[1]
Nhân duyên trắc trở
Có một người bạn thân lâu năm coi bạn là chỗ dốc bầu tâm sự về những mối quan hệ thảm họa. Dù là hẹn hò trên mạng, tham gia vào các nhóm độc thân hay tình cờ gặp gỡ, không hiểu sao những người đàn ông đến với cuộc đời của cô gái này đều hoặc là kỳ quặc, hoặc là đểu cáng. Bạn đã mất không biết bao nhiêu thời gian nghe cô bạn của mình kể lể về sự kém suôn sẻ trong tình yêu.
Hiếm hoi lắm mới có lúc cô ấy tuyên bố: “Đúng là một phép màu, tôi cuối cùng cũng tìm được một chàng trai bình thường rồi”. Song, mối quan hệ đó lại không tránh khỏi một kết cục lộn xộn và mệt mỏi. “Hóa ra đó là một trong những kẻ xấu xa nhất quả đất, hắn ta ‘thay hình đổi dạng’ chẳng khác nào một con tắc kè”.
Lần sau gặp, cô ấy lại kể cho bạn nghe một câu chuyện mới.
“Cậu có nhớ Jordan, cái tên phải chuyển công tác đến Trung Đông nên nghĩ rằng bọn này tốt nhất là chia tay không? Bịa cả đấy. Hôm qua tớ vừa trông thấy hắn đi mua tất”.
“Tớ sẽ không bao giờ hẹn hò nữa!”, cô ấy nói với bạn, lần thứ mấy chục. “Chắc tớ phải tìm một ông thầy trừ tà mất, tớ hẳn là đã bị nguyền rủa rồi”.
Hãy chọn những câu mà bạn có thể đã nói hoặc suy nghĩ khi nghe những câu chuyện của bạn mình
“Có vẻ như gu của cậu chỉ toàn là những kẻ đểu cáng.” “Trời ơi, cậu xui thật đấy!” |
“Vận may của cậu sắp tới rồi. Tớ biết cậu sẽ gặp một người đàng hoàng sớm thôi.” “Hẳn là cậu đã rút ra được gì đó từ tất cả những chuyện tình thảm họa này rồi nhỉ?” |
“Có khi nào là do cách cư xử của cậu trong các mối quan hệ có vấn đề gì đó nên đã khiến bọn họ đâm ra khốn nạn chăng?” “Ở cậu có điểm gì đó thu hút những kẻ vớ vẩn chăng?” |
|
Chọn những câu mà bạn có thể sẽ nói thành lời với bạn mình. |
||
“Có vẻ như gu của cậu chỉ toàn là những kẻ đểu cáng.” “Trời ơi, cậu xui thật đấy!” |
“Vận may của cậu sắp tới rồi. Tớ biết cậu sẽ gặp một người đàng hoàng sớm thôi.” “Hẳn là cậu đã rút ra được gì đó từ tất cả những chuyện tình thảm họa này rồi nhỉ?” |
“Có khi nào là do cách cư xử của cậu trong các mối quan hệ có vấn đề gì đó nên đã khiến bọn họ đâm ra khốn nạn chăng?” “Ở cậu có điểm gì đó thu hút những kẻ vớ vẩn chăng?” |
Nếu những câu bạn chọn nói thẳng ra với bạn mình khác với những gì bạn nghĩ, thì tại sao lại thế? |
|||
Nhìn chung, bạn có giỏi xử lý rắc rối của người khác hơn của chính mình không? Nếu trả lời là có, bạn nghĩ tại sao lại như vậy? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Hầu hết mọi người sẽ nghĩ rằng, chuyện bạn mình hẹn hò với một loạt những kẻ vớ vẩn không hẳn là do xui xẻo. Phần lớn chúng ta đều hiểu rằng nếu ai đó liên tục hẹn hò với những người giống nhau ( công việc và bạn bè cũng thế,...), khuôn mẫu đó hẳn không chỉ là vận xui, một sự ngẫu nhiên kỳ cục, hay một lời nguyền.
Bạn có thể thấy ở bạn mình rằng có vẻ như chính cách hẹn hò của cô ấy mới dẫn đến sự xuất hiện của đám người vớ vẩn kia. Nếu bạn của bạn nhận ra, họ đã có thể làm gì đó để thay đổi.
Bạn có thể nhìn ra điều ấy rõ ràng khi ở vào vị trí của “người bạn” – hay nói đúng hơn là với tư cách một người ngoài cuộc. Nhưng rắc rối là bạn thường mơ hồ hơn khi bản thân ở trong hoàn cảnh đó. Điều bạn thấy rõ ở người khác lại là điều bạn khó thấy ở bản thân. Đó là lý do vì sao ai cũng cảm thấy mình xử lý vấn đề của người khác tốt hơn vấn đề của chính mình.
Góc nhìn của bạn không còn đủ rộng mở khi bạn đứng ở tâm điểm của vấn đề.
[2]
Cái nhìn trong cuộc, cái nhìn ngoài cuộc
Hy vọng đến bước này, bạn đã hiểu rõ được rằng niềm tin của bạn đóng vai trò như một cái nút chai đối với việc ra quyết định tốt. Chất lượng của quá trình ra quyết định tốt đến đâu cũng không quan trọng, nếu đầu vào quá trình ấy có vấn đề.
Đầu vào đó là niềm tin của bạn, mà niềm tin thì có nhiều vấn đề lắm.
Thí nghiệm “gây sốc” đã cho thấy chúng ta khá tệ trong việc nhận ra mình không biết điều gì. Ta khá tệ trong việc nhận ra niềm tin của mình chưa chính xác. Ta quá thừa tự tin về điều ta tưởng như ta đã biết. Một trong những lý do của hiện tượng này là bởi: rất khó để chúng ta nhìn thế giới từ góc nhìn khác bên ngoài góc nhìn của mình.
Có thể hình dung việc xác định sai sót trong những gì bạn biết và tin cũng giống như khi ai đó dán tờ giấy “Đá tôi đi” trên lưng của bạn. Bạn không thể thấy tờ giấy ấy vì mắt bạn chỉ nhìn thấy những gì ở phía trước. Người ta cứ đá bạn, nhưng bạn vẫn không thể hiểu vì sao, mặc dù đã thấy rõ tờ giấy “Đá tôi đi” trên lưng của tất cả những người khác.
Cái nhìn bên trong
Đương nhiên, tất cả chúng ta đều nhìn thế giới qua lăng kính độc nhất của bản thân, được tạo nên từ hoàn cảnh, những niềm tin và trải nghiệm đặc thù mà ta đã trải qua. Chúng ta khó mà thoát ly được vị trí của mình để hiểu người bên ngoài đang nhìn vào tình cảnh của mình như thế nào.
