Tài xế cẩn thận cho chiếc xe buýt M70 từ từ chạy tới điểm đỗ phố Năm mươi bảy, gần đoạn chuyển tiếp giữa đại lộ Mười và đại lộ Amsterdam. Anh ta đang trong tâm trạng khá vui vẻ. Chiếc xe buýt mới này là loại có thể hạ sàn xuống để hành khách bước từ vỉa hè lên dễ dàng hơn, nó có tấm dốc cho xe lăn, có hệ tay lái rất đỉnh và, đặc biệt quan trọng, nó có chiếc ghế lái thực sự êm ái.
Có Chúa biết anh ta cần điều ấy, khi mỗi ngày ngồi trên ghế lái tới tám tiếng đồng hồ.
Anh ta không thích những chuyến tàu điện ngầm, dù Đường sắt Long Island hay Metro North. Không, anh ta mê những chuyến xe buýt, bất chấp thực trạng giao thông điên cuồng, thái độ thù địch, điệu bộ và tức tối. Anh ta thích sự dân chủ khi đi xe buýt, người ta có thể bắt gặp bất cứ ai, từ các vị luật sư cho tới những nhạc sĩ chật vật kiếm sống, những cậu bé giao hàng. Taxi thì đắt và hôi hám, tàu điện ngầm chẳng phải lúc nào cũng chạy đến nơi người ta muốn. Còn đi bộ? Chà, đây là Manhattan. Tuyệt vời nếu như có thời gian, nhưng ai có chứ? Vả lại, anh ta thích mọi người và anh ta thích cái thực tế rằng mình có thể gật đầu hay mỉm cười, nói xin chào với mỗi người bước lên xe. Người New York, khác với ý kiến của một số người, hoàn toàn không lạnh nhạt chút nào. Chẳng qua đôi lúc họ rụt rè, cảm thấy bất an, thận trọng và lo lắng.
Nhưng thường thì chỉ cần một nụ cười, một cái gật đầu, một từ duy nhất... thế là người ta trở thành bạn mới của nhau.
Và anh ta hạnh phúc được trở thành bạn mới của mọi người.
Chỉ cần qua sáu hay bảy khối phố.
Việc chào hỏi kiểu riêng tư này cũng cho anh ta cơ hội nhận ra những kẻ đầu óc bất bình thường, những đối tượng trộm cắp, say rượu, “đập đá”, và quyết định xem có cần nhấn nút báo khẩn hay không.
Suy cho cùng, đây là Manhattan.
Hôm nay trời đẹp, quang đãng và mát mẻ. Tháng Tư. Một trong những tháng anh ta thích. Lúc này, chừng mười một rưỡi sáng và chuyến xe buýt chật người đang đi về mạn đông cho những cuộc hẹn ăn trưa hay tranh thủ giờ nghỉ giải quyết các việc vặt. Xe cộ di chuyển chậm chạp khi anh ta tiến chiếc xe khổng lồ đến gần điểm đỗ hơn, nơi có bốn, năm người gì đó đang đứng cạnh cây cột gắn biển bến xe buýt.
Anh ta tiến đến điểm đỗ và vô tình nhìn qua những người đang đợi lên xe, ánh mắt anh ta bắt gặp tòa nhà màu nâu cũ kỹ phía sau họ. Một kiến trúc hồi đầu thế kỷ XX, có các cửa sổ lắp chấn song nhưng bên trong lúc nào cũng tối om om. Anh ta chưa bao giờ trông thấy ai ra vào. Một chốn đáng sợ, giống như nhà tù. Phía trước là tấm biển bong tróc, chữ trắng sơn trên nền xanh lam.
CÔNG TY LIÊN HỢP ĐIỆN LỰC VÀ CHIẾU SÁNG ALGONQUIN
TRẠM MH-10
BẤT ĐỘNG SẢN TƯ NHÂN
NGUY HIỂM. CAO THẾ.
CẤM XÂM PHẠM.
Anh ta hiếm khi chú ý tới chốn này nhưng hôm nay có điều gì đó khiến anh ta phải nhìn, có điều gì đó, anh ta nghĩ, không được bình thường. Buông lòng thòng từ cửa sổ xuống cách đất chừng ba mét là một sợi dây, đường kính khoảng nửa đốt tay. Nó được bọc lớp cách điện màu đen. Nhưng ở đầu mút, lớp nhựa hay cao su gì đó đã bị tước mất, để lộ những sợi kim loại màu bạc nhét qua một vật cố định, kiểu khuyên đồng. Sợi dây to khiếp đi được, anh ta tự nhủ thầm.
