BÍ MẬT VIỆC RÚT LUI VỀ HẬU TRƯỜNG
Ngày 12 tháng 5 năm 2006, Mã Hóa Đằng thôi giữ chức vụ giám đốc điều hành, để Lưu Sí Bình vốn là giám đốc chiến lược lên thay.
Giải thích lý do để Lưu Sí Bình tiếp quản chức vụ của mình, Mã Hóa Đằng đã nói: “Trong một năm qua, ông Lưu Sí Bình đã có đóng góp tích cực trong công tác quản lý và vận hành công ty, là một trong những thành viên quan trọng của đội ngũ quản lý. Nhờ có sự hỗ trợ của ông ấy cũng như các thành viên khác trong đội ngũ quản lý, tôi mới có nhiều thời gian hơn để xây dựng chiến lược của công ty và hoạch định hướng đi của sản phẩm mới, để Tencent mang tới cho người dùng những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, nắm bắt được cơ hội tiềm ẩn của thị trường.”
Trước khi tiếp quản vị trí của Mã Hóa Đằng, Lưu Sí Bình là một cán bộ quản lý không quá nổi tiếng trong ngành, nhưng ông lại là cá nhân có năng lực cực kỳ nổi trội. Ông được nhận bằng thạc sỹ của hai trường là Đại học Stanford của Mỹ và Đại học Tây Bắc của Trung Quốc khi mới hai mươi lăm tuổi. Ngoài ra, ông có kinh nghiệm công tác hơn mười năm trong các lĩnh vực như: phát hành cổ phiếu, sáp nhập và thu mua cũng như tư vấn quản lý; chỉ có điều ông vẫn là người ngoại đạo, chưa có nhiều hiểu biết về phần mềm tin nhắn trực tuyến. Ông từng giữ chức Giám đốc Điều hành Bộ phận Ngân hàng Đầu tư Châu Á và Giám đốc Điều hành Đội Điện tín, Truyền thông và Khoa học Kỹ thuật thuộc Tập đoàn Goldman Sachs, còn từng làm công tác tư vấn quản lý ở McKinsey & Company. Từ năm 2005, Lưu Sí Bình đảm nhận chức vụ Giám đốc Chiến lược của Tencent, chỉ đạo nghiệp vụ hoạch định chiến lược, đầu tư và thu mua của công ty. Trong thời gian này, cổ phiếu của Tencent đã tăng từ 6 Nhân dân tệ lên 20 Nhân dân tệ, nhanh chóng trở thành công ty mạng Internet có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất ở Trung Quốc.
Dưới sự quản lý thống nhất của Lưu Sí Bình, chiến lược “Cuộc sống Online” của Tencent trải rộng khắp mạng Internet, từng bước hoàn thành công cuộc tiến quân vào nhiều lĩnh vực như: tin nhắn trực tuyến, trò chơi trực tuyến, cổng thông tin điện tử và thương mại điện tử.
Về công tác điều hành doanh nghiệp, Lưu Sí Bình có cách nhìn là: Một doanh nghiệp mạnh có 20% thành công do chiến lược, 80% còn lại được quyết định bởi năng lực điều hành doanh nghiệp. Chính vì lý do này, cuối cùng, Lưu Sí Bình vẫn kiên quyết lựa chọn hòa mình vào với doanh nghiệp, từ một người đứng ngoài quan sát giúp doanh nghiệp phân tích chiến lược chuyển thành một nhà điều hành chiến lược.
Đi tìm động thái liên quan đến việc Mã Hóa Đằng từ chức, e rằng phải đề cập sự kiện Tencent thay đổi biểu trưng hồi cuối năm 2005. Khi đó, các phương tiện truyền thông cho rằng Tencent thay đổi biểu trưng chỉ là hành động thay đổi diện mạo để đón một năm mới “may mắn” như nhiều công ty khác. Nhưng Mã Hóa Đằng lại nói, ông có khả năng đối mặt với thách thức mới, bởi vì với tư cách là người điều hành đế quốc chim cánh cụt, ông sẽ đón nhận sự chuyển đổi trong một vai trò mới. Tại một buổi trả lời phỏng vấn năm 2006, Mã Hóa Đằng đã đính chính lại cách lý giải của phương tiện truyền thông, ông cho rằng Tencent thay đổi biểu trưng là để thể hiện sự nghiệp rộng mở, đa dạng hóa các nghiệp vụ của chính mình, chứ không đơn giản chỉ là thay đổi biểu trưng. Biểu trưng cũ vẫn được sử dụng trong một số trường hợp, chỉ có điều, so với biểu trưng mới, biểu trưng cũ không thể khắc họa hình ảnh Tencent với hệ thống nghiệp vụ toàn diện hơn.
Rõ ràng, câu nói này của Mã Hóa Đằng đã tiết lộ một bí mật: Tencent sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động, chứ không chỉ thỏa mãn với phần mềm IM, điều này được quyết định bởi tình hình hoạt động năm 2005 của Tencent ở trạng thái “hoa nở đẹp khắp nơi”. Trải qua một năm cố gắng vượt lên giữa muôn trùng gian nan, Tencent đã giành được những thành tựu ở nhiều lĩnh vực như: trò chơi trực tuyến, cổng thông tin điện tử, thương mại điện tử, dần chuyển mình từ một công ty mạng Internet chuyên về phần mềm IM thành một công ty dịch vụ mạng xã hội. Cùng với đó, số nhân viên của Tencent cũng tăng lên tới hơn 2.400 người, điều này tạo ra thách thức mới cho công tác quản lý nguồn nhân lực.
