Có nhất thiết phải vào đại học?
Một người bố hỏi tôi: “Tại sao con trai tôi phải vào đại học trong khi ở nước tôi, rất nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp? Thầy có cho rằng trường dạy nghề là lựa chọn tốt hơn không? Ít nhất con tôi sẽ được học một công việc nào đó thay vì có tấm bằng đại học mà không có việc làm. Xin thầy giúp cho”.
Đáp: Đây là một quyết định mà bạn và con trai bạn nên thảo luận để xác định lựa chọn nào sẽ tốt hơn. Bạn nên hỏi con xem liệu cháu thích vào đại học hay vào một trường đào tạo nghề. Đó là tương lai của cháu và cháu cần nói ra quan điểm để thảo luận với bố mẹ. Bạn nên hỏi mong ước của cháu để xem có thể thực hiện những mong ước đó bằng cách học đại học hay một chương trình đào tạo nghề. Bạn cần để con bày tỏ nguyện vọng của bản thân rồi thảo luận với cháu về sở thích và sở trường của cháu. Kết hợp hai điều này sẽ giúp con bạn chọn được điều tốt nhất cho bản thân và tương lai của cháu.
Theo ý kiến riêng của tôi, giáo dục đại học sẽ đem đến cho con trai bạn các khả năng lựa chọn đa dạng hơn về những việc cháu có thể làm trong cuộc sống. Chúng ta đang sống trong một thế giới luôn thay đổi, nơi phần lớn những công việc tốt nhất đều đòi hỏi phải có bằng đại học, và người tốt nghiệp đại học sẽ có mức thu nhập cao hơn người tốt nghiệp trường đào tạo nghề. Lý do khiến nhiều người dù tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp là vì họ không chọn đúng ngành học, hoặc đã chọn nhầm một trường không đạt chất lượng, họ chạy theo bằng cấp thay vì phát triển những kỹ năng mà thị trường việc làm đòi hỏi. Những nguyên nhân có thể kể đến là: Sinh viên không có đủ thông tin để tự định hướng nghề nghiệp; chọn trường vì nghe theo bạn bè; phụ huynh quá bận rộn, không có thời gian tìm hiểu về trường và ngành học mà con cái họ lựa chọn, cũng như thực tế cung – cầu của thị trường việc làm.
Tôi tin giáo dục đại học sẽ đem đến cho con trai bạn những cơ hội tốt nhất trong đời nhưng có những điều bạn phải làm để giúp cháu chuẩn bị. Trước hết, bạn cần cùng cháu lập kế hoạch nghề nghiệp bằng cách thăm dò nhiều khả năng lựa chọn để chọn ra ngành học phù hợp. Trên khắp thế giới, hệ thống giáo dục đang thay đổi từ lý thuyết và triết lý mang tính học thuật sang xu hướng lấy STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) làm cơ sở, tức chú trọng việc áp dụng công nghệ. Có hàng trăm ngành mà con trai bạn có thể lựa chọn, nhưng cháu phải đặt ra các mục tiêu học tập rõ ràng cho nghề nghiệp của mình. Có sự lẫn lộn giữa “nghề nghiệp” và “việc làm”, chúng mang hai ý nghĩa khác nhau. Việc làm là công việc mà mọi người làm trong một thời hạn nào đó để kiếm tiền và một người có thể làm nhiều việc trong đời. Nghề nghiệp là sự theo đuổi dài hạn một mong ước cả đời, thường đòi hỏi một nền tảng giáo dục và đào tạo chuyên sâu. Bạn cũng cần giải thích được sự khác biệt giữa nghề nghiệp và sở thích riêng. Sở thích riêng là hoạt động được làm vì yêu thích, thường là để giải trí. Bất kỳ ai cũng có thể hát nếu họ thích âm nhạc nhưng việc có thể kiếm sống như một ca sĩ chuyên nghiệp hay không lại là chuyện khác.
Giáo dục đại học đúng đắn dạy cho sinh viên tư duy phản biện, cách diễn đạt suy nghĩ và bày tỏ quan điểm một cách độc lập, cách xem xét, nhận định mọi khả năng lựa chọn để đưa ra quyết định đúng dựa trên thực tế và dữ liệu. Giáo dục đại học đúng đắn cung cấp cho sinh viên mọi thông tin hữu ích để các em có thể khám phá kiến thức dựa trên mối quan tâm thật sự của bản thân. Giáo dục đại học đúng đắn cung cấp cho sinh viên các khái niệm và vấn đề có liên hệ tới cộng đồng, xã hội và toàn thế giới để sinh viên có thể mở mang tri thức về mọi triển vọng. Giáo dục đại học đúng đắn dạy cho sinh viên cách mọi thứ vận hành để các em có thể đạt đến những hiểu biết sâu hơn và có khả năng áp dụng những hiểu biết đó thay vì chỉ ghi nhớ các sự kiện để qua được kỳ thi. Ngày nay tư duy phản biện, kiến thức về địa lý, lịch sử, kinh tế và khả năng sử dụng công nghệ là những yếu tố thiết yếu để giúp sinh viên hiểu điều gì đang xảy ra trên thế giới và vị trí của bản thân là ở đâu trong thế giới đó, giúp các em tiến xa trong xã hội, dù ở lĩnh vực nào.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu, nơi giao tiếp là mấu chốt. Bên cạnh các kỹ năng nền tảng như đọc và viết, học sinh cũng cần có các kỹ năng phụ trợ như ngoại ngữ để thành công. Các em nên nghĩ về những cơ hội nghề nghiệp trên thị trường thế giới chứ không chỉ thị trường trong nước, bởi vì theo một nghiên cứu mới đây, đến khoảng năm 2025, sẽ có hơn 45% người trong độ tuổi lao động làm việc cho các công ty toàn cầu có văn phòng trên khắp thế giới. Với người tốt nghiệp đại học, việc thông thạo một ngoại ngữ không còn là khả năng đặc biệt mà là một yêu cầu thiết yếu để thành công. Con trai bạn nên lựa chọn ít nhất một ngoại ngữ để phát triển các kỹ năng đọc, viết và nói tốt nhất có thể.
Tôi chắc con trai bạn có lẽ sẽ thay đổi ý kiến về việc chọn nghề khi cháu đến tuổi trưởng thành. Điều đó là bình thường, nhưng điều quan trọng một người bố cần làm là chia sẻ với con trai kinh nghiệm của bản thân, rằng bạn thích và không thích điều gì về nghề nghiệp của mình và tại sao bạn chọn nó. Trong quá khứ, bạn có thể không có nhiều chọn lựa nhưng ngày nay, con trai bạn phải có được vài lựa chọn, đó là một đặc quyền mà cháu phải được thụ hưởng. Vào đại học là một cách đầu tư cho tương lai, việc đó xứng đáng để chúng ta bỏ ra thời gian nghiên cứu, lựa chọn đúng trường, đúng ngành học và thảo luận nghiêm túc giữa bố mẹ và con cái.
