Ngồi trong trung tâm điều khiển thuộc khu Liên hợp Điện lực và Chiếu sáng Algonquin trải dài trên bờ sông Đông ở quận Queens của New York, nhân viên giám sát ca sáng chau mày nhìn dòng chữ màu đỏ đang nhấp nháy trên màn hình máy tính.
Sự cố nghiêm trọng.
Bên dưới dòng chữ là những chữ số đứng im, biểu thị thời gian chính xác: 11:20:20:003 sáng.
Ông ta đặt chiếc cốc giấy đựng cà phê xuống, nó màu trắng và xanh lam in hình vẽ cứng nhắc các vận động viên Hy Lạp. Rồi ông ta ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế xoay kêu cót két.
Nhân viên của trung tâm điều khiển thuộc công ty điện lực này, mỗi người ngồi trước một máy trạm cá nhân, giống như nhân viên điều khiển không lưu vậy. Căn phòng rộng lớn với đèn đóm sáng trưng, và chi phối không gian là một màn hình phẳng khổng lồ, báo cáo tình hình hoạt động của lưới điện Liên kết Đông Bắc cung cấp điện cho cả New York, Pennsylvania, New Jersey lẫn Connecticut. Kiến trúc và bài trí trong trung tâm điều khiển khá hiện đại, nếu hiện tại là năm 1960.
Người kỹ sư giám sát nheo mắt ngước nhìn màn hình hiển thị điện năng chuyển về từ các nhà máy phát điện trên khắp đất nước: các tua-bin hơi nước, các lò phản ứng hạt nhân, đập thủy điện trên thác Niagara. Ở một phần nhỏ xíu của đĩa mì sợi mô tả các đường điện này, có cái gì đó đang trục trặc. Một vòng tròn màu đỏ đang nhấp nháy
Sự cố nghiêm trọng...
“Có vấn đề gì nhỉ?” Người kỹ sư giám sát hỏi. Đó là một người đàn ông tóc muối tiêu, phần bụng săn chắc dưới lớp áo sơ mi cộc tay màu trắng, và ba mươi năm kinh nghiệm trong ngành điện lực, ông ta gần như tò mò. Mặc dù thi thoảng vẫn có đèn báo sự cố nghiêm trọng, nhưng những sự cố nghiêm trọng thực sự rất hiếm khi xảy ra.
Một kỹ thuật viên trẻ đáp, “Có thông báo sập điện toàn bộ. Trạm MH-12.”
Tối tăm, bụi bặm và không người điều khiển, Trạm 12 của Liên hợp Algonquin nằm ở khu Harlem - MH là ký hiệu cho Manhattan - là một trạm chính trong khu vực. Nó tiếp nhận dòng điện 138.000 volt và cho dòng điện chạy qua các máy biến áp, giảm xuống còn mười phần trăm, được chia ra, rồi tỏa đi theo đường dây.
Một thông báo nữa xuất hiện.
MH-12 gián tuyến. MH-17, MH-10, MH-13, NJ-18 cung cấp điện cho khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng.
“Chúng ta phải chuyển đường tải.” Ai đó kêu lên một cách thừa thãi.
Khi Trạm 12 sập, máy tính tự động đáp ứng nhu cầu khách hàng bằng cách chuyển điện từ những trạm khác đến.
“Không để mất đồng bộ, không để sụt áp.” Một kỹ thuật viên khác kêu to.
Điện trên lưới điện cũng giống như nước chảy vào nhà qua đường ống chính duy nhất, sau đấy chảy ra qua nhiều vòi. Khi một vòi bị khóa, áp lực ở các vòi khác tăng lên. Điện cũng giống như vậy, tuy nó chuyển động nhanh hơn nước nhiều, gần bảy trăm triệu dặm mỗi giờ. Và vì nhu cầu về điện của thành phố New York rất lớn, điện áp - tương đương áp lực nước - ở các trạm gánh thêm phụ tải sẽ tăng lên.
Nhưng toàn bộ hệ thống được thiết kế là nhằm giải quyết những tình huống như thế này, và các đồng hồ chỉ điện áp vẫn hiển thị màu xanh lá cây.
Tuy nhiên, điều khiến người kỹ sư giám sát băn khoăn là tại sao aptomat ở Trạm 12 lại sập.
“Cử một thợ sửa chữa đến Trạm 12 đi. Có thể là đứt cáp. Hay chập...”
