N
ăm 1952 – 1955.
Anh Khôi sinh năm 1942, tuổi con ngựa, còn tôi sinh đúng năm hai triệu dân Việt chết đói, năm 1945, tuổi con gà. Nhà tôi ở đường Trần Nhật Duật, ngay mặt tiền, nhìn thẳng ra đê sông Hồng, nằm giữa đoạn từ chân cầu Long Biên đến “cột đồng hồ”. Anh Khôi và tôi học cùng trường tiểu học Đỗ Hữu Vị, theo tên một đại úy quân đội Pháp, được vinh danh vì là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay. Khi tôi vừa cắp sách đến trường, học năm đầu tiên cấp tiểu học là lớp Năm thì anh Khôi đang học lớp Nhì. Khi đó vẫn là thời Pháp thuộc, học sinh học theo hệ mười hai năm thay vì hệ mười năm sau như dưới chế độ mới sau này. Lớp Năm của tôi tương đương lớp một hệ mười năm, còn lớp cuối cấp tiểu học hệ mười hai năm gọi là lớp Nhất. Trường chúng tôi nằm ở góc đường Cửa Bắc giao với Nguyễn Trường Tộ, gần chợ Châu Long và nhà máy điện Yên Phụ. So với trường Nguyễn Công Trứ nằm cùng con đường, gần với phố Hàng Than, được xây sau nên to đẹp hơn, thì trường Đỗ Hữu Vị chỉ là ngôi trường khiêm tốn. Có lẽ do trường nhỏ, chỉ vài trăm học sinh, nên thầy với trò và giữa các học trò với nhau đều gần gũi, chỉ học một năm là quen tên, thuộc mặt nhau hết.
Nhà tôi cách trường chừng hơn hai cây số, nhưng đến trường có nhiều đường. Từ nhà đi khoảng hai trăm mét đến chân cầu Long Biên phía sang Gia Lâm, theo dọc đê Yên Phụ đến nhà máy điện rẽ xuống Cửa Bắc, đi thẳng là đến trường. Nếu đi hết phố Hàng Đậu, đến tháp nước đầu vườn hoa rồi đi lối Hàng Than rẽ vào Nguyễn Trường Tộ hay đi lối Quán Thánh, con đường song song với Nguyễn Trường Tộ, đều đụng Cửa Bắc, cũng đến trường. Chưa kể ba trục đường Yên Phụ, Quán Thánh, Nguyễn Trường Tộ có đủ các đường ngang bàn cờ Yên Ninh, Hàng Bún... mà chúng tôi vẫn thường cao hứng rẽ ngang rẽ dọc, đi cách nào thì cuối cùng cũng đến cổng trường. Sở dĩ phải nói có phần dài dòng về những con đường đến trường của chúng tôi thời đó là vì đến nay, Hà Nội hiện đại của thế kỷ hai mươi mốt đã có rất nhiều thay đổi. Nữa là vì, tôi cũng đã quá cái tuổi thất thập cổ lai hy, những thăng trầm được mất trong cuộc đời nhiều khôn kể, có nhớ có quên, nhưng riêng ký ức về những con đường đến trường cùng anh Khôi, khi tôi chỉ là thằng bé bảy tuổi, lớp Năm, còn anh Khôi mười tuổi, lớp Nhì, thì dường như mãi mãi không bao giờ phai nhạt.
Thời đó, chúng tôi học buổi sáng, nên mỗi ngày đều phải dậy sớm để đến trường đúng giờ. Bố tôi làm việc cho nhà in và xuất bản tư nhân T&X ở đường Lê Thái Tổ, con đường hai làn có hàng me già tuyệt đẹp, bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Từ nhà đến nơi bố tôi làm việc, đi xe đạp thong thả chỉ mất hai mươi phút, nhưng là người cần mẫn với công việc, ông luôn có mặt ở nhà in lúc sáu giờ, vì vậy ông thường dậy từ năm giờ, rồi đánh thức mấy anh em chúng tôi dậy theo. Anh Khôi lúc nào cũng vui vẻ, tôi thì miễn cưỡng, còn thằng Vinh, kém tôi hai tuổi, thì không sáng nào không nhăn nhó. Ăn sáng thường là cơm rang đủ kiểu chế biến, do mẹ kế, mà chúng tôi gọi là cô, nấu nướng. Sau, bà liên tục sinh các em thì do người giúp việc tên Hình, người cùng quê Chèm Vẽ(2) với bà, lo liệu bữa sáng.
(2) Chèm và Vẽ là tên hai ngôi làng cũ thuộc phường Đông Ngạc ngày nay.
Ăn sáng xong, bố tôi mở cửa. Hồi đó, ở Hà Nội, các nhà mặt tiền chỉ mới bắt đầu sử dụng loại cửa sắt kéo, đa số vẫn là cửa gỗ, loại bốn hoặc nhiều tấm ván dài, lùa vào các rãnh trên và dưới khung gỗ, muốn mở rộng nhiều hay ít, tùy ở việc gỡ bớt hay lắp thêm các tấm ván. Tối đến, trước khi đi ngủ thì lắp hết các tấm ván vào, đặt thanh gỗ to vào các khuông sắt, rồi móc thêm ổ khóa. Để anh Khôi và tôi đi học, bố tôi đi làm, chỉ cần gỡ hai tấm ván là có thể ra khỏi nhà. Trước khi đi, bao giờ bố cũng nhắc anh tôi: “Đi đường nhớ trông em cẩn thận”. Rồi ông ngồi lên xe đạp, đi về hướng cột đồng hồ, Lý Thái Tổ.
Anh Khôi “dạ” với bố rất mềm, nhưng không bao giờ đi ngay. Lúc anh nói quên thứ này, phải vào nhà lấy, lúc lại bảo đau bụng, phải chạy đi ị. Ban đầu, tôi cho là ngẫu nhiên, nhưng sự lặp đi lặp lại nhiều lần các “sự cố”, thì đầu óc còn lơ mơ của thằng bé đang học vỡ lòng như tôi cũng biết anh cố ý chờ bạn. Do sợ bố biết cái tội đi không đến nơi về không đến chốn, còn đàn đúm với bạn trên đường, nên anh vờ đóng kịch là con ngoan.
Bạn cùng lớp với anh là Danh Hùng. Nhà anh Hùng ở trong ngõ Tư Đường, một ngõ cụt, rộng, nhà thưa, cách nhà tôi chừng chục ngôi nhà về hướng cột đồng hồ. Nhà Hùng ở cuối ngõ, là ngôi biệt thự nhỏ hai tầng, kiểu cũ, xung quanh có vườn, phía trước là mấy cây bưởi và những chậu cây cảnh, phía sau có trồng cau và ổi. Ở Hà Nội năm đó, nhà như vậy thuộc loại nhà giàu. Bố anh Hùng là võ sư Danh Quỳnh, sống kín đáo, ít giao lưu, nhưng cả phố đều biết tiếng. Bố tôi và ông cũng là chỗ quen biết và quý trọng nhau, nhưng khi biết anh Khôi và anh Hùng học cùng lớp, bố tôi lại cấm anh chơi với Hùng. Không phải chỉ một lần mà nhiều lần. Bố không nói tại sao, hay chỉ nói riêng với anh Khôi, nên tôi hoàn toàn không biết lý do. Tôi chỉ biết bố rất nghiêm khắc với việc ngăn cấm này. Tôi còn biết, dù bị cấm, anh Khôi vẫn cứ chơi, thậm chí còn rất thân thiết anh Danh Hùng.
Ngoài ngôi nhà ở ngõ Tư Đường, ông Danh Quỳnh còn mở võ đường Nhu Việt trên đường Lý Thái Tổ, gần Ấu Trĩ Viên (Nhà Văn hóa Thiếu nhi bây giờ). Chiều nào, anh Khôi và anh Hùng cũng tập ở đây, sau, cả hai cùng lên đai làm phụ huấn luyện và có tiền thù lao. Anh về đưa tiền cho bố nhưng bố tôi bảo: “Giữ lấy mà mua sách vở”. Ông còn nói thêm: “Sớm biết làm ra tiền là tốt, nhưng không được xao nhãng việc học hành”. Đến bây giờ, việc bố tôi cấm anh Khôi chơi với anh Hùng nhưng lại làm ngơ việc anh tập và kiếm tiền ở võ đường Nhu Việt vẫn là điều không sáng tỏ. Hồi bé, có thể do nhìn nhận mọi chuyện hồn nhiên và đơn sơ, không để tâm giải thích, nên tôi chỉ nghĩ có thể bố tôi không biết võ đường này là của ông Danh Quỳnh, vì anh Khôi giấu giếm. Lớn lên, mọi chuyện cũng đã trôi qua, nên tôi không còn để ý.
