T
háng Bảy năm 2009.
Vợ chồng tôi đón người đàn bà có khả năng ngoại cảm từ Hòa Bình về nhà mình ở Sài Gòn để nhờ giúp tìm mộ anh Khôi. Cuộc hẹn này là do sự dẫn dắt tình cờ qua lời truyền miệng đầy hấp dẫn của những người họ hàng bên vợ ngoài Thanh Hóa.
Nguyên tháng trước, cậu Đỗ Mạnh Hùng, chủ một xí nghiệp in, em ruột vợ tôi từ Sài Gòn ra Thanh Hóa dự đám rước hài cốt ông bác ruột Đỗ Văn Lãng, mai táng ở Lương Sơn, Hòa Bình từ năm 1959 về khu mộ của gia đình ở Thạch Thành, Thanh Hóa. Hùng kể, đại lễ được tổ chức linh đình, trang trọng, tập trung đầy đủ các chi, ngành, từ thế hệ các cụ xuống đến thế hệ bốn đời con cháu phiêu bạt khắp đất nước, đông nhất vẫn là Thanh Hóa và quê gốc Vụ Bản, Nam Định. Lễ còn mời được cả lãnh đạo địa phương đến dự, tuyên bố lý do và rước một đoàn các nhà sư chùa Phúc Tự lớn nhất Thạch Thành đến tụng kinh chiêu hồn…
Tôi hỏi:
- Hòa Bình đi Thanh Hóa không xa, đường sá lại thuận lợi, sao từ năm 1959 đến nay mới đưa về?
Hùng nói:
- Bây giờ đường sá mới rộng rãi, tàu xe thuận tiện, rồi kinh tế nhiều nhà khá giả hơn, chứ hồi đó làng xã nào cũng cùng kiệt, rối bời bởi chiến tranh, ly tán. Đó là chưa kể những gia đình như nhà mình được vận động đi khai hoang trên vùng kinh tế mới Lương Sơn, Hòa Bình. Ngay năm đầu, bác Lãng đã bị sốt rét ác tính, dẫn đến phù rữa gan, thời gian nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Bệnh viện này cách xa khu làng mới gần hai chục cây số, toàn nhà tranh vách liếp, được cất dựng vội vàng ngay cạnh bìa rừng, nguyên là nhánh của bệnh xá huyện được tách ra. Bệnh nhân chết vì bệnh, nếu không có người thân hoặc không có điều kiện đưa về nhà, đều chôn ngay ở bãi hoang gần đó. Bác Lãng sau khi mất cũng được chôn ở đây. Quan tài của tất cả người chết đều là gỗ tạp tự đóng sơ sài, mộ chỉ đắp đất, đánh dấu qua loa. Mấy năm đầu còn nhớ. Lâu dần, số mộ nhiều lên, việc chôn cất tiện đâu chôn đấy. Sang thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc, việc chăm sóc được chăng hay chớ, lại không người quản lý, các ngôi mộ bị lẫn lộn hoặc mất dấu. Mộ bác Lãng thì ngay cả những người đào huyệt chôn bác cũng không nhớ, bây giờ mới bốc là nhờ có nhà ngoại cảm tìm giúp.
Vợ tôi kể thêm:
- Năm 1976, khi em từ chiến trường miền Nam ra, thầy có đưa em lên Hòa Bình thăm và thắp nhang cho bác Lãng. Đó là một nghĩa địa tự phát, các phần mộ nằm lộn xộn, trải dài trên thoải đồi trọc đất đỏ rộng vài héc-ta, bị bỏ hoang lâu ngày. Cỏ tranh, sim, dương xỉ mọc tràn lan. Lấp ló trong đám cây dại là những ngôi mộ đất vô chủ, chỉ được đánh dấu bằng những tảng đá ong hoặc đá vôi. Nhiều ngôi mộ đã được bốc đi để lại những hố sâu nham nhở, trông tiêu điều lắm. Ở phần cao nhất của thoải đồi có một ngôi miếu, diện tích hơn hai chục mét vuông, mái ngói vẩy cá cũ kỹ vỡ thủng lỗ chỗ, tường vách loang lổ, mốc meo. Cạnh bên là cây si già rễ rủ sum suê, gốc to cả người ôm. Nơi đó còn có gần chục cây xoan đang mùa hoa trắng, chắc do khoảnh đất quanh miếu là nơi có dấu ấn tâm linh, thờ cúng, nên cây cối còn sống sót. Thầy giải thích rằng từ hồi Mỹ ném bom, bệnh viện tỉnh sơ tán lên nhập chung với bệnh xá của khu kinh tế mới, người chết vì bệnh, người chết vì bom đạn Mỹ, mộ phần ở đây tăng nhanh. Nhiều người còn nhìn thấy đêm đêm ở nghĩa địa có hồn ma tụ về chập chờn, kêu khóc ai oán. Dân kinh tế mới, nhiều người mắc những chứng bệnh kỳ lạ, bệnh viện không sao chữa được. Mọi người bàn nhau mời thầy pháp về cúng. Thầy pháp cúng xong rồi bảo rằng do nhiều mộ bị mất dấu, bị lẫn lộn, người sống thờ cúng nhầm, các vong hồn bất an, phẫn nộ, vì vậy phải xây cái miếu để thờ cúng. Thế là người góp công, kẻ góp của, dựng cái miếu kia. Từ đó, ai lên thắp nhang cho người chết đều khấn trước ở miếu… Sau giải phóng, từ năm 1990 trở đi, bắt đầu xuất hiện các nhà ngoại cảm, khơi rộ phong trào nhờ những người này tìm các mộ liệt sĩ, mộ thất lạc ở khắp nước, lan đến cả Thanh Hóa, Hòa Bình. Thế là nghĩa địa đang yên ả liên tục bị đào xới. Ai gặp thầy bà giỏi, tìm trúng mộ, thì hỉ hả đưa hài cốt người thân về gần nhà hoặc về quê. Ai gặp thầy bà dở, tìm không trúng mộ thì đào đâu bỏ đấy. Do đào lên mà không lấp, giờ nó mới hoang phế thế này.