Giá trị của học vấn
Mới đây, Dale Stephens, một sinh viên 19 tuổi đã giành được học bổng 100 ngàn đô-la tuyên bố rằng: “Học đại học là lãng phí thời gian” và bỏ học. Câu nói của bạn trẻ này đã gây ra nhiều tranh cãi và thảo luận trong giới sinh viên và trên phương tiện truyền thông. Dale Stephens khi được mời tới các cuộc phỏng vấn trên truyền hình đã tiếp tục phàn nàn rằng hệ thống giáo dục hiện nay hỏng bét cả vì chỉ dạy lý thuyết thay vì ứng dụng và quá đắt đỏ. Cậu khuyên sinh viên bỏ dở đại học để trở thành những người khởi nghiệp như Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zuckerberg. Cậu nói: “Thành công của những người chưa bao giờ hoàn thành bậc đại học khiến chúng tôi tự hỏi liệu những điều chúng tôi cần học có được dạy ở trường không”.
Vài ngày sau, nhiều sinh viên phản ứng lại luận điểm của Dale. Một trong số họ là Brian Forde, một người khởi nghiệp thành công và mới trở lại trường để hoàn tất chương trình MBA vì anh thấy cần phải lấp những lỗ hổng kiến thức để lãnh đạo công ty. Brian là một triệu phú 25 tuổi, mở công ty đầu tiên khi 17 tuổi và công ty thứ hai khi 25 tuổi, anh đưa ra bình luận rằng: “Không có gì quý giá hơn học vấn, có nhiều điều để học và bạn có thể học mọi thứ trong cuộc đời mà vẫn thấy có quá nhiều thứ bạn chưa biết. Mọi người thường hỏi tôi tại sao trở lại trường? Câu trả lời của tôi thật đơn giản: Tôi giỏi về kỹ thuật nhưng tôi không có kỹ năng quản trị doanh nghiệp để xây dựng công ty của mình thành một công ty lớn mạnh. Khi quản lý một công ty, bạn phải đưa ra quyết định. Quyết định sai ở trường, bạn chỉ thi hỏng một môn học; quyết định sai cho công ty của mình, bạn khiến công ăn việc làm của tất cả nhân viên rơi vào tình thế rủi ro. Tôi không thể làm thế, nên tôi trở lại trường để học thêm”.
Một sinh viên khác, Donald Zhang, 18 tuổi và cũng là một triệu phú, đang làm luận án tiến sĩ. Cậu nói với báo chí: “Chúng ta hãy nhìn vào giáo dục đại học và con số những phát minh và khám phá làm thay đổi thế giới. Bạn nghĩ World Wide Web tới từ đâu? Tất cả những loại thuốc điều trị ung thư đến từ đâu? Thuật toán cho Google Tìm Kiếm (Google Search) đến từ đâu? Tất cả đều là sản phẩm của giáo dục đại học. Nếu quan sát kỹ lưỡng, bạn có thể thấy rằng các trường đại học đã tạo ra rất nhiều ngành công nghiệp, từ điện tử tới công nghệ sinh học, từ máy tính tới robot. Nó giúp tạo ra hàng nghìn công ty và hàng triệu việc làm. Nền học vấn đã giúp ích cho tôi, bởi vì không có nó, có lẽ tôi cũng chỉ làm công việc quét dọn sàn như bố tôi thôi”.
Zhang giải thích: “Bố mẹ tôi là dân nhập cư, họ phải làm việc vất vả để nuôi năm đứa con và cho chúng tôi tới trường. Bởi vì không được học hành đầy đủ và khả năng ngôn ngữ giới hạn, họ không tìm được công việc tốt. Bố tôi phải làm việc ở hai nơi – quét sàn cho một nhà hàng và một trường học. Mẹ tôi may quần áo cho một công ty để có thể vừa kiếm tiền vừa chăm sóc con cái. Chúng tôi nghèo tới mức không có cả tivi. Thứ duy nhất chúng tôi có là những quyển sách mượn từ thư viện. Khi lên bảy, tôi thích đọc sách sinh học nên đã theo anh tôi tới trường của anh ấy, anh xin phép thầy cho tôi được ngồi dự lớp sinh học. Khi 12 tuổi, tôi là người trẻ nhất đoạt giải nhất tại hội chợ khoa học của trường đại học địa phương. Thí nghiệm của tôi về tách phân tử tế bào đã gây ấn tượng tới mức nhà trường nhận tôi vào làm sinh viên năm nhất. Tôi đã hoàn thành ba bằng cử nhân khoa học chuyên ngành sinh học, sinh hóa học và khoa học máy tính khi 15 tuổi. Năm sau, tôi mở công ty khởi nghiệp dựa trên một ý tưởng mà tôi nghĩ ra từ khi còn ở trường. Tôi đã thuyết phục được một vài người, trong đó có các giáo sư, cho tôi vay tiền để mở công ty. Ý tưởng đó đã biến thành một bằng sáng chế về y học để chữa bệnh, nên các công ty dược rất quan tâm và mua lại công ty của tôi. Năm ngoái, tôi bán công ty được vài triệu đô-la để giúp gia đình mình. Tôi trở lại trường để học về công nghệ sinh học vì mong muốn sẽ phát minh ra nhiều thứ hơn nữa để chữa bệnh. Mọi thứ tôi có trong đời đều là nhờ giáo dục đại học”.
Tôi vui mừng là hai người phản hồi bình luận của Dale đều là những người khởi nghiệp thành công. Họ đại diện cho một lớp người trẻ mới, năng nổ, có tri thức và sẵn sàng đón nhận rủi ro. Cả hai đều xem việc học là quan trọng và bằng chứng là họ đều trở lại trường để học thêm. Cả hai đều trẻ tuổi như Dale, họ cũng được nhận học bổng như Dale nhưng còn hơn thế, cả hai đều sống có mục đích. Họ biết tự định hướng để đi và biết phải làm gì trong cuộc sống. Một người trở lại trường để học thêm về kinh doanh để có thể quản lý công ty của mình tốt hơn. Người kia muốn học thêm nữa để giúp các bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật. Hơn bao giờ hết, thanh niên ngày nay cần có những mục tiêu và định hướng như vậy. Có mục tiêu và định hướng sẽ giúp vượt qua những trở ngại ở trường và trong cuộc sống để đi tới đích. Không có mục tiêu và định hướng, chúng ta sẽ lạc mất phương hướng.
Ngày nay, nhiều người trẻ vẫn chưa đủ trưởng thành để đánh giá đúng giá trị của giáo dục đại học. Họ nhìn vào thành công của chỉ một vài người phi thường và muốn bản thân mình trở thành hình mẫu đó. Ai cũng muốn là Bill Gates hay Steve Jobs. Hầu hết mọi người đều muốn có tiền, một số người muốn danh tiếng nhưng có lẽ họ sẽ không đi tới đâu. Không có mục tiêu, định hướng và một nền học vấn đúng đắn, rốt cuộc họ sẽ đi đến chỗ không có việc làm như một điều tất yếu.
