Sáng sớm trước khi đi làm, cha mẹ để lại bữa trưa như thế nào cho các con ở nhà? Buổi tối tan ca, bác sĩ để lại cho bệnh nhân sự chăm sóc ra sao trong một ngày làm việc đó? Người nhà chuyển ra nước ngoài định cư để lại những gì cho gia đình, bạn bè trong nước? Ông bà tổ tiên mất đi để lại những di vật gì cho con cháu?
Có người dựa vào di sản của tổ tiên để tiếp tục chuỗi ngày sung sướng hưởng thụ. Có người lại dựa vào nỗ lực của bản thân để tự mở ra đường đời thênh thang cho mình.
Tổ tiên người Trung Quốc để lại cho con cháu di sản văn hóa đồ sộ như: Vạn hữu văn khố 1; Tứ khố toàn thư 2; Nhị thập tứ sử 3; Ngũ kinh 4; Đông Chu liệt quốc chí 5; Tư trị thông giám 6; Kinh Luật Luận Tam Tạng thập nhị bộ 7, v.v. cho đến các công án thiền, hay lời dạy của các bậc thánh hiền trong lịch sử. Chúng đều là những di sản văn hóa bất hủ.
1 Bộ sách bách khoa toàn thư thời cận đại do Vương Vân
Ngũ chủ biên, tổng cộng khoảng 4.000 tập.
2 Là bộ bách khoa thư lớn nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Bộ sách được hoàng đế Càn Long nhà Thanh giao cho 361 học giả, đứng đầu là Kỷ Quân và Lục Tích Hùng, biên soạn trong khoảng thời gian từ năm 1773 đến năm 1782.
3 Là tên gọi chung của 24 bộ sử thư do các triều đại phong kiến Trung Quốc biên soạn. Đây đều là chính sử.
4 Tức năm quyển kinh điển của Nho giáo, bao gồm: Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh xuân thu.
5 Tiểu thuyết lịch sử do Phùng Mộng Long và Dư Thiệu Ngư thời Minh mạt viết, Sái Nguyên Phóng thời Thanh cải biên.
6 Là một cuốn biên niên sử quan trọng của Trung Quốc do Tư Mã Quang thời Tống biên soạn.
7 Chỉ mười hai loại của tất cả các kinh điển mà đức Phật đã thuyết.
Ngoài ra, hoạt động khai hoang ruộng đất, trồng cây gây rừng, khơi sông đào mương, xây đường bắc cầu, đều giúp cho cuộc sống của người đời sau thêm thoải mái, thuận tiện. Đặc biệt là những công trình chạm khắc đá trên núi, những kiến trúc hùng vĩ, những di tích lâu đời, đều làm phong phú thêm vẻ đẹp cho cuộc đời, phong phú thêm trí tuệ của con người.
Thế hệ trước để lại cho chúng ta di sản phong phú, vậy chúng ta để lại gì cho các thế hệ sau? Nho gia nói, con người phải để lại cho đời sau “tam bất hủ” (ba điều không bao giờ hư cũ) gồm lập công, lập đức, lập ngôn; Ki-tô giáo nói, phải để lại tình yêu thương cho hậu thế; Phật giáo nói hãy đem từ bi, giải thoát chia sẻ với đại chúng.
“Cấp” là cống hiến những thứ vĩ đại cho thế gian ngay ở thời này, “lưu” là để lại những điều có ý nghĩa lớn lao cho thế gian trong tương lai. Chúng ta không chỉ cần đóng góp gì đó cho hiện tại, mà càng cần phải lưu lại những điều tốt đẹp cho tương lai.
Chúng ta phải để lại cho nhân gian lịch sử, để lại cho nhân gian tín ngưỡng, để lại cho nhân gian từ bi, để lại cho nhân gian cống hiến và để lại cho nhân gian trí tuệ.
Chúng ta không đến nhân gian để du ngoạn, hưởng thụ, vậy nên chúng ta hãy tô điểm thêm màu sắc cho nhân gian; hãy đóng góp sức lực, tăng thêm niềm vui, làm dày thêm nền văn hóa cho nhân gian này.
Nam nữ lập gia đình để huyết thống được lưu truyền. Thầy cô sang sảng giảng bài, trao truyền kiến thức cho các thế hệ học sinh. Các nhà khoa học để lại phát minh. Các triết gia để lại tư tưởng. Người nông dân để lại kinh nghiệm trồng cấy. Người làm vườn để lại giống hoa thơm cỏ lạ. Các chính trị gia để lại thành quả chính trị cho nhân dân. Các nhà từ bi lưu lại danh tiếng tốt làm tấm gương cho đại chúng.
Khổng Tử để lại “tứ duy, bát đức” 1 cho nhân gian. Lão Trang để lại tư tưởng thanh tịnh vô vi cho người đời sau. Leonardo da Vinci để lại bức họa Nàng Mona Lisa. Ludwig van Beethoven để lại biết bao bản nhạc bất hủ. Chu Công Đán 2 để lại quy định lễ nghi. Đức Phật để lại tính Phật, tâm thiền. Vậy còn quý độc giả thông thái hiện tại, quý vị hãy suy nghĩ xem mình cần để lại điều gì cho tương lai?
1 Tứ duy: lễ, nghĩa, liêm, sỉ; bát đức: trung, hiếu, nhân, ái, tín, nghĩa, hòa, bình.
2 Là công thần khai quốc của nhà Chu. Ông đề ra các thể chế như phong tước, triều kiến, thăm hỏi, tang lễ, cúng tế, quy định về trang phục, quy định về tôn ti trật tự trong xã hội.