Vạn vật, vạn sự trên thế gian chỉ cần có từ hai thứ trở lên thì không thể giống nhau tuyệt đối.
Cùng một cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng nhưng tính cách của con cái cũng chẳng ai giống ai. Thế giới có mấy tỷ người thì cũng có hơn mấy tỷ tâm tư khác nhau. Sông, biển, ao, hồ đều là nước nhưng chất nước mỗi nơi một khác. Núi, đồi, gò, đống đều là núi nhưng không bao giờ có hai ngọn núi giống nhau y như đúc. Mười ngón tay duỗi ra liền thấy có ngón dài ngón ngắn; hai mắt trên khuôn mặt cũng có to, có nhỏ; cho dù cùng là răng trong miệng nhưng cũng chẳng có chiếc nào giống hệt chiếc nào. Có những người gọi chung là đồng chí, đồng hương, đồng môn, đồng đạo nhưng trên thực tế, họ vẫn có nhiều điểm khác biệt trong sự tương đồng!
Trên đời này có biết bao sự khác biệt như thế, cho nên mới có câu “muôn ngàn khác biệt”. Vậy chúng ta phải làm thế nào để điều hòa vô số sự khác biệt đó? Chỉ có cách là tôn trọng và bao dung những điểm khác biệt ấy thôi. Chính vì thế, muốn thực hiện thứ gọi là chia nhau làm việc, cùng nhau làm việc là một điều không hề dễ.
Cùng là quân nhân còn phải chia ra các binh chủng như hải quân, lục quân, không quân, v.v; cùng là tôn giáo còn phải chia ra Phật giáo, Đạo giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo, v.v; cùng là văn học còn phải chia ra tản văn, thơ ca, tiểu thuyết, v.v; cùng là triết học cũng chia thành các phái đông tây kim cổ, v.v.
Trên thế gian này, những thứ giống nhau quá ít, những thứ khác nhau lại quá nhiều, vậy nên chỉ có biết tìm giống trong khác, chấp nhận trong giống có khác mới là con đường xử thế đúng đắn, đồng thời cũng là yêu cầu lớn nhất của vũ trụ và cuộc sống dành cho chúng ta.
Lương Khải Siêu1 từng nói: “Tôi của ngày hôm nay đừng ngại tuyên chiến với tôi của ngày hôm qua”. Có thể thấy, tôi của ngày hôm qua và tôi của ngày hôm nay đã không còn giống nhau rồi!
1 Lương Khải Siêu (1873 - 1929) là nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị Trung Quốc thời cận đại.
Đôi tình nhân yêu nhau say đắm của ngày xưa, nay có thể đã trở mặt thành thù. Con người đều không thích ở cùng những người khác biệt với mình. Cái gọi là “theo tôi thì sống, chống tôi thì chết” chính là muốn loại bỏ hoàn toàn những sự khác biệt. Thế nhưng trên đời này, người nhiều vô số kể, làm sao chúng ta loại bỏ hết được những người khác với mình?
Một khi đã không thể loại bỏ hoàn toàn những khác biệt, vậy thì tốt nhất mọi người hãy tôn trọng, bao dung lẫn nhau. Tôn trọng sự khác biệt cũng chính là thuận theo sự sắp đặt của trời đất.
Nước và lửa không thể dung hòa vốn tưởng là lẽ thường ở đời, nhưng trên đỉnh Quan Tử lại có động Nước Lửa 1; đào và mận không cùng một giống nhưng vẫn có thể ghép cành với nhau; nam nữ khác biệt nhưng ta vẫn thường nói “trong âm có dương, trong dương có âm”; cầu vồng bảy sắc hiện lên nhiều màu rực rỡ chính là bởi vì không màu nào lấn át màu nào.
1 Một kỳ quan thiên nhiên tại trấn Bạch Hà, Đài Nam.
Mắt thường không thể nhìn được con người và sự vật phía bên kia bức tường, nhưng nhờ sự trợ giúp của đôi tai, ít nhất ta có thể nghe được chút âm thanh. Những thứ không thể dùng chân khều lên được thì hãy duỗi tay ra mà nhấc chúng lên. Trời nắng hạn, mong có mưa rơi; mưa nhiều rồi lại mong chờ ánh nắng. Nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền; lửa có thể làm nước bay hơi nhưng nước có thể dập tắt được lửa.
Mọi thứ trên đời đều tương sinh, tương khắc, với con người, chỉ cần có hai người thôi cũng đủ để sinh ra tranh chấp. Có thể thấy vạn vật, vạn sự trên đời nào có thể thống nhất với nhau?
Cho nên, tôi và bạn cho dù không giống nhau nhưng tôi tôn trọng bạn, bạn tôn trọng tôi, mọi người tôn trọng lẫn nhau thì đôi bên có thể hòa hợp cùng tồn tại!