(624 - 270 trước Tây lịch)
I. Tư tưởng tôn giáo đã có trước thời Đức Thế Tôn xuất thế
Trước thời kỳ Đức Thế Tôn xuất thế, văn hóa Ấn Độ cũng đã phát triển tới một trình độ khá cao, do tư tưởng sáng tạo của giống người Aryan. Nguyên thủy, giống người Aryan cư trú tại miền Trung Châu Á, lấy nghề du mục để sinh sống. Vào khoảng 3.000 năm trước Tây lịch, giống người này vượt qua dãy núi Hindukush di cư xuống vùng Đông Nam Châu Á; một phần của giống người này di chuyển về phía Tây Nam thuộc Ba Tư (Iran), một phần thì tiếp tục di chuyển về phía Đông Nam, xâm nhập vào phía Tây Bắc nước Ấn Độ, đánh đuổi người bản xứ, chiếm lĩnh vùng Panjab (Ngũ hà địa phương), thuộc thượng lưu sông Indus, và giống người này được gọi là dân tộc Aryan Ấn Độ.
Dân tộc Aryan Ấn Độ cư trú ở vùng Panjab, ngày một phồn thịnh, nhất là về mặt tư tưởng thì rất phát triển, vì thế, dân tộc này đã chế tác được bộ kinh điển đầu tiên, tức là kinh điển Ṛg Veda (Lê Câu Phệ Đà) gồm 40 quyển, là nguồn tư tưởng văn hóa ở thời kỳ thứ nhất của Bà La Môn giáo, trong khoảng 1.500 - 1.000 năm trước Tây lịch.
Nội dung của kinh điển Ṛg Veda chỉ là những bài ca tán có tính cách thần thoại, nhưng bao hàm nhiều tư tưởng về vũ trụ và nhân sinh quan, tư tưởng Ṛg Veda là tư tưởng mở đầu cho nền văn minh và triết học Ấn Độ, và cũng là cơ sở để khai triển cho những trào lưu tư tưởng hậu lai.
Nguồn tư tưởng ở thời kỳ thứ hai của Bà La Môn giáo là thời đại Brāhmaṇa (Phạm thư), trong khoảng 1.000 - 800 năm trước Tây lịch. Trong thời kỳ này, dân tộc Aryan Ấn Độ lần lượt tiến về phía Đông, chiếm cứ khu đất đồng bằng phì nhiêu trên bờ sông Hằng Hà (Gange), lấy nghề canh nông làm mục tiêu, đặt ra chức tước vua quan, bắt những người khác dân tộc làm nô lệ, chia xã hội thành bốn giai cấp khác nhau: Giai cấp Bà la môn (Brāhmaṇa), chủ trương việc nghi lễ tôn giáo; giai cấp Sát đế lợi (Kshatriya) là giai cấp vua quan, nắm quyền thống trị; giai cấp Tỳ xá (Vaisya) là giai cấp bình dân, nông, công, thương; giai cấp Thủ đà la (Sudra) là giai cấp tiện dân, đời đời làm nô lệ. Vì giai cấp Bà la môn chủ trương công việc lễ nghi, tôn giáo, nên đã chế tác ra bộ kinh điển Brāhmaṇa, để chú thích và thuyết minh kinh điển Veda.
Nội dung của sách Brāhmaṇa thì hoàn toàn là một pho sách có tính cách thần học. Tư tưởng triết học của Brāhmaṇa thì khai triển theo thứ tự trong ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất lấy Prjapati (Sinh sản) làm trung tâm. Tư cách của Prajapati là thần tối cao, tạo ra vũ trụ, trời đất và hư không, rồi lần lượt tạo ra Thái Dương thần, Phong thần, Hỏa thần, con người và vạn hữu, nên giai đoạn này thuộc về quan niệm sáng tạo.
Giai đoạn thứ hai lấy Brāhmaṇ (Đại ngã) làm trung tâm. Brāhmaṇ thay thế Prajapati để nắm quyền chi phối các vị thần. Giá trị của Brāhmaṇ đứng trên hai phương diện, một phương diện thì duy trì cái bản chất bất biến bất động của nó, mặt khác thì hoạt động theo hai yếu tố là Nāma (Danh) và Rūpa (Sắc) để khai triển vạn hữu.