Tôi hỏi Hùng:
- Sao cậu lại tin vụ nhà ngoại cảm gọi hồn?
Hùng nói:
- Chuyện này, thoạt đầu nghe mấy ông chú ngoài Thanh Hóa vào kể rằng bà này đã tìm được mộ bác Lãng, em cũng cho là chuyện hoang đường. Nhưng họ tộc có chuyện lớn, mình là con cháu thì phải ra thôi... Em đã tận mắt chứng kiến bà ấy làm lễ gọi hồn. Bác Lãng hiện về nhập vào cái Uyên, mười tám tuổi, cháu dâu bác ấy, chuyện quá khứ, hiện tại trong nhà, nói ra vanh vách. Cái Uyên mang giọng bác Lãng, chỉ vào em: “Thằng Hùng con ông Ấu cũng từ Sài Gòn ra hả? Bố cháu mới ngồi uống rượu với bác tối qua. Ơn trời, nhờ ăn ở phúc đức nên xuống dưới này, mấy anh em được sống cạnh nhau. Bố cháu than rằng nhà có sáu đứa con, được con Thanh kéo hết vào trong Nam. Con Thanh, con Vân, con Dung, thằng Lợi và cháu thì ổn, nhưng thằng Thắng tính tình ba ngang nên còn lận đận…”. Nghe đến đó, em bủn rủn cả người. Lúc bác Lãng mất năm 1959, hai miền Nam - Bắc vẫn chia cắt, làm sao bác ấy biết chị em mình vào hết trong Nam sau 1975? Không tin không được.
Tôi hỏi:
- Bà ta tìm đúng mộ bác Lãng?
- Từ năm 1959 đến nay đã hơn năm mươi năm, cả mấy cái đinh sắt đóng ở quan tài cũng đã mủn vào đất. Xương cốt đều chỉ còn những mảnh vụn sẫm màu hơn so với đất. Nhưng chiếc khóa thắt lưng lính mạ kền mà bác Lãng xin của người em vợ từng đi lính cho Tây, tuy han xỉn, nhưng vẫn còn nguyên hình thù. Cặp kính lão có phần gọng sắt đã mủn, nhưng hai mắt thủy tinh, rửa sạch, những người già cùng thời với bác đều nhận đúng là mắt kính của bác ấy. Mấy nhà khác có người thân đã được chôn cất khoảng dưới hai chục năm, được bà này tìm mộ trước bác Lãng, còn thấy đúng quan tài và nhiều hiện vật chôn theo xác. Người của các gia đình tìm được mộ người thân vái bà này hơn vái thánh. Anh chị có quyết định nhờ bà ấy tìm mộ anh Khôi hay không tùy anh chị, nhưng theo em, cứ mời bà ấy vào. Tìm được mộ thì hên cho nhà mình, còn vì lý do nào đó không tìm được thì riêng việc bà ấy gọi được hồn anh Khôi về để anh em gặp nhau trò chuyện cũng là vô giá.
Vợ tôi gọi điện thoại cho anh Nhiên, con cả bác Lãng, bố chồng Uyên, nguyên là bộ đội thời kháng Pháp, một người nổi tiếng hiểu biết và từng trải trong họ, để hỏi kỹ về vụ bà thầy nọ. Anh dành cả giờ kể kỹ về từng chi tiết vụ tìm mộ bố mình. Sợ chúng tôi không tin, anh còn lý luận: “Ngoại cảm là lĩnh vực khoa học về năng lực phi thường ở một số người có khả năng đặc biệt mà ngày nay chưa thể giải thích bằng kiến thức khoa học thông thường. Trong lúc mọi khám phá về họ chưa có kết quả thỏa đáng, chúng ta vẫn nên tin và thừa nhận thành quả của họ”. Anh Nhiên còn khoe, anh với nhà ngoại cảm này đã trở nên thân thiết. Nếu chúng tôi cần bà ta giúp, anh sẽ nói bà ta ưu tiên, chứ hiện giờ, thân nhân liệt sĩ ở mấy tỉnh ngoài Bắc tìm đến bà ta nhiều không đếm xuể.
Máu quyết tâm tìm anh Khôi đã lắng dần trong chúng tôi nay lại nổi lên. Hai vợ chồng bàn bạc rồi quyết định chính thức nhờ anh Nhiên giới thiệu bà thầy nọ.
Hơn chục năm qua, chúng tôi đã nghe truyền miệng, đọc báo chí, xem truyền hình về việc các nhà ngoại cảm có tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi, tìm được những ngôi mộ thất lạc của người này người khác, toàn người thật, chuyện thật, hầu hết là các liệt sĩ và nhân vật nổi tiếng. Nhưng chúng tôi đồng thời cũng được nghe, đọc không ít dư luận và bài viết phủ nhận giới ngoại cảm, từ những vụ tìm hài cốt liệt sĩ thất bại hoặc tìm thấy nhưng mang thử AND không đúng, thậm chí còn bị lừa đảo.
