“Tây Du Ký” dung hòa tư tưởng giữa Nho gia, Phật gia và Đạo gia, và biểu hiện rõ nhất chính là nhân vật hình tượng Đường Tăng. Thậm chí chúng ta có thể gọi Đường Tăng là nho sĩ đội mũ tăng. Đường Tăng trong tiểu thuyết là pháp sư “Trung thành với quân vương”. Phản ánh qua việc đi thỉnh kinh, nguyên tác như sau:
Thái Tông nhìn thấy tăng tụng, bèn lệnh cho chúng tăng: “Tạm thời chưa lập thắng hội, đợi ta sai người thỉnh được kinh Đại thừa về, tái lập Đan Thành, trùng tu thiện quả.” Quần thần ai nấy răm rắp tuân theo. Khi đó, Thái Tông hỏi trong chùa: “Ai dám nhận ý chỉ của trẫm, sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh?” Vừa dứt lời, một pháp sư liền bước ra, cúi đầu kính cẩn mà rằng: “Bần tăng bất tài, nguyện hiến chút sức mọn, giúp bệ hạ đi thỉnh chân kinh, cầu cho giang sơn nước ta vững bền.” Vua Đường mừng rỡ, bước lên phía trước đích thân đỡ vị pháp sư đứng dậy nói: “Pháp sư quả thật trung hiền, không sợ đường xá xa xôi, vượt qua núi cao, sông dài, trẫm nguyện kết bái huynh đệ cùng khanh.” Huyền Trang khấu đầu tạ ơn. Vua Đường quả rất mực hiền đức, bước đến trước mặt Phật trong chùa, cùng Huyền Trang lạy bốn lạy, miệng gọi “Ngự Đệ Thánh Tăng”. Huyền Trang cảm ơn rồi thưa: “Bệ hạ, bần tăng có tài đức gì, dám hưởng ân đức cao dày như thế? Lần này thần đi, nhất định cố gắng hết mình, cho đến Tây Thiên. Nếu không đến được Tây Thiên, không thỉnh được chân kinh, có chết cũng không dám quay về, vĩnh viễn bị đày xuống địa ngục” Tiếp đó thắp hương trước tượng Phật, phát hạ lời thề. Vua Đường vui mừng, hạ lệnh hồi cung, đợi chọn ngày lành tháng tốt, phát lệnh lên đường.
Việc này cho chúng ta biết, mục đích thỉnh kinh của Đường Tăng là để bảo vệ giang sơn vững bền, nhận được lời khen ngợi của Vua Đường. Đường Tăng được gọi là “Ngự Đệ Thánh Tăng”. Ông biết rõ đường đi Tây Thiên nguy hiểm trập trùng, nhưng vẫn ấp ủ chí nguyện to lớn, nguyện ra sức vì nước, tận trung báo quốc. Việc Đường Tăng một lòng một dạ trung thành với nhà vua trị vì thực chất là biểu hiện của tư tưởng “Trung quân ái quốc” của Nho gia. Đường Tăng trong tiểu thuyết phụng chỉ thỉnh kinh có khác so với Huyền Trang “vi phạm thánh chỉ” đi thỉnh kinh trong lịch sử? Đó là kết quả của tư tưởng Nho gia. Không có chuyến đi thỉnh kinh của Huyền Trang, sẽ không có giai đoạn hưng thịnh một thời của Phật giáo Trung Quốc. Không có Đường Thái Tông hết lòng hỗ trợ và khuyến khích việc dịch kinh Phật của Huyền Trang, Phật Giáo Trung Quốc cũng không thể đạt đến một thời cực thịnh. Một người là cao tăng thiên cổ, một người là minh quân thiên cổ, duyên trời đã kết hợp họ lại với nhau.
