T
háng Bảy năm 2009.
Nhà văn Nguyễn Quang Hà hẹn chúng tôi ăn trưa ở quán Bình An: “Ra Huế mà không ăn cơm hến là chưa biết Huế”. Anh nói thêm: “Tôi cũng đã kêu cả thằng Toản cùng sư đoàn Mai Siu với ông Khôi. Như vậy, vụ tìm hài cốt ông Khôi chắc cũng đơn giản thôi”.
Vợ chồng tôi rời khách sạn bằng taxi. Chỉ vừa bấm điện thoại là từ đầu kia, người lái xe Lê Văn Quý đón chúng tôi ở sân bay, đã vui vẻ:
- Xin chào. Quý khách chờ năm phút là tôi có mặt ngay.
Đúng năm phút, ông Quý đã đến cửa khách sạn. Trên đường đi, ông nói:
- Cơm hến thì ăn ở quán Bình An là đúng rồi, nhưng những người quen ăn sang có khi không hợp.
- Tại sao?
- Vì ông chủ quán này dân Bắc. Đến ăn qua bữa thì được, còn ăn để thưởng thức hương vị Huế, phải chủ quán Huế.
- Người bạn tôi nói quán này rất nổi tiếng.
- Nó nổi tiếng nhờ vợ chồng ông chủ, chứ không bởi giá trị ẩm thực. Đây cũng là đặc điểm của xứ Huế mộng mơ. Người với người là bạn, người đến với nhau vì cái tình chứ không chỉ vì miếng ăn.
- Vợ chồng họ thế nào?
- Quý vị đến sẽ biết.
Chúng tôi đến một phố nhỏ bình dân, vắng xe cộ qua lại, quán ăn cũng thưa, không sang trọng, khoa trương, nhưng lề đường trước cửa quán nào cũng đầy xe gắn máy, xe hơi. Những nhân viên của quán, chỉ đứng ngoài hướng dẫn khách vào, chứ không mời mọc, săn đón với các kiểu giành khách ở những phố ẩm thực sầm uất.
Chiếc taxi dừng trước quán Bình An. Một căn nhà ngói cấp bốn nằm sâu bên trong diện tích vườn có bề ngang chừng sáu mét. Khu ăn uống dành cho khách là phần đua ra từ hiên nhà đến tận cổng lợp mái tranh, cột kèo bằng tre, bàn ghế ăn cũng đều bằng tre. Khách ra vào, ngồi ăn đông chật, nhưng không ồn. Trời nóng. Các quạt gắn trên các cột tre quay vù vù.
Chúng tôi vừa đến cửa, Nguyễn Quang Hà đã từ trong quán bước ra:
- Chỗ chúng mình ở trong này cơ.
Nói rồi, anh quay sang nói với người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi, đang niềm nở hướng dẫn khách vào bàn:
- Bình ơi! Khách đến rồi. Đây là bạn tôi, - rồi anh giới thiệu người tên Bình với chúng tôi, - đây là anh Bình, chủ quán.
Bình xởi lởi bắt tay chúng tôi:
- Xin mời. Xin mời. Quang Hà nói cần một nơi yên tĩnh, chúng tôi luôn có nơi yên tĩnh.
Anh đưa chúng tôi vào sâu trong nhà, qua căn bếp bên trong, lại thấy đua ra một mái tranh như kiểu nhà sàn, đi lên mấy bậc thang mới vào sàn nhà lát bằng tre. Ở đây dịu mát hẳn vì có mấy cây cau. Anh chủ quán hồ hởi giới thiệu “Nơi này chỉ dành riêng cho các chiến hữu”.
Chúng tôi vừa lên sàn, kéo ghế ngồi thì nữ chủ quán, vợ của Bình, từ trong bếp đi ra tươi cười:
- Em chào các anh chị.
Nguyễn Quang Hà giới thiệu:
- Đây là Bội An, phu nhân của Bình, người trẻ mãi không già.
Tôi không thích câu nịnh khéo ấy, nhưng vẫn kín đáo để ý kỹ nữ chủ nhân.