Anh Danh Hùng đi học rất đúng giờ nhưng thường trễ hơn anh Khôi và tôi chừng mười lăm phút. Anh không đi một mình mà đi với em gái là Danh Huyền, cùng lớp với tôi. Huyền nhỏ như con chim chích. Cùng bảy tuổi, nhưng Huyền chỉ cao nhỉnh hơn tai tôi một chút.
Sáu giờ sáng, trời còn u ám, vì đèn điện đường những năm đó ở Hà Nội đã ít lại đỏ quạch như mắt người thiếu ngủ. Dân hàng phố chưa mở cửa nhưng người tứ xứ đã sớm xuất hiện. Người tới kẻ lui đa số là dân ngoại thành. Rồi hàng hóa, rau quả, khuân vác gánh gồng, vận chuyển bắt đầu tấp nập, nhưng cũng không ồn ào huyên náo như khi trời sáng hẳn. Phía trước mặt phố, bên kia đường, suốt dải đất chân đê là bến xe khách liên tỉnh. Sau lưng phố, xuyên qua những ngõ ngang chật hẹp, là lối thông sang hai chợ lớn Bắc Qua và chợ Đồng Xuân, bốn mùa mưa nắng đều hội tụ dân kẻ chợ đến sớm về muộn mà ngày nay quen gọi là “địa bàn phức tạp”. Vậy mà trên lối đó, lũ trẻ ranh chúng tôi vẫn sáng sớm cắp sách đến trường, trưa cắp cặp về, không một bóng phụ huynh kè kè đưa đón như những năm dưới chế độ mới, cho rằng trẻ con không thể tự lo cho mình.
Sáng sáng, chờ anh em Hùng, Huyền đến, cả bốn sẽ cùng đi đến dốc đầu cầu Long Biên, cũng là đầu Hàng Đậu. Anh Khôi đưa cặp cho tôi, còn Danh Hùng đưa cặp cho Huyền, sau đó, cả hai cởi chiếc áo đồng phục sơ mi trắng cộc tay, vắt lên vai hai đứa em. Thấy mình không phải cái giá áo di động, tôi bảo:
- Để bọn em cho áo vào trong cặp.
Anh Khôi nghiêm mặt:
- Cho vào cặp rồi đến trưởng bỏ ra nó nhàu nát, mặc vào để thầy giáo mắng à?
Khi chỉ còn mặc chiếc may ô(3) trắng, ngực trái in chữ “TRE VIỆT“ bên trên nhành lá tre, thay đôi dép quai hậu bằng đôi giày bata, hai ông anh cùng chạy theo đường Yên Phụ về hướng nhà máy điện.
(3) Phiên âm từ tiếng Pháp maillot de corps, là loại áo lót mỏng, thường là màu trắng, mặc trong cùng để thấm mồ hôi và giảm cọ xát với lớp vải cứng mặc ngoài. Bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 20, từng có thời áo may ô là dấu hiệu của người khá giả.
Hồi đầu, tôi xin:
- Cho bọn em chạy với.
Anh Khôi bảo:
- Hai đứa cùng nhóc con làm sao chạy kịp các anh.
Huyền nói:
- Em chạy được.
Anh Khôi kiên quyết:
- Chạy được thì cũng đổ hết mực ra cặp.
Hồi đó, chỉ học sinh lớp Nhất mới được dùng bút máy, còn từ lớp Nhì trở xuống, viết chữ phải có nét, toàn dùng loại bút chấm mực nên trong cặp đứa nào cũng kèm theo lọ mực, chưa kể tôi và Huyền, mỗi đứa mang hai cặp, thành ra hai lọ mực.
Anh Hùng thì nhẹ nhàng:
- Bao giờ hai đứa lên lớp Nhì, anh sẽ cho chạy cùng.
Lời ngọt lọt tai, chưa kể cả hai đứa đều ngô nghê, không nghĩ ra mình lên lớp Nhì thì hai ông anh đã lên trung học, còn đâu cùng trường mà chạy.
Sáng nào cũng chỉ có tôi và Huyền trên đường. Mỗi đứa ôm hai cái cặp, vai vắt chiếc áo của hai ông anh, lủi thủi đi dọc hè Hàng Đậu. Là hàng xóm của nhau, có hai anh thân nhau, lại học cùng lớp, đi học cùng giờ nhưng tôi vẫn lủi thủi chỉ bởi tôi nghĩ đi học cùng với con gái sẽ bị bớt đi phần nam tính trước các bạn trai cùng lớp. Còn Huyền không biết nghĩ gì nhưng suốt mấy năm cùng đến trường ở bậc tiểu học luôn làm như không hề có tôi bên cạnh, thỉnh thoảng có mở miệng thì toàn lườm với nguýt.
Dù không được chạy theo anh Khôi và Danh Hùng nhưng tôi cũng biết suốt từ cầu Long Biên dọc đường Yên Phụ rẽ vào Cửa Bắc rồi đến trường đều có các bạn của các anh, nhà ở Châu Long, Ngũ Xã, Cửa Bắc, đứng đầu là anh Huy Lạc, đón đầu nhập cuộc. Tất cả đều quần soọc xanh, áo may ô TRE VIỆT, giày bata. Danh Hùng chạy trước, Huy Lạc chạy giữa, anh Khôi khóa đuôi. Vừa chạy vừa đồng thanh hô: “Việt Nam! Trẻ trẻ trẻ!”.
Việc chỉ lớp Nhì, lớp Nhất, là những học sinh lớn, được chạy là chuyện hoàn toàn hợp lý, vì đường chạy dài, thời gian tập hợp và chạy có hạn và tất cả lại phải có mặt ở trường trước trống báo hiệu tập trung vào học. Chưa kể mỗi tuần có một ngày thứ Bảy, hội chạy dậy sớm hơn, không rẽ vào đường Cửa Bắc, mà chạy thẳng xuống đường Cổ Ngư (sau là đường Thanh Niên), rẽ vào đường Quán Thánh rồi mới vòng về trường, xa gấp đôi đường cũ, học sinh lớp bé theo không nổi. Nhưng quan trọng nhất là sinh hoạt này do anh Khôi, anh Danh Hùng và Huy Lạc tự phát, không do nhà trường tổ chức, nên vẫn phải giữ ý, sợ bị nhà trường cấm đoán.
Chính vì vậy, hai đứa giá áo di động và xách cặp chuyên nghiệp cho hai anh là tôi và Huyền dù có tâm trạng thế nào cũng cứ phải đến cổng trường đúng hẹn để trao cặp và áo cho các anh. Hoàn thành nhiệm vụ bất đắc dĩ xong, hai đứa lì lì lườm nhau một cái, rồi đường ai nấy đi, để khi vào lớp, Huyền nhỏ nhắn và học giỏi nhất lớp ngồi đầu bàn trên một cách kênh kiệu, còn tôi to xác và sức học trung bình thì ngồi đuôi bàn cuối đầy cam phận.
Trường tôi, mỗi sáng thứ Hai đều có buổi tập hợp toàn trường, trang trọng làm lễ chào cờ. Trước khi làm lễ, thầy hiệu trưởng đọc tên năm học sinh danh dự của toàn trường lên đứng ở bục cao dưới chân cột cờ. Sau đó, hai học sinh trong số năm người được vinh dự đứng kéo cờ. Đầu tháng, số học sinh danh dự được tuyên dương lên đến con số mười. Hai trong số này vinh dự được kéo cờ, trong khi toàn trường đồng thanh hát Quốc ca.
Anh Khôi và Huyền gần như thường xuyên có mặt trong số năm và mười học sinh danh dự đó, cũng không ít lần, hai người cùng được kéo cờ. Mỗi lần thấy người thân trên bục danh dự trước toàn trường, tôi sung sướng rộn rạo, nhưng cũng thật kỳ lạ, chưa bao giờ tôi coi cả hai là thần tượng. Việc anh Khôi bắt tôi xách cặp, mang áo và không cho nhập hội tập chạy đã khiến sự ấm ức trong tôi luôn lớn hơn sự khâm phục. Còn Huyền? Phải phục một đứa con gái giỏi hơn mình không phải là việc dễ dàng với một “đấng nam nhi”, chưa kể cả lớp có sáu mươi học sinh, đội tuyển bóng đá đứng đầu khối chỉ có mười một đứa, trong đó có tôi, vậy mà chưa bao giờ tôi thấy nó đứng xem tôi thi đấu.