Chuẩn bị cho đại học: nhìn nhận đúng đắn
Trước khi vào đại học, học sinh vừa tốt nghiệp trung học thường đối diện với khó khăn trong việc quyết định chọn trường nào và ngành nào để theo học. Một số em sẽ chọn bất kỳ trường đại học nào chịu nhận và học bất kỳ ngành nào các em thích. Tuy nhiên, một số em sẽ nghe theo lời khuyên và lựa chọn theo ý muốn của bố mẹ, nhưng vấn đề là liệu bố mẹ có biết trường nào là tốt nhất và ngành nghề nào đang có nhu cầu cao không? Ở Mỹ, nhiều phụ huynh thường xuyên theo dõi thị trường việc làm, thường dựa trên dự báo thị trường việc làm của Bloomberg và danh sách xếp hạng đại học của U.S News & World Report để khuyên con cái. Nhưng ở châu Á, phụ huynh thường dựa trên danh tiếng của các trường và những xu hướng xảy ra vào thời họ còn là sinh viên, thay vì theo dõi thị trường việc làm trong nước hiện thời. Khi đi dạy ở Trung Quốc, tôi thường nghe các phụ huynh nói: “Không có gì tốt hơn y khoa, nha khoa và dược khoa”, và khuyến khích con cái họ “học càng cao càng tốt”.
Ngày nay, thời thế đã thay đổi vì thế giới đang bị tác động bởi nhiều thứ mà một số quy tắc ngày xưa có thể đã không còn hợp thời. Hiện nay, các ngành học tốt nhất là thuộc khối ngành STEM: khoa học (y khoa, nha khoa và dược khoa,...), công nghệ (khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, quản lý hệ thông tin,...), kỹ thuật (điện, điện tử, hóa học,…), và toán học (thống kê,....). Tất nhiên, các ngành như y khoa, nha khoa và dược khoa đều là những ngành tốt nhất, nhưng những ngành đó có phải là sự đầu tư tốt nhất hiện nay không? Chúng ta hãy tính đến thời gian và nỗ lực mà sinh viên các trường đặc biệt này phải bỏ ra: mười năm cho y khoa; tám năm cho nha khoa; và bảy năm cho dược khoa, và hãy so sánh mức thu nhập của họ với các chuyên viên phát triển phần mềm có bằng cử nhân và có tám năm kinh nghiệm chuyên môn phân tích dữ liệu hay an ninh máy tính thì bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn.
Sai lầm tai hại nhất mà học sinh trung học có thể phạm phải là TRÌ HOÃN quyết định chọn ngành học cho đến khi vào đại học, học thử vài môn để xem môn học nào là phù hợp nhất. Những sinh viên này thường chọn những ngành dễ để có nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống. Đến lúc tốt nghiệp, nhiều em mới biết rằng bằng cấp không phải là thứ đảm bảo cho việc làm và khi đó đã quá trễ, vì vậy mới có tình trạng nhiều người vừa tốt nghiệp đã thất nghiệp. Về căn bản, nếu không quyết định trước khi vào năm thứ nhất đại học, các em có thể bỏ lỡ những cơ hội tốt. Hầu hết các chương trình có định hướng nghề nghiệp chắc chắn như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học thường giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu không ghi danh sớm, sau này các em có thể sẽ khó được nhận vào học. Lời khuyên của tôi là chuẩn bị sớm nhất có thể, vì các trường hàng đầu chọn lọc rất kỹ, các ngành học có định hướng nghề tốt thường chỉ nhận số sinh viên có hạn, nên các em phải được chuẩn bị KHI CÒN Ở TRUNG HỌC để chắc rằng sẽ được nhận. Bố mẹ hoặc các em cần trao đổi với các chuyên viên tư vấn tuyển sinh của trường để hiểu yêu cầu của họ và dự đoán được khả năng được chấp nhận vào đến đâu.
Sinh viên thường chia sẻ với tôi rằng các em không chắc mình có đam mê về công nghệ hay kỹ thuật không? Hoặc các em không chắc mình có thể vượt qua được những trở ngại và hoàn thành bậc đại học đầy cam go hay không. Tất nhiên, đó là những câu hỏi quá khó, vì nhiều học sinh trung học chưa đủ trưởng thành hay không thực sự biết bản thân muốn gì. Đây là chỗ bố mẹ cần can dự vào để khuyến khích và hỗ trợ vì phụ huynh sẽ hiểu tình huống và nhu cầu thị trường việc làm hơn.
Trong nhiều năm giảng dạy, tôi chưa bao giờ thấy một sinh viên cần cù nào không thể vượt qua những khó khăn trong học tập, vì hầu hết mọi trở ngại đều từ suy nghĩ của chúng ta mà ra. Nếu các em nghĩ lập trình khó thì sẽ không chọn học lập trình; nếu các em nghĩ toán khó thì sẽ né tránh toán học, nhưng nếu các em quyết tâm nỗ lực thì hầu như sẽ luôn thành công. Đây là lý do tại sao sinh viên cần xây dựng mối quan hệ tốt với các giảng viên. Các thầy cô sẽ dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ cho bất kỳ sinh viên nào, nếu các em sẵn sàng học hành chăm chỉ. Tôi có gặp nhiều em sinh viên tới lớp kỹ thuật phần mềm của tôi với vẻ ngần ngại và nói với tôi rằng các em muốn thử xem mình có thể vượt qua được môn này không. Tôi bảo các em hãy nói chuyện với những sinh viên của tôi đã tốt nghiệp, đang làm việc trong lĩnh vực này và những người tốt nghiệp các ngành khác rồi hãy quyết định. Cuối cùng, phần lớn các em quay lại lớp tôi và cho biết sẽ quyết tâm học đến cùng. Tôi bảo các em: “Nếu các em học lớp của thầy chỉ để thử, các em sẽ thấy khó rồi bỏ nửa chừng. Nhưng nếu các em quyết tâm đi đến cùng thì sẽ thành công. Việc của thầy là hỗ trợ các em đi hết chặng đường nếu các em cũng dành hết nỗ lực vào đó”.
Khi con cái đang chuẩn bị cho tương lai, hãy đảm bảo con của bạn sẽ nghiên cứu mọi khả năng lựa chọn và cân nhắc dựa trên bốn tiêu chí của tôi: đúng trường, đúng chương trình đào tạo, đúng ngành học và thái độ đúng. Đó là bốn yếu tố sẽ quyết định tương lai và cả quãng đời còn lại của con cái bạn.
Chuẩn bị cho đại học: khi chọn các ngành STEM
Một người mẹ viết cho tôi: “Tôi có ba đứa con sẽ vào đại học trong vài năm tới. Tôi muốn chúng học một ngành nghề gì đó có tương lai tốt như công nghệ và khoa học. Như vậy, tôi cần chuẩn bị gì để các con theo đuổi những ngành nghề này và làm thế nào để chọn được trường đại học tốt nhất cho các con? Xin thầy cho lời khuyên”.
