SỬ DỤNG THỜI GIAN RA QUYẾT ĐỊNH MỘT CÁCH KHÔN NGOAN HƠN
Hãy đoán xem bạn mất bao nhiêu thời gian để quyết định những việc sau (tính bằng số phút mỗi tuần):
Và đây là thời gian mà trung bình người ta đã dành ra trong tuần để quyết định:
• Muốn ăn gì? – 150 phút/tuần.
• Muốn xem gì trên Netflix? – 50 phút/tuần.
• Muốn mặc gì?– 90 đến 115 phút/tuần.
Như vậy có nghĩa là nếu cũng giống với phần lớn mọi người, bạn đang rơi vào trạng thái tê liệt phân tích (analysis paralysis).
Thời gian trung bình mà một người bỏ ra để quyết định ăn gì, xem gì và mặc gì tổng cộng lên đến 250-275 giờ mỗi năm – một con số rất nhiều, dành cho những thứ có thể tạm gọi là “vặt vãnh”.
Có vẻ bạn sẽ cảm thấy việc bỏ ra thêm một phút để quyết định những điều nhỏ nhặt này không phải là chuyện gì to tát, nhưng nó là vấn đề lớn đấy. Những quyết định vặt vãnh theo thời gian gộp lại, để rồi cuối cùng bạn bỏ ra đến bảy tuần làm việc mỗi năm chỉ để quyết định ăn gì, xem gì và mặc gì mà thôi.
Thời gian là nguồn tài nguyên hữu hạn, cần được bạn sử dụng một cách khôn ngoan. Thời gian bạn bỏ ra để quyết định là thời gian bạn có thể dành để làm việc khác, như nói chuyện với người ngồi cùng mình trong nhà hàng. Khả năng tính toán lúc nào cần quyết định nhanh hơn (và lúc nào cần chậm lại) là một kỹ năng thiết yếu cần phát triển.
Cái giá của việc đi quá nhanh
Cái giá của việc quyết định quá chậm là bạn không thể dùng thời gian dư ra vào việc khác, thậm chí bạn sẽ không có thời gian để đưa ra những quyết định có thể đem lại nhiều điều tích cực. Nhưng đi quá nhanh cũng có cái giá của nó. Càng quyết định nhanh, bạn sẽ hy sinh càng nhiều độ chính xác.
ĐÁNH ĐỔI THỜI GIAN VÀ ĐỘ CHÍNH XÁC
Để tăng độ chính xác thì tốn thời gian. Để tiết kiệm thời gian thì phải đánh đổi bằng sự chính xác.
Thách thức đặt ra cho bất kỳ người ra quyết định nào là: ta luôn muốn có được cả hai cùng lúc: Bạn không muốn tốn quá nhiều thời gian và cũng không muốn hy sinh quá nhiều độ chính xác.
Giống như gấu Goldilock, bạn tìm kiếm một sự cân bằng “vừa đúng”. Để chọn ăn gì, xem gì và mặc gì, với phần lớn mọi người, “vừa đúng” có nghĩa là nhanh hơn.
Tại sao mô hình ra quyết định mà tôi đề xuất lại giúp bạn nhanh hơn?
Chắc bạn cũng đồng ý rằng, thật tốt nếu có thể đẩy nhanh tốc độ của một số quyết định. Nhưng cũng tại đây, bạn băn khoăn không hiểu mô hình ra quyết định trong cuốn sách khiến điều đó xảy ra bằng cách nào? Sau khi làm những việc như tạo cây quyết định, dự đoán xác suất, xác định các phiên bản phản thực của kết quả,... bạn có lẽ đã nghĩ: “Sao có thể gọi quy trình này là nhanh chứ?”.
Có thể bạn thấy kỳ lạ, nhưng mô hình ra quyết định trong cuốn sách này sẽ thực sự giúp bạn đi nhanh hơn, lý do là: Chìa khóa để đạt được sự cân bằng giữa thời gian và độ chính xác là tính xem bạn sẽ mất gì vì đưa ra quyết định chất lượng thấp so với khi bạn dành nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định có chất lượng cao hơn. Bạn được hy sinh độ chính xác để đổi lấy tốc độ trong giới hạn nào?
Câu trả lời là: Cái mất nhỏ thì bạn có thể đi nhanh. Thiệt hại lớn thì bạn nên dành thêm thời gian để ra quyết định.
Quy trình quyết định sáu bước buộc bạn hình dung các khả năng, cân nhắc những khoản thu về đi kèm các khả năng đó và dự đoán xác suất xảy ra của chúng. Đó là lý do vì sao mô hình này giúp bạn kiểm soát được sự đánh đổi giữa thời gian và độ chính xác, vì khi đó bạn đang nhìn nhận vấn đề theo độ lớn của khả năng tích cực và tiêu cực.
Và như vậy tức là bạn đang suy nghĩ về tác động.
Việc hình dung diễn biến tương lai sau bất kỳ quyết định nào bạn đang cân nhắc sẽ khiến bạn dễ dàng xác định hơn khi nào thì cái giá của việc không-vừa-đúng đủ nhỏ.
Trong hầu hết trường hợp, mô hình này sẽ giúp bạn tăng tốc, kể cả trong các quyết định đưa đến kết quả/hậu quả lớn hơn nhiều so với “Hôm nay ăn gì?”. Sử dụng các công cụ quyết định trong cuốn sách này sẽ khiến bạn chậm lại so với khi sử dụng linh tính hay lối tắt nào đó để đưa ra các quyết định xứng đáng được cân nhắc kỹ hơn – đây cũng chính là những thứ bạn nên dành thêm thời gian để suy ngẫm.
Một lợi ích khác của việc tiết kiệm thời gian:
Khám phá thế giới!
Một chủ đề trở đi trở lại trong cuốn sách này là bạn nên tập trung vào việc thu thập thông tin từ thế giới, biến những điều bạn không biết trong vũ trụ thành điều bạn biết. Thứ bạn thu thập không chỉ là những kiến thức mới mẻ, cách sự vật hoạt động hay tinh lọc lại các ước đoán của mình về cách những sự việc có thể xảy ra.
Đó còn là tìm ra những ưu tiên của bạn, những gì bạn thích và không thích.
Bạn càng hiểu được những ưu tiên của mình bao nhiêu thì việc ra quyết định của bạn càng tốt lên bấy nhiêu. Một trong những cách tốt nhất để tìm ra thứ bạn thích và không thích là thử nghiệm. Bạn ra quyết định càng nhanh thì càng có thể thử được nhiều, tức là càng có nhiều cơ hội để thử nghiệm và thăm dò thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn có thêm cơ hội học hỏi những điều mới, kể cả những điều mới về chính bạn.
Vậy ta hãy cùng tìm hiểu xem có thể tăng tốc bằng cách nào.
[1]
Phép thử hạnh phúc
Chúng ta cùng đến nhà hàng và bạn khổ sở không biết gọi gì. Cuối cùng bạn cũng nghĩ ra, bạn đặt món và người phục vụ mang món ăn đến. Món ăn của bạn có thể tuyệt vời, có thể chỉ tạm được, có thể nó không ngon lắm, hoặc cũng có thể nó tệ đến mức khiến bạn phát cáu.
Một năm sau, tôi gặp lại bạn và hỏi: “Năm qua bạn thế nào?”. Bạn có thể nói rằng bạn đã có một năm tuyệt vời, hoặc một năm tệ hại, hoặc bình thường. Bất kể năm qua của bạn thế nào thì sau đó tôi cũng hỏi tiếp: “Nhớ lần ta ăn với nhau một năm trước chứ? Tác động của món bạn ăn hôm đó đến hạnh phúc của bạn trong năm qua lớn đến đâu?”.
Đưa ra câu trả lời của bạn bên dưới, trên thang điểm từ 0 đến 5, trong đó 0 là “không ảnh hưởng” và 5 là “ảnh hưởng lớn”.
Không ảnh hưởng 0 1 2 3 4 5 Ảnh hưởng lớn
Giờ thì giả sử tôi gặp lại bạn một tháng sau bữa ăn và hỏi câu tương tự. Trên thang điểm từ 0 đến 5, món bạn ăn hôm đó ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn trong cả tháng đến mức nào?
Không ảnh hưởng 0 1 2 3 4 5 Ảnh hưởng lớn
Giờ thì giả sử tôi gặp lại bạn một tuầnsau bữa ăn và hỏi câu tương tự. Trên thang điểm từ 0 đến 5, món bạn ăn hôm đó ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn trong tuần vừa qua đến mức nào?
Không ảnh hưởng 0 1 2 3 4 5 Ảnh hưởng lớn
Nếu giống với hầu hết mọi người, bạn sẽ trả lời rằng món bạn ăn trong bữa hôm đó chẳng ảnh hưởng mấy đến hạnh phúc của bạn trong năm qua. Nếu bạn giống hầu hết mọi người, câu trả lời vẫn tương tự dù tôi hỏi bạn sau một tháng hoặc thậm chí một tuần. Bất kể món ăn có ngon hay không, nó cũng khó lòng tạo được ảnh hưởng gì đáng kể tới hạnh phúc của bạn về lâu về dài. Tương tự như vậy, nếu bạn xem phải đoạn đầu của một bộ phim dở trên Netflix hoặc đi làm trong một chiếc quần có hơi bất tiện, điều đó cũng chẳng ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn nói chung.