Nhưng tôi lại hết sức khâm phục, thậm chí là sùng bái anh Danh Hùng. Tôi luôn ngầm tự hào anh Khôi được là bạn thân thiết với anh. Anh Hùng mảnh người nhưng thuộc nhóm cao vượt hơn so với các bạn đồng lứa, cao hơn cả anh Khôi. Dù cùng bậc cuối tiểu học, hầu hết các bạn đều vẫn mang dáng vẻ của lứa thiếu niên thì anh Hùng đã sớm có phong thái người lớn: chững chạc, nhanh nhẹn, gương mặt của anh có nét hơi lai Tây, hao hao giống mấy nhân vật cao bồi trong các phim Mỹ mà tôi rất mê. Bóng đá, bóng rổ, bóng bàn anh đều chơi xuất sắc và luôn là thủ lĩnh của đám đông. Ở trường, tôi chưa bao giờ thấy anh đứng một mình, dù là trước giờ học, trong giờ ra chơi hay đến lúc tan học. Quanh anh lúc nào cũng ít thì có một nhóm, đông hơn thì hàng chục người tán gẫu, chơi đùa hay cùng làm việc gì đó. Khi đang chơi với các bạn cùng lớp, anh đi qua thấy tôi, anh vẫy: “Tuấn lại đây anh bảo…”, là tôi đã sướng rơn, tự hào với đám bạn vì được quen với Danh Hùng. Anh cũng thuộc nhóm học giỏi. Có lần tôi hỏi anh Khôi: “Sao anh Danh Hùng không được lên bục danh dự những ngày chào cờ?”. Anh Khôi trả lời: “Danh Hùng học như chơi nên điểm cao không đều, nhưng anh ấy là người giỏi nhất lớp đấy”. “Còn anh thì sao?”, tôi hỏi. Anh Khôi nói: “Tính điểm, anh thuộc nhóm ba người giỏi nhất lớp, nhưng anh giỏi là nhờ cố gắng và chăm chỉ”.
Anh Khôi còn người bạn thân nữa mà tôi cũng coi như thần tượng là anh Huy Lạc. Anh Lạc cùng tuổi anh Khôi và anh Danh Hùng, cả ba từng học chung lớp Năm, nhưng rồi anh Lạc phải học lại lớp Ba trong khi anh Khôi và anh Hùng lên lớp Nhì nên hiện anh Lạc kém một lớp. Trái với anh Hùng cao vượt, anh Lạc nhỏ con, nhanh như sóc, tự đặt cho mình biệt danh Robin Hood, vì anh có gương mặt và mái tóc hao hao nhân vật tướng cướp này. Đã vậy, anh lại kiếm đâu được chiếc mũ dạ nâu, chóp nhọn, vành trước chụp xuống mắt, vành sau bẻ ngược, giống hệt trong bộ phim Tướng cướp rừng xanh dựa theo tiểu thuyết của Alexandre Dumas. Anh Lạc cầm đầu nhóm bóng đá sân trường. Nhà ở phố Châu Long giáp với làng đúc đồng Ngũ Xã, rất gần với trường, nên anh tập hợp được khá nhiều bạn ở cả các lớp khác, hễ có dịp là bày gôn đá bóng ở trong trường. Sân trường không rộng lại có các gốc bàng, bóng cũng chỉ là loại bóng quần vợt mà người lớn đánh trụi lông thải ra, nhưng trận đấu nào cũng máu lửa, khán giả đông dần theo số học sinh đến trường. Khán giả ôm cặp vây kín quanh sân cũng máu lửa hò reo cổ vũ cho đến khi trống điểm báo xếp hàng vào lớp. Tôi cũng có máu bóng đá, nhưng nhà ở xa, chỉ đến trường vào giữa trận đấu. Dù chuyên làm khán giả nhưng tôi cũng thuộc lòng tên từng cầu thủ, ai tên gì, học lớp nào. Trong mọi trận đấu, anh Lạc luôn là ngôi sao sáng nhất. Anh dắt bóng, phá bóng, sút vào gôn đều vô cùng đẹp mắt, đạt tới độ điêu luyện, nên mỗi lần bóng đến chân anh là cả sân trường hò reo trầm trồ. Về mặt tỏa sáng và gây ấn tượng mãnh liệt với người hâm mộ, anh Huy Lạc có phần vượt trội hơn anh Danh Hùng, mặc dù trong chuyện học hành, anh cũng nổi tiếng là không giỏi.
Đi bên cạnh Danh Hùng và Huy Lạc, anh Khôi của tôi luôn khiêm tốn về mặt hình thức. Vì thật ra việc học giỏi ở trường chỉ có giá trị cao với các thầy cô giáo và những học sinh lấy thành tích học giỏi làm đích, trong khi những học sinh nổi trội về cá tính và những hoạt động phong trào, hoạt động văn thể mới thực sự có sức hút.
Vậy mà đùng một cái, anh Khôi bị đuổi học. Quá trình dẫn đến công bố quyết định kỷ luật này thế nào tôi không biết. Anh Khôi cũng giấu. Chỉ đến khi bố tôi được mời đến trường nhận thông báo của thầy hiệu trưởng, sau đó, anh bị bắt nằm sấp trên giường, lãnh trận đòn như mưa bởi cây phất trần từ tay bố tôi trút xuống, tôi mới biết anh bị kết tội tổ chức băng trộm cắp ở cả hai trường Đỗ Hữu Vị và Nguyễn Công Trứ. Sự vụ vỡ ra khi anh bị bắt quả tang tham gia một vụ ăn cắp tại bến Phà Đen. Toàn những chuyện tôi không sao tin được.
Hồi nhỏ, sống và lớn lên ở dãy phố bên bờ sông Hồng nhưng tôi không biết bến Phà Đen ở đâu. Khi xảy ra vụ anh Khôi, tôi hỏi chị Tâm, chị cũng chỉ biết hình như là bến phà nằm ở khúc giữa Viện Viễn Đông Bác cổ (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử) và Vĩnh Tuy. Tôi lại hỏi Vĩnh Tuy ở đâu, chị nói không biết. Đến năm lớp mười ở trường Chu Văn An, trong giờ ngoại khóa, tôi mới nghe cô Mai dạy sử nói về lịch sử hình thành cầu Long Biên. Trước khi có cầu, việc qua lại sông Hồng là bằng cầu tạm, cầu thô sơ vào mùa nước cạn, thời gian còn lại chủ yếu đi đò ngang. Hàng hóa nông sản ở các tỉnh miền núi, đồng bằng Bắc Bộ xuôi ngược chở về Hà Nội đều cập bến ở hai bến phà lớn là Phà Chèm và Phà Đen. Từ khi có cầu Long Biên, những chuyến đò ngang bớt đi nhưng Phà Chèm và Phà Đen vẫn có nhiều người và hàng hóa qua lại.
Lúc xảy ra vụ anh Khôi, tôi vẫn đang học lớp Năm. Trước khi nghe thầy Quảng, hiệu phó phụ trách giám thị nhà trường, công bố kỷ luật anh Khôi trước toàn trường trong giờ chào cờ, tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra với anh vì thời gian đó, ở nhà anh không có biểu hiện gì khác thường.
Giờ tan học, vừa nghe tiếng trống, tôi đã lao sang lớp anh. Gặp anh Danh Hùng, tôi nói :
- Em sang tìm anh Khôi.
- Anh Khôi vừa về rồi.
Tôi hỏi:
- Chiều nào anh Khôi và anh cũng đi tập Judo ở Nhu Việt, sao có chuyện trộm cắp ở Phà Đen?
Anh Hùng:
- Đây là chuyện người lớn. Em lo là đúng nhưng chỉ cần em tin anh Khôi không phạm tội là được. Anh hỏi em, em có tin anh của em trộm cắp không?
Vừa lúc đó, Huyền cũng có mặt. Thường thì, khi tan học anh Khôi với tôi rất hiếm khi đi cùng, vì anh luôn có bạn bè xúm xít, tôi cũng đi với mấy đứa cùng lớp nhưng đến đầu hàng Đậu chỉ còn một mình. Ngược lại, Huyền và anh Hùng, giá nào cũng anh em song đôi về tận nhà.
