Huyền Trang đại sư lại tiếp tục vượt qua trăm ngàn gian lao khó nhọc, đi qua Nepal, vượt qua Ngân Sơn. Khi đến phía Tây ngọn núi thì Huyền Trang gặp phải đám sơn tặc. Đại sư và người đồng hành đưa cho bọn cướp tất cả tài sản mang theo. Đi được mười mấy dặm nữa, khi đến quán trọ bên sườn núi thì thấy mấy chục nhà buôn đi trước họ đều bị giết sạch, khắp nơi hoang tàn, chỉ còn vương lại thây tàn, tài sản đã bị cướp sạch. Không lâu sau, lại gặp phải bọn cướp. Cướp bóc xong, do phân chia không đều, đám cướp gây gổ, tự đấu đá nhau mà tan rã.
Đi về phía Tây được khoảng ngàn dặm, một ngọn núi tuyết cao chọc trời chắn ngay trước mặt. Mọi người ăn trên băng, ngủ trên băng, mất bảy ngày bảy đêm mới ra khỏi núi tuyết. Mười người thì có đến ba bốn người chết vì lạnh. Đi được một quãng nữa, cả đoàn gặp một hồ nước sâu rộng giữa vùng núi tuyết cheo leo. Giữa bốn bề núi tuyết, vắng vẻ không bóng người, nước hồ nơi đây trong suốt. Trong cái lạnh thấu xương, cái hồ này như thể “biển nóng ” hiện lên giữa trời tuyết trắng xóa.
Tiếp tục đi về phía Tây hơn 500 dặm, Huyền Trang đại sư được Khả Hãn Diệp Hộ Đột Quyết ở Thủy thành Tố Diệp đón tiếp nhiệt thành. Tuy tín ngưỡng khác nhau, nhưng cũng đón tiếp, mời đại sư thưởng thức các rau cỏ hoa trái được trồng tại Tây Vực. Khả Hãn nói với đại sư: “Ấn Độ ánh nắng mặt trời chói chang, khí hậu ẩm nóng, dân chúng da dẻ đen đúa. Nhân tài đĩnh đạc nghiêm trang như ngài, đến đó e rằng chịu không nổi.” Đại sư nói: “Tôi theo về chốn Thánh tích, mưu cầu Phật pháp.” Kha Hãn khâm phục khôn xiết, dâng cho ngài áo Phật và tơ lụa, đích thân thống lĩnh quần thần tiễn ông hơn mười dặm.
Đại sư tiếp tục Tây hành, trên đường gặp chùa, tháp Phật nào đều vào yết bái, quét tháp, hoặc thỉnh cầu các lão hòa thượng Phật pháp cao niên giảng dạy, truyền thụ thêm. Vào được Ấn Độ, tuy đã bỏ núi tuyết cao ngất lại phía Bắc, trước mắt là rừng cây tươi tốt rậm rạp nhưng Huyền Trang chưa phải đã thuận buồm xuôi gió. Trên đường đi, thường xuyên gặp thú dữ. Một lần, dọc đường lại gặp cướp. Chúng thấy tướng mạo Huyền Trang đường hoàng, muốn giết ông tế thần. Trong lúc nguy nan, nhưng Huyền Trang vẫn bình tĩnh, mặt không hề biến sắc, ông chăm chú niệm Di Lặc Bồ Tát, cầu xin giải thoát. Lũ cướp thấy vậy sợ lắm. Chúng bèn giơ đao lên định giết ông, đúng lúc đó, bỗng đâu mây đen kéo đến, gió cuồn cuộn bốn phương. Cây cối nghiêng ngả, cát bụi mịt mù, đến cả thuyền trên sông cũng bị lật nhào. Biết được đây là hòa thượng từ Đông thổ sang thỉnh kinh, mọi người liền quỳ xuống, cúi lạy đại sư. Cứ như vậy hết nạn này đến nạn khác. Thấm thoắt một năm nữa lại trôi qua. Cuối cùng Huyền Trang đã đến được gốc cây Bồ Đề nơi Thích Ca Mâu Ni đắc đạo thành Phật. Đại sư trong lòng chứa chan bao cảm xúc, giống đứa con được trở về quê mẹ cùng các sa di đồng hành một hai bái lạy, nước mắt lưng tròng. Khi đó các tăng ni xa gần nghe danh có hòa thượng từ Đông Thổ Đại Đường sang thỉnh kinh, hàng ngàn người kéo đến xem phong thái của vị đại sư này, nhìn thấy thầy trò Huyền Trang kính cẩn mà xúc động bái lạy, họ cũng nghẹn ngào rơi nước mắt. Hoạt động long trọng này diễn ra suốt tám chín ngày.
