I. Giáo lý căn bản của Phật giáo
Đức Thế Tôn, trong khoảng 45 năm (49 năm theo Đại Thừa), Ngài tuyên dương chính pháp, mục đích duy nhất là để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi bể sinh tử trầm luân, tới chốn Niết bàn, thường trụ, an lạc. Nói tóm lại, tức là chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh. Vì mục đích chuyển mê khai ngộ, nên giáo lý của Ngài một mặt chú trọng về phương diện trí tuệ, một mặt chú trọng pháp thực tiễn tu hành. Pháp thực tiễn tu hành tức là pháp môn Tứ đế gồm có: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.
Pháp Tứ đế là kết quả của sự thực nghiệm tu hành mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ được ở dưới cây Bồ đề. Vì mục đích lợi tha, nên sau khi thành đạo, Ngài đã khai thị pháp Tứ đế ở vườn Lộc Dã để độ năm người đệ tử đầu tiên. Tiếp sau đó, khi đi các nơi thuyết pháp độ sinh, Ngài nương vào căn cơ của thính chúng, cho nên giáo pháp mà Ngài nói ra hoặc cao hoặc thấp, hoặc nông hay sâu khác nhau, nhưng tựu trung cũng đều bắt nguồn từ pháp môn Tứ đế.
II. Tứ đế
Tứ đế còn gọi là Tứ Thánh đế (Catvàri àrya satyàni), hay Tứ chân đế, gọi tắt là Tứ đế. Đế nghĩa là chân thực nên Tứ đế được gọi là bốn chân lý như thực.
1. Khổ đế (Duhkka satya)
Trong thế giới hiện thực này, bất cứ loài hữu tình hay vô tình, đều ở trong chân tướng khổ não. Căn cứ vào lời Phật dạy thì con người trước hết có bốn cái khổ lớn: sinh ( Jàtit), lão ( Jarà), bệnh (Vyàdhir), tử (Marana); tiếp sau, người thân yêu bị xa cách, gọi là “Ái biệt ly khổ” (Priyasamprayoyra); kẻ oán thù lại thường hay gặp, gọi là “Oán tắng hội khổ (Apriyasamparayoyga); điều mong cầu lại không toại nguyện, gọi là “Cầu bất đắc khổ” (Yadapi tccha paryesamano nalabhatetad); chấp trước vào năm yếu tố Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức bị nó nung nấu khổ sở, gọi là “Ngũ ấm xí thịnh khổ” (Samksepat qancaugàdàras kandhà). Vì đầy rẫy sự khổ sở, không có một chút khoái lạc, xét cho cứu cánh là cái thế giới khổ não. Hết thảy chúng sinh vì hôn mê không biết, chấp trước tham đắm vào dục lạc ở thế gian cho là sung sướng, nên cứ chìm đắm vào bể khổ, bị sinh tử luân hồi mãi không có kỳ hạn giải thoát. Đức Thế Tôn, Ngài nhận chân thấy cuộc đời là khổ, thế giới thì sinh, trụ, dị, diệt, vô thường, nên Ngài đã nói ra Khổ đế.
2. Tập đế (Samudaya satya)
Tập nghĩa là tập hợp, chứa góp những chân tướng khổ não làm nguyên nhân cho hiện tại và tương lai. Căn cứ vào lời Đức Thế Tôn giáo huấn, thì thế giới vạn hữu hết thảy đều y vào sự quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả mà sinh hay diệt, ngay cả đến sự tướng nhỏ bé li ti chăng nữa cũng không tránh khỏi luật nhân quả. Con người vì sinh trong thế giới vô thường, nên tất cả mọi sinh hoạt của con người thường gặp những điều không như ý, nhiều khổ não. Tất cả mọi hiện tượng khổ não không phải là ngẫu nhiên, mà đều lệ thuộc vào tập nhân rồi theo luật nhân quả chi phối. Tập nhân tức là “vô minh”, vì y vào vô minh nên sinh ra chấp trước, vì chấp trước sinh ra dục vọng, tạo thành các nghiệp ác về Thân, Khẩu, Ý và các nghiệp khác, nên trở thành “nghiệp”. Nghiệp (Karma) tức là nghiệp lực, nó có sức tích tập, nên trở thành nghiệp nhân, các nghiệp tương ứng với nghiệp nhân gọi là nghiệp quả, đưa đến khổ báo, gây thành khổ quả. Tóm lại, cận nhân của quả khổ là nghiệp, và viễn nhân của quả khổ là vô minh, hay là “hoặc”. Vậy nên quả khổ của hiện tại là do “hoặc” và “nghiệp” ở quá khứ mà sinh, quả khổ vị lai là do “hoặc” và “nghiệp” của hiện tại mà có. Quả khổ được tồn tại là do “hoặc” và “nghiệp” cứ liên tiếp không ngừng. Vì thế, ba thứ “Hoặc”, “Nghiệp”, “Khổ” cứ làm nhân lẫn nhau, gây thành quả khổ vô cùng vô tận, nên gọi là Tập đế.
