Phát triển con người toàn diện
Ngày nay, các trường đại học đang đối diện với thách thức của việc bồi dưỡng những sinh viên có thành tích cao. Đó là những sinh viên có kỹ năng bậc cao với động cơ học tập mạnh mẽ, kỹ năng kỹ thuật và lãnh đạo tốt để có thể làm việc ở những vị trí cao hơn những người khác. Giáo dục truyền thống cung cấp cho học sinh tri thức và kỹ năng để chuẩn bị cho nghề nghiệp của các em sau khi tốt nghiệp, nhưng nó thường KHÔNG chú trọng việc phát triển cho học sinh sự chín chắn, lòng can đảm, niềm tin, trong khi đó chính là những phẩm chất thiết yếu để phát triển năng lực quản lý và lãnh đạo. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng giáo dục bậc cao hơn cần tập trung phát triển con người TOÀN DIỆN chứ không chỉ cung cấp kiến thức chuyên ngành.
Giáo dục bậc đại học cần hiểu rằng thành tích, sự chính trực và năng lực đều phụ thuộc vào thái độ và độ chín chắn của sinh viên. Sinh viên trưởng thành hiểu bản thân mình và cũng biết cách nhìn mọi việc từ góc nhìn của người khác. Sinh viên trưởng thành sẽ hiểu năng lực của bản thân và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Các em cũng phát triển các đức tính như công bằng, khoan dung và rộng lượng, là những đức tính mang lại lợi ích cho xã hội và đất nước. Tôi tin giáo dục bậc cao phải giúp cho sinh viên hoàn thiện năng lực cá nhân, cũng như cung cấp cho các em tri thức và kỹ năng bởi vì đó là nền tảng của những cá nhân thành tích cao, tương ứng với trách nhiệm và tinh thần làm việc nhóm cao.
Trường đại học cần hướng dẫn nghề nghiệp cho sinh viên ngay khi vào trường và giúp các em lựa chọn điều các em muốn đạt tới trong cuộc sống dựa trên năng lực của bản thân. Nhiều sinh viên năm thứ nhất vẫn không biết cách định hướng hay lựa chọn nghề nghiệp để theo đuổi. Đôi khi bố mẹ các em quyết định thay cho con và đôi khi các em ra quyết định vội vã dựa trên ảnh hưởng từ bạn bè. Nhà trường có thể dùng bảng câu hỏi phát triển cá nhân để giúp các em định hướng nghề nghiệp, và điều này nên bắt đầu với con người, chứ không phải bắt đầu từ kỹ năng, từ ngành học hay từ điểm thi. Hãy bắt đầu từ thái độ và sự trưởng thành về cảm xúc của sinh viên.
Khi sinh viên hiểu được năng lực của bản thân, các em sẽ tự tin hơn và đáp ứng tốt với những lựa chọn hướng đi cho chính mình. Nếu thiếu sự tự tin, nhiều người trong các em có thể chỉ đơn giản nhắm mắt đưa chân, đi theo một con đường nào đó tình cờ mở ra trước mắt, vì các em cảm thấy không an tâm về chọn lựa của chính mình. Chẳng hạn, nếu nghề máy tính đang “hot” thì các em sẽ chọn học ngành máy tính, bất kể các em có yêu thích lĩnh vực này hay không. Nhiều sinh viên để mặc bố mẹ quyết định thay cho mình, và tất nhiên, phần lớn bố mẹ thích con cái học các ngành như y, dược, phần mềm hay kinh doanh, bất kể năng lực của con cái đến đâu.
Tôi đã thấy nhiều sinh viên thất bại và bỏ học chỉ sau một năm vì không có năng lực hay chưa đủ chín chắn để theo đuổi đường hướng bố mẹ đã đặt ra cho mình. Nhiều em thừa nhận với tôi rằng em cảm thấy nản chí và cuộc sống của em chẳng là gì ngoài thất bại. Đây là lý do vì sao tôi tin trường đại học phải tham gia vào việc giúp sinh viên xây dựng sự tự tin và hướng dẫn khi các em bắt đầu năm thứ nhất ở trường.
Tôi hiểu rằng xây dựng sự tự tin cho sinh viên đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ đội ngũ chuyên viên của trường, nhưng đó là sự đầu tư tốt cho nhà trường và cho xã hội. Là những người làm giáo dục, chúng ta không muốn thấy những thất bại trong nhà trường. Chúng ta không muốn thấy sinh viên của mình bỏ học vì không kham nổi môn học. Chúng ta không muốn thấy sinh viên của mình chọn sai ngành học vì các em không biết ngành nghề nào là thích hợp cho mình. Chúng ta phải dành thời gian và nỗ lực giúp bồi dưỡng các em để các em đạt được điều mong muốn trong môi trường học tập. Trường học không nên là một nơi để cạnh tranh giữa người thắng, kẻ thua. Trường học không nên là chỗ để đối chọi giữa người được chọn với kẻ bị loại. Trường học phải là nơi hướng dẫn và nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần của sinh viên để các em có được niềm tin vào bản thân và tự quyết định nghề nghiệp cho chính mình.
Kiểu giáo dục truyền thống chú trọng sự tranh đua và đối chọi cần được thay đổi. Kiểu giáo dục này KHÔNG CÒN phù hợp với môi trường học tập ngày nay. Sinh viên không nên sợ thất bại, bởi vì thất bại chỉ khuyến khích sự sợ hãi. Nếu trường học là nơi cạnh tranh và đối địch, sinh viên sẽ học theo kiểu đối đầu, cạnh tranh và chiến thắng bằng mọi giá và các em không thể làm việc nhóm tốt. Các em nên hiểu rằng khi làm việc nhóm, không có kẻ thắng người thua vì tất cả đều có cùng mục tiêu. Sinh viên nên được khuyến khích học tập, thám hiểm, khám phá để các em xây dựng sự tự tin, lòng kiên nhẫn và sẵn sàng đón nhận nền giáo dục mà các em được thừa hưởng. Nếu những nỗ lực được công nhận, các em sẽ chủ động đặt mục tiêu và định hướng cho mình. Nếu được khuyến khích chia sẻ thông tin và thảo luận về mục tiêu học tập, các em sẽ học được sự rộng lượng và chân thành khi mọi người đều có phần đóng góp cho đội nhóm. Nếu được đối xử công bằng, các em sẽ học được lẽ công bằng, lòng tốt và học cách tôn trọng lẫn nhau. Nếu được đối xử bằng tình thân hữu, các em học được tính chân thật và niềm tin vào bản thân. Khi có niềm tin, các em sẽ học được cách tin cậy và giúp đỡ người khác, và đó là sự khởi đầu cho việc làm việc nhóm và năng lực lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo đòi hỏi phải có khả năng bao quát và sự chín chắn. Người lãnh đạo tốt luôn là người biết lôi cuốn mọi người và kéo mọi người vào cuộc, vì ích lợi của cái toàn thể mà tận dụng hiệu quả năng lực và tiềm năng của các thành viên.
Không có sự đầu tư nào tốt hơn đầu tư cho giáo dục và không có sự đầu tư giáo dục nào tốt hơn đầu tư vào học sinh, sinh viên.
Tầm nhìn cho việc chọn ngành học
Một số sinh viên biết bản thân muốn trở thành người như thế nào khi bước vào đại học, nhưng số khác khá mơ hồ về kế hoạch tương lai của mình. Đại học không chỉ là nơi học kiến thức để kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, mà còn là nơi để học về bản thân và trưởng thành, trở thành con người có trách nhiệm với gia đình, với xã hội và đất nước. Thời gian ở đại học tương đối ngắn trong khi có rất nhiều thứ cần học, nên điều quan trọng là sinh viên cần chuẩn bị cho bản thân trước thách thức này.
Khi vào đại học, các em cần phải suy nghĩ nghiêm túc về nghề nghiệp mà các em muốn theo đuổi và đây là LỰA CHỌN CỦA CÁC EM. “Nghề nghiệp” là thứ chúng ta sẽ làm trọn đời trong khi “việc làm” là thứ chúng ta chỉ làm để được nhận thù lao. Các em phải nghĩ xa hơn về nghề nghiệp, chứ không chỉ nghĩ về việc làm khi chọn ngành học. Các em phải tự suy ngẫm, bởi vì đó là cuộc sống và tương lai của các em. Các em phải hỏi những câu hỏi này: Mình thích làm gì? Mình thích những môn học nào? Những điều mình cảm thấy miễn cưỡng khi làm nhất? Mình giỏi việc gì? Những gì là quan trọng đối với mình? Điều quan trọng là giúp các em lập kế hoạch nghề nghiệp đúng đắn với lĩnh vực học tập mà các em chọn ưu tiên phát triển. Nếu phải học cái mà bản thân không thích hay không cảm thấy đam mê thì các em sẽ không thành công.
Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định, các em phải xem xét yếu tố “thực tế”. Chẳng hạn, nếu yêu thích bóng đá, có thể các em muốn trở thành cầu thủ bóng đá, nhưng câu hỏi là nếu trở thành cầu thủ bóng đá, liệu các em có cần học đại học không? Bất kỳ ai, lúc nào cũng có thể chơi bóng đá như một môn thể thao. Tôi biết nhiều kỹ sư phần mềm thích chơi bóng đá sau giờ làm việc vì bóng đá là một môn thể thao hay nhưng nó có thể không phải là một nghề nghiệp mà bạn có thể làm trọn đời. Tất nhiên, có những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chơi rất giỏi như Beckham hay Ronaldo, nhưng những người như vậy rất hiếm hoi trên thế giới này, trong khi có hàng triệu triệu người muốn được như họ. Tương tự như vậy nếu các em muốn trở thành ngôi sao điện ảnh. Đây là một nghề nghiệp đầy hào nhoáng, các ngôi sao làm ra rất nhiều tiền, nhưng cơ hội để trở thành một siêu sao lại rất xa vời. Đó là lý do tại sao học sinh cần xét tới yếu tố “thực tế” để chắc rằng lựa chọn của các em là “hợp lý” và dựa trên thực tế chứ không phải là “mơ ước viển vông”.
Nếu toán học là môn con bạn giỏi nhất và cháu hứng thú với mọi thứ liên quan tới tính toán, hãy nghĩ về kế toán, tài chính hay toán học. Nếu con bạn thích máy móc và những thứ thuộc về cơ khí, hãy nghĩ đến một ngành kỹ thuật. Nếu con bạn thích công nghệ, có thể khoa học máy tính hay kỹ thuật phần mềm là lựa chọn tốt. Cách tốt hơn là hỏi những người đang làm việc trong lĩnh vực đó để có thể hình dung rõ hơn về nghề nghiệp. Hằng năm, tôi bao giờ cũng khuyên sinh viên tới thăm các công ty phần mềm, nói chuyện với những người làm việc ở đó và quay về cùng thảo luận ở lớp những điều các em đã quan sát được. Hoàn toàn hợp lý nếu con bạn thay đổi quyết định trong năm đầu đại học, nhưng các em phải giữ vững lập trường nếu quyết định đi tiếp năm thứ hai với nghề nghiệp đã chọn, bởi vì việc chuyển đổi ngành học càng về sau càng tốn kém và lãng phí thời gian.
Trong thế giới toàn cầu hóa, giáo dục đại học là cần thiết, là một yêu cầu và cũng là tài sản quan trọng. Bằng cấp KHÔNG quan trọng bằng tri thức và kinh nghiệm mà sinh viên có được trong thời gian ở đại học. Cách các em học, những hoạt động mà các em tham gia, bạn bè và những người các em gặp, đều là những yếu tố quan trọng dẫn tới một nghề nghiệp thành công trong tương lai. Đó là những nền tảng mà chúng ta cần giúp các em xây đắp cho tương lai.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, mọi thứ thay đổi vô cùng nhanh chóng và nhiều thứ đã không còn giống như trước đây. Khi bắt đầu nghề nghiệp của mình, các em sẽ phải cạnh tranh không chỉ với những người trong nước, mà còn từ khắp nơi trên thế giới. Đó là lý do tại sao các em phải nhìn nhận nghiêm túc về việc học của mình, ĐỪNG BAO GIỜ chọn lối đi tắt bởi vì bên cạnh tri thức, thời gian ở trường đại học cũng giúp các em xây dựng tính cách, bản lĩnh và nhân cách. Hãy xem trọng việc trở thành một người có giáo dục, một công dân tốt, có trách nhiệm với gia đình, bạn bè và đất nước.
Bạn có thể làm gì để đảm bảo rằng đầu tư vào giáo dục đại học là đầu tư thành công? Lựa chọn đúng ngành học và tận hưởng nó. Làm sao để biết rằng ngành học con bạn đang theo đuổi là lựa chọn đúng? Đó là khi cháu đồng ý với những câu sau:
1. Bạn yêu thích các giờ học ở lớp và luôn hào hứng muốn tới lớp mỗi ngày.
2. Bạn hứng thú với những điều học được ở lớp.
3. Bạn đọc hết các bài được giao trước giờ lên lớp và sẵn sàng thảo luận với bạn bè và thầy cô giáo.
4. Bạn đặt những câu hỏi hay và đưa ra những phản hồi có ý nghĩa trong lớp.
5. Bạn kính trọng thầy cô giáo, bạn học cùng lớp và thảo luận các vấn đề một cách tích cực.
6. Bạn ưu tiên hoàn thành các bài tập được giao để hoàn thành các mục tiêu học tập đã đề ra.
6. Bạn động viên và ảnh hưởng tích cực đến đội nhóm của mình.
7. Bạn quan tâm bạn bè, gia đình và muốn bố mẹ biết rằng bạn rất vui thú khi được đi học.
8. Bạn quản lý mối quan hệ tốt với tất cả bạn bè.
Đâu là môn học quan trọng nhất ở trường trung học?
Một thầy giáo viết cho tôi: “Tôi đồng ý với thầy về việc không cần dạy công nghệ cho học sinh tiểu học, nhưng chúng ta có nên xem trọng việc dạy môn công nghệ ở trường trung học và chuẩn bị cho các em vào đại học không?”.
Đáp: Theo ý kiến của tôi, có nhiều thứ học sinh cần phải học ở trường trung học ngoài những kiến thức cơ bản đã được đưa vào chương trình đào tạo hiện thời như khoa học, toán học, lịch sử, địa lý,... Đây là giai đoạn các em học sinh mới lớn từng bước trưởng thành. Thầy cô giáo cần phải giúp các em phát triển những phẩm chất đạo đức từ trong suy nghĩ và nhận thức về trách nhiệm của các em. Nền văn hóa của chúng ta xem gia đình là nền tảng của xã hội, điều này khác với văn hóa phương Tây xem cá nhân là nền tảng. Các em học sinh cần hiểu được sự khác biệt này để không phạm sai lầm khi vội vàng chấp nhận mọi thứ từ văn hóa phương Tây mà quên đi gốc rễ văn hóa của dân tộc mình.
Tôi tin một nền giáo dục trung học tốt cần nhấn mạnh truyền thống tôn kính gia đình và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Nếu quý trọng truyền thống gia đình thì các em cũng sẽ coi trọng giá trị của lòng trung thành với Tổ quốc, và sẵn sàng bảo vệ đất nước khi cần. Là công dân tốt, các em phải phát triển một nhân cách mạnh mẽ và có khả năng chịu nhiều thử thách mà không đầu hàng hoàn cảnh. Tôi tin mục tiêu của giáo dục ở trường tiểu học là xây dựng nền tảng và gốc rễ vững chắc trong gia đình, còn mục tiêu của giáo dục ở bậc trung học là xây dựng nhân cách đạo đức của một công dân. Một nhân cách mạnh mẽ luôn trải qua những thử thách và những người có thể vượt qua thử thách, vượt qua mọi chướng ngại với tinh thần bền bỉ sẽ đạt tới những điều lớn lao.
Chỉ với nền tảng được tạo lập vững chắc trong gia đình và tinh thần trách nhiệm cao về đạo đức với đất nước, các em mới có thể xác định bản thân cần gì, liệu các em có cần học môn công nghệ hay không. Công nghệ nên là một môn học tự chọn ở trường trung học cho những học sinh muốn học. Tôi không nghĩ chúng ta cần chú ý quá nhiều tới công nghệ hay sợ rằng học sinh của chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Mọi quốc gia đều có ưu tiên và định hướng riêng, chúng ta không cần làm theo bất kỳ ai. Điều quan trọng là phát triển công dân trở thành những con người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp hơn là những con người giỏi chuyên môn với nhận thức đạo đức kém.
Là giáo viên, tôi thật sự tin rằng giáo dục học sinh trở thành những công dân tốt là nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta. Các em sẽ còn rất nhiều thời gian để học công nghệ, nhưng không có đủ thời gian cho các em phát triển nền tảng đạo đức được thiết lập vững chắc trong gia đình và đất nước. Đó là lý do tại sao vai trò của giáo viên lại quan trọng hơn bao giờ hết.