Giai đoạn thứ ba lấy Ātman (Tự ngã) làm trung tâm. Brāhmaṇ và Ātman tên tuy khác nhau nhưng cùng một thể. Brāhmaṇ thuộc về phương diện vũ trụ; Ātman thuộc về phương diện tâm lý. Căn cứ vào phương diện tâm lý thì linh hồn bất diệt, nghĩa là Ātman khi lìa thể xác thì linh hồn được quy thuộc về Brāhmaṇ.
Nguồn tư tưởng ở thời kỳ thứ ba của Bà La Môn giáo là triết học Upanishad (Áo nghĩa thư). Tiếp sau tư tưởng Brāhmaṇ là triết học Upanishad được hình thành trong khoảng 800 - 600 năm trước Tây lịch. Nội dung tư tưởng triết học này chủ trương thuyết “Phạm ngã đồng nhất” (Brāhmaṇ, Ātman ailkyam) và lý tưởng giải thoát. Lý tưởng giải thoát chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là việc đi tìm giải thoát, nhưng giải thoát phải tìm ở tự nơi mình, không phải là tìm ở bên ngoài, cho nên nhân của giải thoát là tự giác, nhân của luân hồi là bất giác. Giai đoạn thứ hai, muốn thoát luân hồi cần phải an trụ cái bản tính, và bồi dưỡng phần trí tuệ. Giai đoạn thứ ba, phải noi theo phương pháp tu trì để mong phát minh trực quán trí, tức là phép tu Du già (Yoga). Theo thứ tự như thế mà tu, dần dần chân ngã sẽ toàn hiện, tới lúc chân ngã toàn hiện, thì Ātman trở thành Brāhmaṇ, tức là giải thoát, chấm dứt luân hồi.
II. Tư tưởng triết học ở thời kỳ Đức Thế Tôn xuất thế
Tư tưởng trong ba thời kỳ: Ṛg Veda, Brāhmaṇa và Upanishad như trên đã kể đều là tư tưởng căn bản của Bà La Môn giáo. Nhưng từ khoảng 600 năm trước Tây lịch trở về sau, tư tưởng Ấn Độ được tự do phát triển, thế lực chính thống của Bà La Môn giáo ngày một sút kém, vì thế nên đã phát sinh ra nhiều tư tưởng, tôn giáo và triết học mới như Phật giáo, Kỳ Na giáo, Lục Sư ngoại đạo phái và sáu phái triết học.
Kỳ Na giáo ( Jaina)
Giáo tổ tên là Vardhamana (Đại Hùng). Giáo này chủ trương về Vật hoạt luận. Tư tưởng triết học căn bản của giáo này là thực thể (dravaya). Thực thể chia ra hai trạng thái là yếu tố sinh mệnh và yếu tố phi sinh mệnh ( Java, Ajava). Yếu tố sinh mệnh thì gồm đủ hai phần lý trí và tình cảm; yếu tố phi sinh mệnh được chia làm năm thứ: Không (Akasa), Pháp (Dharma), Phi pháp (Adharma), Vật chất (Pudgala) và Thời gian (Kala). Không là nguyên lý bao gồm mọi nơi mọi chốn; vật chất là nguyên lý tạo thành nhục thể; pháp là nguyên lý vận động; phi pháp là nguyên lý đình chỉ; thời gian là nguyên lý biến hóa. Yếu tố sinh mệnh và yếu tố phi sinh mệnh vì liên kết với nhau nên sinh ra các phiền não, bị luẩn quẩn trong vòng luân hồi. Vì mong giải thoát luân hồi nên giáo này chủ trương lấy phương pháp tu hành khổ hạnh làm mục đích tối cao.