3. Diệt đế (Nirodha satya)
Diệt đế là Giải thoát luận, và cũng là Lý tưởng luận của Phật giáo. Khổ đế và Tập đế là nguyên nhân và kết quả của khổ não. Diệt đế là phương pháp diệt trừ khổ quả và khổ nhân, đưa chúng sinh tới chỗ Niết bàn thường trụ. Căn cứ vào giáo lý của Đức Phật, thì khổ quả của con người là do nghiệp làm cận nhân, nghiệp nương vào hoặc mà sinh, hoặc lấy vô minh làm nguyên nhân căn bản. Từ vô minh sinh ra ngã tưởng, y vào ngã tưởng sinh ra chấp trước, nhận thế giới vô thường là thực tại, nên sinh ra vọng tưởng, vọng tưởng là cơ bản để sinh ra mọi phiền não, gây ra mọi nghiệp nhân, tạo thành cái quả khổ sinh tử. Vì vậy, nếu muốn diệt khổ quả, trước hết phải đừng tạo nghiệp nhân, muốn không tạo nghiệp nhân, trước hết cần phải diệt ngã tưởng. Ngã tưởng đã đoạn, thì nhận được chân tướng của thế giới là Bản lai vô ngã. Biết được chân tướng của thế giới là Bản lai vô ngã, tức là ngã tưởng đoạn diệt, cắt đứt được xiềng xích luân hồi, thoát mọi khổ não trong bể sinh tử, không bị luân hồi trong lục thú, tới chốn giải thoát Niết bàn, đó là Diệt đế.
4. Đạo đế (Màrga satya)
Giáo lý dùng làm nguyên nhân để đạt tới quả giải thoát Niết bàn, tức là những pháp môn thực tiễn tu hành, thuộc Đạo đức luận của Phật giáo. Căn cứ vào giáo lý của Đức Phật để đạt tới quả Niết bàn, thì không giống như Thuận thế ngoại đạo, thiên chấp về khổ hạnh hay khoái lạc, mà là pháp môn Trung đạo (Madhya pratipada). Pháp môn Trung đạo này, Đức Phật nương vào thời cơ mà nói ra, như khi sơ chuyển pháp luân, Ngài nói giáo lý Bát chính đạo, khi nhập Niết bàn, Ngài nói “Tam Thập Thất Phẩm Trợ Đạo”. Để quy định cách thức tu hành và hành vi hàng ngày cho các đệ tử, nên Ngài lại nói ra giới luật hay Thiền định v.v.
Vậy nên, người tu hành trước hết phải giữ giới để thân tâm được thống nhất, không bị mọi vọng niệm khuấy động, do công phu đó mà trí tuệ được phát sinh, thấu suốt được chân tướng của thế giới, diệt trừ được mọi Hoặc, Nghiệp, Khổ. Trong pháp môn Tứ đế thì Khổ đế và Tập đế là nhân quả thế gian; Diệt đế và Đạo đế là nhân quả xuất thế gian. Biểu đồ tóm tắt như sau:
III. Mười hai nhân duyên
Mười hai nhân duyên là giáo lý nội quán của Đức Phật khi thành đạo. Sau khi thành đạo, Ngài căn cứ vào lẽ sinh khởi của khổ giới là Khổ đế và Tập đế mà lần lượt nói ra sự quan hệ nhân quả của nó có mười hai thứ, được gọi là mười hai duyên khởi, hoặc mười hai chi, hay mười hai nhân duyên. Đối với giáo lý của Phật giáo, mười hai nhân duyên chiếm một vị trí rất quan trọng.
Giải thích về mười hai nhân duyên có nhiều phương pháp khác nhau. Nay căn cứ vào phương pháp Tam thời phối đẳng để giải thích đại khái như sau:
Trước hết, chi “Lão tử” ( Javà marana) của vị lai phải chịu, là từ chi “Sinh” ( Jàti) ở vị lai mà có; chi “Sinh” ở vị lai là kết quả về tích tập mọi nghiệp của hiện tại là “Hữu” mà có; chi “Hữu” (Bhava) thì nương vào sự chấp trước của “Thủ” mà có; chi “Thủ” (Upàdàna) nương vào sự tham ái về sự vật của “Ái” mà có; “Ái” (Tṛṣṇā) nương vào sự cảm giác khổ vui của “Thọ” mà có; chi “Thọ” (Vedanà) nương vào sự xúc tiếp với ngoại cảnh của “Xúc” mà có; chi “Xúc” (Sparsa) nương vào sự xúc tiếp về sáu cảm quan của “Lục nhập” mà có; “Lục nhập” (Sad àyatana) nương vào sự kết hợp giữa thân và tâm của “Danh sắc” mà có; “Danh sắc” (Nāma-rūpa) nương vào sự tác dụng nhận thức phân biệt của “Thức” (Vijnãna) mà có; nhưng thân thể của hiện tại thì đều do kết quả về nghiệp ở quá khứ đã tạo là “Hành” (Samskàra); “Hành” nương vào “Hoặc” tức là “Vô minh” (Avidyā) mà sinh ra. Như vậy, nguyên nhân căn bản của mọi khổ não tức là “Vô minh”, gọi là Căn bản vô minh.
Trong mười hai chi, Sinh và Lão tử là hai quả vị lai, nguyên nhân trực tiếp của hai quả này là ba chi Ái, Thủ, Hữu, gọi là ba nhân của hiện tại. Năm chi Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thủ là nguyên nhân gián tiếp cho hai quả vị lai, đồng thời lại là kết quả về nghiệp của quá khứ, nên còn gọi là năm quả của hiện tại, sau hết, Vô minh và Hành là hai nhân ở quá khứ. Như vậy ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai trở thành mối quan hệ nhân quả lẫn nhau, gọi là Tam thế lưỡng trùng nhân quả. Nếu phối đẳng với ba thứ Hoặc, Nghiệp, Khổ thì hai quả của vị lai và năm quả của hiện tại là “Khổ”; Hữu và Hành là “Nghiệp” của quá khứ và hiện tại; Thủ, Ái và Vô minh là “Hoặc” của quá khứ và hiện tại.
Khổ, Hoặc và Nghiệp cũng quan hệ lẫn nhau, nên tạo thành một vòng tròn tuần hoàn không ngừng, mười hai nhân duyên cũng nương vào nhau để tạo nhân kết quả, chắp thành mối dây liên lạc vô cùng vô tận.
