Nội dung của Tứ Phần Luật Tạng chia thành 4 bộ phận:
1. Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới: Do từng nhân duyên mà phát sinh thành một điều giới, nói về cách chế định ra sao và giải thích về giới văn, đưa ra thực lệ để biên soạn. Đó là phần trung tâm của cá nhân tu trì trong Luật tạng.
2. Phần Kiền độ, là những phần hành sự chủ yếu, quy định về chế độ y, thực, trụ các cách sinh hoạt của Tỳ kheo trong Tăng đoàn. Đó là những phần trọng điểm về tổ chức.
3. Ngũ bách kết tập và thất bách kết tập, phần trần thuật về công việc chủ yếu biên chép Thánh điển Phật giáo.
4. Điều bộ Tỳ ni và Tăng nhất Tỳ ni, phần thuật lại cụ thể về tình hình phạm giới, so sánh tỉ mỉ hơn.
Nay thuyết minh tóm tắt về nội dung 250 giới của Tỳ kheo trong Tứ Phần Luật Tạng, được chia thành 8 loại như sau:
1. Ba La Di (pārājikā)
Ba la di dịch nghĩa thích đáng, tương đương với nghĩa cực ác, phần nói về tội của Tỳ kheo phạm cực hình, phạm 1 điều trong 4 điều Ba la di, liền mất tư cách của Tỳ kheo, bị xử phạt “Bất cộng trụ” đuổi ra khỏi Tăng đoàn, giống như tội tử hình của hình pháp. Cho nên người phạm tội Ba la di ví như người “đoạn đầu” (đứt đầu) không thể sống lại được. Lại gọi là “khí”, bỏ ra ngoài chúng. Cũng gọi là “Tự đoạn phụ xứ”, tự mình sa ngã chốn thua kém v.v. Ví như lá vàng lìa khỏi cành, không thể xanh lại, như đầu cây bị chặt rồi, tất sẽ khô chết.
2. Tăng Già Bà Thi Sa (Samghàvasesa)
Dịch là Tăng tàn, như người bị chém, còn lại cuống họng, tất phải cấp cứu. Tỳ kheo phạm 1 giới nào đó trong 13 pháp Tăng tàn, đều có thể tiếp nhận nơi cứu chữa của Tăng đoàn, liền không mất tư cách làm Tăng. Phạm tội này gần với trọng tội Ba la di. Nếu Tỳ kheo phạm trọng tội Ba la di, ví dù có thành tâm sám hối cũng không thể có tư cách Thanh tịnh tăng. Nhưng phạm tội Tăng tàn và các thiên sau, đều trực tiếp sám hối bản tội, phạm vào tội gì, sám hối tội đó. Duy phép sám hối thiên Tăng tàn này, khác với các thiên khác, phép sám hối chủ yếu chia làm 4 giai đoạn:
(1) Trị lỗi tâm phú tàng (che giấu) tức Ba lị bà sa (Parivàsa) - Trong giới bản, dịch là “Phú tàng” hoặc “Biệt trụ”. Theo chỗ Tỳ kheo phạm giới, không có dũng khí sám hối, che giấu lỗi lầm trong tâm, trước khi sám Tăng tàng bản tội, tùy theo số ngày phú tàng nhiều ít mà trị phạt “biệt trụ”, ở riêng một phòng, không được cùng ở với Tăng. Tuy Tỳ kheo phạm tội đó dù có vào trong chúng, cũng không được phát biểu đàm luận, có hỏi han chi, đại chúng cũng không trả lời, và đoạt mất 35 thứ quyền lợi được hưởng trong Tăng đoàn. Phải chấp lao phục dịch trong đại chúng, cung phụng các Thanh tịnh Tỳ kheo như Hòa thượng của mình. Có khách Tỳ kheo tới, phải thưa cho biết mình là Tỳ kheo đang hành biệt trụ. Nếu ra khỏi ngoài giới tự viện, thấy Tỳ kheo khác cũng phải biểu bạch mình là người sám lỗi tâm phú tàng. Giả sử, trong kỳ gian hành biệt trụ, nếu trái phạm một việc trong các việc kể trên, liền bị thủ tiêu mất các số ngày đã hành biệt trụ, lại phải làm lại từ đầu theo số ngày gốc đã định.
(2) Trị tội phú tàng - Xét số ngày che giấu phạm tội Tăng tàn mà trị tội phú tàng. Tội phú tàng là tội Đột cát la. Giả sử không hay ghi nhớ rõ phạm tội Tăng tàn vào thời gian nào, khi tính số ngày không thể chính xác được nên theo phép tính phải kể từ ngày thọ Đại giới.
(3) Trị lỗi tâm Tăng tàn, tức “Ma na đỏa” (Mànatva), dịch là “ý hỉ”. Tỳ kheo sám Tăng tàn, tự mình vui mừng, nhân vì số ngày hành phú tàng sắp mãn hạn, chỉ còn có 6 đêm nữa là xong (lục dạ ý hỉ). Đại chúng cũng hoan hỷ, Tỳ kheo sám Tăng tàn này, có thể sửa lỗi thành người thanh tịnh. Nếu là phạm tội Tăng tàn rồi mà phát lộ sám hối ngay, thời không phải qua 2 giai đoạn (1) và (2) trên mà chỉ trực tiếp sám trị lỗi tâm phạm Tăng tàn này, gọi là “Bản nhật trị”.
