Con đường Pháp sư Huyền Trang đi Tây thiên thỉnh kinh là con đường tơ lụa men theo hành lang Hà Tây, qua Hỏa Diệm Sơn, xuyên qua sa mạc lớn, vượt qua núi tuyết, từ suốt tuyến đường từ Thổ Lỗ Phồn, Akesu, Baicheng vùng Tân Cương qua Kazakhstan, Uzbekistan, Afghanistan ngày nay, lại tiếp tục theo hướng Đông Nam qua Pakistan hiện nay vào phía Bắc Ấn Độ. Do Pháp Sư Huyền Trang không có được giấy thông quan của vua Đường, chuyến đi thỉnh kinh của ông ngoài những gian nan vất vả do thời tiết khắc nghiệt, còn gặp phải muôn vàn khó khăn, nguy nan bất ngờ khác. Có viên quan rất quý mến ông, thành thực khuyên ông nên từ bỏ việc Tây hành. Viên quan khác như Đô Đốc Kinh Châu Lý Đại Lượng thấy Huyền Trang Pháp Sư bỏ trốn, bèn hạ lệnh Lý Sương đem công lệnh đuổi theo. Gặp Huyền Trang, Lý Sương rất cảm động trước ý chí, khao khát học đạo của Huyền Trang, mặc kệ tương lai và tính mạng của chính mình, Lý Sương xé bỏ công lệnh, thúc giục Huyền Trang nhanh chóng lên đường. Pháp sư Huyền Trang không ai theo dẫn đường. Sau đó có một người Hồ đến xin ông cho thụ giới, trở thành đệ tử và là hướng dẫn đường đưa ông đi qua năm trạm phong hỏa đài. Huyền Trang mừng lắm, sau này hai người còn đem quần áo, đồ đạc mang theo đổi lấy một con ngựa thông thạo đường đi nước bước tới Tây Vực. Hai thầy trò tiếp tục lên đường. Để trốn tránh quan binh, hai thầy trò phải đi đường vòng, đêm đến ngủ trên sa mạc. Người Hồ đó mới đầu cầm đao đi theo sau Huyền Trang, sau đó lại khuyên đại sư “sa mạc mênh mông, quan binh kiểm soát ngặt nghèo, tốt nhất nên quay về”, còn lắp tên giương cung đe dọa nhưng không thể lay động được quyết tâm đi Tây thiên thỉnh kinh của Huyền Trang. Hắn đành quỳ trước mặt đại sư từ biệt trở về. Huyền Trang đại sư nhẹ nhàng động viên hắn, còn tặng cho hắn con ngựa.
Sa mạc mênh mông, xóm làng heo hút. Phía Ngọc Môn Quan năm tòa phong hỏa đài, mỗi tòa cách nhau 100 dặm, hổ đói rình rập. Ngoài trong phong hỏa đài ra, không tìm đâu ra được nước ngọt. Giữa mịt mù khói lửa dị hình kỳ quái, nổi lên tiếng gió như tiếng ma quỷ khóc than, cuồng phong nổi dậy, đất đá bay mù trời, chỉ còn cách phân biệt phương hướng qua phân ngựa và xương người rơi rớt dọc đường, trầy trật nhích từng bước một. Khi đi được hơn trăm dặm, đại sư Huyền Trang mất phương hướng, đương lúc ông mở túi đựng nước định uống cho đỡ khát thì do túi nước quá nặng, lỡ tuột tay, toàn bộ nước chảy hết ra ngoài hết. Ông định quay lại phong hỏa đài thứ tư lấy nước, nhưng rồi lại nghĩ “Nếu không đến được Tây Trúc, quyết không đi về hướng Đông nửa bước, thà rằng chết ở Tây Thiên, chớ lẽ nào quay về phương Đông sống hèn”. Cứ thế ông kiên trì dấn bước đi về phía Tây. Bốn bề mịt mù, muông thú đâu chẳng có. Thế nhưng lòng ông vẫn không hề lo sợ, chỉ khổ sở vì không có nước, lại bị cái đói, cái rét bủa vây, bốn năm ngày đêm liền không uống được giọt nước nào, ông ngã quỵ trên sa mạc. Ông liền quỳ xuống cầu khẩn Quan Âm: “Huyền Trang đi lần này, không mong tiền tài, không cầu danh lợi, nhưng vì muốn được nghe chính pháp, cầu xin Bồ Tát đại từ đại bi, thương sót chúng sinh, cứu khổ cứu nạn. Chút khổ cực này với con có sá chi?” Đến đêm thứ năm, đột nhiên có gió mát thổi đến, phút chốc ông cảm thấy tỉnh táo, gắng gượng đi về phía trước khoảng 10 dặm, gặp một thảo nguyên xanh nguồn nước dồi dào. Ông nghỉ chân một ngày, lại đi tiếp hai ngày thì ra khỏi sa mạc.