Nay đem Khổ đế và Tập đế phối đẳng với mười hai nhân duyên theo bản đồ như sau:
Mười hai nhân duyên như trên đã thuật, là pháp tư duy nội quán của Đức Phật ở dưới cây Bồ đề. Ngài đã chứng ngộ, biết được nguyên nhân căn bản của mọi khổ là do Hoặc tức là Vô minh, nên Ngài đã đoạn diệt vô minh và chứng được đạo Giải thoát. Vậy nên, nếu Vô minh diệt tức Hành diệt, Hành diệt tức Thức diệt, Thức diệt tức Danh sắc diệt, Danh sắc diệt tức Lục nhập diệt, Lục nhập diệt tức Xúc diệt, Xúc diệt tức Thọ diệt, Thọ diệt tức Ái diệt, Ái diệt tức Thủ diệt, Thủ diệt tức Hữu diệt, Hữu diệt tức Sinh diệt, Sinh diệt tức Lão tử mọi khổ đều diệt, đạt tới cảnh giới Niết bàn giải thoát.
IV. Thế giới quan
Đức Thế Tôn, Ngài quan sát thế giới theo hai dạng thức khác nhau, tức là Hiện thực thế giới quan và Lý tưởng thế giới quan.
Hiện thực thế giới quan là thế giới sinh tử, mê vọng, khổ não; Lý tưởng thế giới quan là thế giới Niết bàn, thường trụ an lạc. Hai thế giới này được phân chia là căn cứ vào sự chi phối của nhân duyên có hay không. Về Hiện thực thế giới thì nương vào nhân duyên mà có, nên là thế giới vô thường (Aniccatà), có sinh diệt biến hóa, thuộc thế giới hữu vi (Samskrta); Lý tưởng thế giới thì không bị nhân duyên chi phối, nên là thế giới thường trụ, không sinh diệt biến hóa, thuộc thế giới vô vi (Asamskrta).
Về thành phần để thành lập thế giới thì có vật và tâm, và sự quan hệ giữa vật và tâm, hay là không phải vật và cũng không phải tâm, chia làm năm yếu tố, gọi là Năm uẩn (Pãnca skandàh). Uẩn có nghĩa là tích tụ.
1. Sắc uẩn (Rūpa skadha)
Tổng thể của vật chất, có tính cách chướng ngại, trước hết là bốn nguyên tố Địa, Thủy, Hỏa, Phong, sau là do sự kết hợp của bốn nguyên tố thành ngũ quan là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và đối cảnh của ngũ quan là ngũ trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc.
2. Thọ uẩn (Vedanà skadha)
Sự cảm thụ của ngũ căn đối với ngũ trần sinh ra mọi cảm giác như khổ, sướng, vui, buồn v.v.
3. Tưởng uẩn (Samjnã skadha)
Sự tưởng tượng và tư duy về hình dáng của sự vật, sau tác dụng của căn đối với cảnh.
4. Hành uẩn (Samskàra skadha)
Sự quan hệ tác dụng của tâm và tâm bất tương ưng hành, khởi ra mọi hành động thiện, ác.
5. Thức uẩn (Vijgãna skadha)
Thức uẩn là tác dụng của tinh thần, để nhận thức và phân biệt mọi trạng thái của tâm đối với cảnh, tức là ý thức, bản thể của tâm.
Năm uẩn đều có cái công năng tạo tác và kết hợp để thành lập thế giới. Vì nương vào sự kết hợp khác nhau, nên sinh ra thế giới hữu tình và vô tình, thiên hình vạn trạng sai khác nhau. Sự kết hợp của năm uẩn thì không nhất định, nương vào nhân duyên mà kết hợp, cũng lại nương vào nhân duyên mà ly tán. Vì lý do kết hợp, ly tán, nên ước vào thời gian thì không thường trụ, ước vào không gian lại không cố định. Tóm lại, về hiện tượng của thế giới hữu vi là biến hóa vô thường, nên gọi là Chư hành vô thường.
Chư hành vô thường là chân tướng của thế giới hiện thực, là thế giới của sinh diệt biến hóa, phủ nhận sự tồn tại của Ngã, là chủ tể duy nhất. Ngã chẳng qua chỉ là cái quá trình của sinh diệt biến hóa, chỉ tạm thời tồn tại, ví như nước chảy, bọt nổi đều không có thực thể. Như vậy, nếu Ngã không có thực thể, mà tưởng tượng là thực thể, thực hữu, thì chỉ là sự mê vọng, cho nên gọi là Chư pháp vô ngã.
Chúng sinh không biết, nhận thế giới là thường trụ, tưởng tượng là có Ngã, chấp trước thành Ngã tưởng, sinh ra mọi thứ Hoặc, tạo ra mọi thứ Nghiệp, gây ra mọi sự Khổ, nên gọi là Nhất thiết giai khổ. Nếu biết được “chư hành vô thường”, “chư pháp vô ngã”, “nhất thiết giai khổ”, tức là đoạn diệt được mọi “Hoặc”, “Nghiệp”, “Khổ”, tới chốn Niết bàn tịch tịnh.
Thế giới tuy chia ra hữu vi và vô vi, khổ và vui, vô thường và thường trụ, sinh tử và Niết bàn, nhưng chỉ là nương vào sự có Ngã tưởng hay không có Ngã tưởng mà thành lập. Nếu khởi ra tâm có Ngã tưởng, thì đồng thời cũng sinh ra hiện tượng giới của nhân duyên sinh diệt, gây thành thế giới hữu vi khổ não. Trái lại, nếu diệt được Ngã tưởng, thì đồng thời cũng giải thoát được cái quan hệ của nhân duyên sinh diệt tới cõi vô vi an lạc. Vậy nên pháp Vô Ngã quán chiếm một địa vị trọng yếu trong Phật giáo.