Khoảng năm 2003, một đài truyền hình địa phương nhờ tôi viết kịch bản phim tài liệu phóng sự về nhà ngoại cảm Năm Y. Thành tích tìm được hàng trăm mộ liệt sĩ của bà này được thể hiện bằng mấy trăm trang tư liệu và hình ảnh mà đạo diễn đưa tôi nghiên cứu trước, kèm theo đủ thứ thư cảm ơn của thân nhân liệt sĩ và cả những chứng nhận, bằng khen của các cấp chính quyền, đoàn thể. Tôi nhận lời hợp tác ngay, vì cũng muốn nhân cơ hội nhờ bà Năm tìm hài cốt ông anh. Nhưng tôi bàn với đạo diễn, trước hết, để tôi trong vai người nhờ bà ấy tìm anh tôi. Rồi trước đám đông vài chục thân nhân từ nhiều nơi đang hướng về bà Năm chờ gọi hồn liệt sĩ trong cả cuộc chiến tranh chống Pháp lẫn chống Mỹ tại một ngôi nhà tôn nóng nực ngoại vi Thành phố Biên Hòa, bà Năm gọi được hồn của anh tôi về nhập vào bà. Bà đang nói giọng vùng quê Thái Bình đột ngột chuyển sang tiếng xứ Nghệ, đòi tôi đưa cho bà ống điếu thuốc lào và que đóm châm lửa, rồi bà hút sòng sọc, ngửa mặt nhả khói lên trần. Sau đó, bà nói những chuyện về gia đình tôi hồi ở ngoài Bắc, toàn chuyện không bao giờ có… Vụ hợp tác làm phim tất nhiên không thành. Sau này, bà Năm thanh minh với đạo diễn, do tôi không có niềm tin, nên anh Khôi đã cử người khác về quậy.
Tôi kể lại chuyện trên, không phải để phủ nhận vụ tìm hài cốt người thân bằng khả năng của các nhà ngoại cảm, mà chỉ để nói rằng hai vợ chồng tôi cùng trong tình trạng tỉnh táo khi quyết định nhờ anh Nhiên giới thiệu bà thầy nọ.
Chuyến bay hạ cánh lúc tám giờ ba mươi phút theo lời hẹn đón của bà thầy. Vợ chồng tôi đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất từ bảy giờ ba mươi phút, mặc dù nhà tôi năm đó đang ở Trương Quốc Dung, Phú Nhuận, vào sân bay chỉ mười phút đi xe hơi. Ở Việt Nam, ra đến sân bay, người có ý thụ hưởng phương tiện giao thông sang trọng này, nhìn bề ngoài là thấy sang ngay, còn với những người coi đi máy bay như đi chợ thì lại rất hồn nhiên với vẻ ngoài nhếch nhác, bình dân. Bà thầy nhà ngoại cảm thuộc kiểu người nào? Chúng tôi không biết, vì thế hai vợ chồng đã phân vân không ít khi chờ đón bà ta ở cửa dành cho hành khách rời sân bay.
“Tôi là Tư Bông. Tôi sẽ mặc áo ngoài màu jean nhạt, quần tây màu nâu bạc… Anh chị chuẩn bị sẵn trái cây như mình vẫn cúng đầu tháng, ngày rằm. Nhớ trước khi làm lễ phải cho tôi biết những nét chính về liệt sĩ Khôi, như tên tuổi, hòm thư, đơn vị, quê quán, nơi mất, ngày mất... cứ viết ra giấy cho chắc ăn”, đó là lời bà thầy Tư Bông nói qua điện thoại với vợ tôi.
Năm ấy, áo jean xanh nhạt mặc ngoài để chống nắng khi đi đường đang là thời trang phổ biến của các bà, các cô Sài Gòn, nên vợ chồng tôi hình dung người mình đón chắc hẳn có vóc dáng thành thị, còn một người mà ai nói đến cũng kính trọng gọi là “bà thầy”, chúng tôi đoán ít nhất cũng khoảng bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi. Đúng ra, rủ cậu Hùng cùng đi sẽ khỏi cần pha nhận diện rắc rối này. Nhưng do Hùng phải đi công tác nhiều ngày ở Bình Thuận, không về được, nên ra sân bay chỉ có vợ chồng tôi.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất đúng tám giờ ba mươi phút.
Vợ chồng tôi cùng rời hàng ghế dành cho khách ngồi chờ, len lách vào đám đông, ngóng về phía hai dãy cửa mở rộng của ga đến. “Kia rồi!” - một người phụ nữ khoảng bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi, áo ngoài “jean xanh nhạt”, quần tây nâu bạc, mặt trang điểm nhẹ toát lên vẻ sang ngầm, trông rất “thầy”. Vợ tôi vội lách qua hàng rào di động ngăn cách giữa người ra và người đón, đến đỡ chiếc va ly nhỏ trông khá sang trọng mà bà khách đang kéo theo:
- Xin lỗi! Bà là nhà ngoại cảm Tư Bông?
Bà khách thoáng ngơ ngác:
- Tôi không phải tên Bông.
Trong lúc vợ tôi tiếp cận người phụ nữ này, tôi cũng đón hai phụ nữ khác trong trang phục tương tự, nhưng đều “bé cái nhầm”.
Các chuyến bay hạ cánh lúc chín giờ ba mươi phút, rồi mười giờ, mười giờ ba mươi phút, tình hình cũng không khác. Khi buộc phải tính đến chuyện ra về, tôi sực nhớ ra:
- Mình có số điện thoại của bà ta, tại sao không gọi?
- Từ chuyến chín giờ ba mươi không thấy bà ta, em đã gọi anh Nhiên ngoài Thanh Hóa. Anh Nhiên nói: “Giao dịch với giới ngoại cảm, mọi kết quả chính xác đều nằm ở niềm tin, họ dặn thế nào, cứ thế mà theo. Nếu mình nghi ngờ, khi thất bại đều là lỗi tại mình”.
- Mình đang tin tuyệt đối nên mới đến sớm và chờ đến bây giờ. Theo anh, em cứ gọi điện thoại đại đi.
Vợ tôi nể chồng nhiều hơn là sợ mất niềm tin mà hỏng việc, nên miễn cưỡng lấy điện thoại ra bấm.
- A lô! Xin lỗi, có phải máy của bà Tư Bông?
- Chị là ai thế ạ?
- Tôi là Thanh, được bác Nhiên ở Thanh Hóa giới thiệu đón bà ở sân bay, nhờ bà giúp tìm mộ người anh chồng…
Giọng người đàn bà trong máy như trút được gánh nặng:
- Trời ơi! Em chờ chị suốt từ lúc xuống sân bay.