(4) Trị tội Tăng tàn - Tức pháp “xuất tội” trong giới bản. Xuất tội nghĩa là tác pháp phục quyền Tỳ kheo. Người phạm thiên tội này phải cần có 20 vị Tăng cử hành “xuất tội yết ma”.
3. Nhị Bất Định Pháp
Đó là 2 thứ giới hãy chưa thể quyết định được tội trạng. Tức Tỳ kheo cùng với phụ nữ ngồi nơi có bình phong che kín, hoặc nơi trống trải, có nói chuyện trò, người khác mục kích thấy cho là phạm tội Ba la di, tội Tăng tàn, hoặc tội Ba dật đề, do nơi Tỳ kheo tự mình thừa nhận là phạm tội gì rồi mới quyết định, nên gọi là “Bất định pháp”. Luận về tính chất của tội, thiên này không thể thành giới điều độc lập (Ni giới không có nhị bất định pháp), bởi vì bàn về tội phạm, nếu là Ba la di thời quy vào tội Ba la di, nếu là Tăng tàn, quy vào tội Tăng tàn, nếu chỉ khiến người mục kích sinh ngờ thôi, thì chỉ phạm tội Đột cát la.
4. Ni Tát Kỳ Ba Dật Dề (Nissagiyapàcitiya)
Dịch là “Xả đọa” nghĩa là, các vật sở hữu của Tỳ kheo như áo, bát, tọa cụ, v.v. lại không làm thủ tục “tác pháp”, thời khiến Tỳ kheo phải xả vật, xả tội, trừ bỏ tâm lý chứa chấp, tàng trữ tài vật, để khỏi tội đọa lạc. Gồm có 30 giới, người phạm tội này, nên đưa ra những phẩm vật trong Tăng, từ 4 vị trở lên, tiến hành sám hối.
5. Ba Dật Dề (Pàcittiya)
Dịch là “Đan đọa”. Liên quan tới các tội tiểu vọng ngữ, cố ý sát hại côn trùng, cùng với phụ nữ đi cùng đường v.v. gồm có 90 giới, phạm 1 giới trong các giới này, phải tới trước một vị Tỳ kheo nói tội sám hối.
6. Ba La Đề Xá Ni (Pàtidesanniya)
Dịch là “Hướng bỉ hối”. Phạm tội này chỉ hướng với người khác, nói rõ lỗi lầm đã phạm, tức là nghĩa sám hối. Gồm có 4 giới như: theo Tỳ kheo ni không phải là thân thích xin ăn, v.v. Người phạm tội phải đối với 1 vị Tỳ kheo sám hối.
7. Thức Xoa Ca La Ni (Sikkhà-karaniya)
Dịch là “Chúng học” - Tỳ kheo phải chú ý đến các tác pháp oai nghi như các việc mặc áo, đi đường, thuyết pháp, vào nhà bạch y, v.v. gồm có 100 điều, gọi là “Bách chúng học”. Thực ra, chỉ nhắc 100 hạng mục này làm đại biểu mà thôi, còn các việc nên học khác do đấy mà suy biết. Trong thiên này, lại là những công việc sinh hoạt hàng ngày của các Tỳ kheo, những hành vi oai nghi nhỏ nhiệm này, phạm phải, tuy là tội nhẹ, nhưng lại là bộ phận rất khó giữ gìn. Nếu một khi đã cố ý phạm, phải đối một Thượng tọa Tỳ kheo sám hối, gọi là “Đối thú sám”. Nếu không cố ý mà ngộ phạm tức vô tâm phạm, thời tự trách tâm, bảo chứng tuyệt đối không tái phạm. Phương pháp sám hối này gọi là “Trách tâm sám”.
8. Diệt Tránh Pháp (Adhikaranaśamathā)
Nghĩa là phương pháp trị tội. Đó là gặp khi khởi sự phân tranh giữa cá nhân hoặc trong Tăng đoàn, dùng phương pháp thích đáng, để trấn tĩnh không cho xảy ra, gồm có 7 hạng mục. Nếu không lấy phương pháp thích đáng trị phạt, vị Thượng tọa trong chúng phải tội Đột cát la. Theo tính chất của 7 pháp trong thiên đều không kể là giới điều độc lập.
Tám loại kể trên, gồm có 250 giới điều, là những điều kiện căn bản để Tỳ kheo tịnh hóa thân tâm nơi tự mình và Tăng đoàn được an lạc. Các Tỳ kheo đã thọ Tỳ kheo giới, tất phải thận trọng y vào đó để kiểm tra 3 nghiệp thân, khẩu, ý của mình, mỗi người mỗi người, trước hết phải tự mình thanh tịnh, Tăng đoàn tự nhiên được hòa kính an vui, chính pháp được trường tồn vĩnh cửu.