Lục Sư ngoại đạo phái (Sat-Tirthakarah)
Căn cứ vào kinh điển và sử liệu của Phật giáo, đương thời Đức Thế Tôn, có sáu nhà ngoại đạo chủ trương mỗi phần lý thuyết khác nhau, nên Phật giáo thường gọi là “Lục Sư ngoại đạo”. Nhưng, những thuyết của sáu phái này chỉ bộc phát nhất thời rồi bị tiêu diệt. Đại cương về thuyết của Lục Sư ngoại đạo phái như sau:
1. Phái Pùrana Kàssápa (Phú Nan Đà Ca Diếp)
Phái này chủ trương thuyết ngẫu nhiên, không tin luật nhân quả, cho hết thảy sự khổ vui, họa phúc của con người chỉ là ngẫu nhiên. Phật giáo gọi phái này là phái ngoại đạo “Bát vô nhân quả”.
2. Phái Makkhali Gosàla (Mạt Già Lê Câu Xá Lợi)
Phái này chủ trương thuyết tự nhiên, cho hết thảy sự vui khổ, họa phúc của con người đều là tự nhiên, không ảnh hưởng của bất cứ một nguyên nhân nào, nên Phật giáo gọi phái này là “Tà mệnh ngoại đạo”.
3. Phái Ajitakesa Kambali (A Di Đa Thúy Xá Khâm Bà La)
Phái này chủ trương thuyết Duy vật luận, cho rằng thân thể con người chỉ là do bốn yếu tố: Địa, Thủy, Hỏa, Phong kết hợp lại mà thành, khi chết thì tứ đại lại hoàn tứ đại, không trọng dụng về phương diện tinh thần, đạo đức, lấy chủ nghĩa khoái lạc cho nhục thể làm mục đích.
4. Phái Pakudha Katyàyana (Bà Phù Đà Ca Chiên Diên)
Phái này chủ trương thuyết sinh mạng và vật chất đều thường trụ, cho tất cả các vật được tạo thành là nương vào sự hòa hợp của bảy yếu tố: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Khổ, Lạc, Sinh mạng. Vậy nên sự sinh tử chỉ là một công việc tụ hay tán của bảy yếu tố đó, mà những yếu tố đó thì thường trụ bất diệt.
5. Phái Anjaya Belatthiputta (Tán Nhạ Gia Tỳ La Lê Tử)
Phái này chủ trương thuyết tu định, thuộc phái ngụy biện. Họ cho chân lý không phải là không biến đổi, nên việc tu đạo là vô ích, mà chỉ chuyên tu thiền định.
6. Phái Nigantha Nàtaputta (Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử)
Phái này chủ trương tu khổ hạnh, cho sự khổ, vui, họa, phúc của con người đều do tiền nghiệp đã định, muốn thoát khỏi tiền nghiệp đó, cần phải luyện thân khắc khổ để mong cầu giải thoát.
Sáu phái triết học
Kỳ Na giáo và Lục Sư ngoại đạo phái như trên đã lược thuật, không thuộc về tư tưởng của Bà La Môn giáo, nhưng sáu phái triết học mới phát sinh thì đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của ba thời kỳ Ṛg Veda, Brāhmaṇa và Upanishad. Tư tưởng đại cương của sáu phái triết học như sau:
1. Phái Nyàya (Chính lý phái)
Thủy tổ tên là Aksapàda (Túc Mục). Tư tưởng của phái triết học này thuộc Đa nguyên luận, lấy kinh điển Nyàya Sūtra làm căn cứ. Kinh này gồm có 538 câu. Về quan niệm nhân sinh lấy phương châm lìa khổ tới chỗ giải thoát làm mục đích. Phái này cho rằng con người được sinh ra nơi trần thế là có đầy rẫy sự khổ, mà nguyên nhân được sinh ra (janma) là do tác nghiệp (pravrti), tác nghiệp làm cơ sở cho phiền não (dosa), phiền não là căn bản của vô tri (mithyajnàna). Vậy nên muốn lìa khổ phải tiêu diệt vô tri, tiêu diệt được vô tri tức là tới cảnh giới an vui giải thoát (nihsreyasa). Lý thuyết này tương tự với thuyết mười hai nhân duyên trong Phật giáo. Về phương thức nghị luận, phái này chia làm năm giai đoạn: Tôn (Pratijanà), Nhân (Hetu), Dụ (Udàhadana), Hợp (Upanaya), Kết (Nigamana). Phương thức lý luận này nếu đem so sánh với luận lý Tây phương, thì “Tôn” tương đương với bộ phận “Đoán án”, “Nhân” là “Môi giới từ”, “Dụ” tương đương với bộ phận “Đại tiền đề”. Nhưng phương thức luận lý của phái này còn thêm hai chi là “Hợp”, “Kết”, tỏ ra lập trường luận lý rất vững vàng. Về sau, phương thức luận lý này được bổ sung đính chính những chỗ chưa hoàn bị, do hai bậc thạc học trong Phật giáo là Thế Thân và Trần Na, và được chuyển làm môn Luận lý học trong Phật giáo.