Huyền Trang đại sư gặp gian nguy trong vùng sa mạc, nhờ ý chí kiên cường, cuối cùng bình an vượt qua nguy nan, đến được Y Ngô (Hami). Đức vua Y Ngô được tin phái người nghinh đón vào cung, nhiệt tình khoản đãi. Khi qua Qua Châu, Huyền Trang từng lưu lại giảng đạo cho tăng ni hơn 10 ngày. Thương nhân các nước Tây Vực hết mực khâm phục Huyền Trang đại sư. Tin ông muốn sang Tây Trúc thỉnh kinh lan truyền khắp nơi. Do đó, các nước Tây Vực nghe danh Huyền Trang đã lâu, đâu đâu cũng nóng lòng trông chờ ông đến.
Trinh Quan nguyên niên, đại sư 27 tuổi. Khi đó, sứ giả Cao Xương đi sứ sang nước Y Ngô, lúc sắp trở về nước, nhận được tin đại sư đến, lập tức bẩm báo quốc vương.
Quốc vương Cao Xương vừa nhận được tin tức, tức tốc viết thư, nhờ vua Y Ngô cho quân hộ tống Huyền Trang sang nước Cao Xương. Rong ruổi ngày đêm, đổi con ngựa tốt, sau sáu ngày ông đến vương thành nước Cao Xương. Thành Cao Xương ở ngay cạnh Hỏa Diệm Sơn. Thực ra Hỏa Diệm Sơn vốn không có lửa, mà là đất chết khô cằn, nhiệt độ rất cao (thành Turpan ngày nay). Quốc vương Cao Xương hết sức nhiệt tình. Ông hạ lệnh văn võ bá quan cùng phi tần, cung nữ xếp hàng đón tiếp, đồng thời phụng dưỡng đại sư trong Bảo Trang nguy nga nhất Hậu Cung, thỉnh cầu đại sư lưu lại dài ngày, đồng thời bái ông làm Quốc Sư. Huyền Trang lưu lại mười mấy ngày rồi cáo biệt. Nhưng quốc vương không chịu. Huyền Trang nói: “Ta vốn dĩ Tây hành là vì đại pháp. Bây giờ gặp phải ngăn cản của ngài, tôi đành để lại cái đầu cho đại vương. Tâm trí của tôi, ngài không hẳn giữ được.” Nói xong ông tuyệt thực, ba ngày không động đến giọt nước nào. Ngày thứ tư, quốc vương Cao Xương thấy đại sư hơi thở suy yếu, lấy làm áy náy, liền cáo lỗi và cho phép Huyền Trang Tây hành, chỉ mong kết tình huynh đệ với Huyền Trang, kết duyên với nhà Phật. Đại sư thấy ông thành tâm kính ngưỡng, bèn lưu lại thêm một tháng, giảng “Nhân vương ban nhược kinh” cho các quan viên trong triều. Những ngày giảng kinh, quốc vương Cao Xương mỗi ngày tự tay thắp hương, quỳ xuống đón tiếp đại sư. Sau khi pháp hội kết thúc, quốc vương Cao Xương chuẩn bị cho đại sư 24 phong thư và lễ vật làm vật dụng khi thông quan, tiễn đưa đại sư lên đường.