V. Phân loại thế giới
Yếu tố để thành lập thế giới là Năm uẩn. Vì sự kết hợp sai khác nên có phần thô và phần tế của sắc, nên chia ra Sắc giới (Rūpa dhàtu) và Vô sắc giới (arūpa-dhātu). Sắc giới thì nương vào điều kiện dục vọng nhiều hay ít, nên lại chia ra Sắc giới và Dục giới (kāma-dhātu), tức là tam giới. Vô sắc giới được thành lập từ phần vi tế của Sắc uẩn và bốn uẩn khác; Sắc giới thì hoàn toàn do Năm uẩn thành lập; Dục giới cũng do Năm uẩn thành lập, nhưng là thế giới rất xí thịnh về ba mặt: ăn uống, sắc dục và thụy miên.
Y vào giá trị đạo đức để phân loại, thì thế giới hữu tình chia ra Ngũ thú (pañca gatayaḥ), hay là Lục thú (sadgat), nếu lại chia nhỏ ra thì có hai mươi lăm cõi Hữu, gọi là Nhị Thập Ngũ Hữu.
Ngũ thú: (1) Địa ngục (Naraka), (2) Ngạ quỷ (Preta), (3) Súc sinh (Tiryagyoni), (4) Nhân gian (Manusya), (5) Thiên giới (Deva), về Thiên giới thêm A tu la giới thành Lục thú.
Nhị thập ngũ Hữu: Bao gồm tất cả 25 cõi Hữu như sau
(1) Tứ châu tức là bốn đại châu của nhân gian ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc núi Tu Di (Semeru Diệu Cao sơn), châu Nam Diêm Phù Đề (Daksinajambu) ở phương Nam, châu Phất Bà Đề (Pùrvàvideha) ở phương Đông, châu Cù Đà Ni (Apara godanya) ở phương Tây, châu Uất Đan Việt (Uttara kuru) ở phương Bắc.
(2) Bốn ác thú tức là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh và A tu la.
(3) Cõi trời Lục dục, sáu cõi trời thuộc về Dục giới: Trời Tứ Thiên Vương (Trì Quốc, Quảng Mục, Đa Văn, Tăng Trưởng), cõi trời Đao Lợi (Trayastrimsah), cõi trời Dạ Ma (Yama), cõi trời Đâu Suất (Tusita), cõi trời Hóa Lạc (Nirmanarati), cõi trời Tha Hóa Tự Tại (Paranirmita).
(4) Cõi trời Phạm Thiên.
(5) Cõi trời Vô Tưởng (Asanjnàsattva). (6) Cõi trời Tịnh Cư (Suddhavàsa).
(7) Cõi trời Tứ Thiền tức là: Sơ Thiền thiên, Nhị Thiền thiên, Tam Thiền thiên, Tứ Thiền thiên.
(8) Cõi trời Tứ Không Xứ là: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên.
Bốn châu, bốn ác thú, sáu cõi trời Dục, là mười bốn cõi Hữu thuộc Dục giới. Từ cõi trời Phạm Thiên đến cõi trời Tứ Thiền, gồm bảy cõi, thuộc Sắc giới. Cõi trời Tứ Không Xứ thuộc Vô sắc giới. Bản đồ tóm tắt như sau:
Vì hai mươi lăm cõi Hữu là nơi y báo của loài hữu tình, căn cứ vào nghiệp thiện hay ác mà phải chịu quả báo luân hồi sinh tử trong hai mươi lăm cõi đó, nên gọi là Hữu, thuộc thế giới hữu vi. Từ Địa ngục đến A tu la là thế giới đại khổ; nhân gian là thế giới nửa khổ nửa vui, các cõi trời là thế giới vui, nhưng ở trong vòng tương đối, không phải là vui cứu cánh, vì chưa thoát khỏi luân hồi. Vậy nên, Tam giới và Lục thú đều là thế giới khổ não. Muốn tới chốn tuyệt đối khoái lạc, cứu cánh giải thoát thì phải siêu việt Tam giới và Lục thú, tiến tới cảnh giới tịch tĩnh vô vi Niết bàn.
VI. Phiền não và giải thoát
Nguyên nhân sinh khởi của khổ giới và luân hồi trong tam giới là Nghiệp. Nghiệp nương vào phiền não là Hoặc mà tạo tác. Muốn đạt tới cảnh giới giải thoát Niết bàn trước hết phải đoạn Hoặc nghiệp.
Hoặc có hai thứ là Trí hoặc và Tình hoặc. Vì mê lý của Tứ đế nên gọi là Trí hoặc, hay là mê lý hoặc; mê về sự tướng của Tứ đế, gọi là Tình hoặc, hay là mê sự hoặc. Phần mê lý hoặc, vì đoạn diệt được dễ dàng, nên gọi là Kiến hoặc; phần mê sự hoặc, vì đoạn diệt được phải suy nghĩ rất khó khăn, nên gọi là Tư hoặc, Kiến hoặc là phần đoạn hoặc của bậc Kiến đạo, Tư hoặc là phần đoạn hoặc của bậc Tu đạo.
