng tiền dọn dẹp ở chỗ vợ ông Tân trưởng khu. Chỉ từ khi khu nhà tôn hình thành, ngày một đông và phức tạp, người ta ngang nhiên dùng chung dãy chuồng xí không phải của mình, mâu thuẫn giữa dân mặt phố và dân nhà tôn mới nổ ra. Những người nhà tôn nói họ ăn ít, đi ít, nên đóng tiền ít, thậm chí xù luôn. Chuồng xí có hố, nhưng họ bậy cả ra ngoài, bậy lung tung khắp bãi, khắp bờ đê. Tất cả các bóng đèn ở hai đầu chuồng xí, thay, bọc cách nào cũng biến mất. Các cửa gỗ của chuồng xí lần lượt không cánh mà bay, đến nỗi ai có nhu cầu vào chuồng xí đều phải mang theo mũ, hoặc nón để che. Phụ nữ muốn vào chuồng xí, phải rủ thêm người đi cùng để đứng ngoài canh chừng. Những người đổ thùng hiền lành, nhẫn nại có tiếng, nay phải dọn cực hơn mà tiền lại ít, họ chỉ đổ thùng mà không dọn vệ sinh nữa… Thế là cả khu vực sống trong mùi hôi thối. Khi gió từ sông Hồng thổi vào dãy phố, thì từ khu nhà tôn sang đến chợ Bắc Qua, chợ Đồng Xuân, Hàng Giấy lan sang cả đường Phùng Hưng đều bốc mùi thum thủm, ngột ngạt. Khi gió từ Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch lãng mạn thổi sang thì cả dãy phố Trần Nhật Duật bốc mùi hôi hám, lan đến tận Ô Quan Chưởng, đầu Hàng Chiếu. Những vụ cãi nhau, đánh nhau mỗi ngày một nhiều bên các dãy nhà xí. Nhiều nhà có sáng kiến trồng cây hoa sữa thay cho cây bàng trên hè phố trước cửa để át đuổi mùi hôi. Chính sáng kiến này đã mở đầu cho phong trào trồng những hàng cây hoa sữa ở một số đường phố Hà Nội cùng cảnh ngộ, kèm theo tác dụng bất ngờ là tạo cảm hứng cho các nhà thơ và nhạc sĩ sáng tác những vần thơ, bài ca lãng mạn và bất hủ về một Hà Nội thơm lừng mùi hoa sữa. Nhưng mỗi năm chỉ được mấy tháng, sau khi mùa hoa kết thúc, mùi ô nhiễm ở phố tôi vẫn “chứng nào tật ấy”…
Cho đến một ngày Chủ nhật trước Tết, mọi sự bỗng nhiên thay đổi. Ông Tân trưởng khu không rõ gặp gỡ dàn xếp thế nào nhưng rốt cuộc đã chia số các chuồng xí theo căn hộ. Kết quả, khu nhà tôn được mười ngăn mà vẫn lợi, còn dân mặt phố được bốn mươi ngăn mà vẫn thiệt. Từ nay, bên nào sẽ quản lý giữ gìn vệ sinh bên của mình. Ông Tân còn huy động tất cả các học sinh trung học ở khu phố, trong đó có anh Khôi, Danh Hùng và Thanh Cường, đi quét vôi, dọn vệ sinh, kẻ khẩu hiệu bằng sơn đỏ, trên mặt tường vôi trắng ở tất cả các chuồng xí. “Giữ gìn vệ sinh chung: Đại tiện đúng lỗ - Đại tiện xong nhớ đậy nắp – Bỏ giấy vào sọt – là có văn hóa”. Dãy chuồng xí nào cũng được lắp ba bóng đèn tròn, có lưới bảo vệ. Chuồng nào cũng được lắp cửa gỗ mới sơn xanh lá cây, hàn chặt vào bản lề, có chốt cả trong lẫn ngoài. Dân chúng ở cả mặt phố lẫn khu nhà tôn đều hỉ hả.