Trong tiểu thuyết, Ngô Thừa Ân một mực khẳng định chí hướng sang Tây Thiên thỉnh kinh của Đường Tăng. Điều ông châm biếm Đường Tăng là thiếu lòng can đảm của Tôn Ngộ Không. Ông cho rằng yêu ma quỷ quái trên đường thỉnh kinh không hề đáng sợ. Cái đáng sợ là thiếu con mắt biết phân biệt thật giả. Thái độ của Tôn Ngộ Không và Đường Tăng với yêu ma quỷ quái hoàn toàn khác nhau, Ngộ Không coi việc “trừ ác” là “hành thiện”. Còn Đường Tăng coi “hành thiện” để “trừ ác”. Điểm này rất quan trọng, độc giả nên suy ngẫm. Vì sao Đường Tăng hết mực bênh vực Trư Bát Giới, khi có mâu thuẫn lại không tin tưởng Ngộ Không? Bởi vì ông cho rằng “hành thiện ngàn ngày, thiện đức không đủ. Một ngày làm ác, tội ác vô bờ”. Ông nhìn nhận việc Ngộ Không dùng gậy đánh “yêu ma” là hung ác mang tính bản chất, thậm chí còn có định kiến về cách làm của Ngộ Không. Quan niệm “không sát sinh” của Đường Tăng thể hiện quan niệm văn hóa và lập thân hành đạo của nhà Phật. Cách làm “khi nên ra tay thì ra tay” của Ngộ Không thể hiện quan niệm và lập thân hành đạo của “văn hóa giang hồ”.
Tam quốc, Thủy Hử, và chuyện Đường Tăng thỉnh kinh là ba câu chuyện lớn thời Tống Nguyên mà dân chúng thích nghe nhất, có thể nói là những bản truyền kỳ anh hùng ca này đều mang dấu tích của lịch sử. Lưu Bị, Tống Giang, Đường Tăng đều có mục tiêu rõ ràng đồng thời cố gắng theo đuổi nó, đều là những người trung hậu, thậm chí cả đặc điểm hay khóc cũng rất giống nhau. Truyền kỳ anh hùng, thông thường câu chuyện càng truyền về sau sẽ càng thần kỳ, nhân vật chính sẽ càng anh hùng. Nhưng vì sao hình tượng Đường Tăng càng lưu truyền càng không thiếu chất anh hùng? Đây chính là vì dân gian làm nhẹ bớt màu sắc tôn giáo, vai chính dần dần chuyển sang Tôn Ngộ Không.
Hình tượng Đường Tăng trong tiểu thuyết “Tây Du Ký” được tác giả thêm thắt nhiều chi tiết đời thường. Đây phải chăng là sự cố ý của tác giả? Chúng ta xem đoạn miêu tả những chi tiết “người trần mắt thịt” của Đường Tăng trong tiểu thuyết: Đường Tăng đêm ấy bị trúng gió, hôm sau hơi nhức đầu hoa mắt, mình mẩy đau nhức. Ông nuốt nước mắt viết thư gửi Đường Thái Tông:
Năm đó phụng chỉ rời khỏi Đông Thổ, chỉ mong đến được Linh Sơn gặp bậc Thế Tôn. Không ngờ giữa đường gặp nạn. Bần tăng lâm bệnh nặng khó lòng tiếp bước, cửa Phật còn xa tận chân trời. Nay không còn sức để duy trì, xin khởi tấu vĩnh biệt Người.
Sự yếu đuối và vô dụng này của Đường Tăng thật nực cười. Chẳng trách Ngộ Không nói ông là: “Thiên hạ cũng có hòa thượng, nhưng nhút nhát như ngài thì quả là hiếm thấy”.
Đường Tăng là người xuất gia nhưng nhiều hành động chẳng hề giống một vị cao tăng đắc đạo. Người xuất gia không sát sinh, nhưng Đường Tăng “luôn miệng ngợi khen” chuyện giết hổ dữ của Lưu Bá Khâm, nói “Thái Bảo quả là người thần võ”. Người xuất gia không nói dối. Nhưng trong lòng người đọc chắc hẳn còn đọng lại ấn tượng sâu sắc về việc Đường Tăng lừa Ngộ Không đội chiếc nón cẩn hoa vàng có giấu vòng kim cô do Quan Âm ban tặng.