- Hiện bà đang ở đâu?
- Em đang đứng ở cột số mười một tại hàng hiên bên ngoài cửa lớn nhà ga.
- Rồi. Vợ chồng tôi sẽ ra đón bà ngay.
Vừa cúp máy, vợ tôi liền nói:
- Vậy mà suốt từ sáng, mình cứ chửi oan thằng VietJet.
Chúng tôi hấp tấp len lỏi trong dòng hành khách mới xuống từ chuyến bay trưa ra cửa nhà ga, đi dọc hàng hiên cũng chật ních những người đứng xếp hàng chờ xe đón. Từ cột thứ mười, ngoài khu vực dành cho khách chờ xe, mới vãn người. Chúng tôi nhìn quanh cả khu vực ấy cũng không thấy ai có vẻ là người mình chờ đón.
Vợ tôi dừng lại gần một phụ nữ độ chừng ba mươi lăm tuổi, gương mặt khô đanh, tóc thưa mỏng, nhuộm màu râu ngô, nước da dạn dày mưa nắng của người vất vả. Đúng quần tây nâu bạc rồi, nhưng chị ta mặc áo thun trắng mới tinh, trên ngực áo in lá cờ Mỹ và dòng chữ HELLO USA. Chị ta đang ngồi bệt ngay lề của lối đi, mải mê nói điện thoại. Tôi chau mày có ý chưa hiểu thì vợ tôi chỉ vào chiếc áo “Jean xanh nhạt” vắt trên tay kéo chiếc va ly nhựa nhỏ đặt ngay cạnh người phụ nữ. Nếu không nhầm, tôi đã chặn hỏi người này từ chuyến bay hạ cánh lúc tám giờ ba mươi phút. Chúng tôi cùng đến trước mặt người phụ nữ. Chị ta vẫn đang nói điện thoại bằng giọng miền Trung:
- Bây giờ công an phá vụ này nhiều lắm, em cứ cho địa chỉ, chị sẽ tự đến, chứ cho em biết chỗ chị, khác nào chỉ điểm cho công an… Em đừng nghĩ vậy. Chị nhận lời gặp em là chị tin em rồi, nhưng nghề của chị không phải ai cũng tin nên chị vẫn phải phòng xa.
Vợ tôi chờ người phụ nữ nói chuyện điện thoại xong, mới hỏi:
- Xin lỗi! Chị có phải Tư Bông!
Người phụ nữ giật mình, đứng phắt dậy, nhìn vợ tôi bằng ánh mắt đề phòng:
- Cô là…
- Tôi là Thanh…
Ánh mắt nghi ngờ của người phụ nữ dịu đi:
- Em… à… con chờ cô suốt từ tám rưỡi đến giờ. Số điện thoại của cô, con có ghi trong máy nhưng lại không ghi tên, nên không nhớ. Con gọi ra Thanh Hóa hỏi nhưng không ai bắt máy…
Tôi nói:
- Tôi có hỏi chị, lúc chị vừa ra khỏi cửa nhà ga…
Chị ta thoáng lặng đi, rồi nhìn kỹ mặt tôi:
- Con nhớ rồi. Lúc đó, con còn đang ngơ ngác, thì chú hỏi: “Chị là Hà Thị Bông?”. Mặt chú như công an… Con chỉ quen nghe mọi người gọi là Tư Bông hay Bông… Đã một lần có người vừa hỏi đủ họ tên, con thưa đúng, là bị bắt ngay, nên khi nghe chú hỏi, con phải chối.
Vợ chồng tôi cùng bật cười về sự thật thà của bà thầy, thực ra chỉ là cô thầy.
- Bây giờ chuyện cũ bỏ qua. Cũng muộn rồi, chúng tôi đưa chị về nhà, mọi thứ trái cây, hương nhang, chúng tôi đã chuẩn bị đủ, để chị làm lễ gọi hồn anh tôi, vì theo chị làm trước mười hai giờ vẫn được.
- Dạ! Con có nói vậy.
Vợ tôi nói:
- Làm lễ xong, chúng tôi sẽ mời chị đi ăn cơm.
- Con cảm ơn cô chú. Nhưng trước khi vào đây, con cũng nhận lời một cuộc gặp khác ở Củ Chi vào giờ này nên con phải đi ngay bây giờ. Còn việc của cô chú không may đã bị trễ, xin khất đến sáng mai, con sẽ đến tận nhà cô chú.
Đúng lúc đó, một người đàn ông nhỏ con, gương mặt ngăm ngăm sương gió, tuổi ngoài bốn chục, có vẻ là người chạy xe ôm, cưỡi chiếc xe gắn máy Yamaha sơn đỏ đời cũ, lượn tới, đậu xịch ở lề hè.
- Có người đến đón, con phải đi ngay bây giờ, cô chú thông cảm.
Chị ta nói nhanh rồi ngồi lên yên sau của chiếc xe gắn máy. Người đàn ông vừa rồ máy định cho xe chuyển bánh, thì chị ta nói: “Khoan đã”. Vẫn ngồi trên xe, chị ta nói với vào:
- Cô chú đã chuẩn bị những thông tin về liệt sĩ chưa. Nếu có thì đưa con, để sáng mai đến gọi hồn con không mất thì giờ tìm hiểu.
Tôi vội vàng lấy từ trong túi áo trước ngực một tờ giấy khổ A4 gập tư đưa cho chị ta. Trong đó có ghi những thông tin cơ bản của anh tôi: Họ, tên, ngày sinh, quê quán, chức vụ, đơn vị… như một bản lý lịch trích ngang, kèm theo một bản photocopy giấy báo tử của Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Vĩnh Phú.