Những ngày đầu, dân hàng phố đi qua khu nhà tôn ra chợ Bắc Qua, Đồng Xuân và dân nhà tôn đi qua khu nhà xí ra phố, đều chỉ thấy mùi sơn, mùi vôi, ai nấy đều nức nở khen ông Tân trưởng khu sáng suốt, chuyện quá đơn giản mà sao cả khu phố phải chịu đựng gần chục năm trời. Khi ông Tân đến từng nhà trả số tiền thừa từ các nhà tùy tâm đóng góp, với dân ở khu nhà tôn, ông chỉ tính có năm hào, ai nấy lại càng ngạc nhiên khi làm bao nhiêu việc chỉ tốn rất ít tiền.
Mọi chuyện xong xuôi, ông Tân sang nhà gặp bố tôi:
- Tôi qua để trả lại tiền thừa ông đóng góp vụ tu bổ lại các dãy chuồng xí và đại diện khu phố cảm ơn cháu Khôi. Đồng thời, bà con nhất trí thưởng cho cháu chút ít, hôm nay, tôi cũng đưa cháu luôn.
Bố tôi ngạc nhiên:
- Tôi thấy cháu nó cũng chỉ tham gia chung với mọi người thôi mà.. - rồi ông hướng vào trong nhà, gọi, - Khôi à! Có bác Tân sang chơi.
Anh Khôi từ nhà trong bước ra, lễ phép chào:
- Bác ạ.
Ông Tân nói:
- Cháu không nói gì với bố chuyện nhà xí trong khu à? Thực ra là ba đứa, thằng Hùng con ông Danh Quỳnh, thằng Cường con nhà tôi và thằng Khôi, mấy tháng nay vận động tôi ủng hộ chúng nó vụ này. Từ ý tưởng lẫn thực hành, vận động bà con đều từ thằng Khôi và thằng Hùng là chính, nhưng do còn ít tuổi nên hai đứa để thằng Cường nhà tôi ra mặt… Cháu giỏi đấy. Tôi không nói giỏi chuyện học hành vì cháu giỏi nổi tiếng ở trường rồi, mà giỏi ở khả năng hòa nhập và thu hút cộng đồng… Ông có thể tự hào có đứa con như cháu.
Anh Khôi ấp úng:
- Thực ra không có bác ủng hộ, không có anh Cường và Danh Hùng hợp tác, chuyện vừa rồi cũng không thành… Còn cháu nghĩ, mấy cái chuồng xí chỉ là góc khuất, chẳng là gì so với bề nổi cuộc sống nên chẳng ai để ý, chứ đã quan tâm, đều giải quyết được.
- Vấn đề là ở chỗ đó, các cháu đã giúp bác nhìn nhận đúng về những góc khuất đó. - Rồi ông quay sang nói với bố tôi. - Tôi đang tính xin trên quận bổ sung cháu Khôi vào ban điều hành của khu.
Rồi ông mở cuốn sổ, bên trong có kẹp một xấp tiền, lấy ra đếm, đưa bố tôi một xấp:
- Đây là tiền thừa của nhà…
Bố tôi cầm xấp tiền với vẻ ngần ngại. Anh Khôi thanh minh:
- Do bọn con thiếu kinh nghiệm, không biết tính và nhiều việc chúng con tự làm, không tính tiền công, nên dư khá nhiều.
Bố tôi đặt lại xấp tiền vào tay ông Tân:
- Coi như tôi đã nhận số tiền ông trả lại rồi, giờ xin ông cầm lấy để nghe tôi nói… Nếu ông không xuôi tai, thì tôi sẽ xin nhận lại tiền. Thú thật với ông, vụ mấy cái chuồng xí, tôi có biết và có đóng góp, nhưng cụ thể thế nào, hôm nay ông nói, tôi mới hay. Tiền thừa mang trả lại cũng tốt thôi. Tiền rõ ràng đã làm nên sự thay đổi, nhưng nếp sống vẫn như cũ, con người vẫn người cũ, thì chẳng mấy chốc, các vị lại phải tiếp tục quyên tiền, mà tiền này càng về sau sẽ càng như gió vào nhà trống…
Ông Tân ngạc nhiên:
- Như vậy là ông phản đối cách làm của chúng tôi vừa rồi?
