I. Giáo đoàn tổ chức
Sự tổ chức của giáo đoàn
Giáo đoàn của Phật giáo gọi là Tăng già (Sangha), nghĩa của Tăng già là đại chúng hoặc là hòa hợp. Thành phần tổ chức của Tăng già là đoàn thể tôn giáo. Đức Thế Tôn khi còn tại thế, phương thức đoàn thể tôn giáo cũng đã được chế định. Những pháp quy của đoàn thể Tăng già gọi là Luật tạng là để quy định về cách tổ chức và sinh hoạt. Thành phần của đoàn thể Tăng già gồm có bảy chúng xuất gia và tại gia:
Tỷ khưu (Bhiksu): Phái nam xuất gia từ 20 tuổi trở lên, đã thọ giới Cụ túc.
Tỷ khưu ni (Bhiksuni): Phái nữ xuất gia từ 20 tuổi trở lên, đã thọ giới Cụ túc.
Sa-di (Sràmanera): Phái nam xuất gia, đã thọ 10 giới.
Sa-di-ni (Sràmaneri): Phái nữ xuất gia, đã thọ 10 giới.
Thức-xoa-ma-na (Sikhaimànà): Phái nữ đã xuất gia, sau khi thọ sa-di-ni phải thêm hai năm học giới để chuẩn bị thọ giới Tỳ khưu ni.
Ưu bà tắc (Upàsakak): Phật giáo đồ phái nam.
Ưu bà di (Upàsika): Phật giáo đồ phái nữ.
Trong bảy chúng, năm chúng trên thuộc chúng xuất gia, hai chúng sau thuộc chúng tại gia.
Về đoàn thể Tăng già có nghĩa rộng và nghĩa hẹp, nên Tăng già được phân chia thành ba loại:
Loại thứ nhất là Lý tưởng Tăng già. Lý tưởng Tăng già thì không phân biệt tại gia hay xuất gia, vì ai nấy đều là Phật tử, đều là Phật giáo đồ, nếu quyết tâm tu hành cũng đều có thể chứng ngộ, giải thoát. Về Lý tưởng Tăng già, có thể khảo sát theo hai phương diện: khảo sát theo phần lượng, về nghĩa rộng của Tăng già thì hết thảy chúng sinh đều bao hàm ở trong Tăng già; nếu khảo sát về phần chất thì hết thảy chúng sinh đều có thể chứng ngộ.
Loại thứ hai chỉ dành riêng cho năm chúng xuất gia mới gọi là Tăng già, tức Tỷ khưu Tăng già và Tỷ khưu ni Tăng già. Sa-di thuộc Tỷ khưu Tăng già, Sa-di-ni và Thức- xoa-ma-na thuộc Tỷ khưu ni Tăng già.
Loại thứ ba là Hội nghị Tăng già. Tỷ khưu Tăng già, hoặc Tỷ khưu ni Tăng già, căn cứ vào số người trong các cuộc tập họp mà thành lập. Nghi thức về hội nghị của Tăng già, cần phải có từ bốn người trở lên mới được gọi là Tăng già, từ ba người trở xuống thì không gọi là Tăng già mà gọi là “Quần” (Gana). Hội nghị của Tăng già chia làm năm thứ:
Hội nghị Tăng già gồm 4 người;
Hội nghị Tăng già gồm 5 người;
Hội nghị Tăng già gồm 10 người;
Hội nghị Tăng già gồm 20 người;
Hội nghị Tăng già từ 20 người trở lên.
Nghi thức hội nghị chia nhiều thứ như vậy, là vì dựa vào từng công việc một mà xử sự. Thí dụ việc thọ giới Cụ túc, nếu là nơi trung tâm trong nước thì hội nghị Tăng già cần phải có 10 người, nhưng ở nơi biên địa thì thay thế bằng hội nghị 5 người. Hội nghị Tăng già đã được tổ chức từ hồi Đức Thế Tôn còn tại thế, trong lúc Ngài sơ chuyển Pháp luân, độ năm ông Tỷ khưu làm đệ tử ở vườn Lộc Dã.
