T
háng Mười năm 2009.
Vợ chồng tôi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi Hà Nam cùng với chị ruột tôi - Nguyễn Thị Minh Tâm, sinh năm 1936, giảng viên khoa Địa lý trường Đại học Nông nghiệp 2, hiện đã nghỉ hưu. Đích đến của chúng tôi là nhà thầy ngoại cảm Nguyễn Văn Lư. Chúng tôi tìm đến thầy Lư qua sự giới thiệu và kết nối của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về tiềm năng bí ẩn của con người. Chuyến đi này xuất phát từ một sự cố bất thành thô thiển trong vụ nhờ tìm hài cốt anh tôi với một nhà ngoại cảm khác, khiến tôi nghĩ sẵn tiện thì đi thêm một lần nữa để xem thực chất của việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm là gì? Phải chăng cũng chỉ là một loại trò ảo thuật? Thế nên, mục đích tìm được hài cốt anh tôi trong chuyến đi chỉ chiếm mười phần trăm hy vọng.
Chiếc taxi màu xanh của hãng Mai Linh chở chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lúc bảy giờ. Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ từ Hà Nội về hướng Nam Định rộng rãi, thông thoáng, nhưng do tắc nghẽn ở đoạn nội thành, nên hơn mười giờ chúng tôi mới đến đường bê tông rẽ phải vào thôn Đồng Mật, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, Hà Nam, cách Hà Nội không xa.
Từ đường trục bê tông xuyên xã, rẽ trái vào một đường đất dọc bờ tre, đi khoảng hơn trăm mét thì đến nhà thầy Lư. Trước cổng nhà là khoảng đất rộng, có gần chục chiếc xe hơi biển số Hà Nội và các tỉnh đậu nối đuôi nhau. Bên trong là bãi giữ xe gắn máy và mấy cụm bàn ghế cóc nép dưới bóng dãy cây xoan do bà con trong làng bày ra cho khách hoặc cánh lái xe nghỉ chân, uống nước, hút thuốc. Trước cổng có mấy bác xe ôm ngồi trên xe tán gẫu, chờ đón khách. Không khí làng quê ở chốn hội tụ nho nhỏ này khá yên ả. Chẳng ai tỏ ra ngạc nhiên khi thấy có thêm đám khách lạ là chúng tôi.
Gia đình thầy Lư ở ngôi nhà ngói lớn, khá khang trang, có lẽ chỉ mới xây hoặc sửa vài năm gần đây. Trước nhà là sân gạch rộng trải suốt từ cổng dọc theo một hàng cây vào thẳng dãy nhà ngang cũ kỹ, có lẽ trước là nhà ở chính, nay dùng làm nhà phụ. Trời đang cuối thu, cái nắng về trưa hơi lóa mắt nhưng vẫn còn dễ chịu. Khác hẳn không khí rộn rịp ngoài cổng, trong sân vắng vẻ, không một bóng người. Một phụ nữ đứng tuổi, dáng vẻ chân quê, không rõ là khách hay người nhà, từ trong dãy nhà phụ bước ra. Chỉ nhìn là biết chúng tôi khách đường xa, người phụ nữ nhanh nhảu khoát tay về phía gian nhà mới:
- Mọi người lên hết trên điện rồi.
Vợ tôi hỏi:
- Có đông không chị?
Người phụ nữ trả lời:
- Ngày nào cũng chật điện.
Tôi bắt đầu lo ngại việc mình đến trễ có thể khiến việc hôm nay không thành. Khi giới thiệu chúng tôi đến đây, Tiến sĩ Bùi Tiến Quý có nói: “Tôi đã gọi điện cho cậu Lư để lưu ý về trường hợp của anh, nhưng anh vẫn cứ phải đến sớm, vì cậu ấy rất đông khách. Nhiều khi hôm nay đăng ký nhưng mấy ngày sau mới đến lượt”.
Chúng tôi chỉ còn đúng một ngày ở Hà Nội. Vé khứ hồi chuyến bay vào Sài Gòn lúc bảy giờ sáng ngày mai đã đặt rồi. Nếu trong hôm nay vụ gọi hồn từ thầy Lư không thành, chắc chắn chúng tôi sẽ không ra thêm lần nữa. Không phải chúng tôi không có thì giờ hay sợ tốn kém mà là việc tìm đến ông thầy ngoại cảm này không phải mục đích chính của chuyến ra Hà Nội.
Thầy Lư chỉ là một thanh niên khoảng hai mươi chín, ba mươi tuổi, mặc áo sơ mi trắng dài tay, quần ka ki màu ghi cũ, vóc người cao, thô, nhanh nhẹn, mặt vuông, lông mày đậm, trừ đôi mắt sáng có phần sắc sảo thì còn lại là thần thái của người chân phương, chất phác.
Lúc chúng tôi đến, ông thầy trẻ đã ngồi trước bàn thờ trong gian thờ thông thoáng, miệng lẩm nhẩm những lời cầu khấn. Bàn thờ thấp, rộng, bằng gỗ mộc, không chạm trổ cầu kỳ như thường thấy ở những đền chùa, nơi thờ phụng truyền thống. Tượng Phật Bà Quan Âm được đặt ở giữa, phía trước đặt khay trái cây lớn, xung quanh là các ngọn nến điện và nến sáp. Bát nhang trên bàn thờ không thắp nhiều nhang, đèn sáng vừa đủ, gian thờ khá chật, nhưng cũng đủ để gần trăm người ngồi chen chúc trên sàn gạch men không thấy ngột ngạt hay cảm thấy không khí quá âm u, huyền bí.