Vừa lúc ấy, chiếc đèn đỏ thứ hai bắt đầu nhấp nháy.
Sự cố nghiêm trọng.
NJ-18 gián tuyến.
Một trạm biến áp khu vực nữa, ở gần Paramus, New Jersey, lại sập. Đó là một trong những trạm gánh thêm phụ tải cho Trạm 12.
Người kỹ sư giám sát bật một tiếng nửa như cười nửa như ho. Ông ta chau mày bối rối. “Cái quái quỷ gì đang diễn ra vậy? Phụ tải vẫn ở dung sai cho phép mà.”
“Tất cả các thiết bị cảm biến và đèn báo đều đang hoạt động.” Một kỹ thuật viên nói to.
Người kỹ sư giám sát nhìn chằm chằm lên màn hình, chờ đợi bước logic tiếp theo: Nó cho biết trạm - hoặc những trạm - mới nào sẽ làm việc thay Trạm NJ-18.
Tuy nhiên, không có thông báo nào xuất hiện.
Chỉ còn ba trạm ở Manhattan, 17, 10 và 13, tiếp tục cung cấp điện cho hai khu vực của thành phố mà nếu không thì sẽ bị chìm trong bóng tối. Chương trình máy tính đang không làm việc đáng lẽ nó phải làm: đưa điện từ những trạm khác đến. Hiện giờ, lượng điện vào và ra ba trạm kia đang đột ngột tăng lên.
Người kỹ sư giám sát vò bộ râu quai nón, và sau khi chờ đợi một trạm khác đăng nhập hệ thống, nhưng vô ích, thì đưa ra mệnh lệnh cho tổ trưởng trợ lý của mình, “Thao tác bằng tay đi, đưa điện vào khu vực phía đông Trạm 12.”
“Rõ.”
Một lát sau, người kỹ sư giám sát gắt, “Này, làm đi.”
“Ừm... Tôi đang cố.”
“Đang cố. Cậu bảo đang cố là sao?” Cái việc chỉ cần vài nhát gõ bàn phím đơn giản.
“Bảng phân phối không nhận lệnh.”
“Không thể nào!” Người kỹ sư giám sát bước mấy bước ngắn đến chỗ máy tính của kỹ thuật viên. Ông ta gõ những lệnh mà bản thân dù đang ngủ cũng gõ được.
Không có gì.
Các đồng hồ chỉ điện áp đã hết mức màu xanh. Màu vàng bắt đầu hiện lên.
“Thế này không ổn rồi.” Ai đó lẩm bẩm. “Thế này là có vấn đề.”
Người kỹ sư giám sát chạy trở về bàn, thả mình vào ghế. Thanh granola1 và cái cốc in hình vẽ vận động viên Hy Lạp rơi xuống sàn.
1 Đồ điểm tâm hoặc ăn nhanh làm từ yến mạch, các loại hạt, quả khô, mật ong... (Các chú thích đều của người dịch.)
Rồi một quân domino nữa cũng rơi xuống. Chấm đỏ thứ ba, giống như mắt con bò tót hướng thẳng vào mục tiêu của mình, bắt đầu nhấp nháy, và màn hình SCADA2 lạnh lùng hiện lên dòng thông báo:
2 Là các chữ cái đầu của cụm từ “Supervisory Control and Data Acquisition” (Giám sát Điều khiển và Thu thập Dữ liệu).
Sự cố nghiêm trọng.
MH-17 gián tuyến.
“Không, không phải một trạm nữa chứ!” Ai đó thì thào.
Và, giống như lúc trước, không xuất hiện trạm nào khác giúp đáp ứng nhu cầu cực lớn của người dân New York về điện. Hai trạm đang làm công việc của năm trạm. Nhiệt độ đường dây vào và ra hai trạm đang tăng lên, các vạch chỉ mức điện áp trên màn hình lớn đã chuyển hẳn sang màu vàng.
MH-12 gián tuyến. NJ-18 gián tuyến. MH-17 gián tuyến. MH-10, MH-13 cung cấp điện cho các khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng.
Người kỹ sư giám sát gắt, “Lấy thêm điện từ đâu đấy cho các khu vực này. Tôi không cần biết mọi người làm cách nào. Bất kỳ đâu cũng được.”