Nhìn theo bóng Tư Bông ngồi sau xe gắn máy khuất dần vào lối rẽ đầy xe cộ theo hướng ra khỏi sân bay, vợ chồng tôi cùng thoáng mừng, vì cuối cùng cánh cửa tìm hài cốt ông anh thất lạc sau bốn mươi năm cũng được mở ra, nhưng cùng lúc cũng thấy hụt hẫng khi cuộc gặp gỡ rõ ràng là không trọn vẹn.
Ngồi trên taxi ra về, trạng thái hụt hẫng khiến chúng tôi không ai nói với ai lời nào.
Lúc rời xe vào nhà, vợ tôi mới như xả bức xúc:
- Em thấy cô thầy này có vẻ dân hàng chợ quá?
Tôi nói toạc:
- Anh cũng thấy không thiện cảm. Về nhân tướng học, cô ta có dáng tiểu nhân, không trung thực, không đàng hoàng.
Tôi ngừng một chút rồi nắn lại:
- Mình với nhau thì nói vậy, chứ cũng có thể do anh với em cùng sống quá lâu trong nền giáo dục và tư tưởng vô thần, nên chưa quen, chưa nhìn nhận đúng về những người thuộc thế giới tâm linh. Sáng mai, cô ta đến làm lễ gọi hồn, mọi chuyện sẽ rõ ra…
Vợ tôi vẫn chưa an tâm:
- Mình có nhiều bạn thông hiểu về kinh dịch, tử vi, thuyết âm dương ngũ hành… Sáng mai, nên mời tất cả đến kiểm chứng.
Tôi bảo:
- Không cần. Thứ nhất, đây là chuyện riêng nhà mình, cho nhiều người biết, dễ mang tiếng nhà văn, nhà báo mà mê tín dị đoan. Thứ hai, nếu cô thầy này biết người lạ có mặt là các thầy tử vi lại bảo mình không tin, chuyện không thành, cô ta sẽ đổ lỗi tại mình.
Đến bữa cơm trưa, vợ chồng tôi dù rất sốt ruột, nhưng cũng cùng né tránh, không bàn đến cô thầy nọ. Miếng ăn từ nhai đến nuốt của hai vợ chồng cùng miễn cưỡng, lòng dạ chẳng ra băn khoăn, cũng chẳng ra hy vọng…
Điện thoại di động của vợ tôi bỗng reo bản nhạc Tình đất đỏ miền Đông của Trần Long Ẩn. Vợ tôi vội buông bát đũa, cầm điện thoại:
- A lô!
- Con là Tư Bông đây cô.
- Ồ! Xin chào!
Vợ tôi đưa mắt cho tôi và mở loa ngoài điện thoại:
- Chị đang ở đâu?
- Con đang ở Củ Chi. Nhân gọi hồn liệt sĩ cho gia đình ở đây, con cũng gọi luôn hồn bác Khôi. Bác ấy về nói hy sinh ngày mười hai tháng Ba năm 1970, ở Huế.
Vợ tôi ngạc nhiên:
- Bản photocopy giấy báo tử chúng tôi đưa cho chị ghi rõ hy sinh ở mặt trận miền Đông Nam Bộ mà.
Giọng Tư Bông rất thản nhiên:
- Giấy báo tử bây giờ ghi sai nhiều lắm.
Tôi nói với Tư Bông:
- Ngay bây giờ, chúng tôi chạy lên Củ Chi để nghe chị nói rõ về sự khác nhau này.
- Con không nói mà hồn nói. Giờ cô chú không tin, con cũng không thể nói khác hồn.
Vợ tôi đành dịu giọng với Tư Bông:
- Thôi. Ngày mai đến nhà chúng tôi làm lễ gọi hồn, nhờ chị hỏi kỹ lại anh Khôi chuyện này.
Tư Bông đáp:
- Vì đã gặp được bác Khôi nên ngày mai con không cần thiết phải đến nhà cô chú. Cô chú chịu khó chờ một hoặc hai tuần. Bác Khôi ở cõi âm là người có chức sắc lớn, nên bận họp hành đối phó nhiều chuyện, khi nào rảnh bác ấy báo con, con sẽ hẹn cô chú ra Huế.
Vợ tôi nói:
- Nhưng đồ lễ, chúng tôi đã chuẩn bị và cũng nhang khói từ hôm qua rồi.
- Ấy, con quên. Đồ lễ cô chú cứ để nguyên trên bàn thờ, hằng ngày nhớ thắp nhang hai lần vào sáng sớm và buổi tối, cho đến khi con hẹn ra Huế. Con chào cô chú.
Vợ chồng tôi cùng chưng hửng. Hai sự chưng hửng rất khác nhau, vì việc tìm hài cốt anh tôi, từ lâu hai vợ chồng đã có ít nhiều suy nghĩ khác biệt. Vợ tôi quen nhìn nhận những chuyện tình cảm bằng cảm xúc. Dù anh Khôi là anh chồng và chỉ được biết qua tấm hình đen trắng cũ chụp lúc anh mười lăm tuổi, nhưng kể từ khi lấy tôi, vợ tôi luôn có cảm giác thôi thúc rằng phải tìm bằng được mộ của anh Khôi. Có thể đó là tâm lý thường tình của phụ nữ. Cũng có thể vợ tôi từng ở chiến trường những năm khốc liệt nhất của chiến tranh nên quen coi anh tôi như một đồng đội. Cũng có thể vì nghĩ rằng việc để hài cốt, vong hồn một người thân trong cảnh không nơi cư ngụ là điều không phải đạo nên vợ tôi ăn không ngon, ngủ không yên… Còn tôi, không phải không thương anh mình, nhưng trước sau tôi vẫn quen nhìn sự việc theo lý trí. Việc Tư Bông khẳng định hài cốt anh tôi hiện ở Huế, sai lạc trăm phần trăm với giấy báo tử, khiến tôi có ngay nhận định có thể mình đang gặp một nhà ngoại cảm đáng ngờ. Nhưng nếu nói ngay điều này với vợ, người đang rất quyết tâm theo đuổi cuộc kiếm tìm, thì rất dễ “đụng chạm”, nên trưa hôm đó dù mất ngủ, tôi cũng không nói gì. Hiểu tính tôi, mỗi khi đột nhiên không bàn bạc gì là biết tôi có mâu thuẫn trong lòng, vì thế vợ tôi cũng làm thinh suốt buổi trưa.