Sao bạn có thể có góc nhìn khác được chứ? Bạn chỉ có những trải nghiệm mà bạn đã có. Bạn chỉ có thông tin mà bạn tiếp cận được. Bạn chỉ sống cuộc đời mà bạn đang sống.
CÁI NHÌN BÊN TRONG
Thế giới thông qua góc nhìn, trải nghiệm và niềm tin của chính bạn.
Bạn không phải là ai khác. Bạn là bạn.
Bạn bị kẹt lại trong cái nhìn bên trong, và vì thế khó nhìn nhận được những niềm tin, ý kiến và trải nghiệm của mình một cách khách quan. Nó làm bạn khó thấy tờ giấy “Đá tôi đi” trên lưng mình.Tư duy suy từ kết quả là một ví dụ của cái nhìn từ bên trong. Những kết quả mà bạn quan sát được gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng bạn nhìn nhận chúng trong bối cảnh khách quan. Điều đó ảnh hưởng tới chất lượng của những bài học mà bạn học được. Nếu trải nghiệm có kết quả khác, bạn đã học được một bài học khác và đánh giá chất lượng của quyết định khác đi.
Dưới đây là một số thiên kiến nhận thức phổ biến xuất phát từ việc nhìn vấn đề từ bên trong:
• Thiên kiến khẳng định– Khuynh hướng nhận biết, diễn giải và tìm kiếm thông tin có tính chất khẳng định hoặc củng cố những niềm tin sẵn có của mình.
• Thiên kiến phủ định– “Chị em” của thiên kiến khẳng định. Đây là khuynh hướng hà khắc và hoài nghi nhiều hơn đối với thông tin đi ngược lại với niềm tin của mình.
• Quá tự tin – Đánh giá quá cao kỹ năng, trí tuệ hoặc tài năng của mình.
• Thiên kiến sẵn có – Khuynh hướng suy đoán quá lên mức độ thường gặp của sự kiện dễ nhớ vì chúng sống động hoặc vì ta từng gặp nhiều.
• Thiên kiến tức thì– Tin rằng các sự kiện gần nhất thì dễ xảy ra hơn thực tế bản chất của chúng.
• Ảo tưởng kiểm soát– Thổi phồng khả năng kiểm soát được mọi việc, hay nói cách khác là đánh giá thấp tác động của sự may rủi.
Bạn có thể thấy tất cả các thiên kiến trên phần nào đều là sản phẩm của cái nhìn từ bên trong.
Thiên kiến khẳng định nghĩa là bạn để ý và tìm kiếm thông tin phù hợp với điều mình đã sẵn tin. Thiên kiến phủ định nghĩa là bạn áp dụng tiêu chuẩn cao hơn khi đánh giá thông tin trái ngược với niềm tin của mình. Bạn hỏi “Có thật thế không?” với thông tin thuận theo những gì đã sẵn tin, nhưng lại hỏi “Chẳng lẽ lại thế?” về thông tin trái ý bạn. Thiên kiến sẵn có là khi bạn nghĩ rằng khả năng xảy ra của một số sự kiện là cao chỉ vì chúng là những sự kiện dễ nhớ với bạn. Tương tự, các thiên kiến khác cũng thể hiện bạn đang để cho trải nghiệm và niềm tin của mình kéo lệch cán cân.
Cái nhìn bên ngoài
Thế giới bên ngoài rất khác với những gì ta thấy từ góc nhìn của mình. Chúng ta đều hiểu đạo lý này khi thấy người khác chật vật với góc nhìn méo mó của họ mà không nhận ra, chính chúng ta cũng đang loay hoay trong thế giới của riêng mình. Bạn biết mình có thể nhìn nhận đúng tình cảnh của người khác trong khi chính họ mù tịt. Bạn có thể nhìn thấy tờ giấy “Đá tôi đi” trên lưng của họ.
Tôi cá là bạn cũng đang tự nghĩ ra rất nhiều ví dụ về tác động qua lại giữa mình với ai đó đang mắc kẹt trong cái nhìn bên trong. Nếu những ví dụ đó dễ dàng xuất hiện như vậy thì hiển nhiên là bạn cũng đang mắc kẹt.
Một phần lý do bạn khó tự soi xét chính mình hơn so với khi nhìn nhận người khác là vì bạn có động cơ bảo vệ niềm tin của bản thân khi phải tìm nguyên nhân cho tình cảnh của bạn. Niềm tin của mỗi người hình thành nên bản sắc của từng cá nhân. Việc phát hiện ra rằng bạn sai về chuyện gì đó, đặt nghi vấn về niềm tin của bạn hoặc thừa nhận rằng những kết quả xấu xảy đến vì quyết định tồi tệ mà bạn đưa ra chứ không chỉ vì vận rủi – tất cả đều đang có vẻ như đang “tấn công” bản sắc của chính bạn.
Chúng ta ai cũng có động cơ bào chữa cho chính mình. Khi phải bàn luận về tình cảnh của chính bạn, niềm tin của bạn liền vào vai tài xế, lái theo con đường bảo vệ bản sắc và câu chuyện mà bạn tự kể. Tôi không tồi! Người khác mới tồi!
Bạn không có động lực gì tương tự khi phân tích các vấn đề của người khác vì bạn chẳng dính dáng gì đến niềm tin của họ, như cách bạn ra sức ôm ấp niềm tin của chính mình.
Có lẽ bây giờ bạn đã nhận ra, phương thuốc cho cái nhìn bên trong là mở lòng mình càng nhiều càng tốt trước quan điểm của người khác và những sự thật của thế giới, không phụ thuộc vào kinh nghiệm của riêng bạn, vì những nơi đó có những thông tin giúp bạn điều chỉnh niềm tin sai lệch của mình.
Đó là cái nhìn bên ngoài.
Trực giác của bạn sẵn sàng thuận theo cái nhìn bên trong. Linh tính của bạn cũng vậy. Trực giác và linh tính bị ảnh hưởng bởi những gì bạn muốn là sự thật.
CÁI NHÌN BÊN NGOÀI
Thế giới là chính nó, độc lập với góc nhìn của bạn. Cách mà người khác nhìn vào tình cảnh của bạn.
Việc để cho các quan điểm, góc nhìn va chạm nhau sẽ đưa bạn đến gần hơn với sự thật khách quan. Càng đến gần sự thật khách quan, bạn càng bớt đưa vào quy trình ra quyết định những thiên kiến chủ quan của mình.
