I. Đức Thế Tôn trước khi thành đạo
Vị giáo chủ sáng lập ra đạo Phật là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuni), Hán dịch là Năng Nhân Tịch Mặc, với ý nghĩa là một bậc trí tuệ trong dòng họ Thích Ca. Tên chính của Ngài là Cù Đàm Tất Đạt Đa (Gautama Siddhārtha). Cù Đàm nghĩa là Giác Giả (Buddha), hay là Thế Tôn (Bhagavat). Giác Giả và Thế Tôn là danh hiệu tôn xưng về đức độ của Ngài.
Dòng họ Thích Ca cư trú ở nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), thuộc phía Bắc Trung Ấn. Vua nước này là Tịnh Phạn (Śuddhodana), vương phi là Ma Da (Māyā) phu nhân, con gái vua A Nâu (Anu) nước Câu Ly (Koli), một nước nhỏ đối diện với nước Ca Tỳ La Vệ. Ma Da phu nhân mãi tới năm 45 tuổi mới thọ thai. Tới kỳ mãn nguyệt khai hoa, phu nhân trở về cố quốc để sinh nở (theo phong tục lúc đương thời, khi người đàn bà có thai, phải trở về quê ngoại để sinh). Ở nơi đây, một biệt điện đã được thiết lập sẵn sàng trong vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbinī) để đón Ma Da phu nhân. Tục truyền, một hôm Ma Da phu nhân ra dạo chơi vườn thì sinh Thái tử ở dưới gốc cây Vô ưu (Asoka), nhằm vào ngày mồng 8 tháng 4 năm 624 trước Tây lịch1. Vua Tịnh Phạn đặt tên cho Thái tử là Tất Đạt Đa (Siddhārtha). Sau khi sinh Thái tử được bảy ngày thì Ma Da phu nhân bất hạnh từ trần. Thái tử được kế mẫu là Ba Xà Ba Đề (Prajāpatī) trông nom nuôi nấng.
1 Về niên đại giáng sinh của Đức Phật có nhiều thuyết khác nhau, nhưng có hai thuyết sau đây là minh xác hơn:
1. Chúng Thánh Điểm Ký: Căn cứ vào Chúng Thánh Điểm Ký thì Ngài giáng sinh vào năm 566, viên tịch vào năm 486 trước Tây lịch.
2. Nam phương Phật giáo: Căn cứ vào sử Dipavamsa của Nam phương Phật giáo thì Ngài giáng sinh vào năm 563, viên tịch vào năm 483 trước Tây lịch. Nhưng Phật giáo Sri Lanka (Tích Lan), Myanmar (Miến Điện), Thái Lan lại thường lấy năm Đức Phật nhập Niết bàn tức là năm 544 trước Tây lịch làm lễ kỷ niệm. Và Hội Phật giáo Thế giới, năm 1952, đã quyết định lấy năm Đức Phật nhập diệt đó làm năm kỷ niệm “Phật lịch” thống nhất của Phật giáo. Tức là Đức Thế Tôn giáng sinh năm 624, viên tịch vào năm 544 trước Tây lịch.
Khi lên 8 tuổi, Thái tử được theo học về cả hai ngành văn học và võ đạo. Vì bẩm tính thông minh, nên học không bao lâu, Thái tử đều thông thạo cả.
Để tiếp xúc với cuộc đời, đã ba lần Thái tử được phép vua cha cho ra ngoài thành để quan sát về trạng thái dân gian, xã hội. Thái tử đã tận mắt thấy những cảnh tương tàn, tương sát của các loài sâu bọ chim muông, những cảnh già, ốm, chết của nhân thế. Vì vậy, nên Thái tử cảm thấy cuộc đời không có gì là vui sướng, là bền vững, là giải thoát, hết thảy đều là vô thường. Sau khi quan sát, Thái tử sinh ra buồn rầu và luôn luôn suy nghĩ để tìm cách cứu khổ cho chúng sinh. Lại một lần nữa Thái tử ra chơi ngoài thành, lần này gặp một vị Sa môn tướng mạo đoan trang, đi đứng ung dung, trông có vẻ tiêu dao giải thoát, do đó Thái tử liền nảy sinh ra tư tưởng xuất gia cầu đạo.
