Cuộc sống luôn đầy rẫy các vấn đề. Những vấn đề dường như chẳng thể giải quyết. Những vấn đề cá nhân, gia đình, công sở, láng giềng và các vấn đề trong đời sống nói chung.
Có lẽ bạn đang trong một cuộc hôn nhân từng có khởi đầu tuyệt vời, nhưng ở thời điểm hiện tại, các bạn gần như chẳng thể chịu đựng nhau được nữa. Có thể bạn đã dần phá hỏng mối quan hệ với bố mẹ, anh chị em hoặc con cái. Cũng có lúc, bạn cảm thấy quá tải và mất cân bằng trong công việc, lúc nào cũng muốn bỏ ít công sức nhưng thu được lợi ích thật nhiều. Hoặc có lẽ, giống như rất nhiều người khác, bạn mệt mỏi với xã hội thích kiện tụng này, nơi người ta vội vã khởi kiện lẫn nhau, còn bạn thì không dám làm gì cả. Chúng ta lo lắng về tội ác và ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Chúng ta nhìn các chính trị gia hứa hẹn giải quyết vấn đề này nhưng rồi họ chẳng làm được gì. Chúng ta xem thời sự vào buổi tối và mất dần hy vọng rằng một ngày nào đó những xung đột không ngừng giữa con người và các quốc gia sẽ được giải quyết.
Chính vì thế, chúng ta đánh mất hy vọng, từ bỏ hoặc chấp nhận thỏa hiệp – dù đó chẳng phải là lựa chọn tốt nhất.
Đó là lý do tôi khao khát viết cuốn sách này.
Cuốn sách này xoay quanh một nguyên lý vô cùng căn bản, căn bản đến mức tôi tin rằng nó có thể thay đổi cuộc đời bạn lẫn toàn bộ thế giới này. Nó là sự hiểu biết ở tầm cao nhất và quan trọng nhất mà tôi may mắn nhận được sau quá trình nghiên cứu những người đã sống một cuộc đời thực sự hiệu quả.
Về cơ bản, nó chính là chìa khóa để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất trong cuộc sống.
Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng nghịch cảnh, phần lớn trong im lặng. Khi đối mặt với các vấn đề, đa số chúng ta đều can đảm, kiên trì giải quyết và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Đối với nhiều người, nỗi khiếp sợ nằm ngay dưới bề mặt của vấn đề. Một vài nỗi khiếp sợ hiển hiện rõ ràng, một số khác chỉ hiển hiện về mặt tâm lý, nhưng tất cả đều là thực.
Nếu bạn hiểu và áp dụng nguyên tắc được đề cập trong cuốn sách này, bạn không chỉ vượt qua được vấn đề của bản thân mà còn tạo ra một tương lai tuyệt vời hơn cho chính mình – một tương lai mà bạn chưa bao giờ nghĩ rằng có thể xảy đến. Tôi không phải là người phát minh ra nguyên tắc này. Nó luôn tồn tại ở đó. Nhưng đối với những người áp dụng nó khi đối mặt với thử thách, không có gì là quá đáng khi nói rằng nguyên tắc này là khám phá vĩ đại nhất trong cuộc đời họ.
Cuốn sách 7 Thói quen hiệu quả đã đưa tôi đến với nguyên tắc này. Trong số tất cả những nguyên tắc được kể ra, tôi gọi nó là nguyên tắc “mang tính xúc tác, có tầm ảnh hưởng, có khả năng hợp nhất và gây phấn khích nhất”. Trong 7 Thói quen hiệu quả, tôi chỉ mới trình bày một cách tổng quan về nó. Nhưng trong cuốn sách này, tôi mời bạn cùng khám phá một cách sâu sắc và toàn diện hơn về nó. Nếu bạn đánh đổi thời gian và công sức để thực sự hiểu nguyên tắc này, bạn sẽ thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của mình. Bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng bạn đang tiếp cận và giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống theo cách hoàn toàn mới và hiệu quả gấp nhiều lần.
Tôi thực lòng mong muốn chia sẻ với bạn những câu chuyện về những người hiếm hoi đã áp dụng thành công nguyên tắc này. Họ không chỉ là những người giải quyết vấn đề mà còn là những người kiến tạo một tương lai mới mà tất thảy chúng ta đều mơ ước. Đây là một số người mà bạn sẽ bắt gặp:
• Một người cha đã cứu cô con gái khổ sở của mình khỏi những năm tháng tuyệt vọng và luôn muốn tự tử chỉ trong một buổi tối bất ngờ.
• Một chàng trai trẻ ở Ấn Độ đã giải quyết vấn đề điện năng cho hàng triệu người nghèo – gần như không tốn chút chi phí nào.
• Một cảnh sát trưởng đã giúp giảm một nửa tỷ lệ tội phạm tuổi vị thành niên của một thành phố tại Canada.