- Tôi không phản đối… Chuyện vừa rồi là tốt. Thậm chí rất tốt. Có thay đổi vẫn tốt hơn không… Tôi chỉ nói để không lấy lại tiền, vì chắc chắn sẽ có đợt quyên góp tiếp theo.
Ông Tân nói tiếp:
- Tôi hiểu ý ông rồi. Tôi nhận lại số tiền này… Đúng là thay đổi nếp sống không thể nào một sớm, một chiều. - Ông đưa mắt qua anh Khôi. - Còn cháu?
Anh Khôi nói:
- Về vụ tiền thưởng, cháu có nghe anh Cường và Danh Hùng nói. Cháu cảm ơn các bác rất nhiều, nhưng cháu muốn bác đưa số tiền này cho chị Hình.
Ông Tân hỏi:
- Hình nào?
- Chị Hình giúp việc cho nhà cháu.
Ông Tân ngạc nhiên:
- Sao lại dính chị Hình vào?
- Thưa! Những người đổ thùng cho nhà xí ở khu phố mình, đều quê ở Chèm, cùng làng, cùng xã với chị Hình, nên cháu nhờ chị ấy nói với họ đan những nắp đậy hố xí. Vì quen việc, tre lại của nhà, nên họ lấy giá rẻ hai hào một miếng, sau đóng thêm cái tay cầm, họ không đổi giá. Nhưng họ than với chị Hình họ bị lỗ, nên cháu muốn lấy tiền thưởng này bù cho họ, vì chắc chắn mình còn cần họ lâu dài.
Bố tôi nói:
- Tiền thưởng không chỉ riêng con. Con từ chối thì Cường và Danh Hùng cũng không nhận, trong khi các con xứng đáng được nhận. - Rồi bố tôi quay sang nói với bác Tân. - Vụ bù lỗ cho mấy người đổ thùng, dân làng Chèm, ông để tôi giải quyết.
Ông Tân vui vẻ ra về rồi, bố tôi mới nói với anh Khôi:
- Con, Danh Hùng và Cường vừa làm được một việc tốt. Rất tốt. Nhưng các con và kể cả ông Tân đều biết một mà không biết hai. Con có biết cái hai ấy ở đâu không?
Anh Khôi ngước nhìn bố, rồi cúi đầu, nói nhỏ:
- Con không biết.
Bố tôi chậm rãi nói:
- Khu nhà tôn một trăm hai mươi hai hộ, hơn một ngàn người, hầu hết là dân bần cùng tứ chiếng, nhà quê mù chữ, thành phần bất hảo nhiều hơn lương thiện, cứ để yên, có thối thì cũng có nếp, mà quậy lên nhưng lực bất tòng tâm thì loạn.
Anh Khôi cãi:
- Thưa! Ai cũng nghĩ vậy, rồi cũng loạn.
- Con tin từ nay trở đi sẽ yên hay sao? Chưa kể những việc các con vừa làm là việc người lớn chứ không phải của những thằng bé mười bốn, mười lăm tuổi. - Dứt lời, bố tôi bỏ đi vào nhà trong.
Từ lúc ông Tân về, tôi ngồi làm bài ở bàn học phòng bên trong, nhưng tai vẫn nghe lỏm không sót một câu của người lớn. Lúc bố đi rồi, tôi mới ra ngồi cạnh anh Khôi:
- Bố nói anh sai à?
Anh Khôi lắc đầu:
- Bố chỉ lo xa thôi.
Anh không nói thêm, nhưng có vẻ buồn. Giữa lúc việc làm của anh bao nhiêu người khen ngợi, bố lại không hài lòng… Chứng kiến và vô cùng tự hào về việc làm của anh, tôi bỗng rất thương anh và phần nào nghĩ bố tôi đã bất công và khó tính với anh.