Một nữ nhân viên phụ trách buồng điều khiển gần đó nhanh chóng đứng dậy. “Tôi có bốn mươi nghìn. Tôi đang khai thác các đường dẫn nhánh từ Bronx.”
Một người khác lấy điện từ Connecticut.
Có lẽ họ sẽ kiểm soát được tình huống này. “Nữa đi!”
Nhưng sau đấy, người phụ nữ lấy điện từ Bronx chợt nghẹn lời nói, “Khoan đã, đường truyền tự giảm xuống còn hai mươi nghìn. Tôi không biết tại sao.”
Điều này đang diễn ra trên toàn bộ hệ thống. Ngay khi một kỹ thuật viên đưa được chút điện về thì nguồn cung cấp từ một vị trí khác lại cạn sạch.
Và tất cả vở kịch này đang triển khai với tốc độ nghẹt thở.
Gần bảy trăm triệu dặm mỗi giờ...
Lại một vòng tròn màu đỏ nữa, một vết thương do đạn bắn.
Sự cố nghiêm trọng.
MH-13 gián tuyến.
Chuyện này tương tự một hồ chứa nước khổng lồ đang cố đổ ra qua cái vòi duy nhất bé tí tẹo, kiểu như vòi lấy nước ở cửa tủ lạnh. Điện áp vào Trạm MH-10, nằm trong tòa nhà cũ kỹ ở phố Năm mươi bảy mạn Tây thuộc hạt Clinton, quận Manhattan, đã tăng gấp bốn, năm lần bình thường, và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Các aptomat sẽ sập bất cứ lúc nào, ngăn chặn xảy ra cháy nổ, nhưng sẽ trả phần lớn Midtown3 về thời thuộc địa.
3 Quận Manhattan của thành phố New York được phân ra ba khu vực: Downtown là khu vực phía nam, Uptown là khu vực phía bắc, Midtown ở giữa.
Và rồi, “Ôi, Jesus, lạy Chúa!” Ai đó kêu lên.
Người kỹ sư giám sát không biết ai đã kêu lên, tất cả đều đang nhìn chằm chằm vào màn hình của mình, đầu chúi hết xuống, sững sờ. “Cái gì thế?” Ông ta giận dữ quát. “Tôi không muốn tiếp tục nghe những câu kiểu ấy nữa. Nói cho tôi xem nào!”
“Chế độ cài đặt aptomat ở Manhattan-Mười! Nhìn kìa! Những cái aptomat!”
Ôi, không. Không...
Các aptomat ở MH-10 đã bị cài đặt lại. Giờ chúng cho phép mức tải gấp mười lần mức tải an toàn.
Nếu trung tâm điều khiển Algonquin không nhanh chóng giảm được áp lực của điện áp đang tấn công Trạm MH-10, các đường dây và bảng phân phối trong trạm sẽ cho phép một cơn lũ điện mạnh chí tử ào vào. Trạm sẽ nổ tung. Tuy nhiên, trước khi điều ấy xảy ra, dòng điện sẽ chạy qua các dây dẫn nhánh vào các hộp biến áp chôn dưới đất rải rác khắp những khối phố phía nam Trung tâm Lincoln, vào lưới điện của các tòa văn phòng và cao ốc lớn. Một số aptomat sẽ ngắt mạch, nhưng một số aptomat và bảng điện già nua hơn sẽ nóng chảy thành những cục kim loại dẫn điện, để dòng điện đi tiếp, bốc cháy và chập nổ thành những cung lửa điện có thể thiêu chết bất cứ ai ở gần các thiết bị điện hay ổ cắm trên tường.
Người kỹ sư giám sát lần đầu tiên nghĩ tới: Khủng bố. Một vụ tấn công khủng bố. Ông ta hét lên, “Gọi cho Bộ An ninh Nội địa và Sở Cảnh sát. Và cài đặt lại đi, chết tiệt. Cài đặt lại các aptomat đi.”
“Chúng không nhận lệnh. Tôi bị khóa, không truy cập được vào MH-10.”
“Cái quái quỷ gì mà cậu có thể bị khóa chứ?”
“Tôi không...”
“Có ai bên trong trạm không? Lạy Chúa, nếu có, bảo họ ra đi!” Các trạm điện không có người điều khiển, nhưng công nhân thi thoảng vẫn đến thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ.
“Rõ.”
Các đồng hồ chỉ điện áp lúc bấy giờ đã chuyển sang màu đỏ.
