Trong cuộc sống, thường khi đi đến ngã tư đường, đông nam tây bắc, tây bắc đông nam, bạn biết phải rẽ theo ngả nào đây? Giả sử tại ngã tư cuộc đời đó, hướng đông là thiện, hướng tây là ác thì bạn sẽ đi về hướng đông hay là đi theo hướng tây? Lại giả sử, tại ngã tư cuộc đời đó, hướng nam là nghĩa, hướng bắc là lợi thì bạn sẽ đi về hướng nam hay là đi theo hướng bắc?
Trong Đại Thừa khởi tín luận có câu: “Nhất tâm khai nhị môn” 1: tâm Chân như môn và tâm Sinh diệt môn. Một là thiên đường Phật đạo, một là chốn ác nhân gian; lựa chọn của bạn là hướng theo đường nào?
1 Tức “Nương vào pháp nhất tâm mà có hai môn”. Nhất tâm tức là tâm chúng sinh, còn nhị môn tức là Chân như môn, Sinh diệt môn.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường loay hoay giữa ngã tư đường. Đứng trước định hướng công việc trong tương lai, chúng ta nên chọn ngành kinh tế hay chọn ngành xã hội? Yêu nhau bao nhiêu năm, bỗng nhiên thích một người mới, chúng ta nên tiếp tục yêu người cũ hay nên yêu người mới? Rồi cho đến những dịp bầu cử, làm sao để biết ứng viên nào đủ khả năng giúp dân, giúp nước để bỏ phiếu cho thật chính xác đây? Dưới vai trò là một cử tri, chúng ta lại đắn đo phải chọn anh A hay là nên bỏ phiếu cho chị B. Các ứng cử viên dường như đều tốt cả, cho nên ta rất khó đưa ra lựa chọn. Việc này giống như chúng ta đứng ở ngã tư đường, loay hoay bối rối, không biết nên đi về hướng nào.
Có một số người khi lên kế hoạch cuộc đời mình ấp ủ rất nhiều lý tưởng. Trong lúc đưa ra các kế hoạch cuộc đời đó, ranh giới giữa đúng sai được mất, thiện ác, tốt xấu luôn khiến họ không ngừng đấu tranh tư tưởng trong lòng, cho nên, con người luôn khó đưa ra quyết định. Khi loay hoay giữa ngã tư đường đời, nếu không có trí tuệ định hướng, một khi ta rẽ sai đường, hậu quả thật không dám nghĩ đến.
Trong lịch sử Trung Quốc, ở một số triều đại phong kiến có chuyện quan binh muốn lên núi làm đạo tặc, cũng có chuyện đạo tặc trên núi muốn quy thuận triều đình. Để đưa ra quyết định sáng suốt, ngoại trừ phải có dũng khí cực lớn, ta còn cần thêm trí tuệ để phân biệt tốt xấu, phân định đúng sai. Từ xa xưa, các bầy tôi lớn trong triều nếu không phải là bậc trung thần hết lòng vì vua thì là hạng gian thần hại dân, hại nước. Ví dụ như tể tướng Lưu Gù đời vua Càn Long, trước sau ông ấy chỉ lựa chọn làm trung thần, trong khi đó với Hòa Thân, giảo hoạt, xảo trá mới là lựa chọn của ông ta. Cho nên, khoảnh khắc đưa ra lựa chọn của mỗi người chỉ khác nhau một ly nhưng kết quả mang đến cho cuộc đời người đó, thậm chí là cho toàn bộ lịch sử, có thể nói là khác nhau ngàn dặm.
Trước kỳ thi đại học hàng năm, rất nhiều thí sinh lại loay hoay đứng trước ngã tư đường của việc chọn nguyện vọng. Nên chọn khối ngành văn học nghệ thuật, khối ngành khoa học, hay là khối ngành kỹ thuật? Chọn ngành học theo sở thích hay là chọn ngành học theo định hướng nghề nghiệp tương lai? Việc đứng trước ngã tư thường khiến người ta tiến thoái lưỡng nan.
Trong Phật giáo, thiền sư Đan Hà 1 vốn đang trên đường lên kinh ứng thí, nhưng lúc đi ngang qua một ngôi chùa, ngài cuối cùng cũng giác ngộ “thi làm quan chẳng bằng tu làm Phật”, vì thế liền chọn quy y cửa Phật. Trong cuộc sống đời thường, cũng có người kịp thời ghìm cương trước vực, nhanh chóng quay đầu nên cuối cùng không bị lạc mất phương hướng nơi ngã tư đường đời.
1 Xem thêm tích truyện về thiền sư Đan Hà (có bản phiên âm là Đơn Hà).
Cuộc đời có rất nhiều những ngã tư đường, lựa chọn của mỗi người chúng ta khi đi tới đây là thiện hay là ác, là nghĩa hay là lợi phụ thuộc vào trí tuệ của mỗi người và cũng là lựa chọn của riêng mỗi người.