Đáp: Trước khi con bạn vào đại học, có vài điều bạn có thể làm để chuẩn bị cho các cháu theo các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Vì đây là lĩnh vực rộng lớn với nhiều ngành để chọn, bạn và các con cần xác định xem lĩnh vực nào sẽ phù hợp nhất với cháu. Bạn nên khuyến khích con đọc để hiểu về những đường hướng phát triển nghề nghiệp, các xu hướng tuyển dụng, nhu cầu thị trường, nhu cầu của các công ty trong nước và toàn cầu cũng như loại bằng cấp nào được yêu cầu (cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ) cho các vị trí đó và những trường đại học nào cấp các loại bằng này. Điều này sẽ đặt ra phương hướng cho con bạn về nghề nghiệp tương lai.
Một khi cháu đã có ý niệm cụ thể về ngành học, bước tiếp theo sẽ là khuyến khích cháu học nhiều nhất có thể về lĩnh vực mà cháu đã chọn và xây dựng nền tảng cho nó. Cũng giống như xây một ngôi nhà, nhà càng cao thì móng càng phải vững, con bạn có thể cần học thêm khoa học và toán học để có được nền tảng ban đầu cho việc lựa chọn về sau. Điều đó sẽ giúp cháu xác định bản thân có hứng thú với môn học này hay không và cũng tạo ra ưu thế so với những người khác khi cháu vào đại học.
Bạn cũng nên khuyến khích con đọc càng nhiều càng tốt để mở mang tâm trí với những khái niệm mới, ý tưởng mới và xây dựng một nền tảng tri thức rộng và sâu hơn, khiến con bạn khác biệt so với những người khác. Ngày nay, internet đã giúp hàng triệu học sinh, sinh viên khai phá những chủ đề công nghệ mới mà nhà trường không dạy. Có hàng nghìn website dạy học và đào tạo. Các khóa học trực tuyến mở đại trà – Massive Open Online Courses (MOOC)(1) từ các trường đại học hàng đầu như Stanford, Harvard, MIT(2), và các trường đại học khác là những tài nguyên lớn cháu nên truy cập và học hỏi mà không phải trả phí tổn gì cả. Tất nhiên, cháu phải biết tiếng Anh vì phần lớn các khóa học này đều được dạy bằng tiếng Anh. Đây cũng là cơ hội để con bạn cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh. Bằng việc tham gia các nhóm trực tuyến dành cho sinh viên hay các phòng chat kỹ thuật, con bạn có thể giữ liên lạc với những sinh viên khác cũng đang quan tâm đến lĩnh vực STEM.
(1) MOOC (Massive Open Online Courses): là các khóa học trực tuyến đại trà, tức không giới hạn đối tượng người học (không hạn chế quyền truy cập).
(2) MIT: (từ viết tắt của Massachusetts Institute of Technology) là Viện Công nghệ Massachusetts ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Nếu bạn hay gia đình bạn biết ai đó đang làm việc trong các ngành nghề STEM như kỹ sư, nhà khoa học, hay người có chuyên môn y tế thì hãy để họ trò chuyện với con bạn. Có thể họ sẽ tư vấn cho cháu hay cho cháu lời khuyên về nghề nghiệp họ đang theo đuổi. Bất kể con bạn chọn lĩnh vực nào, hãy trò chuyện với những người đã hoặc đang làm việc trong lĩnh vực để tìm hiểu họ làm gì, và xem liệu đó có thể là lĩnh vực phù hợp cho con bạn hay không.
Du học ở Mỹ: chuẩn bị hồ sơ thế nào?
Một người mẹ viết cho tôi: “Tôi muốn cho con tôi du học ở Mỹ. Tôi đã xem thông tin về du học ở nước ngoài, nhưng tình cờ biết được website của thầy, tôi muốn hỏi liệu thầy có thêm thông tin nào để giúp con tôi được nhận vào trường đại học hàng đầu của Mỹ không? Xin thầy giúp cho”.
Đáp: Số sinh viên quốc tế ghi danh vào các trường đại học Mỹ ngày càng tăng, nên có sự cạnh tranh gay gắt vào các trường đại học hàng đầu. Lời khuyên đầu tiên của tôi là con trai bạn phải ghi danh vào ít nhất từ mười tới hai mươi trường để có cơ hội được chấp nhận cao hơn. Mỗi trường đều có website giải thích rõ ràng các yêu cầu tuyển sinh, nên cháu cần nghiên cứu kỹ và tuân theo các hướng dẫn để đảm bảo cháu hoàn tất việc nộp hồ sơ đầy đủ và đúng hạn (hầu hết các trường ở Mỹ đều ngừng nhận hồ sơ vào cuối năm và bắt đầu quy trình xét tuyển trong tháng Một hay tháng Hai).
Mặc dù không thừa nhận nhưng hiện nay, do số lượng người xin học quá lớn, nhiều trường đang dùng “phần mềm chuyên dụng” để duyệt xét và loại bớt những ứng viên không đạt yêu cầu. Điều quan trọng là con bạn được ghi nhận thành tích học tập tốt trong hồ sơ, như chỉ số Điểm Trung bình GPA(3) và điểm số tốt trong ngành học mà cháu chọn. Cháu cũng phải đạt điểm cao trong bài thi đầu vào (SAT cho bậc đại học, GRE hay tương đương cho bậc sau đại học). Mỗi trường đều quy định điểm sàn và phần mềm sẽ loại những ứng viên có điểm dưới chuẩn này. Chẳng hạn, nếu điểm sàn GPA là 3.0 thì mọi đơn xin học thấp dưới 3.0 sẽ tự động bị bác bỏ.
(3) GPA (Grade Point Average): là chỉ số đánh giá sinh viên theo hệ thống giáo dục Mỹ, được tính bằng cách cộng điểm trung bình của các môn học, rồi chia đều ra để lấy điểm số trung bình.
Một yếu tố then chốt khác là mức độ thông thạo tiếng Anh thông qua các bài thi TOEFL (The Test of English as a Foreign Language) hay IELTS (The International English Language Testing System). Mặc dù con bạn có thể thi lại nhiều lần để cải thiện điểm, nhưng lời khuyên của tôi là đừng thi TOEFL hay IELTS quá ba lần. Cho dù cháu có thể đạt đến điểm tốt nhưng nếu đã thi từ bốn lần trở lên thì có nghĩa là cháu không đủ giỏi tiếng Anh để được chấp nhận.
