Biết ơn cho thấy cuộc sống giàu có, nhận ơn là biểu hiện của nghèo khó.
Chúng ta được làm người, phải nhớ đến công ơn của cha mẹ, công ơn của đất nước, công ơn của thầy cô, công ơn của mọi người. Không có cha mẹ sinh ra, nuôi lớn, không có thầy cô dạy dỗ, yêu thương, không có đất nước bảo vệ, quan tâm, không có mọi người giúp đỡ, tạo điều kiện, liệu chúng ta có thể tồn tại nổi giữa đất trời này không? Cho nên, biết ơn không những là một đức tính tốt đẹp mà còn là điều kiện để chúng ta trở thành một con người đúng nghĩa.
Một bộ phận thanh niên ngày nay, vừa ra đời đã được bố mẹ chăm lo, được thầy cô chỉ bảo, còn chưa đóng góp được gì cho xã hội này nhưng đã không ngừng kêu ca, than thở, chê cái này không ổn, trách cái kia không tốt, xem ân nghĩa như cỏ rác, chỉ biết trông chờ ơn mưa móc của trời đất nhưng lại không mảy may biết báo đáp, điều này đủ để ta thấy được sự nghèo nàn trong nội tâm của họ rồi.
Thế hệ trung niên cũng không khác là bao. Nhiều người tuyệt nhiên chẳng nhắc gì đến ơn bồi dưỡng của đất nước, ơn cất nhắc của cấp trên; hoặc do bản thân bất tài, không phát huy được sở trường của mình, không đóng góp được gì cho đất nước, xã hội, lại thành ra bất mãn, ấm ức với hiện thực, làm như người khác có lỗi với mình vậy, lúc nào cũng hậm hực, bất bình. Vì thế, họ khó có thể trở thành một thành viên nhân hậu trong gia đình hay một người mẫu mực trong xã hội.
Có một số người đạt được thành công, mà thành công này đều do đất nước, xã hội, toàn thể nhân dân cùng chung sức đóng góp, nhưng sau khi trở nên thành đạt và giàu có rồi, họ lại chỉ biết ra sức vơ vét, mặc sức hưởng thụ, không biết cống hiến, dựng xây xã hội. Vậy sau này, khi dùng hết của cải trong kho phúc điền rồi, không biết họ còn lại những gì nữa đây?
Dê non quỳ bú, quạ con mớm nuôi 1, loài vật còn biết nhớ ơn huống hồ là loài người chúng ta, loài vốn được coi là vượt trên muôn loài? Từ gia đình tới nhà trường, từ nhà trường ra xã hội, quan trọng là ta phải mang theo tấm lòng biết ơn. Chúng ta dạy cho con em trong nhà biết câu: “Một hớp cháo, một thìa cơm phải biết rằng kiếm được không dễ; một sợi tơ, một đoạn gai luôn nhớ rằng làm ra rất khó” 1, mục đích chính là để các em hiểu được lòng biết ơn ngay từ nhỏ.
1 Câu trên được ghi chép trong sách Tăng quảng hiền văn, đại ý: Dê con muốn trả ơn mẹ nên nằm quỳ xuống bú; khi quạ con mới nở, được quạ mẹ mớm ăn 60 ngày, lớn lên quạ con cũng mớm ăn cho quạ mẹ 60 ngày.
1 Trích từ Chu Tử cách ngôn: “Nhất chúc nhất phạn, đương tư lai xứ bất dị; bán ty bán lũ, hằng niệm vật lực duy nan”.
Khi đi qua một cây cầu, ta phải nhớ tới nỗi khó nhọc của những người thợ xây cầu. Khi ngồi dưới một gốc cây nghỉ mát thì ta hãy nhớ tới nỗi vất vả của người trồng cây. Hoàng Thu Mậu của tập đoàn Thu Mậu (Đài Nam), Matsushita Kōnosuke của tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) đều là những người phấn đấu đi lên từ gian khổ, sau khi thành đạt đều tích cực báo đáp xã hội. Những gì họ làm chính là vẻ đẹp của lòng biết ơn.
Trong cuộc sống này, những thứ chúng ta ăn mặc, đi lại hàng ngày, sự an lạc chúng ta cảm nhận được khi đi, đứng, nằm, ngồi, đó chẳng phải đều là thành quả đến từ mọi người, đến từ xã hội hay sao? Chúng ta có đức gì, chúng ta có tài gì? Nếu không biết đền ơn đáp nghĩa, không phục vụ cống hiến thì tương lai chúng ta làm sao có thể đáp trả lại những món ân tình đã nhận kia?
Phật Quang Sơn 1 xây dựng Tích thủy phường 2 tại nhiều nơi như vậy cũng chỉ với mục đích là phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp “tích thủy chi ân, dũng tuyền dĩ báo” 3. Cho dù tôi không thể tạo phúc lợi lớn để báo đáp nhân gian nhưng ít nhất tôi hiểu làm người phải có lòng biết ơn. Khi chúng ta biết chắp tay cảm tạ người đời, đó chính là lúc vẻ đẹp của lòng biết ơn tỏa rạng.
1 Là một giáo đoàn Phật giáo Đại Thừa do Đại sư Tinh Vân thành lập năm 1967.
2 Phòng dùng trà nước.
3 Tạm dịch: Nhận ơn một giọt nước, báo ơn một dòng suối dồi dào.