Bạn sẽ có nhiều khả năng phát hiện ra tờ giấy “Đá tôi đi” trên lưng của chính mình, khi nhìn từ cái nhìn bên ngoài.
Khi đi đến một quyết định, ta đã bắt đầu hình thành trong đầu ý niệm về phương án đúng. Ta thường thậm chí còn không biết mình đã hình thành ý niệm ấy, cũng không rõ từ lúc nào nó đã ngồi vào ghế lái, chỉ đạo quá trình ra quyết định của ta.
Điều này phơi bày ra vấn đề lớn nhất của danh sách ưu-nhược điểm: Giống như trực giác và linh tính của bạn, nó cũng sẵn sàng thuận theo cái nhìn từ bên trong, đưa bạn đến quyết định mà bạn muốn hơn là một quyết định khách quan tốt nhất.
Muốn loại bỏ một lựa chọn? Bạn sẽ chỉ tập trung tìm ra càng nhiều nhược điểm của nó ngày tốt. Muốn đi theo một lựa chọn? Bạn sẽ tập trung nghĩ về những ưu điểm của nó.
Danh sách ưu-nhược điểm được tạo ra hoàn toàn từ góc nhìn của bạn, không có cái nhìn bên ngoài, dễ dàng khiến bạn xuôi theo một kết luận mà bạn muốn có. Thực ra, nếu bạn muốn tạo ra một công cụ quyết định khuếch đại vai trò của thiên kiến cá nhân, công cụ đó trông sẽ giống như danh sách ưu-nhược này đây.
[3]
Làm thế nào để trở thành vị khách ít được chào đón nhất trong đám cưới
Đây là một cách hay để suy ngẫm về cái nhìn bên trong và cái nhìn bên ngoài:
Bạn đến một đám cưới, chờ đến lượt mình chúc mừng cho cặp đôi hạnh phúc. Nhưng khi đến lượt, bạn cảm thấy họ đã nhận đủ nước mắt và niềm vui, những cái hôn, những lời chúc trên cả tuyệt vời, những lời khuyên đầy cảm hứng và/hoặc thông thái và/hoặc kinh điển. Thay vì cho họ thêm những thứ đó, bạn hỏi: “Hai người nghĩ sao về khả năng cuộc hôn nhân này sẽ đi đến ly hôn?”.
(Xin phép đính chính, tôi hoàn toàn không đề nghị bạn thử làm điều này. Tôi chỉ nêu ra đây một thử nghiệm tư duy sinh động để bạn có thể suy ngẫm mà thôi).
Phần lớn các cặp đôi khi đó sẽ trả lời là 0%. “Chúng tôi khác với những người khác. Chúng tôi cưới nhau vì tất cả những lý do chính đáng. Đây là tình yêu đích thực. Tình yêu của chúng tôi sẽ mãi mãi vững bền”.
Đó là cái nhìn bên trong.
Lúc này, có người thúc vào lưng bạn. Đó là bố cô dâu, ông ấy đã nghe thấy câu hỏi của bạn và cực kỳ tức giận. Ông bảo bạn biến đi.
Để giết thời gian, bạn tạt vào một đám cưới khác cũng diễn ra trong cùng khách sạn và tình cờ lại dừng chân trong hàng người chờ chúc mừng.
Bạn thề sẽ không giẫm vào vết xe đổ. Bạn khen ngợi cặp đôi này và nói tiếp: “Tôi có ghé qua đám dưới bên kia và cảm thấy thật tệ. Nhân tiện, các bạn nghĩ có bao nhiêu khả năng đôi đó ly hôn?”.
Đa số sẽ cho câu trả lời nằm đâu đó giữa 40% và 50%, vì thực tế chung là như vậy. Họ chắc chắn sẽ không nói về những người lạ đang tổ chức đám cưới ở căn phòng kế bên bằng những câu như: “Họ đặc biệt mà. Họ hẳn đã cưới nhau vì tất cả mọi lý do chính đáng. Tình yêu đích thực của họ sẽ kéo dài mãi mãi”.
Đó là cái nhìn bên ngoài.
Hãy thuật lại tình huống mà bạn thấy một người bạn, người thân hay ai đó ở chỗ làm của bạn có cái nhìn từ bên trong. |
|||
Bạn có cho họ biết không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Tại sao bạn cho họ biết (hoặc không cho họ biết)? |
|||
Hãy thuật lại một tình huống mà bạn cảm thấy mình bị mắc vào cái nhìn từ bên trong. |
|||
Việc bị mắc vào cái nhìn từ bên trong ảnh hưởng tiêu cực thế nào tới quyết định của bạn? |
|||
Vài ngày tới, bạn hãy dành chút thời gian lắng nghe những người đang bị mắc kẹt với cái nhìn từ bên trong. Ghi lại vài ví dụ và ấn tượng chung của bạn về trải nghiệm của họ. |
[4]
Một cuộc hôn nhân thực sự hạnh phúc
• Hơn 90% giáo sư tự chấm mình là giáo viên trên mức trung bình.
• Khoảng 90% người Mỹ tự chấm trình độ lái xe của mình trên mức trung bình.
• Chỉ 1% sinh viên cho rằng kỹ năng xã hội của họ dưới mức trung bình.
Rõ ràng không thể có chuyện có đến 90% dân số ở trên mức trung bình, trong bất kỳ chuyện gì. Nhưng kể cả khi biết rằng một nửa dân số đang ở dưới mức trung bình (cái nhìn bên ngoài), ta dường như không mấy khi nghĩ rằng mình thuộc phần đó (cái nhìn bên trong).
Hiện tượng này gọi là hiệu ứng trên mức trung bình.
Rắc rối nằm ở chỗ: Nếu không có cái nhìn rõ ràng về trình độ và kỹ năng của mình, bạn có thể đưa ra các quyết định khá tệ hại, ví dụ như nhắn tin khi đang lái xe vì bạn nghĩ mình là một người đa nhiệm trên mức trung bình.
Tất nhiên, bạn chắc chắn làm được nhiều việc trên mức trung bình. Nhưng bạn không thể làm việc gì cũng trên mức trung bình.
Sự chính xác nằm tại giao điểm của cái nhìn từ bên trong và cái nhìn từ bên ngoài.
Đó là khi mà việc có được cái nhìn từ bên ngoài sẽ rất có ích. Nếu có một quả cầu pha lê đem lại mọi hiểu biết về thế giới, bạn sẽ biết chính xác mình ở đâu trong toàn thể dân số đối với từng kỹ năng cụ thể. Bạn sẽ biết, ví dụ, rằng mình đang ở mức 75% về kỹ năng lái xe hoặc 50% về kỹ năng xã hội, hay 25% về kỹ năng giảng dạy.