Nếu hồ sơ xin học của con bạn đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn chung (tức là GPA tốt, điểm SAT(4), GRE(5) hay TOEFL tốt) thì đơn của cháu sẽ được chuyển tới ban xét tuyển để xem xét. Đơn của cháu sẽ được đánh giá cùng với các hồ sơ cùng loại khác để chọn ra những ứng viên tốt nhất. Điều quan trọng nhất đối với các đơn xin học là phần trình bày mục tiêu, trong đó người nộp đơn giải thích lý do tại sao muốn vào một trường đại học cụ thể và tại sao chọn học ngành đó. Một ban gồm các giáo sư hay những người phụ trách đào tạo của trường sẽ quyết định dựa vào việc liệu họ có thích phần trình bày mục tiêu học tập của ứng viên hay không. Tất nhiên, các trường sẽ có quan điểm khác nhau về cách chọn sinh viên. Chẳng hạn, một số trường thích các phẩm chất của người lãnh đạo, trong khi các trường khác có thể chú trọng năng lực xuất sắc về kỹ thuật, v.v. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng tổng thể là khả năng trình bày logic. Một ứng viên tốt phải có phần giải thích thuyết phục tại sao muốn vào trường; ứng viên muốn theo học ngành gì và tại sao chọn ngành học đó; kiến thức cụ thể hay kinh nghiệm mà ứng viên có trong lĩnh vực; và ứng viên muốn làm gì với bằng cấp có được khi tốt nghiệp.
(4) SAT: là từ viết tắt của Scholastic Aptitude Test (tên ban đầu là Scholastic Aptitude Test, sau đó là Scholastic Assessment Test, tiếp đó đổi thành SAT I: Reasoning Test, sau nữa là SAT Reasoning Test và hiện nay gọi đơn giản là SAT), là bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ.
(5) GRE: là từ viết tắt của Graduate Record Examination, bài kiểm tra sát hạch tiêu chuẩn cho tuyển sinh sau đại học chuyên ngành tự nhiên & khoa học xã hội tại Hoa Kỳ.
Ban xét tuyển thường tìm kiếm các ứng viên trình bày rõ ràng những mối quan tâm thật cụ thể về trường và ngành học. Lời khuyên của tôi là con trai bạn cần dành thời gian tìm hiểu về trường, đọc về triết lý và sứ mệnh của trường để có thể viết bài trình bày tốt kiến thức và kinh nghiệm mà cháu có để tăng sức thuyết phục. Điều quan trọng là cháu cũng có tầm nhìn rõ ràng về điều cháu muốn làm cho tương lai. Cháu phải đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho các ý được nêu trong bài viết như là kết quả nghiên cứu, cùng với thành tích học tập, các hoạt động tình nguyện,v.v. Mọi thứ cháu trình bày sẽ giúp ban xét tuyển biết thêm để có thể thấy sự khác biệt giữa cháu với những ứng viên khác.
Việc xin vào đại học đòi hỏi con bạn phải dành thời gian nghiên cứu để tìm ra trường đại học phù hợp và viết bài trình bày. Vì cháu sẽ làm hồ sơ xin vào mười hay hai mươi trường, lời khuyên của tôi là cháu phải bắt đầu từ sớm, thường là trước một năm, tập hợp tất cả những thông tin mà cháu cần để hoàn thành các hồ sơ xin học.
Du học ở Mỹ: trường đại học hàng đầu
Tôi nhận được thư gửi từ một người bố châu Á: “Con tôi học khá giỏi nhưng cháu không có điểm số hoàn hảo khi so sánh với các học sinh khác đang xin vào các trường hàng đầu của Mỹ. Cháu được xếp hạng cao trong lớp nhưng để vào các trường lớn của Mỹ và được hỗ trợ tài chính, cháu sẽ phải cạnh tranh với các học sinh hàng đầu có thành tích học tập cao và hồ sơ xin học ấn tượng hơn. Chúng tôi thực sự muốn cháu vào được trường hàng đầu và cần lời khuyên của thầy. Xin thầy giúp cho”.
Đáp: Phần lớn các phụ huynh châu Á đều muốn con mình được vào trường hàng đầu của Mỹ và có được nền giáo dục tốt nhất. Thực tế là việc xin vào các trường hàng đầu mang tính cạnh tranh rất cao và các trường đó chỉ tuyển những sinh viên được chuẩn bị tốt, có khả năng ứng phó được với sức ép cạnh tranh cao. Tuy nhiên, có rất nhiều trường tốt ở Mỹ và bạn cần nghiên cứu kỹ để tìm ra trường phù hợp cho con (có vài hệ thống xếp hạng trường đại học nhưng phổ biến nhất là U.S News & World Report). Phần lớn các trường hàng đầu đều có tính chọn lọc cao, chỉ các học sinh xuất sắc mới vào được; ngay cả khi vào được rồi, các em vẫn sẽ phải cạnh tranh với những người khác cũng rất giỏi để đạt được điểm số tốt hơn. Tuy nhiên, nếu con bạn vào được các trường tốt có vị trí xếp hạng 10 – 25 theo U.S News & World Report, cháu có thể đạt thành tích tốt hơn nhiều vì phần lớn các sinh viên sẽ ở trình độ như nhau, do đó sức ép sẽ ít hơn nhiều.
Tôi hiểu rằng các trường đại học hàng đầu như Harvard, Princeton, Yale, MIT, Carnegie Mellon và Stanford được đánh giá cao đối với người châu Á, nhưng điều đó không có nghĩa là những trường này tốt hơn các trường được xếp hạng thấp hơn vài bậc. Các bảng xếp hạng không thay đổi mỗi năm, nên trong số mười hay hai mươi trường hàng đầu, hệ thống giáo dục ở một mức độ nào đó là như nhau. Lời khuyên của tôi là cháu nên xin vào cả các trường trong top 10 và top 25 để có nhiều cơ may hơn.
Nhiều phụ huynh châu Á không biết nhiều về hệ thống các trường của Mỹ, nên thường chỉ tính tới các trường nổi tiếng nhất thay vì tìm hiểu thấu đáo để chọn ra những trường phù hợp nhất cho con họ. Về khả năng được hỗ trợ tài chính, học sinh châu Á thường hiểu nhầm rằng có thể xin được học bổng từ các trường của Mỹ. Mặc dù các trường hàng đầu đều có học bổng, nhưng phần lớn dành cho các nghiên cứu sinh ở bậc tiến sĩ, còn bậc cử nhân hay thạc sĩ thì rất ít học bổng. Vì thế, nghĩ rằng vào trường Mỹ để được hỗ trợ tài chính là sai. Khi nộp đơn vào các trường này, con bạn cần phải có tâm lý linh hoạt, bởi vì nếu cháu nghĩ nhất định phải giành được học bổng, mà trường lại không có ngân sách cho khoản đó thì đơn của cháu sẽ bị bác bỏ. Tất nhiên, có nhiều trường “rởm” và trường tư vì lợi nhuận hứa hẹn cấp học bổng, nhưng bạn cũng phải cẩn thận vì nhiều trường trong số này không được chính thức công nhận và bằng cấp của họ không có giá trị. Nếu muốn con vào trường hàng đầu, bạn nên tránh các trường kiểu này.
Du học ở Mỹ: đại học công hay tư
Một người bố viết cho tôi: “Con gái tôi đang lập kế hoạch đi học ở Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi đang băn khoăn giữa đại học công và đại học tư, tôi cũng lo lắng sợ chọn nhầm một trường đại học ‘rởm’. Xin thầy cho chúng tôi lời khuyên”.
Đáp: Ở nhiều nước, chỉ có hai loại trường đại học: công và tư. Tuy nhiên, ở Mỹ có ba loại: đại học công, đại học tư phi lợi nhuận và đại học tư vì lợi nhuận.
Sự khác biệt giữa trường đại học công và đại học tư là ở hình thức góp vốn. Trường đại học công được chính phủ liên bang và chính phủ bang đóng góp ngân sách để dạy cho người dân sống ở bang đó. Vì chính quyền bang trả cho chi phí vận hành trường, nên họ cũng quản lý các trường này thông qua ủy ban giám sát và các ủy viên. Do là trường công nên học phí các trường như vậy tương đối thấp. Chất lượng giáo dục cũng có sự khác biệt tùy theo trường và bang, một số trường có chất lượng giáo dục xuất sắc, nhưng một số trường có lẽ là không. Với trường công, quy chế tuyển sinh dựa trên một bộ tiêu chuẩn được ủy ban giám sát của bang thiết lập, mà trong một số trường hợp, ít hạn chế hơn so với trường tư phi lợi nhuận. Trung bình, khoảng 30 – 40% đơn xin học được chấp nhận.
Các trường đại học tư phi lợi nhuận không nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ, nên họ dựa vào học phí thu của sinh viên và các khoản đóng góp tư nhân (phần lớn từ ngành đào tạo và các cá nhân). Do đó, mức học phí của các trường này cao hơn trường công. Các trường phi lợi nhuận cũng có ủy ban giám sát và ủy viên giám sát (đa số thuộc các ngành đào tạo hay đại diện cho ngành). Hầu hết các trường đại học hàng đầu ở Mỹ đều là trường đại học tư phi lợi nhuận như Harvard, Yale, Princeton, Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Carnegie Mellon, Chicago và Đại học Brown (Brown University). Vì có danh tiếng vượt trội nên những trường này tuyển chọn rất gắt gao. Trung bình chỉ có 6 − 14% số đơn xin học được chấp nhận.
Các trường đại học tư vì lợi nhuận thuộc sở hữu của các công ty tư nhân. Ưu tiên của họ là lợi nhuận, đây là lý do tại sao học phí của những trường này cao (mặc dù nhiều trường có cấp học bổng trong hai năm đầu để thu hút học sinh ghi danh). Mục tiêu là vì lợi nhuận, nên các trường này không tuyển chọn khắt khe, chỉ cần sinh viên có khả năng chi trả là được. Trung bình, khoảng từ 65 − 90% đơn xin học được chấp nhận. Nhiều trường vì lợi nhuận cung cấp các lớp đào tạo cũng như các chương trình trực tuyến linh hoạt nhưng chất lượng giảng dạy giữa các trường khác biệt đáng kể. Một số trường chất lượng tốt, nhưng nhiều trường không tốt, và thậm chí một số trường chỉ đơn giản là “bán bằng” − bán bằng cấp với bất kỳ giá nào.
Vấn đề chính của các trường vì lợi nhuận là nhiều trường không được chính thức công nhận bởi cơ quan công nhận hợp pháp, nên điểm số của sinh viên cũng không được công nhận nếu các em chuyển trường. Trong một số trường hợp, bằng cấp của các trường này không được ngành cũng như các trường đại học công và phi lợi nhuận công nhận, điều này hạn chế khả năng học chuyên sâu hơn của sinh viên. Bởi vì sinh viên tốt nghiệp những trường này có thể không được chấp nhận nếu muốn tiếp tục học chuyên sâu ở các trường đại học công hay phi lợi nhuận. Hiện thời, những trường này rất tích cực tuyển sinh viên nước ngoài, họ chi nhiều tiền cho quảng cáo trên khắp thế giới, nhưng một số trường kiểu này đang bị điều tra bởi cơ quan có thẩm quyền của chính phủ, nếu phát hiện sự lừa đảo, họ sẽ phải đóng cửa.
Tôi muốn khuyên con bạn nên tránh xa các trường đại học vì lợi nhuận không được công nhận. Sẽ rất khó tìm việc làm ở Mỹ nếu là sinh viên tốt nghiệp từ những trường không được công nhận này. Lời khuyên của tôi là con gái bạn nên tìm hiểu thấu đáo về trường cháu muốn xin vào và thảo luận với bố mẹ. Với tư cách là phụ huynh, bạn cũng cần xem xét kỹ lưỡng để chắc rằng bạn không phạm sai lầm với tương lai của con khi chi tiền vào một trường đại học không được công nhận. Giáo dục là sự đầu tư lớn về thời gian, nỗ lực và tiền bạc, vì vậy bạn cần đảm bảo rằng đây là sự đầu tư xứng đáng.
Sau đây là danh sách các trường đại học Mỹ tốt nhất được xếp hạng trên U.S. News & World Report để bạn tham khảo:
http://colleges.usnews.rankingsandreviews.com/best-colleges
http://grad-schools.usnews.rankingsandreviews.com/best-graduate-schools/top-engineering-schools/computer-engineering-rankings?int=a4d609
Du học ở Mỹ: học tập và ở lại Mỹ
Một người mẹ viết cho tôi: “Con trai tôi có kế hoạch sang Mỹ du học và tìm việc làm ở đó, nhưng cháu nó không chắc về việc nên chọn trường nào và ngành học nào. Xin thầy giúp cho”.
Đáp: Giáo dục là một khoản đầu tư quan trọng, vì thế cần lập kế hoạch cẩn thận, nhất là trong thời buổi thị trường việc làm thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Việc chọn ngành học vì thế lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Việc chọn ngành đúng hay sai sẽ giúp cháu có được nghề nghiệp ổn định và thu nhập tốt, hay lâm vào cảnh thất nghiệp mà không có cơ hội nào thoát ra. Để xin vào một trường đại học Mỹ, bạn phải nghiên cứu từng trường một cách cẩn thận vì nhiều trường “rởm” quảng cáo rất mạnh ở các nước châu Á với lời hứa hẹn về học bổng và dễ xin vào nhưng bằng cấp của họ chẳng có giá trị gì cả.
Nếu con bạn muốn ở lại làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp thì cháu nên chọn các ngành học trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vì người tốt nghiệp những lĩnh vực này được phép ở lại Mỹ làm việc.
Trường đại học trực tuyến
Một sinh viên viết cho tôi: “Em hiện đang theo học ngành khoa học máy tính từ một trường đại học trực tuyến. Nhà trường hứa rằng em có thể chỉ cần học ba năm thay vì bốn năm và cấp học bổng nếu em nộp đơn vào. Liệu em có khả năng tìm được công việc tốt với một tấm bằng của chương trình trực tuyến không? Nếu em muốn tiếp tục học để lấy bằng thạc sĩ ở một trường đại học chính quy, liệu họ có chấp nhận bằng chương trình trực tuyến của em không?”.