Kiến hoặc
Kiến hoặc chia ra mười thứ gọi là Thập sử. Sử nghĩa là phiền não, nó luôn luôn sai khiến cái tâm làm việc xằng bậy, phá hoại mầm mống thiện căn. Thập sử: (1) Thân kiến (Satkày drsti) - chấp trước thân thể cho là thực hữu, có cái Ta. (2) Biên kiến (Antagnàha drsti) - chấp vào một bên, hoặc đoạn diệt hay thường trụ. (3) Tà kiến (Mithyà drsti) - không tin nhân quả, tội phúc báo ứng. (4) Kiến thủ (Drsti paràmarsa dsrti) - cố chấp vào ngộ kiến của mình cho là đúng. (5) Giới cấm thủ (Silavrata pràmarsa drsti) - Những giới cấm không phải là nhân của đạo giải thoát, chấp làm nhân của đạo giải thoát để tu, như ngoại đạo Bà La Môn. (6) Tham dục (Ràga), (7) Sân nhuế (Dvesa), (8) Ngu si (Moha), (9) Mạn (Màna), (10) Nghi (Vicikitsà) - nghi ngờ. Trong mười sử, năm sử đầu đoạn diệt được dễ dàng, nên gọi là Ngũ Lợi Sử (Anca tiksna dùla); năm sử sau đoạn diệt được phải tốn nhiều công phu khó khăn, nên có tên là Ngũ Độn Sử (Pnàca klesa dùta).
Tư hoặc
Tư hoặc là bốn hoặc Tham, Sân, Si, Mạn, chia ra làm chín phẩm cao thấp khác nhau, tức là phẩm Thượng, phẩm Trung, phẩm Hạ, trong mỗi phẩm Thượng, Trung, Hạ lại chia thành thượng, trung, hạ. Theo bản đồ như sau:
Nếu đoạn diệt được mọi hoặc kể trên thì có thể chứng được giải thoát Niết bàn, gọi là Đoạn hoặc chứng lý, nghĩa là đoạn hết hoặc để chứng vào chân lý của Niết bàn. Hiện thân này, nếu nhờ vào sự đoạn hoặc mà chứng được Niết bàn, xác thân được tự do tự tại, không bị phiền não quấy nhiễu, gọi là chứng Hữu dư Niết bàn (Sopadhisesa Nirvàna). (Dư là Dư y, nghĩa là nhục thể hãy còn rớt lại). Nếu nhục thể khi đã chết, thì Dư y cũng không còn, tức là nghiệp nhân và nghiệp quả đều đoạn hết, gọi là chứng Vô dư Niết bàn (Nirpadhisesa Nirvàna).
Thí dụ: Đức Phật, Ngài chứng ngộ ở dưới cây Bồ đề, tức là chứng ngộ phần Hữu dư Niết bàn; khi Đức Phật nhập Niết bàn ở rừng Sa la Song thọ, gọi là chứng Vô dư Niết bàn.
Vậy ai là người có thể chứng được đạo Niết bàn, và phải tu hành như thế nào để chứng ngộ ? Căn cứ vào từng căn cơ, nương vào trình độ đoạn hoặc, nên sự chứng ngộ có nhanh và chậm, chia ra từng giai đoạn tu hành và chứng quả khác nhau. Người lợi căn thì đốn ngộ, hiện thân chứng ngay được quả Hữu dư Niết bàn, người độn căn phải tu nhiều kiếp rồi mới chứng ngộ.
Về vị thứ của người tu hành chia làm hai ngôi là Thánh vị và Phàm vị (Hiền vị). Thánh vị lại chia ra Tứ quả, và tiền đề của Tứ quả là Tứ hướng. Phàm vị gồm bảy vị gọi là Thất hiền vị.
Phàm vị, tức Thất hiền vị:
1. Ngũ đình tâm - Pháp tu quán để đình chỉ năm thứ lỗi của tâm.
(1) Quán tưởng thế giới đều là bất tịnh, để chữa tâm tham dục, gọi là “Bất tịnh quán”.
(2) Đem lòng từ bi đối với hết thảy chúng sinh, để chữa tâm đa sân, gọi là “Từ bi quán”.
(3) Quán mọi pháp đều do nhân duyên kết hợp mà thành để chữa tâm ngu si, gọi là “Nhân duyên quán”.
(4) Quán năm uẩn, mười tám giới (lục căn, lục trần, lục thức) đều là giả hợp, để chữa bệnh ngã chấp, gọi là “Giới sai biệt quán”.
(5) Quán đếm hơi thở để chữa tâm tán loạn, gọi là “Sổ tức quán”. Năm pháp quán này thuộc Tu vị.
2. Biệt tướng niệm xứ vị - Quán riêng biệt từng tướng riêng của các pháp:
(1) Quán thân thể đều là bất tịnh, gọi là “Quán thân bất tịnh”;
(2) Quán hết thảy mọi cảm giác đều không như ý, gọi là “Quán thọ thị khổ”;
(3) Quán tâm thay đổi luôn luôn, gọi là “Quán tâm vô thường”;
(4) Quán hết thảy mọi pháp đều không chủ tể, gọi là “Quán pháp vô ngã”.
Bốn phép quán này thuộc Quán pháp.
3. Tổng tướng niệm xứ vị - Quán gồm mọi tướng của chư pháp, trái với sai biệt quán, tức là quán bốn pháp: Thân, Thọ, Tâm, Pháp đều là bất tịnh, đều là khổ, đều là vô thường, đều là vô ngã. Ba vị thứ như trên đã kể thuộc “Ngoại phàm vị”, bốn vị thứ dưới đây thuộc “Nội phàm vị”.
4. Noãn vị - Quán về lý của Tứ đế, nhờ đó mà trí tuệ phát ra, để làm mọi điều thiện, ngăn điều ác.
5. Đỉnh vị - Nương vào phép quán, trí tuệ dần dần được sáng tỏ, nếu cố gắng tinh tấn sẽ bước lên Thánh vị, nếu lười biếng tu hành sẽ bị thoái xuống ác thú.