Cách sinh hoạt của người xuất gia
Đức Thế Tôn khi còn tại thế, Ngài đã chế định ra giới luật, để làm tiêu chuẩn sự tu hành và sinh hoạt cho các đệ tử. Sau khi Ngài diệt độ, các bậc Kỳ túc Trưởng lão lại theo đấy mà giải thích và quy định lại, biên thành Tỷ khưu giới bản và Tỷ khưu ni giới bản. Y vào Tứ Phần Luật thì Giới Bản Kinh của Tỷ khưu có 250 giới, Tỷ khưu ni có 348 giới. Theo Nam truyền Luật tạng thì giới bản của Tỷ khưu có 277 điều, Tỷ khưu ni có 311 điều. Các giới điều tuy có khác nhau, nhưng chỉ khác phần chi tiết, còn phần đại cương vẫn giống nhau. Giới bản của Tỷ khưu có 250 giới, được chia thành tám loại như sau:
Người xuất gia sau khi đã được thọ giới Cụ túc rồi, cần phải nương theo vào các điều giới luật như trong giới bản để làm mực thước sinh hoạt hàng ngày. Về sinh hoạt của người xuất gia, phải nương vào bốn phương thức sống:
1. Nương vào khất thực để sinh sống;
2. Nương vào áo vải thô để che thân;
3. Nương vào dưới gốc cây để ngủ nghỉ;
4. Nương vào thuốc hư nát để chữa bệnh.
Nghĩa là sự sinh hoạt hàng ngày của người xuất gia thì không chú trọng ở các vật xa hoa, các món ăn cao lương mỹ vị, chỉ lấy sự thanh đạm làm mãn nguyện, đó là tinh thần của bốn phương thức sống. Tuy nương vào bốn phương thức sống làm tiêu chuẩn cho sinh hoạt, nhưng tùy từng địa phương, từng trường hợp các hàng tại gia Phật tử, đàn việt làm tịnh xá, giảng đường, áo mặc, đồ ăn đem cúng dường bố thí, cũng vẫn được thọ dụng, mà không trái với tinh thần này.
Vật sở hữu của Tỷ khưu thì chia ra cá nhân sở hữu và Tăng già sở hữu. Vật cá nhân sở hữu, nếu y vào chế độ Nam phương Phật giáo là: ba tấm áo cà-sa: An-đà-hội (Antarivàsaka), Uất-đa-la-tăng (Uttaràsamgha) và Tăng-già-lê (Samhàli), bình bát, khăn lọc nước, dao cạo tóc, kim khâu và túi, gọi là tám vật. Nếu y vào chế độ Bắc phương Phật giáo là: ba tấm áo cà-sa, bình bát, khăn lọc nước và tọa cụ gọi là sáu vật. Ngoài ra là những dụng cụ như giày dép, khăn mặt, khăn tay v.v. Vật sở hữu của Tăng già như: Tự viện, già lam, giảng đường, phòng xá, vườn rừng, cây quả, chăn màn, giường gối v.v. đều là vật công cộng của toàn thể chư Tăng, ai cũng có quyền tự do sử dụng.
Công việc hàng ngày của các Tỷ khưu: buổi sáng sớm thì tụng kinh, tọa thiền, đàm đạo; trước giờ Ngọ phải đi khất thực, rồi mang về phòng ăn đúng giờ Ngọ, xong có giờ chỉ tịnh, rồi lại chuyên việc tu hành, giảng đạo; buổi tối tụ tập tại thiền đường công cộng để cùng nhau bàn về pháp thoại, và có giờ nghiên cứu cộng đồng, mãi tới nửa đêm mới đi nghỉ. Tóm lại, về sinh hoạt hàng ngày của Tỷ khưu lấy sự tu luyện làm cốt yếu.
