(271 trước Tây lịch - 200 Tây lịch)
I. Kết tập kinh điển lần thứ hai
Đức Thế Tôn diệt độ khoảng sau 100 năm, sau thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất cũng khoảng 100 năm, lại có 700 vị Tỷ khưu họp tại thành Phệ Xá Ly (Vesali) để kết tập kinh điển. Đấy là lần kết tập thứ hai, và còn gọi là “Phệ Xá Ly kết tập”, hay “Thất bách tập pháp”.
Nguyên vì, Đức Thế Tôn diệt độ, sau khoảng 100 năm, có các vị Tỷ khưu xuất thân từ dòng họ Tỳ Xá Ly (Viji) đề xướng ra mười hành vi, chủ trương là thích hợp với giới luật của Tỷ khưu, mười hành vi đó như sau:
1. Diêm tịnh (Singilonakappa)
Căn cứ vào giới luật, các Tỷ khưu không được để đồ ăn cách đêm. Nghĩa là các thứ đồ ăn phổ thông, không được để đến ngày hôm sau rồi lại ăn, nhưng nếu đồ ăn đó đem ướp với muối, thì vẫn có thể được dùng ở ngày hôm sau.
2. Chỉ tịnh (Dvangulakappa)
Về bữa ăn của Tỷ khưu phải là ở lúc chính ngọ, nhưng nếu lúc đang đi giữa đường, thì bữa ăn có thể được dùng ở quá giờ ngọ một chút, nghĩa là lúc mặt trời đã xế bóng chừng độ hai chủ (mỗi chủ: một thước năm tấc ta).
3. Tụ lạc gian tịnh (Gamantarakappa)
Tỷ khưu sau khi ăn rồi, nhưng nếu ở trước giờ ngọ, tới chốn tụ lạc khác, xin được thức ăn, vẫn có thể được thọ dụng.
4. Trụ xứ tịnh (Avasakappa)
Một tháng hai kỳ, các Tỷ khưu phải tận tập ở một trụ xứ nào đó để làm lễ Bố tát, nếu trụ xứ quá hẹp, có thể được phân chia làm hai nơi để làm lễ Bố tát.
5. Tùy ý tịnh (Anumatikappa)
Quyết nghị của đoàn thể xuất gia, cần phải toàn bộ thành viên có mặt để giải quyết, nhưng nếu gặp trường hợp không thể tham dự được, sau khi Giáo đoàn quyết nghị, sẽ có thể đem những quyết nghị đó thông cáo sau.
6. Cửu trụ tịnh (Acinnakappa)
Có thể noi theo tiền lệ, nghĩa là noi theo vào những thể lệ của người trước đã làm.
7. Sinh hòa hợp tịnh (Amathitakappa)
Sau giờ Ngọ, các Tỷ khưu không được ăn phi thời, nhưng có thể được dùng nước hòa lẫn với sữa, không cần phải để sữa lắng xuống.
8.Bất-ích-lũni-sư-đàntịnh(AdasakanisiDanakappa)
Tọa cụ của Tỷ khưu, kích thước bề dài, bề rộng phải theo đúng như quy định trong giới luật, nhưng nếu là tọa cụ không có viền xung quanh có thể được dùng quá khuôn khổ đã định.
9. Thủy tịnh ( Jalogikappa)
Tỷ khưu không được uống rượu, nhưng vì trường hợp bệnh tật, dùng rượu để làm thuốc, có thể pha lẫn với nước để uống.
10. Kim tiền tịnh ( Jatarapadikappa)
Tỷ khưu vốn dĩ không được cầm tiền, nhưng nếu ở trường hợp bất đắc dĩ, có thể được cầm tiền bạc, và cất chứa tiền bạc1.
Mười điều như trên, thực ra là vi phạm với giới luật. Đứng về phương diện nghiêm khắc của giới luật mà giải thích là phi pháp, nhưng đứng về mặt khoan đại mà giải thích, thì thích hợp với giới luật. Các Tỷ khưu ở phương Đông, đứng về nhóm tự do giải thích giới luật, nên chấp nhận mười điều kể trên.
