Yết ma (Karman), dịch là “Nghiệp”, có nghĩa là biện sự, công việc xử lý trong Tăng đoàn, đều lấy lợi ích tập thể làm tiêu chuẩn. Trên phương pháp xử lý cũng đặc biệt tôn trọng ý kiến của Tăng chúng. Mỗi hội nghị của một sự kiện, đều dùng ý kiến tập trung của Tăng chúng, và tôn trọng biện pháp chủ trương của Trưởng lão để thống nhất sự việc.
Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài xét sự việc để triệu tập Tăng chúng, tùy thời tùy việc mà cử hành Yết ma. Do có những Yết ma này, khi kết tập Tam tạng, mới biên soạn thành 20 thiên, gọi là 20 Kiền độ (Khandhaka), dịch là “Pháp tụ”, xét về tính chất của tác pháp mà quy tụ thành thiên, chương.
Điều kiện cần thiết để cử hành Yết ma (hội nghị) gồm có: Thứ nhất, xét về nội dung hội nghị nên triệu tập “người” (nhân) thế nào? Thứ hai, cử hành ở “nơi chốn” (xứ) nào? Thứ ba, giải quyết về “công việc” (sự) gì? Thứ tư, dùng “phương pháp” (pháp) gì? Ở trước khi cử hành một thứ Yết ma, tất phải xem xét trù bị những điều kiện thích hợp xong rồi mới bắt đầu cử hành. Theo luật chế, Yết ma được cử hành viên mãn như pháp, Yết ma mới thành tựu. Giả sử ở nửa vời phát sinh sự kiện gì chẳng như pháp, thì Yết ma này không thành tựu, phải cử hành lại.
Phép Yết ma - Nương vào từng sự việc trọng yếu hay không, Yết ma được tiến hành theo 3 phương thức: 1. Có một người làm Yết ma; 2. Có 2 người, 3 người cùng làm Yết ma; 3. Có Tăng chúng từ 4 người trở lên mới có thể làm Yết ma.
Ví dụ, Tỳ kheo sám hối tội nhẹ Đột cát la “vô tâm mà ngộ phạm”, đó là một người tưởng niệm ở tự bản thân mình, trách phạt điều lỗi lầm gì mình đã phạm, đồng thời bảo chứng từ nay về sau không tái phạm, thứ này gọi là phát lồ sám hối.
Thứ tác pháp này là “Phép tâm niệm Yết ma”. Phép tâm niệm yết ma, chỉ một người có thể làm, đó là tùy thời tùy nơi chốn, như một Tỳ kheo ở một mình, hoặc du hành, giữa đường, tùy thời tùy nơi chốn đều không thoát ly Tăng già đại chúng, đều không trái với Phật pháp.
Lại như Tỳ kheo thọ 3 y, thọ bát, thọ Ni sư đàn, v.v. nhân vì Tỳ kheo không được phép có nhiều của vật riêng, các thứ nhu phẩm sinh hoạt tất yếu này, khi cần lấy dùng trước hết phải trải qua phần chứng minh của Tỳ kheo khác, hướng vị Tỳ kheo đó thọ trì y bát. Tỳ kheo sám hối tội Ba dật đề cho đến sám hối tội trọng Đột cát la, đều là đối diện với một vị Tỳ kheo mà tác pháp, như thế gọi “Phép đối thú Yết ma”.
Nếu là sự việc trọng yếu trong Tăng đoàn, cần phải có từ 4 vị Tỳ kheo trở lên mới cử hành hội nghị gọi là “Phép Tăng pháp Yết ma”. Phép Tăng pháp Yết ma lại xét sự việc lớn nhỏ mà chia thành 3 thứ:
1. Đơn bạch Yết ma, đó là xử lý việc nhỏ, do trong Tăng cử ra người chủ trì Yết ma, người này hướng đại chúng một lần cáo bạch chủ đề của hội nghị và đồng thời tác pháp để toàn thể thông qua. Ví như việc thuyết giới, tự tứ, v.v. tuyên cáo trước hội nghị đều là Đơn bạch Yết ma. Theo Tứ Phần Luật, loại Yết ma này có tất cả 40 thứ, theo Yết Ma Chỉ Nam nêu chung là 44 thứ.
2. Bạch nhị Yết ma, đó là sự việc lớn, người chủ trì Yết ma hướng đại chúng, một lần cáo bạch chủ đề, một lần tuyên đọc quyết nghị. Một lần bạch, một lần Yết ma gọi là “Bạch nhị Yết ma”. Như phép kiết giới, sai người tự tứ v.v. đều dùng phép Bạch nhị Yết ma. Theo Tứ Phần Luật, loại này gồm có 67 thứ, Yết Ma Chỉ Nam gồm có 78 thứ.