2. Phái Vaisésika (Thắng luận phái)
Phái này chủ trương thuyết “Thanh thường trụ” (Âm thanh thường còn), đứng trên lập trường tự nhiên triết học để giải thích vũ trụ vạn hữu. Khai tổ là Kanada (Ca Na Đà), kinh điển căn cứ là Vaisesika Sūtra, gồm có 370 câu. Trong đó có nêu ra sáu phạm trù: Thực cú nghĩa, Đức cú nghĩa, Nghiệp cú nghĩa, Đồng cú nghĩa, Dị cú nghĩa và Hòa hợp cú nghĩa, làm nguyên lý để thành lập vạn hữu. Trước hết chỉ quan sát vạn hữu ở phần cụ thể, gạt bỏ phần tính chất, vận động và trạng thái, mục đích để đạt tới khái niệm thực thể của vạn hữu. Để thích ứng với nguyên lý đó, nên trước hết thành lập “Thực cú nghĩa” (Dravya Padàrtha); gác bỏ khái niệm của thực thể và vận động, chỉ quan sát về khái niệm tính chất hay thuộc tính của vạn hữu, để thích ứng với nguyên lý này nên thành lập ra “Đức cú nghĩa” (Guna Padàrtha); chỉ thích ứng với nguyên lý thực tại để hợp với khái niệm vận động nên thành lập ra “Nghiệp cú nghĩa” (Karma Padàrtha).
Tóm lại, vạn hữu đều do ba nguyên lý “Thực, Đức, Nghiệp” (Thể, Tướng, Dụng) kết hợp lại mà thành lập. Căn cứ vào ba nguyên lý ấy mà quan sát sự quan hệ trong nơi vạn hữu, nếu trường hợp ba nguyên lý ấy cùng quan hệ với nhau, nên lại thành lập ra “Đồng cú nghĩa” (Sàmànya Padàrtha); nếu ba nguyên lý ấy ở trong trường hợp phản đối nhau, nên thành lập ra “Dị cú nghĩa” (Visésa Padàrtha); năm nguyên lý kể trên nếu ở trong trường hợp liên kết với nhau, nên lại thành lập ra “Hòa hợp cú nghĩa” (Samavàya Padàrtha). Sáu nguyên lý kể trên là sáu phạm trù căn bản để thuyết minh và lý giải vạn hữu.
Về phương diện nhân sinh quan, phái này cho con người được thành lập bởi tám yếu tố. Trước hết là yếu tố “Ātman”, thực thể của nó thì bất sinh bất diệt; thứ hai là “Ý” (Manas), ý là cơ quan liên lạc giữa Ātman và ngũ căn, ngũ căn thì hoàn toàn do vật chất tạo thành: “Nhãn căn” do hỏa đại, “Nhĩ căn” do không đại, “Tỷ căn” do địa đại, “Thiệt căn” do thủy đại, “Thân căn” do phong đại tạo thành. Đối tượng của ngũ căn là ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Ātman là trung tâm, còn các cơ quan khác chỉ là phụ thuộc để nhận thức và hành động. Yếu tố sau hết là “Nghiệp lực” (Adrsta), bởi nghiệp lực huân tập nên bị luân hồi, muốn thoát luân hồi cần phải diệt nghiệp lực, muốn diệt nghiệp lực cần phải tu trì khổ hạnh để mong đạt tới cảnh giới thuần túy của Ātman, đó là lý tưởng của giải thoát.