Đáp: Các công ty có thể nhìn nhận khác nhau về bằng đại học trực tuyến. Một số có lẽ không chú ý, nhưng nhiều công ty có thể nhìn nó thiếu tích cực. Khái niệm trường đại học trực tuyến còn khá mới và nhiều trường không có danh tiếng bằng đại học chính quy, ít nhất là chưa. Có ít trường đại học trực tuyến tốt hơn là trường kém. Một số trường chỉ quan tâm đến lợi nhuận và không quan tâm xem liệu sinh viên có thực sự học hay không, điều đó khiến cho đại học trực tuyến mang một hình ảnh rất xấu. Theo tôi biết, nhiều công ty ưa chuộng người tốt nghiệp đại học chính quy hơn đại học trực tuyến và khi phải cạnh tranh với nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy cùng xin vào một vị trí, sinh viên đại học trực tuyến sẽ ở thế bất lợi ngay.
Có nhiều thông tin xấu về các chương trình đào tạo trực tuyến liên quan tới gian lận, học thuê/thi hộ, hay không đủ năng lực làm những công việc cơ bản, nên các công ty thường ngại nhận sinh viên tốt nghiệp các trường trực tuyến. Điều tương tự cũng xảy ra với sinh viên tốt nghiệp trường trực tuyến muốn nộp đơn xin học tiếp để lấy bằng chuyên sâu ở các trường chính quy. Một số trường có thể chấp thuận, nhưng một số trường thì không. Nếu trường trực tuyến em theo học là trường được công nhận theo ABET, có thể em sẽ không gặp trở ngại khi xin vào chương trình chuyên sâu của đại học chính quy. Nhưng nếu đó KHÔNG PHẢI là trường được chính thức công nhận thì tấm bằng của em là vô giá trị.
Tôi nghĩ sinh viên phải cẩn thận về việc chọn trường. Sai lầm số một mà các em thường mắc phải là nhanh chóng quyết định mà không nghiên cứu kỹ lưỡng rồi tốt nghiệp với tấm bằng không có giá trị và không có kỹ năng.
Không phải bằng cấp nào cũng đảm bảo việc làm. Sinh viên tốt nghiệp phải có tri thức và kỹ năng đủ để làm một công việc cụ thể nào đó, nghĩa là phải chứng minh điều đó cho người tuyển dụng. Một trường đại học hứa hẹn rằng sinh viên sẽ lấy được bằng trong thời gian ngắn và hứa hẹn cấp học bổng thì có thể có gì đó bất thường.
Trường đại học “rởm”
Hôm qua, tôi nhận được một email, người gửi viết: “Em là một sinh viên công nghệ thông tin hiện đang học tại một trường đại học trực tuyến. Em rất lo lắng khi đọc bài thầy viết về ‘các trường đại học rởm’. Làm sao để em biết được trường em đang học có hợp pháp hay không? Bố mẹ em trả rất nhiều tiền để em đi học. Xin thầy cho em lời khuyên”.
Đáp: Về căn bản, có nhiều trường đại học cấp bằng mà không được các cơ quan có thẩm quyền chính thức về giáo dục công nhận. Sinh viên trả tiền để có tấm bằng từ một chương trình đại học dưới chuẩn và không có giá trị trong thị trường việc làm. Nhiều công ty xem ứng viên đi xin việc với tấm bằng như vậy là “lừa đảo”. Ngay cả khi đã được tuyển, nếu bị phát hiện, người đó vẫn có thể bị đuổi việc, về sau họ sẽ rất khó tìm việc với hồ sơ kiểu như thế.
Tại sao các trường đại học này vẫn tuyển được sinh viên? Có hai trường hợp xảy ra: hoặc sinh viên không biết (là mình bị lừa) hoặc biết nhưng vẫn cố tình đăng ký vì muốn lấy tấm bằng để lừa ai đó. Dù là trường hợp nào thì trường đại học “rởm” đó vẫn kiếm được tiền, rất nhiều tiền.
Ngày nay với internet, có cả nghìn trường đại học “rởm” ở Mỹ với website quảng cáo đủ loại chương trình đào tạo, thậm chí có cả giấy chứng nhận để trông có vẻ như hợp pháp. Bằng cấp của các trường đó thường được trao dựa trên một chương trình đào tạo nào đó, nhưng nội dung đào tạo thì dễ tới mức mọi sinh viên đều có thể qua được dù họ có học hay không. Chương trình của các trường loại này không được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền hợp pháp nào thừa nhận. Một số trường đại học trực tuyến nói rằng trường được chính thức công nhận nhưng thường là bởi các tổ chức vô danh do chính họ lập ra với mục đích đánh lừa. Nếu học về công nghệ thông tin ở Mỹ, trường đại học phải được chính thức công nhận bởi tổ chức có tên ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology), nếu không thì đó không phải là một trường đại học thực thụ.
Cách nhận ra một trường đại học “rởm”:
Trường đại học “rởm” thường mang tên nghe giống như các trường đại học danh tiếng, chẳng hạn: New Mexico Institute of Technology (N-MIT) − nghe gần giống với trường Massachusetts Institute of Technology (MIT), hay Harvard University in the Caribbean − nghe hao hao trường Harvard University in Boston. Nhiều trường “rởm” cũng dùng tên của bang để nghe có vẻ như một trường thuộc tiểu bang, chẳng hạn: University of Northern Washington − rất giống vớiUniversity of Washington, North America University thì sẽ dễ nhầm với American University; University of North California State thì nghe giống như đây là trường đối trọng với University of Southern California. Những trường này luôn dùng nhiều chiêu trò khác nhau và đổi tên trường thường xuyên để tránh bị truy tìm về mặt pháp lý.
So với các trường đại học hợp pháp, các trường đại học “rởm” có xu hướng đưa ra các điều kiện tuyển sinh rất dễ dàng. Các trường này thường chấp nhận mọi sinh viên dù các em có đủ năng lực hay không, miễn là các em trả tiền trước. Sinh viên được khuyến khích “nộp đơn xin nhập học ngay hôm nay trước khi học phí tăng”, hoặc nhận được thông báo là đủ tiêu chuẩn để giành một suất “học bổng giao lưu ngắn hạn”, “đã được học bổng”, “được giảm 50% học phí”, hay “được quyền đăng ký theo học để lấy nhiều bằng đồng thời” (chẳng hạn có thể lấy được đồng thời bằng khoa học máy tính và MBA với cùng một mức phí). Trường có thể ở Mỹ nhưng văn phòng chính lại đặt ở một nước khác. Lớp học có thể được tổ chức ở Mỹ nhưng giấy phép kinh doanh lại đăng ký ở nước khác. Việc đặt trụ sở doanh nghiệp và tổ chức lớp học ở nhiều nước khác nhau là cách để tránh sự can thiệp hay điều tra pháp lý của chính phủ.
Trường không có khuôn viên mà chỉ có một tòa nhà đi thuê với vài lớp học. Không có thư viện, giảng đường, nhân viên hay phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Hầu như rất ít hay không có sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên. Nhiều “giáo sư” không đủ tiêu chuẩn hay thậm chí có bằng cấp giả. Nếu sinh viên không học hành gì, họ vẫn có thể được cấp bằng như thường. Ở loại trường này, chương trình học thì dễ nhưng bằng cấp không có giá trị gì cả.
