Con người ta có một thói quen xấu, đó là khi gặp phải việc gì mà bản thân sơ suất, họ sẽ luôn muốn viện cớ để bao biện, nhằm che đậy lỗi sai của mình. Ví dụ hẹn khách rồi lại đến trễ, lúc đó việc cần làm nhất là chân thành xin lỗi đối phương, nhưng ta lại viện vô số lý do nhằm bao biện cho việc đến trễ của mình, như là: Lúc chuẩn bị đi chẳng may có cuộc điện thoại gấp gọi đến; không hiểu sao mà hôm nay đường tắc quá; hôm nay trời mưa nên đường khó đi; đã ra khỏi cửa rồi lại có khách đột xuất đến tìm, v.v. Cho nên tôi đến trễ cũng là chuyện bất đắc dĩ, anh đừng trách gì tôi, muốn trách anh hãy trách cuộc điện thoại kia, trách việc đường tắc, trách trời mưa, trách vị khách tới không đúng lúc chứ đừng trách tôi, tôi không có lỗi. Đây chính là viện cớ.
Có lúc không hồi âm thư của ai đó, chúng ta cũng cố sức viện cớ: Dạo này bận quá; mới đi công tác xa về; lúc nhận được thư vừa lúc trong nhà hết giấy viết thư; sớm đã định hồi âm rồi, chẳng may lại đột nhiên sinh bệnh, v.v. Viết một lá thư hồi âm thôi mà nhiều khó khăn ngăn cản đến vậy ư?
Bất kể đó là chuyện gì, con người cũng đều phải viện cớ nhằm chứng tỏ bản thân có lý do chính đáng, bản thân không hề làm sai. Thậm chí con nhỏ nói lời tổn thương người khác, cha mẹ liền viện cớ nói: “Cháu vẫn còn nhỏ, xin đừng chấp cháu!” Chó nhà mình cắn người ta, chủ nuôi cũng phải viện cớ rằng: “Không hiểu sao dạo này nó lại hư như vậy!”. Con chó bỗng trở nên không nghe lời, lý do dường như không thể bắt bẻ, nhưng sao anh ta không nghĩ đến chuyện xích chó lại?
Con người ta luôn muốn viện cớ. Đắc tội người khác, liền viện cớ; làm chuyện sai trái, cũng viện cớ; làm tổn thương người khác, càng phải viện cớ. Viện cớ! Viện cớ! Lẽ nào làm vậy là có thể bù đắp lại sai lầm của bản thân? Làm người, làm việc, thực ra không cần viện cớ gì hết; làm người phải thực sự cầu thị thì mới có thể được người khác coi trọng.
Tần Vương viện cớ 1 thích ngọc bích, không chịu cắt đất trả cho nước Triệu.
1 Nước Triệu có viên ngọc Biện Hòa là bảo vật nổi tiếng khi đó. Tần Vương xin dùng 15 thành từng chiếm được của nước Triệu để đổi lấy viên ngọc. Triệu Vương biết nếu đem ngọc sang đổi sẽ mất ngọc, mà không đem ngọc sang lại sợ Tần Vương đem quân đánh. Lạn Tương Như xung phong đem ngọc đi sứ nước Tần và trổ hết tài ăn nói để mang ngọc về lại nước Triệu.
May nhờ có Lạn Tương Như trổ hết tài năng mới có thể mang ngọc về lại nước Triệu. Đông Ngô viện cớ liên hôn mời Lưu Bị tới để giết ông, may có Gia Cát Lượng mưu lược phá được mưu gian mới cứu được mạng của Lưu Bị.
Cư sĩ Duy Ma Cật viện cớ già yếu để mời chư vị đại Bồ tát đến bàn thảo chuyện tu tập. Liên Hoa Sắc viện cớ đi đón đức Phật từ cung trời Đao Lợi về để khoe bản thân đã chứng thần thông, may mà đức Phật biết ngài Tu Bồ Đề đang ngồi “quán không” 1 tại núi Kỳ Xà Quật mới là người đón Ngài đầu tiên mà sửa được tính hiếu thắng của Liên Hoa Sắc.
Viện cớ! Viện cớ! Người thích viện cớ, gặp chuyện gì cũng có thể viện ra trăm ngàn lý do để bao biện. Viện cớ, nếu là vì có ý tốt thì cũng có thể tha thứ. Nếu là viện cớ để lấp liếm sai lầm thì cũng có thể bỏ qua. Đáng sợ nhất là một số hành động viện cớ lại nhằm đẩy người khác vào chỗ bất nghĩa, để người ta mất tiền mất của, để gây chuyện thị phi, để phá hoại chuyện tốt của người khác. Viện cớ như thế không phải là hành vi của người đàng hoàng, tử tế.
1 Xem thêm phần ngài Tu Bồ Đề đón Phật trong Kim cương kinh.