Bội An nói giọng Huế đặc sệt:
- Anh Hà có kể với em về anh chị, nhưng bây giờ phải ăn đã. Em nói trước, cơm ở quán em, người quen thì khen nhưng người lạ có khi lại chê đấy. Anh ăn như mọi khi hay đổi món?
Câu cuối cùng là chị hỏi Quang Hà. Quang Hà đáp gọn:
- Như mọi khi đi.
Bình bảo:
- Rượu cũng như mọi khi nhé?
Hà xua tay:
- Tuyệt đối không, vì lát nữa có thằng Toản. Thằng này, rượu vào thì ma đến. Vợ chồng cậu cũng ngồi với chúng tôi đấy.
- Nếu các vị ngồi được đến tối hôm nay vợ chồng tôi cũng sẽ ngồi đến tối với các vị. Chỉ mười phút là đủ món đấy.
Vợ chồng Bình - An rời khỏi nhà sàn, Hà nói:
- Chuyện vợ chồng này có thể kể thành một thiên tiểu thuyết. Thằng Bình là biệt động được cử vào thành ám sát đại tá thanh tra cảnh sát Phúc Nguyên. Để tiếp cận Phúc Nguyên, Bình làm quen với con gái ông ta là Bội An, trung úy lục quân, giảng dạy ở trường thiếu sinh quân Đà Lạt. Anh thấy Phúc Nguyên là một quan chức liêm chính, gia đình trí thức, con cái lương thiện. Những thông tin về tội ác của Phúc Nguyên là sai nên anh can ngăn vụ ám sát. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, anh chỉ bắn Phúc Nguyên vào vai… Phát đạn ấy vẫn khiến anh ăn năn nên sau giải phóng, anh vào tận trại cải tạo, nơi Phúc Nguyên bị giam để xin lỗi. Anh gặp lại Bội An. Hai người đã yêu nhau từ trước… Cấp trên nói: “Nếu cưới sĩ quan chế độ cũ thì buộc phải giải ngũ…”. Cuối cùng anh đã chọn Bội An. Gia đình ông Phúc Nguyên sau được xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO, một mình Bội An ở lại. Mười lăm năm sau giải phóng là mười lăm năm đầy gian nan và bi kịch của đôi vợ chồng này, để đến hôm nay họ mới tạm được coi là bình an.
Tôi hỏi:
- Sao ông không viết về họ?
Hà nói:
- Tôi ở Huế từ năm 1967, đổ cả máu xương trên đất Huế, sinh con đẻ cái cũng ở đây, nhưng chưa thấm đất Huế thì chưa thể viết hay về người Huế.
Toản từ ngoài quán vào nhà sàn một cách ồn ào:
- Xin lỗi vì đến trễ. - Anh nhìn vợ chồng tôi rồi nói luôn. - Khách Sài Gòn đây hả? À! Tôi phải báo cho ông Tuấn biết trước. Thằng Sơn đột xuất phải nằm lại ở Viêng Chăn điều trị mảnh đạn nằm trong đầu đau tái phát nên không về được, nhưng nó đảm bảo đại đội nó có người tên Khôi, dân Hà Nội, chỉ sai số ở chỗ hy sinh năm Mậu Thân 1968, trong khi rút khỏi Huế, chứ không phải năm 1970.
Tôi hỏi:
- Nhưng họ gì?
- Nó không nhớ họ. Trong đầu còn một mảnh đạn mà nó vẫn nhớ được tên và quê quán là quá tốt rồi.
Hai tiếp viên của quán bày cơm và thức ăn lên bàn. Vợ chồng Bình An cũng lên ngồi. Bình hỏi:
- Anh Hà nhìn những món này có gợi nhớ điều gì không?
Toản xua tay:
- Hà ngồi yên, để tao nói. Đây là những món ngày đầu tao, mày, thằng Hà đến ăn cơm ở nhà An. Mấy năm ấy, cực lắm… nhưng thiếu một món, và món này, do biết chắc sẽ thiếu, nên tao mang đến.