Thái tử đã mấy lần xin phép vua cha đi xuất gia, nhưng vua cha đều không ưng thuận. Vì sợ Thái tử đi xuất gia nên vua bắt tìm đủ mọi sự khoái lạc để cho Thái tử khuây lòng. Khi 16 tuổi (có thuyết nói 19, 20 tuổi), Thái tử đã phải vâng lệnh vua cha, thành hôn cùng công chúa Da Du Đà La (Yaśodharā), con gái vua Thiện Giác (Suppabuddha) nước Câu Ly (Koli), sau đó Da Du Đà La đã sinh một người con trai tên là La Hầu La (Rāhula). Vua cha thấy thế lại càng yêu quý, vui mừng, và sai tuyển thêm mỹ nữ vào cung để hầu hạ Thái tử. Nhưng vì chí xuất gia đã quyết, nên dù ở trong hoàn cảnh cao quý, xa hoa, lộng lẫy nhưng Thái tử cũng không say đắm.
Khi tới 29 tuổi (có thuyết nói 19 tuổi), thời kỳ xuất gia đã đến, Thái tử không thể chậm trễ được nữa, liền trốn vua cha, từ giã vợ và con, bỏ nơi hoàng cung, nửa đêm vượt thành ra đi, nhằm vào ngày mồng 8 tháng 2.
Sau khi vượt thành ra đi, Thái tử một mình dấn thân trước băng tuyết, tìm vào nơi sơn lâm u tịch để tầm cầu chân lý. Trước hết, Thái tử đi vào rừng khổ hạnh, thuộc nước Ma Kiệt Đà, hỏi đạo ông tiên Bạt Già Bà (Bhagavà), sau khi nghe giáo lý của ông, vì không mãn nguyện, nên chỉ lưu lại một đêm rồi từ giã ra đi nơi khác. Sau đó Thái tử lại hỏi đạo ở nhà đại học giả trứ danh của tôn giáo Ấn Độ đương thời là A Ra La Ca Lan (Aràlakàlama) và Uất Đà Ka La Ma Tử (Udraka Ràmaputta), nhưng về tư tưởng triết lý của hai học giả này, đại khái chỉ là tu thiền định để mong cầu phúc báo, sinh lên cõi trời “Vô sở hữu xứ” (Akicavyàyatan) và “Phi tưởng phi phi tưởng xứ” (Naivasamjnanàsamjnayatana) làm cảnh giới giải thoát tối cao. Thái tử cho rằng pháp môn tu này cũng chưa phải là cứu cánh, vì sau khi hưởng hết phúc báo cõi trời, rồi lại bị sinh tử luân hồi, nên Thái tử lại từ biệt ra đi.
Thái tử, sau khi từ biệt các ông tiên ra đi, liền tự nghĩ: “Phải chính mình tu thì mới tìm được chính đạo”. Nghĩ thế rồi, Thái tử đi sâu vào khu rừng khổ hạnh, thuộc Tây ngạn sông Ni Liên Thuyền (Nairanjanà), một chi lưu của sông Hằng Hà, để làm nơi tu hành. Ở nơi đây, Thái tử tu hành khổ hạnh trong suốt sáu năm trường, mỗi ngày chỉ ăn cầm hơi một chút gạo, chút vừng, thân thể trở nên khô héo, gầy còm, chỉ còn da bọc xương mà vẫn chưa chứng được đạo quả. Thái tử tự nghĩ: “Ta thường hành hạ xác thịt, chỉ khổ sở mà không ích gì, chi bằng cứ tự ăn uống như thường, giữ cho xác thân khỏe mạnh, để làm cái lợi khí cầu đạo giải thoát”.
Sau lúc nghĩ đó, bỗng có một thiếu nữ chăn bò tên là Sujātā (Nan Đà) trông thấy Thái tử, trong lòng vui mừng khôn xiết, nàng liền chọn hai con bò mập, vắt lấy sữa đem về nhà canh, rồi đựng vào bát vàng mang ra dâng cúng Thái tử. Thái tử hoan hỷ nạp thọ và cầu nguyện cho nàng, do công đức cúng dường này, nàng sẽ được sung sướng đời đời.
