T
rong đấu trường của thế kỷ hai mươi mốt, dù trên cương vị cá nhân hay quốc gia, mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có rất nhiều cơ hội để vươn lên nếu có sự đầu tư đúng đắn cho giáo dục, đó là nền tảng gốc để tạo nên những công dân thích ứng với thời đại toàn cầu hóa. Tầm nhìn của ngành giáo dục, cách giảng dạy của các thầy cô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia, ảnh hưởng đến nhân cách của thế hệ tương lai và định hình họ sẽ trở thành những công dân như thế nào trong một thế giới đang thay đổi từng ngày.
Những công dân chất lượng cao, có trách nhiệm và tinh thần sáng tạo chính là chìa khóa để tạo nên giá trị và đẳng cấp của một quốc gia.
Trước khi đi vào nội dung cuốn sách, thay cho lời giới thiệu, tôi xin chia sẻ một câu chuyện nhỏ mà tôi từng chứng kiến.
Hè năm 2018, tôi đi dạy với người bạn Bill W.G ở hai quốc gia châu Á và học hỏi được nhiều điều thú vị qua kinh nghiệm của người giám đốc điều hành doanh nghiệp này. Tại một trong hai nước, khi chúng tôi xếp hàng ở sân bay, Bill quan sát và nói:
“Ông có thể thấy ở một số nước, mọi người kiên nhẫn chờ đến lượt mình nhưng ở nước này, người ta thường chen lấn, xô đẩy. Ai mua vé cũng đều có chỗ trên máy bay rồi, vậy sao họ phải xô đẩy người khác? Dường như nền giáo dục của họ không chú trọng việc dạy phép tắc xã giao và lòng tự trọng. Nước này muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới nhưng cứ nhìn cảnh dân chúng xô bồ, hỗn loạn, chen lấn và thiếu tự trọng như thế này thì còn lâu họ mới nhận được sự kính trọng của những quốc gia khác. Họ có thể có sức mạnh kinh tế nhưng muốn đi xa hơn thì còn lâu lắm, vì kinh tế là một chuyện, còn dân trí lại là một chuyện khác. Không phải cái gì to tát, lớn lao mới là quan trọng mà đôi khi những điều rất nhỏ lại giúp ta nhận ra hệ thống giáo dục của họ tốt thế nào. Chính hành vi của những người dân xứ đó mới khẳng định liệu nước đó có thuộc hàng Đẳng cấp Thế giới (World Class) hay không?”.
Khi rời khỏi nước này, Bill kết luận: “Quốc gia này còn phải học nhiều vì ở đây không có hệ thống dịch vụ tốt. Họ đang tập trung tối đa vào phát triển sản phẩm để xuất khẩu nhưng họ sẽ không thể đi xa hơn nữa. Họ có thể hiểu kinh doanh sản phẩm nhưng không hiểu kinh doanh con người. Toàn bộ nền kinh tế của họ đang xây dựng thật nhiều cơ xưởng, sao chép mọi thứ và sản xuất nhiều sản phẩm giá rẻ nhưng không quan tâm đến yếu tố chất lượng cao. Nghĩa là họ không nghĩ gì đến khách hàng, vốn được xem như thượng đế mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ. Họ muốn làm mọi thứ, từ sản phẩm nhỏ cho tới sản phẩm lớn nhưng họ sẽ không bao giờ thành công vì không hiểu nhu cầu của khách hàng. Họ không có ý tưởng nào về sự thỏa mãn của khách hàng, từ người quản lý khách sạn tới người phục vụ nhà hàng, từ quan chức cấp cao cho tới công nhân. Tất cả đều hành động giống hệt như nhau, cứ vội vàng làm gì đó cho nhanh chóng mà không suy nghĩ.
Chúng ta đã đi tìm hiểu rất nhiều cơ xưởng và phần lớn các cơ xưởng, công ty có giám thị, tiếp thị là người ngoại quốc, bởi vì người của họ không thể làm điều đó. Đó là kiểu làm kinh doanh ‘nửa đường’, vì sản phẩm không thể thành công nếu không có dịch vụ và chính dịch vụ mới kéo khách hàng đến với sản phẩm”.
…Và chuyện về một sinh viên Hàn Quốc
Một ngày ở Hàn Quốc, chúng tôi vô tình đi quá chỗ khách sạn của mình vài dãy phố. Trời đã tối, chúng tôi hỏi đường nhưng không mấy ai nói được tiếng Anh. Cuối cùng một sinh viên đi tới, anh chỉ cho chúng tôi hướng tìm khách sạn nhưng vẫn tỏ ra chưa yên tâm: “Dễ lạc lắm vì có vài chỗ rẽ phải và rẽ trái nhưng bây giờ đã khuya rồi, rất khó đi khi trời tối như vậy. Các ông có thể bị lạc lần nữa”.
Thế là anh ta đề nghị đi cùng chúng tôi tới khách sạn để chắc rằng chúng tôi sẽ không bị lạc. Khoảng mười lăm phút sau, chúng tôi tìm được khách sạn. Chúng tôi cảm ơn anh chàng sinh viên, Bill còn mời anh ta ăn tối nhưng anh từ chối vì phải về nhà. Anh vội vã tạm biệt chúng tôi và trở lại hướng chúng tôi gặp anh khi bị lạc. Việc một thanh niên sẵn lòng giúp người lạ trong đêm tối, đã gây ấn tượng cho cả hai chúng tôi. Bill bảo tôi: “Khi một thanh niên của một quốc gia hành động như vậy, nước đó có tương lai. Đó là một trong những dấu hiệu nhận biết về một quốc gia thuộc hàng Đẳng cấp Thế giới”.
Theo Bill, một quốc gia đẳng cấp thế giới không phải là quốc gia có nền kinh tế mạnh hay được quy định là có bao nhiêu triệu phú, tỷ phú, nhà chuyên môn; bao nhiêu tòa nhà, công trình cao nhất, nhà máy, trường đại học… Đẳng cấp thế giới chính là cách hành xử, thái độ ứng xử cũng như hành động của công dân quốc gia đó ra sao.
Điều đó có nghĩa là chính nền giáo dục, chất lượng giáo dục xã hội chứ không phải bất kỳ thứ gì khác bên ngoài tạo nên đẳng cấp, giá trị của một quốc gia.
- Giáo sư John Vu - Nguyên Phong