1 Về niên đại kết tập và danh mục của mười điều phi pháp có nhiều chi tiết khác nhau, đại khái như sau:
a) Luật Thiện Kiến quyển thứ nhất chép: “Đức Thế Tôn đã nhập Niết bàn sau 100 năm. Tỳ Xá Ly Bạt Xà Tử Tỷ khưu, xuất thân từ dòng họ Tỳ Xá Ly, dấy ra mười điều phi pháp. Những gì là mười? 1. Diêm tịnh, 2. Chỉ tịnh, 3. Tụ lạc tịnh, 4. Trụ xứ tịnh, 5. Tùy ý tịnh, 6. Cửu trụ tịnh, 7. Hòa hợp tịnh, 8. Thủy tịnh, 9. Bất-ích-lũ-ni- sư-đàn tịnh, 10. Vàng bạc tịnh. Đó là mười điều thuộc phi pháp”.
b) Luật Ngũ Phần quyển thứ 30 chép: “Đức Thế Tôn vào Nê-hoàn, sau 100 năm, các Bạt Kỳ Tỷ khưu, thuộc dòng họ Tỳ Xá Ly, dấy ra mười điều phi pháp: 1. Diêm khương hợp cộng túc tịnh, 2. Lưỡng chỉ sao thực tịnh, 3. Phục tọa thực tịnh, 4. Thú tụ lạc thực tịnh, 5. Tô, du, mật, thạch mật hòa lạc tịnh, 6. Ẩm xà lâu dà tửu tịnh, 7. Tác tọa cụ tùy ý đại biểu tịnh, 8. Tập tiền sở tập tịnh, 9. Cầu thính tịnh, 10. Thọ súc kim tiền tịnh”.
c) Luật Tứ Phần quyển thứ 45 chép: “Khi bấy giờ Đức Thế Tôn đã nhập Niết bàn, khoảng sau 100 năm, Tỳ Xá Ly Bạt Xà Tử Tỷ khưu, nói và làm mười điều là: Pháp thanh tịnh, Phật sở thính, Ưng lưỡng chỉ sao thực; Đắc tụ lạc gian; Đắc tụ nội; Hậu thính khả; Đắc thường pháp; Đắc hòa; Đắc dữ diêm cộng túc; Được uống rượu Xà Lâu la; Được chứa tọa cụ không viền; Được nhận chịu vàng bạc ở ngày Bố tát. Khi bấy giờ, ngài Da Xá Na Tử, thấy mọi Tỷ khưu Tỳ Xá Ly, làm những việc như thế, liền đến chốn Bạt Xà Tử Tỷ khưu, ở trong ngày Bố tát, thấy chúng Tăng khuyến dụ đàn việt cúng tiền, sau khi được đồ cúng, trong chúng xướng lên rằng, nên đem phần tiền chia cho Gai Đà Tử Tỷ khưu, Tỷ khưu liền nói ta không nhận, vì Sa môn Thích tử không được nhận chịu tiền bạc.
Trong lúc đó, ở phương Tây, có một học giả tinh thông giới luật, là Trưởng lão Da Xá (Yasa), du hành tới thành Phệ Xá Ly (Vesali), gặp Ngài Bồ Tát, Ngài nhận thấy các Tỷ khưu thuộc dòng Tỳ Xá Ly khuyến hóa các tín đồ đem cúng dường tiền bạc, Ngài rất kinh ngạc. Vì mục đích can ngăn việc đó, nên Ngài đối trước tín đồ mà tuyên cáo: “Việc Tỷ khưu cầm tiền và nhận tiền là một cấm giới nghiêm trọng trong giới luật”, để cảnh cáo các Tỷ khưu. Các Tỷ khưu cho rằng, Trưởng lão Da Xá có tính chất làm phương ngại sự cúng dường của tín đồ và lăng mạ Tăng chúng. Rồi bắt Trưởng lão Da Xá phải xin lỗi trước Đại chúng và tín đồ. Nhưng Trưởng lão Da Xá không nghe theo, trốn vào thành, đối trước dân chúng công nhiên phát biểu mười hành vi phi pháp như trên. Đại chúng thấy vậy liền tập Tăng tác pháp Tẩn xuất (đuổi ra khỏi chúng, theo luật Phật, nếu một Tỷ khưu nào đem lỗi xấu của Đại chúng công bố trước tín đồ sẽ bị xuất chúng). Trưởng lão Da Xá liền trở lại phương Tây, cảm khái về giới luật của Phật bị suy tàn, nên quyết đi vận động các bậc Trưởng lão để giải quyết mười điều phi pháp, tránh mọi nguồn gốc tai họa cho hậu thế.