• Một người phụ nữ đã mang lại diện mạo mới cho bến cảng ô nhiễm của New York – một lần nữa, không tốn bất cứ chi phí nào.
• Một cặp vợ chồng từng gần như không nói một lời nào với nhau, nay đã có thể cùng nhau cười đùa về những ngày khó khăn đó.
• Một vị thẩm phán đã giải quyết nhanh gọn và yên ả vụ kiện cáo về vấn đề môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ mà không cần phải ra tòa.
• Hiệu trưởng của một trường cấp ba dành cho con em của những công nhân nhập cư đã giúp tăng tỷ lệ tốt nghiệp từ 30% lên tới 90%, cải thiện gấp ba lần trình độ kỹ năng cơ bản của các em học sinh, mà không phải chi thêm khoản tiền nào.
• Một người mẹ đơn thân và đứa con đang tuổi vị thành niên đã vượt qua những ngày tháng căng thẳng để tiến đến một mối quan hệ đầy thấu hiểu và tràn đầy yêu thương.
• Một bác sĩ đã cứu chữa tất cả những bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo chỉ với mức chi phí rất nhỏ so với chi phí của các bác sĩ khác.
• Một đội ngũ đã biến Quảng trường Thời đại từ một nơi hỗn độn đầy bạo lực và nhơ nhớp trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất Bắc Mỹ.
Tôi muốn nhấn mạnh một chút ở đây: không ai trong số họ là người nổi tiếng, giàu có hay có tầm ảnh hưởng. Tất cả những người này đều là những người hết sức bình thường đã áp dụng thành công nguyên tắc tối cao này khi giải quyết các vấn đề phức tạp nhất của họ. Và bạn cũng có thể làm được như vậy.
Có vẻ như bạn đang nghĩ: “Hừm, tôi sẽ không cố làm những việc lớn lao, anh hùng như họ. Tôi có những vấn đề của riêng tôi, và chúng đã đủ lớn lao với tôi rồi. Tôi mệt mỏi lắm, và tôi chỉ muốn tìm ra một phương thức khả dĩ giúp tôi giải quyết được chúng thôi”.
Tin tôi đi, tất cả những điều được trình bày trong cuốn sách này vừa mang tính chất cá nhân vừa mang tính toàn cầu. Nguyên tắc này áp dụng hiệu quả đối với tất cả mọi người: từ bà mẹ đơn thân đang cố gắng nuôi dạy đứa con hiếu động đang ở tuổi vị thành niên, cho đến người đứng đầu một bộ máy chính quyền đang cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến.
Bạn có thể áp dụng nguyên tắc này trong các trường hợp:
• Giải quyết mâu thuẫn căng thẳng với sếp hoặc cộng sự ở văn phòng.
• Bình ổn một cuộc hôn nhân với “những khác biệt không thể nào hòa giải được”.
• Xử lý các vướng mắc của con bạn với nhà trường.
• Vượt qua tình huống khiến bạn rơi vào rắc rối tài chính.
• Ra một quyết định quan trọng đối với sự nghiệp của bạn.
• Giải quyết bất đồng về bất cứ vấn đề nào trong khu dân cư hoặc cộng đồng của bạn.
• Hòa giải các thành viên trong gia đình không ngừng cãi nhau – hoặc không ai nói chuyện với ai dù chỉ nửa lời.
• Áp dụng chế độ giảm cân của bạn.
• Thoát khỏi một công việc không mang lại cho bạn niềm vui.
• Định hướng tương lai cho con bạn.
• Xử lý thông suốt một vấn đề bế tắc cho khách hàng của mình.
• Hóa giải các rắc rối có thể khiến bạn phải ra tòa.
Tôi đã dạy nguyên tắc nền tảng này trong suốt hơn bốn mươi năm qua cho hàng trăm nghìn người. Tôi đã dạy nó cho các em học sinh, cho các lớp học toàn CEO của các tập đoàn lớn, cho sinh viên đại học, cho những người đứng đầu của hơn ba mươi quốc gia và cho rất nhiều người khác nữa. Cuốn sách này được viết ra để có thể áp dụng hiệu quả tại bất cứ nơi nào – sân chơi, trận chiến, phòng họp cấp cao, hội đồng lập pháp hay trong căn bếp gia đình.
Tôi thuộc về nhóm lãnh đạo thế giới luôn tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa nhóm nước phương Tây và cộng đồng Hồi giáo. Nhóm này bao gồm cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, những người đứng đầu Hồi giáo và Do Thái giáo, các nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu, và những chuyên gia giải quyết xung đột. Trong cuộc họp đầu tiên với nhóm, chúng tôi nhận ra rằng mỗi người đều có một kế hoạch cho riêng mình. Tất cả đều có vẻ rất trang nghiêm và lạnh lùng, bạn có thể dễ dàng cảm nhận bầu không khí căng thẳng. Cuộc họp đó diễn ra vào ngày Chủ nhật.