Ta có xu hướng dựa vào cái nhìn bên trong, kinh nghiệm và góc nhìn của chính mình, để đưa ra phán đoán. “Tôi chưa từng bị tai nạn trong suốt 20 năm, nên tôi tin chắc rằng mình là tay lái trên trung bình”. Hoặc, “Bạn bè có vẻ quý tôi, chúng tôi hòa thuận với nhau, vì vậy tôi có kỹ năng xã hội trên mức trung bình”. Hoặc, “Sinh viên có vẻ quý tôi, tôi thì thật sự thích việc dạy học, thành ra tôi phải thuộc top đầu về khả năng dạy học”.
Cái nhìn bên ngoài giúp bạn nhào nặn lại sự méo mó của cái nhìn từ bên trong. Vì thế, điều quan trọng là phải bắt đầu với cái nhìn từ bên ngoài và neo ở đấy, suy xét điều gì là đúng trong thế giới nói chung hoặc người khác sẽ nhìn nhận tình trạng của bạn thế nào.
VỊ TRÍ CỦA SỰ CHÍNH XÁC
Một cuộc hôn nhân thành công nằm ở giữa cái nhìn bên ngoài và cái nhìn bên trong. Vì niềm tin của bạn tạo nên bản sắc của bạn, và phần lớn cách bạn nghĩ về thế giới được thúc đẩy bởi khát khao giữ cho bản sắc đó nguyên vẹn nên rất khó để bạn có thêm cho mình cái nhìn bên ngoài – nhất là khi cái nhìn đó có tính đe dọa đến những gì bạn nghĩ là đã làm nên bản thân mình.
Đó là lý do vì sao có gần 50% số cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn mà chỉ 5% cặp đôi có thỏa thuận tiền hôn nhân.
Sự thật về các cuộc hôn nhân nói chung khó mà được bạn đưa vào cân nhắc khi ra quyết định vì nó xung đột với điều bạn muốn cho là đúng, rằng tình yêu của bạn ở trên mức trung bình. Nghĩ về khả năng thất bại chẳng dễ chịu gì, nhưng việc trải qua sự không thoải mái đó rất đáng giá vì bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn nếu mọi chuyện không theo ý muốn.
Kết hợp cái nhìn bên ngoài với cái nhìn bên trong đem đến cho bạn cái nhìn rõ ràng về bản thân, cách bạn trở thành bản thân ở hiện tại cũng như biết được tương lai có thể đem đến cho bạn điều gì. Chất lượng các bài học từ quá khứ, chất lượng của những quyết định sắp được bạn đưa ra, tất cả đều được cải thiện.
Khôn mà thành dở
Tin tốt là: Giờ đây bạn đã biết cái nhìn bên trong có thể đưa quyết định của mình đi chệch hướng. Thêm một tin tốt: Tôi đoán rằng nếu đã cầm cuốn sách này lên thì bạn là người thông minh.
Giờ thì đến tin xấu: Thông minh không giúp bạn bớt vướng phải cái nhìn từ bên trong. Thậm chí nó còn làm tình hình tồi tệ hơn. Trí thông minh trói những niềm tin chủ quan của bạn chặt hơn vào ghế lái.
Nghiên cứu trong nhiều bối cảnh khác nhau cho thấy rằng trí thông minh khiến bạn giỏi lý giải có động cơ (motivated reasoning). Đó là khuynh hướng đưa ra những lý lẽ khẳng định niềm tin sẵn có của bạn, sao cho cuối cùng chúng hạ cánh ở kết luận mà bạn mong chờ. Và ở đây tôi xin được làm rõ, trong trường hợp này, “giỏi” không phải là điều tốt đâu.
• Chẳng hạn trong những chủ đề chính trị được đông đảo mọi người quan tâm như việc kiểm soát súng, ai cũng muốn diễn giải dữ liệu đi ngược lại niềm tin sẵn có của họ, nhưng không phải để họ hiểu thêm về quan điểm trái ngược kia mà để củng cố cho quan điểm vốn có của họ. Có thể thấy, khả năng phân tích dữ liệu, trong tình huống này, không giúp bạn tránh khỏi sự nhầm lẫn. Thực ra khi bạn giỏi diễn giải dữ liệu, bạn lại càng dễ bị nó dẫn dắt để lý giải sao cho khớp với niềm tin sẵn có của bạn về một chủ đề chính trị.
• Khi nói về các thiên kiến của mình, chúng ta ai cũng có một điểm mù. Chúng ta không thấy lý lẽ của mình bị ảnh hưởng bởi thiên kiến theo cách có thể thấy ở người khác. Đó là một phần của cái nhìn bên trong. Thông minh không bảo vệ bạn khỏi điểm mù của bạn, mà chỉ càng làm nó tệ thêm.
• Nếu đang cố giải quyết vấn đề logic về các chủ đề liên quan đến niềm tin chính trị của bản thân, đa số sẽ đi đến một kết luận phù hợp với niềm tin của mình kể cả khi câu trả lời đúng thực ra là ngược lại. Nếu đã có trải nghiệm từ trước hoặc đã được đào tạo tư duy logic, bạn càng có nhiều khả năng mắc phải lỗi này.
Người khôn ngoan thường đánh giá cao niềm tin và ý kiến của mình, họ ít khi nghĩ rằng điều họ biết cần phải được điều chỉnh. Họ tự tin về những gì trực giác hoặc linh tính của họ mách bảo. Nói cho cùng thì họ thông minh mà, cớ gì họ lại không tự tin hơn chứ? Khi bạn khôn ngoan, lẽ tự nhiên là bạn ít nghi ngờ hơn về những điều mình tin là đúng.
Người khôn ngoan còn giỏi xây dựng những lập luận đầy sức thuyết phục ủng hộ cho quan điểm của mình và củng cố những điều mà họ tin là đúng. Người khôn ngoan còn giỏi vận dụng những câu chuyện để thuyết phục người khác, không phải để những người kia lạc lối mà là để bảo toàn cho bản sắc của chính mình.
Sự kết hợp của thói quen lý giải có động cơ và sự tự tin thái quá vào trực giác khiến người thông minh ít tìm kiếm phản hồi. Nếu có tìm kiếm phản hồi, khả năng kể chuyện vô cùng hấp dẫn và có sức thuyết phục của họ cũng sẽ khiến người khác bớt muốn thách thức họ.
