Cuộc đời con người, ai rồi cũng sẽ trải qua rất nhiều chặng đường.
Có đoạn đường thênh thang cười sảng khoái;
có đoạn đường bi thương đến rơi lệ;
có đoạn đường mơ màng nên cố chấp;
có đoạn đường hoang mang rồi buông bỏ;
có đoạn đường thành công và tự tin;
lại có đoạn đường thất bại rồi sực tỉnh.
Bạn nhất định phải trân quý mỗi chặng đường đã đi qua, bởi vì những chặng đường ấy khiến cho bạn nhận ra rằng: Sự sống bao la nằm nơi tấm lòng từ bi, vẻ đẹp của sự sống tồn tại nơi một trái tim bình dị; không cần phải tô vẽ màu mè, không cần phải cao sang diệu vợi, chỉ cần làm những điều bình thường thiết thực, làm một con người giản đơn vô ưu.
Có một người đau khổ nói với vị Thiền sư rằng:
- Thưa sư phụ! Có một số người và một số việc con không thể buông bỏ được.
Thiền sư đáp:
- Hết thảy mọi việc trong đời không có gì là không thể buông xuống được.
Người kia nói:
- Nhưng con vẫn không thể nào buông bỏ được thưa sư phụ.
Thiền sư bảo anh ta cầm trên tay một chiếc ly, sau đó rót nước nóng vào cho đến khi nước trào ra ngoài, nóng quá, anh ta ngay lập tức buông tay ra.
Thiền sư nói:
- Trên đời này không có việc gì là không thể buông bỏ được, đau đớn rồi tự nhiên sẽ buông xuống thôi.
Cuộc đời giống như tách trà, có thăng trầm mới có thể điềm đạm, kiên định; có đau khổ thì mới lan tỏa hương thơm.
Khi thắng lợi phải học cách tự hạ mình xuống thấp;
Khi thất bại cần phải học cách kham nhẫn cô đơn và trầm lắng bản thân.
Cứ mãi trôi nổi theo muôn mặt của cuộc sống, ta sẽ không thể nào cảm nhận được hạnh phúc của đời người;
Cứ cố chấp lặn hụp tận đáy sâu của cuộc đời, thì ta vĩnh viễn chẳng thể nào đón nhận được ánh sáng tươi tắn của mặt trời.
Khi đắc ý cần phải điềm đạm thản nhiên;
Khi thất thế cần phải cứng cỏi kiên định;
Khi ở trên cao thì phải xem trọng người khác;
Lúc ở dưới thấp thì phải giữ lòng tự tôn của chính mình.
Đời người cần điềm đạm nhưng phải có ý vị. Việc đời hỗn loạn, bạn sẽ phải chịu đựng không ít giày vò đau đớn. Cho nên khi gặp việc, tốt nhất đừng toan tính, tranh giành; có thể đi đến những nơi rộng lớn, thì đừng cố chen chúc ở những chốn chật hẹp.
Có một số việc, một số tình cảm, thà rằng lạnh nhạt còn hơn nồng hậu, làm một người lạnh lùng mà sâu sắc, còn hơn trở thành người điềm đạm mà vô vị, để rồi đối với bất kỳ việc gì cũng mất đi sự hứng thú và tìm cầu.
Những người đã không có duyên nợ với mình thì tùy ý họ đến đi, đó là điềm đạm; những ai có mối nhân duyên với mình thì hãy trân trọng, đó là tròn tâm ý.
Trên đời có hai hạng người:
Một hạng người khi trải qua sự vùi dập của sương gió cuộc đời thì tâm héo ý tàn, sầu bi chán nản;
Hạng người còn lại, sau mỗi phen tranh đấu thất bại họ sẽ ngộ ra một điều gì đó và lại càng bình thản, vững vàng hơn, kiên cường hơn. Cho nên, bất luận là về mặt tinh thần hay thực tại, họ đều có cơ hội dùng tâm thái của kẻ thắng lợi để vẫy vùng trở lại.
Cho dù bạn hoàn mỹ như thế nào, chắc chắn cũng sẽ có người không ưa bạn, đem lòng ganh ghét bạn. Vì vậy, đối với người đừng nên mong cầu hoàn hảo; đối với việc đã qua chớ nên giày vò oán trách.
Những người cần phải qua lại, những việc cần phải làm, thì tự bản thân bạn phải nuôi hy vọng và nỗ lực hết sức. Tuy nhiên, bạn phải hạn chế tối đa sự mưu tính ích kỷ, luôn giữ tâm mình ở trạng thái ôn hòa, lạc quan.
Đừng cố ý gây phiền phức với bất kỳ ai, làm như vậy chỉ khiến cho bạn thêm lao tâm tổn khí. Thường cảm khái những điều tốt đẹp khắc ghi tận đáy lòng; bỏ những phế thải xấu xa của cuộc sống vào khe hở thời gian, lấp đi và mỉm cười tự tại.