Thời gian Huyền Trang đại sư ở Ấn Độ, thường đi tham quan các Thánh Tích Phật giáo, thăm viếng cao tăng xin học đạo. Ông còn đến tận học viện Phật giáo lớn nhất Ấn Độ là Nalanda (Lan Đà Tự) bái kiến cao tăng Giới Hiền tiếng tăm lẫy lừng Ấn Độ và xin được học đạo. Sau năm năm dốc lòng dốc sức nghiên cứu Phật học, ông học hỏi được rất nhiều. Rời khỏi Lan Đà Tự, ông men theo sông Hằng đi xuống phía Đông, đến hầu hết mọi miền Ấn Độ, hành hương cầu đạo. Năm năm sau, ông trở về Lan Đà Tự, nhận lời pháp sư Giới Hiền giảng đạo, truyền dạy “Nhiếp Đại Thừa Luận”. Gần đến ngày Huyền Trang về nước, cũng là dịp Giới Nhật Vương của Hạt Nhược Cung Âm Quốc ở Trung Ấn, tổ chức “Đại hội Vô Già”, là Đại hội Phật giáo toàn Ấn Độ. Mười tám quốc vương, hơn 3000 cao tăng, hơn 2000 vị Bà La Môn toàn Ấn Độ đều tham gia đại hội. Tại đại hội, Huyền Trang đại sư chủ yếu thuyết giảng “Đại Thừa Luận” và danh tác của ông “Phá Ác Kiến Luận”. Trong 18 ngày, không ai có thể bác bỏ được luận điểm của ông. Ông được đánh giá như nhà Phật học uy tín, nhận được đãi ngộ long trọng nhất, ngồi trên con voi trang trí lộng lẫy du hành đường phố, được vạn người kính phục.
Năm Trinh Quán thứ 17, ông đem theo 657 bộ kinh Phật rời khỏi Ấn Độ về nước, đi theo tuyến đường xuyên qua Trung Á, Song Lĩnh, rặng Nam Thiên Sơn. Đường Thái Tông phái quan viên đến Đôn Hoàng nghênh đón. Năm Trinh Quán thứ 19, Huyền Trang đại sư về đến Trường An. Dân chúng Trường An nô nức đón chào vị cao tăng nổi tiếng khắp nơi. Trong tiểu thuyết, chúng ta thấy vua Đường tổ chức lễ nghi long trọng để tiễn đưa Huyền Trang đại sư. Tác giả thiên tài Ngô Thừa Ân đã mượn lễ đón tiếp long trọng của vua nhà Đường giành cho Huyền Trang đại sư trong lịch sử cải biên thành lễ tiễn đưa Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh.
Sau khi Huyền Trang về nước, ông lo việc tổ chức dịch kinh tại Hoằng Phúc Tự và Ngọc Hoa Cung ở Trường An, bắt tay vào dịch kinh Phật. Ông tinh thông tiếng Phạn, Phật học hiểu sâu biết rộng, nội dung hàm nghĩa xác đáng, văn phong lưu loát. Trong bốn nhà dịch thuật kinh Phật nổi tiếng của Trung Quốc Cổ Đại Cưu Ma La Thập, Chân Đế, Huyền Trang, Bất Không Trung thì tác phẩm dịch của ông nhiều nhất, tinh túy nhất. Đường Thái Tông đích thân viết lời tựa cho bản dịch kinh của Huyền Trang đại sư – “Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo Tự”. “Tam Tạng” là tên gọi chung của Phật Kinh, Giới Luật, Luận thuật và chú giải của Phật giáo. Người đời sau gọi Huyền Trang là Đường Tam Tạng hay Tam Tạng pháp sư. Nhận ý chỉ của Đường Thái Tông, ông kể lại, các đệ tử chấp bút, viết “Đại Đường Tây Vực Ký”, tổng cộng 12 quyển, hơn mười vạn chữ, tường thuật lại những trải nghiệm của ông khi sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Tháng hai năm công nguyên Đường Cao Tông Lân Đức, Huyền Trang đại sư viên tịch tại Ngọc Hoa Tự, Trường An. Triều đình dùng quan vàng, quách bạc đặt tro xương của ông, có hơn 100 vạn người hộ tống đưa tiễn tro cốt của ông an táng tại Hưng Giáo Tự.
Trên đây là câu chuyện thực của nhân vật Huyền Trang đại sư trong lịch sử. Hình tượng Đường Tăng sau này trong truyện Tây du được hình thành trên cơ sở này. Kết cấu câu chuyện thỉnh kinh của Đường Tăng, tuyến đường Tây hành, gian nan hiểm trở và chí hướng kiên định, cuối cùng đạt được thành công vĩ đại tất cả đều có dấu ấn của Huyền Trang.