Toản rút trong người ra một chai rượu dẹt:
- Cơm hến đãi khách Sài Gòn mà thiếu cái này không khác gì ăn chay.
Bình thanh minh:
- Không phải thiếu mà là anh em tao cấm vận rượu với mày.
- Một ly thôi. Mỗi người một ly chúc cho thằng Tuấn sắp gặp anh nó. Tuấn đừng tự ái vì tao xưng hô mày tao với mày. Tao, thằng Hà, thằng Sơn cùng trung đoàn với anh Khôi của mày, mày là em thằng Khôi, cũng là em tao, nên xưng hô suồng sã như vậy cho thân mật.
Tôi cười:
- Không sao đâu.
Hà nói:
- Vụ xưng hô, Tuấn vui vẻ rồi thì thôi, nhưng rượu thì nhất định không được.
Toản cứ cầm ly, vừa rót rượu, vừa giả lả:
- Một ly thôi mà. Lính gặp nhau mà không cạn một ly thì không còn là lính.
Bình cười cười có ý nhân nhượng.
Tôi nói với Hà:
- Nhấp một ly nhỏ cho vui cũng được.
Hà nói:
- Nhưng tôi nói trước, chỉ uống nửa ly là nó thăng đấy.
Toản nói:
- À, hà hà… Xin báo tin buồn với mày, hôm rồi đi khám tổng quát, bác sĩ nói, vụ tâm thần, sống với ma nhiều hơn với người, tao mười phần thoát tám rồi.
Tôi hỏi:
- Tại sao lại buồn?
- Vì sống với ma thì đúng là bệnh. Có bệnh thì phải chữa. Nhưng ma toàn đồng đội, nên mình vô cùng an tâm, vô cùng hạnh phúc. Giờ khỏi bệnh nhưng mất an tâm, mất hạnh phúc, không buồn là gì?
Anh đưa mỗi người một ly rượu rồi nói:
- Trăm phần trăm, đúng một ly nhé?
Cả năm chúng tôi cùng nâng và cụng ly. Hà nói:
- Chúc mừng cuộc gặp gỡ với Phương, Tuấn. Chúc hai người sớm gặp anh Khôi!
Tất cả cùng cạn ly. Toản đang tươi cười bốc đồng, bỗng lờ đờ, rồi bật khóc:
- Tao xin lỗi… Tao xin lỗi... Tại chúng tao không biết mày đến…
Hà và Bình cùng vội nhào sang đỡ cho Toản khỏi ngã:
- Đã nói mà…
Tôi bảo:
- Có cần đưa đi cấp cứu không?
Hà cùng Bình đỡ Toản ra chiếc võng mắc ở hai cột nhà sàn:
- Không sao đâu. Thằng này cứ rượu vào là nó thăng đi gặp lại toàn đồng đội đã chết, điều trị mãi không khỏi… Bác sĩ từ Mỹ sang cũng chào thua… Chỉ có điều không hiểu được là mỗi lần như thế này, sau khi tỉnh lại, tim mạch, thần kinh nó ổn định hơn trước, lại sống lạc quan, không có mấy pha nhìn đâu cũng thấy bất công, bất mãn, chửi búa xua. Tụi này hay nói đùa nó sống với ma tốt hơn sống với người… Nó thuộc diện học sinh miền Nam tập kết, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, được cử sang Tiệp Khắc học phó tiến sĩ về điện toán. Đang học, nghe tin cả nhà, gồm bố mẹ, hai người anh ở Huế đều bị chính quyền Sài Gòn giết hại, nó bỏ học, từ Tiệp về, nằng nặc đòi về Nam trả thù. Những trận đánh ác liệt nhất ở Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, đều có nó. Đến ba mươi tháng Tư năm 1975, khi đánh vào Sài Gòn, nó mới bị thương ở cầu Rạch Chiếc… Bây giờ, con cái lớn đều ăn nên làm ra, vợ cũng nghỉ hưu, còn nó, trong Nam, ngoài Bắc, ở bất cứ đâu, đồng đội hễ có ai ới thì xa mấy nó cũng góp mặt.