Đầu giờ chiều, trước khi đến nơi làm việc ở tòa soạn báo Phụ nữ Thành phố, vợ tôi mới hỏi:
- Anh có định ra Huế sau khi Tư Bông báo không?
Tôi hỏi:
- Ý em thế nào?
Vợ tôi im giây lát, rồi mới dè dặt:
- Thực tế cũng có không ít trường hợp giấy báo tử sai. Nên theo em, đã trót theo, ta cứ theo đến cùng, để chuyện thành hay không cũng rõ ra, còn hơn cứ bán tín bán nghi rồi nuôi mãi áy náy trong lòng.
Tôi nói:
- Nếu thế, anh quyết định quên cô thầy ngoại cảm dỏm này đi, không cần bán tín bán nghi gì.
- Anh thấy cô ta quá trẻ chứ gì?
- Việc một người ở độ tuổi như cô ta thông hiểu thế giới tâm linh không khiến anh băn khoăn lắm. Cái chính là thần thái, hành xử của cô ta thuộc kiểu gần chợ, xa trường... Em có để ý đôi mắt cô ta khi nói chuyện không bao giờ dám nhìn thẳng vào người đang tiếp xúc, trông rất lén lút, không đàng hoàng…
- Vậy anh giải thích thế nào việc ở Nam Định, Thanh Hóa, Hòa Bình cô ta tìm trúng mộ cho hàng trăm người, không có ai nghi ngờ, thậm chí, còn tin cô ta như thánh sống.
Thấy tôi ngồi im, vợ tôi nói thêm:
- Không chỉ những người chất phác, ít học tin cô ấy mà có cả lãnh đạo chính quyền, trí thức cao cấp… Anh Nhiên con bác Lãng đâu phải là người dễ bị qua mặt… Theo em, thế giới tâm linh có những đặc điểm đặc thù, mình muốn hiểu nó thì phải chấp nhận thay đổi những tư duy cũ.
Tôi đuối lý, đương nhiên vợ tôi chưa chắc đã đúng, nhưng vẫn có lý của cô ấy. Nếu đúng anh Khôi hy sinh ở Huế thì cách tốt nhất là cứ phải ra đó kiểm tra. Tôi lục tung bộ nhớ tìm cho ra những người quen đang ở Huế. Nếu phải ra Huế theo Tư Bông thì có “thổ công” hỗ trợ vẫn hơn bắt đầu ở nơi lạ nước, lạ cái. Mấy chục năm trong nghề viết văn, viết báo, làm phim đã đưa tôi đi khắp ngóc ngách các huyện tỉnh miền Nam, kể cả cao nguyên đến hải đảo, nhưng một nơi rất cần đến và rất muốn đến là Huế lại chưa bao giờ đặt chân đến…
Và tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Quang Hà. Hà trạc tuổi tôi, là lính bộ binh, hồi chiến tranh tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Trung, rồi trở thành nhà văn khá nổi tiếng với các tiểu thuyết về cuộc chiến mà anh từng trải. Chúng tôi biết và quý nhau qua văn, nhưng thân nhau do hồi năm 1982 có ba tháng cùng tham gia trại viết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Vũng Tàu. Đây là trại viết đã đẻ ra hàng loạt các tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập thơ, trường ca đầu tiên sau chiến tranh, gắn với các tên tuổi: Nhật Tuấn, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Mạnh Hảo, Đào Hiếu, Lý Lan ở Sài Gòn; Hoàng Minh Tường ở Hà Nội; Nguyễn Quang Thân, Chu Văn Mười ở Hải Phòng; Dạ Ngân ở Hậu Giang… Từ Huế vào, có Nguyễn Quang Hà, Trần Thùy Mai… Tác phẩm nào cũng có người thích thì khen, kẻ không thích thì chê... Giá trị của mỗi tác phẩm hãy để cho thời gian thẩm định, còn người tứ xứ chúng tôi cùng lao động tử tế thì ở lâu cũng thành thân quý.
Tôi quyết định gọi điện thoại cho Nguyễn Quang Hà, hiện đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế. Hà nhấc máy ngay:
- Hình như Tuấn hả?
- Nhớ nhanh thế?
- Nhờ trời, sức khỏe thì già nhưng trí nhớ vẫn tốt. Hồi ở Vũng Tàu, ông hứa thế nào cũng ra Huế chơi, vậy mà mất tăm mất tích… Có chuyện gì mà đột nhiên ông nhớ đến tôi thế?
- Xin lỗi vì bạn bè mà lúc cần nhờ vả mới nhớ đến nhau. Tôi đang có chuyện hệ trọng rất cần ông giúp.
- Nói đi.
- Ông anh ruột tôi là bộ đội vào chiến trường năm 1967, giấy báo tử ghi “Hy sinh ở mặt trận miền Đông Nam Bộ”, nhưng hài cốt thất lạc. Vừa rồi, tôi nhờ một nhà ngoại cảm tìm giùm, bà ta lại nói anh tôi mất ở Huế…
- Khoan đã…
Dường như chuyện liên quan đến chiến tranh và đồng đội đụng chạm vào điểm nhạy cảm nên giọng của Hà hơi khan đi:
- Giấy báo tử có ghi số hòm thư, chức vụ, tên đơn vị anh của ông không?
Tôi vội mở ngăn kéo, lục tung, cuối cùng tìm được tờ giấy báo tử, rồi nói với Hà:
- Giấy báo tử chỉ ghi: Họ tên, năm sinh, nguyên quán, cấp bậc hạ sĩ, chức vụ chiến sĩ, thuộc MTP, ngày hy sinh, tại mặt trận miền Đông Nam Bộ, đã mai táng tại nghĩa trang mặt trận.