6. Nhẫn vị - Trí tuệ đã trở nên sáng tỏ, nhận chân được lý của Tứ đế.
7. Thế đệ nhất vị - Đối với vị thứ đoạn hoặc thuộc hữu lậu thế gian, thì ngôi này ở địa vị tối cao, chuẩn bị bước lên Thánh vị.
Thánh vị - Tức là Tứ hướng và Tứ quả:
1. Dự lưu hướng và Dự lưu quả (Suratapanna phata)
Kiến hoặc trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới đã đoạn hết, bắt đầu dự vào hàng Thánh, Dự lưu hướng là chỉ vào trạng thái đang lúc tu hành để mong đạt tới quả vị. Vị này thuộc quả Tu đà hoàn.
2. Nhất lai hướng và Nhất lai quả (Sarkdàgàmin phata)
Tư hoặc của Dục giới đã đoạn được một nửa, còn phải chịu một lần tái sinh ở cõi đó để đoạn hết. Vị này thuộc quả Tư đà hàm.
3. Bất lai hướng và Bất lai quả (Anagàmin phata)
Tư hoặc của Dục giới đã đoạn diệt hoàn toàn, không còn phải tái sinh vào Dục giới nữa. Vị này thuộc quả A na hàm.
4. Vô học hướng và Vô học quả (Arhat phata)
Ngôi này đã hoàn toàn đoạn diệt hết Kiến hoặc và Tư hoặc trong tam giới, sạch hết mọi phiền não, siêu việt tam giới, không còn gì phải đoạn nữa. Vị này thuộc quả A la hán.
Ngôi A la hán là quả vị tu hành cao nhất của Tiểu thừa. Tới cảnh giới A la hán, thì hiện thân chứng được Niết bàn, không còn phải chịu sinh tử trong tam giới, nên có tên là Bất sinh; giết hết đám nghịch tặc phiền não, nên có tên là Sát tặc; nhận chịu các thứ cúng dàng của người và trời, đều khiến cho được phúc báo, nên có tên là Ứng cúng; xa lìa được mọi ác, nên lại có tên là Ly ác.
Như trên đã thuật, ngôi Dự lưu đoạn hết được phần Kiến hoặc, nên gọi là ngôi “Kiến đạo” (Darsana Màrga); ngôi Nhất lai và Bất lai đoạn được phần Tư hoặc, nên gọi là ngôi “Tu đạo” (Bhàvanà Màrga).
Ngôi Vô học tức ngôi “Vô học đạo” (Asaiksa Màrga). Biểu đồ chỉ dẫn như sau:
VII. Ý nghĩa Niết bàn
Niết bàn (nirvāṇa) có nghĩa là diệt độ. Tức là đã đoạn diệt hết mọi khổ sinh tử tới cõi hoàn toàn yên vui giải thoát. Nguyên lai ý nghĩa đó có hai phương diện là tiêu cực và tích cực. Cần phải đoạn hết phiền não là nghĩa tiêu cực, cần phải đạt tới chỗ an lạc giải thoát là nghĩa tích cực. Vậy bậc tu hành đã chứng tới Niết bàn, thời không còn phải sinh tử, tới chốn đại an lạc. Niết bàn còn có nghĩa là hết mọi vọng động tới chỗ tịch tĩnh, lìa mọi pháp hữu vi tới chỗ vô vi, lìa mọi hư vọng tới chỗ chân như, lìa mọi giả tướng tới chỗ thực tướng, siêu việt mọi nghĩa đoạn thường của thế gian tới chỗ trung đạo, vượt mọi ngã và phi ngã của thế gian thường kiến tới chỗ chân ngã.
Người đời thường ngộ nhận về nghĩa Niết bàn là hư vô, là tiêu cực. Nhưng thực ra chỉ vì người đời ngộ nhận, chấp trước vào mọi hiện tượng sinh diệt biến hóa ở thế gian, nhận là thực hữu, vì mục đích phá ngộ nhận đó, nên Đức Phật nói có Niết bàn. Như vậy, Niết bàn không phải là nghĩa tiêu cực, hư vô, mà là nghĩa tích cực, chân thật. Tức là, đối với thường thì thường trụ, đối với Khổ là Lạc, đối với Ngã là Chân ngã, đối với Bất tịnh là Thanh tịnh, đối với Hư vọng là Chân thực, đối với Sai biệt là Bình đẳng, đối với Hiện tượng là Bản thể thực tại. Tóm lại, Niết bàn phải là cái đích tối cao, để con người quy y, là nơi an lạc cho từng cá nhân, nơi hiệp đồng trụ xứ cho trăm ngàn vạn người, cho toàn thể chúng sinh.
VIII. Giáo lý thực tiễn tu hành
Phật giáo là một tôn giáo, không thiên về triết học, nên không chú trọng lý luận, mà đặc biệt chú trọng vào thực hành. Phần lý luận, chẳng qua chỉ là tiền đề cho phần thực hành. Về giáo lý thực tiễn tu hành, trước hết là pháp môn Tứ đế. Căn cứ vào mục đích giải thoát Niết bàn, nên lấy giáo nghĩa Diệt đế làm trung tâm, căn cứ vào phương pháp để đạt tới mục đích đó, nên lấy giáo nghĩa Đạo đế làm trung tâm.
Đức Phật, lúc Sơ chuyển Pháp luân, Ngài đã nói ra giáo lý để làm căn bản cho sự tu hành, đó là giáo lý Trung đạo. Trung đạo tức là Tám chính đạo (tám con đường chân chính). Tới khi nhập Niết bàn, Phật lại nói thêm các pháp: Bốn niệm xứ (Catvàri Smrtiupasthànàni), Bốn chính cần (Catvàri samyakpradhànàni), Bốn như ý túc (Catvàri riddhipàdàh), Năm căn (Pãnca indriyàni), Năm lực (Pãnca balàni), Bảy giác chi (Sapta bodhiangàni), gồm bảy khoa, phần trọng yếu nhất là khoa Tám chính đạo, còn các khoa khác chỉ là phần phụ thuộc.