Trưởng lão Da Xá trước hết đi tới thành Kiều Thưởng Di (Kosambi) ở phương Tây, và phái sứ giả đến các địa phương như Ma Thâu La (Mathùrà) và A Bàn Đề (Avanti) để cầu thỉnh các bậc Trưởng lão, và tự mình đi tới núi Ahoganga, yết kiến Trưởng lão Tam Phù Đà (Sambhùta), tới địa phương Sa Ha Xà Đế (Shaajàti) hỏi ý kiến Trưởng lão Ly Bà Đa (Revata), đều được sự tán đồng, và đều cùng đi tới thành Phệ Xá Ly. Sau khi tới thành Phệ Xá Ly lại cầu thỉnh bậc Trưởng lão ở địa phương đó, là Tát Bà Ca Ma (Sabhakàmi). Tất cả Tăng chúng của hai phía Đông, Tây gồm có 700 vị, hội họp để kết tập kinh điển và để nghị quyết về mười hành vi kể trên là phi pháp hay không phi pháp.
Nhưng, trong lúc hội nghị, vì sinh nhiều ý kiến bất đồng, không thể giải quyết ngay được, nên hội nghị đồng ý lựa chọn một ủy ban gồm tám người, của cả Đông và Tây. Bốn vị Trưởng lão ở phía Tây: Ly Bà Đa, Tam Phù Đà, Da Xá và Tu Ma Na (Sumana). Bốn vị ở phương Đông: Tát Bà Ca Ma, Sa Lưu (Sàtha), Khuất Xà Tu Tỳ Đa (Khujjasobhita), Bát Tát Bà Già Mi (Vàsabhagàmi). Trưởng lão Ly Bà Đa, ủy viên của phương Tây, nêu ra từng điều trong mười điều, để hỏi là hợp pháp hay phi pháp; Trưởng lão Tát Bà Ca Ma, ủy viên của phương Đông, y vào giới luật để chiếu hợp từng điều và đã đáp là “Phi pháp”. Như vậy, mười điều kể trên trở thành mười điều phi pháp. Trong cuộc hội nghị, Đại chúng còn hợp tụng lại những Pháp tạng, trải qua một thời gian tám tháng mới hoàn thành.
Nội dung cụ thể của kỳ kết tập thứ hai này, tuy không thấy ghi chép tường tận trong các truyện, lục, nhưng mục đích của kỳ kết tập này không phải là chỉ dành riêng cho việc giải quyết mười điều phi pháp, mà còn để xác định lại giới pháp của Đức Thế Tôn đã quy định, để ngăn ngừa mọi phi pháp pha trộn, đó là điều xác thực.
Mặt khác, phần đa số các Tỷ khưu thuộc Đông bộ, không phục tùng quyết nghị mười điều kể trên là phi pháp, nên cùng nhau hội họp tại một nơi khác, và cũng để kết tập kinh điển, gọi là Đại kết tập (Mahàsamgìti), hay là Đại chúng kết tập. Nội dung của cuộc kết tập là Kinh tạng, Luật tạng, Đại pháp tạng và Tạp tạng thành bốn tạng, và còn gọi là Ngũ tạng, có thêm Bồ tát tạng.
Vì nguyên nhân trên, nên Giáo đoàn của Phật giáo phân chia thành hai bộ phái là Thượng Tọa bộ (Thera) và Đại Chúng bộ (Màhàsamghika). Thượng Tọa bộ thuộc phái Bảo thủ, Đại Chúng bộ thuộc phái Canh tân.
II. Sự nghiệp của A Dục vương đối với Phật giáo
1. Tiểu sử A Dục vương
Đức Thế Tôn diệt độ khoảng sau 200 năm, thì phạm vi của Phật giáo đã lan tỏa khắp các nước thuộc Trung Ấn Độ, trên lưu vực sông Hằng Hà. Tới khi Đức Thế Tôn diệt độ chừng khoảng gần 300 năm thì phạm vi của Phật giáo không những ảnh hưởng khắp trong nước mà còn lan sang tới các nước ngoài. Nghĩa là một tôn giáo đang ở trong phạm vi nội bộ, đột nhiên phát triển thành một tôn giáo của thế giới, tạo thành một trang sử vẻ vang oai hùng cho Phật giáo, đó là công lao hộ trì Phật giáo của quốc vương A Dục (Asoka).
Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, quốc vương Tần Bà Sa La và A Xà Thế của nước Ma Kiệt Đà, thuộc vương triều Śiśunāga (Thi Tu Na Già); cách vài đời sau thì vương triều Śiśunāga được thay thế là vương triều Nanda (Nan Đà); kế tiếp vương triều Nanda là vương triều Maurya (Khổng Tước).
Nước Ma Kiệt Đà, vì có dã tâm nắm quyền bá chủ Trung Ấn, nên khi Đức Thế Tôn ở thời kỳ vãn niên, vua A Xà Thế đã ra lệnh kiến thiết thành trì ở vùng Pàtaliputtra (Ba Sất Ly Tử), để chinh phạt dòng họ Licchavi (Ly Xa Tỳ), sáp nhập nước này vào nước mình dần dần uy thế của vua trở nên mạnh, rồi nắm quyền bá chủ Trung Ấn.
Vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV trước Tây lịch, Đại đế Alexander nước Hy Lạp đem quân quấy nhiễu phía Tây Ấn Độ, lúc đó đang là đời vua Chandragupta (Chiên Đà La Cấp Đa), thuộc vương triều Khổng Tước. Vua nhân cơ hội đó, đem quân tiến lên phía Bắc Ấn, dẹp được loạn quân Hy Lạp lại thừa thế đem quân đánh dẹp cả bốn phương, thống nhất được lãnh thổ Bắc Ấn, Trung Ấn và Tây Ấn, kiến thiết một đại đế quốc. Lần thứ hai, cũng tương tự như Alexander, vua nước Babylon là Seleucos đem quân xâm nhập Bắc Ấn, vua Chandragupta chiến đấu thắng lợi vua Seleucos; vua Seleucos phải tặng lãnh thổ ở Tây bộ sông Ấn Độ và gả con gái để cầu hòa. Đồng thời Seleucos lại phải khiến sứ thần Megasthene, trú tại Hoa Thị Thành, thủ phủ nước Ma Kiệt Đà đương thời để giao hảo thân thiện giữa hai nước.
Về sau, con vua Chandragupta là Tân Đầu Sa La (Bindusàra), nối đại nghiệp của phụ vương và rất khéo trị thế, nên các đời vua của Hy Lạp đều tiếp tục thân thiện và thay đổi sứ thần ngoại giao. Cũng vì lý do đó, mà văn minh của hai nước Ấn Độ và Hy Lạp mỗi ngày một tiếp xúc và ảnh hưởng lẫn nhau, tạo thành một nền văn minh phồn thịnh cho Ấn Độ đương thời. A Dục vương chính là con của vua Tân Đầu Sa La, và là vương vị thứ III của vương triều Khổng Tước.
Về đường giao thông xưa chưa thuận lợi, nên ở quãng đường quan trọng giữa trung tâm của Bắc Ấn và Trung ương bộ của Ấn Độ có nước Đức Xoa Thi La (Taksasila), xưa nay là nơi văn hóa sớm được triển khai, học thuật tiến bộ, nhân dân giàu có đông đúc. Nhưng vì ở cách xa thủ phủ Hoa Thị Thành, nên uy lệnh của trung ương không tới được, nên thường hay xảy ra những cuộc phản loạn. Vì thế Tân Đầu Sa La liền chọn những người thông minh anh tuấn trong các hàng vương tử, tuyển nhậm làm chức quan Thái thú ở các địa phương.
Ngoài ra, thành Ô Xà Diễn Ni (Ujjayanì) của Tây Ấn Độ cũng là một con đường giao thông quan trọng cho các nước phương Tây, và là nơi rất quan trọng để giao lưu kinh tế. Vì lẽ đó, nên Vương tử A Dục được bổ nhiệm làm quan Thái thú ở Bắc Ấn Độ, và Vương tử lại phái khiển bộ hạ nhậm chức Thái thú ở thành Ô Xà Diễn Ni.
