Con người là loài chúng sinh có tín ngưỡng. Nói đến tín ngưỡng, tự nhiên liền có sự phân chia thành chính tín và mê tín.
Bất cứ ai có tín ngưỡng trên đời này cũng đều sẽ không chịu thừa nhận niềm tin của bản thân là mê tín. Họ luôn cho rằng tín ngưỡng của họ là tuyệt đối chính xác, nếu không sao nó có thể thành tín ngưỡng của họ được? Kỳ thực, chính tín, mê tín không thể do chúng ta tự công nhận, chính tín cũng phải có điều kiện của chính tín.
Điều kiện của chính tín là:
Thứ nhất, đối tượng của tín ngưỡng bạn theo có căn cứ lịch sử xác thực không?
Thứ hai, đối tượng của tín ngưỡng bạn theo có đạo đức, từ bi không?
Thứ ba, đối tượng của tín ngưỡng bạn theo có năng lực cứu khổ cứu nạn không?
Thứ tư, đối tượng của tín ngưỡng bạn theo có thể tịnh hóa nhân cách không?
Nếu thỏa mãn được tất cả những điều kiện kể trên thì tín ngưỡng bạn theo chính là chính tín; ngược lại nếu bạn không hiểu, không biết, không rõ thì đó chính là mê tín.
Đương nhiên, mê tín cũng không hoàn toàn là xấu, mê tín đúng, chỉ vì không hiểu, thì không hại gì cho lắm. Ví dụ bạn muốn theo đuổi một mối tình, bạn cũng phải “mê tín” mối tình đó. Nếu bạn không “mê tín” sao bạn lại phải hy sinh cho tình cảm đó nhiều đến thế?
Mê tín chưa đáng lo, đáng lo ở đây phải là tà tín! Chẳng thà bạn không theo tín ngưỡng nào còn hơn là bạn tin vào những điều sai trái! Mục đích của Phật giáo không gì khác chính là “đuổi tà hiển chính”. Bạn không tin nhân quả, đó chính là tà kiến. Bạn có đoạn diệt kiến 1, đó chính là tà kiến. Ngay cả thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ kiến, kiến thủ kiến 2, v.v. cũng đều là tà kiến.
1 Đoạn diệt kiến tức là cho rằng thế gian sẽ có lúc bị tiêu diệt hoàn toàn, con người chết rồi là mất hẳn, hoàn toàn không còn gì nữa, cho nên không có nhân quả luân hồi, cũng không có quả báo thiện ác.
2 Tức 5 ác kiến trong các phiền não căn bản. Trong đó: tự chấp có sự tồn tại của cái ta, gọi là Thân kiến; cho rằng vật này thuộc về ta thì gọi là Thủ kiến; kiến giải cực đoan, chỉ chấp một bên gọi là Thiên kiến; kiến giải chối bỏ đạo lý nhân quả là Tà kiến; kiến giải một cách cố chấp cho sai lầm cho là chân thực gọi là Kiến thủ kiến; kiến giải cho những quy luật, cấm chế không chân chính là giới hạnh có thể đạt được Niết bàn gọi là Giới cấm thủ kiến.
Ngày nay, có một số nhân sĩ Phật giáo làm việc cảm tính, trong khi nếu không biết dùng đạo đức, trí tuệ, từ bi, chính trực để nhìn nhận thì rất dễ đi sai đường trên con đường tín ngưỡng. Nếu có thể cẩn thận, chúng ta đừng để tà kiến che mắt, đừng để mê tín dẫn dắt. Có như vậy, chúng ta sẽ có được chính tín.
Muốn có được chính tín:
Thứ nhất, chúng ta phải tin chắc rằng có nhân quả, thiện ác báo ứng.
Thứ hai, chúng ta phải tin rằng thế gian này tuyệt đối có thánh hiền, tốt xấu.
Thứ ba, chúng ta phải tin rằng cuộc đời chắc chắn có quá khứ, hiện tại, tương lai.
Thứ tư, chúng ta phải tin rằng mọi thứ trên đời đều do nhân duyên hòa hợp mà có.
Đối với Phật giáo, bạn có thể không tin Phật Tổ, nhưng bạn không thể không tin những đạo lý này!