Tôi đã xin phép được truyền lại cho họ một nguyên tắc trước khi tiếp tục cuộc họp, và họ nhã nhặn đồng ý. Vậy là tôi dạy họ thông điệp của cuốn sách này.
Đến tối thứ Ba, toàn bộ bầu không khí đã thay đổi. Các chương trình nghị sự riêng đều được gác lại. Chúng tôi đã đi đến một cách giải quyết đầy hứng khởi mà chưa một ai từng nghĩ đến. Tất cả những người có mặt trong gian phòng đều tỏ ra tôn trọng và yêu quý lẫn nhau – bạn có thể nhìn thấy điều đó, và bạn có thể cảm nhận điều đó. Ngài cựu Bộ trưởng Ngoại giao thì thầm với tôi: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì có sức mạnh to lớn đến mức này. Điều mà ông vừa làm ở đây hoàn toàn có thể cách mạng hóa nền ngoại giao quốc tế”. Về điều này, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn ở phần sau.
Như tôi đã nói, bạn không cần phải là một nhà ngoại giao quốc tế để áp dụng nguyên tắc này vào những vấn đề của chính mình. Gần đây, chúng tôi đã khảo sát người dân trên khắp thế giới để tìm ra những thách thức hàng đầu trong đời sống cá nhân, trong công việc và cả ở tầm thế giới. Đây không phải là một ví dụ mang tính đại diện, chúng tôi chỉ muốn đón nhận những câu trả lời từ những người khác nhau. 7.834 người tham gia trả lời khảo sát đến từ mọi châu lục, mọi cấp bậc khác nhau trong các tổ chức.
• Trong cuộc sống cá nhân: Thử thách họ thường gặp phải chính là áp lực khi phải làm việc quá sức, cùng với đó là sự bất mãn trong công việc. Nhiều người cũng gặp phải vấn đề với các mối quan hệ cá nhân. Điển hình, một quản lý cấp trung từ châu Âu viết: “Tôi căng thẳng, cảm thấy kiệt quệ và không có thời gian cũng như sức lực để làm bất kỳ điều gì cho bản thân”. Một người khác nói: “Gia đình tôi đang không ổn và điều này khiến mọi thứ trở nên mất cân bằng”.
• Trong công việc: Tất nhiên, mối bận tâm lớn nhất của mọi người trong kinh doanh luôn là sự khan hiếm các nguồn lực và lợi nhuận. Nhiều người còn e ngại về việc mất đi vị thế của mình trong trận chiến toàn cầu. “Chúng tôi đang bị mắc kẹt trong truyền thống trăm năm của mình... Càng ngày, chúng tôi càng trở nên thiếu kết nối... Quá ít giá trị hữu dụng được tạo ra từ sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp”. Một nhà quản lý cấp cao đến từ châu Phi viết: “Tôi đang làm việc cho một công ty quốc tế nhưng tôi đã nghỉ việc từ năm ngoái. Tôi bỏ việc vì tôi không còn tìm thấy ý nghĩa trong những gì mình đang làm”.
• Những vấn đề thế giới: Từ góc nhìn của những người tham gia cuộc khảo sát, ba vấn đề khó khăn họ lo ngại nhất là chiến tranh và khủng bố, đói nghèo, và tình trạng ngày càng xấu đi của môi trường. Một giám đốc cấp trung đến từ châu Á nói một cách không giấu giếm: “Nước chúng tôi là một trong những nước nghèo nhất châu Á. Thật đáng buồn vì phần lớn dân số nước tôi đang phải sống trong nghèo đói. Chúng tôi thiếu việc làm, giáo dục kém phát triển, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nợ công lớn, bộ máy lãnh đạo chưa thực sự hiệu quả và tham nhũng tràn lan”1.
1. Xem toàn bộ báo cáo của cuộc khảo sát tại http://www.The3rdAlternative.com.
Đây là một cái nhìn sơ lược về những gì bạn bè và hàng xóm của chúng ta đang cảm nhận. Có thể ngày mai, họ sẽ đối mặt với những thử thách mới, nhưng tôi đoán rằng những gì ta thấy chỉ là các biến thể của cùng một loại nỗi đau.
Bên dưới các áp lực chồng chất này, chúng ta thậm chí còn đối đầu với nhau nhiều hơn. Thế kỷ 20 là thời đại của những cuộc chiến tranh không mang tính cá nhân, nhưng thế kỷ 21 dường như lại là thời đại mà các cá nhân rắp tâm hãm hại lẫn nhau. Biểu kế đo sự giận dữ ngày càng tăng lên. Gia đình cãi cọ, đồng nghiệp ganh đua, nạn “ném đá” nhau trên mạng, tòa án quá tải và những kẻ cuồng tín giết hại người vô tội. Các nhà phê bình thiếu đạo đức nghề nghiệp xuất hiện ngày càng dày đặc trên truyền thông – họ càng cay nghiệt công kích người khác, họ càng kiếm được nhiều tiền.