3. Bạch tứ Yết ma, đó là xử lý sự việc tối trọng yếu trong Tăng đoàn, như việc tác pháp thọ Cụ túc giới, v.v. người chủ trì Yết ma, một lần cáo bạch, 3 lần Yết ma. Ở trước phần chưa nói xong lần yết ma thứ 3, người trong hội nghị lại có thể đưa ra dị nghị. Phép Bạch tứ Yết ma này, bạch và Yết ma gồm có 4 lần, gọi là “Bạch tứ Yết ma”. Trong Tứ Phần Luật, loại này gồm có 38 thứ, Yết Ma Chỉ Nam nêu 39 thứ.
Đơn bạch, Bạch nhị, Bạch tứ trong Tăng pháp Yết ma, theo Tứ Phần Luật cộng chung có 145 thứ, theo Yết Ma Chỉ Nam, cộng chung có 165 pháp. Ngoài ra, như các pháp Thuyết giới, Tự tứ, Sám tội xả đọa, v.v. trên nguyên tắc, phải là phạm “Tăng pháp Yết ma”, nhưng vì nhân số trong Tăng giới không đủ, cũng được ngoại lệ dùng pháp “Đối thú Yết ma”. Trong Đối thú Yết ma có 2 thứ:
1. “Phép Đản đối thú” là bản pháp, theo Yết Ma Chỉ Nam nêu có 31 pháp.
2. “Phép Chúng pháp đối thú” là bàng pháp, theo Yết Ma Chỉ Nam gồm có 6 pháp, cộng chung là 37 pháp.
Như pháp 2, 3 người thuyết giới, và pháp Tự tứ, đều không nên làm biệt chúng.
Tâm niệm Yết ma cũng có 3 loại:
1. “Phép Đản tâm niệm” là bản pháp, như trước mặt nói sám tội khinh Đột cát la, v.v. theo Yết Ma Chỉ Nam gồm có 4 pháp.
2. “Phép Đối thú tâm niệm”, đó là Yết ma phải đối thú tác pháp nhưng vì trong giới không có người để đối thú, nên khai cho tâm niệm, gọi là “Phép Đối thú tâm niệm”. Theo Yết Ma Chỉ Nam, phép này gồm có 15 pháp.
3. “Phép Chúng pháp tâm niệm”, theo Yết Ma Chỉ Nam, phép này gồm có 6 pháp, cộng chung là 25 pháp.
Cộng chung 3 pháp Tâm niệm và 2 pháp Đối thú là 62 pháp.
Phân biệt các thứ yết ma gồm có: “Tam pháp” và “Bát phẩm”.
Trong 3 pháp Yết ma: Tăng pháp Yết ma, Đối thú Yết ma và Tâm niệm Yết ma gọi là “Tam pháp”. Trong Tăng pháp Yết ma có 3 phẩm (là Đơn bạch, Bạch nhị và Bạch tứ). Trong Đối thú có 2 phẩm (Đản đối thú và Chúng pháp đối thú). Trong Tâm niệm có 3 phẩm (Đản tâm niệm, Đối thú tâm niệm và Chúng pháp tâm niệm). Ba pháp Tám phẩm này có thể bao quát hết thảy sự việc lớn nhỏ trong Tăng đoàn. Tất cả Yết ma trong Tăng đoàn được an bài và xử sự rất có điều lý. Cùng một việc có nguyên tắc tác pháp, cũng có tác pháp theo ngoại lệ, lại có ngoại lệ của ngoại lệ, cách vận dụng Yết ma rất linh động. Ví như Tỳ kheo an cư, nếu có từ 4 người trở lên, thời theo Tăng pháp Yết ma tập tăng, nếu khi có 3 người hoặc 2 người, liền dùng bản pháp Đản đối thú an cư, nếu chỉ có một người ở một mình, liền dùng phép Tâm niệm an cư.
Sự việc gì, dùng phép Yết ma gì, đó là mỗi thành viên trong Tăng đoàn cần phải học tập cho kỹ. Luật chế, người được thọ giới rồi, phải 5 năm học giới, không được xa thầy y chỉ, đó là khiến cho mỗi Tăng, Ni ai nấy đều biết xử lý hết thảy sự việc trong Tăng đoàn. Nếu 5 năm học giới mà vẫn không thể chủ trì được Yết ma, thời có quy định “suốt đời chẳng được xa thầy y chỉ ”. Tác pháp yết ma, giả sử làm không đúng pháp, thời sinh hoạt của Tăng, Ni thiếu phần viên mãn.
