Có nên chọn ngành công nghệ thông tin(1)?
(1) Công nghệ thông tin là một chuyên ngành thuộc lĩnh vực máy tính, bên cạnh hai chuyên ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính. Chuyên viên công nghệ thông tin là người sử dụng công nghệ (các hệ điều hành, phần mềm và ứng dụng), thiết kế cơ sở dữ liệu theo chiều sâu để tạo ra một hệ thống tối ưu hay giải pháp cho một vấn đề cụ thể. Các chuyên viên công nghệ thông tin có xu hướng tương tác với khách hàng và đồng nghiệp thuộc các phòng ban khác, giải thích về một giải pháp công nghệ hoặc làm việc với khách hàng là chủ doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch công nghệ, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của họ.
Tôi nhận được một email: “Là phụ huynh của ba đứa con đang độ tuổi học sinh trung học, chúng tôi lo nghĩ rất nhiều về nghề nghiệp tương lai của các cháu. Con gái lớn của chúng tôi sẽ vào đại học trong năm tới và chúng tôi vẫn không chắc ngành nghề nào sẽ là tốt nhất cho cháu? Chúng tôi không biết liệu chuyên ngành công nghệ thông tin có phải là lựa chọn đúng đắn hay không”.
Đáp: Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, công nghệ thông tin, y tế và chăm sóc sức khỏe đang là những chọn lựa nghề nghiệp tốt nhất cho mười năm tới. Trong đó, từ góc độ đầu tư cho học vấn, tôi nghĩ công nghệ thông tin (CNTT) vẫn là quyết định đầu tư đúng đắn vì ngành này chỉ yêu cầu bốn năm đại học, thu nhập tốt và viễn cảnh việc làm khá tươi sáng. Ngày nay, gần như mọi quốc gia đều cần nhân sự có kỹ năng CNTT vì thế giới đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng này. Sự gia tăng nhu cầu này là do mức độ phụ thuộc ngày càng cao vào các công nghệ mới, cũng như các công ty ngày càng mong muốn có thể tích hợp nhiều công nghệ hơn để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp của họ.
Một nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy ba yếu tố nổi bật cần tính đến khi xem xét viễn cảnh cho mọi công việc, đó là: kỹ năng (Skills), kinh nghiệm (Experience) và vị trí (Location). Kỹ năng được xác định là những gì người được tuyển dụng đã học ở trường. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ năng thường phụ thuộc vào bằng cấp của người đó (bằng liên thông hai năm hay bằng cử nhân bốn năm). Nếu người được tuyển dụng không có những kỹ năng “tiên tiến nhất”, nhiều công ty sẵn lòng đào tạo lại họ. Kinh nghiệm được định nghĩa là thời gian làm việc thực tế và nhiều công ty chấp nhận thời gian sáu tháng làm dự án thực tập capstone(2) là “kinh nghiệm làm việc thực tế”. Vị trí bao hàm thị trường việc làm ở địa phương vì vị trí thể hiện nhu cầu đối với việc làm CNTT là khác nhau ở mỗi nước. Ở các nước phát triển, mức cầu về kỹ năng CNTT nhiều hơn mức cung. Ở các nước đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc, có sự thiếu hụt đáng kể về nguồn nhân công có kỹ năng CNTT nhưng mặt khác, thị trường lao động vẫn chậm đáp ứng với nhu cầu toàn cầu. Đó là lý do vì sao ở một số nước chậm thích nghi, việc tìm việc làm trong ngành CNTT vẫn gặp đôi chút khó khăn. Tuy nhiên, trong tương lai gần, xu hướng chuyên viên CNTT có kỹ năng sẽ trở nên ngày một phổ biến trên khắp thế giới. Hiện nay, một số nước đang thuê nhân công nước ngoài và chấp nhận chi trả để thu hút những nhân công có kỹ năng về nước của họ. Với môi trường kinh tế toàn cầu không ngừng thay đổi, tôi nghĩ đây là lúc chúng ta nên nhìn nhận nghiêm túc về chuyên ngành CNTT.
(2) Capstone project: dự án capstone (tảng đá vòm then chốt) là dự án “thực” đầu tiên của sinh viên năm cuối ngành phát triển phần mềm ở Mỹ, thực hiện theo sự hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp. Trong khoảng sáu tháng, mỗi nhóm sinh viên sẽ thiết kế và xây dựng một sản phẩm phần mềm, vận dụng tất cả kiến thức và kỹ năng đã học trong ba năm ở trường đại học. Qua đó, sinh viên sẽ có được những kinh nghiệm quý báu về cách làm việc đội nhóm, nhận diện nhu cầu khách hàng, giải quyết vấn đề, quy trình phát triển phần mềm và quản lý dự án.
Tất nhiên, quyền lựa chọn vẫn là của các con bạn. Là phụ huynh, bạn chỉ có thể gợi ý cho các cháu dựa trên tầm nhìn về tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu tuyển dụng các chuyên viên CNTT đủ năng lực trên phạm vi toàn cầu.
Học ngành khoa học máy tính ra làm gì?
Một người mẹ viết cho tôi: “Con trai tôi là sinh viên năm thứ tư ngành khoa học máy tính. Cháu còn một năm nữa là tốt nghiệp nhưng cháu nó vẫn đang mơ hồ về con đường nghề nghiệp của mình. Chúng tôi cũng không biết gì nhiều nên xin nhờ thầy hướng dẫn cho chúng tôi rõ các nghề khác nhau trong lĩnh vực này để có thể giúp cháu chọn đúng nghề. Xin cảm ơn thầy”.