Bữa trưa hôm đó, Nguyễn Quang Hà nói nhiều. Anh dường như cố làm cho mọi người vui vẻ, nhưng không sao thoát được không khí gượng gạo, vì nằm ở võng, Toản cứ thường xuyên cười nói huyên thuyên, không rõ anh đang cười gì, nói gì.
Do sự cố của Toản, nên mọi sự chờ đợi những thông tin về anh Khôi ở anh cũng không có thêm.
Lúc chia tay, Hà nói:
- Ông bà cứ về khách sạn nghỉ. Khi nào nó tỉnh dậy, tôi sẽ gọi điện cho ông bà.
Ông Quý lại đến đón, đưa chúng tôi về khách sạn. Trên đường đi, ông nói:
- Chiều nay, quý khách định đi đâu, tôi sẽ đưa đi luôn. Huế rất nhiều danh lam thắng cảnh, ở thấy thường, nhưng đi thì thấy tiếc đấy.
Tôi nói:
- Thực tình, vợ chồng tôi ra Huế mục đích chính là tìm hài cốt ông anh hy sinh ở Huế năm 1970. Nếu chưa tìm được thì chưa thể an tâm đi chơi chỗ này, chỗ khác.
Ông Quý hỏi:
- Ông ấy đánh ở mặt trận nào?
Vợ tôi nói:
- Chúng tôi không biết, nên đang nhờ một nhà ngoại cảm…
Ông Quý nói:
- Nhà ngoại cảm mấy năm nay ở đâu cũng gặp. Các vị tin là quyền của các vị, chứ tôi không tin… Tôi là lính nhưng lính chế độ cũ. Nếu họ mà thiêng, tôi đã bán nhà, nhờ họ tìm hàng trăm hài cốt anh em, họ hàng, bạn bè tôi chết trận từ Mậu Thân đến 1975 rồi.
- Còn vụ gọi hồn? - Vợ tôi hỏi.
- Gọi hồn chẳng qua là một dạng thôi miên. Tôi cũng vì tò mò, đã chứng kiến vài vụ. Người yếu bóng vía và cả tin thì sẽ sợ thật. Nguồn gốc ông bà, tổ tiên, quá khứ vị lai hiện hết ra miệng ông thầy, không sai một ly. Nhưng nếu tin có hồn thì phải tin có ma. Quý vị tin có ma không? Đã gặp ma bao giờ chưa? Tôi có hai đêm một ngày bị thương, bất tỉnh vì đạn cối Việt Cộng trong mùa hè đỏ lửa ở chiến trường Quảng Trị, lúc mở mắt tỉnh dậy, thấy xung quanh toàn xác chết. Đầu tiên, tôi nghĩ quanh mình toàn ma, sáng ra mới biết do sợ quá mà mình tưởng tượng.
Chúng tôi làm thinh, tránh tranh luận. Không phải vì muốn phản biện đúng sai, mà do thực tế, chúng tôi đang đi con đường ngược lại với những quan điểm và suy luận của ông Quý. Nếu bác ta đúng, có nghĩa mình phải bỏ cuộc trên chặng đường mình đã bước đi rồi, điều chúng tôi không muốn.
Chúng tôi chia tay với ông Quý ở cửa khách sạn và hẹn khi nào cần sẽ tiếp tục gọi.
Lúc lên phòng, vợ tôi nói:
- Thực ra, trước khi ra đây, anh và em cũng nghĩ như ông ta thôi.
Tôi nói:
- Đã ra đến đây rồi thì cứ lao về phía trước, không nên dao động.
- Tiếp theo làm gì?
Tôi nói:
- Việc tiếp xúc với ông Toản có chút trục trặc, nhưng cũng đủ rồi. Bây giờ, gọi điện thoại báo cho Tư Bông là mình đã ra Huế.
Vợ tôi bấm số điện thoại của Tư Bông. Nhà ngoại cảm đáp lại rất nhanh:
- Con đây. Cô chú đã ra Huế chưa?
Vợ tôi nói:
- Chúng tôi vừa ra.