Điều đó có nghĩa bạn càng thông minh thì càng phải chú ý để có được cái nhìn từ bên ngoài.
Người mà bạn dễ dối lừa nhất là chính bạn. Và bạn không biết mình đang làm việc đó, vì bạn đang sống trong cái nhìn từ bên trong.
Tỷ lệ cơ bản:
Một cách dễ dàng để có được cái nhìn từ bên ngoài
Một cách để có được cái nhìn từ bên ngoài là phải khiến nó thành thói quen, thành một phần trong quy trình ra quyết định của bạn, phải tự hỏi xem điều gì là đúng trong thế giới nói chung, độc lập với quan điểm của bất kỳ ai.
Một cách hay để tìm kiếm điều đúng đắn trong thế giới nói chung là tìm kiếm thông tin về khả năng xảy ra của các kết quả khác trong tình huống tương tự như của bạn.
Thông tin đó gọi là tỷ lệ cơ bản.
Có nhiều nơi để thăm dò, nghiên cứu và thống kê về các lĩnh vực như mối quan hệ, sức khỏe, đầu tư, kinh doanh, giáo dục, tuyển dụng và chủ nghĩa tiêu thụ có thể liên quan tới một loại quyết định nào đó mà bạn muốn đưa ra. Thực ra, tôi đã truy xuất một loạt tỷ lệ cơ bản trong cuốn sách này rồi, chẳng hạn như:
• Tỉ lệ ly hôn ở Mỹ là khoảng từ 40% đến 50% cho lần kết hôn đầu.
• Khả năng người Mỹ trưởng thành tử vong do bệnh tim là 25%.
• 8% dân số Mỹ sống tại thành phố có trên 1 triệu dân. Vài ví dụ khác về tỷ lệ cơ bản:
• Khả năng một người tốt nghiệp trung học có thể vào đại học ngay là 63,1%.
• 60% nhà hàng mới sẽ thất bại ngay trong năm đầu tiên.
TỶ LỆ CƠ BẢN
Khả năng điều gì đó xảy ra trong tình huống tương tự tình huống bạn đang suy tính.
Tỷ lệ cơ bản cho bạn một điểm để bắt đầu khi đang phán đoán khả năng xảy ra của bất kỳ kết quả nào. Không phải lúc nào phán đoán của bạn cũng phải giống với tỷ lệ cơ bản. Khi đã cân nhắc đến tỷ lệ cơ bản (cái nhìn từ bên ngoài), đây là lúc bạn cân nhắc thêm những điểm đặc thù trong hoàn cảnh của bạn (cái nhìn bên trong).
Cái nhìn từ bên ngoài có vai trò tham khảo để cái nhìn từ bên trong không quá chủ quan. Ví dụ, nếu bạn đang nghĩ đến việc mở một nhà hàng và ước tính xác suất thành công của mình là 90%, thông tin rằng chỉ có 40% số nhà hàng mới trụ lại qua được năm đầu tiên sẽ giúp chấn chỉnh lại sự tự tin thái quá của bạn.
Bất kể bạn dự đoán gì về tương lai thì dự đoán đó cũng cần phải nằm trong quỹ đạo của tỷ lệ cơ bản. Tỷ lệ cơ bản cho bạn một trọng tâm để neo vào.
Trở lại với những phán đoán mà bạn đưa ra về quyết định đến phòng tập A trong Chương 4. Bây giờ, hãy dành vài phút để tìm hiểu về các tỷ lệ cơ bản sau đây, và viết ra câu trả lời của bạn: Có bao nhiêu phần trăm số người tham gia phòng tập rồi bỏ ngay trong nửa năm đầu? ______% Có bao nhiêu phần trăm số người mua thẻ hội viên nhưng hoàn toàn không sử dụng đến? ______% Có bao nhiêu phần trăm số người đến phòng tập chỉ một lần/tuần hoặc ít hơn? ______% Nếu bạn tìm thấy thêm thông tin gì liên quan đến tần suất tập luyện của những người đăng ký đi tập tại phòng tập, hãy ghi ra tại đây. Với tỷ lệ cơ bản vừa có, bạn hãy xem lại cây quyết định của mình. Liệu thông tin đó có thay đổi phán đoán nào của bạn không? Nếu có thì giải thích ngắn gọn tại sao. |
Dưới đây là một số ví dụ về tỷ lệ cơ bản liên quan đến phòng tập gym:
Zachary Crockett của TheHustle.co vào tháng Một năm 2019 đã trích một khảo sát của Statistic Brain Research Institute (Viện nghiên cứu thống kê về não), cho thấy 82% số người có thẻ hội viên ở phòng tập đi tập 1 lần/tuần hoặc ít hơn. Và trong số 82% đó, có 77% đã ngừng hẳn.
80% hội viên tham gia vào tháng Một – thời điểm bắt đầu một năm mới đầy quyết tâm – bỏ việc tập luyện trong vòng năm tháng (theo CouponCabin). Còn theo Hiệp hội Thương mại Toàn cầu trong lĩnh vực thể dục thể thao (IHRSA), một nửa số hội viên mới bỏ thẻ tập trong vòng 6 tháng.
Khi bạn nghĩ về chỉ định của bác sĩ và hình dung khả năng mình đi tập gym ba lần/tuần là 90%, những con số trên cảnh báo rằng bạn nên điều chỉnh lại dự đoán. Bất kể bạn nghĩ mình có bao nhiêu động lực, khả năng bạn theo được đến cùng cũng khó mà khác xa tỷ lệ cơ bản kia.
Giúp chính mình hiểu về thực tế của phần lớn mọi người trong tình cảnh tương tự sẽ cho bạn thấy được cái nhìn bên ngoài, thứ sẽ cải thiện khả năng so sánh các phương án của bạn (như mua thiết bị tập tại nhà, đến phòng tập hay làm gì đó khác).
Khi bạn đang lên kế hoạch làm điều gì đó mà tỷ lệ cơ bản đã cho bạn biết rằng rất khó để thành công, một cái nhìn thực tế về những gì có thể có trong tương lai sẽ khích lệ bạn xác định trở ngại ngay từ đầu. Những cảnh báo sớm cho bạn cơ hội hình thành những phương án để tránh hoặc vượt qua trở ngại, gia tăng cơ hội thành công.
Cách khác để có cái nhìn bên ngoài:
Tích cực tìm hiểu xem người khác biết gì
Để có được cái nhìn từ bên ngoài, chúng ta đều phải dựa vào lòng tốt của người lạ. Về vấn đề cái nhìn bên ngoài, không thiếu người lạ muốn giúp ta, nhưng họ bị lúng túng về ý nghĩa của lòng tốt.