Mức độ căng thẳng của mối bất hòa này có thể khiến chúng ta đổ bệnh. “Tôi thực sự cảm thấy bức bối với cách các nền văn hóa phỉ báng lẫn nhau... Thời đại tồi tệ nhất trong lịch sử loài người bắt đầu như thế, với những ý nghĩ tiêu cực về các đối tượng khác. Và sau đó, chúng biến thành thứ chủ nghĩa bạo lực cực đoan”, chuyên gia sức khỏe Elizabeth Lesser2 cho biết. Chúng ta biết quá rõ hậu quả của những điều này.
2. Elizabeth Lesser, bài viết “Take the ‘Other’ to Lunch”, dotsub.com, http://dotsub.com/view/6581098e-8c0d-4ec0-938d-23a6cb9500eb/viewTranscript/eng.
Vì thế, làm cách nào ta có thể giải quyết các mâu thuẫn chia rẽ và các vấn đề nan giải nhất của mỗi người?
• Liệu chúng ta chọn con đường chiến tranh, xác định rằng chúng ta sẽ không chịu đựng thêm nữa, và sẽ trút cơn giận lên “kẻ thù” của mình?
• Liệu chúng ta chấp nhận đóng vai nạn nhân, mỏi mòn mong đợi người nào đó cứu rỗi?
• Liệu chúng ta có khiến suy nghĩ trở nên cực đoan và dần dần rơi vào tự cô lập?
• Liệu chúng ta kiên cường ngồi lại với nhau nhưng thực chất chúng ta không thật sự hy vọng rằng mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp hơn? Sâu thẳm trong lòng, có phải chúng ta tin rằng những phương thuốc thực ra chỉ là “giả dược” mà thôi?
• Liệu chúng ta có tiếp tục làm việc chăm chỉ, giống như nhiều người tích cực khác, tiếp tục công việc của mình với hy vọng nhỏ nhoi rằng bằng cách nào đó mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn?
Bất kể chúng ta đang tiếp cận vấn đề theo cách nào, những hậu quả tất yếu luôn xảy ra. Chiến tranh sinh ra chiến tranh, nạn nhân trở thành người phụ thuộc, thực tế đẩy mọi người vào trạng thái cự tuyệt, những người hoài nghi thì không đóng góp được gì. Và, nếu cứ tiếp tục làm điều mà mình đã và đang làm với hy vọng rằng lần này sẽ thu được kết quả khác, điều đó chỉ nói lên rằng chúng ta không dám đối mặt với hiện thực. Albert Einstein từng nói: “Vấn đề lớn mà ta gặp phải không thể được giải quyết bằng loại tư duy đã tạo ra nó”.
Để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, chúng ta phải thay đổi triệt để cách nghĩ của mình - đó chính là chủ đề của cuốn sách này.
Trong quá trình đọc cuốn sách này, bạn sẽ thấy mình đứng ở giao điểm giữa quá khứ (cho dù nó từng ra sao) và tương lai (mà cho đến tận bây giờ bạn cũng chưa một lần dám tưởng tượng). Bạn sẽ phát hiện ra một khả năng thay đổi tuyệt vời trong chính con người mình. Bạn sẽ suy nghĩ về các vấn đề của bản thân theo một cách hoàn toàn mới. Bạn sẽ phát triển khả năng phản xạ tốt – điều giúp bạn vượt những chướng ngại vật mà người khác cho rằng chẳng thể nào vượt qua.
Từ điểm chuyển biến đó, bạn có thể nhìn thấy một tương lai hoàn toàn mới cho bản thân – và những năm tháng phía trước có thể khác hẳn với những gì bạn từng kỳ vọng. Thay vì ngập ngừng bước vào tương lai không thể nào tránh được những nguồn lực dần biến mất và đầy rẫy vấn đề, ngay từ bây giờ bạn có thể thực hiện mơ ước sống trong khúc nhạc “crescendo”3 – khúc nhạc ngày càng âm vang và mạnh mẽ – đồng nghĩa với một cuộc đời tươi mới hơn, ý nghĩa hơn và ngập tràn những thành tựu tuyệt vời – cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời bạn.
3. Crescendo (danh từ, tính từ, trạng từ): có gốc Latinh crẽscere, có nghĩa là tăng dần đến cực đỉnh. (Từ đây trở đi, các ghi chú của người dịch được viết tắt là ND)
Bằng việc thay đổi trọng tâm cuộc sống theo nguyên tắc được trình bày trong cuốn sách này, bạn sẽ bất ngờ nhận ra rằng bạn đang chạm vào tương lai đó.