- Con đang ở nhà nghỉ Hoa Hồng. Sáng nay, có công chuyện ngoài Quảng Trị, vừa về đến Huế… Cô chú cứ tìm khách sạn nghỉ ngơi, tối con sẽ gặp cô chú bàn về vụ bác Khôi.
Tôi thoáng giật mình, nhìn lên tấm biển nhà nghỉ Hoa Hồng ngay mặt tiền ngôi nhà hai tầng cũ kỹ bên kia đường, đối diện với khách sạn chúng tôi đang ở.
- Liệu có sự dàn xếp kín đáo khiến anh và em gặp ông Quý taxi ở sân bay, rồi ông ta đưa mình đến đúng chỗ Tư Bông?
- Em nghĩ chỉ là ngẫu nhiên thôi. - Vợ tôi nói, nhưng mắt vẫn hướng sang nhà nghỉ Hoa Hồng.
Đúng lúc đó, một chiếc Toyota Innova bảy chỗ dừng trước cửa nhà nghỉ. Người ngồi cạnh lái xe, mở cửa bước xuống chính là Tư Bông. Cô ta chủ động kéo cánh cửa hông phía sau, cho khách ra khỏi xe… Ba người phụ nữ, hai già, một trẻ vừa khóc, vừa la lối. Hai người đàn ông, một già, một trẻ xuống sau, khiêng một chiếc tiểu(5) bọc kín bằng tấm bạt nhựa. Tư Bông và người lái xe đỡ chiếc tiểu, khiêng luôn vào nhà nghỉ.
(5) Tiểu là vật dùng trong các nghi thức cải táng, đựng hài cốt người đã khuất. Tiểu luôn đi cùng với quách, tiểu nằm trong, quách nằm ngoài, bảo vệ hài cốt. Tiểu và quách thường được làm bằng gỗ hoặc gốm.
Vợ tôi nói:
- Chắc họ vừa đi tìm hài cốt về.
Tư Bông và người lái xe đi trở ra. Họ nói với mấy người cùng đi trên xe mấy câu, rồi lên xe đi tiếp.
Tôi nói với vợ:
- Không có sự kiểm chứng nào tốt bằng lúc này.
Vợ tôi nói:
- Tuy từ trên này nhìn qua đường hơi xa, nhưng em thấy hình như người lái chiếc Inova cùng đi với Tư Bông chính là người chạy chiếc xe gắn máy đón cô ta ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Tôi nói:
- Anh lại không để ý.
Vợ chồng tôi xuống tầng trệt, rời khách sạn, sang đường, vào nhà nghỉ Hoa Hồng. Đây là một nhà nghỉ hoàn toàn bình dân, nguyên là nhà ở được sửa lại qua quýt để khai thác nguồn khách du lịch đang ngày một tăng ở xứ Huế. Mấy người khách trọ hiếu kỳ và nhân viên khách sạn đang xúm quanh những người vừa đi tìm hài cốt về. Họ cùng biết vụ này từ sáng và có ý chờ để thỏa chí tò mò. Ba phụ nữ, thì hai người lớn tuổi là vợ và em, còn người trẻ hơn, tuổi cũng ngoài bốn mươi, là con gái người đã khuất. Hai người đàn ông chỉ là họ hàng. Vào trong nhà, chỉ còn vợ người đã khuất khóc sụt sịt.
Một người đàn ông, có lẽ chủ nhà nghỉ, nói với bà:
- Bao nhiêu người đổ công đổ của mà không tìm được hài cốt người thân, bà chỉ đi một lần đã gặp là có phúc lớn. Tôi mừng cho bà, nhưng có chắc đây là chồng bà?
Người vợ như không nghe thấy gì. Người đàn ông họ hàng nói:
- Bà thầy này thiêng lắm, không tin không được. - Ông ta hỏi người phụ nữ trẻ, - cái hộp nhôm đâu rồi?
Không chờ được trả lời, ông ta mở chiếc ba lô bạt, dưới chân người phụ nữ, lấy ra lon Guigoz móp méo, rồi mở nắp, lấy từng thứ trong hộp:
- Đây là viên đạn, đây là tấm thẻ bài có khắc họ tên, đơn vị, đây là cái lon trung sĩ, nát rồi, nhưng vết cháy xém hồi đi phép ở nhà vẫn còn…
Một nhân viên nhà nghỉ nói:
- Bộ đội quân giải phóng làm gì có lon.