Trước tiên, Tăng, Ni sở dĩ được thành Tỳ kheo tăng, Tỳ kheo ni, tất phải thọ giới Cụ túc. Trong toàn bộ tác pháp thọ giới Cụ túc, phải trải qua 3 Đơn bạch, 1 Bạch tứ Yết ma (Đơn bạch sai Giáo thọ, Đơn bạch gọi vào chúng, Đơn bạch Giới sư vấn hòa và Bạch tứ Yết ma chính thọ giới thể). Nếu không thông đạt yết ma, thời làm thế nào mà tiếp nhận được Tăng, Ni mới. Bởi thế, nếu người không học tập tốt Yết ma thời phép truyền giới không như pháp, việc thọ giới không thành tựu.
Tỳ kheo giới bản có 250 điều giới kết hợp với 20 Kiền độ trong Tứ Phần Luật Tạng, tóm tắt như sau:
1. Thọ giới Kiền độ - Thuyết minh việc thọ giới.
2. Thuyết giới Kiền độ - Thuyết minh về nghi thức thuyết giới.
3. An cư Kiền độ - Thuyết minh ý nghĩa và sự việc an cư.
4. Tự tứ Kiền độ - Nói về ý nghĩa tác pháp tự tứ.
5. Bì cách Kiền độ - Khai cho các Tỳ kheo gặp hoàn cảnh đặc biệt được dùng các loại da thuộc.
6. Y Kiền độ - Thuyết minh cách may áo và cách mặc dùng.
7. Dược Kiền độ - Thuyết minh vấn đề chữa bệnh, dùng các thứ thuốc.
8. Ca hi la y Kiền độ - Nói về cách thọ và xả công đức y.
9. Câu thiểm di Kiền độ. - Câu thiểm di là tên nước. Kể lại sự việc các Tỳ kheo cùng đấu tranh lẫn nhau và tam cử yết ma: cử tội không bỏ ác kiến, không thấy tội, và không sám hối.
10. Chiêm ba Kiền độ. Thuyết minh về như pháp, phi pháp yết ma.
11. Ha trách Kiền độ - Chế định 7 thứ quở trách (7 × 5 = 35 việc).
12. Nhân Kiền độ - Thuyết minh phạm Tăng tàn, lục dạ biệt trụ, phép bản nhật trị và cách sám hối trừ nghiệp quả, sám diệt phi pháp.
13. Phú tàng Kiền độ - Thuyết minh các thứ tướng của tội phú tàng và cách trừ diệt tội.
14. Giá Kiền độ - Nói về ngăn người cử tội người khác, nếu cử tội người phải đủ 5 pháp: (1) Tri thời; (2) Chân thật; (3) Lợi ích; (4) Nhu nhuyến; (5) Từ tâm.
15. Phá Tăng Kiền độ - Thuyết minh việc phá hoại Tăng đoàn.
16. Diệt tránh Kiền độ - Thuyết minh về pháp Thất diệt tránh.
17. Ni Kiền độ - Thuyết minh về các việc Ni chúng thọ giới, thuyết giới, v.v.
18. Pháp Kiền độ - Thuyết minh về hết thảy oai nghi pháp thức, đi lại tiến chỉ của Tỳ kheo.
19. Phòng Kiền độ - Thuyết minh việc sửa sang, tu bổ phòng xá.
20. Tạp Kiền độ - Thuyết minh xen lẫn hết thảy Kiền độ, cuối cùng nói rõ về cách trì giới lớn nhỏ.
Trong San Bổ Tùy Cơ Yết Ma của Luật sư Đạo Tuyên, trần thuật lại chia thành 10 thiên để thâu tóm 20 Kiền độ, liệt kê thiên mục dưới đây:
1. Thiên tập pháp duyên thành (nói tổng quát về sự duyên thành hay không của tác pháp Yết ma).
2. Thiên kết giải mọi giới.
3. Thiên nói pháp thọ các giới.
4. Thiên áo, thuốc, thọ trì thuyết tịnh.
5. Thiên các pháp thuyết giới.
6. Thiên các chúng an cư.
7. Thiên các pháp tự tứ.
8. Thiên các pháp chia áo (vấn đề xử lý áo vật của vị Tăng đã viên tịch).
9. Thiên phép sám các tội.
10. Thiên tạp pháp trụ trì (các việc cốt yếu về trụ trì Phật pháp).
San Bổ Tùy Cơ Yết Ma là tác phẩm văn học cổ điển, cần phải nghiên cứu học tập nhiều mới thấu suốt được tinh nghĩa.