Và buông xuống ngay qua cửa sổ. Như thế có an toàn không?
Anh ta phanh cho xe dừng hẳn lại, nhấn nút mở cửa. Cơ chế hạ sàn liền hoạt động, chiếc xe to lớn hạ thấp xuống, bậc sắt cuối cùng còn cách đất dăm bảy centimet.
Người lái xe quay gương mặt vuông vắn, hồng hào ra phía cánh cửa thủy lực đang mở với tiếng xì thỏa mãn.
Một bà cụ tuổi bát tuần, tay giữ chặt chiếc túi mua hàng hiệu Henri Bendel cũ sờn, gật đầu chào lại và, chống cây gậy, lập cập bước về phía cuối xe, mặc kệ những chỗ ngồi phía trước vốn vẫn dành cho người già và người khuyết tật.
Làm sao bạn có thể không yêu người New York cơ chứ?
Rồi có chuyển động đột ngột xuất hiện trong gương chiếu hậu. Những ánh đèn màu vàng lóe lên. Chiếc xe tải phóng đến đằng sau chiếc xe buýt. Liên hợp Algonquin. Ba công nhân bước ra, đứng quây lại với nhau, trao đổi. Họ mang các hộp dụng cụ, áo khoác và găng tay dày. Trông họ chẳng hề vui vẻ khi từ từ bước tới tòa nhà, nhìn chằm chằm vào nó. Ba cái đầu chụm lại khi họ bàn bạc gì đó. Một cái đầu lắc lắc vẻ đe dọa.
Rồi người lái xe quay sang vị hành khách cuối cùng đang chuẩn bị bước lên, một thanh niên gốc Latin tay giữ chặt thẻ MetroCard1, dừng lại một chút phía bên ngoài. Anh ta đang nhìn chằm chằm trạm điện. Chau mày. Người lái xe để ý thấy đầu anh ta nghển lên, như thể đang đánh hơi trong không khí.
1 Thẻ đi xe buýt và tàu điện ngầm ở New York.
Mùi a-xít. Có cái gì đó đang cháy. Thứ mùi này gợi cho anh ta nhớ đến lần mô-tơ trong máy giặt của vợ anh ta bị chập điện và các lớp cách điện bị cháy. Thứ mùi gây buồn nôn. Một làn khói đang bay ra từ cửa trạm điện.
Vậy đấy là lý do những công nhân của Algonquin đang hiện diện.
Sẽ lộn xộn đây. Người lái xe tự hỏi liệu có cắt điện không, đèn giao thông có bị ngừng hoạt động không. Như thế sẽ mệt mỏi cho anh ta lắm. Chuyến chạy ngang qua thành phố, bình thường mất hai mươi phút, sẽ kéo dài thành hàng tiếng đồng hồ. Chà, dù tình huống nào xảy ra, anh ta cũng nên nhường chỗ cho bộ phận cứu hỏa. Anh ta vẫy người thanh niên lên xe. “Này, anh, tôi phải đi. Nào. Lên...”
Khi người thanh niên, vẫn đang chau mày trước mùi khét kia, quay bước lên xe, người lái xe nghe thấy những tiếp lốp bốp phát ra từ bên trong trạm điện. Những tiếng nổ đanh, gần giống tiếng súng ngắn. Rồi một quầng sáng bằng hàng chục mặt trời bùng lên che kín khoảng vỉa hè giữa chiếc xe buýt và sợi cáp buông lòng thòng qua cửa sổ.
Người hành khách đơn giản là biến mất vào đám lửa sáng trắng.
Trước mắt người lái xe chỉ còn những dư ảnh màu xám. Âm thanh vừa như tiếng lách tách dữ dội vừa như tiếng súng ngắn, khiến tai anh ta ù đi. Mặc dù có thắt dây an toàn, thân trên anh ta vẫn bị đập vào cửa sổ thành xe.
Qua đôi tai ù đi, anh ta nghe thấy vang vọng những tiếng hét của hành khách.
Qua đôi mắt mù dở, anh ta trông thấy những ngọn lửa.
Khi bắt đầu rơi vào trạng thái bất tỉnh, người lái xe còn tự hỏi liệu có phải bản thân anh ta đã là mồi gây ra đám cháy hay không.