Điều tôi muốn nói với bạn ở đây là chọn ăn gì, xem gì hay mặc gì là loại quyết định có ít tác động .
Phép thử hạnh phúc là một cách để tìm ra xem có phải bạn đang quyết định việc gì đó ít tác động hay không.
Có rất nhiều loại quyết định mà dù bạn có chọn thế nào (gà hay cá, bộ đồ xám hay xanh dương, phim Austin Powers hay The Princess Bride), kết quả vẫn sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hạnh phúc của bạn về lâu về dài (hay ngắn, không khác gì lắm).
PHÉP THỬ HẠNH PHÚC
Hãy tự hỏi rằng, kết quả lựa chọn của bạn, dù tốt hay xấu, có khả năng tác động đáng kể đến hạnh phúc của bạn trong một năm không. Nếu câu trả lời là không, bạn có thể tăng tốc trong quyết định ấy.
Lặp lại cho một tháng và một tuần.
Khoảng thời gian càng ngắn cho câu trả lời “Không, chẳng ảnh hưởng nhiều tới hạnh phúc của tôi”, bạn càng có thể đánh đổi sự chính xác để có thêm thời gian.
Nếu quyết định của bạn có thể vượt qua Phép thử hạnh phúc, bạn có thể tăng tốc lên vì nếu không “đúng” thì cũng chẳng thiệt hại gì nhiều. Mức độ hạnh phúc có thể giúp ta hiểu tác động của một quyết định đến việc đạt được những mục tiêu lâu dài. Khi bạn thấy rằng những gì mình có được hoặc mất đi (được đo bằng mức độ hạnh phúc) là nhỏ, có nghĩa là quyết định đó có ít tác động và bạn có thể đi nhanh hơn.
Thời gian bạn tiết kiệm được có thể dùng cho một quyết định có tác động lớn hơn hoặc dành cho một lựa chọn thử nghiệm ít rủi ro để tìm hiểu bản thân và thế giới.
Nhanh hơn cả nhanh: Khi các lựa chọn lặp lại
Bạn phân vân giữa lựa chọn gọi món gà hay món cá. Bạn quyết định gọi món cá, nó khô khốc và vô vị. Bạn nghĩ thầm: “Lẽ ra mình nên chọn gà!”.
Bạn băn khoăn giữa hai bộ quần áo dự tiệc, một bộ thực sự kiểu cách và một bộ thì thoải mái hơn. Bạn chọn bộ kiểu cách và khi đến nơi thì thấy ai cũng ăn mặc giản dị. Bạn lập tức hối hận đã không chọn bộ kia.
Mặc dù nhiều lựa chọn không có tác động đáng kể lên hạnh phúc lâu dài của bạn nhưng kết quả tệ vẫn là kết quả tệ, nó gây ra một thiệt hại ngắn hạn: sự hối tiếc.
Hối tiếc (hay nỗi sợ phải hối tiếc) có thể khiến bạn thiếu quyết đoán trong gần như mọi lựa chọn, dù là nhỏ hay lớn.
Ai cũng cảm thấy khá hối tiếc ngay khi một kết quả xấu vừa xảy ra. Lường trước cảm giác đó có thể giảm thiểu tình trạng tê liệt phân tích, vì thông thường, bạn có xu hướng nghĩ rằng dành nhiều thời gian hơn sẽ khiến nguy cơ bạn gặp phải một kết quả xấu ít đi, cùng với đó là càng ít nguy cơ phải cảm nhận nỗi đau của sự tiếc nuối.
Thay vì nghĩ đến tác động lâu dài (thứ thực sự quan trọng), bạn bị kẹt trong tác động ngắn hạn, đâm ra bạn sợ phải hối tiếc đến mức không thể quyết định. Nỗi sợ phải hối tiếc gây tốn thời gian.
Các lựa chọn lặp lại sẽ giúp bạn bù đắp cái giá của sự hối hận.
Lựa chọn lặp lại là những quyết định mà bạn phải đưa ra một cách thường xuyên. Bạn có thể ghét món mà mình đã gọi trong nhà hàng vào bữa trưa, nhưng bạn biết rằng mình luôn có cơ hội để chọn món khác, chỉ sau vài giờ nữa khi bữa tối đến. Và điều đó sẽ giúp loại bỏ cảm giác nhức nhối của mọi nỗi hối tiếc ngắn hạn.
Chọn môn học trong đại học là một lựa chọn lặp lại.
Chọn người hẹn hò là một lựa chọn lặp lại.
Chọn đường đi là một lựa chọn lặp lại.
Chọn phim xem là một lựa chọn lặp lại.
Khi quyết định đã vượt qua được Phép thử hạnh phúc, bạn có thể đi nhanh. Khi một phương án lặp lại, bạn có thể đi thậm chí nhanh hơn vì bạn luôn biết rằng sớm thôi, mình sẽ được chọn lại lần nữa.
NHỮNG PHƯƠNG ÁN LẶP LẠI
Khi một kiểu quyết định cứ trở đi trở lại nhiều lần, bạn có nhiều cơ hội để lựa chọn phương án, gồm cả những phương án mà bạn từng gạt bỏ.
Các quyết định lặp lại còn đem tới cho bạn cơ hội được chọn những thứ mà mình không chắc chắn lắm, như một món mà bạn chưa từng thử hay một chương trình TV mới vì bạn không phải chịu thiệt hại gì nặng nề. Với cái giá phải trả thấp, đổi lại bạn có được thông tin về điều mình thích và không thích, không chỉ thế còn có thể tìm thấy vài điều ngạc nhiên thú vị ở đó.
Dù bạn học hỏi được gì thì nó cũng sẽ cung cấp thông tin cho tất cả các quyết định tương lai của bạn.
Có nghĩa là khi bạn đối mặt với một quyết định có tác động lớn, quyết định này sẽ có được thông tin đầu vào tốt hơn so với khi bạn không làm tất cả những việc thăm dò ít rủi ro kia.
Xác định một kiểu quyết định đang khiến bạn chật vật hoặc từng chật vật nhưng bây giờ bạn nhận ra là nó có ít tác động vì đã thông qua được Phép thử hạnh phúc. Bạn có nghĩ mình có thể tăng tốc trong quyết định này không? Và tăng tốc như thế nào? |
|||
Xác định thêm năm quyết định nữa từng khiến bạn chật vật nhưng cũng đã thông qua được Phép thử hạnh phúc. Ít nhất một trong số đó là một quyết định lặp lại. |
[2]
Freeroll: Quyết định nhanh khi khả năng tiêu cực gần bằng không
Huyền thoại về Người đố vui
Bạn đang đi trên phố. Có người lại gần bạn và nói: “Tôi sẽ đố bạn một câu. Nếu bạn trả lời đúng, tôi sẽ đưa bạn mười đồng”.
Bạn ngờ vực: “Nếu tôi sai thì sao? Tôi có phải đưa anh mười đồng không?”.
“Không! Chẳng qua tôi thích đố vui và thích thưởng tiền người ta khi họ trả lời đúng câu hỏi của tôi thôi”.
Bạn thấy mình không mất gì nên nói: “Vậy thì được”.
“Thủ phủ của bang nào có dân số ít nhất?”.
Bạn đoán: “Vermont”. Anh ta vỗ tay vui vẻ và đưa bạn mười đồng vì câu trả lời đúng.
“Thêm mười đồng nữa, tên thành phố đó là gì?”.
Ôi. Bạn không chắc, vì thế bạn trả lời bằng tên thành phố duy nhất bạn biết ở Vermont.
“Burlington!”.
Anh ta lắc đầu buồn rầu. “Tiếc quá. Đó là Montpelier”.
Đúng như đã hứa, bạn không phải trả mười đồng vì câu trả lời sai. Bạn không bao giờ gặp lại anh ta nữa, và trong túi bạn có thêm mười đồng.
Đó là một tình huống freeroll1.
Chú thích:
1. Giải đấu mà người chơi không phải bỏ tiền để tham gia. – ND
FREEROLL
Một tình huống không có sự tương xứng giữa khả năng tích cực và tiêu cực vì thiệt hại có thể có là không đáng kể.
Bạn đã bao giờ gặp tình huống có một người quen đang khó xử không biết có nên mở lời hẹn hò ai đó hay không, và bạn bảo:
“Cứ hỏi đi, biết đâu đấy là tình yêu của đời cậu thì sao. Cùng lắm là họ từ chối!”. Nếu đã từng nói ra những câu tương tự như trên thì bạn đã hiểu freeroll, kể cả khi chưa từng nghe đến khái niệm này.
Khái niệm freeroll là một mô hình tư duy có ích để xác định cơ hội mà bạn có thể nhanh chóng chớp lấy, với tính chất then chốt là khả năng tiêu cực không lớn, nghĩa là bạn không bị mất gì nhiều (nhưng có thể được rất nhiều). Trong tình huống này, thiệt hại có thể có của việc tăng tốc sẽ không xảy ra bởi vì bạn đang được “miễn vé”.
Bạn có thể xác định xem quyết định trước mắt có phải là một tình huống freeroll không bằng cách tự hỏi một hoặc cả hai câu hỏi sau:
1. Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì?
2. Nếu kết quả không như ý, liệu tình huống của mình có tệ hơn trước khi quyết định không?
Nếu điều tệ nhất có thể xảy ra không quá tệ, hoặc hoàn cảnh của bạn sẽ không tệ hơn trước nếu kết quả không đúng, thì quyết định mà bạn đang đối mặt thuộc loại “miễn vé”. Điều đó có nghĩa là bạn có thể tăng tốc vì thiệt hại do thiếu chính xác là không nhiều, thậm chí không có thiệt hại gì.