Huyền tức tối lên tiếng với vẻ quả quyết:
- Em tin anh Khôi không trộm cắp.
Tôi nói nhỏ:
- Em không tin.
- Thế thì anh nói để hai đứa nghe nhé. Trong nhà nào cũng có chuyện con cái bị bố mẹ đánh oan, mắng oan đúng không? Thế thì ở trường cũng có học trò bị xử oan. Chuyện này, anh và anh Khôi sẽ tìm cách thanh minh, nhưng phải từ từ.
Tôi rầu rĩ:
- Nhưng anh Khôi bị nghỉ học từ ngày mai rồi còn đâu.
Huyền nói với anh Hùng:
- Hay anh về nói với bố, để bố đến trường nói với thầy hiệu trưởng?
Hùng gắt:
- Chuyện này anh cấm em được tiết lộ cho bố mẹ đấy.
Về đến cửa nhà, tôi thấy chị Tâm ngồi ở bàn nước bên trong vừa học bài vừa trông hàng. Nhà tôi, ngoài việc bố hằng ngày đến nhà in và xuất bản T&X làm việc, còn mở cửa hàng tạp hóa và đại lý bán lẻ nước mắm cho hãng nước mắm Chuông Vàng để mẹ kế trông coi. Cơ ngơi của cửa hàng nhà tôi chỉ vào hàng trung bình khá so với hãng nước mắm Vạn Vân hùng mạnh cùng phố. Ngoài giờ đến trường, khi nào rảnh chị Tâm thường ra ngồi trông cửa hàng. Vừa thấy chị, tôi lao ngay đến, thì thầm:
- Anh Khôi về chưa?
- Chưa.
- Hôm nay, anh ấy bị đuổi học.
- Chị biết rồi.
- Còn bố?
- Bố cũng biết rồi. Thứ Hai tuần trước, thầy hiệu trưởng mời bố đến trường thông báo. Bố chỉ cho chị biết và dặn giấu cả cô.
Chị bỗng sụt sịt chấm nước mắt:
- Nhưng bố đánh Khôi đau lắm… Rất là đau… Chị rất thương Khôi… Không đời nào chị tin Khôi cũng như các em phạm cái tội ấy…
Chị lại khóc thành tiếng:
- Nhà mình, các ông nội, ông ngoại luôn dạy con cháu rằng dù chết đói chết khát cũng không bao giờ ăn trộm, ăn cắp…
Vừa lúc đó, anh Khôi cắp cặp về đến cửa, chị Tâm nói nhanh:
- Em nhớ đừng cho thêm bất cứ ai trong nhà biết, cũng đừng lộ với Khôi chị vừa kể với em, vì Khôi vẫn tưởng chị chưa biết.
Anh Khôi bước vào nhà thấy chị Tâm và tôi nên lập tức thay ngay nét mặt căng thẳng bằng nụ cười vui vẻ, anh hỏi tôi:
- Sao hôm nay em về sớm vậy?
Tôi nói:
- Anh Hùng bảo anh còn về trước em.
Anh Khôi chột dạ:
- Anh Hùng nói gì nữa không?
- Không ạ.
- Lớp em, các bạn có ai nói gì về anh không?
- Không ạ.
Tất nhiên tôi nói dối. Và tôi quên ngay lời chị Tâm:
- Có phải anh bị bố đánh về tội bị đuổi học?
Thấy anh làm thinh, tôi nói thêm:
- Chị Tâm vừa kể...
Lúc này, tôi mới thấy cánh tay phải để trần của anh có hai vết lằn rớm máu. Trong gia đình, bố tôi là người ít nói. Những chuyện người lớn và chuyện ngoài xã hội, ông không bao giờ nói trước mặt các con. Chuyện ở nơi làm việc, ông cũng không bao giờ nói ở nhà, kể cả với mẹ kế. Sau này, mẹ kế còn sinh cho ông năm người con nữa. Trong nhà, lúc đầy đủ luôn có chín chị em, bố tôi không bao giờ dạy chúng tôi bằng những lời lẽ đạo lý, những câu chuyện đối nhân xử thế, học hành, chí hướng. Ông quan niệm, cha mẹ cứ sống gương mẫu thì các con sẽ tự ý thức noi theo. Chuyện anh chị em chúng tôi học hành, ông chỉ để ý các con có trách nhiệm với việc học hay không. Nếu chúng tôi bị điểm kém, ông không gằn hắt như thể con mình là đứa dốt nát, nhưng khi chúng tôi được điểm giỏi, ông cũng không khen ngợi như con mình là thiên tài. Chỉ có hai tội mà ông tuyệt đối nghiêm khắc với con cái là tội dối trá và tội thất hứa. Hai tội này, nhẹ thì bị mắng còn trên mức nhẹ thì bị nằm sấp xuống giường đánh bằng chổi phất trần. Để răn đe anh chị em chúng tôi, cả lúc vui lẫn lúc giận, ông vẫn hay chỉ vào cái phất trần treo trên tường:
- Đã là con người, ai cũng có lúc đúng, lúc sai, lúc công bằng, lúc thiên vị, nhưng cái phất trần không phải là người, nên đứa nào có tội là nó đánh. Tội nhiều đánh nhiều, tội ít đánh ít…
Chúng tôi chỉ ngồi im thin thít, mặc dù vẫn có thể cãi lại: “Cái phất trần không thể đánh được ai, nếu bố không cầm nó”. Nhà tôi có chín chị em: ba gái, sáu trai. Bố tôi không bao giờ đánh con gái. Anh Khôi không bao giờ bị đánh, vì anh là con lớn, lại là cháu đích tôn dòng họ nội Nguyễn Hữu ở Lập Chí, Minh Trí, Kim Anh, Phúc Yên. Trong nhà, anh thật sự là tấm gương toàn diện về cả lối sinh hoạt và tư cách. Họ hàng gần xa, bạn bè của bố đến chơi, ai cũng khen anh là bản sao của bố, chưa kể ở trường anh luôn có thành tích học tập giỏi. Ba đứa em trai lứa tuổi lít nhít con mẹ kế, tôi và thằng Vinh nghịch thế nào thì chúng cũng nghịch như vậy, nhưng có lẽ sợ bà buồn nên bố tôi chỉ mắng chứ không đánh. Cuối cùng, người bị đánh nhiều nhất chỉ còn tôi và thằng Vinh. Nhưng ngay thằng Vinh cũng không bao giờ bị đánh quá tay. Hai đứa cùng bị ba roi thì không có gì để nói bố không công bằng, nhưng nghe tiếng roi quất vào mông thằng em nhẹ hơn, tôi cũng biết bố thương nó nhiều hơn. Đánh con xong, bố tôi thường vào phòng, ngồi thừ hàng giờ, rồi vào lúc khác, bố thường lẩm bẩm một mình, có lẽ đang nói với linh hồn mẹ tôi: “Thằng Vinh mới một tuổi mẹ đã mất…”. Có hôm, nghe được lời bố, chị tôi nói: “Thằng Vinh một tuổi thì thằng Tuấn cũng mới ba tuổi…”. Bố tôi không nói gì.
Đây là lần đầu tiên, anh Khôi bị đánh, lại là đánh rất đau. Hai vết lằn đỏ bầm ở cánh tay có lẽ do bị đánh ở mông quá đau, anh đưa tay đỡ. Tôi hỏi:
- Sao anh không thanh minh?
Anh nói:
- Bố đánh là đúng.
Anh im lặng một chút rồi ứa nước mắt nói với cả chị Tâm:
- Bố không đánh về việc bị kỷ luật ở trường mà đánh về tội nói dối… Bố vẫn nghĩ em đi tập Judo ở Nhu Việt, trong khi chiều nào em cũng ra Phà Đen.
Nghe đến đấy, tôi hiểu ra phần nào câu chuyện, liền quẳng cặp, phóng ra khỏi nhà. Nghe chị Tâm và anh Khôi lớn tiếng gọi lại, tôi vẫn bất chấp. Tôi chạy sang ngõ Tư Đường đến nhà Danh Huyền. Bác Danh Quỳnh và bố tôi là chỗ quen biết lâu năm. Anh Khôi và anh Hùng chơi với nhau như hình với bóng. Tôi với Huyền học cùng lớp. Nhà Huyền thì tôi cũng biết đến độ coi đó là một nơi quen thuộc nhưng chưa bao giờ bước chân vào. Việc này có thể do tính tôi nhút nhát, cũng có thể là vì thứ tự trọng, khách sáo truyền thống có từ lúc lọt lòng của người Hà Nội.
