I. Lược truyện và trước tác của Ngài Long Thọ
Long Thọ (Nāgārjuna), Ngài là người khai sáng Đại thừa Phật giáo. Niên đại xuất thế của Ngài có nhiều thuyết khác nhau, nhưng đại khái ở vào khoảng đầu thế kỷ thứ III (sau Phật diệt độ khoảng hơn 700 năm). Ngài là người nước Vidharbha (Tỳ Đạt Bà), Nam Ấn, thuộc dòng dõi Bà la môn, bẩm tính rất thông minh. Lúc thiếu thời, Ngài đã tinh thông các kinh điển Veda của Bà La Môn giáo và mọi kỹ nghệ học thuật của thiên văn, địa lý, khoa học, lịch số v.v. Nhưng các môn học thuật đó đều không làm cho Ngài mãn nguyện, nên Ngài quyết tâm xuất gia tìm đạo cao siêu nhiệm mầu trong Phật giáo.
Lúc đầu, Ngài theo học về giáo lý Tiểu thừa, sau nghiên cứu giáo lý của Đại thừa Phật giáo. Đương thời, các kinh điển thuộc Đại thừa Phật giáo hiện đã có, Ngài đều thông hiểu hết, nên Ngài tổ chức lại thành một thể hệ giáo học của Đại thừa Phật giáo. Địa điểm hoạt động của Ngài có rất nhiều nơi, nhưng nơi trung tâm truyền bá là nước Kosala (Kiều Tất La). Vua nước Kosala là Satàvahana, vì mến đức độ của Ngài nên phát tâm quy y Phật giáo và kiến thiết một đại tịnh xá tại núi Bhràmaragiti (Hắc Long sơn) ở phía Tây Nam để Ngài trụ trì. Ở nơi đây, không những chỉ là một căn cứ địa để tuyên dương giáo lý Đại thừa, mà còn là nơi trước tác nhiều bộ luận của Ngài, và cũng là nơi nhập diệt của Ngài ở cuối thế kỷ thứ III. Vì có công trình tổ chức về giáo học của Đại thừa Phật giáo, nên được mọi người coi Ngài như là Phật Thích Ca tái hiện.
Về phần trước tác, Ngài đã trước tác được rất nhiều các bộ luận, nên cổ lai thường gọi Ngài là bậc Luận chủ của ngàn bộ luận. Tuy vậy, những bộ luận đã được dịch sang chữ Hán chỉ có các bộ như sau:
1. Trung Quán Luận (Madhya Dhyàna Sàstra), 4 quyển, Ngài La Thập (Kumàrajìva) dịch.
2. Thập Nhị Môn Luận (Dvàdasa Nikāya Sàstra), 1 quyển, Ngài La Thập dịch.
3. Đại Trí Độ Luận (Mahāprajñāpāramitā Sàstra), 100 quyển, Ngài La Thập dịch.
4. Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (Dasabhùmi Vibhàsà Sàstra), 17 quyển, Ngài La Thập dịch.
5. Thập Bát Không Luận (Astàdasàkasa Sàstra), 1 quyển, Ngài Chân Đế (Paramàrtha) dịch.
6. Đại Thừa Phá Hữu Luận (Mahāyāna Bhāvabheda Sàstra), 1 quyển, Ngài Thi Hộ (Dànapàna) dịch.
7. Bồ Đề Tư Lương Luận, 6 quyển, Ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) dịch.
8. Bồ Đề Tâm Ly Tướng Luận (Laksana Vimakta Bodhi Hrdaya Sàstra), 1 quyển, Ngài Thi Hộ dịch.
9. Hồi Tránh Luận (Vivàdasamana Sàstra), 1 quyển, Ngài Cù Đàm Lưu Chí (Gautama Ruci) dịch.
10. Phương Tiện Tâm Luận, 1 quyển, Ngài Cát Ca Dạ dịch.
11. Khuyến Phát Chư Vương Yếu Kệ (Àrya Agàrjuna Bodhisattva Suhrllekha), 1 quyển, Ngài Tăng Già Bạt Ma (Sanghavarman) dịch.
12. Tán Pháp Giới Tụng (Dharmadhàtu Stotra), 1 quyển, Ngài Thi Hộ dịch.
13. Quảng Đại Phát Nguyện Tụng (Mahàpranidhànot- pàda Gāthā), 1 quyển, Ngài Thi Hộ dịch.
Trong các bộ luận kể trên, Trung Quán Luận, Thập Nhị Môn Luận, hai luận này nói về những pháp để đả phá Tiểu thừa và ngoại đạo, và để biểu hiện giáo lý “Trung đạo”. Đại Trí Độ Luận hoặc gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh Thích Luận. Bộ luận này giải thích: Đại Phẩm Bát Nhã Kinh bàn về “Vô tướng giai không” theo phương diện tiêu cực, thuyết minh về “Thực tướng của chư pháp” theo phương diện tích cực. Đồng thời, Ngài còn dẫn chứng các kinh điển của các học phái nội giáo và ngoại đạo, những giáo lý dị đồng của Đại thừa, Tiểu thừa, những danh từ về thiên văn, địa lý, khoa học, hết thảy các học thuật của các tôn giáo đương thời, thực là một bộ “Phật giáo Bách khoa Toàn thư” trong Phật giáo. Tỳ Bà Sa Luận là bộ luận thích phẩm Thập Địa của Hoa Nghiêm Kinh, nói về sự tu hành của các ngôi Thập địa Bồ tát. Trung Quán Luận, Thập Nhị Môn Luận của Ngài và thêm Bách Luận là ba bộ luận căn bản của học phái “Tam Luận tông”, thêm bộ Trí Độ Luận là bốn bộ luận căn bản của học phái “Tứ Luận tông”. Các bộ luận kể trên là những trước tác căn bản của Ngài Long Thọ.