Rõ ràng là bất kỳ quyết định nào cũng có cái giá của nó, ngay cả khi chỉ là chút thời gian bỏ ra để trả lời câu hỏi của người đố vui. Áp dụng khái niệm freeroll không hẳn là chủ đích đi tìm các tình huống mà ở đó khả năng tiêu cực bằng không, mà đúng hơn là để tìm sự bất tương xứng giữa khả năng tích cực và tiêu cực của một quyết định.
Vẫn có thứ gọi là bữa trưa miễn phí
Có thể bạn đang nghĩ, làm gì có chuyện tốt đến thế? Nhưng nếu tìm thì bạn sẽ thấy freeroll nhiều hơn bạn tưởng.
Bạn đang trong quá trình nộp hồ sơ vào các trường đại học. Ngôi trường trong mơ của bạn dường như quá tầm vì tỉ lệ phần trăm được nhận vào đây là rất thấp. Bạn vẫn nên nộp đơn chứ? Đương nhiên rồi. Bởi vì cái giá cho việc gửi đơn vào trường là không đáng kể, bạn không thực sự tệ hơn nếu không vào được, nhưng nếu kết quả khả quan, bạn sẽ được học ở ngôi trường trong mơ của mình.
Bạn ra tay càng nhanh, cơ hội càng ít khả năng vuột mất. Bạn càng nhanh chóng quyết định bắt lấy cơ hội thì càng có cơ may biến khả năng tích cực của quyết định thành sự thật.
Bạn đang tìm mua một ngôi nhà. Người môi giới giới thiệu một ngôi nhà lý tưởng nhưng cái giá họ muốn cao hơn mức trần của bạn tới 20%. Bạn có thử thương lượng lại không? Nếu bạn đề nghị mua trong tầm giá của mình mà người bán từ chối thì tình hình của bạn cũng chẳng tệ đi. Nhưng nếu họ chấp nhận, bạn có được ngôi nhà trong mơ với mức giá hợp lý.
Khi đã xác định một tình huống “miễn vé”, bạn không cần nghĩ quá nhiều về việc liệu có nên nắm bắt cơ hội này không, nhưng vẫn nên dành thời gian cho việc thực hiện quyết định. Ví dụ, bạn có thể quyết định rất nhanh rằng mình nên nộp đơn vào ngôi trường này vì bạn không có gì để mất, nhưng bạn nên dành thời gian để bảo đảm hồ sơ của mình phải thật ấn tượng.
Tất cả thời gian bạn tiết kiệm được có thể dùng vào các quyết định khác có thể đem lại khoản thu về, bao gồm cả việc nắm bắt các cơ hội freeroll khác. Song, cũng giống như người bạn còn lăn tăn việc mở lời hẹn hò, con người ta vẫn trăn trở về những kiểu quyết định như vậy, và thường để vuột mất cơ hội. Tại sao không có nhiều người hơn nhìn thấy (và nắm lấy) các cơ hội “được miễn vé”?
Nhiều khả năng là vì các cơ hội này nhìn chung không thông qua được Phép thử hạnh phúc. Mỗi ví dụ ở trên đều có khả năng tích cực có nhiều ý nghĩa hơn so với việc người đố vui cho bạn 10 hay 20 đồng. Bạn vào trường nào và mua ngôi nhà thế nào là những quyết định có tác động lớn. Và ta có thể bị tê liệt phân tích trước những loại quyết định như vậy, vì tác động tiềm tàng của chúng.
Cụ thể hơn, tác động quá lớn của quyết định khiến bạn không nhận ra rằng đây là một quyết định có khả năng tiêu cực rất thấp. Bạn không biết rằng mình đang được miễn vé.
Bạn cũng không nhận ra được là: Trong các trường hợp freeroll, thứ có khả năng tác động lớn đến hạnh phúc của bạn sẽ hoàn toàn có lợi cho bạn.
Ngoài việc freeroll bị độ quan trọng của quyết định che lấp, nỗi sợ thất bại hoặc bị từ chối cũng có thể khiến bạn lùi bước trước tình huống không còn gì để mất này, đặc biệt khi xác suất thành công là không cao. Nhận thư từ chối từ ngôi trường trong mơ khiến bạn đau lòng. Và không ai muốn nghe người môi giới nhà đất bảo: “Người bán hỏi có phải anh chị đang đùa không”.
Khi bỏ qua những cơ hội như vậy hoặc để cho những điều tiêu cực nhỏ và nhất thời níu mình chậm lại, bạn đang phóng đại khoảnh khắc bị từ chối và bỏ qua sự thật rằng tình huống này đang có lợi cho mình thế nào. Bạn cứu bản thân khỏi cảm giác khó chịu nhất thời nếu không được chấp nhận, nhưng lại đang bỏ qua cơ hội để có được hạnh phúc dài lâu.
Xác định một quyết định freeroll mà bạn mới cân nhắc hoặc đã cân nhắc trước đây mà bạn đã mất nhiều thời gian để quyết định.
Xác định một quyết định freeroll mà bạn mới cân nhắc hoặc đã cân nhắc trước đây mà bạn đã mất nhiều thời gian để quyết định. Bạn nghĩ có thể tăng tốc quyết định đó không? Bằng cách nào? |
|||
Xác định thêm một số quyết định cũ khác cũng được xếp vào loại “miễn vé”. |
Cảnh báo: Một cái bánh vòng miễn phí không phải là tình huống freeroll
Khi cân nhắc xem liệu một quyết định có phải là freeroll hay không, ta cần nghĩ về các tác động tích lũy của việc đưa ra quyết định tương tự nhiều lần thay vì chỉ tập trung vào thiệt hại có thể xảy ra trong một lần duy nhất.
Nếu bạn quyết định ăn uống lành mạnh hơn, nhưng có đồng nghiệp mang bánh đến mời nhân dịp sinh nhật của họ, bạn sẽ rất dễ coi cái bánh này là một freeroll. Nói cho cùng, sức khỏe và hạnh phúc của bạn làm gì đến nỗi hỏng chỉ vì một cái bánh ngon. Niềm vui bạn nhận được từ món đồ ngọt dường như vượt hẳn cái hại cho sức khỏe của chỉ một cái bánh.
Nhưng nếu bạn quyết định như vậy nhiều lần thì lại là chuyện khác. Nếu hôm qua bạn cũng làm tương tự với một miếng pizza, trong rạp phim tối hôm trước nữa thì với một túi bắp rang to tướng (vì đang hẹn hò vui vẻ), và tuần trước nữa thì với một cái bánh phô mai (vì bạn mới chia tay nên buồn),... Chà, nhiều lần “một chút” đã gộp lại thành một thiệt hại đáng kể rồi đấy.
Việc mua vé số cũng tương tự. Vài đồng một vé có bõ bèn gì, trong khi nếu trúng độc đắc thì bạn có thể đổi đời. Điều đó khiến bạn nghĩ trò xổ số là freeroll. Nhưng xổ số là một kiểu triển vọng tài chính thua thiệt, về lâu về dài bạn sẽ thấy khả năng tiêu cực vượt quá khả năng tích cực. Bạn nghĩ xem, nếu tuần nào bạn cũng mua vài tờ vé số thì xổ số có còn là một freeroll nữa không?
Khi tự hỏi “Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì?”, hãy đảm bảo rằng tiếp đó bạn sẽ kiểm tra ảnh hưởng của việc đưa ra cùng một kiểu quyết định nhiều lần. Từ đó bạn ý thức được rằng một cái bánh miễn phí không phải là một tình huống freeroll.
[3]
Cừu đội lốt sói: Cược cao, dứt điểm, quyết nhanh
Bạn có một tuần nghỉ phép trong năm tới và quyết định sẽ đi chơi một chuyến ra trò. Sau khi cân nhắc, các lựa chọn chỉ còn hai điểm là Paris hoặc Rome. (Nếu bạn có hai điểm đến ưa thích hoặc được ghi trong danh sách “Phải đến trước khi chết”, nơi bạn chưa từng đến, hãy dùng chúng để thay thế trong thí nghiệm tư duy này). |
|
Khi chỉ còn phải lựa chọn giữa Paris và Rome (hoặc hai điểm đến khác mà bạn thích hơn), việc lựa chọn giữa chúng khó đến mức nào trên thang điểm từ 0 đến 5? Không khó chút nào 0 1 2 3 4 5 Cực khó |
|
Tôi gặp lại bạn một năm sau kỳ nghỉ và hỏi: “Năm vừa rồi bạn thế nào?”. Bạn có thể trả lời rằng đó là một năm tuyệt vời, hoặc một năm kinh khủng, hoặc bình thường thôi. Sau khi bạn kể, tôi hỏi: “Trên thang điểm từ 0 đến 5, tác động của kỳ nghỉ lên hạnh phúc cả năm của bạn lớn đến mức nào?”. Không ảnh hưởng gì 0 1 2 3 4 5 Ảnh hưởng rất nhiều |
|
Tôi gặp lại bạn một tháng sau kỳ nghỉ và hỏi: “Tháng vừa rồi của bạn thế nào? Trên thang điểm từ 0 đến 5, tác động của kỳ nghỉ đến hạnh phúc cả tháng của bạn lớn đến mức nào?”. Không ảnh hưởng gì 0 1 2 3 4 5 Ảnh hưởng rất nhiều |
|
Tôi gặp lại bạn một tuần sau kỳ nghỉ và hỏi bạn câu tương tự. Trên thang điểm từ 0 đến 5, tác động của kỳ nghỉ đến hạnh phúc cả tuần vừa rồi của bạn lớn đến mức nào? Không ảnh hưởng gì 0 1 2 3 4 5 Ảnh hưởng rất nhiều |
Nếu giống với hầu hết mọi người, những câu hỏi trên khiến bạn khốn khổ.