Giáo dục với xu hướng tự động hóa
Theo một báo cáo chuyên ngành, trên 65% việc làm trong các cơ xưởng đã biến mất kể từ năm 2010, thay bằng tự động hóa (robot và máy móc thông minh). Phần lớn các cơ xưởng làm công việc khoán ngoài (outsource) cũng dần ngưng hoạt động, tạo ra nhiều vấn đề cho các nước đang phụ thuộc vào khoán ngoài cơ xưởng.
Báo cáo này cũng cho thấy có thể kiếm được các công việc ở cơ xưởng, nhưng những công việc đó yêu cầu phải có các kỹ năng khác, chủ yếu là quản lý quy trình tự động hóa trong cơ xưởng. Nhiều xưởng sản xuất lớn báo cáo rằng họ thiếu hụt nghiêm trọng những ứng viên đủ năng lực cho các vị trí yêu cầu kỹ năng cao này. Vấn đề này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm tới, khi ngày càng nhiều cơ xưởng sử dụng robot và dự đoán sẽ có xấp xỉ 100.000 vị trí không tìm được người làm do thiếu hụt các ứng viên có kỹ năng. Câu hỏi đặt ra là tại sao không đào tạo những công nhân cơ xưởng thất nghiệp để làm những công việc đó? Báo cáo này cũng cho thấy rằng phần lớn công nhân cơ xưởng đều có kiến thức kỹ thuật giới hạn, nhiều người chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học, họ gặp khó khăn khi giải quyết những công việc phức tạp nên đã bị mất việc.
Thực tế là giáo dục trung học không đủ đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng cho những việc làm kỹ thuật nói trên. Có một điều rõ ràng: Khi cơ xưởng thực hiện tự động hóa, công nhân cần được cung cấp các nội dung đào tạo như lập trình và kiến thức về hệ thống máy tính để đáp ứng những nhu cầu này. Bất kể bạn sinh sống ở đâu, tự động hóa cơ xưởng vẫn diễn ra, từ Mỹ, châu Âu tới châu Á và chẳng bao lâu nữa sẽ là châu Phi. Điều quan trọng với mọi học sinh trung học là phải học nhiều hơn về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) để có thể theo đuổi bậc giáo dục cao hơn hay đi theo hướng đào tạo nghề – học các kỹ năng theo các ngành nghề kỹ thuật này.
Trên toàn thế giới, nước nào cũng có nhu cầu cấp bách về số lượng sinh viên vào học các ngành nghề kỹ thuật, nhưng hiện có bao nhiêu vị lãnh đạo hiểu được xu hướng tự động hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Bao nhiêu người lãnh đạo hiểu rằng giáo dục STEM là thiết yếu để đáp ứng hầu hết các công việc trong tương lai? Bao nhiêu vị lãnh đạo vẫn còn chủ trương mở nhiều cơ xưởng và khu công nghiệp để hấp dẫn các công việc khoán ngoài dựa trên chính sách kinh tế từ những năm 1990?
Ngày nay, tự động hóa với robot và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra nhiều việc làm, nhưng công nhân phải có kiến thức nhất định về khoa học và công nghệ, điều này với nhiều nước vẫn còn xa lạ. Năm ngoái, khi đi dạy ở Ấn Độ, tôi thấy một số quản đốc cơ xưởng đến làm việc với trường đại học để hợp tác đào tạo cho sinh viên các kỹ năng kỹ thuật. Một người quản lý cấp cao giải thích: “Không phải tất cả những người tốt nghiệp đại học đều sẽ làm việc trong văn phòng, mà nhiều người trong số họ sẽ làm việc ngay trong cơ xưởng. Vâng, họ là những người công nhân cơ xưởng, nhưng không giống công nhân trong quá khứ dùng sức mạnh cơ bắp, những công nhân thời nay sẽ dùng sức mạnh của bộ não. Họ sẽ quản lý dây chuyền lắp ráp, công nhân trên những dây chuyền lắp ráp này không phải là người mà là robot. Những sinh viên học việc này được đào tạo để lập trình cho robot làm việc thay cho họ. Điều chúng tôi đang làm bây giờ là giúp họ chuẩn bị cho công việc của tương lai”.
Tuy nhiên, một giáo sư than: “Vấn đề của chúng ta là có hai chiều hướng đối lập trong hệ thống giáo dục: hệ thống cũ và hệ thống mới, và chúng không có điểm chung. Hệ thống cũ đào tạo theo kiểu truyền thống với nhiều môn học lý thuyết tiêu tốn phần lớn thời gian của sinh viên. Hệ thống mới chú trọng STEM để đào tạo cho sinh viên nghề nghiệp tương lai, nhưng vẫn trong giai đoạn thăm dò và không được những người lãnh đạo ngành giáo dục chấp nhận. Nhiều thầy cô giáo vẫn thích giảng dạy theo hệ thống cũ, hay giữ nguyên những kiến thức họ đã dạy suốt bao năm qua. Họ không thích chương trình học STEM mới với các nội dung về máy tính và liên quan đến kỹ thuật. Nhiều người trong số họ không được đào tạo những kỹ năng đó và họ sợ mất việc làm. Giáo dục STEM không được chấp nhận trong hệ thống trường học truyền thống. Ít nhất là chưa. Kết quả là nhiều sinh viên vẫn chọn những ngành học dựa trên những gì quen thuộc với các em, chứ không hẳn là những gì có nhu cầu cao. Với thông tin giới hạn về giáo dục STEM và tác động của nền kinh tế lấy công nghệ làm chủ đạo, phần lớn sinh viên không biết nghề nghiệp nào là tốt cho mình. Nhiều gia đình vẫn đi theo nghề nghiệp truyền thống, nhiều sinh viên vẫn đang học các môn truyền thống ở đại học, và nhiều sinh viên tốt nghiệp mà không có kỹ năng kỹ thuật đặc biệt nào sẽ có thể không tìm được việc làm.
Một đồng nghiệp của tôi giải thích: “Có rất nhiều hội thảo về STEM và kiến thức kỹ thuật. Tuy nhiên, muốn đưa vào thực hiện chương trình đào tạo mới trong hệ thống giáo dục truyền thống thì sẽ phải vượt qua rất nhiều sự chống đối. Có thể phải mất mười hay hai mươi năm cho việc thay thế các thầy cô giáo ‘truyền thống’, những người được giáo dục trong hệ thống cũ, bằng một thế hệ các thầy cô giáo trẻ hơn đã quen với công nghệ”.
Tôi bảo anh ấy: “Trong nền kinh tế lấy công nghệ làm chủ đạo này, công nghệ cứ sau vài tháng lại thay đổi, sự thích ứng nói trên sẽ là quá chậm, và kết quả có thể là thảm họa. Tôi nghĩ sinh viên và gia đình các em phải đòi hỏi sự thay đổi trong hệ thống giáo dục ngay bây giờ. Khi hiểu được thực tế tình hình nền kinh tế toàn cầu và tác động của nó, các phụ huynh sẽ biết chuyện gì xảy ra nếu con cái họ không có những kỹ năng nói trên. Khi được cung cấp nhiều thông tin hơn về các xu hướng tự động hóa, và tình trạng thiếu hụt những công nhân có kỹ năng, sinh viên sẽ biết bản thân cần học những gì. Nếu hướng dẫn và đào tạo thêm nhiều sinh viên trong các ngành nghề khoa học và công nghệ, chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và cho sinh viên cơ hội để phát triển nghề nghiệp tốt”.
Nền giáo dục toàn cầu
Trong khi các nhà kinh tế bận rộn tìm giải pháp cho vấn nạn thất nghiệp hiện nay, một số nhà chiến lược đang lập ra những kế hoạch cạnh tranh toàn cầu trong tương lai. Cuộc chiến này dần định hình ngành giáo dục, nhắm đến việc phát triển lực lượng lao động tương lai để tăng trưởng kinh tế.
Tất cả các chỉ báo kinh tế đều cho thấy rằng số lượng ghi danh vào các bậc học cao tăng lên là yếu tố hàng đầu góp phần tăng trưởng kinh tế. Khi một nước có nhiều sinh viên đại học thì đất nước đó sẽ có tiềm năng đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh trong những thập niên sau. Điều này đã xảy ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore vào cuối những năm 1980 và các nước này hiện nay vẫn đang tận hưởng mức tăng trưởng kinh tế tốt nhất trong lịch sử nước họ.