Hà thở hắt:
- “Nghĩa trang mặt trận” thì bố đứa nào biết ở đâu… Trước khi anh của ông đi B, ông có biết đơn vị anh ấy đóng ở đâu không?
- Tôi có đến thăm anh ấy ở Mai Siu, Hà Bắc, tiễn anh ấy vào Nam năm 1967.
Hà reo lên:
- Trời! Thế thì cùng sư đoàn với tôi. Tôi cũng vào Nam năm 1967... Đây là sư đoàn đặc công huấn luyện đặc biệt cho riêng miền Nam. Năm ấy, tôi làm trợ lý ở sư đoàn bộ, quen biết nhiều lính ở các đơn vị trực thuộc, để tôi suy nghĩ lại xem có biết ai tên Khôi không, vì đã bốn chục năm rồi.
Dù thông tin chưa đủ thì cả tấn ưu tư trong lòng tôi cũng đã nhẹ bẫng đi:
- Anh Khôi và ông cùng ở Mai Siu, Hà Bắc, mà ông lại ở chiến trường Huế thì khả năng anh Khôi ở Huế như nhà ngoại cảm nói là có cơ sở?
- Khoan đã. Cùng sư đoàn Mai Siu vào Nam, F1, E2, D3 ở Huế lúc trước có năm thằng, lần lượt chết mất ba vì bệnh, giờ còn hai, là thằng Nguyễn Quốc Toản và thằng Vũ Hoài Sơn. Nếu ông Khôi ở Huế là cùng tiểu đoàn với hai thằng này, chắc chắn chúng nó nhớ.
- Trời ơi! Trời phù hộ đã khiến tôi gặp ông.
- Bây giờ tôi sẽ liên hệ ngay. Nếu được, chắc chiều chúng nó sẽ gọi điện cho ông.
Tôi mừng rỡ:
- Vô cùng cảm ơn ông.
- Ơn huệ gì… Đồng đội là máu thịt… Không biết thì thôi, biết mà không giúp thì không đáng là con nhà lính.
Ngắt chuyện với Nguyễn Quang Hà, tôi lao lên bàn thờ trên lầu, thắp nhang cho anh Khôi và cảm ơn trời đất phù hộ, theo đúng lời dặn của Tư Bông. Thắp nhang xong, tôi mới gọi điện cho vợ, phấn chấn kể lại cuộc nói chuyện với Nguyễn Quang Hà, rồi nói thêm:
- Có thể mình đã nghi nhầm và nhìn sai về Tư Bông.
Vợ tôi nói:
- Em đã bảo mà, nhìn nhận về những người thuộc thế giới tâm linh thì có khi mọi giá trị thông thường đều bị đảo ngược, nên mình phải thay đổi tư duy khi đánh giá về họ.
Cuối buổi chiều, Nguyễn Quốc Toản, bạn của Nguyễn Quang Hà gọi điện thoại cho tôi từ Huế, giọng vừa thân mật, vừa suồng sã, rất đậm chất lính:
- Tôi là Toản. Toản Sếu. Vừa đổi ca về thì thằng Hà bảo tôi gọi điện ngay cho ông.
- Ồ! Rất vui được làm quen với ông.
- Thôi, đừng khách sáo con cáo. Ông gặp tôi là đúng chỗ tìm anh ông rồi… Ông là em ruột thằng Khôi hả? Nguyễn Lê Khôi, cùng tiểu đoàn nhưng khác đại đội, dân Hưng Yên… Tôi và nó thân thiết như anh em từ ngày cùng nhập ngũ.
Sợ Toản mất hứng, tôi dè dặt đính chính:
- Anh tôi là Nguyễn Minh Khôi, dân Hà Nội.
Giọng Toản không bớt đi chút nào nhiệt tình:
- À, thế thì Khôi khác. Tiểu đoàn tôi có hai Khôi. Khôi Hà Nội ở đại đội Năm, Nguyễn Huy Khôi, nhưng điều này không quan trọng, vì có khi tôi nhớ nhầm, cũng có khi do lúc vào Nam, phần lớn lính mình đều thay đổi họ tên, địa chỉ, quê quán, để giấu địch vụ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Thằng Nguyễn Quang Hà khi vào Nam đổi tên là Lê Hà Nam, còn tôi là Nguyễn Hải Đoàn, sau giải phóng mới lấy lại tên cũ Nguyễn Quốc Toản.
Tôi vẫn thận trọng:
- Ông có cách nào kiểm tra lại cái tên Huy Khôi không?
- Để tối nay thằng Sơn từ Hà Nội vào, tôi sẽ hỏi nó. Nhưng chín mươi phần trăm Huy Khôi là Minh Khôi, anh ông rồi. Một triệu thằng lính có thể có tới mười, hai mươi thằng tên Khôi. Một triệu dân Hà Nội cũng có thể có chục người tên Khôi, nhưng cùng Hà Nội, cùng đi lính, cùng xuất phát từ Mai Siu, cùng đi B vào Nam thì có hai thằng trùng tên lại là nhiều. Ông tin tôi đi. Vấn đề còn lại là ông nên ra Huế trước mùa mưa, để bọn tôi giúp ông tìm hài cốt anh ông.
Tôi muốn trăm phần trăm, trong khi Toản lạc quan hết cỡ cũng chỉ chín mươi phần trăm, chưa thể tạo ra niềm tin hoàn hảo trong quyết định ra Huế, nhưng sự nhiệt huyết và tận tâm hết mực của Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Quốc Toản khiến tôi chỉ muốn bay ra Huế tức thì để gặp và ôm lấy họ.
Vợ chồng tôi xuống sân bay Phú Bài lúc giữa trưa. Sân bay nhỏ, các chuyến bay không nhiều, nên nhà ga thanh vắng, vài trăm hành khách cùng chuyến với chúng tôi, người ba lô, kẻ xách cặp hoặc kéo va ly đủ loại, từ máy bay ra cửa nhà ga cũng không làm sân bay sầm uất hơn. Chúng tôi ra Huế trước ngày hẹn với Tư Bông ba ngày, với mục đích gặp Nguyễn Quang Hà, Toản và Sơn trước, vừa dành thời gian làm quen với địa hình, địa vật ở đây, rồi đúng hẹn mới tiếp xúc với Tư Bông. Sau khi không còn gì lấn cấn, sẽ gọi điện báo cho chị cả Nguyễn Thị Minh Tâm, vợ chồng Nguyễn Thế Vinh, em ruột tôi, từ Hà Nội vào, rồi kêu thêm Nguyễn Tuấn Phúc, con trai tôi, đích tôn của dòng họ Nguyễn Hữu, từ Sài Gòn ra… Việc tìm và đưa hài cốt anh tôi sau hơn bốn chục năm thất lạc về quê Minh Trí, Kim Anh, Phúc Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội) phải có đầy đủ các gương mặt trọng yếu của gia đình.
Thấy chúng tôi ra đến cửa nhà ga, mấy người lái taxi đang chờ khách vội bước lại đón đầu.
- Ông bà về đâu?
- Cô chú đi du lịch phải không?
Vợ tôi chọn người lái xe khoảng sáu mươi tuổi, để ria con kiến, vẻ lanh lẹ, cởi mở. Kinh nghiệm của tôi là khi đến một nơi xa lạ, những người lớn tuổi thường có độ tin cậy cao hơn. Khi xe chuyển bánh về hướng nội thành, vợ tôi nói:
- Chúng tôi ra Huế có công chuyện mấy ngày. Bác có thể giới thiệu cho chúng tôi một khách sạn tốt loại trung bình, ở trung tâm để tiện đi lại.
Người lái xe vui vẻ:
- Ông bà an tâm. Tôi lái xe ở sân bay hơn ba chục năm, chỉ nhìn khách cũng biết ở khách sạn nào hợp rồi.
Tôi cười:
- Chúng tôi đang tính ở khách sạn năm sao đấy.
Người lái xe cười theo:
- Tôi sẽ đưa ông bà đến đúng khách sạn năm sao.
Đường từ sân bay về nội thành, chúng tôi lần đầu tiên được ngắm Huế qua ô kính cửa xe. Vùng đất mới đương nhiên gây cho chúng tôi những xúc động bồi hồi. Một Huế cũ kỹ, dường như ít thay đổi, hay nói chính xác hơn, có thể thấy sự thay đổi không đến mức khiến cái mới và cái cũ xung đột nhau như nhiều thành phố khác. Sự bình lặng của Huế cho tôi cảm giác an tâm, vì Huế không sầm uất như Sài Gòn, cũng không chen chúc như Hà Nội, không khiến người ở lâu cũng như người mới tới cứ luôn phải cố gắng động não để thích nghi.
Vào đến trung tâm, rẽ vào một phố nhỏ, mật độ dân cư bắt đầu đông hơn, có cả bóng người nước ngoài, và xe cộ trên đường cũng nhiều hơn. Con phố có vẻ như là phố Tây ba lô, như Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn hay Bát Đàn ở Hà Nội, vẻ sang trọng được điểm tô nhờ các khách sạn nhỏ, nhà trọ mới xây, thu hút được nhiều khách thập phương.
Chiếc taxi dừng lại trước khách sạn năm tầng mới xây, kính cường lực mười hai ly phía mặt tiền chiếm tỷ lệ hơi nhiều, nhưng cấu trúc tân cổ giao duyên hài hòa về màu sắc đường nét vừa đủ hợp với sự sang ngầm ở dãy phố. Dưới tên khách sạn bằng chữ nhựa nổi, ghép đèn màu là ba ngôi sao mạ vàng bóng sáng dưới nắng hè.
Người lái taxi:
- Hy vọng tôi không chọn nhầm chỗ cho ông bà.
Tôi nói đùa lại:
- Bác đánh giá chúng tôi quá cao. Lẽ ra chúng tôi chỉ ở loại nửa sao thôi.
Một nam tiếp tân, khoảng ngoài hai mươi, mặc đồng phục của khách sạn, vừa thấy xe dừng ở trước cửa đã tươi cười ra mở cửa định đỡ hành lý của chúng tôi nhưng người lái xe đã nhanh nhảu làm việc đó trước.
Lúc trả tiền xe và chia tay, vợ tôi nói:
- Những ngày ở đây, chúng tôi chắc chắn sẽ còn nhờ bác.
Người taxi bất ngờ đứng nghiêm, vui vẻ đưa bàn tay lên trán chào kiểu quân sự: “Sẵn sàng phục vụ quý khách!”, rồi bác ta đưa tôi tấm danh thiếp có tên Lê Văn Quý, kèm số điện thoại, địa chỉ.
Cậu nhân viên tiếp tân ở khách sạn giải thích:
- Ngày xưa, bác ấy là lính đấy.
Nhận phòng xong, chúng tôi vội cất hành lý, cởi nới áo quần cho thoáng, nghĩ lại chặng đường dài từ lúc xuất phát đến giờ, hai vợ chồng thở phào vì rốt cuộc cũng được nghỉ ngơi thật sự. Lúc nghĩ đến người taxi tên Quý, chúng tôi mới sực nhớ cậu nhân viên khách sạn nói bác ta là lính, nhưng không biết lính Việt Cộng hay Việt Nam Cộng hòa.
Rồi tôi gọi điện cho Nguyễn Quang Hà, báo chúng tôi đã ra Huế để anh thu xếp cho chúng tôi gặp Nguyễn Quốc Toản và Vũ Hoài Sơn. Hai người đồng chí “chín mươi phần trăm” ở cùng trung đoàn với anh Khôi.