Suy cho cùng, quyết định giữa Paris và Rome không thông qua được Phép thử hạnh phúc. Một kỳ nghỉ như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn trong một tuần, một tháng, thậm chí một năm. Trừ khi bạn là người thường xuyên di chuyển, không lạ gì những điểm đến tuyệt vời, còn không thì đây chắc chắn cũng không phải là lựa chọn lặp lại; đây thậm chí có thể là lựa chọn một lần trong đời. Nếu bạn không thỏa mãn thì cái giá phải trả thật sự rất đắt. Dù bạn có chọn Paris hay Rome thì đây vẫn là một chuyến đi tốn kém.
Chúng ta ai cũng đối mặt với nhiều quyết định có tác động lớn như thế, không kém gì tác động của một kỳ nghỉ tại châu Âu.
Bạn có thể được nhận vào hai trường đại học thuộc top đầu danh sách của mình, hoặc tìm được hai ngôi nhà tuyệt vời, hoặc nhận được hai đề nghị công việc trong mơ khác nhau. Sau đó bạn lại phải đánh vật để chọn một trong hai, cố tìm ra những khác biệt nhỏ giữa hai hoặc nhiều phương án hơn. Bạn thấy mình không ngừng rà soát từng lựa chọn, đưa ra những tiêu chuẩn bổ sung, hỏi ý kiến của hết người này đến người khác, lưỡng lự trước sau xem đâu là lựa chọn “đúng”.
Vậy nên, tôi sẽ hỏi bạn một câu thoạt nghe có vẻ khá kỳ quặc: Sẽ thế nào nếu thay vì chọn giữa Paris và Rome, bạn đang phải chọn giữa một kỳ nghỉ ở Paris với một kỳ nghỉ ở nhà máy cá hộp? Liệu bạn có gặp rắc rối hay có chút phân vân nào không?
Tôi cho rằng câu trả lời là không.
Điều đó cho biết rằng sự tương đương giữa các lựa chọn là thứ kéo bạn chậm lại. Bạn không gặp phải chút rắc rối nào khi lựa chọn giữa hai phương án khác xa nhau ở khả năng tích cực, như một tuần ở Paris so với một tuần giữa hàng núi cá.
Và đó là một manh mối cho thấy vì sao bạn có thể và nên tăng tốc đối với các kiểu quyết định thế này.
Một quyết định khó lại thành dễ
Chính điều đã kéo bạn chậm lại – sự tương đương về chất lượng – thực ra lại là tín hiệu cho thấy bạn có thể đi nhanh, vì điều đó cho biết rằng dù có chọn thế nào thì bạn cũng không thể quá sai lầm vì cả hai phương án đều có khả năng tích cực và tiêu cực tương đương.
Thay vì nghĩ về sự suýt soát giữa khoản thu về của các phương án – cả tích cực lẫn tiêu cực, bạn chỉ tập trung lo lắng về khả năng tiêu cực. Sẽ thế nào nếu phương án bạn chọn hóa ra không tốt?
Một tài xế taxi gian xảo đòi cả mớ tiền rồi bỏ bạn lại ở một nơi vắng vẻ. Bạn có thể bị trượt ngã gãy chân vào đợt tuyết đầu mùa khi chuyển đến vùng Đông Bắc. Ngôi nhà trong mơ của bạn hóa ra ngay sát vách nơi sinh sống của một kẻ bạo lực.
Sự tập trung lệch về khả năng tiêu cực khiến toàn bộ kết quả trở nên khủng khiếp, và điều đó đang kéo bạn chậm lại. Bạn quên mất rằng khả năng xảy ra kết quả xấu giữa hai lựa chọn là gần như tương đương dù bạn có chọn thế nào. Khi kỳ nghỉ hóa ra tệ hại, bạn nghĩ rằng nguyên nhân là do mình đã không suy nghĩ thấu đáo và ra sức suy nghĩ rất kỹ vào lần sau để tránh mắc một sai lầm lớn.
Quyết định trông như một con sói, đáng sợ và ẩn chứa nhiều khả năng tiêu cực. Cảm giác như thể con sói đã ở trước cửa nhà bạn. Nhưng thực ra kiểu quyết định này là một con cừu đội lốt sói.
Nếu bạn nhìn quyết định qua lăng kính chất lượng của các phương án khi so sánh với nhau, góc nhìn của bạn sẽ thay đổi. Thay vì mất thời gian để tìm ra những khác biệt nhỏ bé giữa các lựa chọn, hãy định hình lại quyết định bằng cách tự hỏi: “Mình có thể sai đến đâu, khi theo bất kỳ lựa chọn nào?”.
Câu hỏi này cho phép bạn suy nghĩ về tương lai và hiểu rằng: điều quan trọng đối với chất lượng quyết định là tiềm năng của từng lựa chọn chứ không phải kết quả khả dĩ nào sẽ xảy ra. Câu hỏi đó cho bạn thấy rằng bạn đang có hai lựa chọn tuyệt vời tương đương nhau, dù chọn đường nào thì cũng khó mà sai lầm lớn được.
Khi lý giải như vậy, các lựa chọn kiểu này thực chất cũng là những tình huống freeroll. Vì các lựa chọn gần như tương đương nhau nên có thể xem như bạn đang được “miễn vé” dù chọn bất kỳ phương án nào.
Điều đó mở ra một nguyên tắc quyết định mạnh mẽ: Khi cảm thấy khó để quyết định cũng là lúc dễ quyết định nhất.
Khi bạn cân nhắc hai quyết định một chín một mười, đó thực ra lại là lúc dễ quyết định vì dù chọn thế nào thì bạn cũng không thể quá sai, do khác biệt giữa hai lựa chọn là rất nhỏ.
Đánh nhau với cối xay gió
Đánh vật với hai lựa chọn suýt soát nhau chẳng khác nào bạn đang phí thời gian đánh nhau với cối xay gió. Bạn tốn thời gian đi lan man, hy vọng mình sẽ tìm ra những chênh lệch nhỏ nhặt, cố phân tích những khác biệt khó nhận ra.
Vì chưa đến Paris hay Rome bao giờ, bạn không thể biết ở đâu tốt hơn; mà kể cả đã đến đi chăng nữa, bạn cũng không thể biết lần này bạn sẽ thích nơi nào hơn. Bất luận bạn hỏi ý kiến ai hay đọc bao nhiêu bài giới thiệu trên trang tư vấn du lịch thì những người đó vẫn không phải là bạn. Đó là những con người khác với những ưu tiên khác, nên lời khuyên của họ cũng chỉ hạn chế. Họ không thể biết bạn thích nơi nào hơn.
Bạn không thể bẻ cong thời gian và không gian để biết trước được công việc mới ở thành phố mới sẽ tác động đến mình thế nào. Bạn không thể biết trong hai ngôi nhà tương tự nhau, bạn sẽ thích ngôi nhà nào hơn trong 10 năm tới, hoặc giữa hai ngôi trường chất lượng tương đương thì bạn sẽ thích trường nào hơn trong bốn năm học hành.
Vì tất cả chúng ta đang sống ở khoảng giữa của việc không có thông tin với thông tin đầy đủ, nên việc kỳ vọng rằng bạn sẽ có thể biết rõ lựa chọn nào tốt hơn thực sự là không thực tế.
Lúc này, dành thêm thời gian cho quyết định là bạn đang theo đuổi một sự chắc chắn ảo tưởng.
Cứ cho là nếu có đủ thời gian, bạn sẽ biết chắc lựa chọn nào là tốt hơn đi nữa, thì việc sử dụng nguồn lực giới hạn theo cách này cũng chẳng khôn ngoan. Giả sử một kỳ nghỉ châu Âu tuyệt vời có thể khiến mức độ hạnh phúc của bạn trong năm đó tăng thêm 5%. Và cứ cho rằng nếu có đầy đủ thông tin, bạn biết kỳ nghỉ ở Paris có thể tăng hạnh phúc của bạn lên 4,9% trong khi Rome là 5,1%.
Bạn đã tốn bao nhiêu thời gian chỉ để cố giải quyết khoảng chênh lệch 0,2% giữa hai lựa chọn? Đó là khoảng thời gian bạn có thể dùng cho các quyết định khác hoặc làm việc khác mà sẽ có nhiều tác động hơn đến hạnh phúc hoặc khả năng đạt được những mục tiêu lâu dài của bạn.
Phép thử Chỉ một phương án
Barry Schwartz đã chỉ ra trong cuốn The Paradox of Choice (tạm dịch: Nghịch lý của lựa chọn) của ông rằng: dạng quyết định “cừu đội lốt sói” càng có nhiều khả năng nảy sinh khi bạn có càng nhiều phương án. Số phương án lựa chọn càng nhiều thì khả năng có nhiều hơn một phương án khiến bạn quan tâm càng lớn. Và càng nhiều phương án được quan tâm thì bạn càng mất nhiều thời gian bị tê liệt phân tích.