Điều đó đã bao giờ xảy ra với bạn chưa?
Ai đó muốn nhắc bạn rằng bạn có một miếng rau lớn mắc trong răng. Họ mở lời bằng cách xin lỗi bạn, nói ra điều đó với sự bối rối và ngần ngại vì nghĩ rằng bạn sẽ xấu hổ.
Lúc cảm ơn họ và lấy miếng rau ra, bạn nghĩ: “Mình ăn miếng rau này lúc nào ấy nhỉ?”. Bạn nhớ rằng bữa ăn cuối cùng đã là vài tiếng trước, tức là đã có khối người hẳn đã nhìn thấy miếng rau mà không nói gì.
Bạn bực mình vì không ai nói cho bạn sớm hơn. Suy cho cùng, những người đó không xấu tính. Họ không nhắc bạn không phải là vì họ hả hê khi thấy bạn xấu hổ. Đó là vì họ cố tỏ ra tốt bụng, tránh làm bạn bối rối khi bị nhắc nhở rằng có miếng rau giắt trong răng.
Đúng là xấu hổ khi bị bảo rằng có gì đó giắt trong răng thật. Nhưng khi thứ đó vẫn giắt trong răng và chẳng ai lên tiếng vì điều đó cả, bạn lại càng xấu hổ hơn. Bằng cách “tỏ ra tốt bụng” và không cho bạn biết mình thấy gì, họ đã vô tình không cho bạn cơ hội lấy miếng rau khỏi răng.
Với việc ra quyết định cũng vậy thôi.
Đó là lý do vì sao trong bài tập đầu tiên, phần lớn mọi người trả lời điều họ nghĩ thầm khác với điều họ nói ra.
Bạn cố không làm tổn thương tình cảm của bạn mình. Bạn đang cố tỏ ra tốt bụng. Nhưng khi làm thế, bạn đã từ chối cho đối phương một thông tin đầu vào giá trị có thể cải thiện chất lượng các quyết định hẹn hò của họ trong tương lai. Tử tế với người bạn hiện tại là bạn đang xấu tính với chính người bạn đó trong tương lai, người sẽ tiếp tục phải đưa ra quyết định hẹn hò.
Khi nhìn nhận như vậy, bạn nhận ra việc không thể hiện quan điểm còn gây hại cho bạn mình nhiều hơn. Tương tự, bạn cũng đang tự hại mình khi từ chối tiếp nhận những thông tin bất đồng mang tính đóng góp. Bản sắc của bạn có thể được bảo toàn trong chốc lát, nhưng việc để cho những sai lầm được lộ diện lại có sức mạnh cải thiện tất cả các quyết định của bạn trong tương lai, củng cố cho bản sắc đó về lâu về dài.
Hãy biết ơn khi người khác bày tỏ sự bất đồng một cách có thiện chí, vì làm thế là họ đang đối tốt với bạn.
Chỉ hỏi xin lời khuyên hay phản hồi thôi là chưa đủ để bạn có được cái nhìn bên ngoài, vì phần lớn mọi người ngại bất đồng, sợ bị xem là xấu tính, sợ làm bạn khó xử khi thách thức niềm tin của bạn, hoặc vì sợ sự thật mất lòng. Tệ hơn, chúng ta ai cũng thích nghe tiếng dội lại từ cái nhìn bên trong và tìm kiếm những người cũng nhìn thế giới giống như mình.
Đó là vì sao bạn chỉ đâm đầu vào những nơi chỉ dội lại tiếng nói giống hệt mình. Cái nhìn bên trong cảm thấy đặc biệt tốt khi nó được coi như cái nhìn bên ngoài, dưới lốt ai đó được cho là đang đưa ra góc nhìn khách quan trong khi chỉ đơn thuần là khẳng định những gì bạn tin. Nhưng điều đó chỉ khuếch đại cái nhìn bên trong, củng cố quan điểm của bạn về thế giới vì cảm thấy đã được người khác chứng nhận.
Có rất nhiều chiến lược trong cuốn sách này nhằm ngăn ngừa tiếng dội từ niềm tin của chính bạn, gia tăng tối đa cơ hội bạn phát hiện ra được thông tin cần điều chỉnh và các góc nhìn độc đáo. Bạn càng tương tác với thế giới nhiều hơn theo cách mời mọi người xung quanh cung cấp cái nhìn bên ngoài thì mô hình về thế giới của bạn càng trở nên chính xác hơn.
Hãy tìm kiếm cái nhìn bên ngoài với tâm trí cởi mở. Nhiều khả năng bạn sẽ tìm ra được tờ giấy “Đá tôi đi” dán sau lưng mình, miếng rau trong răng, cũng như mọi điều khác khó nhìn ra được từ góc nhìn chủ quan. Điều đó sẽ giúp bạn dọn sạch những thứ cản trở quá trình phán đoán và cải thiện quyết định của bạn.
Hãy nghĩ về một vấn đề mà bạn đang trăn trở. (Có thể là vấn đề đã thôi thúc bạn cầm cuốn sách này lên).
Đó có thể là những hồi tưởng, như tại sao bạn chẳng có mối quan hệ nào tử tế, hoặc tại sao bạn cứ xích mích với đồng nghiệp. Hoặc đó có thể là việc chưa xảy ra, như bạn nên nộp đơn vào trường nào, cách tốt nhất để gặp được tình yêu của đời mình là gì, bạn có nên chuyển việc không, hoặc bạn nên áp dụng cách nào để giải quyết một vấn đề cụ thể liên quan đến bán hàng.
Giờ là lúc KIỂM SOÁT GÓC NHÌN của bạn.
Bên dưới có hai cột. Trong cột CÁI NHÌN BÊN NGOÀI, bạn cố hết sức để mô tả hoàn cảnh bản thân từ cái nhìn bên ngoài, và dùng cột CÁI NHÌN BÊN TRONG để mô tả hoàn cảnh từ cái nhìn bên trong.
Lưu ý rằng trong khi sử dụng công cụ Kiểm soát góc nhìn, bạn bắt đầu với cái nhìn bên ngoài rồi mới chuyển sang cái nhìn bên trong. Việc bắt đầu từ cái nhìn bên ngoài cho bạn cơ hội để neo tâm trí mình vào sự thực khách quan của thế giới thay vì khư khư bám chặt lấy góc nhìn của bản thân.
Có hai chiến thuật mà bạn có thể thử để có được cái nhìn từ bên ngoài:
(1) Hãy tự hỏi, khi một đồng nghiệp, người bạn hay người thân gặp vấn đề tương tự, bạn nhìn nhận thế nào? Góc nhìn của bạn có thể khác với họ thế nào? Bạn có thể cho họ lời khuyên gì? Bạn có thể đề xuất giải pháp ra sao?
(2) Hãy tự hỏi, liệu bạn có thể tìm tỷ lệ cơ bản, số liệu hay thông tin liên quan nào về những sự thật ở những người trong tình cảnh của bạn nói chung không.
KIỂM SOÁT GÓC NHÌN
Ghép hai câu chuyện lại với nhau, và viết xuống đây. Mô tả điều bạn nghĩ là giao điểm chính xác giữa hai góc nhìn. |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Bài tập này có thay đổi cách bạn nhìn nhận hoàn cảnh của mình không? ☐ ☐ Nếu có thì tại sao? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Giống như công cụ Theo dấu thông tin buộc bạn phải nghĩ về điều bạn biết và không biết, thúc đẩy bạn tìm hiểu nhiều hơn, và ghi nhận lại niềm tin của bạn vào thời điểm quyết định, công cụ Kiểm soát góc nhìn cũng có nhiều lợi ích tương tự.
Kết hợp thói quen Kiểm soát góc nhìn vào quá trình ra quyết định sẽ đoạt lại vai trò “tài xế” của niềm tin chủ quan. Nó giúp bạn có cái nhìn hoài nghi hơn về những cảm giác, linh tính của mình. Công cụ Kiểm soát góc nhìn buộc bạn phải suy ngẫm cái nhìn bên ngoài. Và để suy ngẫm cái nhìn bên ngoài, bạn phải tìm ra nó thông qua việc lắng nghe quan điểm của người khác và tìm hiểu những sự thật trong thế giới nói chung.
Dù bạn đang ước đoán khả năng một quyết định sẽ tiến triển thuận lợi hay không thuận lợi, hoặc suy nghĩ về các kết quả khả dĩ của một lựa chọn hay suy tính những khoản thu về tiềm năng thì việc dành thời gian khám phá một cách độc lập cái nhìn bên ngoài và bên trong cũng sẽ đưa bạn đến những kết luận chính xác hơn.
Tạo ra thói quen ghi chép cái nhìn bên ngoài và bên trong sẽ giúp bạn có được phản hồi tốt hơn về cách bạn suy nghĩ và ra quyết định. Khi tương lai xảy ra và chắc chắn sẽ thay đổi quan điểm của bạn, bạn đã ghi nhận về cách bản thân nhìn nhận hoàn cảnh vào đúng thời điểm, từ đó tạo ra một chu trình phản hồi chất lượng và bổ sung thêm trách nhiệm giải trình cho quy trình của mình.
Kiểm soát Góc nhìn: Một công cụ khác để giải quyết nghịch lý của kinh nghiệm
Dù là bạn mất một cơ hội thăng tiến, không đạt được mục tiêu bán hàng, hay hẹn hò với toàn những kẻ vớ vẩn thì công cụ Kiểm soát góc nhìn cũng sẽ giúp bạn trả lời chính xác hơn tại sao những điều đó lại xảy ra. Một câu trả lời chính xác ở thời điểm hiện tại sẽ giúp bạn cải thiện các quyết định mà mình sẽ đưa ra cho hoàn cảnh tiếp diễn ở tương lai.
Khi chuyện xấu xảy ra, cái nhìn bên trong có xu hướng cổ xúy bạn trách móc vận xui hơn là tự trách việc ra quyết định của bản thân. Suy cho cùng, sự may rủi là cửa thoát hiểm dễ nhất để bạn bảo toàn câu chuyện của mình. Nhưng coi may rủi là thủ phạm chính yếu cho tình cảnh của bạn sẽ chẳng giúp ích gì trong việc giải quyết tình cảnh ấy.
Nếu như may rủi là thủ phạm thì việc ra quyết định của bạn sẽ thoát tội. Nếu may rủi là thủ phạm, kết quả nằm ngoài sự kiểm soát của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn chẳng có gì để học ngoài việc thế giới này toàn những người vớ vẩn và chẳng qua là bạn quá xui xẻo nên liên tục đụng phải mà thôi.
Nhưng cái nhìn từ bên ngoài thì ngược lại. Khi chuyện xấu xảy ra, cái nhìn bên ngoài có xu hướng soi xét kỹ hơn những kỹ năng cùng các cách mà việc ra quyết định đã đưa bạn đến kết cục hiện tại. Bạn không thể thay đổi vận mệnh. Bạn chỉ có thể thay đổi các quyết định của mình. Cái nhìn từ bên ngoài khiến bạn tập trung vào điều mà bạn có thể thay đổi.
Nguyên nhân của thành công
Khi chuyện tốt xảy ra, bạn thay đổi ngay kịch bản.
Dù là bạn nhận được công việc trong mơ, vượt chỉ tiêu bán hàng hay chỉ là gặp được tình yêu của đời mình thì cái nhìn bên trong cũng có xu hướng khiến bạn ca ngợi việc ra quyết định của mình và hạ thấp vai trò của may rủi. Trong khi cổ vũ bạn tiếp tục khoe khoang, nó cũng xui khiến bạn nghĩ rằng thành công mình có được dễ dàng lặp lại hơn bản chất thực tế.
Nếu bạn muốn giảm thiểu cơ hội tiếp tục thành công thì hãy cứ sống trong cái nhìn bên trong – đề cao quá mức kỹ năng và hạ thấp quá mức sự may rủi trong cách mọi chuyện diễn ra – một chiến lược “tốt”. Trong khi đó, cái nhìn bên ngoài tập trung vào sự may rủi nhiều hơn. Đó là lý do vì sao Kiểm soát góc nhìn lại quan trọng đến thế khi nói đến nguyên nhân của thành công.
Đừng đánh đổi tương lai để có được sự thỏa mãn trong hiện tại
Dù là về chuyện thành công hay thất bại thì việc khám phá cái nhìn bên ngoài đều sẽ khiến bạn khó chịu, nhất là khi cái nhìn bên trong đang tạo cho bạn cảm giác quá thoải mái. Nhưng sự khó chịu là xứng đáng. Bạn có thể chọn gạt bỏ yếu tố kỹ năng trong kết quả xấu của mình, tương tự lờ đi phần vận may trong kết quả tốt để bảo toàn bản sắc của chính mình trong chốc lát. Hoặc bạn có thể chọn theo cái nhìn từ bên ngoài và ngày một trau dồi bản sắc ấy, để các quyết định mà bạn đưa ra trong tương lai sẽ đưa bạn đến bến bờ tốt đẹp hơn.