Cách vài năm sau, Vương tử A Dục được tin cấp báo là phụ vương bị bệnh nặng, liền lập tức trở về Hoa Thị Thành. Sau khi phụ vương mất, các hàng vương tử sinh ra tranh nhau vương vị trong khoảng bốn năm trường. Sau cùng, Vương tử A Dục thắng lợi, lên nối ngôi vua, thống nhất được ba miền Trung, Bắc, Tây Ấn Độ, có được vương vị của một đại đế quốc.
Về niên đại tức vị của A Dục vương có nhiều thuyết khác nhau1. Nhưng đại khái ở vào khoảng sau Đức Thế Tôn diệt độ 218 năm, tức là 267 năm trước Tây lịch.
1 a) Vu Điền Huyền Ký chép: “Đức Thế Tôn nhập diệt, trải sau 234 năm, có Đạt Ma A Dục vương của Ấn Độ, hối hận về tội ác sát hại vô số loài hữu tình, may được gặp bậc thiện tri thức là A La Hán Da Xá, thệ nguyện không tạo ác nghiệp, xin quy y Phật pháp, xây dựng nhiều bảo tháp, số đó tới 8.400 ngôi”.
b) Theo History of Ancien Sanscrit Literature của Max Muller thì niên đại xuất thế của A Dục vương: 477 trước Tây lịch.
c) Luật Thiện Kiến, quyển thứ 1 chép: “Khi bấy giờ ông Tu Đề, chuyên tu thiền định, chứng được A la hán, đem Phật pháp giáo hóa hết thảy nhân dân. Lúc bấy giờ vua Tân Đầu Sa La, sinh 100 người con, rồi vua mệnh chung, A Dục vương trong vòng 4 năm, giết hại anh em, chỉ còn sót một người em của mẹ, rồi A Dục vương tự lên làm vua, kể từ lúc Đức Thế Tôn nhập Niết bàn cho tới A Dục vương tức vị, trải 218 năm. Sau A Dục vương thống lĩnh cõi Diêm phù đề, hết thảy mọi vua khác đều phải thuần phục”.
A Dục vương lên ngôi được chín năm, vì mục đích thống nhất toàn Ấn Độ, nên vua đem quân chinh phạt nước Kalinga (Yết Lăng Già) ở Nam Ấn Độ. Nhưng vì nước này là một đại cường quốc của Nam Ấn, trong nước có rất nhiều dũng sĩ, phải đánh dẹp rất là gian nan vất vả, đôi bên đều hao tổn rất nhiều tướng tá, binh sĩ. Kết cục, sau đó A Dục vương đại thắng, thống nhất toàn lãnh thổ Ấn Độ, uy tín của vua lừng lẫy khắp trong và ngoài nước.
Sau khi chiến tranh kết thúc, vua rất buồn phiền và hối hận về sự thảm hại của chiến tranh gây ra, đã phải giết chóc biết bao lương dân vô tội, để lại biết bao nhiêu là cô nhi quả phụ khổ cực. Vì thế, muốn sám hối những tội lỗi đã gây ra, nên vua quyết ý tin theo Phật giáo.
Về nhân duyên tin theo Phật giáo của vua, một là nhờ vào nội tâm chán ghét sự chinh phạt, hai là nhờ sự giáo hóa của các vị Tỷ khưu ni Câu Luật (Nigrodha) và Hải (Sémudra), nên vua biết tỉnh ngộ và phát nguyện hộ trì Phật giáo. Để tỏ lòng chán ghét chiến tranh và hối hận việc đã làm nên vua ban bố sắc lệnh đại lược như sau:
“Thiên Ái Thiện Kiến Vương (Devànapìyapiyadasi, tên riêng của vua A Dục), tức vị năm thứ 9, chinh phạt nước Kalinga, bắt sống 15 vạn người, giết hại 10 vạn người, và số người chết về tật dịch đói khát gấp bội. Kể từ ngày thôn tính nước Kalinga tới đây, Thiên Ái rất nhiệt tâm hộ trì Đạt Ma để truyền bá khắp nơi. Nay nhìn lại những sự sát phạt, bắt bớ, và những sự giết hại ở nước Kalinga, Thiên Ái rất lấy làm đau lòng và hối hận”.