Tôi chưa nhấn chuông, Huyền đã từ trong nhà chạy ra:
- Anh Khôi về chưa?
- Rồi.
Tôi đáp cụt lủn, vì tôi đứng lù lù trước mặt, nó lại hỏi anh Khôi. Huyền nói lớn vào trong nhà:
- Anh Hùng! Anh Khôi về rồi.
Nó quay sang tôi, vồn vã nhưng cũng cụt lủn:
- Vào đi.
Tôi nói:
- Tớ chỉ gặp anh Hùng.
Anh Hùng đang quần đùi, ở trần, bước ra nói:
- Bố anh bảo em vào.
Tôi sợ đến phát run. Nhà tôi đã quá quen với tập quán và nghiêm luật chuyện người lớn và trẻ con là hai thế giới khác biệt, nếu không được người lớn là bố tôi cho phép, thì khi thấy người lớn nói chuyện phải tránh xa. Và bố tôi cũng tuyệt đối không nói với người ngoài chuyện trong nhà. Tuy nhiên, tôi cũng dè dặt bước theo anh.
Nhà anh Hùng có kết cấu rất khác với nhà tôi. Trong khi nhà tôi là mặt phố, cấu trúc đồng bộ với các nhà khác theo kiểu nhà ống, bề ngang khoảng ba đến năm mét, sâu trên dưới hai mươi mét, thì nhà anh Hùng thuộc khu nhà được xây độc lập từ các vườn cây chia ra, nên có bề ngang rộng, phòng khách bên ngoài kê xa lông thông liền với phòng ăn, bên trong là nhà bếp. Hình như sắp vào bữa ăn trưa nên cả nhà đều đang ở phòng khách.
Nhà anh Hùng có bốn anh em. Trên anh Hùng là anh Danh Hoàng đang là sinh viên Đại học Y khoa. Dưới anh Hùng là Danh Vũ, đang học trường tiểu học Hàng Cót. Huyền là út cũng là con gái duy nhất. Lúc tôi vào, cả anh Danh Hoàng, Danh Hùng, Danh Vũ đều đang quần đùi, ở trần. Đó là điều khác với nhà tôi. Có lẽ do nhà tôi nhiều con gái, nên con trai không bao giờ ở trần trong nhà.
Thấy tôi vào, bác Danh Quỳnh từ trên lầu đi xuống. Anh Danh Hoàng và Danh Vũ ý tứ đi vào phòng ăn, chỉ còn bác Danh Quỳnh, anh Hùng, Huyền và tôi ngồi ghế ở xa lông.
Bác Quỳnh hỏi:
- Bố cháu đánh anh Khôi đau lắm phải không?
- Dạ… Cháu sang nhờ anh Hùng qua xin với bố cháu cho anh Khôi.
Bác Quỳnh nói:
- Chuyện anh Khôi con bị đuổi học, bác biết rồi. Thằng Lạc, bạn của Hùng và Khôi, cũng vừa ở đây về. Không ăn cắp mà bị bố đánh và bị trường đuổi học thì đúng là oan, nhưng nói dối đi tập võ để ra Phà Đen thì đánh không oan.
Tôi xị mặt như chính mình bị kết tội. Bác Quỳnh nói tiếp:
- Một đứa nói dối tội đã nặng, lại còn rủ nhau cả đám thông đồng nói dối, tội càng nặng hơn. Không chỉ anh Khôi con mà thằng Hùng cũng cùng cầm đầu. Cháu hỏi anh Hùng xem, bác có đánh anh ấy không?
Anh Danh Hùng lặng lẽ cúi đầu. Huyền vội nói leo:
- Bố chỉ tát một cái.
Chẳng rõ Huyền muốn bênh anh hay so sánh vậy là để bênh bố mình.
Bác Quỳnh nói tiếp:
- Một cái tát hay mười cái tát, đánh bằng roi hay mắng bằng lời cũng không quan trọng, quan trọng là người bị đánh, mắng nhận biết mình sai thế nào. Người không biết đúng sai bị đánh một trăm roi vẫn trơ ra, rồi chứng nào tật ấy và căm thù người dạy mình, thì bao nhiêu roi cũng vô ích. Còn người biết lỗi, dù chỉ nghe mắng một câu cũng thấy đau đớn ê chề, có ý thức sửa mình, nhớ và biết ơn người dạy mình, thì dù bị mắng oan, đánh oan cũng chỉ là chuyện nhỏ.
Tôi không phục câu: “Người có ý thức sửa mình, nhớ và biết ơn người dạy mình thì dù bị mắng oan, đánh oan cũng là chuyện nhỏ”. Có thể người lớn đã từng trải sẽ như vậy, chứ với trẻ con chúng tôi, bị mắng oan, đánh oan luôn là chuyện lớn. Chỉ có điều trẻ con chóng quên và khi biết lấy cái thương yêu từ người lớn dành cho mình trừ đi những nỗi oan ức, thì thấy tình thương vẫn lớn, nỗi oan ức sẽ dần tan biến. Nghĩ vậy, nhưng tôi không cãi lại.
Nhưng Huyền cãi. Dám cãi lại người lớn cũng là chỗ nhà Huyền khác nhà tôi:
- Không ăn cắp mà bị đánh, bị đuổi học oan thì khó quên lắm.
Bác Danh Quỳnh vẫn dịu giọng:
- Nuôi mãi nỗi ấm ức trong lòng, đến phụ cả những người yêu thương mình thì sẽ khổ suốt đời. Con hãy nhớ lời này của bố, bây giờ chưa hiểu thì lớn lên con sẽ hiểu.
Một phụ nữ dáng vẻ đài cát, mặc đồ bộ sa tanh trắng muốt, hai vạt trước có thêu hoa, từ trên lầu đi xuống. Tôi đoán là mẹ Huyền, nên đứng dậy, khoanh tay, lễ phép:
- Bác ạ.
Bác Quỳnh nói:
- Đây là bác gái. Còn đây là em thằng Khôi.
Lúc bác gái còn ở trên cầu thang, do hơi khuất sáng, tôi không nhìn rõ mặt, nhưng khi bác đến bên chiếc ghế xa lông mà bác Quỳnh đang ngồi, tôi thoáng sững sờ bởi gương mặt đẹp nhưng phấn son quá đậm. Tôi nhận ra Huyền giống mẹ nhiều. Những năm ấy ở Hà Nội, phụ nữ có ý thức làm đẹp bằng phấn son chưa nhiều. Tầng lớp khá giả thì chỉ ngày lễ, ngày tết, ngày hội, các bà, các cô mới trang điểm nhẹ nhàng nhằm nâng thêm những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm trên gương mặt hoặc để tương xứng với trang phục. Các bà, các cô trang điểm quá đậm như bác Quỳnh gái thường bị định kiến là thuộc phường me Tây… Tôi lờ mờ hiểu ra nguyên nhân bố tôi rất thân với bác Quỳnh, nhưng luôn khéo léo nhắc anh em tôi, nhất là với chị Tâm, không giao du với nhà bác có lẽ là do bác gái hoàn toàn trái ngược với thẩm mỹ, văn hóa truyền thống ở gia đình tôi.
Bác Danh Quỳnh chỉ chiếc ghế bên cạnh, nói với vợ:
- Mình ngồi đi.
Rồi ông nói với tôi:
- Bác với bố cháu giống nhau ở chỗ tuyệt đối nghiêm khắc với tội nói dối, nhưng khác ở chỗ, hễ là chuyện dính đến danh dự gia đình thì không ai được giấu ai.
Bác Quỳnh gái nhìn tôi đăm đăm rồi nói với bác trai:
- Sao hai anh em không giống nhau? Thằng Khôi thì sáng sủa thông minh, còn thằng này có tướng to đầu mà tồ, tóc rễ tre, răng thì hô, môi thì cong…
Bác nheo mắt với tôi:
- Con Huyền nói cháu học cũng thường đúng không? Phải nhớ học tập bố cháu và anh Khôi, đã sống trên đời mà không giỏi thì suốt đời nghèo khổ.
Dù bác nhìn nhận cũng đúng, nhưng với tôi, thuốc đắng không dã tật và sự thật mãi mãi mất lòng, tôi nóng bừng mặt, đưa ánh mắt mang hình viên đạn về phía Huyền.