Quy định của Tăng già
Một bộ phận của Luật tạng là Giới bản như trên đã thuật, ngoài ra còn một bộ phận gọi là Kiền độ (Khandhaka), tức là những quy định về các pháp thọ giới, bố tát an cư, tự tứ v.v. của đoàn thể Tăng già. Nội dung của Kiền độ thì rất phức tạp, phần phức tạp này là do các bậc Kỳ túc Trưởng lão của Giáo đoàn chế định thêm, còn y vào quy định ở thời Đức Thế Tôn còn tại thế thì giản dị hơn.
Công việc quan trọng nhất của Giáo đoàn là việc tác pháp tiến cụ (upasampadà), nghi thức công nhận người gia nhập đoàn thể. Trước hết, nếu ai tin Phật, được Phật hứa khả, tức là nghi thức tác pháp công nhận người đó nhập đoàn thể Phật giáo đồ. Như người được truyền cho giới Tam quy: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tức là nghi thức hứa khả cho người đó nhập đoàn thể Phật tử. Người được trao truyền cho mười giới, tức là nghi thức hứa khả cho nhập đoàn thể Sa-di. Người được sự tác pháp trao truyền cho giới Cụ túc, tức là nghi thức hứa khả cho nhập đoàn thể Tỷ khưu. Người được nhận làm đoàn thể Tỷ khưu, phải là người đủ 20 tuổi trở lên và sáu căn đầy đủ. Về phía hứa khả cho vào đoàn thể Tỷ khưu, lúc đầu thì duy có tự thân Đức Phật, đó là trường hợp đặc biệt, nhưng về sau thì phải có đủ mười vị Trưởng lão Tỷ khưu làm thầy Giới sư để trao truyền giới pháp. Sau khi được nhận vào đoàn thể Tỷ khưu, ai nấy đều phải căn cứ vào giới luật để tu trì, vào kinh điển để học tập.
Quy định về nghi thức bố tát (upavasatha) thì mỗi tháng có hai kỳ, nghĩa là các vị Tỷ khưu hoặc Tỷ khưu ni cùng ở một già lam, hay trong một phạm vi kết giới nào, mỗi tháng vào ngày 15 và 30 đều phải tập hợp toàn bộ tập hợp, bạch Yết-ma làm lễ bố tát, cử một vị tụng giới bản, còn đại chúng đều ngồi nghe, ai nấy đều tự phản tỉnh, và nếu phạm vào điều luật nào thì phải ra trước đại chúng phát lồ, sám hối.
Quy định về việc an cư
An cư còn gọi là Vũ kỳ an cư (Varsavasana). Vì mỗi năm cứ vào mùa mưa, nước lũ dâng lên tràn ngập cả đường lối, sự đi lại giáo hóa, truyền đạo và khất thực không thuận tiện, hơn nữa lại là mùa côn trùng sinh nở đầy đường, việc đi lại sợ tổn hại đến sinh mệnh các loài côn trùng, nên Đức Phật cùng các đệ tử phải tụ họp tại một nơi nào thuận tiện, để chuyên việc tu hành trong ba tháng, kể từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7, gọi là Vũ kỳ an cư.
Ngày 15 tháng 7, ngày cuối cùng của khóa An cư, là ngày làm lễ Tự tứ (pavàranà). Tự tứ nghĩa là trong ba tháng tu trì, nếu trong đại chúng có ai phạm vào tội lỗi mà đại chúng ngờ vực thì được tự do cử tội. Pháp an cư này có từ ngày Đức Thế Tôn còn tại thế. Nghĩa là từ lúc Đức Thế Tôn thành đạo sau một năm, cho tới khi Ngài nhập Niết bàn, Ngài không thiếu một khóa an cư nào.