Trung Quốc cũng muốn làm tương tự với khoản đầu tư hàng năm là 250 tỷ đô-la vào giáo dục đại học. Bắt đầu từ những năm 2000, chính phủ Trung Quốc đã tăng gấp đôi số trường đại học và tăng số sinh viên đại học lên gấp năm lần. Có lẽ đây là quy mô lớn nhất trong lịch sử giáo dục đại học của đất nước này. Kết quả là 28% dân số trẻ của Trung Quốc (18 – 26 tuổi) ghi danh vào đại học. Tuy nhiên, khi chính phủ Trung Quốc quyết định đưa giáo dục bậc cao vào diện ưu tiên trong chính sách, các nhà chiến lược của nước này đã vội vàng xây dựng nhiều trường đại học mà không cân nhắc tới chất lượng hay chương trình đào tạo. Năm ngoái, một bài đánh giá của chính phủ đã thừa nhận rằng họ đã sai lầm trong hoạch định khi đo lường trên cơ sở số trường và số sinh viên ghi danh, mà không dựa trên điều gì khác. Về căn bản, chính tiêu chí coi trọng số lượng thay vì chất lượng đã trở thành nguyên nhân dẫn đến chương trình đào tạo nghèo nàn, nội dung đào tạo lạc hậu, sinh viên tốt nghiệp yếu kém và không có kế hoạch quy hoạch việc làm cho những sinh viên này khi họ tốt nghiệp. Hiện đang có một lượng lớn những người tốt nghiệp đại học không kỹ năng, không việc làm, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên ở mức báo động, với khoảng 5 triệu người tốt nghiệp đại học mỗi năm.
Ấn Độ cũng muốn làm tương tự, nhưng thay vì chính phủ đầu tư vào giáo dục, nước này cho phép khu vực tư nhân đóng vai trò chính và kết quả không khác gì mấy. Việc khuyến khích nhiều sinh viên vào đại học mang đến cơ hội cho các doanh nhân “chủ trương lợi nhuận” chiếm ưu thế. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn trường đại học tư được mở ra trên khắp Ấn Độ. Phần lớn chỉ giới hạn ở vài lĩnh vực “hot” như khoa học máy tính, công nghệ thông tin và kinh doanh. Kết quả cũng là thảm họa với hàng triệu người tốt nghiệp không kiến thức, không kỹ năng và không việc làm. Hai năm trước, NASSCOM(1) đã cảnh báo trong một báo cáo dài rằng trên 75% người tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin không đủ kỹ năng để làm việc trong ngành.
(1) NASSCOM: là từ viết tắt của “the National Association of Software and Services Companies” (Hiệp hội các công ty phần mềm và dịch vụ quốc gia), là cơ quan thương mại đối với nền công nghiệp IT-BPO (Dịch vụ IT thuê ngoài doanh nghiệp) của Ấn Độ.
Tất nhiên, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có những trường đại học hàng đầu với các khoa và chương trình đào tạo tốt nhất, nhưng họ chỉ nhận rất ít sinh viên với tiêu chí tuyển chọn gắt gao. Giáo dục đại trà là lĩnh vực mà các trường này không kham hết được. Một giáo sư người Trung Quốc nói với tôi: “Tất cả các trường hàng đầu của chúng tôi có thể nhận được mỗi năm khoảng 10 ngàn tân sinh viên, một phần rất nhỏ của 50 triệu công dân đến tuổi vào đại học. Chúng tôi đã đào tạo nên những chuyên gia có trình độ cao và tất cả họ đều có việc làm tốt, nhưng chúng tôi không thể làm được gì nhiều hơn điều đó. Nền giáo dục chất lượng phải bắt đầu với giảng viên giỏi hơn và chương trình đào tạo tốt hơn, chứ không phải nhiều trường hay nhiều học sinh hơn. Tất cả những kế hoạch năm năm, mười năm đầy tham vọng có vẻ tốt trên giấy tờ, nhưng chính phủ phung phí tiền bạc vào việc xây trường thay vì đào tạo đội ngũ giảng dạy; họ đầu tư vào máy tính và phòng thí nghiệm nhưng không đầu tư vào chương trình đào tạo. Đó là cách hoạch định và thực hiện kém cỏi, là lý do tại sao hiện nay chúng tôi có quá nhiều người thất nghiệp và người dân bắt đầu chất vấn về giá trị của giáo dục đại học. Điều đó cũng giải thích tại sao mỗi năm có vài trăm nghìn sinh viên phải đi du học ở Mỹ hay châu Âu”.
Trong khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không có khả năng cải thiện hệ thống giáo dục của họ thì đã có điều gì đó xảy ra mà không ai dự đoán được. Năm 2008 với sự giúp đỡ của công nghệ, các trường đại học Mỹ, dẫn đầu là Harvard, Stanford, Princeton và MIT đã quyết định đưa các môn học của trường lên trực tuyến. Sinh viên được cấp quyền truy nhập vào máy tính và kết nối internet để có thể theo học các lớp được các giảng viên hàng đầu giảng dạy trong hầu hết mọi lĩnh vực mà họ chọn.
Khái niệm về “khóa học trực tuyến mở đại trà” (MOOC) được thiết kế để đào tạo số lượng lớn sinh viên bắt đầu làm thay đổi mọi thứ. Cuộc cách mạng giáo dục này cho phép bất kỳ ai trên trái đất đều có thể tiếp cận nền giáo dục tốt nhất, chương trình giảng dạy tốt nhất, và các giảng viên giỏi nhất. Một người bạn của tôi ở Stanford bảo tôi rằng anh ấy có 60 ngàn sinh viên theo học khóa học “Nhập môn cơ sở dữ liệu”. Một người bạn khác ở MIT cũng nói rằng anh ấy có hơn 40 ngàn sinh viên học lớp “Lập trình di động”. Hiện thời có hàng nghìn môn học trực tuyến cho bất kỳ ai muốn học khi các trường đại học Mỹ hợp tác với nhau để đưa các môn học của họ lên trực tuyến.
Năm ngoái, khi tôi sang dạy ở Ấn Độ, một giáo sư đại học hỏi tôi: “Tại sao các trường ở Mỹ làm điều đó mà không yêu cầu trả phí? Vì sao họ đào tạo cho cả thế giới mà không được ích lợi gì trong đó?”. Tôi giải thích: “Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, khi mà kiến thức và kỹ năng là điều mấu chốt. Mọi quốc gia đều cần người lao động có kỹ năng, giáo dục không nên chỉ dành cho số ít người ưu tú mà phải được cung cấp cho mọi người. Với toàn cầu hóa, thế giới là ‘phẳng’ và những đường biên giới đang ‘biến mất’. Để kinh tế tăng trưởng, các doanh nghiệp phải tăng trưởng và khi các doanh nghiệp tăng trưởng, mọi công ty đều cần người lao động có kỹ năng”. Ông ấy lắc đầu không tin: “Tôi vẫn không hiểu được lý do tại sao Mỹ lại muốn đào tạo sinh viên Ấn Độ hay Trung Quốc, chẳng có ích lợi gì cho họ”. Tôi cười: “Theo ông, những người có kỹ năng của nước ông sẽ làm việc cho ai? Khi họ có kỹ năng tốt hơn, được giáo dục tốt hơn, họ sẽ ở lại hay đi nơi nào khác để tìm việc tốt hơn, lương tốt hơn và cơ hội tốt hơn?”.
Xu hướng giáo dục từ nay tới 2023
Vào năm 2014, Hội đồng Giáo dục các trường đại học của Mỹ (The College’s Education Council) đã đưa ra hướng dẫn để khuyến khích sinh viên học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Hội đồng đặc biệt khuyến cáo rằng sinh viên năm thứ nhất nên chọn các ngành khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, quản lý hệ thống thông tin và chăm sóc sức khỏe, thay vì kinh doanh, marketing, hay kinh tế để tránh nguy cơ thất nghiệp khi tốt nghiệp.
Nội dung hướng dẫn như sau: “Sinh viên nên học các kỹ năng đang có nhu cầu cao để tránh nguy cơ bị thất nghiệp. Theo một dự báo trong ngành, sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan tới khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe thường được các công ty săn đón nhiều nhất. Cục Thống kê Lao động Mỹ (The U.S. Bureau of Labor Statistics) mong đợi rằng việc làm cho người tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin sẽ tăng 32% trong những năm tới đây. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ có thêm khoảng 3 triệu việc làm mới. Trong thời kỳ nền kinh tế tài chính toàn cầu có nhiều biến động như hiện nay, sinh viên năm thứ nhất đang lập kế hoạch cho nghề nghiệp tương lai trong các ngành dịch vụ tài chính, thương mại, thị trường chứng khoán, ngân hàng, tiếp thị, hay quản trị kinh doanh có thể sẽ không tìm được nhiều công việc vào lúc các em tốt nghiệp. Mặc dù không ai có thể dự đoán được thị trường việc làm sẽ như thế nào, nhưng sinh viên vào đại học năm nay có thể tốt nghiệp trong bốn năm tới trong tình hình thị trường việc làm vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực với hầu hết các doanh nghiệp và công ty tài chính HẠN CHẾ tuyển thêm lao động”.