Huyền vội nói với mẹ:
- Con kể với mẹ, Tuấn là em anh Khôi, lẽ ra cũng phải xuất sắc như anh ấy, chứ chưa bao giờ chê Tuấn học thường.
Anh Danh Hùng cũng bênh tôi:
- Mới học lớp Năm, lớp Tư, chưa thể đánh giá đúng được. Con lên lớp Nhì, lớp Nhất mới giỏi, chứ từ lớp Ba trở xuống còn có môn phải thi lại mới được lên lớp.
Bác Quỳnh gái bật cười:
- Mới chê một chút, đã bênh bạn chằm chặp. Bác xin lỗi vậy nhé!
Rời nhà anh Hùng, trên đường trở về, tôi nhẹ nhõm đi ít nhiều khi hiểu ra thật hư vụ anh Khôi, nhưng lẫn lộn trong tôi còn có cảm xúc lạ lùng khi lần đầu tiên chứng kiến không khí thoải mái giữa người lớn và trẻ con trong nhà anh Hùng. Nhà tôi, bố tôi cũng coi là dễ tính khi để các con tự lo học, tự lo chơi, nhưng đối với chuyện nề nếp, gia phong, thì trẻ con tuyệt đối không được lấn sân.
Chuyện anh Khôi bị đuổi học về tội trộm cắp ở bến Phà Đen, sau khi gặp anh Danh Hùng, tôi mới biết ngọn nguồn và hiểu tại sao anh Lạc lại lấy biệt danh là Robin Hood.
Từ năm tôi học lớp Năm, ở trường, lớp nào cũng thỉnh thoảng có những vụ học sinh bị mất cắp. Người bị móc túi mất tiền ăn quà sáng. Người bị mất com pa, hộp bút màu, bút máy... Thậm chí, mất giày, mất mũ… khi mải chơi đùa. Những người bán hàng rong trước cổng trường như táo dầm, thịt bò khô, kẹo kéo… cũng bị mất tiền một cách bí hiểm. Có hai thầy giáo còn mất cả xe đạp. Nhà trường giao hẳn cho thầy Quảng giám thị theo dõi, rồi báo cả cảnh sát vào trường điều tra, nhưng kết luận cuối cùng là thủ phạm không phải học sinh trong trường.
Tôi và bạn bè trong lớp ban đầu không bận tâm về chuyện thủ phạm các vụ mất cắp là ai, chỉ thấy tình huống mất cắp thường ly kỳ, bí hiểm và dần dần nhận ra một điểm chung là người bị mất cắp thường thuộc loại “đáng ghét” thì trong lòng đều lấy làm thú vị. Và dù chẳng có bằng chứng nào, dần dần các bạn cũng đồn đại, thần công lý có lẽ là Robin Hood Huy Lạc. Thu Hằng lớp Nhì B, sáng đi học cãi nhau với bạn cùng lớp là Bích Thủy, chị ta chửi bạn: “Bố mẹ mày là đồ khố rách áo ôm mới đẻ ra mày”. Lập tức, giờ ra chơi, cây bút Paker trong cặp chị ta không cánh mà bay. Minh Tiến lớp Nhất C đánh bạn hộc máu mũi chỉ vì trong giờ kiểm tra toán bạn không cho anh ta quay cóp. Lúc tan học, anh ta khóc ầm vì xe đạp để trong nhà xe bị vặt mất chuông và đèn. Thầy Giản dạy đạo đức, trong giờ học dùng thước đánh một học sinh lằn má, lúc ra về phát hiện mất xe đạp. Thầy Quảng giám thị báo cảnh sát vào điều tra, thấy chỗ để xe có rơi quyển sách giáo khoa Toán lớp Nhì, dán nhãn tên Lê Văn Thụy, lớp Nhì C, liền kết tội cho Thụy. Thụy là thành viên nhóm Tre Việt, mấy hôm trước cay cú chuyện ăn thua trong trận bóng đá giữa hai lớp, đã đánh nhau với Lạc. Anh ta một mực kêu oan.
Chuyện này đụng đến lòng tự ái của anh Khôi và anh Danh Hùng, vì thành viên Tre Việt không thể ăn cắp. Anh và anh Hùng tìm cách điều tra và xác định thủ phạm cả vụ lấy xe lẫn bày hiện trường giả để đổ tội cho Thụy chính là Lạc, chưa kể quanh Lạc có cả một băng mười hai đứa ở các lớp khác nhau. Nhưng do không đủ bằng chứng, nên Lạc thề sống, thề chết chối phăng.
Sau đó anh Khôi và anh Hùng bày binh bố trận, bắt quả tang Lạc và đàn em trèo tường từ bên trường, leo sang nhà một ông cảnh sát ở kế bên, lấy trộm khẩu súng lục ném xuống hố ga ở trường, chỉ vì ông ta tịch thu quả bóng đám Lạc đá qua nhà, làm vỡ kính cửa sổ.
Lạc chịu leo tường trả lại khẩu súng, cũng lặng lẽ mang chiếc xe đạp của thầy Giản để về chỗ cũ, nhưng nhất định không nhận mình sai. Anh nói anh và các bạn học tập tướng cướp Robin Hood thế thiên hành đạo, lấy cắp và phá phách là để trừng trị bọn xấu. Tiền và những thứ anh lấy được của “bọn giàu, bọn xấu” đều chia cho các bạn tốt, bạn nghèo, chứ không bao giờ giữ làm của riêng.
Hai lý sự khác nhau, dẫn đến phải dùng quả đấm. Cuối cùng đi đến thỏa thuận hai băng Tre Việt và Robin Hood sẽ hợp nhất, rồi buổi chiều cùng đi làm thêm để gây quỹ giúp các bạn nghèo. Một trong những nơi đó là Phà Đen. Thực ra, thời gian này chỉ còn cái tên Phà, chứ không còn những chuyến phà, nhưng vẫn tấp nập trên bến dưới thuyền. Những người qua sông không muốn đi bằng cầu Long Biên vẫn có những chuyến đò ngang, đò dọc. Hàng hóa từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, mấy tỉnh miền núi ngược xuôi về Hà Nội, rồi hàng hóa từ Hà Nội tỏa đi nếu tiện đường thủy thì vẫn tập kết ở Phà Đen. Vì vậy ở đây vẫn thu hút nhiều lao động bốc vác, vận chuyển thuê.
Anh Khôi là người đầu têu, đã lên tận Phà Đen liên hệ. Một người cai có biệt hiệu Châu Khòm ở đó đồng ý nhận đám học trò lít nhít ở tuổi mới hơn mười vào làm việc. Khi khuân gạch từ trên bờ xuống thuyền, khi bốc các bao gạo, ngũ cốc từ thuyền lên bờ… Ai sai gì thì làm đó. Tất cả đều làm vào buổi chiều từ một giờ rưỡi đến khoảng bốn giờ rưỡi. Làm được bao nhiêu, đám Hùng, Khôi và các bạn băng Tre Việt không lấy một xu, giao hết cho Lạc để Lạc phân phối cho các bạn nghèo do anh chọn. Ban đầu mọi chuyện tốt đẹp, ở trường, các vụ mất cắp cũng chấm dứt. Nhưng sau, Lạc phát hiện Châu Khòm nhận tiền công của khách thuê theo đơn giá khoán, nhưng chia lại cho anh em theo giờ công, với giá trị chỉ bằng một nửa so với những lao động người lớn, liền nói với anh Khôi. Anh Khôi thắc mắc với Châu Khòm. Ông này nói: “Để chúng mày làm, tao phải nghe bao nhiêu lời chửi là cho chúng mày cướp cơm chim(4), giờ lại trả công cho chúng mày bằng người lớn để tao bị cắt cổ à?”. Anh Khôi thấy Châu Khòm có lý, vì từ những năm 1949 - 1950, người từ các vùng chiến sự ở quê chạy ra thành phố tìm việc như ruồi, hễ lúc nào có việc là tranh nhau, thậm chí đánh chém nhau để giành mối, kiếm từng đồng, từng hào.
(4) Cơm rất ít ỏi, đây là cách ví von chỉ thứ gì đó vô cùng ít, chẳng đáng là bao nhưng lại có giá trị nuôi sống.