Thập Bát Không Luận, bộ luận trọng yếu bàn về tư tưởng Không. Trong đó chia ra mười tám môn là “Nội không, ngoại không, nội ngoại không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, tính không, tướng không, nhất thiết pháp không v.v.” và rút lại đều bàn về lý “Nhất thiết giai không”. Phá Hữu Luận thì đả phá sự mê chấp thực hữu. Tư Lương Luận nói về các pháp “Tứ vô lượng tâm”, “Thập ba la mật”, là các hạnh của Đại thừa Bồ tát. Ly Tướng Luận thích về Bồ đề tâm. Bồ đề tâm lấy đại bi làm thể. Phương Tiện Tâm Luận và Hồi Tránh Luận đều bàn về phương pháp chiết phục ngoại đạo. Khuyến Phát Chư Vương Yếu Kệ mục đích để khuyên các bậc quốc vương ngoại hộ Phật pháp làm theo pháp Thập thiện. Tán Pháp Giới Tụng thì nương vào Bát Nhã Kinh, Pháp Hoa Kinh để thuyết minh cái chân như nhất tướng bình đẳng, bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm. Phát Nguyện Tụng, nói về cảnh giới của chúng sinh vô tận, quốc độ của chư Phật cũng vô biên. Chúng sinh nương vào công đức kính lễ chư Phật thì diệt được mọi tội nghiệp, sinh ra mọi phúc lành, và đem phúc lành này để hồi hướng cho hết thảy chúng sinh.
Tương truyền, Ngài Long Thọ đã trước tác bộ Đại Bất Tư Nghì Luận để chú thích Hoa Nghiêm Kinh, gồm 10 vạn bài tụng, bộ Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận kể trên, chỉ là một bộ phận nhỏ ở trong bộ này, và bộ Trang Nghiêm Phật Đạo Luận cùng Đại Từ Phương Tiện Luận đều gồm 5.000 bài kệ.
II. Giáo nghĩa của Ngài Long Thọ
Ngài Long Thọ, vì Ngài có rất nhiều trước tác, nên giáo nghĩa của Ngài cũng trở thành đa phương. Xưa nay mọi người thường tôn xưng Ngài là vị Tổ khai sáng của Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông v.v. Nhưng giáo nghĩa căn bản của Ngài để phá tà đạo và hiển chính giáo, đó là tư tưởng “Trung đạo”. Tư tưởng Trung đạo này được trình bày rất rõ trong bộ Trung Quán Luận, gọi tắt là Trung Luận.
Trước hết, lý luận về “Chư pháp thực tướng”, Ngài Long Thọ gọi chư pháp thực tướng là “Chân không vô tướng”. Nhưng “Không” đây không phải là cái “Không” đối lập với “Có”, cũng không phải là ý nghĩa “Hư vô” mà là cái tên vượt ra ngoài vòng “Có” và “Không”, để đặt một danh từ thay thế cho ý nghĩa trên tức là Trung đạo.
Trung Luận quyển thứ nhất nói: “Bất sinh diệc bất diệt; bất thường diệc bất đoạn; bất nhất diệc bất nhị; bất lai diệc bất khứ”. Nghĩa là: “Thực tướng của chư pháp thì bản lai không có sinh cũng không có diệt, không có thường cũng không có đoạn, không một cũng không khác, không có đến và cũng không có đi”. Nhưng vì quan niệm cố định của thế gian thì có sinh, có diệt, có thường, có đoạn, có một, có khác, có đi, có đến, thuộc tám quan niệm giả tướng, để phủ định những quan niệm đó, nên Ngài Long Thọ nói ra tám thứ không là “Không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không đến, không đi”, để biểu hiện cái thực thể của chư pháp, và cũng là để thuyết minh nghĩa “Trung đạo”. Vậy nên nghĩa “Trung đạo” không phải là ý nghĩa trung gian giữa cái “Có” và “Không” mà là cái ý nghĩa vượt ra ngoài vòng sai biệt tương đối, siêu vượt khỏi lãnh vực “Có”, “Không” và cả “không cả cái không”, thuộc ở trường hợp “ngôn ngữ đạo đoạn”.
III. Ngài Đề Bà
Ngài Đề Bà (Deva), hoặc gọi là Aryadeva (Thánh Thiên), đệ tử Ngài Long Thọ, sinh ở cuối thế kỷ thứ III. Ngài người Nam Ấn, bẩm tính thông minh, có tài hùng biện, nên Ngài được phái khiển tới các địa phương để truyền bá giáo lý Đại thừa, chiết phục Tiểu thừa, ngoại đạo. Tương truyền, sau Ngài bị phái ngoại đạo thừa cơ hãm hại.
Phần trước tác của Ngài có ba bộ:
Bách Luận (Sata Sàstra), 2 quyển, Ngài La Thập dịch.
Bách Tự Luận (Satàkrasa Sàstra), 1 quyển, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
Quảng Bách Luận (Sata sàstra Vaipulya), 1 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
Nội dung của các bộ kể trên đều nương vào tư tưởng Trung Luận của Ngài Long Thọ làm cơ sở, không ngoài mục đích để phá tà hiển chính.
IV. Ngài Bạt Đà La
Ngài La Hầu La Bạt Đà La (Ràhula Bhadra), gọi tắt là Bạt Đà La, đệ tử Ngài Đề Bà, người Trung Ấn, sinh ở cuối thế kỷ thứ III. Ngài cũng là bậc thông minh, có tài biện luận, và thường tới các nước ở vùng Trung Ấn để tuyên dương giáo lý Đại thừa Phật giáo. Ngài đã chú thích bộ Trung Luận của Ngài Long Thọ, nhưng không còn truyền tới ngày nay.