Hội đồng cũng báo cáo rằng số sinh viên theo học các chương trình kinh doanh ở Mỹ đã sụt giảm từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, các ngành học kinh doanh ở châu Á vẫn đang hấp dẫn một lượng lớn sinh viên tính đến nay. Một chuyên viên phân tích giải thích: “Sinh viên châu Á thường không theo xu hướng toàn cầu nên họ thường là những nạn nhân sau cùng của các cuộc khủng hoảng tài chính. Khi hàng triệu người tốt nghiệp với bằng kinh doanh ở Mỹ và châu Âu lâm vào cảnh thất nghiệp thì sinh viên châu Á vẫn tiếp tục học kinh doanh, kinh tế, ngân hàng và đầu tư, cho đến khi không còn có thể tìm được việc làm mới thôi. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh doanh làm những công việc như thư ký, tiếp tân hay thậm chí phục vụ nhà hàng ở Bắc Kinh, Hồng Kông, Đài Loan và Nhật Bản.
Theo Hội đồng nói trên, từ năm 2011, số sinh viên châu Á nộp đơn vào các trường kinh doanh ở Mỹ và châu Âu giảm tới 34%. Một chuyên viên phân tích giải thích: “Luật di trú đã gây trở ngại cho các sinh viên người nước ngoài muốn ở lại làm việc tại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Luật di trú hiện thời chỉ cho phép những sinh viên nước ngoài có bằng cấp trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được cấp visa đặc biệt hay thẻ xanh để ở lại làm việc, trong khi sinh viên có bằng cấp trong các lĩnh vực khác phải ra về ngay lập tức, điều này làm cho việc học tập trong các ngành kinh doanh và tài chính trở nên không chắc chắn. Tình trạng sút giảm số đơn xin vào các trường kinh doanh là kết quả tất yếu”.
Công nghệ là xu thế của tương lai
Một chuyên gia kinh tế giải thích: “Khi thế giới đang dịch chuyển từ Thời đại Công nghiệp sang Thời đại Thông tin, nhiều thứ cũng thay đổi, một vài chính sách và lý thuyết kinh tế không còn hợp thời nhưng chúng ta cần phải mất thời gian để hiểu và điều chỉnh theo nó. Khủng hoảng tài chính là dấu hiệu cho thấy rằng thời của đầu tư vào thị trường chứng khoán và tài chính nhằm mục đích kiếm tiền đã qua. Sự tăng trưởng của Thung lũng Silicon và lĩnh vực công nghệ cao báo hiệu sự khởi đầu của nền kinh tế mới mà trong đó đầu tư vào tri thức là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế.
Một trăm năm trước, những người giàu nhất là các nhà công nghiệp sở hữu những tập đoàn lớn chi phối nền kinh tế. Năm mươi năm trước, những người giàu nhất là những nhà đầu tư vào dầu hỏa, tài nguyên thiên nhiên và các công ty tài chính kiểm soát thị trường. Ngày nay, những người giàu nhất là các doanh nhân, những người sở hữu hay đầu tư vào các công ty công nghệ. Một điều hiển nhiên là thay đổi luôn xảy ra và khoa học, công nghệ là những lĩnh vực mà mọi quốc gia đều phải tập trung vào để có được lợi thế của nền kinh tế mới”.
Với công nghệ ngày càng tiên tiến, sự biến chuyển từ các nguyên liệu thô sang thành phẩm đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn cho các nước không thể theo kịp với các xu hướng công nghệ, hay thay đổi cách nghĩ của các nhà quản lý, trong khi sự biến chuyển này đang diễn ra quá nhanh do các công nghệ kết nối liên thông tạo ra những cách thức làm kinh doanh mới. Tuy nhiên, trái ngược với thời đại công nghiệp trước đây, khi đồng vốn (bằng tiền) là then chốt và mọi thứ xảy ra tùy thuộc vào mức đầu tư (kích cỡ), quy tắc đó đã thay đổi. Ngày nay với công nghệ tiên tiến, tri thức là tài sản và mọi thứ xảy ra với tốc độ của phát kiến. Chẳng hạn, cách đây hai mươi năm, bộ nhớ bán dẫn 1 megabyte có giá khoảng 550 ngàn đô; ngày nay nó có giá khoảng 4 đô. Các bộ vi xử lý trong năm 2014 chạy nhanh gấp 500 ngàn lần so với bộ xử lý nguyên gốc năm 1950. Điện thoại thông minh mạnh hơn máy tính để bàn trước đây. Nhanh hơn, rẻ hơn và nhỏ hơn là những quy chuẩn mới cho lĩnh vực công nghệ đầy cạnh tranh này. Khi ngày càng nhiều phát kiến được tạo ra, một điều sẽ trở nên rõ ràng là các nước chiếm ưu thế trên thị trường trong mười năm tới là các nước có nhiều tài năng nhất.
Ngày nay, nhiều quốc gia tụt lại phía sau đang nhận ra những lợi ích mà giáo dục công nghệ có thể mang lại. Họ bắt đầu hiểu rằng có sự tương quan giữa số lượng việc làm được tạo ra và số người tốt nghiệp đại học trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Khi các chính phủ tìm kiếm những phương cách tốt nhất để cải tiến hiệu năng của nền kinh tế, họ nhận ra rằng những việc làm trong lĩnh vực công nghệ được trả lương cao nhất, tăng trưởng nhanh nhất, và có ảnh hưởng nhiều nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các phát kiến. Nhiều chính phủ đã ban hành các chính sách để ra lệnh cho các tổ chức giáo dục trong nước áp dụng các quy chuẩn khoa học và công nghệ chặt chẽ để cải tiến hệ thống giáo dục của nước họ. Trung Quốc và Ấn Độ đã đầu tư vào việc tăng cường đào tạo nhiều giảng viên khoa học và công nghệ, cũng như những phương pháp giảng dạy mới để mở rộng khoa học và công nghệ ra ngoài lớp học chính quy. Cả hai nước này cũng đặt mục tiêu cho các trường đại học để đáp ứng nhu cầu việc làm trong lĩnh vực này. Một quan chức chính phủ nói với tôi: “Giáo dục STEM là nền tảng mạnh mẽ cho thành công kinh tế của cá nhân và xã hội. Chúng tôi đã có nhiều nỗ lực để cải tiến nền giáo dục, đảm bảo sẽ sớm bắt kịp các nước khác”.
Đại học vẫn là nền tảng
Ngày nay, việc học đại học phải tiêu tốn rất nhiều tiền và việc tăng chi phí đã làm cho nhiều phụ huynh lo nghĩ về giá trị thực của giáo dục đại học, đặc biệt, có sự bùng nổ trong việc kinh doanh mở trường tư với đủ loại bằng cấp chỉ vì lợi nhuận ở tất cả các nước. Ngay cả ở châu Á, nơi giáo dục đã có truyền thống, các phụ huynh cũng đã bắt đầu lo lắng về giá trị của giáo dục đại học và tương lai con cái họ.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, có dữ liệu cho thấy rằng giáo dục ở bậc đại học có giá trị hơn trung học. Cục Điều tra Dân số của chính phủ Mỹ ước tính rằng trong một đời người, người tốt nghiệp đại học kiếm được tổng thu nhập gấp đôi người tốt nghiệp trung học. So sánh với chi phí học đại học trong bốn năm, rõ ràng giáo dục đại học là khoản đầu tư tài chính tốt. Người tốt nghiệp đại học cũng có các phúc lợi khác ngoài thu nhập tài chính. Học viện Giáo dục Đại học(2) đã công bố một báo cáo rằng những người tốt nghiệp đại học thường có mức thỏa mãn nghề nghiệp cao hơn; cơ hội kiếm việc làm tốt hơn; có những quyết định tốt hơn trong cuộc đời; có tâm trí cởi mở hơn, và thường có khả năng đem lại cho con cái họ cuộc sống tốt hơn. Hiệp hội Y khoa cũng báo cáo rằng những người tốt nghiệp đại học thường mạnh khỏe hơn người tốt nghiệp trung học. Có sự tương quan tích cực mạnh mẽ giữa việc hoàn thành bậc đại học và sức khỏe tốt, không chỉ cho bản thân mà còn cho thế hệ tiếp theo.
(2) Học viện Giáo dục Đại học (The Institute for Higher Education) là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, hỗ trợ việc cung cấp giáo dục đại học chất lượng cho các nước trên thế giới.