1. Bốn niệm xứ: Thân niệm xứ, Thụ niệm xứ, Tâm niệm xứ, Pháp niệm xứ. Niệm xứ nghĩa là tâm chuyên chú vào một chốn, để nhớ lại các điều thiện. Căn cứ vào bốn cảnh là Thân (Kàya) của Sắc uẩn, Thọ (Vedanà) của Thọ uẩn, Tâm (Citta) của Thức uẩn, Pháp (Dharma) của Hành uẩn và Tưởng uẩn, để phá bốn điên đảo vọng tưởng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nên quán niệm về Bất tịnh, Bất lạc, Vô thường, Vô ngã.
2. Bốn chính cần: Pháp tu của Noãn vị thuộc Phàm vị. Tứ niệm xứ là pháp nội quán, trái lại Tứ chính cần là phương pháp tu cho cả trong tâm và ngoài hành vi được thanh tịnh. Nghĩa là, điều ác đã sinh cần phải siêng năng đoạn diệt, điều ác chưa sinh cần phải siêng năng đừng để cho sinh; điều thiện đã làm phải siêng năng tinh cần làm thêm; điều thiện chưa sinh cần phải siêng năng làm cho mau sinh.
3. Bốn như ý túc: Pháp tu của ngôi Đỉnh vị thuộc Phàm vị, để mong cầu các điều nguyện được như ý, mãn túc, mau chóng chứng được Lục thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Túc mệnh thông, Tha tâm thông, Thần túc thông và Lậu tận thông), để thân và tâm được tự tại. Bốn như ý túc là: Dục như ý túc - Nương vào thiền định để mong cầu được như ý muốn; Niệm như ý túc - Nhớ nghĩ tới những điều đã nguyện vọng, để nhất tâm tu thiền định; Tinh tấn như ý túc - Tinh tiến tu hành để thiền định không bị gián đoạn; Tuệ như ý túc - Nương vào trí tuệ để quán chư pháp.
4. Năm căn và Năm lực:
(1) Tín (Sraddha) - Tin vào Tam bảo, chứng được quả Dự lưu.
(2) Tấn (Viriya) - Tinh tiến tu Tứ chính cần để chỉ ác tác thiện.
(3) Niệm (Smrti) - Nương vào chính niệm để tu Tứ niệm xứ.
(4) Định (Samādhi) - Tu thiền định để tâm được thống nhất.
(5) Tuệ (Prajnà) - Nhờ trí tuệ chứng được lý Tứ đế.
Năm căn và Năm lực, danh mục cùng giống nhau, vì là nguyên nhân căn bản sinh ra mọi thiện pháp nên gọi là Căn, nhờ quả đức đó để phá mọi ác nghiệp nên gọi là Lực.
5. Bảy giác chi:
(1) Niệm giác chi (Smarti bodhi angah) - Nhớ nghĩ mọi thiện pháp để tâm được bình tĩnh.
(2) Trạch pháp giác chi (Dharma pravicaya angah) - Tuyển trạch về sự chân và ngụy của mọi pháp, để lấy chân bỏ ngụy.
(3) Tinh tấn giác chi (Viriya angah) - Tinh tiến tu hành mọi chân pháp.
(4) Hỷ giác chi (Priti angah) - An trụ vào pháp hỷ thiền duyệt của chân pháp.
(5) Khinh an giác chi (Prasrabdhi angah) - Thân tâm trở nên khinh an.
(6) Định giác chi (Samādhi angah) - Nương vào thiền định để tu.
(7) Xả giác chi (Upeksà angah) - Tâm được trở nên bình đẳng.
Bảy giác chi này có ý nghĩa là tuyển trạch về thiện ác, chân ngụy của chư pháp, để giúp cho sự giác ngộ chân lý Tứ đế, nên gọi là Giác chi.
6. Tám chính đạo (Àryàstàngika màrga) - Tám con đường công bằng chân chính, hợp với chân lý Tứ đế, tiến tới đạo Niết bàn, nên gọi là Chính đạo.
(1) Chính kiến (Samyag drsti) - Chính quán về lý của
Tứ đế, tin vào sự giải thoát và nhân quả của mê ngộ.
(2) Chính tư duy (Samyag samkalpa) - Tư duy về nghĩa chân chính của lý Tứ đế, để lìa Tham, Sân, Si.
(3) Chính ngữ (Samyag vàca) - Nói năng ngay thẳng, lìa mọi lỗi của khẩu nghiệp.
(4) Chính nghiệp (Samyag karmànta) - Bỏ mọi tà nghiệp để thân nghiệp thanh tịnh.
(5) Chính mệnh (Samyag àgiva) - Lìa mọi tà mệnh, mọi sinh hoạt bất chính để ba nghiệp trong sạch.
(6) Chính tinh tấn (samyag vyàyàma) - Tinh tiến về việc bỏ ác làm thiện.
(7) Chính niệm (Samyag smrti) - Nhớ nghĩ về chính pháp, gạt mọi tà niệm.
(8) Chính định (Samyag Samādhi) - Chuyên chú vào một cảnh để thiền định trở thành vô lậu thanh tịnh.
Tóm tắt bảy khoa có 37 phẩm trợ đạo như sau:
IX. Tam học
Nói về điều quan trọng để thực hành trong Phật giáo, ta có thể quy kết vào Tam học, tức là Giới, Định, Tuệ.
