Pháp Sư Huyền Trang trong lịch sử Trung Quốc là một cao tăng đúng nghĩa. Cuộc đời ông có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là: từ khi sinh ra đời, xuất gia, thọ giới, chu du bốn phương học đạo. Bước chân ông đã qua quê nhà Câu Thị ở Hà Nam (nay là huyện Yển Sư), Lạc Dương, Trường An, Thành Đô, Kinh Châu, Dương Châu, Ngô Hội, Triệu Châu, Tương Châu v.v… Giai đoạn thứ hai là mạo hiểm đi Tây Thiên thỉnh kinh, trải qua 17 năm (năm ông bắt đầu lên đường chưa được xác định), đi về năm vạn dặm, qua hơn 110 quốc gia, gian lao chồng chất, nhiều phen thập tử nhất sinh nhưng không làm ông chùn bước. Giai đoạn thứ ba là: từ sau khi về nước (tức năm Trinh Quan thứ 19 đời Đường Thái Tông, công nguyên năm 645) đến khi ngài viên tịch (Cao Tông Lân Đức nguyên niên, công nguyên Công nguyên năm 664) . Giai đoạn này, ngoài những lần cùng Thái Tông vi hành và một lần về quê thăm nhà năm Cao Tông ra, phần lớn thời gian, Huyền Trang tập trung vào việc dịch kinh Phật. Trong 19 năm cuối đời, Pháp sư Huyền Trang đã dịch tổng cộng 75 bộ, 1335 quyển kinh. Nói về chất lượng và số lượng bản dịch, tính đến nay vẫn chưa có ai sánh bằng.
Pháp sư Huyền Trang, họ Trần, tên Huy, sinh đời nhà Tùy (công nguyên năm 602-664, có bản viết năm 600-664). Là người thôn Trần Hà, cốc Phượng Hoàng, làng Du Tiên, huyện Câu Thị, Lạc Dương (nay là huyện Yển Sư Hà Nam). Ông nội và cha đều là người có học, học rộng tài cao. Khi Huyền Trang ra đời, mẹ ông mơ thấy một pháp sư áo trắng từ biệt bà mà đi. Bà nói rằng: “Con là con của ta, con còn muốn đi đâu chứ?” Pháp sư nói: “Con phải đi về phía Tây để cầu đạo.” Khi Huyền Trang 8 tuổi, thông minh hơn người, người thầy đầu tiên chính là cha ông. Cha ông đích thân truyền dạy “Hiếu kinh”, giảng đến “Tăng Tử tị tịch”, Huyền Trang đột nhiên chỉnh trang y phục ngay ngắn, đứng sang một bên. Cha hỏi có việc gì, Huyền Trang nói: “Tăng Tử kính yêu thầy của mình như vậy, con cũng cần học theo ông!” Rất tiếc vào năm Huyền Trang 10 tuổi, cha ông qua đời. Khi đó, người anh thứ hai của ông đã xuất gia từ lâu, pháp danh Trường Tiệp. Huyền Trang bèn theo chân pháp sư Trường Tiệp vào chùa sống, trở thành chú tiểu. Đến năm 13 tuổi, Tùy Dạng Đế hạ chỉ tuyển chọn Tăng sĩ triều đình, hàng trăm người xuất sắc được cử đi dự cuộc sát hạch. Huyền Trang còn nhỏ, vốn không nằm trong kế hoạch. Nhưng vị chủ khảo, quan Khâm sai Trịnh Thiện Quả thấy Huyền Trang khí chất hơn người, phong quang rực rỡ, từ bi độ lượng, đối đáp trôi chảy, lại nói được lý tưởng cao cả của mình: “muốn đến phương xa bái kiến Như Lai, thỉnh cầu Phật pháp”. Trịnh Thiện Quả chấp thuận và có ý ngợi khen, gọi ông là “Phật khí nơi cửa Phật”, đặc cách cho miễn tuổi vào dự thi. Ông trúng tuyển, chính thức xuất gia, lấy pháp danh là “Huyền Trang”.
Sau khi Huyền Trang xuất gia, chăm chỉ học tập, quên ăn quên ngủ, tụng kinh niệm phật, học đâu nhớ đó. Một thời gian ngắn sau đó, ông đã có thể khai đàn tụng kinh, trầm bổng lưu loát, rất giống sư phụ của ông. Sau đó lại cùng với anh trai là Pháp sư Trường Tiệp đến Tứ Xuyên viếng thăm rất nhiều pháp sư nổi tiếng. Năm 21 tuổi, ông thọ giới, sống tại Tứ Xuyên, nghiên cứu kinh văn gần 5 năm, tinh thông học thuyết các môn phái. Năm 27 tuổi tinh thông Kinh, Luật, Luận Tam Tạng, được tôn làm “Tam Tạng pháp sư”, danh tiếng đồn xa. Pháp sư Huyền Trang tuy làm được nhiều việc như vậy, nhưng vẫn thấy số lượng kinh văn dịch sang chữ Hán không đủ, có nhiều điểm thắc mắc mà chưa giải đáp được. Vào năm thứ 9 Đường Cao Tổ (công nguyên năm 626), Huyền Trang gặp cao tăng Ấn Độ tại Trường An, hiểu được không khí giảng dạy Phật pháp sôi nổi tại Lan Đà Tự, hết sức kính phục và ngường mộ Đại Đức Giới Hiền Trưởng Lão- người tinh thông học thuyết Thiền. Thế là ông dâng chiếu lên nhà Đường mới khai triều, xin được ra nước ngoài học hỏi thêm. Nhưng vua Đường nghĩ đến thế cục đất nước chưa hoàn toàn ổn định, không chịu phê chuẩn. Những năm đó lại có dịch bệnh hoành hành, Pháp sư Huyền Trang liền theo dân đoàn dân chạy nạn rời khỏi Trường An, có thể nói là: “Giấy thông hành tuy bị cấm ngặt, nhưng một trận dịch bệnh đã “cấp thẻ” cho ông lặng lẽ vượt biên”, bắt đầu con đường thỉnh kinh gian nan vất vả, vừa không có giấy thông quan (hộ chiếu), cũng chẳng có tăng lữ đồng hành.