Sau khi tin theo Phật giáo, lòng tín ngưỡng của vua ngày một tăng, nên lại càng nhiệt tâm hộ trì Phật giáo. Tức vị tới năm thứ 2, vua lại phát tâm thọ giới Ưu bà tắc, ngộ được chính trí, năm thứ 12 công bố nhiều sắc lệnh chấn hưng Phật giáo. Vua tự mình bỏ nghề vui chơi săn bắn, hạ lệnh cấm sát sinh, bảo hộ các loài sinh vật, giảm bớt các đồ xa hoa, thường thường nghe các bậc Đại đức thuyết pháp, và đặt những đại trai cúng dường. Tức vị tới năm thứ 18, vua lại hết sức ủng hộ việc kết tập kinh điển lần thứ ba tại Hoa Thị Thành. Năm sau, vua phái khiển các bậc Đạo sư thạc học đi các nước truyền đạo Phật; năm sau nữa, lại tự mình đi chiêm bái các Phật tích, và dựng các bia tháp kỷ niệm.
Ngoài ra, vua còn ra sắc lệnh kiến thiết nhiều chùa tháp, làm nhiều việc từ thiện, tận tụy với công việc tuyên dương Chính Pháp. Tới khi tuổi già, vua giao phó tất cả mọi công việc chính trị cho hoàng tộc và các quan đại thần đảm nhiệm, tự mình chuyên việc tu trì. Vua tại vị được 41 năm, thọ 70 tuổi.
2. Sự nghiệp của vua đối với Phật giáo
Các sử gia thường đem so sánh về sự nghiệp của A Dục vương đối với Phật giáo, còn hơn cả về sự nghiệp của Đại đế Constantine của La Mã bảo hộ Thiên Chúa giáo. Nay kể đại khái về sự nghiệp của vua như sau:
1) Sự nghiệp ban bố sắc lệnh
Vua tức vị từ năm thứ 12 cho tới năm thứ 39, trong khoảng 27 năm, thường ban bố nhiều sắc lệnh. Những sắc lệnh này được khắc vào các hang núi, cột đá hay bia đá, mà ngày nay đã phát hiện được ở nhiều nơi, trong toàn cõi Ấn Độ. Những sắc lệnh đó đã là những cống hiến sử liệu quý báu cho các sử gia, các nhà học giả khảo cổ, để biết được ảnh hưởng của Phật giáo, biết được phạm vi và thế lực của vua lúc đương thời.
2) Sự nghiệp truyền đạo
Sau khi chinh phạt nước Kalinga, vua đã thắng lợi bằng vũ lực, nhận chân được sự thảm hại của chiến tranh.
Nhưng sự thắng lợi chân thật của vua là Đạt Ma, tức là thắng lợi về chính pháp. Để thực hiện về sự thắng lợi này, nên trong khoảng năm tức vị thứ 13 và 14, vua đã phái các bậc Chính pháp Đại quan (Dhamma Mahàmàtà) đi truyền đạo Phật ở khắp trong nước và ngoài nước, để giảng dạy truyền trao sự an lạc cho nhân dân, hạnh phúc cho nhân loại. Các nước mà vua đã phái các Đại quan đến truyền đạo như: Hy Lạp, Ai Cập, Syria, và hầu hết các địa phương ở Đông bộ duyên ngạn Địa Trung Hải; các nước thuộc phương Bắc như: Aparàntaka, Kamboja; phương Nam như: Pulinda, Bhoja, Pitinika, Andhra, Cola, Pàndya và Tambapanni. Đặc biệt việc phái khiển Đại quan truyền đạo tới Tambapanni (Tích Lan) là Ngài Mahinda (tên tiếng Pāli là Mahendra) lại là con của vua. Vị này có nhiều công lao xây nền đắp móng cho Thượng Tọa bộ thuộc Nam phương Phật giáo.
3) Sự nghiệp từ thiện và đạo đức
Vua đã ban bố những sắc lệnh: trồng các cây dược thảo để chữa bệnh cho nhân dân; đào các giếng bên đường để lấy nước cho người và động vật uống, dùng; lập các “Thí liệu viện” để chữa bệnh và nuôi người già yếu tàn tật.