II. Kinh, Luật khởi nguyên
Kết tập kinh điển lần thứ nhất
Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, trong hàng đệ tử sinh ra kiến giải bất đồng về giáo pháp và giới luật của Ngài. Vì là sự nghiệp tối quan trọng của Phật giáo, nên Tôn giả Ma Ha Ca Diếp vị đệ tử tối cao của Đức Phật, liền thống lĩnh 500 vị A la hán, tập họp đại hội nghị tại thành Vương Xá để kết tập lại lời giáo huấn của Đức Phật. Đây là lần kết tập không có bút ký mà chỉ là hợp tụng (samgiti). Lần kết tập thứ nhất, còn gọi là “Vương Xá thành kết tập”, hay “Ngũ bách kết tập”.
Nguyên vì, sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, trong hàng Tỷ khưu, có ông thốt ra lời nói rằng: “Trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế, mọi hành động đều phải bó buộc trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do, ngày nay Đức Thế Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động, không bị giới luật ràng buộc”. Tôn giả Ca Diếp nghe thấy thế, liền nghĩ rằng: Đức Thế Tôn mới diệt độ được có bảy ngày, mà trong hàng đệ tử đã thốt ra lời phá hoại chính pháp như vậy. Ngài sợ giới pháp của Đức Thế Tôn sẽ bị tà thuyết pha trộn, nên quyết ý đề xướng ra Đại hội nghị để kết tập lại lời Phật dạy. Trong kỳ kết tập này, được sự ủng hộ của vua A Xà Thế (Ajàtasatru) nước Ma Kiệt Đà, vua ra lệnh xây tịnh xá mới ở hang Thất Diệp (Sapta parna gùha) để làm hội trường kết tập. Thành phần hội nghị gồm có 500 vị đệ tử Phật đã chứng quả A la hán, do Tôn giả Ma Ha Ca Diếp là Thượng thủ; Ngài Ưu Ba Ly, vị trì luật thứ nhất, được cử tụng lại các điều giới luật; Ngài A Nan, bậc đa văn đệ nhất, được cử tụng lại pháp của Đức Thế Tôn. Sau khi tụng xong, được sự thảo luận và thừa nhận của đại chúng cho là đúng với lời Phật đã nói. Và hai tạng Kinh, Luật có bắt đầu từ đó. Thời kỳ kết tập này chỉ với thời gian bảy tháng.
Khởi nguyên của Luật tạng
Luật tạng (Virayapjitaka) được khởi nguyên, lẽ dĩ nhiên là có từ lúc Đức Thế Tôn còn tại thế. Đức Thế Tôn lúc ban đầu thuyết pháp, Ngài không chia ra Luật và Pháp. Luật và Pháp được phân chia rõ rệt là bắt đầu từ lần kết tập thứ nhất.
Thời kỳ kết tập Luật tạng lần thứ nhất là nguyên hình giới bản, gồm những điều kiện căn bản về quy định của Tăng già. Về sau, các bậc Kỳ túc Trưởng lão trong Giáo đoàn, lại căn cứ vào nguyên hình giới bản, chú thích và quy định lại làm cho phức tạp hơn.
Khởi nguyên của Kinh tạng
Nội dung về Kinh tạng (Sūtrapitaka) kết tập lần thứ nhất là kinh điển A Hàm, chỉ là những ký lục về sự thuyết pháp và sinh hoạt của Đức Thế Tôn khi còn tại thế, và ký lục sinh hoạt của các đệ tử Ngài.
Kinh điển A Hàm gồm có bốn bộ:
1. Trường A Hàm Kinh (Digha àgama)
2. Trung A Hàm Kinh (Maljhima àgama)
3. Tăng Nhất A Hàm Kinh (Ànguttara àgama)
4. Tạp A Hàm Kinh (Samyutta àgama).
Vậy Kinh tạng khởi nguyên cũng từ thời kỳ kết tập lần thứ nhất. Thời kỳ kết tập lần thứ nhất lẽ dĩ nhiên là chỉ có Luật tạng và Kinh tạng, còn Luận tạng chưa thành lập.