Khôi và Hùng lặng lẽ đi tìm mối khác, nhưng làm ở nội thành thì người lớn sẽ biết, làm ở ngoại thành thì xa… Cuối cùng vẫn không đâu hơn Phà Đen. Anh Khôi về năn nỉ Châu Khòm, được ông này nhân nhượng nâng tiền công lên chút đỉnh, rồi anh gặp anh Lạc kể lại mọi chuyện, khuyên anh Lạc thông cảm. Lạc nghe xong chỉ cười. Từ đấy Châu Khòm thường xuyên mất cắp. Tiền để trong túi quần sau mất. Tiền cất trong két cũng mất, mang về gửi vợ cất kỹ dưới đầu giường cũng không cánh mà bay. Người ông ta nghi không ai khác chính là anh Khôi. Ông ta báo cảnh sát. Viên cảnh sát lặng lẽ điều tra, bắt quả tang lúc anh Khôi đang đưa tiền cho Lạc. Kiểm tra số tiền Lạc đang giữ thì có một số tờ trùng với số sê-ri được Châu Khòm đánh dấu. Viên cảnh sát lại đến trường tìm hiểu, được nhà trường cho biết ở trường cũng có nhiều lần mất cắp, mất trộm. Ban đầu có nghi cho Lạc, nhưng không bằng chứng. Viên cảnh sát suy luận Lạc là bạn Khôi, nếu không phải Lạc thì chỉ có Khôi. Thế là trăm tội được đổ lên đầu anh Khôi, mặc dù tất cả những người biết anh đều không ai tin. Nhưng luật là luật. Đã mất cắp, nhất định phải có kẻ cắp, cần phải có thủ phạm mang ra trừng phạt để giữ uy tín của trường, răn đe những kẻ còn trong bóng tối, chấm dứt các vụ mất cắp trong trường. Vậy là anh Khôi thành vật tế thần do kết luận của cảnh sát.
Sáng hôm sau, anh Khôi đã bị đuổi nên không đi học, tôi đến trường một mình. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, nên anh Hùng cũng nghỉ học. Màn tập chạy đương nhiên cũng không có. Lần đầu tiên trong đời, đi học không phải ấm ức xách cặp cho ông anh, lẽ ra phải nhẹ nhõm, nhưng hóa ra rất nặng nề, rất đơn độc. Chưa bao giờ tôi lại mong có Huyền cùng đi như hôm đó. Bố tôi mở cửa cho tôi ra nhưng ông không dắt theo xe đạp.
- Hôm nay, bố không đi làm ạ?
Mặt bố tôi rầu rầu:
- Bố đi làm muộn.
Tối hôm qua, bác Quỳnh và anh Hùng sang nhà tôi. Những người lớn nói chuyện với nhau thế nào thì tôi không rõ, chỉ thấy sau khi bác Quỳnh và anh Hùng về, bố tôi ngồi nói chuyện với anh Khôi rất lâu. Có lẽ cuộc gặp gỡ này đã khiến bố tôi mệt mỏi.
Tôi cố ý đứng chần chừ ở gốc bàng trên lề hè trước cửa, để chờ Huyền đến cùng đi. Huyền cũng chỉ xách một chiếc cặp. Vẫn chẳng đứa nào nói với đứa nào một câu nhưng lần đầu tiên hai đứa đi sóng đôi. Đến cổng trường, lại đứa nào đi đường nấy như chưa hề quen nhau. Mọi khi đến trường, việc đầu tiên tôi làm là hòa vào với các bạn để chơi đùa, nhưng hôm ấy tôi chỉ lủi thủi một mình ở trước dãy chuồng xí, gần bậc thềm lối lên lớp đầu hồi của tòa nhà chính hai tầng. Rồi tiếng trống tập trung vào lớp nổi lên lúc nào tôi cũng không hay. Chỉ đến lúc Huyền chạy ra gọi, tôi mới giật mình theo Huyền vào lớp. Thầy Tạo trang trọng khăn đóng áo dài, đã đứng trên bục giảng. Các bạn còn chưa ngồi xuống sau khi đứng chào thầy. Tôi rất sợ hãi. Mọi khi học sinh vào lớp trễ là bị phạt đứng khoanh tay ở cửa lớp mười phút, nên tôi khoanh tay trước thầy:
- Con xin lỗi.
Thay vì tuyên phạt, thầy chỉ nói nhẹ nhàng:
- Con về chỗ đi.
Sau đó, thầy nói với cả lớp:
- Hôm nay, thầy bận họp với Ban Giám hiệu, nên các em được nghỉ học hai tiết đầu. Em Huyền trưởng lớp sẽ thay mặt thầy điều hành các em sinh hoạt văn nghệ.
Cả lớp phấn khởi hò reo. Học sinh thời nào cũng vậy, rõ ràng cắp sách đến trường là để học, nhưng hễ được nghỉ để chơi thì đứa nào cũng thích. Vậy mà khi tiếng reo mừng của các bạn vừa dứt, tôi lại òa khóc. Cả lớp hướng cả về tôi, không hiểu chuyện gì xảy ra.
Thầy Tạo liền đi xuống bàn tôi, nhỏ nhẹ:
- Nín đi. Hôm nay, nếu mệt, thầy cho em về nhà nghỉ.
Tôi cố bình tĩnh, không còn khóc to mà chỉ sụt sịt:
- Thưa thầy! Em không mệt.
Thầy khoác vai tôi, rồi nói thêm:
- Thầy tin anh Khôi con vô tội. Thầy tin con cháu nhà Mai Lĩnh không thể mắc tội đạo đức. Hôm nay, thầy cho lớp nghỉ hai tiết để thầy thanh minh cho anh con tại cuộc họp Ban Giám hiệu.
Tôi lại nức nở, chỉ muốn nói: “Em đã biết sự thật về vụ anh của em. Em rất muốn nói với thầy, nhưng em không dám nên mới khóc”, nhưng rốt cuộc cũng chỉ im lặng.
Hóa ra sáng hôm đó, cuộc họp ngoài Ban Giám hiệu và thầy Tạo còn có cả bác Quỳnh, bố tôi, ông Châu Khòm, viên cảnh sát điều tra để đánh giá về trường hợp của anh Khôi. Người lớn nói chuyện với nhau thế nào tôi không biết. Bố tôi và anh Khôi cũng không kể.
Sáng hôm sau, anh Khôi lại cùng tôi đi học bình thường. Hai anh em vẫn nấn ná bên gốc bàng, chờ anh em Hùng, Huyền đến, cùng đi đến đầu cầu Long Biên. Tôi và Huyền lại làm mắc áo di động và còng lưng xách thêm một chiếc cặp không phải của mình, để hai ông anh quần soọc, áo may ô Tre Việt, chạy theo đường Yên Phụ, còn tôi và Huyền lặng lẽ đứa trước đứa sau đến trường bằng đường Hàng Đậu.
Đến sáng thứ Hai, một chuyện chưa từng có tiền lệ xảy ra, khiến cả trường kinh ngạc. Đó là giờ chào cờ thứ hai đầu tháng, mười học sinh xuất sắc được thầy hiệu trưởng đọc tên lên đứng trên bục danh dự dưới chân cột cờ, trước học sinh toàn trường, vẫn có anh Khôi và Huyền. Hai người được vinh dự kéo cờ cũng là anh Khôi và Huyền.
Sau nghi thức chào cờ, tôi bỗng thấy bác Danh Quỳnh đứng bên thầy hiệu trưởng. Không biết bác đến trường lúc nào. Hai người trao đổi điều gì đó, hình như thầy hiệu trưởng muốn mời bác cùng lên bục nhưng bác có ý từ chối. Cuối cùng, bác đứng bên dưới, một mình thầy hiệu trưởng lên trước bục, công khai xin lỗi anh Khôi và gia đình vì đã có sự hiểu lầm khi đánh giá và thi hành kỷ luật sai với anh. Suốt buổi học hôm đó, lòng tôi vừa nhẹ lại vừa nặng. Nhẹ vì mọi nỗi lo cho anh giờ biến mất trong tiếng vỗ tay của toàn trường dành cho anh. Còn nặng, vì tôi biết với anh, một người trọng danh dự đến mức quyết liệt, thì lời xin lỗi vinh quang như hôm nay cũng không rửa sạch được nỗi đau anh phải chịu đựng mấy ngày qua nên tôi thấy thương anh vô hạn. Sau này tôi mới biết, sáng hôm ấy bố tôi và bác Quỳnh cùng được Ban Giám hiệu nhà trường mời có mặt để nhận lời xin lỗi nhưng bố tôi đã không đến.
Trước mặt con phố nhà tôi, sau bến xe và con đê là Bến Nứa. Theo lời bố tối, tên này có từ thời trước khi có con đê. Nơi đây tập kết đủ thứ bè mảng gỗ, tre, nứa từ núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc tràn về, nhiều khi chiếm tới một phần ba chiều ngang mặt sông, còn tên bãi là Phúc Xá. Nước sông Hồng mùa cạn cũng như mùa lũ đều cuồn cuộn đỏ ngầu, không mấy sạch sẽ. Những chỗ có xoáy ngầm dưới đáy bè rất nguy hiểm, vậy mà bọn trẻ con trong phố chúng tôi khi cao hứng vẫn từng tốp rủ nhau ra bơi. Bố tôi tuyệt đối cấm. Nhưng với bọn trẻ hiếu động, kể cả ở những gia đình “kỷ luật” như nhà tôi, những gì càng nguy hiểm, càng cấm đoán thì càng hấp dẫn, nên những chiều bố tôi đi làm chưa về, anh Khôi vẫn rủ chúng tôi và mấy đứa cùng phố vượt đê Phúc Xá ra tận các mép bè bơi lội. Từ lần bị bố tôi bắt quả tang, đánh cho một trận, anh mời ngừng vụ tắm sông. Nhưng hôm được nhà trường minh oan, không có đám trẻ cùng phố rủ rê, anh lại bất ngờ bảo tôi:
- Ra sông đi.
Tôi bảo:
- Bố vẫn đang giận anh.
- Anh muốn ra sông để rửa sạch mọi chuyện.
Thế là tôi cùng thằng Vinh lon ton đi theo anh. Ra đến lề bè gỗ, anh chọn chỗ sâu nhất, nước chảy mạnh và xoáy nhất, cắm đầu lao xuống mặt sông, dũng mãnh bơi ngược dòng ra rất xa. Trong khi tôi và Vinh dù biết bơi cũng chỉ dám loanh quanh sát mép bè.
Sau khi bơi thỏa thê, anh khoan khoái, hét lớn: “A A A…”, rồi bám vào thân gỗ lớn, trèo lên bè, chiếc quần đùi bị nước kéo tụt xuống lộ ra hai bên mông đầy vết roi, vết bầm đỏ tím - những vết rớm máu còn chưa kịp khô. Anh tưởng tôi không biết anh bị đánh nên vội kéo quần, rồi cười đầy khoan khoái:
- Hôm nay sông Hồng mát hơn mọi hôm.
Tôi đến ngồi cạnh anh:
- Mông anh vẫn đầy vết roi.
- Bơi mấy vòng là hết đau rồi.
- Bố có xin lỗi anh không?
Anh hơi trầm lại, im một lúc, rồi mới nói:
- Anh chỉ thấy rất thương bố. Người lớn có nhiều cách nhận lỗi mà không cần phải nói ra lời… Bố đã nhiều lần cấm anh em mình ra sông bơi, anh em mình vẫn cứ ra, có bao giờ mình nghĩ phải thú tội và xin lỗi bố? Năm nào ở sông cũng có trẻ chết đuối, nhỡ chuyện đó xảy ra với mình thì sao? Mình có lỗi thì coi là bình thường, có khi còn tự hào, trong khi người lớn có lỗi, mình đòi xin lỗi là không công bằng.
Tôi, thằng bé còn chưa đến mười tuổi, hiểu ý anh một cách chậm chạp, hơi ngẩn ra.
Anh nói thêm:
- Nếu bị bố đánh mắng nặng nề, anh cũng vẫn thương bố.
Lúc tắm xong, ba anh em ra về, tôi thấy Danh Huyền đang ngồi với chị Tâm ở chiếc ghế chị vẫn ngồi trông hàng. Mặt tôi lập tức hằm hằm, tôi hỏi cộc lốc:
- Sang có chuyện gì?
- Mượn sách.
- Học sinh danh dự cũng phải mượn sách học sinh trung bình à?
- Thiếu thì mượn chứ sao?
- Tại sao chuyện anh Khôi, rõ ràng cậu biết trước mà lại giấu tớ?
Huyền nói:
- Tại cậu không hỏi.
Con gái là như thế. Mọi chuyện nặng nề rắc rối trong lòng con trai đều được chúng coi đơn giản. Còn bọn con trai chúng tôi rất có thể hay phức tạp hóa mọi chuyện nên tự làm mệt mình. Nhưng vài năm sau, khi lên học cấp hai, tôi lại rút ra kết luận, bọn con gái tầm mười một, mười hai tuổi đã rất khôn ngoan, trong khi con trai thì mười bốn, mười lăm tuổi vẫn rất “tồ”.
Sau chuyện anh Khôi được thanh minh, nhà trường nhân nhượng chấp nhận yêu cầu của bác Quỳnh và bố tôi là giữ bí mật, không đuổi học Lạc và những học sinh trong băng Robin Hood. Lạc, anh Khôi và anh Hùng vẫn thân nhau. Tôi biết chuyện này kết thúc tốt đẹp như vậy là nhờ có sự tham gia của thầy Tạo, người thầy tuyệt vời của anh Khôi và tôi những năm học tiểu học. Chỉ sau này, khi lớn thêm vài tuổi, tôi mới được biết thầy Tạo là dân Phúc Yên, cũng là chỗ thân quen với ông ngoại và bố tôi hồi tuổi trẻ. Giữa năm 1946, quân Pháp tấn công lên Phúc Yên, thầy Tạo đã đưa cả nhà tản cư vào ấp Mai Lĩnh, ở Lập Chí, Minh Trí, chỗ ông ngoại. Hai nhà ở chung hàng tháng trời trước khi cùng tản cư tiếp lên Thái Nguyên, thuộc chiến khu Việt Bắc. Mối quan hệ thân thiết với thầy Tạo chính là lý do vì sao nhà Trần Nhật Duật gần các trường lớn như Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ nhưng bố tôi lại gửi con học ở trường Đỗ Hữu Vị, vừa nhỏ vừa xa hơn.
“Tai nạn” đến với anh Khôi cũng là năm cuối bậc tiểu học, một năm học chắc chắn là biến động nhất đời anh. Bước lên bậc trung học, anh học tại trường Chu Văn An bên bờ Hồ Tây. Còn tôi lên lớp Tư, vẫn ở lại trường Đỗ Hữu Vị, trong một nền giáo dục dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, với nhiều thay đổi. Tên trường không thể giữ là Đỗ Hữu Vị mà phải đổi thành Yên Thành. Bởi vì, dù là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay, ông Vị cũng đồng thời là đại úy quân đội Pháp. Hệ phổ thông mười hai năm thuộc “nền giáo dục nô dịch lạc hậu của nước Pháp xâm lược” được đổi thành hệ mười năm, cấp tiểu học gọi là cấp một, cấp trung học chia thành cấp hai và cấp ba. Lũ chúng tôi đang học lớp Tư, lẽ ra lên lớp ba, giờ không phải học cũng tót lên lớp bốn (tức lớp Nhì cũ). Đồng phục nam sơ mi trắng, quần soọc xanh và đồng phục nữ váy xanh là sản phẩm của chế độ thực dân tư sản, nay các chủ nhân tương lai của đất nước đến trường được ăn mặc tự do, khiến đứa nào cũng thích thú. Các thầy, cô và học sinh trước đây xưng hô “thầy, cô” với “các con”, tạo cách biệt quá xa, là sản phẩm của chế độ phong kiến cổ hủ. Bây giờ, là “thầy, cô” với “các em”, để gần nhau hơn. Lũ học trò nhóc chúng tôi cảm thấy mình bỗng nhiên như đã lớn hơn, đều vô tư thích thú với sự đổi thay. Các thầy trước đây lên lớp đều mặc com lê, giản đơn một chút thì mặc sơ mi trắng, thắt cà vạt, còn các cô đều mặc áo dài thì giờ đều đổi sang sơ mi tuềnh toàng, phổ biến nhất là loại áo đại cán, kiểu các nữ hồng quân Trung Quốc, để thể hiện tối đa phương châm giản dị của giai cấp công - nông. Thầy Tạo đáng kính của tôi và một số thầy lớn tuổi khác, sau ngày Hà Nội giải phóng ngày mười tháng Mười năm 1954, vẫn trang trọng khăn đóng, áo dài khi đến trường. Còn các cô giáo lớn tuổi quá quen với việc mặc áo dài, đến chết vẫn không thể thay đổi truyền thống tôn sư của người Hà Nội xưa, cũng dần nghỉ cả.