Đáp: Lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) có nhu cầu cao và hiện thời đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Con của chị chọn lĩnh vực này là đúng và cơ hội tìm được việc làm của cháu là rất cao, vậy nên chị không phải lo nghĩ quá nhiều. Có nhiều con đường nghề nghiệp cho người tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tùy theo nhu cầu của thị trường trong nước. Hầu như mọi việc làm trong ngành khoa học máy tính đều đòi hỏi kỹ năng lập trình(3). Nếu tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, cháu có thể khởi sự làm người kiểm thử phần mềm hoặc người phát triển phần mềm. Cháu có thể lựa chọn chỉ làm công việc chuyên môn về kỹ thuật như chuyên viên an ninh (security specialist), kỹ sư phân tích yêu cầu(4), chuyên viên mạng(5), chuyên viên cơ sở dữ liệu (database specialist),… Chuyên viên an ninh hiện thời là một nghề “hot” mà cháu có thể cân nhắc. Khi ngày càng có nhiều hacker cũng như vi-rút máy tính, nhu cầu tuyển dụng chuyên viên an ninh máy tính ngày càng cao, đồng thời nhiều công ty sử dụng điện toán thì khối lượng dữ liệu cũng ngày càng tăng.
(3) Khoa học máy tính là một chuyên ngành thuộc lĩnh vực máy tính, là khoa học nghiên cứu lý thuyết ứng dụng tính toán như thuật toán, cấu trúc dữ liệu, toán cao cấp, nhằm phát minh ra những cách thức mới để thao tác và truyền tải thông tin, tạo ra một chương trình hoặc hệ điều hành với những tính năng như ý muốn. Các nghề thuộc ngành này có thể kể đến là kỹ sư phần mềm (software engineering), lập trình viên phát triển ứng dụng (applications software developer), kỹ sư hệ thống (systems engineer), chuyên viên phát triển web (web developer).
(4) Requirement engineer: là kỹ sư phần mềm phụ trách phân tích yêu cầu sản phẩm hoặc giải pháp, cụ thể là mô tả và mô hình hóa các chức năng, yêu cầu nghiệp vụ, chất lượng của sản phẩm hoặc giải pháp và các quy trình tác nghiệp. Công việc này đòi hỏi kiến thức về ngành nghề kinh doanh cũng như về các giải pháp phần mềm và công cụ, và các kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, kỹ năng tương tác và giao tiếp.
(5) Network Specialist: chuyên viên mạng hay chuyên viên quản lý hệ thống (là người phụ trách hệ thống công nghệ thông tin – cả phần cứng và phần mềm - của doanh nghiệp để đảm bảo hệ thống được vận hành hiệu quả, vị trí này báo cáo cho giám đốc IT).
Khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, cháu có thể đi lên vị trí kiến trúc sư hệ thống, hay quản lý dự án. Theo thời gian, nếu năng lực của cháu cũng phù hợp với vai trò người quản lý ngoài chuyên môn kỹ thuật, cháu có thể lên vị trí giám đốc chương trình(6), giám đốc phần mềm rồi giám đốc công nghệ thông tin (CIO(7)).
(6) Program manager: giám đốc chương trình, là người quản lý, giám sát một nhóm các dự án (mỗi dự án được quản lý bởi một người quản lý dự án riêng).
(7) CIO: là từ viết tắt của Chiel Information Officer – giám đốc công nghệ thông tin, là người quản lý hành chính cấp cao phụ trách hệ thống thông tin nội bộ, quy hoạch và tổng hợp tài nguyên thông tin của doanh nghiệp. CIO thường dưới quyền giám đốc điều hành (CEO) hoặc giám đốc tài chính (CFO).
Mặc dù năng lực chuyên ngành rất quan trọng, nhưng nhiều công ty cũng muốn tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp có kiến thức quản lý và luôn cập nhật hiểu biết về lĩnh vực mình làm, họ cũng muốn tuyển những người có kỹ năng vững chắc về giao tiếp, lãnh đạo và hoạt động nhóm. Đây là những kỹ năng đã được dạy trong các chương trình đào tạo kỹ sư phần mềm và quản lý hệ thống thông tin. Vì vậy, giỏi chuyên môn thôi chưa đủ mà sinh viên phải đa năng cả trong các lĩnh vực phụ trợ. Các em cần hiểu cách thức mà các chu kỳ kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến nền kinh tế và ảnh hưởng tới thế giới. Trong thế giới đầy tính cạnh tranh này, sinh viên phải được chuẩn bị bởi vì họ sẽ cạnh tranh với các sinh viên, không chỉ ở trong nước mà từ cả các nước khác.
Trước đây, trường đại học dạy sinh viên phải có kỷ luật, tuân theo chỉ dẫn, làm việc cần mẫn, nhưng toàn cầu hóa đã thay đổi điều đó, các em phải chứng tỏ mình có khả năng làm được nhiều thứ như đảm bảo chất lượng, thiết kế mạng, an ninh hệ thống,... Các em phải không ngừng học hỏi những công nghệ mới nhất để có được những phương thức mới, cơ hội mới. Các em phải là người làm phần mềm chuyên nghiệp có những chuẩn mực đạo đức rõ ràng, bởi vì có những người trong số các em sẽ lãnh đạo một dự án hay công ty. Các em sẽ phải chứng tỏ rằng mình có kiến thức và kỹ năng để lãnh đạo nhóm hay công ty đi đến thành công. Các em sẽ phải duy trì thái độ giao tiếp tích cực nhưng chân thành với mọi người, giải quyết các vấn đề khi chúng xảy tới. Các em sẽ phải giữ thái độ bình thản khi mọi việc không suôn sẻ. Các em sẽ phải tạo ra những chiến lược và mục tiêu để áp ứng nhu cầu toàn cầu và cũng sẽ phải kèm cặp ai đó để thay thế các em. Có quá nhiều điều phải học nên việc học tập trọn đời là bắt buộc, bởi vì trong lĩnh vực này, chẳng có gì nguyên vẹn mãi mãi.
Nhu cầu việc làm thường cao thấp khác nhau ở mỗi công ty và mỗi thị trường việc làm. Điều tốt nhất con bạn cần làm là liên hệ với các chuyên viên tư vấn nghề nghiệp của trường. Đó là những người biết nhiều thông tin về thị trường việc làm địa phương và có thể cung cấp cho cháu lời khuyên rất hữu ích.
Con gái có làm kỹ sư phần mềm được không?