Mục đích cứu cánh của Phật giáo là đoạn hoặc, chứng ngộ. Muốn đạt tới mục đích đó thì phải nương vào trí tuệ. Trí tuệ đây không phải là ý nghĩa về tri thức và kinh nghiệm phổ thông ở thế gian, mà là trí tuệ của xuất thế gian, trong Phật giáo gọi là Vô lậu trí tuệ. Muốn lĩnh ngộ được trí tuệ đó, trước hết phải lấy Thiền định để nhiếp trì mọi căn, tập trung tư duy, bỏ hết tạp niệm, thì tự nhiên trí tuệ được phát hiện. Nhưng Trí tuệ và Thiền định là do ở công phu Trì giới mà sinh. Vậy nên, do Trì giới mà sinh ra Định, do Thiền định mà phát ra Trí tuệ.
1. Giới (Sila)
Ý nghĩa của giới là sự tích cực làm điều thiện, ngăn điều ác, để tránh mọi lỗi lầm của ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý. Giới còn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa (Pràtimoksa), hay là Biệt giải thoát, gồm có các điều giới, được ghi trong kinh Giới bản của Tỷ khưu và Tỷ khưu ni.
Biệt giải thoát nghĩa là giữ riêng từng điều giới một, sẽ được giải thoát từng tội lỗi một. Tại gia Phật tử thì giữ các điều giới là Ngũ giới và Thập thiện.
Ngũ giới - Không được sát sinh; không được trộm cắp; không được tà dâm; không được uống rượu; và không được vọng ngữ.
Thập thiện - Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, là ba thiện nghiệp thuộc về thân nghiệp; không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không ác khẩu, không nói thêu dệt, là bốn thiện nghiệp thuộc khẩu nghiệp; không tham, không sân, không si (tà kiến), ba thiện nghiệp này thuộc về ý nghiệp.
2. Định (Samādhi)
Định còn gọi là Đẳng trì, hay là Thiền-na (Dhyàna). Tâm tập trung vào một cảnh, không để cho tán loạn, không thiên về lạc quan hay bi quan, thân tâm khinh an, quán suốt mọi pháp, để phát sinh ra trí tuệ Vô lậu. Về thiền định có chia ra tám giai đoạn, gọi là Bát định. Tức là định Sơ thiền, định Nhị thiền, định Tam thiền, định Tứ thiền, định Không vô biên xứ, định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ và định Phi tưởng Phi phi tưởng xứ.
(1) Định Sơ thiền: Tâm tập trung vào một cảnh, phần tâm thì trở nên Tầm cầu (vitraka), Tứ sát (Visàra); phần tình thì cảm thấy trạng thái Hỷ (Priti), Lạc (Skha), và Xả (Upeksà), bình đẳng.
(2) Định Nhị thiền: Nhờ định này, lìa được trạng thái Tầm và Tứ, chỉ còn cảm về Hỷ, Lạc và Xả.
(3) Định Tam thiền: Tu phép định này, lìa được trạng thái Hỷ, chỉ còn cảm về trạng thái Lạc và Xả.
(4) Định Tứ thiền: Định này lìa được trạng thái Lạc, chỉ còn riêng cảm giác Xả.
(5) Định Không vô biên xứ: Tu định này lìa được phần thô tạp của sắc tướng, mà quán về trạng thái hư không vô biên.
(6) Định Thức vô biên xứ: Lìa được trạng thái Không quán của ngoại giới, chỉ còn quán phần thức vô biên của nội giới.
(7) Định Vô sở hữu xứ: Lìa được trạng thái của Không quán, thức quán, và tâm sở hữu, chỉ còn phần quán về vô tưởng của trạng thái bình đẳng vô sai biệt.
(8) Định Phi tưởng Phi phi tưởng xứ: Tu định này không những lìa được phần Hữu tưởng của Thức xứ, mà còn lìa cả được trạng thái vô tưởng của vô sở hữu xứ.
Mục đích của tám phép quán trên, cốt yếu để lìa cái căn nguyên mê vọng, và quan niệm tương đối hữu vô, đưa tâm đến trạng thái chí cực tịch tĩnh, để có thể đoạn trừ mọi hoặc nghiệp.
3. Tuệ (Prajnà)
Nhờ ở kết quả của tu định, dần dần chân tâm được sáng tỏ, trí tuệ đại vô lậu được hiển hiện, phân biệt được phần tự tướng là tính đặc hữu và cộng tướng là tính chung của mọi pháp, chứng ngộ được lý Tứ đế, đoạn trừ được mọi hoặc, đưa tác dụng của phần tâm tới chỗ thâm áo cao diệu.
Sau hết là phép tu tổng quát cho tất cả các hàng Phật tử là Lục độ tức là Bố thí (Dàna - Đàn-na), Trì giới (Sìla - Thi-la), Nhẫn nhục (Ksànti - Sằn-đề), Tinh tiến (Virya - Tỳ-lê-gia), Thiền định (Dhyàn - Thiền-na), Trí tuệ (Prajnà - Bát nhã).
Bố thí là tích cực làm thiện để bỏ tâm tự lợi và tham dục; Trì giới là tích cực bỏ điều ác, nhiếp trì mọi thiện căn; Nhẫn nhục là nhẫn nại mọi sự oán hại, không khởi ra tâm phục thù, và kham nhẫn mọi sự khổ sở; Tinh tiến là chuyên cần làm điều thiện, để tránh lỗi ác; Thiền định là tập trung tâm vào một chốn, để tâm được an định; Trí tuệ thì do tu thiền định phát sinh mà tỏ rõ được tính, tướng của mọi pháp.
Lục độ phối hợp với Tam học theo như biểu đồ sau: