Có một số phụ nữ nhà giàu sang từ quần áo, trang sức, phụ kiện, v.v. đều phải dùng hàng hiệu, nếu không họ sợ sẽ không khẳng định được thân phận cao sang của mình. Có một số bạn trẻ sành điệu cũng thích dùng hàng hiệu để thỏa mãn tâm lý ham hư vinh. Còn có một số người kinh tế bình thường nhưng lại không biết tự lượng sức mình, nhắm mắt tiêu xài phung phí chỉ vì chạy theo hàng hiệu. Hàng hiệu, rốt cuộc làm cuộc sống thăng hoa hay là làm cuộc sống sa sút đây?
Con người ta kỳ thực luôn có thể tự tạo dựng thương hiệu cho chính mình từ các phương diện như: nhân cách, trí tuệ, tâm lượng, phong thái, v.v. mà không nhất thiết phải dùng đến những món hàng hiệu để chứng tỏ sự cao quý của bản thân.
Hàng hiệu thường được kể đến như: xe sang, đồng hồ, giày dép, ví da, túi da, áo da cho đến dây lưng da, v.v. Kỳ thực, những đồ dùng hàng ngày có phải là hàng hiệu hay không không quan trọng. Quan trọng là chữ tín của bản thân là “hàng hiệu”, đạo đức của bản thân là “hàng hiệu”, nghệ thuật đối nhân xử thế của bản thân là “hàng hiệu”, sự lương thiện chân thành của bản thân là “hàng hiệu”. Đã vậy, cớ sao chúng ta còn phải đi tìm hàng hiệu từ bên ngoài?
Có một sư cô nọ diện mạo trang nghiêm đẹp đẽ, đôi khi sư cô mặc đồ cũng rất hợp thời. Sư cô luôn đặc biệt tốt bụng, rộng lượng với mọi người. Có người hỏi sư cô: “Quần áo sư cô mặc là nhãn hiệu gì vậy? Mua ở đâu thế?” Sư cô đáp: “Đồ tôi mua đều là hàng hiệu ‘Khom lưng’ cả”. Hóa ra quần áo sư cô mặc đều là hàng chợ, mua từ các sạp bày bên lề đường.
Đồ hàng chợ và đồ hàng hiệu có giá cả chênh lệch nhau từ hàng chục tới hàng trăm lần, nhưng chẳng phải quần áo hàng chợ sư cô mặc cũng vô cùng đẹp mắt, thậm chí vẫn còn được mọi người tiêu dùng suốt mấy chục năm đó sao?
Các ngôi sao lớn trong giới nghệ sĩ, cũng có thể gọi là “nghệ sĩ có thương hiệu”; thương nhân giữ chữ tín, là “thương nhân có thương hiệu”; trường học được tổ chức tốt sẽ thành “trường học có thương hiệu”; rồi ngay cả tạp chí cũng có “tạp chí có thương hiệu”, quán trà cũng có “quán trà có thương hiệu”, nhà hàng càng có “nhà hàng có thương hiệu”, chùa cũng có “chùa có thương hiệu”, công viên cũng có “công viên có thương hiệu”, nhà máy cũng có “nhà máy có thương hiệu”, v.v.
Con người trên đời có phải là “người có thương hiệu” hay không, mọi người rất dễ nhìn ra nhưng có một số mặt hàng tiêu dùng có phải “hàng hiệu” thật không lại rất khó đoán định. Đem vật phẩm làm thành “hàng hiệu” thì dễ, đem đạo đức làm thành “hàng hiệu”, đem học vấn làm thành “hàng hiệu”, đem bản thân làm thành “người có thương hiệu” mới là việc khó.
Muốn thành “hàng hiệu” thì phải có thương hiệu đẳng cấp; thương hiệu đẳng cấp là do ta dày công xây dựng mà thành, chứ không phải là thứ bỏ tiền ra mua là có. Đồ hiệu, chất lượng không nhất định phải là hàng đầu nhưng để thành “hàng hiệu” thì chắc chắn chúng cũng phải có sự vượt trội hơn sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, một thứ đồ có phải “hàng hiệu” hay không thật sự không đáng để chúng ta lưu tâm, mà việc chúng ta cần phải làm nhất chính là tự xây dựng thương hiệu đẳng cấp cho bản thân!