Từ xa xưa cổ nhân đã vô cùng coi trọng việc dưỡng sinh và trên hết, họ chú trọng hơn cả là việc dưỡng tính.
Nói đến dưỡng sinh, chúng ta thường hiểu đơn giản là chuyện ăn uống tẩm bổ cho cơ thể, nhưng thực ra, để dưỡng sinh còn có các biện pháp khác như nghỉ ngơi, đi du lịch, tăng cường vui chơi thể thao, thậm chí là nghỉ hưu sớm, v.v. Đối với người hiện đại, dưỡng sinh cũng chính là rèn luyện, lao động, chú ý ăn uống và sống hòa vào thiên nhiên.
Phật giáo cũng có nói đến việc dưỡng sinh. Phép dưỡng sinh trong nhà Phật chính là duy trì nếp sống điều độ, hàng ngày ăn uống tiết chế, sớm tối làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, lúc nào trong lòng cũng phải giữ chính niệm, chính tư duy, giảm thiểu dục vọng, bớt tham lam, bớt sân hận, bớt đố kỵ, bớt phiền não, v.v. Tất nhiên, cũng có người dùng lễ bái, ngồi thiền, tụng kinh, thậm chí là trồng hoa tỉa cỏ, quét sân dọn đường làm phương pháp dưỡng sinh.
Ngoài việc dưỡng sinh, ta còn phải dưỡng tính, dưỡng tâm; tâm tính chính là gốc rễ mà thân người nương dựa vào. Nếu ta không chịu tu tâm dưỡng tính, gốc rễ sẽ không được vững vàng mà một khi tâm tính đã tán loạn thì thân thể cũng suy kiệt. Có câu: “Da đã chẳng còn, lông bám vào đâu?” 1 chính là ý này vậy.
1 Trích trong Tả truyện, âm Hán Việt: “Bì chi bất tồn, mao tương yên phụ?”
Tâm tính chúng ta vốn như nước, nước sáng như gương, nước trong như trời, chỉ bởi trận gió nghiệp, vô minh khiến dòng nước tâm tính vốn êm dịu, trong xanh ấy bỗng nổi sóng ngất trời. Cho nên theo Phật giáo, tu tâm dưỡng tính chính là phải dẫn dòng nước tâm tính vào kênh, san vào mương, san cho điều hòa, nếu không sẽ rất dễ tức nước vỡ bờ.
1 Trích Mạnh Tử, thiên Công Tôn Sửu (thượng), âm Hán Việt: “Ngã thiện dưỡng ngô hạo nhiên chi khí”.
2 Tức nhận rõ bản tâm chân thật của mình.
Nước vốn chảy xuôi, tâm tính của ta cũng như vậy; con người học theo cái xấu rất dễ nhưng học theo cái tốt lại như nước chảy ngược dòng, vô cùng khó khăn. Cho nên mới nói: “Sự học như thuyền đi ngược dòng, không tiến ắt phải lùi”.
Dưỡng sinh để thân thể khỏe mạnh, dưỡng tính để hoàn thiện nhân cách làm người. Tuy nhiên, dưỡng sinh không phải là để có lực mạnh sức bền rồi đi tranh giành, đấu đá với người; tu tâm dưỡng tính cũng không phải là chỉ biết khép kín bản thân, không quan tâm đến việc quốc gia đại sự.
Cho nên, một người lúc bình thường không coi trọng việc tự thân tu dưỡng thì không thể nào nuôi dưỡng được chí nguyện, không thể nào nuôi dưỡng được dũng khí, sức mạnh, lý trí sáng suốt, từ đó rất dễ trở thành hạng người hèn kém.
Từ xưa đến nay, có biết bao nhiêu học giả đều hy vọng dùng giáo dục để dưỡng sinh, dưỡng tính; có bao nhiêu tín đồ tôn giáo cũng đều lấy việc tiết chế bản thân, mở rộng lòng yêu thương để cho mọi người thấy công phu dưỡng tính của họ.
Đại sư Huệ Viễn 1, suốt 30 năm ròng không rời khỏi Lư Sơn một bước, bởi công phu dưỡng tính này mà ngài được người người kính trọng. Tổ Bồ Đề Đạt Ma quay vào vách đá ngồi thiền 9 năm, đây cũng là tu tâm dưỡng tính, trước tiên dùng thiền định hoàn thiện công phu khắc kỷ. Đệ tử của Phật sau khi theo Phật xuất gia, mỗi người đều tìm đến những nơi thâm sơn cùng cốc để tu luyện công phu; các thiền sư, thường ẩn cư nhiều năm trong am sâu chùa cổ, chỉ mong tu luyện sao cho thật tốt, tương lai nếu có cơ duyên giáo hóa, càng có thể tạo phúc giúp người.
Dưỡng sinh chính là nuôi dưỡng thân thể, dưỡng tính là hoàn thiện tâm hồn. Đã có thân thể khỏe mạnh và tâm hồn hoàn thiện thì chúng ta còn phải sợ không có cuộc đời tươi đẹp hay sao?
1 Đại sư Huệ Viễn, tương truyền trong suốt hơn 30 năm ở Lư Sơn, ngài không bước chân ra khỏi núi, đồng thời khước từ mọi sự liên lạc không cần thiết với thế tục.