Bốn thầy trò Đường Tăng kiên trì đi Tây Thiên thỉnh kinh. Nói đúng hơn, đây chính là quá trình kiên trì theo đuổi chính nghĩa, chân lý. Trong bốn thầy trò, người có niềm tin vững chắc nhất chính là Đường Tăng. Nếu đứng từ góc độ sự kiên định đối với việc thỉnh kinh và niềm tin vào Phật không gì lay chuyển được, Đường Tăng vốn là hình tượng chính diện. Sau tất cả những gian lao vất vả mà vẫn một lòng giữ vững niềm tin như thế, Đường Tăng rất đáng được hoan nghênh. Trong bốn thầy trò, Trư Bát Giới từng dao động nhiều lần, muốn bỏ thầy quay về Cao Lão Trang. Còn Đường Tăng thì ngược lại. Ông không hề dao động trước sự đe doạ và dụ dỗ của yêu ma quỷ quái trên đường. Có thể nói ông là “lãnh tụ” tinh thần của bốn thầy trò.
Trên đường thỉnh kinh, Đường Tăng và Tôn Ngộ Không có một số mâu thuẫn tế nhị. Đường Tăng lý giải quá trình thỉnh kinh của Tôn Ngộ Không như sau: bị đè dưới núi Ngũ Hành, được thả ra quy y cửa Phật, đi Tây Thiên thỉnh kinh để lấy công chuộc tội. Đó phải là quá trình tu luyện thành chính quả của Tôn Ngộ Không. Ông không đơn giản coi Ngộ Không như đồ đệ của mình, mà coi quá trình giáng yêu trừ ma của Ngộ Không trên đường đi là quá trình tu luyện của Ngộ Không. Vì thế ông cho rằng Ngộ Không phải khép mình theo những quy định giáo lý nhà Phật. Khi “ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, Đường Tăng quở mắng Ngộ Không “lạm sát người vô tội, thỉnh kinh có ích gì”. Những lần Ngộ Không trừ hại cứu dân đều bị Đường Tăng xem là lạm sát người vô tội, là việc không thể tha thứ. Ông cho rằng như vậy là phạm giới nên Ngộ Không bị phạt.
Đường Tăng trong tiểu thuyết còn có mặt trái, nhu nhược bất lực lại từ bi mù quáng. Đường Tăng người trần mắt thịt, không phân biệt thật giả, nhưng lại mê muội trừng phạt Ngộ Không. Bản thân không làm được, lại không chịu nghe người khác, nên gây ra rất nhiều tai nạn không đáng có trên đường thỉnh kinh. Còn Trư Bát Giới lục căn chưa tịnh, Đường Tăng lại dung túng. Trư Bát Giới mấy lần thẽ thọt mách tội Ngộ Không, Đường Tăng đều tin. Nói chung, Đường Tăng trong “Tây Du Ký” có thể được xem là hình tượng chính diện, bản chất có nhiều chỗ giống với Huyền Trang trong lịch sử. Nhưng trong quá trình lưu truyền và sáng tác trong dân gian, để làm nổi bật nhân vật Tôn Ngộ Không, Đường Tăng “gánh thêm” những mặt trái, khiến giữa ông và đồ đệ trong tiểu thuyết có những điểm mâu thuẫn nhau.
Đường Tăng trong “Tây Du Ký” còn có đặc điểm ngu muội, biểu hiện ở bốn mặt dưới đây: một là bất phân người hay yêu quái. Bạch Cốt Tinh lần đầu biến thành thiếu phụ, lần hai biến thành bà lão, lần ba biến thành ông lão, Đường Tăng ba lần đều lầm tưởng Bạch Cốt Tinh là người tốt, quở trách Ngộ Không giết hại người tốt, đuổi Ngộ Không về Hoa Quả Sơn. Hai là tốt xấu bất phân. Sơn tặc chặn đường, Ngộ Không trừ hại cứu dân, nhưng bị Đường Tăng trách phạt giết hại người vô tội, không tỏ lòng từ bi. Ba là tính tình cố chấp, khăng khăng theo ý mình. Trước Tiểu Lôi Âm Tự, Ngộ Không ngửi được yêu khí, Đường Tăng vẫn cố chấp vào chùa bái Phật, kết quả bốn thầy trò bị Hoàng Mi Đồng Tử bắt giữ. Bốn là mê muội, trải qua rồi mà không tỉnh ngộ. Hồng Hài Nhi biến thành đứa bé đáng thương, nữ yêu hóa thành con gái nhà lành, thủ pháp lừa người giống nhau, nhưng Đường Tăng vẫn bị lừa hết lần này đến lần khác, không rút được kinh nghiệm nào.
Hình ảnh nước mắt Đường Tăng thể hiện rõ nét nhất sự nhu nhược của ông. Trên đường thỉnh kinh, sau khi Ngựa trắng bị Tiểu Bạch Long ăn mất, ông khóc. Đồ đệ gây họa, ông khóc. Đường đi hiểm trở, lại khóc. Nữ Vương muốn kén ông làm chồng, ông khóc. Nghe vài lời tâm sự trút giận của Bát Giới, ông cũng khóc. Có lúc nuốt giận, có lúc nước mắt rơi lã chã, có lúc lại che mặt mà khóc, có lúc khóc to rưng rức. Trong tiểu thuyết có đến 20 lần nhắc đến nước mắt Đường Tăng.