Đó là nghịch lý: Càng nhiều lựa chọn, càng nhiều nỗi lo.
PHÉP THỬ CHỈ MỘT PHƯƠNG ÁN
Đối với mọi phương án bạn đang cân nhắc, hãy tự hỏi: “Nếu đây là phương án duy nhất, mình có hạnh phúc với nó không?”.
Bạn nhớ không, nếu chỉ được lựa chọn giữa Paris và nhà máy cá hộp thì không ai gặp vấn đề gì. Nhưng nếu các phương án trong tay là Paris, Rome, Amsterdam, Santorini hay Machu Picchu thì sao? Bạn hiểu rồi đấy.
Một công cụ hữu ích để phá vỡ bế tắc này là Phép thử Chỉ một phương án.Nếu đây là món duy nhất tôi có thể gọi trong thực đơn...
Nếu đây là chương trình duy nhất tôi có thể xem trên Netflix tối nay...
Nếu đây là nơi duy nhất tôi có thể đến nghỉ...
Nếu đây là trường duy nhất nhận tôi...
Nếu đây là ngôi nhà duy nhất tôi có thể mua...
Nếu đây là công việc duy nhất tôi được đề nghị...
Phép thử Chỉ một phương án dọn sạch mớ lộn xộn xung quanh quyết định của bạn. Nếu bạn hạnh phúc khi Paris là phương án duy nhất, và cũng hạnh phúc khi Rome là phương án duy nhất, điều đó cho thấy rằng nếu tung đồng xu, bạn sẽ hạnh phúc bất kể đồng xu sấp ngửa thế nào.
Tuần sau, bạn hãy thực hành áp dụng Phép thử Chỉ một phương án mỗi khi đi nhà hàng. Hãy đọc thực đơn và tìm ra những món mà bạn sẽ vui vẻ dùng nếu đó là phương án duy nhất. Sau khi xem thực đơn theo cách này xong, hãy quyết định trong số các phương án đã thông qua phép thử bằng cách tung đồng xu. Hãy ghi xuống dưới đây cảm nhận của bạn.
Chiến lược thực đơn
Chiến lược đọc thực đơn có thể được áp dụng rộng rãi cho việc ra quyết định nói chung. Đối với mọi quyết định, hãy dành thời gian để phân loại thứ bạn thích và thứ bạn không thích.
Sau đó, hãy quyết định thật nhanh.
Cái được lớn nhất mà bạn có được từ thời gian ra quyết định là quá trình phân loại: tính toán, dựa trên các giá trị và mục đích của bạn, phương án nào đó “tốt” là vì đâu. Phân loại các phương án chính là lúc bạn gỡ bỏ gánh nặng cho việc ra quyết định và là nơi bạn thu được nhiều giá trị nhất từ việc chậm lại.
CHIẾN LƯỢC THỰC ĐƠN
Dành thời gian để phân loại ban đầu. Tiết kiệm được thời gian lựa chọn.
Sau khi bạn đã làm xong việc phân loại và đã có một hoặc vài phương án, dù tăng tốc thì bạn nhìn chung vẫn được an toàn. Nếu các phương án của bạn có sự tương đương rất lớn, thậm chí bạn có thể ra quyết định bằng việc tung đồng xu, thì có dành thêm thời gian chọn lựa đi nữa bạn cũng không đẩy sự chính xác lên thêm bao nhiêu.
Đó là vì sao việc xác định được các quyết định ít quan trọng, nhất là các quyết định lặp lại, lại quan trọng đến thế. Các kiểu quyết định ít tác động sẽ cho bạn cơ hội thử nghiệm. Qua thử nghiệm, thế giới sẽ cho bạn biết điều gì hiệu quả và điều gì không, giúp bạn xác định các ưu tiên, những gì mà bạn thích và không thích.
Và tất cả những thử nghiệm đó sẽ cho bạn nhiều thông tin tốt để từ đó phân loại chính xác hơn ở lần sau.
[4]
Hiểu sức mạnh của việc từ bỏ
Bạn đến rạp, xem một bộ phim ở phòng chiếu 1 lúc 7 giờ tối. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không thể sang và xem phim ở các phòng chiếu từ 2 đến 18 trong cùng khoảng giờ.
Bạn mất bốn năm học để lấy bằng. Thời gian đó bạn không thể toàn tâm cho ban nhạc của mình.
Bạn đọc tiểu sử chính thức của Winston Churchill (tám tập, 8.562 trang, được hai thế hệ các nhà viết tiểu sử thực hiện trong tận 26 năm). Bạn không thể dành thời gian đó để đọc 35 cuốn sách khác hoặc hoàn thành hai học kỳ tại trường luật.
Mọi lựa chọn đều đi kèm với chi phí cơ hội. Bạn chọn một phương án đồng nghĩa với việc từ bỏ các phương án khác có cùng khả năng tích cực. Lợi ích kèm theo của các phương án bạn bỏ qua càng lớn, chi phí cơ hội càng cao. Chi phí cơ hội càng cao thì thiệt hại do đi nhanh lại càng lớn.
CHI PHÍ CƠ HỘI (CÁI GIÁ CỦA CƠ HỘI)
Khi chọn một phương án, bạn mất những cái được đi kèm với các lựa chọn mà bạn bỏ qua.
Chi phí cơ hội và tác động của quyết định
Chi phí cơ hội là một phần xác định nên tác động của quyết định, vì vậy nó cũng cần được cân nhắc khi bạn nghĩ về việc đánh đổi thời gian và độ chính xác. Cái được đi kèm các phương án bị bỏ qua càng lớn – chi phí cơ hội càng cao – thì bạn càng thiệt hại nhiều vì không chọn chúng, hay nói cách khác là thiệt hại từ việc hy sinh độ chính xác lấy tốc độ lại càng lớn. Cái được đi kèm phương án bị bỏ qua càng nhỏ – chi phí cơ hội càng thấp – thì bạn càng thiệt hại ít và càng có thể đi nhanh.
Đó là một phần mà Phép thử hạnh phúc hướng tới. Nếu quyết định của bạn ít tác động đến cuộc sống của bạn thì bạn sẽ không phải trả giá gì nhiều cho tất cả mọi lựa chọn mình đưa ra. Bạn sẽ không được (hoặc mất) nhiều từ bất kỳ lựa chọn nào.
Các phương án lặp lại giúp bạn bù đắp cho chi phí cơ hội. Khi một quyết định được lặp lại, bạn có thể trở lại chọn cái mà mình đã không chọn lúc trước. Tức là bạn có cơ hội nhận được phần tích cực của bất kỳ phương án nào trong các phương án đã bỏ qua chỉ trong thời gian ngắn.
Và, còn một cách nữa để bù đắp cho cái giá của cơ hội: từ bỏ.
Dám cố chấp và dám từ bỏ
“Người bỏ không bao giờ thắng, còn người thắng không bao giờ bỏ”. Ta thấy thông điệp này ở khắp nơi, ở người tiên phong như Thomas Edison và Ted Turner; những nhận vật thể thao như Vince Lombardi và Mia Hamm; các tác giả như Dale Carnegie và Napoleon Hill; hay người trong giới giải trí như James Cordon, Lil Wayne,...
“Sự kiên trì tạo ra thành công” có vẻ là lẽ phải đã được công nhận. Sự kiên trì rất có giá trị, nhưng sự từ bỏ cũng thế.
Việc từ bỏ không đáng bị mang tiếng xấu về mọi mặt. Từ bỏ sẽ giúp bạn có cơ hội tiếp cận với những điểm tích cực của các lựa chọn mà bạn đã bỏ qua. Ngoài ra, nó cũng giúp bạn thu thập thêm thông tin – thứ sẽ cho phép bạn đưa ra quyết định chất lượng cao về những điều bạn quyết định rằng mình sẽ kiên trì tới cùng với nó.
Bất cứ khi nào chọn đầu tư nguồn lực ít ỏi của mình vào một phương án, bạn đều đang làm điều đó với thông tin hạn chế. Sau khi bạn chọn, thông tin mới sẽ tự bộc lộ, và đôi khi sẽ cho bạn biết rằng lựa chọn đang có không phải là tốt nhất để đưa bạn tiến tới mục tiêu.
Khi hiểu biết nhiều hơn, bạn có thể phát hiện ra một quyết định ngỡ như tốt nhưng thực chất lại có nhiều khả năng tiêu cực và vì vậy đẩy xác suất thất bại của bạn lên cao. Hoặc có thể bạn vẫn sẽ thành công với lựa chọn này, nhưng nếu theo phương án khác bạn sẽ được nhiều hơn.
Đó là lúc để cân nhắc từ bỏ.
Người chơi poker hiểu điều này. Nếu bạn đang đầu tư vào một lựa chọn mà hiện tại không còn cảm thấy là cơ hội thành công tốt nhất, và bạn có thể lựa chọn đổi hướng, thì đó là lúc để từ bỏ.
Tất nhiên việc từ bỏ có cái giá của nó: mất tiền, mất lợi thế, danh tiếng, thời gian,...
Việc từ bỏ một mối quan hệ sau buổi hẹn đầu tiên có cái giá thấp hơn nhiều so với khi đã kết hôn.
Cái giá của việc rời khỏi một ngôi nhà cho thuê mà bạn không thích thấp hơn so với bán rồi rời khỏi một ngôi nhà mà bạn sở hữu.