Tức vị năm thứ 12, vua hạ sắc lệnh cho các địa phương, cứ 5 năm một lần, quan và dân phải tề tựu để mở Vô giá Đại hội (Anusamayàna), nghĩa là trong cuộc tập hội, phải cúng dường các Sa môn, Bà la môn; tôn trọng tính mệnh các sinh vật; tránh các việc xa hoa, bạo ác, phóng đãng; tôn kính cha mẹ, sư trưởng, bậc già cả; hòa mục với bè bạn thân thích; lân mẫn những người tàn tật; thương yêu những kẻ nô lệ, tôi tớ, và phải khuyến hóa lẫn nhau làm điều thiện.
4) Sự nghiệp chiêm bái Phật tích
Sau khi quy y Phật giáo, vua thường thỉnh các Đại đức, Trưởng lão vào trong cung để hỏi đạo, nghe pháp. Có một lần khi vua được nghe pháp từ vị thạc học là Ưu Ba Cấp Đa (Upagutta) ở núi Ưu Lâu Mạn Đà (Urumanda), nhờ sự chỉ giáo của Ngài, nên vua phát nguyện đi tuần bái các nơi Phật tích. Trước hết, vua đến chiêm bái vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật giáng sinh. Ở nơi đây, vua đã sai dựng một cột đá kỷ niệm, để lại dấu ấn rất ý nghĩa về sự chiêm bái của vua. (Cột đá này, về bộ phận trên đã bị mai một, nhưng bộ phận dưới, các nhà khảo cổ đã phát quật được vào năm 1897, có ghi chép nhiều di văn, cống hiến nhiều tài liệu quan trọng cho lịch sử). Thứ nữa, vua lần lượt đi chiêm bái thành Ca Tỳ La Vệ, cố quốc của Đức Phật; thôn Ưu Lâu Tần La, nơi tu hành khổ hạnh; Bồ Đề đạo tràng, nơi Phật thành đạo; vườn Lộc Dã, nơi Phật sơ chuyển pháp luân; và rừng Sa la Song thọ, nơi Đức Phật tịch diệt. Ở các nơi kể trên, vua đều sai xây tháp để cúng dường. Sau cùng, vua đến thăm di tích Kỳ Viên tịnh xá, nơi có các tháp của các vị đại đệ tử Phật như: Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Nan Đà.
Ngoài ra, vua còn sai xây dựng nhiều Già lam và Bảo tháp. Căn cứ vào Bắc truyền Phật giáo, tổng số chùa tháp có tới 8.400 ngôi.
III. Sự kết tập kinh điển lần thứ ba
Sự nghiệp quan trọng của A Dục vương đối với Phật giáo còn là việc kết tập kinh điển lần thứ ba tại Hoa Thị Thành (Pataliputra). Vì vua tín ngưỡng Phật giáo, nên nhiều già lam được xây dựng, số Tăng Ni ngày một đông. Trong số Tăng chúng, có nhiều người ngoại đạo cũng trà trộn vào làm Tăng, nên trong tâm vẫn hướng về tư tưởng ngoại đạo, gây ra nhiều mối phân tranh, trong chúng không hòa hợp, khó lòng mà phân biệt được chơn ngụy, phàm thánh. A Dục vương thấy thế, rất lo ngại cho tiền đồ Phật pháp, liền quyết ý muốn xác định lại giáo điều của Đức Thế Tôn. Trong lúc ấy, có Ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggalipputa Tissa) ẩn dật ở núi A Hô Hằng Già (Ahogànga), vua liền sai sứ đến triệu thỉnh. Ngài Đế Tu vâng sắc lệnh của vua, tuyển bạt 1000 người trong Tăng chúng, tề tựu tại Hoa Thị Thành để kết tập lại kinh điển. Kỳ kết tập này đúng ở năm nhà vua tại vị thứ 18, chỉ có trong 9 tháng thì hoàn thành.
Nội dung của kỳ kết tập này gồm đủ Tam tạng: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Tương truyền Luận tạng tức là “Thuyết sự” (Kathàvathu) do Ngài Đế Tu tự trước tác, để thuyết minh sự lý luận giữa ngoại đạo với Phật giáo. Nhưng kỳ kết tập lần thứ ba này chỉ thấy lưu truyền ở Nam phương Phật giáo; ở Bắc phương Phật giáo không thấy ghi chép rõ ràng. Căn cứ vào ký lục của hai Ngài Pháp Hiển và Huyền Trang, thấy có ghi chép nơi kết tập kỳ một và kỳ hai, nhưng không thấy ghi nơi chốn kết tập kinh điển lần thứ ba.