Nhưng rồi sự lo xa của bố tôi lại đúng.
Chỉ chừng một tuần sau vụ chỉnh trang lại các dãy chuồng xí, vào buổi chiều, tôi đang ngồi làm bài trong nhà, bỗng nghe nhiều tiếng ồn ào huyên náo từ phía sau nhà. Tôi vội lao ra cửa sau, thấy đám đông hàng chục người cầm dao, cầm gậy la hét:
- Thằng Khôi đâu? Lôi cổ nó ra đây.
Chị Hình hớt hải từ dưới bếp chạy lên trước khi đám đông lao vào cửa, nói với tôi:
- Đóng cửa lại đi em.
Không đợi tôi kịp ra đến cửa, chị đã đóng sập và cài nhanh chiếc then bằng sắt.
Tôi sợ hãi hỏi:
- Chuyện gì thế chị?
- Chúng nó đã ăn cắp lại còn gây sự.
Cạnh nhà tôi là cửa hàng bán gạo của bà Hào. Nhà bà có bề ngang năm mét. Gạo bày bán cả phía trước lẫn phía sau cho dân mặt phố lẫn dân khu nhà tôn, nên bà chừa một lối đi hơn một mét, thông từ cửa trước xuống cửa sau. Khách đi dần thành quen nên người mặt phố đi chợ Bắc Qua, chợ Đồng Xuân và từ hai chợ này ra phố, cũng đi qua nhà bà.
Đám đông thấy cửa sau nhà tôi đóng sập, lập tức chạy qua cửa hàng gạo vòng sang mặt trước nhà tôi, tiếp tục hò hét:
- Thằng Khôi đâu? Thằng Khôi ra đây.
Anh Khôi chiều nào cũng đi tập ở Nhu Việt. Mẹ kế đang sinh em bé ở bệnh viện, chị Tâm ở trường. Nhà chỉ có chị Hình và tôi.
Chị Hình lúc từ dưới bếp lên thì hốt hoảng, nhưng khi đã yên trong nhà, phần nào bình tĩnh lại, nói vọng ra với đám đông:
- Chú Khôi không có nhà. - Rồi chị bảo tôi, - đã có chị, em đừng sợ.
Tôi nhận ra gã cầm đầu là Trúc “vổ”, thuộc dân anh chị ở khu nhà tôn. Tay cầm con dao bầu, gã chỉ mặt chị Hình:
- Con Hình! Mày tưởng tao không biết mày là chó săn cho thằng Khôi hả? Mày nhìn tao đập ang nước mắm này để nói với thằng Khôi là tối nó về, tao sẽ ra đập tiếp vào mặt nó.
Gã giơ sống dao đập vỡ ang nước mắm một trăm hai mươi lít, khiến nước mắm lênh láng, sực nức khắp nhà.
- Mày muốn tao đập ang nữa hay đập tủ tạp hóa này? - Trúc “vổ” tiếp tục giơ dao.
Chị Hình mặt cắt không còn giọt máu, vừa run lập cập, vừa ôm chặt lấy tôi. Một mụ đàn bà trong đám đông gào lên:
- Đập hết các thứ trong nhà nó đi.
Một tên thanh niên lập tức dùng gậy đập vỡ tan tấm kính trên mặt quầy tạp hóa.
Chị Hình bỗng vượt qua nỗi sợ hãi, chồm ra gào thét:
- Ối làng nước ơi! Chúng nó cướp nhà ông bà chủ tôi…
Gã Trúc “vổ” lao tới định bóp cổ chị Hình. Chị hung dữ, nhanh tay chụp cây kéo trên mặt bàn máy may sẵn sàng ăn thua đủ, khiến gã phải chùn lại.
Đúng lúc đó, từ ngoài đường, hàng chục người cũng tay dao, tay gậy, vừa hò hét, vừa lao vào tấn công đám người của khu nhà tôn:
- Đánh bỏ mẹ chúng nó đi.