Một số trường đại học rởm còn quảng cáo là được công nhận bởi một “tổ chức có thẩm quyền chính thức”, “được cấp phép đầy đủ”, hay “được bang chấp thuận” để nghe có vẻ hợp pháp. Một số tự nhận là liên kết với các tổ chức như Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc chẳng liên quan gì tới việc công nhận chất lượng giáo dục). Chẳng hạn, University of Northern Washington quảng cáo rằng bằng của trường được “chứng nhận và đóng dấu xác thực bởi công chứng viên chính phủ Mỹ” nhưng không hề có hình thức công chứng như vậy. Trường LaSalle University thì quảng cáo là “được chính thức công nhận” bởi “Hội đồng công nhận tổ chức” do một công ty tư nhân lập ra, liên kết với người chủ sở hữu của trường.
Ngày nay, các trường đại học “rởm” đang nở rộ trên thế giới hơn bao giờ hết. Chỉ riêng trong năm qua, trên một trăm trường rởm đã bị FBI đóng cửa khi một số sinh viên nước ngoài tới Mỹ học và phát hiện ra rằng ngôi trường mà họ dự định nhập học thực ra chỉ là tòa nhà trống hay địa chỉ giả. Các trường này thu hút hầu hết là du học sinh nước ngoài – châu Á, châu Âu hay châu Phi – bởi vì như vậy họ có thể tránh được rắc rối với chính quyền địa phương, vả lại cảnh sát thường sẽ chú ý hơn khi nạn nhân là người bản địa.
Vài năm trước, FBI đã bắt giam người chủ của trường California Pacifica University về tội giả mạo bằng cấp và ông ta phải đi tù. Sau khi báo chí đăng tải nội tình vụ việc, hàng trăm người học trường này đã bị công ty đuổi việc với lý do “lừa đảo”. Phải mất một thời gian dài mới có thể tìm ra hết những người vận hành trường “rởm”, nên nhiều trường trong số đó vẫn hoạt động trong thế giới ảo bởi vì thật dễ dàng chuyển đổi website trước khi bị bắt. Chừng nào còn có người trả tiền học phí, họ còn tiếp tục tuyển sinh. Vì các trường này dạy trực tuyến, sinh viên không bao giờ đặt chân vào trường nên họ hoàn toàn không nghĩ đến việc liệu trường có hợp pháp hay không. Chẳng hạn khi cảnh sát bang Texas đóng cửa trường Dallas State College, người chủ lập tức mở trường Jackson State University ở California. Khi cảnh sát bang California đóng website của họ ở đó, họ chuyển sang bang Oregon và mở John Quincy Adams University. Phải mất mười hai năm và khá nhiều công sức, FBI mới bắt giữ được những người này. Cảnh sát tìm thấy hơn 10 triệu đô-la tiền mặt ở nhà người chủ và biết được rằng họ đã tuyển trên 100 nghìn sinh viên từ khắp thế giới.
Không may là ngày nay nhiều báo chí và website vẫn tiếp tục cho phép các trường đại học “rởm” quảng cáo. Tôi vẫn thấy nhiều trường rởm quảng cáo trên các báo và tạp chí như The Economist, Forbes, Time và Newsweek,… cả trên Google hay Bing nữa (với các công cụ tìm kiếm này, bất kỳ ai cũng có thể quảng cáo miễn là trả tiền). Cho nên lời khuyên của tôi với du học sinh và bố mẹ các em là nên thận trọng về loại hình đào tạo này và kiểm tra thông tin những trường đại học trực tuyến mà bạn muốn xin vào học. Đó là tiền của, bằng cấp và tương lai của bạn.
Thêm thông tin về đại học rởm
Năm 2011, cảnh sát Mỹ đã đóng cửa một trường đại học ở bang California có tên là “Tri-Valley University”. Trường này đã kiếm được hàng triệu đô-la từ việc cấp thị thực cho du học sinh nước ngoài vào Mỹ. Chính phủ liên bang cho biết trường đại học này không được chính thức công nhận, phần lớn các khoa của trường không đủ tiêu chuẩn, nhiều khoa dùng bằng cấp giả để dạy với mục đích duy nhất là tạo điều kiện cho những người nước ngoài muốn tìm cách để được công nhận là du học sinh, được phép vào Mỹ một cách bất hợp pháp.
Người chủ của trường đại học này phủ nhận lời cáo buộc, nói rằng trường đã không làm điều gì trái luật pháp vì họ chưa bao giờ buộc bất kỳ ai theo học ở trường. Mọi sinh viên đều tự nguyện nộp đơn và phải trả nhiều tiền để được nhập học. Khi cảnh sát đóng cửa trường, hàng nghìn sinh viên của trường đã phải đối diện với nguy cơ bị trục xuất. Theo thông tin từ chính phủ, tất cả các thị thực của sinh viên được trường này cấp đều không hợp lệ. Một sinh viên nước ngoài nói với báo chí địa phương: “Điều này thực sự rất tồi tệ, tôi đã nghĩ đời mình sẽ tốt hơn, nhưng tương lai của tôi bây giờ xem như bỏ đi. Gia đình tôi đã trả rất nhiều tiền cho tôi du học. Tôi không hiểu tại sao chính phủ lại cho phép một trường đại học như thế hoạt động trong bao nhiêu năm, họ đã lấy rất nhiều tiền từ những người như chúng tôi”. Cảnh sát cho biết vụ việc này không hề đơn giản, bởi vì họ đã phải mất nhiều tháng để điều tra và vài năm để có thể kiện những người này ra tòa về tội lừa đảo.
Sau khi câu chuyện này được đưa trên báo chí và tivi, nhiều sinh viên tốt nghiệp từ Tri Valley đang làm việc cho các công ty Mỹ đã bị sa thải ngay lập tức vì dùng bằng giả để có được việc làm. Các công ty Mỹ ở Ấn Độ cũng được cảnh báo về những nhân viên Ấn Độ tốt nghiệp trường này. Một người quản lý của một công ty nói với báo chí Ấn Độ: “Chúng tôi sẽ rà soát kỹ lưỡng để có hành động kịp thời”.
Danh sách các trường đại học tốt nhất
Một vài bạn hỏi tôi thông tin về những trường đại học tốt nhất. Sau đây là các bảng xếp hạng từ U.S News & World Report:
• Danh sách các trường đại học tốt nhất thế giới:
http://www.usnews.com/education/worlds-best-universities-rankings/top-400-universities-in-the-world
• Danh sách các trường đại học tốt nhất châu Á:
http://www.usnews.com/education/worlds-best-universities-rankings/best-universities-in-asia
• Danh sách các trường đại học tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực máy tính (bao gồm khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin,…)
http://www.usnews.com/education/worlds-best-universities-rankings/best-universities-computer-science
• Danh sách các trường đại học tốt nhất ở Mỹ trong lĩnh vực điện toán (bao gồm khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin,…)