Ngày nay, kinh tế toàn cầu đang được định hướng ngày càng nhiều bởi công nghệ với nguồn nhân lực đến từ khắp nơi trên thế giới và công việc được phân bổ cho nhiều nước thay vì tập trung ở một chỗ. Những thay đổi này đòi hỏi tư duy mới, những kỹ năng mới, và một sự biến chuyển lớn lao trong những điều được dạy và cách dạy trong trường đại học. Thay vì tạo ra những sinh viên tốt nghiệp hiểu biết rộng về nhiều thứ như giáo dục truyền thống, các trường đại học hiện đại ngày nay đang tập trung đào tạo những sinh viên tốt nghiệp có kiến thức chuyên môn sâu trong một lĩnh vực. Một đại diện ngành nói: “Hướng đến việc làm tương lai, sinh viên biết về mọi thứ nhưng mỗi thứ chỉ biết chút ít hay chỉ biết cơ bản cách sử dụng máy tính là chưa đủ. Một nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ nói: “Chúng tôi cần những nhân sự có óc tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Họ phải có khả năng thích ứng và có động cơ mạnh mẽ để không ngừng học hỏi những điều mới với toàn bộ khả năng”. Trong thế giới toàn cầu này, sự cạnh tranh thật khốc liệt giữa những sinh viên tốt nghiệp đến từ khắp thế giới. Nếu không có nền tảng giáo dục tốt và sự chuẩn bị tốt, nhiều người sẽ không đủ sức cạnh tranh.
Thời đại thông tin ngày nay, giáo dục đại học là nền tảng của nền kinh tế vì tri thức là giá trị tạo nên tăng trưởng. Do đó, giáo dục thường bị đổ lỗi. Khi công nhân không có một vài kỹ năng nhất định, người ta thường nghĩ là do họ không được đào tạo đầy đủ. Trong một số hoàn cảnh thì nguyên nhân là do hệ thống giáo dục chậm thay đổi, nhưng trong hoàn cảnh khác, đó là do sự thiếu kết nối giữa nội dung được giảng dạy tại trường đại học và những gì ngành nghề cần. Về căn bản, giáo dục đóng vai trò mấu chốt vì nhờ đó, một vài quốc gia có khả năng cạnh tranh tốt hơn bằng việc dạy những gì thật sự cần thiết thay vì những gì nhà trường muốn dạy. Với sự tiến bộ của công nghệ, phần lớn việc làm tương lai đều yêu cầu bằng đại học trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), nên việc chọn ngành học sẽ đóng vai trò mấu chốt, quyết định cơ hội việc làm trong tương lai cũng như khả năng thăng tiến nghề nghiệp.
Công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, và hệ thống giáo dục cũng tiến hóa nhanh chóng theo. Ngày nay, khi vào các trường đại học Mỹ, sinh viên sẽ nhận thấy rằng bên cạnh một số môn học truyền thống còn có một vài môn học mới như khởi nghiệp và kỹ năng mềm. Điều này sẽ cho phép sinh viên tốt nghiệp có nhiều chọn lựa hơn trong tương lai và có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong môi trường toàn cầu này. Là kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây vài năm, các trường dạy kinh doanh hàng đầu như Harvard, Wharton, Chicago và Stanford đang bổ sung các môn học về đạo đức trong nỗ lực “tạo ra những người lãnh đạo mới đủ năng lực và phẩm cách đạo đức, thay vì chỉ đánh giá dựa trên những mối quan hệ tài chính và thư giới thiệu”.
Hệ thống giáo dục của tương lai
Một cô giáo viết cho tôi: “Thật dễ khi nói rằng hệ thống giáo dục cần được cải thiện, nhưng không dễ thay đổi chút nào nếu chúng ta không thấy được viễn cảnh ra sao. Tầm nhìn của thầy về nền giáo dục trong tương lai là như thế nào? Xin thầy chia sẻ”.
Tôi trả lời cô ấy: Tôi tin chắc rằng hệ thống giáo dục trong tương lai sẽ khác với ngày nay. Khi công nghệ thay đổi, nhiều thứ sẽ thay đổi, và giáo dục không phải là ngoại lệ. Nó thay đổi nhiều chừng nào? Thay đổi nhanh đến mức nào?
Nó sẽ trông ra sao trong mười năm hay hai mươi năm nữa là tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Có nhiều ý tưởng khác nhau về nền giáo dục trong tương lai, nhưng nền giáo dục mà tôi muốn thấy sẽ như thế này:
• Tất cả học sinh trung học đều nhận được sự hướng dẫn đúng đắn về cơ hội nghề nghiệp từ lớp 10 và theo đó, các em lập kế hoạch nghề nghiệp cho mình trước khi vào đại học. Khi vào đại học, tất cả các em đều đã có bản kế hoạch hay lộ trình nghề nghiệp chi tiết với tất cả những môn các em cần phải học để đáp ứng mọi yêu cầu của nghề nghiệp mà các em đã chọn. Lộ trình nghề nghiệp bao gồm một danh sách các kiến thức và kỹ năng mà một người tốt nghiệp đại học trong ngành đó đều phải có để tìm được việc làm, các kiến thức và kỹ năng được đào tạo bởi cả hệ thống giáo dục và ngành. Lộ trình nói trên xác định rõ những kỹ năng và năng lực mà sinh viên đó phải đạt được.
• Tất cả bài giảng đều được ghi thành video và đưa lên trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên sống ở những vùng miền khác nhau, từ thành phố lớn cho tới thôn quê, đều có thể được học cùng các giáo sư vì tất cả đều có thể xem bài giảng trực tuyến. Tuy nhiên, các em vẫn phải tới lớp để làm việc theo đội nhóm và tham gia các buổi thảo luận trên lớp dưới sự hướng dẫn và rèn luyện của các giảng viên giỏi.
• Tất cả giáo trình đều được chuẩn hóa để đảm bảo chất lượng của hệ thống giáo dục. Các giáo trình và bài giảng liên tục được cải tiến dựa trên phần mềm thu thập hiệu năng học tập của học sinh, sinh viên trong lớp. Mọi dữ liệu và thông tin về giáo dục đều được thu thập, phân tích và tóm tắt thành “bảng theo dõi và đánh giá”(3) cập nhật cho cả ban quản trị nhà trường và phụ huynh hằng tháng để họ có thể theo dõi sự tiến bộ của học sinh, sinh viên.
(3) Dashboard: bảng (điện tử) theo dõi hay đánh giá thành tích hay báo cáo chất lượng, giúp người xem nắm được những thông tin khái quát nhất về hoạt động của tổ chức dưới dạng các chỉ số đánh giá theo KPI, các thông tin đo lường chất lượng, phân tích sâu năng suất lao động của từng bộ phận và các xu hướng.
• Tất cả học sinh, sinh viên đều làm việc theo tổ/nhóm để phát triển các kiến thức và kỹ năng. Chương trình học ở lớp được tổ chức thành nhiều mô-đun. Mỗi mô-đun tập trung vào một kiến thức hay kỹ năng nhất định mà các em phải học. Các em sẽ học cách nhận diện, giải thích, vận dụng, phân tích, đánh giá và tổng hợp kiến thức và phát triển các kỹ năng có thể áp dụng. Mỗi mô-đun sẽ được tổ chức và tạo điều kiện cho các em học từ sai lầm của chính mình. Các em sẽ nhận ra rằng việc mắc sai lầm là một phần của quá trình học tập, không phải là thất bại. Mỗi mô-đun đều tương đương với một số tín chỉ nào đó. Khi tích lũy đủ tín chỉ, các em sẽ tốt nghiệp.
• Mọi phòng học đều được thiết kế để là nơi học sinh, sinh viên học cách cộng tác và làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề dưới sự giám sát của người thầy giỏi, người trông nom việc học và đánh giá thành tích của các em. Trong suốt thời gian đại học, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội đi thăm các doanh nghiệp, gặp những chuyên gia đang làm việc ở đó. Nhận được sự hướng dẫn đúng đắn, được đối thoại và quan sát, sinh viên có thể phát triển một nhận thức sâu sắc với lĩnh vực mà các em đang theo học và về nghề nghiệp tương lai.
• Tất cả sinh viên đều sẽ dành khoảng một phần ba thời gian ở trường để thực tập hay học việc trong môi trường chuyên nghiệp để học hỏi nhiều hơn về nghề từ góc nhìn thực tế, chứ không chỉ lý thuyết suông. Các kiến thức và kỹ năng các em đạt được trong thời gian này sẽ được đánh giá bởi các chuyên viên đào tạo của ngành, là những người cũng đang làm việc cùng các giảng viên của trường để đảm bảo rằng sinh viên sẽ có được các kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp. Thành tích học tập của sinh viên trong toàn bộ thời gian này cũng sẽ được thu thập và phân tích để phục vụ cho việc cải thiện hệ thống giáo dục sao cho ngày càng tốt hơn.