Một người bố viết cho tôi: “Con gái tôi đọc blog của thầy và muốn học kỹ thuật phần mềm. Chúng tôi muốn cháu học quản trị kinh doanh vì nghĩ kỹ sư không phải là nghề phù hợp với phụ nữ. Cháu nó không đồng ý và viện dẫn blog của thầy, nên chúng tôi muốn hỏi liệu kỹ sư phần mềm có phải là một nghề tốt không, nhất là cho nữ giới? Xin thầy lời khuyên”.
Đáp: Chúng ta đang ở kỷ nguyên thông tin, nơi nhiều thứ chịu ảnh hưởng bởi công nghệ, đặc biệt là phần mềm. Có nhiều chọn lựa nghề nghiệp rất hay, nhưng kỹ sư phần mềm có lẽ là một trong những lựa chọn tốt nhất hiện nay. Tôi vẫn tin đó là một nghề nghiệp tốt cho nữ giới. Trên thế giới có nhiều người phụ nữ thành công khi làm trong lĩnh vực phần mềm. Trong chương trình mà tôi giảng dạy ở CMU(8), có quá nửa sinh viên là nữ.
(8) CMU: là từ viết tắt của trường Đại học Carnegie Mellon University (Hoa Kỳ). Đây là một trong những trường đại học hàng đầu về công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng.
Nếu bạn nhìn vào mức lương được trả cho những người có bằng cấp về phần mềm so với mức lương của những người có các bằng cấp khác, bạn sẽ thấy có khác biệt lớn. So với những người làm việc trong các lĩnh vực khác, người tốt nghiệp chuyên ngành phần mềm thường có được vị trí tốt hơn và được trả lương tốt hơn. Chương trình kỹ thuật phần mềm cung cấp một lĩnh vực có nhiều chọn lựa để sinh viên tốt nghiệp phát triển nghề nghiệp. Các em có thể làm chuyên viên phát triển phần mềm, chuyên viên chất lượng phần mềm, kiến trúc sư phần mềm, người quản lý dự án phần mềm và thậm chí cả vị trí giám đốc IT của một công ty phần mềm. Người có bằng cấp kỹ sư phần mềm cũng có thể làm chuyên viên phân tích hoạt động kinh doanh, quản lý hệ thống thông tin, cố vấn công nghệ hay trưởng bộ phận an ninh trong một công ty tài chính hay ngân hàng. Với bằng kỹ sư phần mềm, con gái của bạn sẽ đủ năng lực để theo đuổi nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực theo ý muốn vì hầu như mọi lĩnh vực kinh doanh cũng như hành chính công đều cần người có chuyên môn về phần mềm.
Tương lai của lĩnh vực này rất xán lạn cho cả hiện nay và tương lai. Hiện nay trên toàn thế giới đang thiếu hụt người làm phần mềm có chuyên môn. Nếu tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật phần mềm, sinh viên có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới vì đây là bằng cấp được quốc tế công nhận. Con gái của bạn sẽ có được những cơ hội tương tác tuyệt vời với các chuyên gia và các cấp quản lý để phát triển nghề nghiệp. Một số người tốt nghiệp lĩnh vực phần mềm trở thành doanh nhân và thành lập công ty của riêng mình.
Nếu bạn và cháu đã đồng ý rằng đây là một ngành học tốt thì lời khuyên của tôi là nên chọn chương trình kỹ thuật phần mềm liên kết với một trường đại học danh tiếng được quốc tế công nhận, đào tạo những kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cần thiết để cháu có thể thành công trong nghề nghiệp tương lai của mình.
Kỹ sư phần mềm cần biết gì?
Về căn bản, kỹ sư phần mềm chịu trách nhiệm tạo ra những sản phẩm phần mềm chất lượng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Sinh viên kỹ thuật phần mềm được đào tạo để thiết kế giải pháp phần mềm dựa trên một tập hợp các cấu phần công nghệ. Họ học thiết kế bản mẫu để đảm bảo rằng giải pháp đó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, và học viết code (mã) để tạo ra sản phẩm dựa trên bản mẫu đó. Sinh viên học quy trình phần mềm, vòng đời phần mềm, các phương pháp phần mềm và học sử dụng các công cụ sao cho đến lúc tốt nghiệp, họ có được một bộ kỹ năng có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, sinh viên kỹ thuật phần mềm cũng không ngừng cập nhật hiểu biết về xu hướng phát triển của ngành và những công nghệ mới nhất, đồng thời có khả năng tư vấn kỹ thuật cho những người khác.
Điều thú vị nhất về kỹ thuật phần mềm là ở chỗ người tốt nghiệp có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, vì kỹ thuật phần mềm đã trở thành một phần không thể thiếu của mọi lĩnh vực.
Nếu bạn làm việc cho công ty phần mềm như Microsoft, Google, Facebook, bạn sẽ làm việc với các kỹ sư phần mềm khác và phát triển chuyên môn trong các công việc kiểm thử, lập trình, phát triển, đảm bảo chất lượng, kiến trúc và quản lý dự án,… Nếu bạn là kỹ sư phần mềm làm việc trong công ty sản xuất hay kinh doanh, bạn có thể chuyên trách các hệ thống như CRM(9), ERP(10), hay SCM(11) và phát triển mới các phần mềm hay phát triển theo hướng cá nhân hóa sản phẩm từ những phần mềm có bán sẵn trên thị trường (COTS(12)). Khi ngày càng có nhiều công ty đầu tư phát triển theo hướng tự động hóa hệ thống thông tin, họ sẽ cần nhiều kỹ sư phần mềm hơn.
(9) CRM: là từ viết tắt của Customer Relation Management, là hệ thống hay phần mềm quản trị chăm sóc khách hàng, được dùng trong doanh nghiệp để quản lý các tương tác với khách hàng, giúp duy trì và phát triển tốt các mối quan hệ trong kinh doanh.
(10) ERP: là từ viết tắt của Enterprise Resource Planning, là phần mềm hoạch định tài nguyên doanh nghiệp. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý hoạt động kinh doanh, thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu. Bộ tích hợp bao gồm nhiều công cụ: kế hoạch sản phẩm, chi phí sản xuất hay dịch vụ giao hàng, tiếp thị và bán hàng, quản lý kho quỹ, kế toán phù hợp với các công ty lớn.