Sau khi dùng sữa xong, Thái tử tự thấy trong mình khoan khoái, khí lực điều hòa, liền xuống sông Ni Liên Thuyền tắm gội sạch những cáu ghét mà trong nhiều năm tu hành khổ hạnh không để ý đến. Tắm xong, Thái tử đến dưới cây Tất-bà-la (Pippala, tức là cây Bồ đề, Bodhidruma) ở Già Da (Yàyà) rải cỏ cát tường làm tòa, ngồi kiết già, hướng mặt về phía Đông. Khi bắt đầu ngồi, Thái tử thề rằng: “Nếu ta ngồi tòa này mà không chứng được đạo Vô thượng Bồ đề, thì thân này dù nát, ta cũng quyết không chịu đứng dậy”. Phát nguyện xong, Thái tử lặng lẽ vào thiền định, suy nghĩ luôn trong 49 ngày đêm, Ngài suy nghĩ biết được kiếp trước của mình, của người, của mọi chúng sinh. Đến nửa đêm thứ 49, nhằm vào ngày mồng 8 tháng 12, giữa lúc sao Mai mọc thì trong tâm Thái tử tự nhiên đại ngộ, sạch hết phiền não, chứng được đạo quả Vô thượng Bồ đề, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni, vào năm Thái tử 35 tuổi (có thuyết nói 30 tuổi).
II. Đức Thế Tôn sau khi thành đạo
Sau khi Thái tử thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Ngài liền đem những giáo pháp đã chứng ngộ được để giảng diễn hóa độ chúng sinh, cho biết đến cội nguồn sự khổ và sự vui. Trước hết, Ngài tuyên dương pháp môn Tứ đế ở vườn Lộc Dã (Mrgadava), thuộc nước Ba La Nại Tư (Vàrànasì) để độ cho năm người đệ tử đầu tiên là A Nhã Kiều Trần Như (Ajnàta Kaudinya), A Thấp Bà (Ásvjit), Bạt Đề (Bhadrika), Ma Ha Nam (Màhànàman) và Thập Lực Ca Diếp (Dásbala Kàsypa). Trong Phật điển gọi lần thuyết pháp này là Sơ chuyển Pháp luân (Dharma cakrapravatana). Ngôi Tam bảo tức là Phật bảo (Buddha), Pháp bảo (Dharma), Tăng bảo (Sangha) cũng bắt đầu có từ đây.
Cũng ở vườn Lộc Dã, Đức Phật còn độ cho ông trưởng giả Da Xá (Yassa) và song thân của ông làm Phật tử tại gia. Bên nam giới gọi là Ưu bà tắc (Upàsaka), bên nữ giới gọi là Ưu bà di (Upàsika). Hai chúng tại gia Phật tử cũng bắt đầu từ đó.
Sau khi độ năm vị Tỷ khưu, Đức Phật và các đệ tử đi các nơi giáo hóa. Trước hết, Ngài đi về nước Ma Kiệt Đà, thủ phủ là Vương Xá thành. Ở giữa đường, Ngài đã độ cho ba anh em ông Ca Diếp, tức là Tam Ca Diếp. Trưởng huynh tên là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvilvā-kāśyapa), thứ huynh là Na Đề Ca Diếp (Nadī-kāśyapa), người em út là Già Da Ca Diếp (Gayā-kāśyapa). Ba ông này thuộc Bà La Môn giáo, thờ thần Lửa, nghe Phật giáo hóa, ai nấy đều vui mừng, làm lễ cải giáo, xin theo Phật làm đệ tử. Các ông này còn có một ngàn người đồ đệ cùng được đắc độ. Vì vậy giáo đoàn của Đức Phật ngày một phát triển lan rộng, vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra) nước Ma Kiệt Đà, sai trưởng giả Ca Lan Đà (Karanda) xây dựng Trúc Lâm tịnh xá (Veṇuvana-vihāra) phía ngoài thành Vương Xá, và tịnh xá Linh Thứu ở núi Kỳ Xà Quật (Gghridharkuta), để cúng dường Phật làm nơi thuyết pháp an cư. Ở nơi này, Đức Phật đã độ cho ba ông thuộc Bà La Môn giáo: Xá Lợi Phất (Sāriputta), Mục Kiền Liên (Maudgalyāyana) và Đại Ca Diếp (Mahākāśyapa). Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có hai trăm năm mươi đồ đệ, cũng xin theo Phật làm đệ tử. Đến lúc này, đệ tử của Phật có 1.250 người, thường thường đi theo Phật giáo hóa.