• Tất cả sinh viên đều nên xem việc học tập ở trường chỉ là một phần của quá trình học tập. Việc học sẽ tiếp tục trong suốt quãng đời làm việc của các em. Các em cần phát triển thái độ học tập trọn đời.
Tất nhiên, đây là những mong ước của tôi về hệ thống giáo dục tương lai. Tôi chắc rằng có những chi tiết cần được cụ thể hóa thêm. Tôi xin dành điều đó cho các bạn, để thêm vào tầm nhìn và ý tưởng của các bạn. Tôi hy vọng rằng bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta có thể giúp cải thiện hệ thống giáo dục của chúng ta cho thế hệ tương lai và cho xã hội của chúng ta.
Học giỏi vẫn chưa đủ
Một người mẹ viết cho tôi: “Tôi đã nghe theo lời khuyên của thầy và ngoài trường học chính quy, tôi cũng cho con trai 10 tuổi của tôi tới một trường chuyên dạy khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) để đảm bảo cháu sẽ có các kỹ năng này khi lớn lên. Nhưng tôi vẫn lo lắng về tương lai con vì tôi không biết điều gì sẽ xảy ra và tôi có thể làm được gì? Xin thầy cho lời khuyên”.
Đáp: Không ai có thể biết trước được tương lai, nhưng tôi chắc rằng nó sẽ khác với hôm nay. Nó sẽ tốt hơn hay tệ hơn? Điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng tôi tin rằng yếu tố quan trọng nhất là nền giáo dục đúng đắn cho thế hệ tiếp theo. Vì con cháu chúng ta sẽ phải sống với nhiều thay đổi nên cần được chuẩn bị. Ngày nay, thế hệ tương lai của chúng ta vẫn đang đến trường nhưng những điều các em học, cách các em học và lượng kiến thức các em học được sẽ quyết định tương lai của các em và tương lai của đất nước chúng ta. Mặc dù giáo dục là nền tảng của xã hội, nhưng chúng ta KHÔNG nên chỉ trông cậy vào hệ thống giáo dục để dạy con cái chúng ta. Gia đình nên chia sẻ trách nhiệm này. Là cha mẹ, bạn cần góp phần đào tạo thêm cho con trai ở nhà để khi lớn lên, cháu có thể trở thành một con người có trách nhiệm, có phẩm cách đạo đức và biết đối nhân xử thế.
Là người giỏi về công nghệ vẫn chưa đủ, vì người có giáo dục còn phải có phẩm cách đạo đức. Là người có giáo dục về đạo đức nghĩa là bất kể làm công việc gì, người đó luôn cũng đưa ra các quyết định dựa trên nền tảng đạo đức mà họ đã được học ở trường và từ gia đình. Là người có phẩm cách đạo đức, họ mới có thể là tấm gương cho người khác noi theo và thế hệ tương lai có thể nhìn vào họ như một chuẩn mực cho hành động của mình, và dần dần, chúng ta mới có thể chuyển biến xã hội sao cho tốt hơn.
Tại sao ngày nay xã hội của chúng ta không tốt đẹp như mong đợi? Bởi vì nhiều người không có phẩm cách đạo đức. Nhiều người dễ dàng bị cám dỗ bởi tiền bạc, lòng tham, danh vọng và những quyền lợi cá nhân, nên họ không thể phân biệt được đúng – sai. Khi ngày càng nhiều người bị nhầm lẫn và hành xử sai trái, xã hội trở thành cuộc chiến, nơi mọi người đấu đá hơn thua vì mọi thứ, bất chấp nền tảng danh dự, đạo đức và luân lý.
Những câu hỏi cần đặt ra là: “Hệ thống giáo dục hiện thời đã chuẩn bị đầy đủ để thế hệ tương lai có khả năng chịu trách nhiệm cho bản thân, gia đình, và đất nước hay chưa?”, “Hệ thống giáo dục hiện nay có đảm bảo giúp cho thế hệ tương lai phát triển một tính cách mạnh mẽ để họ có thể bảo vệ được Tổ quốc không?”. Nếu câu trả lời là không, thì gia đình phải can dự vào và góp phần để con em chúng ta có thể trưởng thành với những phẩm chất mà một con người có trách nhiệm cần có.
Một nền giáo dục đúng đắn phải bắt đầu bằng ý thức trách nhiệm, hiểu biết về đạo đức và luân lý để trên cơ sở đó, học sinh sẽ trở thành người có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Tôi tin rằng cả thầy cô giáo và phụ huynh phải phối hợp cùng nhau để cung cấp một nền giáo dục đúng đắn cho các thế hệ tương lai để con cháu chúng ta có thể trở thành những con người có kỹ năng với tính cách mạnh mẽ, có đủ khả năng xây dựng và bảo vệ đất nước chúng ta trở nên thịnh vượng. Tôi tin mọi thứ đều bắt đầu từ giáo dục và với một nền giáo dục đúng đắn, mọi chuyện đều có thể. Nền giáo dục đúng đắn không phải là trách nhiệm của trường học hay thầy cô giáo, mà tất cả mọi người và mọi gia đình đều đóng vai trò mấu chốt trong đó. Nhiều phụ huynh quá bận bịu và không có đủ thời gian dành cho con cái. Họ thường giao phó con cho nhà trường, cho gia sư, hay các lớp dạy kỹ năng mà không quan tâm đầy đủ tới quá trình phát triển tính cách của con cái, sai lầm có thể bắt nguồn từ đó.
Giáo dục nhân cách đạo đức từ nhỏ là mấu chốt
Các nhà khoa học nhận thấy rằng mọi đứa trẻ sinh ra đều có khả năng học tập thông qua các tế bào não nhưng điều cốt yếu là phải có “mạch” kết nối giữa chúng. Chính khả năng liên kết các tế bào của não giúp định hình những kỹ năng, phẩm chất mà mỗi cá nhân dùng để ứng phó với các yếu tố môi trường như giáo dục, các mối tương tác xã hội và cả những nghịch cảnh như sự uy hiếp, xa lánh hay bạo hành. Nếu việc giáo dục, phát triển các kỹ năng và phẩm chất được đầu tư xuyên suốt thì có thể tạo ra những công dân tương lai được giáo dục cao, đầy đủ năng lực. Do đó, sự cải tiến giáo dục phải bắt đầu sớm từ trường mầm non và tiểu học để đạt hiệu quả.
Vào đầu những năm 1970, Dorothy Nolte, một nhà giáo dục, đã quan sát rằng giáo dục sớm từ tuổi ấu thơ là mấu chốt cho sự phát triển của một cá nhân. Bà ấy viết: “Nếu trẻ em sống trong sự phê phán, chúng sẽ học chỉ trích. Nếu trẻ em sống trong sự thù nghịch, chúng sẽ học hơn thua. Nếu trẻ em sống trong sợ hãi, chúng sẽ học lo sợ. Nếu trẻ em sống trong sự thương hại, chúng sẽ cảm thương bản thân. Nếu trẻ em sống trong sự nhạo báng, chúng sẽ học nhút nhát. Nếu trẻ em sống trong sự ganh đua, chúng sẽ học tính đố kỵ. Nếu trẻ em sống trong nỗi xấu hổ, chúng sẽ biết mặc cảm”. Do đó, điều mấu chốt đối với bố mẹ và các nhà giáo dục là tạo ra một môi trường mà trẻ em được nuôi dưỡng tích cực. Dorothy Nolte đưa ra môi trường giáo dục đầy sức thuyết phục: “Nếu trẻ em sống trong niềm khích lệ, chúng sẽ học tin tưởng. Nếu trẻ em sống trong độ lượng, chúng sẽ học tính kham nhẫn. Nếu trẻ em sống với lời khen ngợi, chúng sẽ học lòng cảm kích. Nếu trẻ em sống trong sự chấp nhận, chúng sẽ học yêu thương. Nếu trẻ em sống với sự chấp thuận, chúng sẽ học yêu thích bản thân. Nếu trẻ em sống trong sự công nhận, chúng sẽ học được rằng đặt mục tiêu là điều nên làm. Nếu trẻ em sống trong sự chia sẻ, chúng sẽ học được tính hào phóng. Nếu trẻ em sống trong sự chân thực, chúng sẽ học tin cậy. Nếu trẻ em sống trong công bằng, chúng sẽ học công bằng. Nếu trẻ em sống với lòng tốt và sự quan tâm, chúng sẽ học tôn trọng. Nếu trẻ em sống trong an toàn, chúng sẽ có niềm tin vào bản thân và tin vào những người xung quanh. Nếu trẻ em sống trong sự thân thiện, chúng sẽ thấy thế giới này là nơi đáng sống”.