3. Phái Sàmkhya (Số luận phái)
Khai tổ là Kapia (Ca Tỳ La). Phái này chủ trương thuyết Nhị nguyên luận, đó là tinh thần và vật chất. Vật chất là yếu tố để thành lập vạn vật, đối lập với vật chất là vô số linh hồn (tinh thần). Linh hồn thì hoạt động tự do, kết hợp với vật chất để tạo thành sinh vật. Bản chất của linh hồn thì thuần túy, chủ quan, không biến động; vật chất là khách quan, luôn luôn biến hóa dao động nương theo ba nguyên chất là “Sattva” (hỷ), “Rajas” (ưu) và “Tamas” (ám). Ba nguyên chất này còn gọi là ba đức (guna). Căn cứ vào sự phối hợp của ba đức này để thuyết minh hiện tượng vạn hữu. Thí dụ: Ba đức ấy nếu cứ hai đức một chi phối lẫn nhau là động lực tạo thành, ba đức ấy đứng ở trạng thái bình hành là nguyên nhân tiêu diệt.
4. Phái Yoga (Du già phái)
Khai tổ là Patanjali (Bát Tử Xà Lê), lấy kinh điển Yoga Sūtra làm căn cứ. Phái này chú trọng ở pháp môn tu thiền định để mong cầu giải thoát; Theo phương pháp thực tu chia làm tám giai đoạn: Cấm chế (Yama), Khuyến chế (Niyama), Tọa pháp (Àsana), Điều tức (Prànàyàma), Chế cảm (Pratyàkàra), Chấp trì (Dhàranà), Tĩnh lự (Dhyàna), Đẳng trì (Samādhi). Cấm chế cần phải giữ năm giới điều: Không sát sinh, không trộm cắp, không gian dâm, không nói dối, không tham lam, thuộc đức độ tiêu cực. Khuyến chế cần phải làm năm việc: Thanh tịnh, mãn định, khổ hạnh, học tập kinh điển, định thần, thuộc đức độ tích cực. Tọa pháp là để điều hòa thân thể. Điều tức, để chỉnh đốn hô hấp. Chế cảm, để thống trị ngũ căn. Chấp trì, để tập trung tư tưởng. Tĩnh lự, để thống nhất cái tâm. Đẳng trì, để tâm trở thành vắng lặng như hư không, chỉ còn là cảnh giới xán lạn, tức là chứng được tam muội (sammadhi), chỉ còn là một “thần ngã” giải thoát tự tại.
5. Phái Mimàmsà (Nhĩ Man Tát phái)
Khai tổ là Jaimini (Sà Y Nhĩ Ni), lấy kinh điển Mimàmsà Sūtra làm căn cứ. Phái này chú trọng về phương diện luân lý triết học, phục tùng mệnh lệnh và cấm chế của kinh điển Veda, chủ trương thuyết “Âm thanh thường trụ”. Về lý tưởng giải thoát, phái này cho rằng hiện thế và lai thế, muốn được sung sướng, cần phải có nhiều hình thức hy sinh. Kết quả của sự hy sinh được báo đền trong đời tương lai hay hiện tại.
6. Phái Vedànta (Phệ Đàn Đa phái)
Khai tổ là Bàdarayana (Bà Đạt La Gia Na), lấy kinh điển Vedànta do Bàdarayana trước tác làm căn cứ. Tư tưởng triết học của phái này chủ trương rằng, Brāhmaṇ là tổng nguyên lý của vũ trụ vạn hữu, là duy nhất, là siêu việt. Thế gian vạn hữu đều bao hàm trong Brāhmaṇ, tự ý chí của Brāhmaṇ khai triển ra hiện tượng giới. Brāhmaṇ, trước hết khai triển ra “Hư không”, từ hư không phát sinh ra “Gió”, từ gió phát sinh ra “Lửa”, từ lửa phát sinh ra “Nước”, từ nước phát sinh ra “Đất”. Năm nguyên tố này một mặt được tổ chức thành vật khí thế gian, một mặt được tổ chức thành hữu tình thế gian. Căn cứ vào kinh Vedànta Sūtra thì Brāhmaṇ và Ātman là một thể. Khi ở giai đoạn chưa khai triển thì Ātman là bào thai của Brāhmaṇ, nhưng khi ở giai đoạn đã khai triển thì Ātman của con người ở địa vị độc lập, chịu phần chi phối của Brāhmaṇ. Đặc chất của Ātman là trí tuệ, hành vi, nương theo vào tự do ý chí phán đoán, tạo thành nhiều loại tác nghiệp, do tác nghiệp huân tập nên quên mất cố hương, chỉ theo huân tập chịu sinh tử luân hồi trong hiện tượng giới, chịu khổ não trong loài hữu tình. Hữu tình là một bộ phận của Brāhmaṇ, đầy đủ thể tính thanh tịnh như Brāhmaṇ, muốn trở lại với Brāhmaṇ thì cần phải noi theo môn tu hành giải thoát. Do công phu tu hành giải thoát, Ātman lại được dung hợp với cảnh giới Brāhmaṇ, tới giai đoạn này thì hoàn toàn giải thoát vĩnh viễn.
