Nhẫn nhịn, chịu đựng là một phẩm chất tốt đẹp; nhẫn cũng được coi là pháp môn tu hành vĩ đại nhất trong Phật giáo. Tội lỗi vô biên nằm trong một chữ “sân”, còn công đức vô lượng lại nằm trong một chữ “nhẫn”.
Đức Phật nói rằng: “Nếu không thể vui vẻ tiếp nhận lời chê bai, mỉa mai như uống nước cam lộ thì không thể gọi là người có đại lực”1. Bình thường, mọi người rất dễ dàng chịu nóng, chịu lạnh, ngay cả nhịn đói, nhịn khát cũng chưa tính là khó, thậm chí là chịu nghèo khổ, chịu bị chê cười, con người cũng đều có thể cố sức chịu đựng, nhưng làm sao để nén cơn giận xuống thì không phải ai cũng đều có thể làm được.
1 Theo Di giáo kinh.
Trên tòa án, mỗi ngày có biết bao nhiêu người đâm đơn kiện nhau. Song mục đích kiện cáo của không ít người trong số đó không hoàn toàn là để đòi lợi ích, mà thực chất chỉ là vì muốn được xả cơn giận, cho nên họ phải đánh cược thắng thua một phen trên tòa. Kỳ thực, cơn giận thật không dễ nhẫn nhịn nhưng chính vì khó cho nên con người mới càng phải cố gắng, chứ nếu mà dễ dàng thì còn cần bạn phải nhịn hay sao?
Hòa thượng Bố Đại nói rằng: “Có người mắng nhiếc lão, lão chỉ bảo:
‘Chả sao’. Có người đến đánh lão, lão ngã xuống ngủ khoèo. Có người nhổ vào mặt lão, lão mặc để tự khô.
Người khác đỡ tốn sức, lão cũng chẳng buồn phiền”1. Nhẫn, là sự bao dung rộng lượng tôn quý nhất trong trời đất. Nhẫn, là động lực vĩ đại nhất cho hòa bình trong vũ trụ.
Khi tôn giả Tu Bồ Đề tu hành pháp Nhẫn nhục Ba la mật, bạn bảo tôn giả ngồi, tôn giả quyết không đứng; bạn muốn tôn giả đứng, tôn giả sẽ tuyệt đối không ngồi. Đây không phải là nhu nhược, đây chính là sức mạnh của chữ nhẫn.
Trong Kim cương kinh, đức Phật cũng nói, tiền thân trước kia, khi bản thân còn là Nhẫn Nhục tiên nhân đã bị vua Ca Lợi vu oan, chặt cả chân tay nhưng Ngài vẫn không tức giận mà còn biểu hiện ra công phu tu hành đến độ “việc khó làm cũng có thể làm được, việc khó nhịn cũng có thể nhịn được”.
1 Xem thêm Bài ca nhẫn nhục.
Cho nên, thành Phật cần có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, phải có phúc tuệ song toàn. Những điều ấy chính là thành quả của quá trình “tu phúc tuệ trong ba A tăng kỳ 1 kiếp, vun trồng tướng tốt trong hàng trăm kiếp” của đức Phật. Tướng tốt từ đâu mà có? Đều là từ trong việc tu hành chữ “nhẫn” mà ra.
1 Chỉ số nhiều đến mức không thể đếm được, không thể tưởng tượng được.
Nhẫn nhịn không phải là hèn nhát, cũng không phải là vô dụng. Nhẫn nhịn là một loại sức mạnh, là một loại từ bi, là một loại trí tuệ, cũng là một loại nghệ thuật. Chính như Mạnh Tử cũng nói: “Trời định giao cho người nào trách nhiệm lớn lao, trước tiên sẽ khiến họ khốn khó tâm chí, nhọc nhằn gân cốt, đói khát thân xác, nghèo túng thân thể, khiến cho họ làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm chí người ấy, để người ấy trở nên kiên nhẫn, giúp người ấy làm được những thứ bình thường không làm được” 1. Đây chính là sức mạnh phi thường của chữ “nhẫn”.
“Trên đầu chữ nhẫn là một chữ đao”, người bình thường khi bị bắt nạt, vu oan thì thường khóc lóc thảm thiết hoặc nổi giận đùng đùng. Nhưng khóc lóc, nổi giận cũng không tạo ra được bao nhiêu sức mạnh. Giả sử chúng ta có thể nhẫn nhịn không khóc, nhẫn nhịn không nổi giận, giữ bình tĩnh, đây mới là cách nuôi lớn sức mạnh, là công năng của chữ “nhẫn”.
Nhẫn, có sinh nhẫn, pháp nhẫn và vô sinh pháp nhẫn 2. Chúng ta phải nắm lấy sức mạnh của sự sống, phát huy “sinh nhẫn”; phải dùng tinh thần từ bi hỷ xả, trí tuệ Bát nhã của Phật giáo để thực hành “pháp nhẫn”; phải như như bất động, không sinh không diệt để thành tựu “vô sinh pháp nhẫn”.
Trên đời này, sóng to gió lớn, súng ống bom đạn đều không phải là sức mạnh lớn nhất, sức mạnh lớn nhất chính là sự nhẫn nhịn của chúng ta!
1 Trích Mạnh Tử, thiên Cáo Tử (hạ): “Thiên tương giáng đại nhiệm vu thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí; lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, không phạp kỳ thân, hành phất loạn kỳ sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kỳ sở bất năng”.
2 Xem thêm về tam pháp nhẫn.