(11) SCM: là từ viết tắt của Supply Chain Management, là quy trình, hệ thống, giải pháp hay dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng, thường là chuỗi cung ứng hàng hóa trong lĩnh vực logistics hay các ngành công nghiệp, nhằm đảm bảo đáp ứng tối ưu từng đơn đặt hàng của khách hàng từ lúc hoàn tất sản xuất cho đến khi hàng hóa đến tay người bán lẻ hay khách hàng.
(12) COTS: là từ viết tắt của Customize Commercial off the Shelf, là phương thức phát triển phần mềm từ các thành phần phần mềm đã có bán sẵn trên thị trường, như vậy giúp tiết kiệm chi phí so với chi phí phát triển mới nhờ mã nguồn sản phẩm được tạo ra một lần và nhiều khách hàng cùng sử dụng. Các phần mềm thông dụng được phát triển theo phương thức này là SAP, PeopleSoft dùng cho các doanh nghiệp.
Ngày nay, nền tảng di động và máy tính bảng trở thành những lĩnh vực “hot”. Những người có kỹ năng phát triển các ứng dụng cho thiết bị di động, đặc biệt là các sản phẩm của Apple hay Androids của Google. Những thay đổi trong công nghệ đòi hỏi những thay đổi trong chương trình đào tạo để chú trọng nhiều hơn vào cách tiếp cận di động. Nhiều lớp lập trình đang mở rộng để bao quát cả Java, C++, C#, Python, và Ruby on Rails(13).
(13) Ruby on Rails: là một khung làm việc được viết trên ngôn ngữ lập trình Ruby và được sử dụng trong việc xây dựng và phát triển các ứng dụng web. Ruby on Rails là phần mềm mã nguồn mở miễn phí được phát triển bởi David Heinemeier Hansson.
Với lĩnh vực công nghệ thông tin, tiếng Anh là một kỹ năng không thể thiếu. Ngày nay, hầu như mọi việc làm trong ngành CNTT đều yêu cầu bằng cử nhân, thậm chí còn ưu tiên bằng cấp cao hơn. Mặc dù ở một số nước, tốt nghiệp một trường đào tạo nghề hay lấy chứng chỉ hai năm vẫn đủ để đáp ứng yêu cầu có việc làm, nhưng thị trường đã thay đổi nhanh chóng. Ngày nay, hầu hết các phần mềm đều có quy mô ngày càng lớn hơn và phức tạp hơn, chương trình đào tạo ngắn hạn sẽ không đủ cung cấp cho người học các kỹ năng mà ngành nghề yêu cầu, đặc biệt nếu bạn muốn làm việc cho công ty toàn cầu hay công ty cung cấp dịch vụ khoán ngoài.
Mặc dù công việc của mỗi công ty và mỗi lĩnh vực chuyên môn khác nhau, nhưng phần lớn các công ty đều muốn tuyển dụng những người tốt nghiệp có kinh nghiệm phát triển phần mềm (dự án Capstone thường được tính tương đương kinh nghiệm từ sáu tới tám tháng); những người có kiến thức về quy trình phát triển phần mềm, vòng đời, các bước trong quy trình thiết kế với các kỹ năng mềm hỗ trợ thêm như giao tiếp, trình bày, quyết định, lãnh đạo và quan trọng nhất là kỹ năng làm việc nhóm (dự án Capstone thường được xem là cơ sở để đánh giá kỹ năng làm việc nhóm).
Trong các buổi phỏng vấn việc làm, phần lớn các ứng viên sẽ được hỏi về những kỹ năng như thiết kế và kiến trúc một hệ thống phần mềm tương ứng với đặc tả yêu cầu; khả năng làm việc với các thành viên nhóm được chỉ định và có khả năng tích hợp các gợi ý và thay đổi (đây là lý do tại sao kỹ năng ngoại ngữ là yêu cầu thiết yếu); cách quản lý các cấu phần kiểm thử đơn vị để đảm bảo tính chức năng ở cấp độ mô-đun và tính nhất quán của cấu trúc dữ liệu; các kỹ năng xét duyệt về thiết kế, cách thực hiện/code của các thành viên khác trong nhóm; kỹ năng viết code đúng hạn và đạt chất lượng cao, nhất quán với chuẩn của ngành; khả năng giao tiếp với khách hàng và người dùng (đây là lý do tại sao ngoại ngữ là quan trọng); và kiến thức về các xu hướng ngành nghề và những công nghệ mới nhất (đây là lý do tại sao sinh viên phải thường xuyên đọc tin tức thời sự về công nghệ và các xu hướng trong ngành).
Tương lai của nghề phát triển phần mềm
Một người mẹ viết cho tôi: “Con gái tôi muốn học chuyên ngành khoa học máy tính và trở thành một chuyên viên phát triển phần mềm, nhưng tôi không muốn cháu dành phần lớn thời gian ngồi trước máy tính. Tôi nghĩ kinh doanh và ngân hàng chắc sẽ tốt hơn cho phụ nữ vì cháu sẽ có nhiều thời gian gặp gỡ mọi người hơn. Tôi thực sự không biết công việc của một chuyên viên phát triển phần mềm là gì. Xin thầy lời khuyên”.
Đáp: Bạn cần biết tại sao con gái bạn muốn học ngành khoa học máy tính và điều gì thúc đẩy cô bé theo đuổi nghề này. Nếu lắng nghe cháu nhiều hơn, bạn có thể thay đổi suy nghĩ. Ngày nay, khoa học máy tính là một trong những ngành nghề tốt nhất trên thế giới và được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn các lĩnh vực khác. Tôi nghĩ con gái bạn đang có quyết định đúng đắn trong việc lập kế hoạch tương lai cho mình vì với tấm bằng khoa học máy tính, cháu sẽ KHÔNG gặp khó khăn nào trong việc tìm việc làm. (Lưu ý: tôi không lạc quan được như vậy với một tấm bằng trong lĩnh vực kinh doanh hay ngân hàng vào thời buổi khá bấp bênh này.)