Khi trở về thăm bệnh Phụ vương, Đức Phật còn giáo hóa cho cả vua Tịnh Phạn cùng các hàng vương tử. Trong các hàng vương tử, có cả con của Ngài là La Hầu La, người em khác mẹ là Nan Đà (Nanda), em họ là A Nan Đà (Ānanda), Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), A Nâu Lâu Đà (Anuruddhā), cũng đều xin theo làm đệ tử Phật.
Sau Đức Phật đi hóa đạo tới thành Vương Xá, thủ phủ nước Kiều Tất La, vua nước này là Ba Tư Nặc (Prasenajit), con vua Ba Tư Nặc là Thái tử Kỳ Đà ( Jeta). Thái tử Kỳ Đà và một bậc phú hào trong nước là trưởng giả Tu Đạt Đa (Sudatta) được nghe Phật thuyết pháp, rất hâm mộ và kính phục, hai ông đều phát nguyện làm Kỳ Viên tịnh xá ( Jetavana Vihàra) để cúng dường Phật. Ngoài ra, như vua nước Tỳ Xá Ly (Vaiśālī) thì làm Đại Lâm tịnh xá (Mahàvana Vihàra) và giảng đường Lộc Tử Mẫu (Mrgàramàtuh Pràsàda); đối ngạn với thành Vương Xá là nước Phệ Xá Ly thì thiết lập Trùng Các giảng đường (Kùtàgàra Sàla); phía Tây thành Vương Xá là nước Kiều Thưởng Di (Kaushambi) thì dựng tịnh xá Cù Sử La Viên (Ghosilàràma) để cúng dường Phật làm nơi thuyết pháp. Các tịnh xá tuy có rất nhiều, nhưng chỉ có Trúc Lâm tịnh xá và Kỳ Viên tịnh xá là Đức Phật hay lui tới giảng đạo nhiều hơn cả.
Phật thành đạo được năm năm thì Phụ vương mất, kế mẫu của Đức Phật là Ba Xà Ba Đề và công chúa Da Du Đà La cũng được Phật độ cho xuất gia làm Tỷ khưu ni. Đó là lần đầu tiên mà bên nữ giới được Phật độ vào hàng đệ tử xuất gia. Đến đây thì Giáo đoàn của Phật gồm đủ tứ chúng, là hai chúng xuất gia: Tỷ khưu (Bhikṣu, Tăng đoàn) và Tỷ khưu ni (Bhikṣuṇī, Ni đoàn); hai chúng tại gia là Ưu bà tắc (cư sĩ nam) và Ưu bà di (cư sĩ nữ).
Trong hàng đệ tử của Phật thì rất đông, nhưng có mười vị đệ tử trứ danh, trong kinh gọi là Thập đại đệ tử. Đó là Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất; Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhất; Đại Ca Diếp, tu định đệ nhất; Ca Chiên Diên, nghị luận đệ nhất (các vị đệ tử kể trên xuất thân từ giai cấp Bà la môn); A Nan Đà, đa văn đệ nhất; A Nâu Lâu Đà, thiên nhãn đệ nhất; La Hầu La, mật hạnh đệ nhất (các vị đệ tử này xuất thân từ giai cấp Sát đế lợi); Tu Bồ Đề, giải không đệ nhất; Phú Lâu Nan (Purna), biện tài đệ nhất (các vị này xuất thân từ giai cấp Tỳ xá); Ưu Ba Ly, trì luật đệ nhất (xuất thân từ giai cấp Thủ đà la).
Các đệ tử ngoại hộ Phật pháp trứ danh trong chúng Ưu bà tắc như vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra) và vua A Xà Thế (Ajātaśatru) nước Ma Kiệt Đà; vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tất La; trưởng giả Tu Đạt thành Xá Vệ v.v. Các hàng đệ tử trong giới Ưu bà di như: Vi Đề Hy (Vaidehī) phu nhân, Mạt Lợi và Thắng Man (Śrīmālā) phu nhân, và vợ của ông Tu Đạt là Thiện Sinh (Sujātā) v.v.