Người ở đây đến từ tứ xứ, tất cả đều tìm đến nhờ cậy ông thầy cầu hồn, tìm mộ người thân là liệt sĩ, những người hy sinh trong hoạt động chống Pháp hay chống Mỹ, hài cốt thất lạc từ lâu. Hầu hết họ đều mang vẻ chân thành, giản dị…
Có ba người đang ngồi đối diện với thầy Lư, gồm hai phụ nữ, một người khoảng ngoài bảy mươi tuổi, người kia cỡ bốn mươi tuổi và một người đàn ông có vẻ là chồng người phụ nữ trẻ. Trong khi hai phụ nữ mang nét mặt thành kính, đôi mắt rưng rưng, vẻ vừa nơm nớp vừa hy vọng, miệng liên tục lẩm bẩm: “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…”, thì người đàn ông lại ra vẻ lạnh lùng, miễn cưỡng, mắt nhìn thầy Lư đầy ý săm soi. Không khí trong điện trầm mặc, căng thẳng, thời gian như ngừng trôi. Nhiều gương mặt thành tâm đến gần như mê muội.
Chị Tâm, người đã vài lần cùng bạn đến số 1 Đông Tác - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người để dự những buổi cầu hồn, tỏ ra hiểu biết, khẽ khọt vào tai tôi:
- Ông thầy đang gọi hồn cho người thân của ba người kia.
Cuộc gọi hồn không có vẻ gì là sớm kết thúc, ấy là mới chỉ một gia đình, trong khi người chờ có đến hàng trăm… Trong bầu không khí linh thiêng, trước thánh thần, người với người đều bình đẳng, bất cứ sự vụ lợi nào cũng là thiếu tự trọng, nhưng nghĩ đến việc ngày mai phải bay sớm vào Sài Gòn, không còn có cơ hội trở ra, tôi đẩy sự sốt ruột sang vợ bằng cái bấm tay ngầm. Vợ tôi hiểu ý, xích đến bên người phụ nữ đứng tuổi ngồi cạnh thầy Lư, có vẻ là người phụ lễ, thì thầm:
- Xin lỗi. Nhờ chị nói với thầy, chúng tôi được ông Bùi Tiến Quý giới thiệu…
Người phụ nữ không cần nghe hết câu, đã nói nhỏ:
- Thầy đã hẹn với hồn rồi.
Tôi thở phào. Vậy là chúng tôi không đến nỗi phải chờ đến mai.
Đúng lúc đó, thầy Lư mở mắt, nói với ba người ngồi trước mặt:
- Hồn liệt sĩ Trần Văn Đăng đã về nhưng đang giận, nên nhất định không gặp các người.
Người phụ nữ lớn tuổi tái mặt:
- Thưa thầy, vì sao ạ?
Thầy Lư đáp:
- Tôi đã dặn, trước khi đi phải thắp nhang trên bàn thờ, sao bà không làm?
- Thưa… thưa thầy, vì… mấy năm nay, tôi ở Thanh Hóa với con gái và con rể để trông cháu ngoại, trong khi bàn thờ chồng nằm ở nhà tôi, tận Tuyên Quang. Tôi tuổi cao lại bệnh yếu, không về được, nên có nhờ cậu em ở trên đó thắp nhang giúp…
Nói đến đó, người phụ nữ đầm đìa nước mắt:
- Mình ơi! Mình tha lỗi cho tôi… Con nó có nói đưa tôi về Tuyên Quang thắp nhang cho mình như thầy dặn, nhưng sợ cháu ở nhà không ai trông, lại cũng sợ tốn tiền của con…
Người con gái gắt:
- Chuyện đã rồi, u đừng khóc nữa!
Rồi chị quay sang hỏi thầy Lư:
- Thưa thầy, có cách nào cho u tôi và tôi gặp lại được thầy tôi không?
Người đàn ông, rõ ra là chồng người phụ nữ trẻ, lúc này mới cung kính với thầy Lư:
- Thưa! Tất cả đều lỗi tại tôi… Thú thật với thầy, do chỉ miễn cưỡng chiều vợ và mẹ vợ, nên từ nhà ở Thanh Hóa ra đây, tôi đã không nhiệt tình. Giờ thấy thầy chỉ ngồi đây mà biết mẹ vợ tôi không thắp nhang ở bàn thờ trên Tuyên Quang, tôi biết mình sai. Tôi xin lỗi thầy… và xin thầy có cách nào giúp mẹ và vợ tôi gặp hồn, rồi giúp tìm được hài cốt thầy tôi, chúng tôi xin đội ơn thầy suốt đời.
Thầy Lư nói:
- Muốn gặp lại hồn, bà vẫn phải thắp nhang trên bàn thờ và vẫn gặp tại đây. Còn chuyện hài cốt thì rằm tháng tới, khi nào liệt sĩ về nói địa điểm, tôi sẽ gọi điện báo cho bà, không cần phải đến đây nữa.
Vợ chồng tôi đưa mắt nhìn nhau. Chiều tối hôm qua, suýt nữa chúng tôi đã không thực hiện theo lời Tiến sĩ Bùi Tiến Quý. Trước đó, ông gọi điện báo thầy Lư đồng ý tiếp chúng tôi và dặn thêm như tiện miệng: “Trước khi đi, nhớ thắp nhang trên bàn thờ gia tộc”. Nguyên nhà cũ của gia đình tôi ở trên khu An Dương, bên ngoài đê Yên Phụ, nơi đặt bàn thờ gia tộc, hiện do cô em gái và gia đình một cậu em ở, trong khi mỗi lần ra Hà Nội, chúng tôi thường ở khách sạn số 1 Lê Thạch, cạnh vườn hoa Chí Linh, gần Hồ Hoàn Kiếm. Suốt từ chiều đến tối hôm trước, do mải gặp gỡ bạn bè, lúc nhớ ra vụ thắp nhang ở bàn thờ để hôm sau đi Hà Nam, thì trời đã muộn. Nghĩ đến phải đi từ Hồ Hoàn Kiếm lên tận khu An Dương khoảng bốn, năm cây số, đường phố quanh co đông chật, tôi bảo vợ: “Ông Quý chỉ nói để quan trọng hóa vụ gặp nhà ngoại cảm, chứ hai bên chưa gặp nhau, mình có thắp nhang ở Hà Nội hay không cũng chẳng dính líu gì tới vụ gọi hồn tận Hà Nam, giờ phải nghỉ ngơi lấy sức, sáng mai còn dậy sớm để đi...”. Vợ tôi thoạt đầu đồng tình, nhưng sau áy náy: “Theo em, chuyện tâm linh, nhiều người nói không dính thì thôi, chứ đã dính vào mà coi thường có khi bị quả báo...”. Lúc đó khoảng hơn mười giờ tối, dù đã lên giường chuẩn bị ngủ, chúng tôi lại ngồi dậy thay đồ, gọi xuống phòng trực, nhờ nhân viên khách sạn gọi giúp chiếc taxi...
- Ông Khôi… Liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi…
Người phụ nữ phụ lễ vừa nhìn quanh, vừa nhắc lại:
- Liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi…
Vài người trong phòng thấy không ai đáp lại, liền xướng theo:
- Nguyễn Minh Khôi!
- Người nhà liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi đến chưa?
Trong gian điện thờ yên tĩnh, đầy không khí tín ngưỡng, sao vợ chồng tôi và chị Tâm phải nghe nhắc tên Nguyễn Minh Khôi mấy lần, mới cùng giật nảy mình? Rất có thể vì lúc đó chúng tôi quá chăm chú vào việc ông thầy tiếp xúc với hồn liệt sĩ Trần Văn Đăng, chồng của người phụ nữ ở Tuyên Quang. Nhưng cũng có thể dù đã cố giữ tỉnh táo, chúng tôi vẫn đang bị một ảnh hưởng vô hình lôi kéo vào một cõi khác tự lúc nào…
- Thưa! Tôi là em ông Khôi.
Tôi cùng vợ và chị Tâm đến ngồi trước thầy Lư.
Ông thầy tay lần tràng hạt, đôi mắt dường như đang dại đi:
- Hồn đang về rồi đấy. Ảnh ông Khôi trên bàn thờ không chụp lúc tại ngũ mà chụp lúc thiếu niên, không chụp thẳng mà hơi nghiêng, đúng không?
Tôi thanh minh:
- Khi gia đình nhận được giấy báo tử, trong nhà không có tấm ảnh nào của anh ấy mặc quân phục để đưa lên bàn thờ, đành phóng tấm ảnh hồi học trung học.
Vợ tôi hỏi khẽ:
- Chúng tôi có nhìn thấy và nói chuyện được với hồn không ạ?
Ông thầy:
- Việc này thuộc về hồn. Tin thì được gặp. Không tin thì không gặp.
Sau đó, thần sắc ông thầy trắng bệch, như đã thoát vào cõi khác:
- Ông Khôi còn đứng xa, chưa rõ, nhưng thân phụ ông ấy thì rõ, tóc cụ húi cao, áo sơ mi trắng dài tay, vạt cho trong quần, bế theo đứa cháu ngoại chừng một tuổi.
Tôi vội nói:
- Xin lỗi thầy! Các cháu ngoại của bố tôi đều còn sống.
Ông thầy vẫn như trong mộng du:
- Tôi không nói mà hồn nói. Cụ thông gia cũng có đây rồi.
Chị Tâm hỏi:
- Cụ thông gia nào ạ?
Ông thầy:
- Cụ này có ba con trai, ba con gái. Một người con gái tên Dung…
Tôi nói:
- Trong họ bên vợ tôi có mấy người tên Dung…
- Bà Dung này có chồng tên Liên… Người con gái lớn là bà Thanh lấy ông Tuấn, em liệt sĩ Khôi, đang ngồi đây, còn một người nữa tên Vân, có chồng tên Dật. Ông thông gia đang mặc đồ bộ rộng màu gụ.
Vợ tôi, Hà Phương, tên thật là Đỗ Thị Thanh. Độ chính xác của thông tin khiến chúng tôi cùng sởn gai ốc, đưa mắt cho nhau. Chị Tâm thì tái mặt, lặng đi như người bị điểm huyệt, khiến tôi phải nắm cánh tay chị để trấn an. Thấy thầy Lư ngồi im như đang lắng nghe ai nói chuyện, tôi bồi hồi:
- Thầy có cách nào cho chúng tôi nhìn thấy hoặc trò chuyện được với các hồn?
Vợ tôi đế thêm vào:
- Tối qua, chúng tôi đã thành kính thắp nhang trên bàn thờ, khấn Trời Phật Thánh Thần phù hộ…
Phải chừng nửa phút, thầy Lư mới như tỉnh ra, nói với chúng tôi:
- Lúc đầu, tôi đã nói rồi. Tin thì nhìn thấy và nghe thấy, không tin thì không thấy gì hết. Hiện cả ba người đã đến đây nhưng cùng đang không tin nên các hồn không nhập. Bây giờ hãy nghe tôi nói lại lời của hồn. Ông Khôi mất vào giữa năm 1970, ngày tháng nào thì vì ông ở xa, tôi nghe không rõ, trong trận đánh kéo dài nhiều ngày, khi quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tấn công vào căn cứ quân Giải phóng, trong đó có bệnh xá, nơi ông Khôi và nhiều thương binh đang điều trị, tại một khu rừng ở Svay Rieng, Campuchia, giáp biên giới Việt Nam.
Tôi cắt ngang:
- Xin lỗi thầy, theo giấy báo tử thì anh tôi hy sinh ở mặt trận miền Đông Nam Bộ, tức không dính gì đến Campuchia.
Mặt thầy Lư vẫn không biến sắc:
- Đây là những điều hồn nói chứ không phải tôi. Trước chiến dịch 1970, ông Khôi nằm trong số người ưu tú, được lựa chọn ra Bắc để đào tạo phục vụ cho cuộc chiến lâu dài. Đoàn này đi nửa đường thì bị địch tập kích. Một số hy sinh. Một số khác, trong đó có ông Khôi, bị thương. Ông Khôi bị mảnh đạn làm dập xương ống chân, được đưa vào điều trị tại bệnh xá ở Svay Rieng, thuộc căn cứ của Mặt trận Giải phóng tỉnh Phước Long di tản sang. Tại đây, ông gặp người vợ tên Minh, là y tá của bệnh xá, chăm sóc…
Chị Tâm thì thầm vào tai tôi:
- Khôi làm gì có vợ?
Quá nhiều thông tin chính xác đến kinh ngạc từ thầy Lư trước đó khiến tôi quyết định kiềm chế mọi phản ứng thắc mắc, đồng thời cũng e nếu tôi vội vàng thể hiện sự thiếu niềm tin sẽ làm ông thầy phân tâm, nên tôi nói lại với chị:
- Những gì cậu ta nói sai, để về nhà hãy bàn.
Thầy Lư dường như không để ý đến việc chị em tôi trao đổi với nhau, tiếp tục nói:
- Trong chiến dịch 1970, bệnh xá trong rừng bị máy bay trực thăng địch tấn công, khiến nhiều người hy sinh, trong đó có liệt sĩ Khôi và người vợ y tá.
Chị Tâm và vợ tôi bật khóc.
- Những người chết đều được chôn riêng trong rừng, gần bệnh xá. Sau giải phóng, năm 1982, hài cốt của hai mươi bảy người này đã được bốc về Việt Nam, an táng tại những nghĩa trang liệt sĩ trong nước, nhưng cụ thể ở đâu, ông Khôi nói đến rằm tháng Giêng âm lịch sang năm mới nói được.
Chị Tâm nôn nóng:
- Sao lâu thế ạ?
- Ông Khôi chỉ nói vậy. Ông còn bảo, muốn biết tin sớm hơn thì về tìm gặp người tên Toản, còn khi đến nơi yên nghỉ của ông, nhớ nhờ người tên Thắng đón ngõ.
Cả chị Tâm lẫn vợ tôi cùng định thắc mắc, nhưng tôi kịp ra hiệu cả hai kiềm chế, rồi hỏi thầy Lư:
- Khoảng lối nào của tháng Giêng thì tôi gọi được cho thầy? Bây giờ đang tháng Mười dương lịch, còn những gần bốn tháng nữa, sợ thầy nhiều việc không nhớ.
Thầy Lư nói:
- Tôi không nhớ, nhưng hồn đã hẹn thì không bao giờ quên. Khi nào ông Khôi báo, tôi sẽ gọi cho ông bà.
Im một lúc, thầy Lư hỏi:
- Khi nói chuyện, ông Khôi có mấy lần nhắc về một người tên Hùng hay Phùng... Trong gia đình hay dòng tộc có ai tên Hùng hay Phùng?
Tôi đáp:
- Trong hai họ nội và ngoại của tôi có bốn người tên Hùng, một ông chú bên nội tên Phùng, cậu em vợ tôi cũng tên Hùng, nhưng có chuyện gì ạ?
Thầy Lư:
- Tôi nghe vậy thì hỏi vậy, chứ ông Khôi cũng không nói chuyện gì.
Ba chị em rời nhà thầy Lư, không ai nói với ai lời nào, bởi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Cậu thanh niên lái taxi đưa chúng tôi từ Hà Nội đã đón sẵn ngoài cổng. Xe chuyển bánh, đi được một đoạn trên đường làng, chị Tâm bỗng khan giọng:
- Chắc phải tìm một chỗ ngồi nghỉ, chứ chị ngạt thở quá.
Vợ tôi nói:
- Trước khi đi, chị đã uống thuốc trợ tim rồi mà.
Chị Tâm thều thào:
- Tim thì ổn, nhưng ông thầy cứ như ma xó, nói vanh vách quá nhiều chuyện chỉ riêng trong nhà mình biết, khiến chị bị sốc…
Cậu lái trẻ suốt đường đi từ Hà Nội, sớm trở thành thân quen, nhanh nhảu:
- Cháu sẽ đưa hai bà và ông vào một quán ngay đầu làng. Tiếng là quán nhà quê nhưng cũng có máy lạnh và đủ các loại nước giải khát cao cấp, lẫn các em tiếp viên trẻ đẹp ngực to, mông nở, không khác gì thủ đô. Từ ngày đô thị hóa làng quê để trở thành chuẩn nông thôn mới, ở Hà Nội có bao nhiêu tốt, xấu, nhà quê cháu cũng có đủ.
Ba chị em vào phòng riêng trong quán, gọi nước xong, chị Tâm mới nói:
- Ngay từ đầu, nghe thầy Lư nói đến đứa cháu ngoại khoảng một tuổi cũng hiện về, chị đã sởn gai ốc. Vụ đứa con đầu chưa đầy một tuổi của chị mất vì bệnh từ năm 1959, lứa các em khi ấy còn quá nhỏ không biết, còn chị đã quên lâu rồi, sao ông thầy lại biết?
Vợ tôi bồi hồi:
- Thầy em lúc mất được mặc bộ pijama màu gụ, rồi nhà có ba chị em tên Thanh, Vân, Dung, “bà Dung có chồng tên Liên”, cậu ta cũng biết? Giờ nhắc lại chi tiết này, em vẫn rùng mình.
- Lại còn bức ảnh Khôi đặt trên bàn thờ chụp lúc tuổi thiếu niên nữa chứ.
- Đây là điều kỳ lạ không thể giải thích bằng tư duy thông thường, nhưng anh ta cũng nói sai không ít. Ví dụ, giấy báo tử ghi rõ anh Khôi hy sinh ở mặt trận miền Đông Nam Bộ, anh ta lại khẳng định mất ở Svay Rieng, Campuchia và anh Khôi rõ ràng không có vợ.
Vợ tôi nói:
- Hai lần cậu ấy nói rõ vợ là y tá, tên Minh.
- Cũng có trường hợp thương binh được y tá ở bệnh xá trong chiến trường chăm sóc, rồi yêu và lấy nhau, nhưng trường hợp của anh Khôi, cậu Lư nói rõ là “gặp vợ” ở bệnh xá, tức là anh ấy đã có người vợ này từ ngoài Bắc.
Chị Tâm nói thêm:
- Nếu tìm Khôi phải nhờ người tên Thắng đón ngõ. Cậu ta biết đến cả Đỗ Tất Thắng, con cậu Lợi thì đáng sợ thật. (Cậu Lợi ở đây là Giáo sư Tiến sĩ Dược học Đỗ Tất Lợi, cậu ruột tôi). Nhưng Thắng bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường mấy năm nay, làm sao đón ngõ được?
Vợ tôi giải thích với chị Tâm:
- Vụ muốn tìm hiểu sớm về anh Khôi phải gặp một người tên Toản, thì em và anh Tuấn đã gặp anh này ở Huế, do nhà văn Nguyễn Quang Hà giới thiệu. Anh Toản và anh Hà cùng sư đoàn Mai Siu, Hà Bắc với anh Khôi, nhưng cả hai đều nhầm khi tin chắc anh Khôi hy sinh ở Huế.
Chị Tâm ngậm ngùi:
- Cứ cho ông thầy này có khả năng siêu phàm trong nhiều chuyện, thì mộ cậu Khôi hiện ở đâu, hôm nay vẫn chưa biết. Cái chính là để bốn chục năm, xương cốt của Khôi có khi đã thành đất, giờ mình mới đi tìm, thì chỉ tìm để quan tâm, chứ không có lấy một phần nghìn tia hy vọng.
Sự thất vọng của chị Tâm, khiến tôi buộc phải thanh minh:
- Không phải đến hôm nay bọn em mới tìm. Cuối năm 1975, từ khi vào Sài Gòn, bọn em đã nhờ nhà văn Vũ Thị Hồng, bạn cùng khóa Đại học Tổng hợp Hà Nội với Hà Phương vợ em đây. Hồng khi đó đang là đại tá, phụ trách phụ nữ toàn quân, cũng đang ở Sài Gòn. Hồng nhiệt tình sang bộ phận phụ trách vấn đề thương binh liệt sĩ Bộ Quốc phòng tìm tung tích anh Khôi. Cuối cùng được trả lời: “Danh sách liệt sĩ thông báo về địa phương thì có tên, nhưng không có nơi an táng”. Năm 1982, hồi em làm việc ở Hãng phim Thành phố Hồ Chí Minh, có chuyển thể truyện ký Người chăn bò ở hoàng cung của Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 4 sang kịch bản phim Cơn lốc đen (đạo diễn Thụy Vân, Khánh Dư). Nhân lần hợp tác này, em nhờ tướng Bùi Cát Vũ giúp tìm anh Khôi. Ông ấy gọi hẳn một đại tá trợ lý tới để giao việc. Sáu tháng sau, viên đại tá nhiệt tình này cũng trả lời như Vũ Thị Hồng. Các vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ sau chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh Việt Nam, không giống bất cứ đất nước nào trên thế giới, đều dựa trên nguyên tắc là càng nhiều manh mối càng dễ tìm, nhưng trường hợp anh Khôi, mọi hồ sơ, tài liệu, tư liệu, nhân chứng từ đơn vị tới nhân thân đều quá ít.
Vợ tôi nói:
- Không lẽ ở nhà không có bất cứ thư từ, giấy tờ gì của anh ấy?
Chị Tâm quay sang tôi:
- Tuấn không kể gì về hoàn cảnh nhà mình cho Phương à? Khôi từ lúc còn thiếu niên đã sớm có máu hoạt động phong trào, trong người có một giọt nhiệt tình cũng chia hết cho thiên hạ, không giữ lại phần mình cái gì. Từ năm 1954, khi quân Pháp thất bại, miền Bắc được giải phóng, Khôi quá mê những người cộng sản và lý tưởng Chủ nghĩa Xã hội, nên đã quyết định bỏ học đi Thanh niên Xung phong, làm đường tận trên rừng núi Lào Cai, để từng bước vô sản hóa, theo gương những lãnh tụ cộng sản tiền bối như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Hoàng Văn Thụ,… - những người xuất thân tầng lớp trung lưu, có học, nhưng cùng dấn thân vào đời sống thợ thuyền, chấp nhận vào tù, ra tội, hy sinh vì cách mạng giải phóng dân tộc. Mấy năm kham khổ trên rừng, Khôi không viết một lá thư về nhà, không nghỉ phép, thậm chí Tết cũng ở lại trực chiến tại đơn vị, nhường người khác về ăn Tết, khiến cậu(1) phải bảo chị lên tận Lào Cai thăm. Gặp Khôi, Khôi còn vui vẻ giải thích: “Đã phấn đấu làm người cộng sản chân chính thì phải biết nhường quyền lợi cho người khác, gạt bỏ hết cái riêng để vì cái chung”. Sau này xung phong đi bộ đội vào chiến trường miền Nam, Khôi không mấy khi viết thư về nhà cũng trên nguyên tắc quyết dẹp hết chuyện cá nhân sang một bên. Thế nên trong nhà, những vật lưu niệm của Khôi từ thời học sinh còn ở Hà Nội thì có, chứ những thư từ, kỷ vật thời thoát ly để “vô sản hóa” và “thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh” thì rất ít…
(1) Cậu là cách gọi bố, cha ở một vài địa phương.
Chị Tâm bỗng nghẹn ngào:
- Nhưng nếu có nhiều hơn thì bây giờ cũng chẳng còn gì, vì đêm hai mươi hai tháng Mười Hai năm 1972, Mỹ dùng B52 rải thảm Hà Nội, trong đó có khu An Dương, nhà mình trúng một quả bom, biến thành một hố bom. May các em Vinh, Hiển, Linh, Kính, Cẩn ở trong hầm cách xa nhà nên chỉ bị thương, nhưng tài sản mất sạch.
Vợ tôi nói với tôi:
- Bây giờ, mình liên hệ với các báo Thiếu niên Tiền phong, Tiền phong, Nhân dân… mà anh ấy cộng tác trước khi vào chiến trường, có khi tìm được những bài viết và truyện ngắn của anh ấy vào thời điểm trước năm 1967.
Chị Tâm thoáng giật mình:
- À xin lỗi! Phương nói chị mới sực nhớ, vì chuyện này đã quá lâu, mà chị tuổi già nên trí nhớ cũng kém… Vào khoảng trước Tết Âm lịch năm 1969, khi chị và anh Nghiệp từ khu sơ tán của trường Đại học Nông nghiệp 2 ở Việt Yên, Hà Bắc về Hà Nội, xem cậu và cô (nhà tôi gọi mẹ kế là cô) chuẩn bị ăn Tết thế nào, nhưng cậu và cô cùng sơ tán về quê Phúc Yên, nhà trên An Dương chỉ có Kính, nó trao cho chị gói giấy dầu bạc phếch, bọc năm cuốn nhật ký của Khôi, bây giờ chị vẫn giữ ở nhà.
Tôi sửng sốt:
- Sao bây giờ chị mới nói? Từ năm 1969 đến giờ, tuy hai chị em mỗi người một nơi nhưng có phải ít gặp nhau đâu?
- Chị đã nhận là quên rồi mà.
- Chị có đọc không?
- Cả năm cuốn đều loại sổ lịch của báo Tiền phong và Nhân dân tặng cộng tác viên, cùng khổ 13 x 20 centimét, hai cuốn bìa nâu, ba cuốn bìa đen, chất liệu nhựa của bìa đều khô bạc và cong cứng bởi quá cũ kỹ. Khi nhận từ Kính, chị mừng đến bủn rủn người, run tay giở gói giấy ra ngay tức thì. Nhưng do là giấy dầu, nằm trong ba lô trên đường từ chiến trường ra, không rõ vì thời gian hay bị quăng quật trong mưa nắng mà các nếp gấp đã chảy dính vào nhau. Kính phải hơ nóng trên bếp điện rồi dùng dao lách từng chút, mới mở hết nếp dính của giấy dầu, thấy được năm cuốn nhật ký ẩm ướt, các trang đều dính vào nhau, trang nào vừa nương nhẹ, vừa ráng mở được ra thì chữ bên trong cũng nhòe nhoẹt. Khôi viết bằng bút máy, có trang viết bằng bút chì, các chữ đều nhỏ li ti, các dòng sít nhau, có lẽ để tiết kiệm giấy, cố đọc thì cũng vừa đọc, vừa đoán. Kính kể, người mang gói quà quý giá này về bị cụt một tay, hư một mắt, tên là Lê Đức Thảo. Anh ấy ở trong đoàn thương binh đang trên đường được đưa ra miền Bắc điều trị, theo đường phía Tây Trường Sơn dọc biên giới Campuchia qua Lào. Lúc nghỉ ở một bệnh xá trong rừng, trước khi qua ngã ba biên giới, thì gặp anh Khôi đang điều trị ở đấy. Hai người nhận ra đồng hương Hà Nội, cùng ở miền Đông Nam Bộ, nhưng Khôi ở bộ đội chủ lực, còn anh này là bộ đội địa phương. Trước khi chia tay, Khôi có nhờ anh ấy mang gói nhật ký đến gia đình mình… Từ lúc nhận đến lúc anh ấy đến nhà mình mất hơn ba tháng, vì đường đi đầy mưa nắng, bom đạn, ra đến miền Bắc, anh ấy còn phải nằm điều trị ở quân y viện mất cả tháng…
Tôi nói:
- Anh Thảo này gặp anh Khôi ở một bệnh xá trong rừng bên Campuchia, thời điểm cuối năm 1969, thì thông tin cậu Lư nói anh Khôi mất giữa năm 1970, tại một bệnh xá trong rừng ở Svay Rieng, Campuchia là có cơ sở.
Vợ tôi nói:
- Như vậy giấy báo tử ghi anh ấy hy sinh tại mặt trận miền Đông Nam Bộ là sai? Có khi phải viết như vậy vì vấn đề quốc tế chăng?
Tôi lờ chi tiết này, rồi nói với chị Tâm:
- Về Hà Nội, chị phải đưa ngay cho em năm cuốn nhật ký này. Nếu những manh mối ở chiến trường của anh Khôi nằm trong đó, thì vụ tìm hài cốt anh ấy có khi không cần đến nhà cậu Lư.
Vợ chồng tôi về khách sạn số 1 Lê Thạch, khoảng bảy giờ tối, chị Tâm được Phạm Kim Cương, con trai chị chở đến, đưa tôi năm cuốn sổ mà chị Tâm gọi là nhật ký của anh Khôi. Năm cuốn sổ được chị trang trọng đặt trong một hộp gỗ sơn mài, phần nắp khảm trai hình Tháp Rùa giữa muôn cánh hoa đào. Cũng có thể do cất quá kỹ như vậy nên kỷ vật này ít nằm trong bộ nhớ của chị.
Mở hộp gỗ, cầm từng cuốn nhật ký trong tay, tôi bần thần, chết lặng trong nỗi đau nhớ người anh đã mất. Rồi cảm xúc xốn xang được thấy tận mắt, cầm tận tay kỷ vật của người anh nhường chỗ cho sự háo hức muốn xem ngay những trang nhật ký viết gì.
Mặc dù hai vợ chồng cùng được dạy dỗ trong nền giáo dục siêu vô thần và vẫn tỉnh táo trong vụ tiếp xúc với ông thầy ngoại cảm đất Hà Nam, nhưng ảnh hưởng của vụ gọi hồn vẫn khiến chúng tôi có những ám ảnh rờn rợn… Căn phòng khách sạn chúng tôi ở trông ra một khuôn viên đầy cây cổ thụ, mỗi lần gió thổi qua là những lá cành đủ mọi hình thù lại đung đưa, kèm theo những tiếng lào xào run rẩy, chúng tôi phải kéo kín tấm rèm cửa sổ và vẫn để nguyên tất cả đèn sáng trong phòng.
Sau khi mẹ con chị Tâm về, vợ chồng tôi, mỗi người cầm một cuốn nhật ký định đọc.
Bỗng vợ tôi nói:
- Từ vụ đi Hà Nam gặp cậu Lư mà chị Tâm nhớ ra mấy cuốn nhật ký của anh Khôi để quên quá lâu trong tủ, có khi là dẫn dắt của tâm linh, để em thắp nhang khấn anh Khôi rồi hãy đọc.
- Mình làm gì có nhang?
- Để em xuống phòng tiếp tân, hỏi mấy cô trực đêm.
Vợ tôi bấm thang máy xuống phòng trực, chỉ chừng năm phút là mang lên bao nhang Thiên Hương còn nguyên tem, lấy làm thú vị:
- Em vừa hỏi là có ngay. Phải ra Hà Nội mới thấy anh và em có lẽ là những người vô thần cuối cùng.
Hai vợ chồng, mỗi người cầm ba cây nhang cháy đỏ ra ban công. Tôi hỏi:
- Hướng về đâu bây giờ?
Vợ tôi nói:
- Anh hướng ra Hồ Hoàn Kiếm nhờ thần Kim Quy và vua Lê Lợi phù hộ, còn em hướng ra vườn hoa Chí Linh khấn vua Lý Thái Tổ.
Tôi bật cười nhẹ. Từ khi quyết liệt trong vụ tìm anh Khôi, vợ chồng tôi cứ dần dần bị dẫn vào những phong tục tâm linh mà trước đây với chúng tôi là hoàn toàn xa lạ. Thắp nhang, khấn vái xong, chúng tôi mới trở vào phòng, mỗi người cầm một cuốn nhật ký của anh Khôi.
Vợ tôi hí hửng khi cầm cuốn đầu tiên, tuy vẫn là giấy cũ, chữ mờ, nhưng dễ nhận ra những trang lưu bút này, người viết là những tên tuổi như nhạc sĩ Phong Nhã, Phạm Tuyên, Hoàng Vân; các họa sĩ Mai Long, Nguyễn Sáng, Tạ Thúc Bình; các nhà báo Thép Mới, Cửu Thọ… Một số trang anh Khôi viết chữ đậm cho những hình minh họa, cũng đọc được. Còn tất cả các trang khác trong cả năm cuốn sổ, vừa do ảnh hưởng thời gian vừa cũng do gian nan đời lính, lúc mưa nắng trên đường hành quân, lúc quăng quật trong bom đạn chiến trường, nên đều chuyển sang màu vàng ố, có trang giòn mục, có trang cháy sém. Chữ viết đều nhỏ li ti. Hầu hết các trang viết bằng mực xanh của bút máy đều đã nhòe mờ. Một số trang được viết bằng bút chì, chỉ mờ chứ không nhòe, nhưng vừa đọc vừa đoán cũng không nổi. Hai vợ chồng chỉ có cách lựa ra cuốn dễ đọc hơn, rồi vừa đọc, vừa tranh cãi để hiểu từng chữ, từng câu đến mệt đờ cả mắt. Cuối cùng là bất lực và rút ra kết luận: Chỉ có cách về Sài Gòn, tìm những người chuyên đọc các văn bản và sách cũ, nhờ phục hồi lại, may ra mới đọc được.
Suốt ngày đi Hà Nam đã mệt, tối về còn cố “soi” mấy cuốn nhật ký, tìm, đoán từng phần đời trên những dòng chữ mờ nhòa của ông anh, thành ra kiệt sức, hai vợ chồng cùng ngủ thiếp lúc nào không biết.
Tôi được đánh thức khi đang ngồi ngủ gục ở chiếc ghế đá bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Đó là chỗ có gốc cây sung già ngả cả thân lẫn cành ra mặt hồ, phía đường Đinh Tiên Hoàng, nhìn qua Tháp Rùa, bờ bên kia là đường Lê Thái Tổ, nơi có ngôi nhà tôi ở trước đây.
Tôi lơ mơ nhận ra đang đứng trước mặt là vợ tôi, cô nhân viên trực ca đêm và cậu nhân viên bảo vệ của khách sạn.
Vợ tôi lớn tiếng:
- Sao đang đêm anh lại ra đây ngồi? Ra từ lúc nào mà không cho em biết?
Phải định tâm một lúc, tôi mới nói:
- Anh cũng không rõ tại sao mình lại ra ngồi đây.
Cô nhân viên trực nói:
- Lúc mười một giờ bốn lăm phút, chú và sếp Hòa bước ra từ thang máy, rồi đi qua nhà hàng ở lối cửa bên khách sạn, cháu tưởng anh Hòa rủ chú đi uống cà phê khuya.
Cậu nhân viên bảo vệ nói thêm:
- Cháu lại thấy chú từ bên khách sạn qua, không phải đi với anh Hòa mà đi với anh Khải, trưởng ban bảo vệ, không vào nhà hàng mà đi thẳng ra cổng, rẽ trái về hướng bờ hồ. Cháu nói: “Đi dạo bờ hồ vào giữa đêm thì tuyệt vời”. Anh Khải còn cười: “Mày thích thì đi luôn với anh”.
Cô nhân viên lộ vẻ hoang mang:
- Sau khi cô Phương xuống hỏi, cháu chột dạ gọi điện cho anh Hòa. Anh ấy nói, từ tối đến giờ, anh ấy vẫn ở trên phòng, không hề có chuyện đi đâu với khách.
Cậu nhân viên bảo vệ sốt sắng thêm vào:
- Cháu chạy lên phòng anh Khải. Hóa ra anh ấy vẫn đang ngủ ở giường.
Khi chúng tôi từ Hồ Hoàn Kiếm trở về, cậu Hòa, Phó giám đốc khách sạn, khoảng ngoài bốn mươi tuổi, biết chuyện xảy ra nên xuống đón chúng tôi ở cổng bên đường Lê Thạch. Trước mặt hai nhân viên, cậu ta tỏ ra như không có gì nghiêm trọng, thậm chí còn vui vẻ đưa chúng tôi về tận phòng.
Khi cùng ngồi ở xa lông, cậu mới hỏi tôi:
- Thật sự ai trong khách sạn đã đưa chú qua mặt nhân viên trực và bảo vệ ra khỏi cổng vậy?
Lúc đó, tôi chưa hoàn toàn ý thức về điều kỳ lạ đã xảy ra với mình. Ngồi với Hòa, dần dần tĩnh trí, tôi cố nhớ. Đầu tiên còn lờ mờ, sau nhận thức mỗi lúc một rõ nét. Tôi nhớ ra mình đang ngủ thì dường như có người vỗ vai, đánh thức. Tôi lờ đờ mở mắt, thấy đứng bên giường, ngay cạnh mình là anh Khôi. Anh mặc quần soọc xanh, áo thun ba lỗ trắng, trên ngực trái in một nhánh tre có hai chiếc lá, bên trên có hai chữ “TRE VIỆT” cùng màu lá mạ. Và anh đang cười với tôi:
- Dậy. Thằng Vinh đang chờ ngoài cổng rồi.
Tôi, mười hai tuổi, đang ở nhà cũ của gia đình cách đây mấy chục năm, trên đường Lê Thái Tổ. Nhanh như chớp, tôi bật dậy, tụt xuống giường, chạy theo anh ra khỏi nhà, rồi ra cổng, thấy thằng Vinh (Nguyễn Thế Vinh), em kế tôi, còn đang ngái ngủ. Ba anh em cùng chạy giữa đường nhựa vắng, dưới những dải đèn đêm yên tĩnh quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm đầy hoa và cây xanh, theo hướng nhà Thủy Tạ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, rồi về Lý Thái Tổ. Thằng Vinh chạy được hai vòng đủ quy định của anh Khôi thì rẽ vào nhà, tranh thủ ngủ tiếp vài chục phút đến lúc bố tôi đánh thức, dậy ăn sáng rồi đi học. Còn tôi chạy thêm một vòng, rẽ lên chiếc ghế đá bên bờ hồ, cạnh gốc đa cổ thụ, ngồi nghỉ, chờ anh Khôi chạy hết mười vòng. Rõ ràng đó là chiếc ghế đá trông thẳng ra Tháp Rùa bên đường Lê Thái Tổ, trước cửa nhà. Không rõ tại sao, khi vợ tôi và hai nhân viên khách sạn ra tìm lại là chiếc ghế đá bên đường Đinh Tiên Hoàng, cạnh gốc sung già.
Nghe tôi kể lại vụ tập chạy cùng với anh Khôi và thằng Vinh, cậu Hòa tỏ ra thông hiểu:
- Thế là chú bị mộng du rồi.
Vợ tôi thắc mắc:
- Không lẽ cả cô nhân viên trực lẫn cậu bảo vệ cũng bị mộng du khi để anh Tuấn ra khỏi khách sạn?
Cậu Hòa cười:
- Lúc đó là giữa đêm, nên hai cô cậu này sáng tác ra cho nhẹ tội, chứ có khi chúng nó cũng đang ngủ. Ở đây thỉnh thoảng vẫn có khách đi chơi khuya, ra khỏi khách sạn hoặc về ngoài giờ quy định, còn nhân viên trực thì ngủ gà, ngủ gật.
Vợ tôi nhẹ nhàng:
- Có lẽ do quá mải đọc nhật ký của anh Khôi nên anh bị ám thị cả vào trong giấc ngủ.
Những giải thích của Hòa và suy luận của vợ tôi hoàn toàn hợp với hoàn cảnh, sự việc cũng không có gì nghiêm trọng nên mọi chuyện đều có thể cho qua nhẹ nhàng. Sau khi tiễn Hòa ra khỏi phòng, tôi lên giường, vừa ngả lưng là tiếp tục ngủ thiếp đi. Bởi hiện tượng mộng du nghĩ cho cùng cũng là chuyện bình thường, tôi từng đọc và nghe về nó rất nhiều.