Người ta thường hiểu nhầm rằng chuyên viên phát triển phần mềm lúc nào cũng phải ngồi trước máy tính. Thật ra, người phát triển phần mềm có nhiều cơ hội đi đó đi đây gặp gỡ khách hàng để thảo luận về các yêu cầu cho phần mềm và để bảo trì. Tất nhiên, công việc của họ là xây dựng các sản phẩm phần mềm và lập trình là một phần của công việc, nhưng KHÔNG phải là công việc duy nhất. Người phát triển phần mềm giải quyết các vấn đề của khách hàng bằng cách tìm hiểu những nhu cầu của họ và phát triển các giải pháp phần mềm. Họ sẽ thiết kế, viết code, kiểm thử, gỡ lỗi và bảo trì phần mềm trong một thời gian hạn định.
Một điều tôi có thể nói về công việc liên quan đến phần mềm là không bao giờ chán. Tùy theo quy mô của công ty (lớn hay nhỏ), loại hình công ty (cung cấp sản phẩm hay dịch vụ); cấu trúc tổ chức (phân thành nhiều cấp bậc hay ngang hàng); hệ thống quản lý (tập trung hay phi tập trung) mà công việc biến đổi rất nhiều. Tuy nhiên có một điểm chung là: Mọi công việc đều cần kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng này rất quan trọng. Tùy theo từng giai đoạn của dự án mà công việc thay đổi. Trong giai đoạn viết code hay kiểm thử, người phát triển dành nhiều ngày viết code để tạo ra các chức năng, trong khi những người khác có thể dành nhiều ngày để tìm và sửa lỗi. Trong giai đoạn kiến trúc và thiết kế, người phát triển dành nhiều ngày cho các cuộc họp để đảm bảo thiết kế một kiến trúc hệ thống tốt nhất và đó là lý do tại sao các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, lắng nghe, trình bày và lãnh đạo là quan trọng. Trong giai đoạn phân tích yêu cầu hay lập kế hoạch dự án, người phát triển thường ưu tiên dành thời gian gặp gỡ người quản lý dự án, khách hàng và những người khác trong công ty nhằm giúp định hướng dự án phần mềm.
Người phát triển xây dựng phần mềm bằng cách viết code, sử dụng các ngôn ngữ lập trình như Java hay C++ (đây là những ngôn ngữ phổ biến nhất được dạy trong trường), ngoài ra còn có các ngôn ngữ như C, Objective C, Visual Basic, PHP, Ruby, Python, JavaScript, Perl, SQL,… Nếu cháu giỏi bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào trong những ngôn ngữ vừa nêu, cháu sẽ hầu như không gặp khó khăn khi tìm việc trong lĩnh vực phần mềm.
So sánh với các bằng cấp cử nhân khác, bằng khoa học máy tính có lẽ có mức lương tốt nhất, có nhiều cơ hội thăng tiến. Ngoài ra, người phát triển cũng có tiềm năng trở thành triệu phú khi họ mở công ty riêng hay trở thành nhân viên của một công ty khởi nghiệp. Công ty khởi nghiệp thường cho nhân viên quyền chọn cổ phẩn làm phần thưởng và khi công ty khởi nghiệp thành công, nhân viên có cổ phần có thể trở thành triệu phú như trường hợp của Apple, Microsoft, Google và Facebook,… Thỉnh thoảng công ty khởi nghiệp có thể được công ty lớn hơn mua lại với số tiền khổng lồ và nhân viên công ty khởi nghiệp được thưởng theo phần trăm cổ phần. Khi Facebook mua Instagram, một công ty khởi nghiệp nhỏ có mười hai nhân viên, với giá 1 tỷ đô-la, nhiều nhân viên đã trở thành triệu phú trong phút chốc.
Tuy nhiên, vì công nghệ luôn thay đổi, con bạn cần có thái độ học tập trọn đời để theo kịp “thời đại”. Làm phần mềm yêu cầu nhiều họp hành, giao tiếp và làm việc nhóm nhiều, nên bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, cháu cũng cần trang bị các kỹ năng mềm.
Tại sao nên chọn công nghệ máy tính và công nghệ thông tin?
Một người mẹ hỏi tôi: “Tại sao thầy lại cổ vũ việc học công nghệ máy tính? Năm nay con gái tôi sẽ tốt nghiệp phổ thông và cháu khá quan tâm tới lĩnh vực công nghệ. Cháu nên lựa chọn gì?”.
Đáp: Công nghệ máy tính và công nghệ thông tin đem lại cho sinh viên những lựa chọn nghề nghiệp tuyệt vời. Theo ý kiến của tôi, đó là một nghề được trả lương rất tốt, không chỉ ở Mỹ mà ở các quốc gia khác cũng vậy. Mức lương trung bình ở Mỹ cho người có bằng cử nhân là 80.600 đô-la một năm. Sinh viên có bằng cấp chuyên môn về an ninh, tích hợp quy mô lớn và phần mềm nhúng có thể kiếm được 98.200 đô-la một năm. So với mức lương trung bình của các bằng cấp khác với khoản đầu tư bốn năm đại học, lĩnh vực này trả lương cao hơn nhiều. Công nghệ máy tính và công nghệ thông tin góp mặt trong rất nhiều thứ gây ảnh hưởng đến xã hội chúng ta ngày nay, từ âm nhạc tới phim ảnh, từ tivi tới điện thoại, từ cách vận hành mọi hoạt động kinh doanh trong nước cho đến các phương thức giao thương xuất nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ giữa các nền kinh tế trên toàn cầu. Hầu như mọi lĩnh vực, mọi hoạt động đều cần dùng đến công nghệ thông tin và nhu cầu vẫn đang ngày một tăng lên. Theo một nghiên cứu về “nghề tốt nhất ở Mỹ”, ngành nghề số một là kỹ thuật phần mềm, trước cả nghề y, dược, luật và kinh doanh. Bởi vì thế hệ trẻ ngày nay đang lớn lên cùng công nghệ và quen thuộc với laptop, điện thoại thông minh, và internet.