Đó là sự đánh đổi mà bạn nên làm.
[5]
Tóm tắt
• Cái nhìn bên trong là góc nhìn về thế giới thông qua niềm tin và những kinh nghiệm của chính bạn.
• Nhiều thiên kiến nhận thức phổ biến được sản sinh từ cái nhìn bên trong.
• Danh sách ưu-nhược điểm có xu hướng khuếch đại cái nhìn bên trong.
• Cái nhìn bên ngoài là cách người khác nhìn tình cảnh của bạn, hoặc những sự thật trong thế giới nói chung, độc lập với góc nhìn của bạn.
• Khám phá cái nhìn bên ngoài là việc quan trọng cần làm, ngay cả khi bạn nghĩ mình đã nắm chắc thực tế, vì có thể người khác nhìn vào cùng một thực tế mà đi đến kết luận khác với bạn.
• Cái nhìn bên ngoài uốn nắn các thiên kiến và sai sót tồn tại trong cái nhìn bên trong, đó là lý do vì sao bạn lại cần neo chắc vào cái nhìn bên ngoài trước.
• Sự chính xác nằm ở khoảng giao giữa cái nhìn bên trong với cái nhìn bên ngoài. Mọi thứ được định hình từ hoàn cảnh và niềm tin của bạn đều rất quan trọng, nhưng chúng nên được kết hợp với những sự thật trong thế giới nói chung.
• Khi nêu quan điểm về thế giới, hệ thống niềm tin của bạn liền chiếm “ghế lái”.
• Lý giải có động cơ là khuynh hướng xử lý thông tin theo hướng đưa ra kết luận ta mong muốn hơn là tìm kiếm chân lý.
• Người thông minh không miễn nhiễm với cái nhìn bên trong và việc lý giải có động cơ. Trái lại, sự thông minh còn có thể khiến cho tình hình tệ hơn vì người thông minh thường tự tin hơn về “sự thật” trong niềm tin của họ và có thể biến tấu câu chuyện để thao túng người khác (và chính mình).
• Một cách tốt để có cái nhìn bên ngoài là tìm kiếm mọi tỷ lệ cơ bản có thể áp dụng cho hoàn cảnh của bạn.
• Một cách khác để có được cái nhìn bên ngoài là tìm hiểu quan điểm và xin phản hồi từ người khác. Tuy nhiên, quan trọng là họ phải cảm thấy thoải mái khi bày tỏ những bất đồng hoặc góc nhìn có thể khiến bạn mất mặt. Nếu không, họ sẽ chỉ càng khuếch đại thêm cái nhìn bên trong, củng cố niềm tin của bạn vào sự đúng đắn của bản thân. Bạn nên chịu khó lắng nghe những người bất đồng với mình và khuyến khích họ thách thức quan điểm của bạn.
• Kiểm soát góc nhìn là một thói quen tốt nên được phát huy. Chú tâm suy ngẫm hoàn cảnh của mình hoàn toàn từ cái nhìn bên ngoài rồi sau đó kết hợp với cái nhìn bên trong có thể giúp bạn nhìn nhận chính xác hơn tình huống mình gặp phải.
CHECKLIST
☐ Mô tả hoàn cảnh của bạn hoàn toàn từ cái nhìn bên ngoài. Cái nhìn bên ngoài nên gồm (a) các tỷ lệ cơ bản phù hợp và (b) các góc nhìn do người khác cung cấp.
☐ Mô tả hoàn cảnh của bạn hoàn toàn từ cái nhìn bên trong.
☐ Tìm giao điểm giữa cái nhìn bên ngoài và cái nhìn bên trong để tạo dựng một câu chuyện chính xác hơn.
Phần lớn mọi người tin rằng sống ở một nơi có thời tiết tốt sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng khi người đoạt giải Nobel Laureate Daniel Kahneman và đồng nghiệp David Schkade kiểm tra lại niềm tin này, họ nhận thấy rằng thời tiết của một vùng ít ảnh hưởng đến hạnh phúc của người dân. Trong một nghiên cứu, họ đánh giá hạnh phúc của gần hai nghìn sinh viên ở bang Ohio, trường đại học Michigan, đại học UCLA và đại học California, Irvine. Hầu hết những người sống ở miền trung Tây và California đều tưởng là người California sẽ hạnh phúc hơn, nhưng sự thật là có rất ít sự khác biệt trong hạnh phúc của sinh viên học ở các trường ở trung Tây (nơi khí hậu không tốt lắm) với sinh viên học tại các trường ở California.
Đây là một ví dụ điển hình về lợi ích của việc để cho cái nhìn bên trong và cái nhìn bên ngoài va chạm. Ta nghĩ rằng đã hiểu về cách thời tiết ảnh hưởng đến mình nên khá tự tin về điều đó. Nhưng khi tìm ra được sự thật của thế giới nhờ khoa học, ta mới biết rằng suy đoán của mình (ngay cả khi nó liên quan đến cách ta nghĩ mình sẽ phản ứng ra sao về một thứ gì đó) thực ra là không chính xác. Chúng ta chỉ có thể phát hiện được sự thiếu chính xác này nhờ cái nhìn bên ngoài.
Khi nghĩ về thời tiết (như trong ví dụ về công việc ở Boston và như cách mà hàng triệu người vẫn làm khi suy nghĩ đến chuyện chuyển đến nơi ấm áp hơn), bạn có thể nghĩ rằng việc chuyển từ nơi ấm áp ở miền Nam hay miền Tây đến vùng Đông Bắc – nơi mùa đông khá khắc nghiệt – là một việc quá khó khăn. Bạn tin rằng thời tiết có tác động lớn lên hạnh phúc của con người và rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy đến với bạn nếu bạn chuyển đến nơi lạnh lẽo.
Nếu bạn dành một chút thời gian để nhìn sự việc từ cái nhìn bên ngoài, có lẽ nó sẽ đưa bạn đến một quan điểm thực tế hơn về cách thời tiết có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc. Chỉ vì nhìn chung thời tiết không tác động lớn đến hạnh phúc không có nghĩa nó không tác động đến hạnh phúc của bạn. Nói đúng hơn là, bạn không nhất thiết phải dựa vào một lý thuyết chung về thời tiết để đưa ra phán đoán, cho dù lý thuyết đó được nhiều người tin theo. Bạn cần kết hợp cả hai góc nhìn: bên trong và bên ngoài.