Phân tích về giới, các bậc cổ đức thường chia làm bốn khoa là giới pháp, giới thể, giới hạnh và giới tướng để thuyết minh.
1. Giới pháp
- Giới là thánh pháp của Phật chế định. Giới pháp là thông giới của hết thảy phàm, thánh. Bài kệ:
“Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo”.
Đó là thông giới của Thất Phật Thế Tôn trong 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai và cũng là thông giới cho hết thảy phàm, thánh tu trì để bước lên Thánh quả.
Nhưng giới pháp ở đây chỉ nói về nghĩa hẹp là những giới pháp mà Đức Phật đã chế định ra cho các đệ tử đã được thọ và y vào đó tu hành để thành được Thánh quả làm chuẩn tắc. Thí dụ giới không sát sinh, giới không trộm cắp v.v. cho đến 250 giới. Đó gọi là giới pháp.
Vậy ta phải chú trọng đến giới pháp của tự mình đã được thọ, phải giữ gìn cho thanh tịnh, sáng suốt như ngọc minh châu, phải luôn luôn nhớ nghĩ, giới pháp là thánh pháp. Không dễ gì được gặp.
2. Giới thể
- Do từ nơi tác pháp Yết ma trao giới và tâm người nhận giới, mà lãnh hội được giới pháp trên phạm vi tư tưởng, tiềm tàng ở trong tâm mà sinh khởi cái công năng “phòng phi chỉ ác” nó luôn luôn nảy sinh ra mầm thiện, nên gọi là giới thể.
Liên quan đến giới thể trong Yết Ma Sớ có riêng một chương, nói rõ về giới thể. Giới thể là bộ phận cơ bản trong giới luật cần phải đặc biệt chú ý nghiên cứu.
Trong Niết Bàn Kinh nói: Giới có 2 thứ, một là “Tác giới” (chuyển động), hai là “Vô tác giới” (một lần phát khởi thời trước sau thường liên tục).
Tác giới dùng “thân, khẩu nghiệp tư” làm thể. Vô tác giới thể lấy “phi sắc phi tâm” làm thể.
Tát Bà Đa tông chủ trương, tác giới thể và vô tác giới thể, hai giới này đều là “Sắc pháp”.
Thành Thật tông chủ trương “Tác giới thể” lấy sắc tâm làm thể, “Vô tác giới thể” lấy phi sắc phi tâm làm thể.
Theo Tổ Đạo Tuyên y cứ vào Tứ Phần Luật cũng lấy “chủng tử” làm thể, nhưng là “Thiện chủng làm thể”, nên trong sớ chép “Thành Thiện chủng tử”, đó là “giới thể”.
Vì lẽ Tát Bà Đa tông nói giới thể là “Tư chủng”, Thành Thật tông nói giới thể là “Huân chủng”, nên “Tư” và “Huân” là Tác giới thể, còn “Chủng” thuộc Vô tác giới thể. Nói đến “chủng tử” là đề cập đến cả chủng tử thiện và chủng tử ác. Nên Tổ Đạo Tuyên lấy “chủng tử thiện” làm giới thể, để phân biệt với 2 tông trên. Vì “thiện” là pháp thể, “chủng” là thí dụ. Nghĩa là trần sa giới pháp đều thu nạp ở trong bản tạng thức, nó liên tục sinh khởi, liên tục tùy tùng để đưa đến kết quả thanh tịnh giải thoát.
Vậy nên người học Luật cần phải hiểu rõ ràng về “giới thể” rồi mới biết được “Vô tác giới thể”, mới có thể tăng trưởng được thiện pháp, hộ trì giới luật để sinh Định, phát Tuệ, để trụ trì chính pháp.
3. Giới hạnh
Giới hạnh là tùy thuận giới thể mà các hành vi của 3 nghiệp thân, khẩu, ý đều hành động như Pháp.
Tăng, Ni đã thọ giới rồi, tất phải nương vào giới ấy mà tu hành. Trên phương diện giáo lý, phải y sư học tập về lý luận và quy luật hành sự của Luật tạng. Trên phương diện thực hành, chủ yếu là đối trị phiền não, kiểm tra tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi khiến cho thích hợp với giới luật và oai nghi. Phải bền chí xa lìa hết thảy những sự việc “chỉ phạm” và “tác phạm” và phải tích cực hết thảy những việc làm “chỉ trì”, khiến cho 3 nghiệp đều hợp với luật nghi, đó là giới hạnh.
4. Giới tướng
Xem xét chỗ sai biệt của giới hạnh như Năm giới, Tám giới, Mười giới, cho đến 250 giới đều là giới tướng.
Bởi nguyên nhân giữ gìn giới luật mà khiến cho oai nghi được thành tựu, bất cứ cử chỉ hành động gì cũng đều tương xứng với giới luật, được những đức tính tốt của trì giới, nó thể hiện qua bề ngoài, đó gọi là giới tướng.