“Sếp, chúng ta có nên sa thải phụ tải không?”
Nghiến chặt hai hàm răng, người kỹ sư giám sát đang cân nhắc việc này. Sa thải phụ tải, còn được gọi là cắt điện tránh quá tải, là biện pháp cùng bất đắc dĩ trong ngành điện. “Phụ tải” là lượng điện khách hàng đang sử dụng. Sa thải phụ tải là thao tác có kiểm soát, thực hiện bằng tay, đóng những khu vực nhất định của lưới điện, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ lớn hơn trên toàn bộ hệ thống.
Đó là phương kế cuối cùng mà một công ty điện lực áp dụng trong trận chiến duy trì lưới điện và sẽ gây ra hậu quả tai hại cho khu vực dân cư đông đúc ấy của Manhattan. Riêng thiệt hại đối với máy tính thôi sẽ là hàng chục triệu chiếc, và người ta có thể sẽ bị thương, thậm chí có thể mất mạng. Các cuộc gọi 911 sẽ không thực hiện được. Xe cấp cứu, xe cảnh sát sẽ kẹt trên đường, vì đèn giao thông không bật. Thang máy ngừng hoạt động. Sẽ có hốt hoảng, hoang mang. Cướp, giết, hiếp bao giờ cũng tăng lên trong thời gian cắt điện, thậm chí giữa ban ngày ban mặt.
Điện giữ cho người ta lương thiện.
“Sếp?” Cậu kỹ thuật viên gọi một cách tuyệt vọng.
Người kỹ sư giám sát nhìn chằm chằm vào các đồng hồ chỉ điện áp đang xê dịch. Ông ta vớ lấy điện thoại của chính mình và gọi cho sếp của chính mình, một phó chủ tịch cấp cao của Algonquin. “Herb, chúng tôi gặp phải tình huống này.” Ông ta báo cáo tóm tắt tình hình.
“Làm sao xảy ra như thế được?”
“Chúng tôi không biết. Tôi đang nghĩ tới khủng bố.”
“Trời đất. Các anh gọi cho Bộ An ninh Nội địa chưa?”
“Rồi, vừa gọi. Từ đầu tới giờ chúng tôi hầu như chỉ cố gắng dẫn thêm điện đến những khu vực bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang không may mắn lắm.”
Sếp ông ta suy nghĩ một lát. “Có một đường dây truyền tải thứ hai chạy qua Manhattan-Mười, phải không?”
Người kỹ sư giám sát ngước nhìn màn hình lớn. Một đường dây cao thế chạy qua trạm, nhằm phía tây, phân phối điện cho các khu vực thuộc New Jersey. “Phải, nhưng nó không trực tuyến. Nó chỉ chạy qua một đường ống ở đó.”
“Nhưng liệu các anh có thể đấu nối và sử dụng đường dây ấy làm nguồn cung?”
“Bằng tay ư?... Tôi nghĩ rằng, nhưng... nhưng như thế có nghĩa phải đưa người vào MH-10. Và nếu chúng tôi không ngăn được dòng điện cho tới lúc làm xong, nó sẽ phát nổ. Họ sẽ chết hết. Hoặc họ sẽ bị bỏng độ ba toàn thân.”
Đầu dây bên kia im lặng. “Giữ máy. Tôi sẽ gọi cho Jessen.”
CEO của Liên hợp Algonquin. Còn được gọi, một cách kín đáo, là Kẻ Thống Soái.
Trong lúc chờ đợi, người kỹ sư giám sát cứ nhìn những kỹ thuật viên xung quanh mình. Ông ta cũng nhìn chằm chằm lên màn hình lớn. Những chấm đỏ nhấp nháy.
Sự cố nghiêm trọng...
Rốt cuộc, sếp của sếp đã quay lại. Giọng ông ta rè đi. Ông ta đằng hắng một lát, rồi nói, “Các anh được yêu cầu cử mấy người tới đó. Đấu nối bằng tay.”
“Đấy là điều Jessen nói ư?”
Lại một lát im lặng. “Phải.”
Người kỹ sư giám sát thì thào, “Tôi không thể cử ai tới đó. Đấy là cảm tử.”
“Vậy hãy xem có ai xung phong không. Jessen nói các anh không được, hãy hiểu cho tôi, các anh không được sa thải phụ tải trong bất cứ hoàn cảnh nào.”