Trạng thái chính trị và xã hội trong thời Đức Thế Tôn
Về thời cổ đại, dân tộc Ấn Độ tổ chức guồng máy chính trị theo chính thể Cộng hòa. Nhưng tới thời kỳ Đức Thế Tôn xuất thế, thì chế độ đó đã bị suy tàn, và được thay thế bằng chính thể Quân chủ chuyên chế. Duy có hai nước là Magadha (Ma Kiệt Đà) và Kosala (Kiều Tát La) là chế độ Cộng hòa vẫn còn tồn tại. Nước Magadha ở phía Nam sông Hằng Hà, đô thị của nước này là Rajagrha (Vương Xá thành). Nước Kosala ở phía Bắc Ấn Độ, đô thị của nước này là Sravasti (Xá Vệ thành). Hai nước này là trung điểm cho nền văn minh Ấn Độ lúc đương thời và có quan hệ rất mật thiết với Phật giáo. Phía Đông Bắc nước Ma Kiệt Đà có dòng họ Anga (Ương Già tộc) đóng đô ở thành Campà (Chiêm Ba); đối diện với nước này có dòng họ Licchavi (Ly Xa Tỳ tộc) đóng đô ở thành Vesalì (Phệ Xá Ly). Ngoài ra còn có các dòng họ Kàsi (Ka Thi), Vacchà (Bà Ta), Mallà (Mạt La) cư trụ ở gần nước Kosala v.v., gây thành trạng thái quần hùng cát cứ lúc đương thời. Và dòng họ của Đức Phật là Sàkyà (Thích Ca tộc) đóng đô ở thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), phương Bắc nước Kosala thuộc Trung Ấn Độ.
Thời cổ đại, dân tộc Ấn Độ rất tôn trọng nghi thức tế tự, kính thần. Lúc đầu họ đặt ra người gia trưởng, hoặc tộc trưởng để giữ việc tế lễ, gọi là chức Ty tế. Dần dần chức Ty tế này trở thành việc chuyên môn nên được thay thế bằng các Tăng lữ. Mặt khác, vì theo đà tiến triển của xã hội, liền phát sinh ra bốn chức nghiệp: Sĩ, nông, công, thương. Dần dần, nghề nghiệp này trở thành giai cấp hóa. Giai cấp Tăng lữ coi việc tế tự chiếm địa vị tối cao; thứ đến giai cấp vua chúa, nắm quyền thống trị; thứ dân thuộc hạng nông, công, thương ở địa vị thứ ba; sau cùng là tiện dân ở địa vị thấp nhất. Lối phân chia giai cấp đó mỗi ngày thêm chặt chẽ. Các Tăng lữ nắm được thực quyền của xã hội, liền đem tổ chức thành bốn giai cấp rõ rệt: Tăng lữ thuộc giai cấp Bà la môn (Brāhmaṇ), vua chúa thuộc giai cấp Sát đế lợi (Ksatriya), bình dân thuộc giai cấp Tỳ xá (Vaisya), tiện dân thuộc giai cấp Thủ đà la (Sùdra). Hai giai cấp Bà la môn và vua chúa là giai cấp thống trị, hai giai cấp bình dân và tiện dân là hai giai cấp bị trị. Bốn giai cấp này theo chế độ thế tập, cha truyền con nối, nên giai cấp nô lệ cứ phải đời đời làm nô lệ tạo thành một tổ chức xã hội bất công.
