Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của tư tưởng tự do dân chủ và đề cao chủ nghĩa nhân quyền, tất cả các quốc gia ủng hộ tự do và dân chủ hiện nay đều rất coi trọng nhân quyền.
Trên thực tế, không chỉ có nhân quyền mà “sinh quyền” (quyền được sống của mọi chúng sinh) cũng rất quan trọng. Có câu “tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, trách nhiệm của trâu ngựa là kéo xe và mang nặng, nếu như bạn để chúng làm quá sức, tức là bạn không để ý đến sinh quyền; nếu bạn nuôi gà, vịt, dù có giết thịt cũng không nên treo ngược, móc ngược, khiến chúng chịu khổ như vậy.
Không biết những người đề xướng bảo vệ quyền con người bây giờ có nghĩ đến việc ủng hộ quyền được sống của tất cả chúng sinh hay không?
Hơn thế nữa, có người vì muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền nên đã đề xướng tổ chức các đợt đặc xá cho tù nhân. Đặc xá tù nhân chính trị là mong muốn chung của những người tham gia các phong trào nhân đạo. Tù nhân phạm tội gây rối trật tự trị an, tù nhân phạm tội trong lĩnh vực kinh tế được đặc xá hoặc giảm án để thoát khỏi án tử hình âu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có nên ân xá cho những kẻ giết người, hoặc làm tổn hại đến mạng sống của con người để nhấn mạnh quyền con người hay không, đây là vấn đề mọi người tranh luận còn chưa đi đến hồi kết.
“Nhân quyền” ở đây có nghĩa là mọi người đều có quyền sống mà không xâm phạm đến cuộc sống của người khác. Trên đời, quý nhất là mạng sống!
Đức Phật đã đưa ra giới luật, và giới luật đầu tiên đó là giới sát sinh; điều tàn ác nhất trên thế giới chính là sát sinh. Do đó, theo quan điểm của bộ luật Hình sự, ngoại trừ giết người thì các tội khác đều có thể được xem xét đặc xá, hoặc áp dụng các hình thức trừng phạt khác, ví dụ như buộc lao động công ích, bồi thường, hoặc tù giam, v.v. Tuy nhiên, đối với việc giết hại mạng người, người chết rồi không thể sống lại mà kẻ giết người lại không phải chịu hậu quả, chuyện này đối với gia đình của các nạn nhân là điều không thể chấp nhận được! Vì vậy, việc ân xá cho kẻ sát nhân, do không phù hợp với luật nhân quả, thực sự cần phải xem xét lại.
Đạo đức của thế gian và trật tự của xã hội được giữ gìn bởi luật pháp. Mọi người đều được luật pháp bảo vệ, đều được tồn tại mà không xâm phạm lẫn nhau. Nếu như luật pháp không công bằng thì đương nhiên sẽ xuất hiện những tiếng kêu oan. Mà nhân quả luận lại là pháp luật của pháp luật, Tôn Trung Sơn nói: “Phật pháp là nhân đạo cứu thế, có thể bù đắp những khiếm khuyết của luật pháp. Luật pháp giải quyết những sai phạm đã xảy ra, còn Phật pháp có thể ngăn chặn tội lỗi từ trước khi nó hình thành!” “Có thể ngăn chặn tội lỗi từ trước khi nó hình hình thành”, đó chính là quan niệm về nhân quả!
Có câu “gieo nhân nào gặt quả ấy”, đây là định luật muôn thuở không thay đổi, vì vậy, nếu kẻ giết người được đặc xá, có khác nào kẻ giết người lại không bị trừng phạt, cái lý này liệu có được chăng?