Hành Giả gỡ bọc hành trang xuống, nhìn thấy bên trong có vài chiếc bánh nướng, lấy ra đưa cho sư phụ. Lại nhìn thấy một mảnh áo cà sa hoa văn màu sắc sặc sỡ, một chiếc nón có cẩn hoa vàng. Hành Giả nói:“bộ quần áo và chiếc nón này sư phụ đem theo từ Đông Thổ sao?” Tam Tạng liền đáp: “là cái nón thầy đội lúc nhỏ. Đội cái nón này rồi, không cần học kinh, cũng có thể niệm kinh. Bộ quần áo này nếu mặc vào, không cần tập lễ cũng có thể hành lễ.” Hành Giả thưa: “sư phụ tốt, tặng cho con mặc nhé!” Tam Tạng rằng: “chỉ sợ dài ngắn khác nhau, nếu con mặc vừa thì cứ mặc vào.” Hành Giả liền cởi bỏ bộ cà sa trắng cũ kỹ, mặc vào áo cà sa hoa, thì vừa vặn như đo may cho mình. Hành Giả đội nón vào. Tam Tạng thấy Hành Giả đội nón vào, liền không ăn lương khô, mà âm thầm niệm chú. Hành Giả kêu to: “Đau đầu quá! Đau đầu quá” Đường Tăng vẫn tiếp tục niệm thêm vài lần nữa khiến Hành Giả đau đến lăn lộn, xé toạc chiếc nón cẩn hoa vàng.
Người xuất gia lấy từ bi làm gốc, nhưng Đường Tăng từng nhiều lần niệm chú để trừng phạt Tôn Ngộ Không, “khiến Hành Giả đau đến đỏ mặt tía tai, váng đầu hoa mắt lăn lộn trên đất”, “vòng kim cô gắn chặt vào đầu Hành Giả sâu hơn một tấc”. Mỗi khi chúng ta nhìn thấy Ngộ Không bị vòng kim cô hành hạ, chẳng ai cầm được lòng xót xa. Sự tàn nhẫn của Đường Tăng đối với Ngộ Không hoàn toàn trái ngược với đại đức thương xót hiếu sinh của nhà Phật.
Trong “Tây Du Ký”, Đường Tăng là nhân vật đại diện cho tư tưởng chính thống. Từ vai chính thứ nhất trong câu chuyện thỉnh kinh, nhân vật này phải nhường bước cho Tôn Ngộ Không - nhân vật chuyển tải được tư tưởng chủ đạo của tác giả. Ngộ Không phân rõ thật giả, lạc quan dũng cảm đã thay thế Đường Tăng. Có thể nói, việc xây dựng nhân vật hình tượng Đường Tăng, về mặt nghệ thuật, ngay từ đầu tác giả đã loại bỏ rất nhiều đặc trưng một đệ tử nhà Phật, nhân vật Đường Tăng trở thành một nho sĩ đội “nón tu hành”, mang nhiều đặc tính nhu nhược vốn có của phần tử tri thức xưa, được thế tục hóa, nghệ thuật hóa. Ở hình tượng nhân vật này, tác giả đồng thời nhìn nhận và xây dựng trên sự giao hòa giữa văn hóa Nho giáo và văn hóa Phật giáo.
Ngô Thừa Ân mượn hình ảnh Đường Tăng gửi gắm tư tưởng và quan niệm của mình. Thời đại nhà Minh là thời kỳ văn hóa Trung Quốc có sự xung đột và dung hòa, cải cách kinh tế phá vỡ sự ngột ngạt và bảo thủ về văn hóa, phản ánh hiện tượng đa luồng tư tưởng nảy nở từ quan niệm chính thống trong thời kỳ kinh tế vật chất mới xuất hiện. Đặc điểm và tư tưởng nhân văn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chủ nghĩa cận đại này khác biệt về bản chất so với văn hóa miếu đường của chế độ phong kiến. Thời đại mà tác giả sống, rơi vào thời kỳ rối ren của cải cách tư tưởng văn hóa xã hội. Với sự nhạy cảm của một nhà văn, Ngô Thừa Ân cảm nhận được trào lưu tư tưởng chủ nghĩa nhân văn mới. Do đó, danh tác để đời của ông “Tây Du Ký” cũng thoát khỏi tư tưởng phong kiến và quan niệm tôn giáo chính thống, tràn ngập không khí văn hóa cận đại mới, phản ánh được những chí hướng và hoài bão của tầng lớp cư dân thành thị.