Giai cấp Bà la môn lại nương vào chế độ của xã hội mà quy định thành bốn thời kỳ tu hành của giai cấp mình. Bốn thời kỳ đó như sau:
1. Phạm trí kỳ (Brahmacàrin)
Thời kỳ sinh hoạt học sinh của thời đại thiếu niên từ 7 tới 11 tuổi. Ở tuổi này, phải xuất gia theo thầy học tập kinh điển Veda, tới khi học nghiệp thành tựu lại được trở về nhà.
2. Gia cư kỳ (Grhastha)
Thời kỳ sinh hoạt gia đình của thời đại tráng niên. Thời kỳ này là thời kỳ lập gia đình, trông nom con cháu, làm trọn nhiệm vụ tế tự của người gia trưởng.
3. Lâm cư kỳ (Vànaprastha)
Kỳ sinh hoạt xuất gia của thời đại tráng niên. Người đã làm xong nghĩa vụ của gia đình rồi, liền vào chốn thâm sơn, rừng rậm để tu luyện thiền định, khổ hạnh.
4. Du hành kỳ (Parivràjaka)
Thời kỳ sinh hoạt du hành của thời đại lão niên. Tới thời kỳ tuổi già cần phải mong cầu cho sự tu hành được thành tựu, thân tâm được thanh tịnh, giải thoát, nơi ở không nhất định, nay đây mai đó. Cho nên, người tu ở thời kỳ này có tên là khất sĩ (Bhiksu) hay hành giả (Yati).
Bốn thời kỳ sinh hoạt kể trên là sinh hoạt lý tưởng của giai cấp Bà la môn. Nếu người nào trong đó tu hành đạt tới chỗ cứu cánh thì được mọi người trong xã hội cung kính tột bậc.
Dòng họ Bà la môn đã chế định ra bốn giai cấp, tự cho mình ở địa vị tối cao, và chia sự tu hành làm bốn thời kỳ, sinh hoạt theo lý tưởng. Nhưng trái lại còn ba giai cấp khác, nhất là giai cấp tiện dân lại bị xã hội khinh miệt, không được pháp luật bảo hộ, cấm chế không cho dự phần tín ngưỡng tôn giáo, và tán tụng kinh điển Veda. Do đó mà gây tạo thành sự tổ chức xã hội bất công, dân chúng hằng khát vọng có bậc thánh nhân xuất hiện cứu đời.
Để đáp lại lòng mong mỏi đó, nên một tôn giáo đã phát sinh với sự tha thiết vì mục đích nhất vị bình đẳng cứu đời, do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Đức Phật, không nương vào dòng họ cao thấp để định giá con người, mà chỉ nương vào phẩm hạnh đạo đức. Đặc biệt, Ngài phủ nhận giai cấp bất công, đem chế độ bình đẳng để đãi ngộ mọi hạng người trong xã hội. Cho nên, Ngài chỉ căn cứ vào phần trí tuệ có nông sâu, đức hạnh có dày mỏng để nhận định thứ vị con người. Đến như kẻ tiện dân là ông Ưu Ba Ly (Upàli), sau khi Đức Phật độ cho xuất gia, cũng chứng được đạo quả, mà trở thành “Bậc Trì luật thứ nhất”, là một trong số mười vị đại đệ tử của Phật. Đức Phật không phân biệt kẻ nghèo, người giàu, kẻ sang, người hèn nên trong mỗi kỳ thuyết pháp giảng dạy của Ngài, trên có các bậc quốc vương, các nhà hào phú, dưới đến các cùng dân nghèo khổ cũng đều được thấm nhuần pháp vũ. Do đó nên mọi người trong xã hội đương thời, bất luận thuộc giai cấp nào cũng đều ngưỡng mộ cái đức độ Từ, Bi, Hỷ, Xả của Ngài tới cực độ.