- Đập chết quân ăn cướp đi.
Đám Trúc “vổ” bị bất ngờ và bị động, chống lại một cách yếu ớt. Do những người phía trước đã bỏ chạy, đám lọt vào nhà ùa ra cửa sau, tự ý mở cửa, thoát về khu nhà tôn, nhưng không kịp. Đồ đạc trong nhà bị mất, bị xô đổ, rơi vỡ khắp nơi. Có người từ ngoài đường hô lớn:
- Cảnh sát đến.
Sự hỗn loạn chững lại. Hàng chục cảnh sát xuất hiện với dùi cui trên tay, chặn cả cửa trước, lẫn cửa sau.
Ông Tân trưởng khu và viên trung úy cảnh sát từ bên ngoài phải lách đám đông mới vào được bàn nước vẫn dùng để tiếp khách trong nhà tôi.
Chị Hình khóc mếu:
- Thưa ông! Họ ăn cướp.
Ồng Tân hỏi:
- Bà chủ đâu?
- Thưa! Bà chủ đi đẻ ở nhà hộ sinh. Nhà chỉ có con và cậu Tuấn.
Gã Trúc “vổ” lì lợm nói với ông Tân:
- Thưa ông trưởng khu! Chúng nó vu cho chúng tôi ăn cắp đồ.
Ông Tân gườm gườm nhìn Trúc:
- Tôi không lạ gì anh đâu.
Ông đưa mắt nhìn khắp lượt những người đứng trong nhà, rồi dừng lại trước một người đàn ông đứng tuổi, tay vẫn cầm con dao bầu:
- Anh cũng là người của Trúc “vổ” hả?
- Thưa ông trưởng khu! Chúng tôi là người làng chị Hình. Thấy tụi nó cướp nhà ông chủ, đánh đập chị Hình, chúng tôi kéo đến cứu.
Viên trung úy cảnh sát ghé tai ông Tân thì thầm.
Ông Tân lắc đầu, vẻ không đồng tình, rồi nói:
- Bắt giải hết lên đồn. Bắt hết.
Chiều tối, bố tôi, chị Tâm và anh Khôi về. Mặc dù chị Hình đã bỏ công thu dọn, lau rửa, nhưng nhà cửa vẫn tan hoang. Hai ang nước mắm một trăm hai mươi lít bị đập vỡ, mùi nước mắm vẫn nồng nặc khắp nhà, mấy dãy tủ bày hàng tạp hóa ngổn ngang kính vỡ, nhiều nhu yếu phẩm và văn phòng phẩm bị mất cắp…
Chị Hình đang lau nhà, thấy bố tôi về, ngồi sụp xuống khóc nức:
- Con xin lỗi. Tất cả đều lỗi tại con.
Bố tôi không nói không rằng, định đi sang nhà ông Tân, nhưng vừa đến cửa đã thấy ông Tân và anh Cường sang nhà. Chưa ngồi xuống chiếc ghế ở bàn nước, ông Tân đã nói:
- Lẽ ra chúng nó phá nhà tôi, nhưng có lẽ do tôi là trưởng khu, trong nhà có nhiều đàn ông, nên chúng nó phá nhà ông.
Chỉ có bố tôi và anh Khôi tiếp ông Tân và anh Cường. Chị Tâm cũng bị bố tôi bảo vào nhà trong, dù chị cũng gần như là quản lý chính của cửa hàng tạp hóa. Chị Hình và thằng oắt con là tôi đương nhiên bị gạt ra ngoài. Nhưng sự việc quá lớn, kích thích trí tò mò quá mạnh, nên thay vì vào nhà trong học bài, tôi lẳng lặng leo lên gác xép, đưa mắt qua cửa ngăn hình bán nguyệt nhìn thẳng xuống bàn nước dưới nhà, nhìn rõ từng người, nghe rõ từng câu của những người ngồi dưới, mặc dù biết rõ trẻ con nghe lỏm chuyện người lớn là rất xấu.