TỪ BỎ
Cái giá khi từ bỏ càng thấp, bạn càng có thể đi nhanh vì việc bỏ và chọn lại dễ dàng hơn, bao gồm cả việc chọn lại các phương án mà trước đây bạn đã gạt bỏ.
Cái giá của việc đổi ý sau khi chuyển đến một thành phố khác nhỏ hơn nhiều so với chuyển đến một đất nước khác.
Một phần của quyết định tốt bao gồm cả việc tự hỏi: “Nếu mình chọn phương án này, cái giá khi từ bỏ là bao nhiêu?”. Cái giá để đổi hướng trong tương lai càng thấp, bạn ra quyết định càng nhanh vì lựa chọn từ bỏ lúc này đã không còn tác động gì nhiều.
Đó là lý do mà bạn có thể mất ít thời gian hơn để quyết định ngỏ lời hẹn hò hơn là ngỏ lời cầu hôn. Bạn có thể mất ít thời gian hơn để quyết định xem nên thuê căn nhà nào hơn là mua căn nhà nào. Bạn có thể mất ít thời gian hơn để quyết định chuyển sang một khu phố khác hơn là sang một đất nước khác.
Trực giác ta thường không nghĩ đến chuyện từ bỏ
Theo cách tâm trí con người hoạt động, ta có xu hướng coi các quyết định là bất di bất dịch, là không thể thay đổi, nhất là khi quyết định đó có tác động lớn. Ta không nghĩ trước về phương án từ bỏ. Nhưng khi nhìn nhận các quyết định qua lăng kính từ bỏ, bạn sẽ thấy rằng đối với nhiều quyết định mà bạn nghĩ rằng mình không thể thoát ra, cái giá không phải là quá cao đâu.
Chẳng hạn như khi chọn trường, nhiều người khổ sở một phần bởi vì nghĩ rằng mình đang ra một quyết định không thể thay đổi đối với bốn năm tới của cuộc đời. Nhưng cái nhìn bên ngoài cho thấy có đến 37% sinh viên chuyển trường, và gần một nửa trong đó còn chuyển đến nhiều lần.
Một khi nhận thấy rằng chuyển trường cũng là một lựa chọn, bạn có thể đảo khung nhận thức của mình từ thậm chí không cân nhắc phương án từ bỏ sang tự hỏi nếu làm vậy thì cái giá phải trả là gì. Có được chuyển tín chỉ không? Phải bỏ lại bạn bè sao? Tìm bạn mới có khó không? Việc chuyển đồ chuyển đạc thì sao? Liệu bạn có vào được một trường tốt hơn không?
Bất kể câu trả lời là thế nào, tôi dám cá cái giá của từ bỏ thấp hơn bạn tưởng – vì nhiều khả năng bạn thậm chí chưa từng nghĩ về nó.
Việc từ bỏ giúp cải thiện chất lượng quyết định.
Quyết định “cửa hai chiều”: Quyết định nhanh và học hỏi
Đối với những quyết định mà cái giá để từ bỏ là chấp nhận được, ta còn có cơ hội để thu thập thông tin thông qua đổi mới và thử nghiệm. Nhà sáng lập Amazon – Jeff Bezos và nhà sáng lập Virgin Group – Richard Branson đã đưa khái niệm quyết định “cửa hai chiều” vào quy trình ra quyết định của họ.
Quyết định “cửa hai chiều” nói nôm na là quyết định có cái giá cho việc từ bỏ thấp. Khi nhận thấy mình có quyết định “cửa hai chiều”, bạn có thể chọn những phương án mà mình không chắc chắn lắm, cho mình một cơ hội ít rủi ro để tiến vào thế giới của những điều bạn không biết. Thông tin thu thập được trong quá trình này sẽ giúp bạn thực hiện chiến lược thực đơn, cải thiện độ chính xác trong phân loại các lựa chọn điều bạn thích và không thích.
Hãy thử những thứ mà bạn biết rằng bạn có thể từ bỏ. Hãy tìm xem bạn thích gì và không thích gì. Tìm xem cái gì hiệu quả còn cái gì không.
Nếu bạn muốn biết liệu mình có thích chơi piano không thì hãy ghi danh học vài buổi; nếu không thích thì bỏ, bạn không phải chơi piano suốt phần đời còn lại. Tất nhiên, bạn sẽ muốn trụ lại chứ. Khó mà thành công được nếu bạn không có sự cứng cỏi cùng tinh thần kiên trì. Nhưng việc “từ bỏ” cho phép bạn có được những lựa chọn tốt hơn về việc khi nào thì nên kiên nhẫn.
Sắp xếp quyết định
Khi bạn đã hiểu được rằng “từ bỏ” cũng là một lựa chọn và nhìn thế giới qua lăng kính cái giá của việc từ bỏ, giờ đây bạn đã sẵn sàng tiếp cận một chiến lược mới giúp cải thiện chất lượng quyết định: Sắp xếp quyết định.
Rồi sẽ đến lúc bạn phải đối mặt với các quyết định có tác động lớn, các quyết định cửa-một-chiều, các quyết định phải trả giá đắt nếu từ bỏ (mua nhà, chuyển đến một nước khác, đổi nghề,...). Khi bạn biết mình sắp có một quyết định như thế, hãy cân nhắc xem liệu bạn có thể quyết định trước một số việc ít quan trọng hơn và dễ-từ-bỏ hơn hay không, trước khi bạn tiến đến quyết định “cửa một chiều” – quyết định mà bạn phải trả giá rất đắt nếu sau này từ bỏ.
SẮP XẾP QUYẾT ĐỊNH
Tìm cách ra các quyết định có tác động thấp, dễ từ bỏ trước khi đi đến một quyết định có tác động lớn, khó mà từ bỏ.
Tôi cho rằng hẹn hò sinh ra là để bạn luyện tập sắp xếp các quyết định. Nếu hẹn hò nhiều, bạn biết thêm nhiều về những điều mình thích và không thích trước khi đi đến quyết định về một mối quan hệ ràng buộc chính thức. Tương tự, nếu nghĩ về việc mua nhà, bạn có thể thuê nhà ở khu vực này trước.
Quyết định nhanh và học hỏi bằng cách đưa ra các lựa chọn song song
Ivan Boesky – một thương nhân Phố Wall – đã trở thành biểu tượng của thành công vào thập niên 1980 trước khi bị buộc tội giao dịch nội gián, bị phạt 100 triệu đô-la và ngồi tù. Là một biểu tượng của thời đó, ông trở thành đề tài của vô số những câu chuyện truyền kỳ: ông ngủ ba tiếng mỗi đêm, không bao giờ ngồi xuống làm việc, là người đầu tiên có bài phát biểu “Tham là tốt” trong buổi lễ tốt nghiệp của một trường kinh doanh, là hình mẫu cho Gordon Gekko trong phim Wall Street,... Người ta truyền tai nhau rằng khi Boesky ăn tối tại nhà hàng nổi tiếng Tavern on the Green, thành phố New York, ông gọi hết các món trong thực đơn để cắn mỗi món một miếng.
Mặc dù câu chuyện này phần nhiều là bịa đặt nhưng nó minh họa một nguyên tắc hữu ích cho việc ra quyết định: Khi đang cân nhắc các phương án, đôi khi bạn có thể đồng thời chọn nhiều hơn một.
Chi phí cơ hội từ việc chọn cùng lúc nhiều phương án rõ ràng là thấp vì bạn cùng một lúc đặt cược vào khả năng tích cực của nhiều phương án. Tìm cách để thực hiện song song nhiều phương án cũng giúp bạn bớt phải đối mặt với khả năng tiêu cực.
Có thể bạn không giàu như Ivan Boesky, nhưng tại nhà hàng, bạn hoàn toàn có thể thuyết phục người đi cùng chia sẻ món để thử được nhiều món khai vị hoặc món chính. Nếu bạn muốn xem nhiều sự kiện thể thao cùng lúc thì có thể đặt nhiều màn hình, hoặc vào một quán bar thể thao. Nếu đang chọn giữa hai chiến dịch marketing, bạn có thể tìm cách thử nghiệm thị trường với cả hai phương án xem cách nào hiệu quả hơn.
Khi cái giá cho việc từ bỏ là thấp, bạn có thể đi nhanh. Khi có thể thực hiện nhiều phương án cùng lúc, bạn thậm chí còn có thể đi nhanh hơn.
Bạn có thể lên kế hoạch đi nghỉ ở cả Paris lẫn Rome.
Khi bạn có thể làm nhiều thứ cùng lúc, bạn có nhiều cơ hội hơn để thăm dò thế giới, thu về thông tin từ nhiều thử nghiệm cho các quyết định về sau.
Tiến hành song song các phương án còn làm giảm nguy cơ đối mặt với khả năng tiêu cực. Chẳng hạn như, bạn đang có nhiều lựa chọn, mỗi lựa chọn có 10% khả năng thất bại, tức là nếu bạn chọn phương án nào thì cũng có 10% khả năng bạn phải nhận kết quả xấu. Nhưng nếu bạn có thể làm nhiều việc cùng một lúc, mỗi việc có 10% khả năng hỏng, thì xác suất nguy cơ tất cả đều không thành chỉ còn vô cùng nhỏ. Như vậy, bạn sẽ giảm được mức thiệt hại do đẩy nhanh tốc độ.
Làm nhiều việc cùng lúc tất nhiên có cái giá của nó. Gọi mọi thứ trong thực đơn dĩ nhiên là tốn tiền hơn chỉ gọi một món. Khi bạn làm hơn một việc một lúc thì chất lượng thực hiện của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Sự chú ý của bạn tuy linh hoạt nhưng không không thể liên tục nhảy từ chỗ này sang chỗ khác. Bạn sẽ cần phải cân bằng những lợi ích thu về từ việc làm nhiều thứ cùng lúc với những mất mát khác, ví dụ như tiền bạc, thời gian và các nguồn lực khác – và cả chất lượng thực hiện của bạn đối với nhiều phương án đó.
Nếu đã từng xem những bộ phim nói về những người “bắt cá hai tay”, bạn sẽ biết rằng chỉ vì có thể làm hơn một việc một lần không có nghĩa là bạn nên làm điều đó.
Hãy nghĩ về một quyết định có tác động lớn mà bạn đang phải chật vật xử lý. Hay bạn cũng có thể nghĩ đến một quyết định có tác động lớn mà mình từng phải chật vật xử lý. Đánh giá quyết định đó bằng cách áp dụng tư duy từ bỏ. |
|||
Mô tả ngắn gọn quyết định và các lựa chọn chính của bạn. |
|||
Cái giá của việc lựa chọn rồi từ bỏ và sau đó chọn lại cái khác là gì? |
|||
Đây có phải quyết định “cửa hai chiều” mà bạn có thể chấp nhận cái giá của việc từ bỏ nó không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Nếu có, cái giá đó là gì? |
|||
Nếu không, có cách nào để bạn sắp xếp lại, đưa ra các quyết định có cái giá thấp hơn trước để có cơ hội thu thập thông tin cho quyết định quan trọng không? |
|||
Đối với quyết định này, hãy viết ra các cách để bạn thực hiện cùng lúc nhiều lựa chọn, nếu có thể. |
Dưới đây là một biểu đồ đơn giản tóm lược lại các ý tưởng được trình bày trong chương này về cách xử lý việc đánh đổi thời gian và độ chính xác.
[5]
Biết lúc nào thì quy trình ra quyết định của bạn “đã xong”
Vào cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, có một vở hài kịch tình huống về một gia đình ngoại ô “điển hình” mang tên Leave it to Beaver (tạm dịch: Để đó cho Beaver). “Beaver” là nickname của cậu con trai út, và các tập phim thường xoay quanh cậu ta cùng những trò nghịch ngợm. Chẳng hạn, trong một tập nọ, Beaver quả quyết rằng mình có thể tự đi cắt tóc một mình. Cậu làm mất hết tiền cắt tóc nên phải nhờ anh trai Wally cứu bằng cách cắt giúp.
Wally nhấp kéo, tóc rơi lả tả xuống sàn và Beaver hỏi: “Anh cắt xong chưa?”.
Khi hình ảnh Beaver hiện ra, khán giả thấy các mảng tóc to tướng bị cắt nham nhở, Wally nói: “Cũng không biết là xong chưa nữa, nhưng chắc nên dừng lại thì hơn”.
Bạn ở trong tình thế tương tự trong quá trình ra quyết định của mình. Khi nào thì bạn nên dừng phân tích và bắt đầu hành động?
Nếu mục tiêu của bạn là chắc chắn hoàn toàn về lựa chọn của mình, thì bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được sự chắc chắn đó. Việc theo đuổi sự chắc chắn gây tê liệt phân tích. Điểm mấu chốt của chương này là giúp bạn tìm ra cách để ra được một quyết định nhanh hơn nhờ buông bỏ bớt sự chắc chắn này.
Một khi bạn đã tìm ra được lựa chọn đủ tốt – bất kể bạn đã mất bao lâu, bạn đã tung đồng xu hay thực hiện cả một quy trình ra quyết định dài, các lựa chọn của bạn là một chín một mười hay đã có sự ưu ái rõ ràng – bạn cần tự đặt cho mình một câu hỏi cuối:
“Liệu có thông tin nào mình tìm được sẽ thay đổi suy nghĩ của mình không?” .
Bạn tung đồng xu, ra kết quả “Paris”. Liệu có thể tìm được thông tin nào sẽ khiến bạn chuyển sang chọn Rome không?
Thông qua một quy trình tuyển dụng khắt khe, bạn quyết định chọn ứng viên A. Liệu bạn có thể tìm thấy thông tin nào khiến bạn chuyển sang chọn ứng viên khác hoặc phải tiếp tục tìm kiếm không?
Khá nhiều quyết định được đưa ra với thông tin không đầy đủ. Câu hỏi cuối cùng này giúp bạn hình dung thông tin nào có ích nếu bạn là người biết tuốt, nếu bạn thực sự có một quả cầu tiên tri.
Nếu bạn có thể đạt đến trạng thái hiểu biết tuyệt đối, liệu có thứ gì khiến bạn đổi ý không? Nếu câu trả lời là có, hãy tự hỏi liệu thông tin như vậy có tồn tại không (không tính đến trường hợp cần năng lực siêu phàm hay thông suốt mọi sự).
Đa phần câu trả lời sẽ là không. Nếu bạn đang đau đầu xem nên nghỉ một tuần ở Paris hay Rome, thông tin bạn cần để làm sáng tỏ quyết định này là phải biết trước mỗi kỳ nghỉ sẽ diễn ra thế nào. Vì chúng ta là người phàm, không có máy du hành thời gian, kiểu thông tin ấy – và cả sự chắc chắn nó mang đến – là không thể có được.
Nếu câu trả lời là: “Không, tôi không thể tìm thấy thông tin nào”, thì hãy quyết thôi. Bạn xong việc rồi. Đã đến lúc dừng lại.
Nếu câu trả lời là thông tin như vậy có tồn tại, hãy hỏi tiếp câu: “Tôi có khả năng tìm nó hay không?”.
Thông tin, kể cả có thể tìm được, cũng có khả năng khiến bạn phải trả cái giá quá đắt dưới nhiều hình thức: thời gian, tiền bạc, mối quan hệ xã hội.
Nếu đang cân nhắc chuyển tới Boston để nhận công việc mới, thật ra bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu chắc chắn xem liệu mình có chịu nổi mùa đông ở vùng Đông Bắc không, nhưng điều đó có nghĩa là bạn phải sống ở Boston một mùa đông trước khi quyết định. Ngoài những chi phí để sống thử ở Boston, cơ hội công việc cũng sẽ tiêu tan trước khi bạn biết được mình chịu nổi hay không chịu nổi thời tiết. Cái giá của thông tin như vậy là quá đắt.
Khi tuyển dụng, bạn vẫn có thể phỏng vấn lại các ứng viên, thuê một công ty săn người hoặc phỏng vấn thêm nhiều lần nữa với người mà bạn đang cân nhắc,... nhưng không có nghĩa bạn nên làm tất cả những việc ấy. Tất cả nên dừng lại tại đây; hoặc bạn sẽ phải dành thêm thời gian và tiền bạc cho những việc bổ sung. Bạn có thể mất ứng viên ưa thích của mình (hay bất kỳ ứng viên nào khác đã qua được Phép thử Một phương án) nếu tiếp tục kéo dài quy trình lê thê.
Song, nếu bạn cho rằng còn tồn tại những thông tin khiến bạn thay đổi quyết định, và bạn tin rằng mình có thể tìm thấy thông tin ấy với cái giá xứng đáng, vậy thì bạn có thể đi tìm tiếp.
Nhưng nếu câu trả lời là “Không”, thì đã đến lúc quyết định rồi đấy.
Dưới đây là sơ đồ lộ trình đơn giản khi bạn đã tìm ra được một phương án, bước cuối cùng trong một quy trình ra quyết định tốt.
[6]
Tóm tắt
• Ta đã mất quá nhiều thời gian cho các quyết định vặt vãnh lặp đi lặp lại. Một người bình thường bỏ ra 250-275 giờ mỗi năm cho việc quyết định ăn gì, xem gì và mặc gì. Con số này tương đương với thời gian dành để làm việc trong sáu hoặc bảy tuần.
• Có sự đánh đổi giữa thời gian với độ chính xác: Để tăng độ chính xác thì tốn thời gian. Tiết kiệm thời gian thì độ chính xác sẽ giảm.
• Chìa khóa để cân bằng việc đánh đổi giữa thời gian với độ chính xác là xác định thiệt hại của việc không có quyết định thật chính xác.
• Nắm được sơ bộ tác độngtừ quyết định của mình (qua mô hình đánh giá các khả năng, khoản thu về và xác suất) sẽ giúp bạn xác định được các tình huống mà ở đó thiệt hại là nhỏ hoặc không có, từ đó nó cho bạn sự linh hoạt nhằm ra quyết định nhanh hơn.
• Việc hiểu được khi nào quyết định có ít tác động còn tối đa hóa các cơ hội khám phá thế giới, nhờ đó gia tăng hiểu biết của bạn và giúp bạn hiểu thêm về những ưu tiên của mình, cải thiện chất lượng của tất cả quyết định trong tương lai.
• Bạn có thể xác định các quyết định ít tác động bằng Phép thử hạnh phúc, tự hỏi liệu quyết định có khả năng ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình trong một tuần, một tháng, hay một năm hay không. Nếu việc bạn đang quyết định qua được Phép thử hạnh phúc, bạn có thể quyết định nhanh.