Người đàn ông:
- Chú ấy là biệt động Việt Nam Cộng hòa mà.
Vợ chồng tôi lặng thinh trở về khách sạn. Khi chỉ còn hai người, vợ tôi hỏi:
- Anh thấy thế nào?
Tôi đáp:
- Như vậy, có khả năng việc Tư Bông tìm được hài cốt những người đã chết mấy chục năm là thật. Thông tin về anh Khôi từ Nguyễn Quang Hà và ông Toản chưa cụ thể, nhưng việc anh Khôi cùng sư đoàn ở Mai Siu, Hà Bắc, rồi cùng vào chiến trường Huế là đúng. Chín chục phần trăm giấy báo tử là sai… Chúng ta được sinh ra và được dạy dỗ trong một nền giáo dục duy vật và vô thần, nên có thể đã có những phản xạ nghi ngờ thái quá những trường hợp ngoại cảm như Tư Bông… Giải thích thế nào để tin họ thì khó, nhưng với thực tế đang diễn ra, có lẽ mình đành phải tin thôi.
Ngay tối hôm đó, tôi gọi điện ra Hà Nội báo tin cho vợ chồng chị Tâm, nhờ chị bảo vợ chồng Nguyễn Thế Vinh bay ngay vào Huế, và cũng nhờ nhân viên khách sạn đặt vé cho Nguyễn Tuấn Phúc, con trai tôi từ Sài Gòn bay ra.
Mọi việc xong xuôi, chúng tôi chuẩn bị sang nhà nghỉ Hoa Hồng gặp Tư Bông, thì Toản đến. Anh đi bằng chiếc xe gắn máy Honda 67 cũ kỹ.
Từ ngoài cửa, vừa thấy chúng tôi ở ghế xa lông, anh đã ồn ào:
- Thành thật xin lỗi ông bà về vụ trưa nay. Thằng Hà kiên quyết can, nhưng tôi cứ uống, nên thay vì gặp người lại gặp ma… Từ khi bị thương ở cửa ngõ Sài Gòn, tôi bị hội chứng gặp ma, chữa cách nào cũng không hết… May mà toàn ma đồng đội là ma lành, chứ không phải ma Mỹ, ma lính Cộng hòa, hễ gặp nhau là bắn giết.
Tôi nói:
- Thực sự những thông tin của ông về anh tôi rất quý giá.
- Tôi đã nói gì đâu mà quý giá. Lúc tỉnh dậy ở quán vợ chồng Bình An, phải nghĩ mãi mới nhớ ra tại sao mình ở đây. Tôi lập tức về nhà tắm rửa, rồi chạy đến ông bà… Tính tôi là bạn bè, nhất là đồng đội nhờ cậy, mình không giúp được thì thôi, chứ đã giúp mà không đến nơi đến chốn là ăn không ngon, ngủ không yên. Bây giờ, hai vợ chồng định đi đâu?
Tôi nói:
- Định sang gặp cô thầy ngoại cảm bàn về vụ lễ gọi hồn. Rất tình cờ, cô ta lại ở nhà nghỉ ngay bên kia đường.
- Thế thì tôi cũng sang… Từ khi có phong trào tìm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm, các nhà ngoại cảm đủ loại đến Huế đông như ruồi. Tôi gặp họ, rồi họ cũng gặp tôi, không dưới hai chục người. Có loại thứ thiệt nhưng cũng có loại tay ngang ú ớ, phải nhờ những người trong cuộc như tôi hỗ trợ mới có kết quả.
Tôi lưỡng lự trước nhiệt tình của Toản:
- Rất cảm ơn nhiệt tình của ông, có điều, tôi chưa biết ý cô thầy này thế nào... Nhỡ đâu cô ta không muốn tiếp xúc với người lạ?
Vợ tôi cũng không muốn Toản cùng sang:
- Thấy anh, có thể cô ta nghĩ chúng tôi không tin thầy, nên cứ để chúng tôi gặp trước xem tình hình thế nào đã.
Đúng lúc đó, Tư Bông từ ngoài cửa đi vào. Vợ tôi liền nói:
- Vợ chồng tôi đang định sang bên ấy, nhưng lại có khách.
Toản vồn vã bắt tay Tư Bông:
- Xin chào thầy ngoại cảm… Xin lỗi, anh trông em quen quen, hình như chúng ta từng gặp ở đâu rồi.
Tư Bông thoáng lúng túng:
- Chắc chú nhầm với ai… Con mới ra Huế lần đầu...
Dường như sự có mặt của Toản, làm Tư Bông lóe lên ánh mắt cảnh giác. Cô ta nói với vợ chồng tôi:
- Con sang chỉ để nói sáng sớm mai, chắc khoảng năm giờ, cô chú cùng con đến chỗ bác Khôi để làm lễ gọi hồn.
Vợ tôi hỏi:
- Sao gấp thế?
Tư Bông trả lời:
- Hồn hẹn ngày giờ nào, con nói ngày giờ đó, chứ không phải con quyết định.
Toản chăm chăm nhìn kỹ Tư Bông, rồi nói với tôi:
- Mấy vụ tâm linh này, đã theo, phải theo đến cùng. Rồi thành hay không là chuyện khác, nếu không, sẽ quả báo nhãn tiền.
Tôi phân vân:
- Chúng tôi thì ngay sáng mai cũng được, nhưng vợ chồng tôi vừa gọi điện báo cậu em ruột từ Hà Nội bay vào và book vé cho thằng con từ Sài Gòn bay ra…, chị có thể hoãn lễ chậm lại một hoặc hai ngày được không?
- Việc này chắc khó… Thế giới tâm linh đã nói một là một, hai là hai, không thay đổi đột ngột như cõi trần mình.
Vợ tôi nói:
- Chị đã gọi được hồn, không lẽ không năn nỉ được hồn thông cảm? Chị cứ thử, tốn kém bao nhiêu chúng tôi cũng chịu.
Tư Bông suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Cô chú đã quyết vậy, con sẽ ráng… Giờ con xin phép về thắp nhang để hẹn gặp hồn.
Không đợi chúng tôi nói lại, Tư Bông đi nhanh ra cửa.Vợ chồng tôi và Toản cùng ngồi lặng. Một lát, vợ tôi lên tiếng:
- Rõ ràng cô ta sang đây định nói chuyện nhiều nhưng thấy có người lạ nên cô ta về liền.
Toản nói:
- Đánh giá những người làm nghề tâm linh khó lắm. Họ cứ chập chờn, chập chờn, lúc khôn, lúc dại… Mình suy xét bằng kinh nghiệm sống cõi trần, có khi trật lất… Vụ ông Khôi hy sinh ở Huế, tôi tin cô ta nói đúng, vì việc ông Khôi ở trung đoàn Mai Siu, dừng ở Huế cùng với tôi, thằng Sơn và thằng Hà là không phải bàn… - Ngưng một lúc, Toản nói tiếp. - Theo tôi, cẩn tắc vô áy náy, vụ làm lễ gọi hồn thì tùy hoàn cảnh, nhưng nếu bốc mộ để lấy hài cốt ở đâu thì phải báo cho Ủy ban Phường ở đấy… Đây không phải chỉ là luật pháp mà là chuyện trân trọng các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc… Các Ủy ban Phường ở ngoài này được tin báo, họ còn tổ chức tang lễ rất chu đáo.
Chúng tôi xúc động nhìn Toản đầy cảm kích và không hề nghĩ anh từng bị điều trị hội chứng tâm thần.
Trước khi chia tay, Toản nói thêm:
- Hôm nào làm lễ gọi hồn, sớm hay muộn và ở bất cứ đâu trên đất Huế, ông bà phải “phôn” cho tôi, để tôi kéo thêm vài thằng đồng đội cũ đến gặp ông Khôi.