Nguyên nhân sự cố xảy ra không ai ngờ rất đơn giản, từ cuộc “cách mạng” chuồng xí, sau khi giải quyết xong, hóa ra không ai không hả hê hài lòng. Việc sử dụng chuồng xí, dân cư khu mặt phố đã nhường hẳn cho khu nhà tôn một dãy do mình góp tiền xây dựng trước khi dân cư nhà tôn hình thành, rõ ràng là nhường nhịn và san sẻ. Chỉ có điều, để có người chú ý, bảo vệ, nhắc nhở những người sử dụng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không để bị tháo cánh cửa, gỡ đèn, viết vẽ bậy lên tường, nhóm Cường, Hùng, Khôi lại chọn mấy người trong đoàn Tre Việt thường xuyên tập xà đơn, xà kép, chơi bóng chuyền, bóng rổ ở gần đó và yêu cầu bà con mỗi tháng góp bồi dưỡng tượng trưng cho mỗi người năm hào.
Tuy nhiên, ở khu nhà tôn lại có một thứ luật khác là luật giang hồ. Hóa ra khu nhà tôn ổ chuột hơn trăm hộ này có nhiều dạng anh chị. Anh chị của dân bốc vác, anh chị của dân trộm cắp, anh chị của gái mại dâm, anh chị ổ thuốc phiện… Anh chị phạm vi nào cai quản, bảo kê phạm vi đó và tôn trọng lẫn nhau thành thứ trật tự bất thành văn, chỉ khi nào phát sinh những vi phạm, cạnh tranh, mới xảy ra xung đột và thường được giải quyết êm thấm, nhanh gọn để tránh chính quyền can thiệp. Việc bảo kê các chuồng xí công cộng ở khu phố từ xưa đã do gia đình Trúc “vổ” cai quản bằng cách thu “tô” dân đổ thùng, tức là chúng trấn lại một phần tiền dân phố thù lao cho họ. Từ khi khu nhà xí sang sửa lại, các anh Cường, Khôi, Hùng không biết chuyện này, thay vì thuê đám Trúc “vổ”, lại thuê nhóm Tre Việt trông coi, bảo vệ, đã khiến chúng tức tối ngầm. Mặt khác, khi trao đổi với đại diện các nhà mặt phố và nhà tôn, việc dành hẳn cho khu nhà tôn một dãy là quá tốt, không ai thắc mắc. Nhưng đi vào thực tế, khi dãy chuồng xí thuộc khu nhà phố được ngăn riêng, còn chuồng xí khu nhà tôn nằm ngay lối đi, nên dân đi chợ Bắc Qua, dân bến xe ngoài phố cũng đều vô tư sử dụng, khiến giữ cách nào cũng tồi tệ hơn trước. Đám nhà tôn cho là các anh Cường, Khôi, Hùng chơi xỏ họ. Thế là trật tự mới chỉ được tôn trọng trong hơn một tuần, rồi tất cả lại như cũ… Dân nhà tôn không những không đi ở chuồng xí, mà còn phóng uế cả ra đường đi, các câu tục tĩu được viết đầy trên các tường bao vừa được quét vôi trắng đẹp. Đèn trên các nóc chuồng xí chỉ trong một đêm bị mất sạch, các cửa liên tục bị gỡ…
Và đỉnh điểm xảy ra từ vụ mất sạch những nắp đậy hố xí. Những nắp này, anh Khôi nhờ chị Hình nói những người đổ thùng ở quê chị đan bằng tre, đóng thêm tay cầm. Nhờ những nắp này, mùi hôi thối không bốc ra, cả khu mặt phố lẫn khu nhà tôn đều không còn phải chịu đựng mùi ô nhiễm nồng nặc. Khi những chiếc nắp này bỗng nhiên không cánh mà bay. Thay bao nhiêu mất bấy nhiêu. Nhóm Tre Việt tức giận, quyết tâm tìm ra thủ phạm và họ bắt được quả tang những đứa con nhà Trúc “vổ” chuyên lấy trộm những nắp này về làm củi đun. Họ báo cho chị Hình. Chị Hình và mấy người giúp việc xuống tận nhà Trúc “vổ”, nghĩ rằng chỉ để nói cho nhà Trúc thôi đi, nhưng dường như Trúc “vổ” chỉ chờ cái cớ đó để gây ra vụ đập phá.
Sau khi nghe hiểu mọi chuyện, bố tôi hỏi ông Tân:
- Ý ông định giải quyết vụ này thế nào?
Ông Tân nói:
- Trước hết, chúng nó phá hỏng và trộm cắp của nhà ông thứ gì, bắt chúng nó phải bồi thường đủ hết. Vợ chồng thằng Trúc “vổ” và những đứa tham gia đập phá đang bị giam ở đồn cảnh sát đã nhận tội là nghe Việt Minh xúi giục, gây rối an ninh trật tự Hà Nội, sẽ cho đi hết luôn.
Bố tôi hỏi:
- Tại sao lại dính Việt Minh vào?
- Phủ Thủ hiến bây giờ sợ dân như sợ cọp, nên phải dính Việt Minh vào thì họ mới để mình thẳng tay với bọn gây rối.
- Nhưng sự thật không phải như vậy?
Ông Tân nói:
- Việc đó đã có cảnh sát lo. Vừa đánh tuốt xác, chúng nó đã nhận hết.
Thấy bố tôi không nói gì, ông Tân nói thêm:
- Thực ra, khu nhà tôn này hầu hết là dân cư ngụ trái phép, chính quyền cho họ tồn tại lâu nay là vì lý do nhân đạo, chứ hai năm nay, đã có chủ trương dọn sạch khu ổ chuột chứa toàn tệ nạn xã hội này để chuyển chợ Bắc Qua sang… Vì vậy nhân cơ hội này, họ sẽ xóa sổ luôn khu nhà tôn.
Bố tôi hỏi:
- Bao giờ xóa?
- Dưới tâu, trên duyệt, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị đối phó với dư luận, xong đâu đấy, phải ngoài Tết sang năm. Chuẩn bị mới lâu chứ đã dẹp thì chỉ một tháng là xong.
Bố tôi nói:
- Tình hình này, chắc chắn Pháp thua ở Điện Biên Phủ. Giữa lúc chính trị, xã hội đang biến động từng ngày, tôi sợ dự tính dẹp khu nhà tôn của các ông là không thực tế.
- Sở Cảnh sát họ nói giữ yên Hà Nội cũng là củng cố hậu phương cho Điện Biên Phủ, nhưng đúng là cũng khó khi Điện Biên Phủ bị thất thủ… Vậy ý ông thế nào?
Bố tôi nói:
- Qua vụ này, tôi thấy may mà không ai chết, chứ có người chết rồi, cảnh sát mới đến thì ai chết người ấy thiệt. Bây giờ cũng không phải lúc phân biệt ai đúng, ai sai để xử lý theo pháp luật, vì tình hình đen trắng lẫn lộn này, có khi luật pháp thua luật rừng, nên theo tôi nên tìm cách giải hòa.
Anh Cường bất bình:
- Thưa bác! Mình đang thắng thế, không thể có chuyện giảng hòa với bọn tội phạm đang ngồi tù.
Bố tôi nói:
- Tù một tuần, một tháng hay một năm, rồi vẫn phải thả họ ra thì sao? Có gì đảm bảo họ sẽ không trả thù? Không tiếp tục quấy rối mình? Các cụ ngày xưa đã nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, cứ cho là mình thua họ đi, thua để được an tâm, cũng là tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Ông Tân:
- Tôi hiểu ý ông… Nhưng còn những thiệt hại của gia đình do chúng gây ra?
Bố tôi nói:
- Tôi đâu phải hạng giàu có đến mức không biết xót của, nhưng nếu phải chịu mất nhiều hơn để đổi lấy sự an tâm với hàng xóm láng giềng thì cũng không thiệt. Bây giờ muộn rồi, nên sáng mai, tôi muốn ông mất thì giờ cùng tôi lên đồn cảnh sát xin tha cho họ.
Ông Tân lặng đi một lúc, rồi nói chậm rãi:
- Có thể ông đã nhìn xa hơn tôi.
Bố tôi cười nhẹ:
- Ông quy tội họ là Việt Minh, lại bỏ tù họ, tôi sợ hiệp định Genève ký xong, Hà Nội vào tay Việt Minh là ông đã phong thánh cho bọn gây rối, không chừng còn dọn đường cho chúng được Việt Minh trọng dụng thật.
Ông Tân bật cười:
- Có khi thế thật.
Ông Tân và anh Cường về rồi, bố tôi mới quay sang anh Khôi:
- Con biết con sai ở đâu không?
Tôi lo lắng nhìn về chiếc phất trần treo ở cái đinh trên tường, lo sợ về một trận đòn nhừ tử mà bố tôi sẽ dành cho anh Khôi.
Thấy anh Khôi không trả lời, bố tôi hỏi lại:
- Con có biết mình sai ở đâu không?
Anh Khôi lí nhí:
- Sai ở chỗ không lường tới những sự việc xấu có thể xảy ra?
Bố tôi vẫn không hề to tiếng:
- Các con đã làm một việc tốt, nhưng việc tốt không đúng hoàn cảnh thì sẽ sinh ra loạn và gây ra hậu quả rất xấu. Thôi, đi học bài đi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng mãi mãi về sau, tôi vẫn không hiểu vì sao hôm đó, bố tôi lại rất dịu dàng với anh Khôi.
Ngay chiều hôm sau, vợ chồng Trúc “vổ” và những kẻ đập phá nhà tôi được cảnh sát tha về. Bất ngờ, cũng tối hôm đó, ông ta dẫn đầu, đưa vợ, các con và hơn chục người lớn tuổi ở khu nhà tôn lên nhà tôi, quỳ lạy trước bố tôi cảm ơn và xin ông tha tội. Tại sao có chuyện này? Do cảnh sát bắt buộc, do ông Tân tác động hay do chính họ biết nghĩ? Tôi còn quá bé để hiểu trong khi bố tôi và anh Khôi chẳng bao giờ kể… Còn bây giờ đương nhiên đã hiểu ra, tôi không muốn nói như sự vuốt đuôi một kết thúc có hậu, điều mà ai cũng có thể hiểu.
Riêng lời bố tôi nói với ông Tân buổi tối ông sang nhà: “Tình hình này chắc chắn Pháp thua ở Điện Biên Phủ. Giữa lúc chính trị, xã hội đang biến động từng ngày, tôi sợ dự tính dẹp khu nhà tôn của các ông là không thực tế”, đã đúng sớm hơn mọi dự tính. Ngày bảy tháng Năm năm 1954 quân Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ, chịu rút hết quân khỏi Việt Nam. Ngày mười tháng Mười năm 1954, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Hà Nội.
Còn câu: “Ông quy tội họ là Việt Minh, lại bỏ tù họ, tôi sợ hiệp định Genève ký xong, Hà Nội vào tay Việt Minh là ông đã phong thánh cho bọn gây rối, không chừng còn dọn đường cho chúng được Việt Minh trọng dụng”, tôi không có cơ hội kiểm chứng vì sau thời gian này, bố tôi bán nhà ở Trần Nhật Duật, dọn đến Lê Thái Tổ, bên bờ hồ Hoàn Kiếm ở nhà thuê, để tránh làm chủ tài sản lớn.
“Cuộc chiến” chuồng xí thời đổ thùng của Hà Nội không bao giờ được những người lớn trong nhà nhắc tới, và toàn dân phố Trần Nhật Duật chắc cũng quên từ lâu rồi. Nhưng tôi mãi mãi nhớ, chỉ bởi nó gắn chặt với những kỷ niệm và tính cách luôn hướng về sự tốt đẹp ở cộng đồng của anh tôi.