• Nếu một quyết định qua được Phép thử hạnh phúc và các phương án lựa chọn lặp lại, bạn thậm chí còn có thể đi nhanh hơn.
• Freeroll,hay nói nôm na là “miễn phí vé vào cổng”, là tình huống trong đó khả năng tiêu cực rất thấp. Hãy tiết kiệm thời gian quyết định có nên nắm bắt freeroll hay không, thay vào đó, dành thời gian để quyết định xem nên thực hiện như thế nào.
• Khi bạn có nhiều lựa chọn với khoản thu về tiềm năng gần như nhau, đó là các quyết định cừu đội lốt sói. Sự tương đương giữa các quyết định tác động lớn có xu hướng gây tê liệt phân tích, nhưng chính sự do dự ấy lại là một tín hiệu cho phép bạn có thể quyết định nhanh.
• Để xác định một quyết định có phải “cừu đội lốt sói” không, hãy dùng Phép thử Một phương án – với từng phương án, hãy tự hỏi: “Nếu đây là lựa chọn duy nhất, liệu mình có vui không?”. Nếu bạn trả lời “Có” cho nhiều hơn một phương án thì có thể tung đồng xu vì dù có chọn gì thì bạn cũng không thể quá sai.
• Phân phối thời gian quyết định của bạn bằng chiến lược thực đơn. Dành thời gian cho phân loại, quyết định xem bạn thích phương án nào. Một khi đã có được lựa chọn ưa thích, hãy tiết kiệm thời gian chọn giữa những lựa chọn ưa thích đó.
• Khi đã chọn theo một phương án là bạn đang bỏ qua những lợi ích tiềm năng đi kèm với các phương án không được chọn. Đó là chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội càng cao thì thiệt hại càng cao.
• Bạn có thể bù lại chi phí cơ hội và quyết định nhanh hơn bằng cách từ bỏ,nhìn các quyết định qua lăng kính của việc bạn có thể đổi ý, bỏ lựa chọn cũ và chọn lại với cái giá chấp nhận được.
• Các quyết định có chi phí từ bỏ thấp, được gọi là quyết định cửa-hai-chiều, cũng đem lại các cơ hội ít rủi ro để ra quyết định thử nghiệm nhằm thu thập thông tin, hiểu biết về giá trị và ưu tiên của bạn cho các quyết định tương lai.
• Khi bạn đối mặt với một quyết định quan trọng, có cái giá phải trả đắt, hãy thử sắp xếp quyết định, ra các quyết định cửa-hai- chiều trước khi ra quyết định cửa-một-chiều.
• Bạn còn có thể bù lại chi phí cơ hội nếu có thể thực hiện song song nhiều phương án.
• Vì sẽ rất hiếm khi có được thông tin hoàn hảo hoặc hoàn toàn chắc chắn thu được kết quả tốt đẹp từ quyết định của mình, bạn sẽ phần lớn quyết định trong tình trạng vẫn chưa chắc chắn. Khi phân vân xem có nên dành thêm thời gian để tăng độ chính xác của quyết định hay không, hãy tự hỏi: “Có thông tin bổ sung nào (mà có thể có được với “cái giá” hợp lý) khiến mình ưu ái rõ ràng cho một phương án không, hoặc nếu đã có sẵn phương án yêu thích thì có thông tin nào khiến mình thay đổi hay không?”. Nếu có, bạn hãy đi tìm thông tin đó. Nếu không thì hãy quyết định ngay và chuyển sang giai đoạn khác.
CHECKLIST
Để xác định xem liệu bạn có thể quyết định nhanh hơn không, hãy hỏi mình những câu sau:
☐ Loại việc bạn đang quyết định có qua được Phép thử hạnh phúc không? Nếu có, hãy đi nhanh.
☐ Nó có vừa qua được Phép thử hạnh phúc vừa lặp lại không? Nếu có, hãy đi nhanh hơn nữa.
☐ Bạn có đang được “miễn vé vào cổng” không? Nếu có, hãy đi nhanh để nắm bắt cơ hội, nhưng hãy dành thời gian để thực hiện.
☐ Quyết định của bạn có phải là “cừu đội lốt sói”, với nhiều phương án qua được Phép thử Một lựa chọn không? Nếu đúng thì hãy đi nhanh, thậm chí có thể tung đồng xu để lựa chọn.
☐ Bạn có thể từ bỏ lựa chọn của mình và chọn một phương án khác với mức thiệt hại chấp nhận được không? Nếu có thì hãy đi nhanh. Nếu không, bạn có sắp xếp quyết định được không?
☐ Bạn có thể tiến hành song song nhiều phương án không? Nếu có, hãy đi nhanh.
☐ Liệu có thông tin bổ sung nào (có thể có được với cái giá hợp lý) giúp bạn xác định được phương án ưa thích rõ ràng hơn, hay nếu bạn đã sẵn có lựa chọn ưa thích thì thông tin này có thay đổi được nó không? Nếu có, bạn hãy tìm. Nếu không, hãy quyết định luôn.
The Terminator (Kẻ hủy diệt), do James Cameron “thai nghén” và đạo diễn, kể câu chuyện về một tai ương tương lai khi mạng lưới máy tính có nhận thức Skynet cố xóa sổ loài người. Người sống sót, John Connor, lãnh đạo một phong trào kháng chiến chống Skynet và đội quân máy của nó.
Câu chuyện tập trung vào Sarah Connor, một cô chạy bàn ở Los Angeles vào năm 1984. Tuy lúc này còn chưa biết, nhưng rồi một ngày cô sẽ sinh ra John Connor. Vào năm 2029, Skynet cử robot sát thủ, kẻ hủy diệt T-800 Model 101, trở lại năm 1984 để giết Sarah Connor nhằm ngăn đứa trẻ được sinh ra. Phe kháng chiến cũng cử người quay ngược thời gian – Kyle Reese – để bảo vệ Sarah Connor.
Việc Kẻ hủy diệt quay lại Los Angeles vào năm 1984 có thể đưa tới hai kết cục: Nó có thể giết chết Sarah Connor, ngăn không cho khắc tinh của Skynet ra đời; hoặc nếu nó thất bại, trong trường hợp này Skynet vẫn có thể bá chủ thế giới, khởi động chiến tranh hạt nhân và quét sạch gần hết loài người. Nói cách khác, ngay cả khi Kẻ hủy diệt thất bại, Skynet vẫn không tệ hơn so với trước. Nó vẫn sẽ phải xử lý phong trào kháng chiến do Connor lãnh đạo nhưng đây vốn dĩ đã là việc phải làm. Kết quả tệ nhất có thể xảy ra (từ góc nhìn của Skynet khi cử Kẻ hủy diệt từ năm 2029 trở lại quá khứ) là nó không làm thay đổi được điều gì cả.
Nhưng nếu Kẻ hủy diệt thành công trong việc giết Sarah Connor thì sao? Skynet sẽ có vị thế tốt hơn hẳn trong tương lai.
Skynet và Kẻ hủy diệt đang được “miễn vé vào cổng”.
Tại sao “đủ tốt” lại tốt: Chấp nhận giải pháp kém lý tưởng hay tìm giải pháp lý tưởng nhất?
TÌM KIẾM GIẢI PHÁP LÝ TƯỞNG TUYỆT ĐỐI
Việc ra quyết định được thúc đẩy bởi nỗ lực đưa ra quyết định tối ưu; không quyết định trước khi kiểm tra từng phương án; cố gắng đưa ra lựa chọn hoàn hảo.
Vì ta phải chịu trách nhiệm cho việc bỏ ra chừng đó thời gian chần chừ không quyết (kể cả những quyết định ít quan trọng). Các chiến lược trong chương này được thiết kế để giúp bạn biết được khi nào thì không nên dành thêm thời gian cho một quyết định.
Bạn muốn biết lúc nào thì một quyết định là “đủ tốt”, đặc biệt vì không muốn theo đuổi lý tưởng hão huyền về một quyết định “hoàn hảo” trong điều kiện đang phải đưa ra hành động với thông tin không hoàn hảo.
CHẤP NHẬN
GIẢI PHÁP KÉM LÝ TƯỞNG
Ra quyết định dựa trên phương án vừa ý đầu tiên mà bạn có.
Việc cố gắng đến gần nhất có thể độ chắc chắn 100% trong một quyết định được gọi là tìm kiếm giải pháp lý tưởng tuyệt đối. Phần lớn mọi người có xu hướng này, bỏ ra nhiều thời gian để nâng cao độ chắc chắn trong lựa chọn của mình.
Tất nhiên, bạn hiếm khi tiếp cận được thông tin hoàn hảo. Lãng phí thời gian cho ảo vọng hoặc những lợi ích cực nhỏ trong độ chính xác là bạn đang đánh mất cơ hội dành thời gian ở những chỗ có khả năng thu về nhiều hơn, phân loại tốt hơn, hoặc cho những thử nghiệm ít rủi ro sẽ cải thiện các quyết định về sau. Đó là lý do vì sao mà các chiến lược được đặt ra trong chương này lại được thiết kế để hướng bạn đến một cách tiếp cận thực tế hơn cho các quyết định gọi là chấp nhận giải pháp kém lý tưởng.
Mô hình của cuốn sách này mong muốn bạn được thoải mái hơn với việc chấp nhận giải pháp kém lý tưởng, chọn lựa các phương án đủ tốt, ở trong khoảng giữa “đúng” và “sai”.