Câu hỏi được nêu ra là liệu hệ thống giáo dục hiện thời có đạt được sứ mệnh của nó về việc phát triển những công dân tương lai có giáo dục và phẩm cách đạo đức? Liệu các trường hiện thời có xem trọng việc rèn luyện nhân cách đạo đức cũng không kém việc cung cấp kiến thức và kỹ năng không?
Theo quan điểm của tôi, học sinh tiểu học nên được rèn luyện về đạo làm con cũng như lòng biết ơn thầy cô giáo. Chúng cần học làm người lễ phép, thấu cảm và đáng tin cậy. Đây là những nền tảng của mọi hệ thống giáo dục ở châu Á trong hàng nghìn năm qua. Nền văn hóa của chúng ta xem gia đình là nền tảng của xã hội, do đó giáo dục nhân cách đạo đức phải bắt đầu từ gia đình.
Đến lúc học trung học, các em nên được dạy về cách ứng xử, sự chính trực, tinh thần trách nhiệm, công bằng và khiêm tốn. Ở bậc trung học phổ thông, các em đang hình thành tính cách, khám phá bản thân trong mối quan hệ với những người xung quanh, trong tình bạn thông qua các hoạt động độc lập. Đây là lúc các em cần hiểu biết về lịch sử và văn hóa dân tộc, đã bắt đầu phát triển nhận thức về giá trị bản thân, các giá trị nhân văn và quan hệ xã hội. Học sinh nên được khuyến khích phát triển sự tự tin để giao tiếp thân thiện với người khác và chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình.
Giai đoạn đại học là lúc các em đã phát triển nhân cách đạo đức, ý thức trách nhiệm cao về bản thân, gia đình và đất nước. Đây là lúc các em nên được trao cho cơ hội theo đuổi lĩnh vực học tập mà các em yêu thích và khám phá tiềm năng của bản thân trong khoa học, công nghệ, nghệ thuật, nhân văn hay kinh doanh. Nếu được đào tạo đúng đắn, các em có thể phát triển kỹ năng tư duy có lập trường cũng như các kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Các em nên được khuyến khích theo đuổi tri thức theo nguyện vọng và cần được chuẩn bị cho một nghề nghiệp thành công trong tương lai.
Thật đáng tiếc là ngày nay, nhiều quốc gia bắt đầu xa rời truyền thống văn hóa của mình để theo đuổi một hệ thống giáo dục mới chủ yếu dựa trên công nghệ. Một số nhà giáo dục chủ trương dạy công nghệ thông tin trong trường tiểu học để học sinh được chuẩn bị tốt hơn khi lớn lên. Khi làm như vậy, họ đã hạ thấp mục tiêu của giáo dục từ chỗ phát triển những “công dân toàn diện và có trách nhiệm” thành đào tạo ra những “công nhân kỹ thuật cho ngành nghề”. Quan niệm phải cung cấp ngày càng nhiều nhân công cho nền kinh tế đang được khuyến nghị ở Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước áp dụng theo các chương trình tương tự từ các nước phương Tây. Những gì có hiệu quả ở Mỹ hay châu Âu không chắc sẽ đem lại lợi ích cho xã hội châu Á. Công nghệ chỉ là công cụ để sử dụng, chứ không phải là tri thức có thể đưa mọi người tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, một xã hội tốt hơn với những công dân có phẩm chất tốt đẹp.
Một nền giáo dục xem nhẹ đạo đức, luân lý và ý thức trách nhiệm có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề, gây ra sự hỗn loạn cho xã hội. Nền giáo dục chú trọng giá trị của hiệu suất lao động, trong khi người lớn tuổi bị con cái đối xử tệ bạc và không được xã hội kính trọng thì không phải là nền giáo dục theo truyền thống châu Á; một nền giáo dục mà những hành vi sai trái của cá nhân và tính kiêu căng tự phụ được chấp nhận, trong khi sự khiêm tốn và luân lý không được đánh giá cao thì không bao giờ nên khuyến khích phát triển.
Một người có nhân cách tốt có thể học về công nghệ bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, rất khó để thay đổi một người thiếu đạo đức, không biết đối nhân xử thế, cho dù người đó có bằng cấp chuyên môn cao đến đâu.
Học công nghệ từ sớm
Tôi nhận được một email viết rằng: “Càng đọc blog của thầy, tôi càng nhận ra rằng chúng tôi bị tụt lại sau các nước khác một khoảng cách rất xa. Được cập nhật nhiều hơn về những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ và những gì đang xảy ra trên thế giới, tôi càng lo lắng về con tôi đang học lớp 6 và các trẻ em khác, rằng chúng có thể không có việc làm khi lớn lên. Là cha mẹ, chúng tôi không biết phải làm gì; xin thầy cho lời khuyên”.
Đáp: Bạn không đơn độc, nhiều người cũng đang lo lắng rằng con cái họ đang bị bỏ lại đằng sau trong thế giới thay đổi nhanh chóng này. Với tốc độ thay đổi công nghệ ngày càng cao, sẽ có nhiều việc làm mất đi do tự động hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể xem đó như thách thức phải vượt qua, và là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho tương lai của các con.
Nếu tất cả phụ huynh đều có thể dành nhiều thời gian hơn ở cùng con cái để khuyến khích chúng đọc nhiều hơn, để học nhiều hơn về khoa học và công nghệ, giúp con quan tâm nhiều hơn tới các lĩnh vực này, thì chúng ta đã có được bước đi đầu tiên. Các con cần được hướng dẫn để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn khi lớn lên. Điều quan trọng là bố mẹ cần biết rằng mọi kỹ năng tương lai đều đòi hỏi khả năng đọc, viết, giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai và kỹ năng lập trình máy tính. Do đó, bước thứ hai là khuyến khích trẻ em học ngôn ngữ thứ hai như tiếng Anh và học cách lập trình. Ngày nay, lập trình máy tính không chỉ dành cho những ai muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ, mà dành cho tất cả mọi người dù theo học ngành nghề nào. Lập trình máy tính là nền tảng cho mọi nghề nghiệp trong tương lai. Cách đây hai thập niên, Steve Jobs đã nói với một nhóm sinh viên: “Khoa học máy tính dạy các bạn cách tư duy. Khía cạnh thiết kế thuật toán của lập trình có thể giúp bạn phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, cho nên đừng ngần ngại học về máy tính”. Vào thời đó, nhiều người cho rằng ông nói vậy chỉ vì muốn bán máy tính Apple cho học sinh, mà không thấy được tầm nhìn xa của Steve Jobs, rằng hiểu biết và học về công nghệ là điều thiết yếu.
Cách đây vài tháng, một người đã viết cho tôi: “Đừng quảng bá công nghệ nữa, không phải ai cũng trở thành nhà khoa học máy tính hay chuyên gia công nghệ đâu”. Tôi trả lời người đó rằng: “Công nghệ hiện nay là một phần cuộc sống chúng ta và nó phải được dạy trong mọi trường học. Chẳng phải tất cả các trường đều dạy sinh học và toán học cho cả những học sinh không có dự định trở thành nhà sinh học hay nhà toán học đó sao. Trong thế giới mà công nghệ đóng vai trò chủ đạo này, học sinh cần học cách thiết kế một thuật toán, để tạo ra một app đơn giản, hay biết về cách thức internet vận hành. Những khái niệm này là liên quan đến mọi ngành nghề. Kiến thức công nghệ không phải là dự báo về một nhu cầu có thể xảy ra trong tương lai mà nó đã là yêu cầu của các ngành nghề hiện nay.
Tôi tin nhiều học sinh muốn học về công nghệ, nhưng phần lớn các em không có điều kiện. Công nghệ chưa được đưa vào chương trình đào tạo, trong khi đó là một việc nên làm. Công nghệ phải được đưa vào dạy ở tất cả các trường học.
Trong khi trường chưa dạy những kỹ năng này, bố mẹ có thể khuyến khích con học khoa học máy tính và lập trình trên các website dạy công nghệ. Các bạn tôi đang dùng website của KhanAcademy cho con họ học.
Sau đây là một số website mà bạn có thể muốn dùng:
https://www.youtube.com/watch?v=Ok6LbV6bqaE
https://www.youtube.com/watch?v=6JGy8zmskbM
https://www.youtube.com/watch?v=UQa7-nz2q_E