Thời đại phát triển, con người ta cũng tích cực làm công tác xã hội hơn. Có người coi việc tư thành việc công, có người lại phụng sự cống hiến cho việc công, có người vì làm việc công mà quên cả việc tư. Vì vậy, hiện nay trong xã hội đã hình thành phong trào chung, đó là có nhiều người chủ động trở thành “nghĩa công” (tình nguyện viên), hoặc làm “chí công” (chí nguyện viên).
“Nghĩa công” và “chí công” chỉ khác có một chữ nhưng ý nghĩa của chúng lại khác xa nhau!
Người xưa trọng nghĩa, ví dụ: Dân chúng có đóng góp cho xã hội được gọi là “nghĩa dân”, những học giả mang trách nhiệm chấn hưng giáo dục được gọi là “nghĩa giáo”, những người lính ra trận bảo vệ đất nước và nhân dân được gọi là “nghĩa quân”, những hiệp khách hành tẩu giang hồ, trừ bạo an dân, được gọi là “nghĩa hiệp”.
Không chỉ dùng để nói về con người mà “nghĩa” cũng dùng để chỉ cho những động vật trung thành. Ngoài ra, người xưa lại đặt ra giếng chung, đình chung, thôn chung, ruộng chung, lương (lương thực) chung, núi chung, v.v. để làm từ thiện phúc lợi; còn ngày nay, người ta mở ra các phòng khám miễn phí, các buổi biểu diễn ca hát và bán hàng từ thiện để hỗ trợ, thúc đẩy các chủ trương phúc lợi xã hội. Tóm lại, bất cứ ai có thể đóng góp và mang lại lợi ích cho xã hội thì đều được gọi là “nghĩa”.
Con người, ai cũng muốn mình trở thành một người sống có tình có nghĩa.
Xưa kia, những bậc trung thần, những người con hiếu thảo, những bậc nghĩa sĩ hiệp khách, đều được mọi người kính trọng; vì vậy, hiện nay có rất nhiều người tha thiết muốn trở thành tình nguyện viên.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số tập thể, nhóm người không gọi là tình nguyện viên, mà gọi là chí nguyện viên. Khác biệt chỉ một từ mà ý nghĩa thực sự lại khác xa nhau! Bởi vì chữ “chí” hàm chứa cả thiện và ác, nhân vật vĩ nhân cố nhiên sẽ lập chí, những tên trộm cướp làm hại xã hội, cũng không thể nói bọn chúng không có chí. Ông Uông Tinh Vệ đã nói: “Nếu không thể lưu lại tiếng thơm muôn đời thì cũng có thể để lại tiếng xấu vạn năm”. Còn cách giải thích tốt nhất về chữ “chí” có lẽ là: Có thể lập chí lưu lại tiếng thơm muôn đời, cũng có thể lập chí để lại tiếng xấu vạn năm!
Sự khác biệt giữa “nghĩa” và “chí”, cũng tương tự với sự khác biệt giữa trí tuệ Bát nhã và tri thức thế gian đã được nói đến trong kinh Phật. Vì tri thức có thiện có ác, nên thông minh cũng có lúc sai lầm, còn trí tuệ Bát nhã chỉ thuần là lương thiện. Như khoa học của thế gian là tri thức nên nó có cả ưu điểm và nhược điểm trong khi trí tuệ Bát nhã là sự khiêm nhường trọn vẹn, là sự thăng hoa, là thuần thiện, thuần khiết, thanh tịnh và không bị ô nhiễm.
Vì vậy, dốc “chí” vào một việc nào đó, chưa chắc đã là chuyện tốt; còn những việc làm cho là có “nghĩa”, thì nhất định là chuyện tốt. Nhìn trên phương diện thường thức thì “nghĩa” và “chí” khác nhau, không cần nói ta cũng có thể thấy rõ.