III. Đức Thế Tôn nhập Niết bàn
Từ lúc Đức Phật thành đạo tới lúc nhập Niết bàn, trong khoảng 45 năm (có thuyết thì ghi là 49 năm), Ngài đi khắp nơi tuyên dương chính pháp, hóa độ chúng sinh, không mấy lúc gián đoạn. Nơi tâm điểm mà Đức Phật thường hay lui tới giáo hóa nhiều nhất là hai nước Ma Kiệt Đà và Kiều Tất La, rồi đến các nước thuộc Trung Ấn Độ, ven theo hai bờ sông Hằng Hà như: nước Thiểm Ba (Campà) ở phía Đông, nước Kiều Thưởng Di và nước Ma Thâu La (Mathùrà) ở phía Tây, nước Ba La Nại Tư (Vārāṇasī) thuộc phía Nam, thành Ca Tỳ La thuộc phía Bắc. Ngoài ra còn nhiều nước nhỏ khác cũng đều có dấu chân của Phật tới thuyết pháp.
Về cách thức thuyết pháp mà Đức Phật hay dùng nhiều nhất là phương pháp đối thoại và thí dụ, cốt để người nghe pháp dễ hiểu và mau lĩnh ngộ. Về nội dung của sự thuyết pháp thì Đức Phật tùy theo căn cơ mà nói, nghĩa là tùy cơ thuyết pháp, tùy bệnh cho thuốc; Như đối với các hàng vua chúa, Đức Phật nói phương pháp trị nước, an dân, lợi ích hộ trì Phật pháp; Đối với thường dân, Phật giảng dạy cách làm phúc bố thí, cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội; Đối với phía tại gia Phật tử, Phật giảng giải những pháp Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện và Bát chính đạo; Đối với phía xuất gia, Phật giảng giải về pháp môn Tứ đế, Mười hai nhân duyên, Năm uẩn v.v. Tóm lại, lối thuyết pháp của Phật là phương pháp dụ dẫn từ thấp tới cao, từ nông tới sâu, từ phàm phu trở thành Phật quả.
Đức Phật, tới khi 80 tuổi, Ngài nhận thấy cơ duyên giáo hóa chúng sinh đã viên mãn và đã tới lúc vào Niết bàn, Ngài liền thống lĩnh các hàng đệ tử, du hành tới rừng Sa la (Sala), trên bờ sông Ni Liên Nhã Bạt Đề (Hiranyavati) thuộc thành Câu Thi Na Yết La (Kusínagara), để giảng giải cho các đệ tử nghe những chỗ nào còn hồ nghi. Trong khi đó, có ông Tu Bạt Đà La (Subbadra) đã 120 tuổi, thuộc Bà La Môn giáo, tu ở gần đó, nghe tin Phật sắp vào Niết bàn, vội đến hỏi đạo, và xin theo làm đệ tử, Phật liền nói pháp cho nghe và thu nạp làm đệ tử, đó là người đệ tử cuối cùng được Phật độ.
Để ban lời giáo huấn cuối cùng, chỉ có trong một ngày đêm mà Ngài đã nói xong bộ Đại Bát Niết Bàn Kinh. Nói kinh xong, Ngài lên tòa thất bảo, nằm nghiêng sườn bên phải, đầu gối về phía Bắc, chân duỗi về phương Nam, mặt ngoảnh về phía Tây, rồi vào Đại diệt độ (Mahàvirvàna), nhằm vào ngày 15 tháng 2. Trước khi nhập Niết bàn, Ngài đã giao phó y bát cho Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, vị đệ tử tối cao của Ngài.
Phật nhập Niết bàn rồi, Ngài Ma Ha Ca Diếp và đại chúng rước kim quan của Ngài tới giàn thiêu để làm lễ Trà-tỳ (jhāpeti, hỏa táng), làm lễ xong thì Xá lợi (Śarīra) được chia làm nhiều phần cho các nước để xây tháp cúng dường. Tập tục tín ngưỡng Xá lợi cũng được bắt nguồn từ đây. Còn các di tích của Phật thì trở thành nơi chiêm bái tín ngưỡng của toàn thể Phật giáo đồ: Vườn Lâm Tỳ Ni nơi Phật giáng sinh, Bồ Đề đạo tràng nơi Phật thành đạo, vườn Lộc Dã nơi Phật “Sơ chuyển Pháp luân”, Sa la Song thọ nơi Phật nhập diệt, là bốn thắng cảnh được nhiều người chiêm bái nhất.