Theo những nghiên cứu mới đây, ở Mỹ, châu Âu, và một số nước châu Á, nguồn cung trong lĩnh vực máy tính không đủ cho nhu cầu tuyển dụng. Với tình hình thiếu hụt này, Mỹ phải “nhập khẩu” tám mươi ngàn chuyên viên phát triển phần mềm mỗi năm bằng dạng visa đặc biệt (H1B). Nhiều nước ở Tây Âu cũng cho phép những người có kỹ năng công nghệ từ các nước Đông Âu dễ dàng nhập cư vào làm việc.
Trong những năm gần đây, cả chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc đều thúc đẩy đào tạo thêm các kỹ năng liên quan tới máy tính. Số sinh viên ngành phát triển phần mềm tốt nghiệp đại học ở hai nước cộng lại là trên một triệu người mỗi năm. Nhưng thật đáng tiếc, trên 70% số đó không đủ năng lực để làm việc ngay cả ở trong nước. Lý do chính là hệ thống giáo dục của họ cũ kỹ, chậm thay đổi, nhưng vẫn phải đáp ứng chỉ tiêu chính phủ đặt ra là có nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn trong lĩnh vực này. Không tuyển chọn kỹ lưỡng đầu vào, thiếu chương trình đào tạo thích hợp, nhiều người tốt nghiệp thậm chí không có những kỹ năng cơ bản để làm công việc có chuyên môn và kết quả là số “trí thức” không có việc làm rất cao. Trước đây, hầu hết các trường đại học chỉ cung cấp hai loại bằng liên quan tới máy tính, nhưng vì công nghệ đã thay đổi nên sinh viên ngày nay có nhiều khả năng lựa chọn hơn. Trước đây, ngành đào tạo máy tính được chia thành hai chuyên ngành:
Khoa học máy tính: Chương trình này tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu các khái niệm toán học và lý thuyết về máy tính. Sinh viên học về cấu trúc dữ liệu, hệ điều hành và ngôn ngữ lập trình, cũng như các khái niệm và ứng dụng. Người tốt nghiệp trong lĩnh vực này có thể làm lập trình viên, người kiểm thử hay phát triển phần mềm. Tuy nhiên, lĩnh vực này được cho là quá chú trọng vào lý thuyết, thiếu các kỹ năng thực hành và bị bỏ lại khá xa so với nhu cầu luôn thay đổi. Trong khi đó, các học giả lại bảo vệ quan điểm cho rằng đó là cách tốt nhất để phát triển tư duy logic cho các chuyên gia công nghệ thông tin vì giáo dục đại học là để mở rộng tri thức, chứ không chỉ để cung cấp nhân lực cho ngành nghề.
Công nghệ thông tin: Chương trình này tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực như mạng máy tính, cơ sở dữ liệu, hệ thống CNTT và lập trình. Sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực này có thể làm lập trình viên, kỹ sư mạng, chuyên viên phát triển, chuyên viên quản trị cơ sở dữ liệu và chuyên viên quản lý hệ thống CNTT.
Tuy nhiên, ngày nay đã có thêm vài lĩnh vực mới:
• Kỹ thuật phần mềm: Chương trình này đem lại các phương pháp tiếp cận kỹ thuật và thực hành cho công việc phát triển phần mềm. Sinh viên học về các ngôn ngữ lập trình, vòng đời phát triển phần mềm, quy trình chất lượng, phát triển hệ thống và sản phẩm, các phương pháp và kỹ thuật. Kỹ thuật phần mềm không chỉ bó hẹp trong phạm vi lập trình, mà còn bao gồm cả những việc như thu thập yêu cầu của khách hàng, thiết kế các hệ thống lớn, duy trì và kiểm thử phần mềm. Sinh viên kỹ thuật phần mềm (Software Engineering - SE) học cách đánh giá các yêu cầu của khách hàng và phát triển sản phẩm đáp ứng cho các nhu cầu đó. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm lập trình viên, chuyên viên kiểm thử, chuyên viên phát triển, kỹ sư phần mềm, nhà quản lý dự án, chuyên viên phụ trách kỹ thuật và kiến trúc sư hệ thống.
• Quản lý hệ thông tin (MIS) hay Quản lý hệ thống thông tin (ISM): Chương trình này tập trung vào nghiên cứu lập trình doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu và các khái niệm quản lý khác thiên về các hoạt động kinh doanh. Chương trình đào tạo nghiêng về thực hành nhiều hơn ngành khoa học máy tính và chú trọng nhiều hơn vào các ứng dụng thực tế hệ thống máy tính trong doanh nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này có thể làm công việc của chuyên viên quản trị mạng, chuyên viên phân tích hệ thống, phân tích hoạt động kinh doanh, chuyên viên quản lý hệ thống, hay chuyên viên quản lý dịch vụ.
• Phát triển trò chơi máy tính: Chương trình này tập trung vào việc tạo ra và sản xuất các trò chơi máy tính. Sinh viên học cả về ngôn ngữ lập trình, phương pháp phát triển phần mềm và cả các khái niệm nghệ thuật và thiết kế, giao diện người dùng, và sự phối hợp giữa đồ họa với các công cụ thiết kế được máy tính hỗ trợ (CAD). Sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực này có thể làm công việc của người phát triển trò chơi, người lập trình, họa sĩ hoạt hình, và người thiết kế đồ họa.
• Phương tiện tương tác: Chương trình này tập trung chủ yếu vào sản xuất các website và các phương tiện kỹ thuật số khác như điện thoại di động, các trò chơi di động. Sinh viên học về ngôn ngữ lập trình, quy trình phát triển phần mềm, nền phần cứng liên quan cụ thể vào một ứng dụng nào đó. Sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực này có thể làm người lập trình, người kiểm thử, người phát triển website, người quản lý dự án và chuyên gia đa phương tiện.
Công nghệ thông tin là một lĩnh vực động vẫn đang phát triển, nên còn có những lĩnh vực mới xuất hiện mở ra nhiều cơ hội lớn nhưng việc đào tạo vẫn còn rất hạn chế, đó là các lĩnh vực:
• Sinh tin học: Chương trình này kết hợp các yếu tố từ sinh học, sinh hóa học đến khoa học máy tính để chuẩn bị cho sinh viên theo các ngành nghề trong công nghệ sinh học và công nghiệp dược. Có nhu cầu rất cao trong lĩnh vực này do tình trạng thiếu hụt gay gắt và chương trình đào tạo hạn chế.
• Khoa học tính toán sinh học: Chương trình này tập trung vào điện toán hóa các lĩnh vực khoa học – đời sống. Đây là ngành khoa học kết hợp công nghệ điện toán, sinh học, hóa học, hóa sinh, toán học và thống kê thành một lĩnh vực chuyên môn cao. Phần lớn các sinh viên tốt nghiệp sẽ đi theo hướng nghiên cứu lấy bằng tiến sĩ và làm việc ở bộ phận nghiên cứu của các công ty lớn.
• Tin học y khoa và sức khỏe: Chương trình này tập trung vào ứng dụng của công nghệ điện toán trong môi trường y tế. Một số sinh viên sẽ làm việc như chuyên gia công nghệ cho các bệnh viện nơi hồ sơ bệnh nhân được số hóa, tổ chức và lưu trữ hồ sơ.
Khi công nghệ thay đổi, sẽ có nhiều lĩnh vực mới nữa nổi lên và nhu cầu nhân lực có kiến thức về máy tính sẽ tiếp tục tăng hơn nữa. Cầu sẽ vượt xa cung trong nhiều năm tới.
Ngành nghề chăm sóc sức khỏe
Một người mẹ hỏi: “Tôi muốn cho con tôi sang Mỹ học STEM, nhưng tôi muốn biết có ngành gì khác ngoài máy tính và kỹ thuật mà mang lại cơ hội nghề nghiệp tốt hơn không? Xin thầy lời khuyên”.
Đáp: Bên cạnh khoa học máy tính và kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực rất đáng quan tâm, và luôn có nhu cầu cao về nhân lực. Nếu bạn muốn con bạn có một nghề nghiệp tốt, ngành chăm sóc sức khỏe có thể là cách tuyệt vời để đạt được mục đích.
Chăm sóc sức khỏe là phòng ngừa và điều trị bệnh tật thông qua các dịch vụ được cung cấp bởi nhiều công việc chuyên môn khác nhau như các chuyên ngành y tế tương cận(14), công nghệ y học, y khoa và điều dưỡng. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần rất nhiều nhân lực vì đây là một lĩnh vực rất rộng, với trên một trăm chương trình, từ quản trị y khoa tới bệnh viện, từ điều dưỡng tới công nghệ X quang. Yêu cầu về bằng cấp chuyên môn của mỗi nghề mỗi khác. Một số nghề yêu cầu phải học từ bảy đến mười năm như y khoa, nhưng một số nghề chỉ yêu cầu học trung cấp hai năm như các chuyên ngành y tế tương cận hay công nghệ y khoa. Mọi bằng cấp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đều yêu cầu một thời gian thực tập hoặc nội trú tối thiểu nhất định để làm chủ những kỹ năng cần thiết khi chính thức đi làm.
(14) Chuyên ngành y tế tương cận (allied healthcare) là những ngành nghề y tế phụ cận hỗ trợ cho nghề y trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm bốn phân ngành: vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp, y tá và gây mê,…
Khi quyết định theo đuổi một bằng cấp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, điều quan trọng là bạn và con cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng chương trình đào tạo để có thể chọn được một chương trình giúp cháu chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp tương lai. Theo dự báo của chính phủ Mỹ, từ năm 2015 đến 2025, nhu cầu của các nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ tăng 21%, tỷ lệ tăng cao hơn hẳn so với các nghề khác. Xét về khả năng ổn định cuộc sống tốt hơn mức trung bình và tiềm năng mở rộng của thị trường việc làm này, việc theo đuổi một công việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là lựa chọn hoàn toàn xứng đáng.
Học lấy bằng thạc sĩ
Một người mẹ viết cho tôi: “Con trai tôi sẽ tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học máy tính trong năm nay. Tôi muốn cháu tiếp tục học lấy bằng thạc sĩ và có thể cả bằng tiến sĩ (PhD) ở Mỹ. Câu hỏi của tôi là: Phải mất bao lâu để hoàn tất chương trình thạc sĩ? Cháu có thể làm được những công việc nào với bằng thạc sĩ? Cháu có thể đạt được mức thu nhập bao nhiêu nếu làm việc ở Mỹ?”.
Đáp: Thông thường, chương trình thạc sĩ ở Mỹ được thiết kế để hoàn thành trong hai năm. Một số học viên học hành chăm chỉ thì có thể hoàn tất chương trình trong một năm rưỡi. Có những trường đại học đưa ra chương trình cho phép học viên hoàn thành chỉ trong một năm hay ít hơn. Một chương trình đào tạo có chất lượng thì không thể rút ngắn, trừ khi học viên chỉ muốn có bằng và không chú trọng tri thức. (Xin đọc những bài của tôi về trường đại học giả và trường vì lợi nhuận).
Về căn bản, có hai loại bằng thạc sĩ: “bằng thạc sĩ chuyên nghiệp” đào tạo học viên về chuyên môn trong một lĩnh vực kỹ thuật; “bằng thạc sĩ nghiên cứu” tập trung vào nghiên cứu và cho phép học viên tiếp tục theo chương trình tiến sĩ (PhD). Học viên phải quyết định sẽ ghi danh vào chương trình nào (nghiên cứu, hay chuyên nghiệp) tùy theo mục tiêu học tập của họ.
Bằng thạc sĩ chuyên nghiệp: Loại bằng này được thiết kế để cho phép sinh viên xây dựng kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong một lĩnh vực nhất định. Học viên phải hoàn thành một số tín chỉ được yêu cầu và một dự án capstone. Phần lớn bằng thạc sĩ chuyên nghiệp đều được phát triển dựa trên nhu cầu của ngành nghề hay những công nghệ mới nổi lên. Chẳng hạn, thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) hay thạc sĩ khoa học máy tính về an ninh, thạc sĩ quản lý hệ thống thông tin về phân tích Big Data,… Tùy theo nhu cầu của ngành nghề, nếu chọn bằng thạc sĩ chuyên nghiệp đúng ngành nghề phù hợp, các em có thể có được mức lương và phúc lợi rất tốt. Chẳng hạn, bằng thạc sĩ khoa học về Big Data hay an ninh máy tính có thể kiếm được từ 100 ngàn tới 130 ngàn đô-la một năm (dữ liệu năm 2013).
Bằng thạc sĩ nghiên cứu: Loại bằng này tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, nên nghiên cứu sinh phải biết trước họ muốn làm việc trong lĩnh vực nào. Sau khi được chấp thuận, nghiên cứu sinh thường làm việc với một vị giáo sư hướng dẫn. Để hoàn thành chương trình này, học viên phải viết một luận văn và qua được một kỳ kiểm tra toàn diện do các giảng viên của khoa sau đại học tổ chức. Bằng thạc sĩ nghiên cứu được thiết kế cho những học viên có nguyện vọng tiếp tục theo chương trình tiến sĩ. Không dễ tìm việc làm với bằng thạc sĩ nghiên cứu vì hầu hết các công việc trong lĩnh vực nghiên cứu đều đòi hỏi bằng tiến sĩ.
Con trai bạn nên nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm được trường đại học phù hợp. Cậu ấy cần biết rõ mình muốn gì. Bên cạnh đó, nên nộp đơn vào vài trường đại học vì việc tuyển sinh hiện nay mang tính cạnh tranh rất cao, nhất là ở những trường đại học hàng đầu, nên con trai bạn cần chuẩn bị tinh thần. Cậu ấy cần học để thi các chứng chỉ GRE cũng như TOEFL sớm nhất có thể.
Tại sao cần học công nghệ?
Một sinh viên hỏi tôi: “Tại sao thầy nghĩ công nghệ quan trọng mà không phải là lĩnh vực gì khác? Dường như thầy đang quảng cáo cho lĩnh vực thầy giảng dạy và khuyến khích sinh viên theo ngành học này. Đó có phải là lời khuyên tốt không?”
Đáp: Ngày nay, công nghệ đang ngày càng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu. Bạn kết nối internet để có thể nói chuyện với bất kỳ ai trên thế giới bằng Skype. Bạn liên hệ với bạn bè và chia sẻ mọi thứ qua Facebook. Bạn chụp ảnh bằng ứng dụng chụp ảnh của điện thoại di động rồi tải chúng lên Flickr để bạn bè của bạn có thể tải xuống và chia sẻ. Khi đi du lịch đến một đất nước nào đó mà không biết tiếng nước họ, bạn dùng điện thoại mang theo, nói tiếng Anh, gõ vào ứng dụng dịch và nó sẽ dịch điều bạn nói sang tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật hay bất kỳ ngôn ngữ nào mà bạn chọn. Bạn có thể học online, nghe bài giảng và gửi bài tập được giao về nhà cho giáo sư qua email. Bạn có thể mua gần như mọi thứ trên mạng, dù là một bài hát, quyển sách, chiếc quần jean, tivi, hay thậm chí ô-tô. Tất cả những điều này, những thứ làm thay đổi cuộc sống của bạn, đều bắt nguồn từ công nghệ, và đó là lý do tại sao nó quan trọng.
Nếu bạn vẫn không tin công nghệ quan trọng và có thể tác động lên xã hội thì bạn có thể nhìn vào những chiếc ô-tô tự lái hiện đã có trên thị trường. Bạn ngồi vào xe, nói cho nó nơi bạn muốn đến, phần mềm nhận dạng tiếng nói sẽ kích hoạt xe và đưa bạn tới đó. Bạn có thể ngồi trên xe đọc một quyển sách hay xem tivi mà không phải lo lắng vì xe được thiết kế để lưu thông dựa trên các cảm biến đặc biệt của nó. Đây không phải là chuyện khoa học viễn tưởng nữa mà đã trở thành hiện thực. Từ năm 2013, California là bang thứ ba ở Mỹ, sau Florida và Nevada, cho phép ô-tô tự lái được lưu thông và một trong những người đầu tiên đi làm bằng xe này là Sergey Brin, người sáng lập Google.
Nếu bạn vẫn không tin công nghệ là quan trọng và có thể tác động lên xã hội, bạn có thể tới thăm một số cơ xưởng mới ở Mỹ, Anh và ngay cả ở Trung Quốc, bạn có thể thấy một nửa số nhân công làm việc ở đó… thật ra là robot. Các robot nâng vật liệu nặng, đóng gói sản phẩm vào xe tải để vận chuyển đi,… Những “người thật” làm việc ở đó lại ngồi trước màn hình máy tính để giám sát những con robot này, cho chúng các chỉ lệnh phải làm gì và đảm bảo để chúng không phạm sai lầm. Ngày nay, 35% công việc chế tạo được thực hiện bởi máy móc tự động và robot; con số này được mong đợi sẽ tăng lên tới 50% vào năm 2020 (bài này được viết năm 2013) và 85% vào năm 2030. Điều gì sẽ xảy ra cho công nhân lao động ở các cơ xưởng sản xuất? Hoặc là họ học thêm công nghệ và quản lý robot, hoặc họ sẽ mất việc làm.
Công nghệ có thể hỗ trợ cho con người nhiều thứ. Công nghệ cũng làm ra tiền cho các công ty phát triển nó, tạo ra nhiều việc làm thu nhập cao cho những người có kỹ năng công nghệ – các doanh nhân khởi nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, kỹ sư, các nhà toán học. Ngày nay 80% người giàu nhất thế giới đều xuất phát từ các ngành công nghệ hay đã đầu tư vào lĩnh vực này. Ngày nay chúng ta mới bắt đầu thấy tác động của công nghệ, nhưng có nhiều điều nữa sẽ xảy đến và đang đến rất nhanh. Nếu không học về STEM, bạn có thể bị bỏ lại đằng sau. Công nghệ là con sóng lớn, hoặc là bạn cưỡi lên nó hoặc nó sẽ nhấn chìm bạn. Đó là lựa chọn của bạn.