Hàng loạt thay đổi khiến Mã Hóa Đằng dự đoán rằng một công ty đang có tốc độ trưởng thành nhanh như Tencent sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trên con đường phát triển trong tương lai. Những vấn đề này chỉ khi được xử lý theo phương thức “phân dòng” mới có thể được giải quyết dễ dàng và ổn thỏa. Do đó, Mã Hóa Đằng buộc phải “tập trung” dồn toàn bộ sức lực quý báu để thúc đẩy đế quốc chim cánh cụt tiến về phía trước.
Thực ra, Mã Hóa Đằng rút về hậu phương còn vì một lý do: Sau khi doanh nghiệp phát triển từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn, sức ảnh hưởng được tạo ra từ sức hấp dẫn cá nhân người lãnh đạo doanh nghiệp cũng yếu dần, bởi vì năng lực cá nhân luôn có hạn, chỉ có tác dụng trong một giai đoạn nào đó của quá trình phát triển doanh nghiệp. Sau khi “chiếc đĩa” to ra, điều doanh nghiệp cần không phải là tăng cường năng lực và uy tín cá nhân của người lãnh đạo, mà là phải từng bước quá độ từ chủ nghĩa anh hùng cá nhân sang hệ thống quản lý khoa học.
Việc Mã Hóa Đằng lui về hậu trường có liên quan đến tính cách của ông. Ông là người làm việc chuyên tâm, từ năm 1998 đến năm 2006, mặc dù Tencent không ngừng mở rộng lĩnh vực hoạt động mới, nhưng lại đồng thời xây dựng và hoàn thiện quy phạm dịch vụ của chính mình, là công ty mạng Internet duy nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ chuyên sâu vào phần mềm IM. Nói cách khác, đối với Mã Hóa Đằng, tin nhắn trực tuyến trước sau vẫn là sản phẩm trọng tâm của công ty, sẽ không bị xem nhẹ kể cả khi các dịch vụ khác “đào được vàng”. Văn hóa “tập trung, chuyên tâm” này dần trở thành một phần trong văn hóa doanh nghiệp của Tencent.
Mã Hóa Đằng rút về hậu trường là để xây dựng Tencent trở thành một cộng đồng và nền tảng máy tính lấy QQ làm trung tâm, từ đó, hiện thực hóa bản thiết kế hùng vĩ của ông về mạng mở, khiến người dùng có cuộc sống mạng không kẽ hở. Đây không còn là một thông điệp đơn thuần của sản phẩm, mà là một kiểu tinh thần doanh nghiệp và niềm tin lập nghiệp.
“NĂM HỔ TENCENT” CHỈ CÒN HAI
Khi Tencent mới thành lập, năm nhà sáng lập luôn duy trì mối quan hệ hợp tác tương đối hòa hợp, điều này chủ yếu là nhờ quyền lợi và quyền lực được phân chia cân bằng, hợp lý, đương nhiên, cũng không thể thiếu sự bổ sung lẫn nhau giữa năm người họ. Tuy nhiên, sau khi trải qua một khoảng thời gian lập nghiệp, năm nhà sáng lập lần lượt gặp phải trở ngại trên con đường thăng tiến sự nghiệp, thế nên đội hình từng một thời khiến mọi người ngưỡng mộ này cuối cùng cũng không tránh được quy luật “trên đời không có bữa tiệc nào không tàn”, trong đó, có ba nhà sáng lập lần lượt rời khỏi Tencent.
Nhà sáng lập đầu tiên chia tay Tencent là Tăng Lý Thanh, người luôn chuyên tâm vào đầu tư. Năm 2007, Tăng Lý Thanh chính thức thôi giữ chức COO của Tencent, trở thành cố vấn danh dự trọn đời. Người bên ngoài phỏng đoán, Tăng Lý Thanh rời đi vào năm 2007, có lẽ liên quan đến việc Lưu Sí Bình thay Mã Hóa Đằng đảm nhận chức vụ tổng giám đốc. Bởi trước đây, Tăng Lý Thanh luôn phụ trách công tác vận hành thường ngày của Tencent, trong khi Lưu Sí Bình lên thay Mã Hóa Đằng cũng chịu trách nhiệm quản lý và vận hành công ty. Do đó, việc Tăng Lý Thanh rời đi có phần như để thể hiện ý “ông lên thì tôi rút”. Tăng Lý Thanh là người thẳng thắn, hoàn toàn đối lập với một Mã Hóa Đằng trầm tính, ít nói, nên sau thời gian dài hai người cộng tác, tính cách ấy khó tránh ảnh hưởng đến việc Mã Hóa Đằng xây dựng uy tín, có lẽ đây chính là lý do Tăng Lý Thanh rời đi.
Khi Tăng Lý Thanh đang hoạt động sôi nổi trên trường đầu tư, một nhà sáng lập khác của Tencent là Trần Nhất Đan cũng tuyên bố rời khỏi Tencent vào tháng 3 năm 2013, lúc đó, công ty vừa công bố báo cáo tài chính.
Từ đầu tới cuối, trọng trách Trần Nhất Đan đảm nhiệm ở Tencent là giám đốc hành chính, và kể từ năm 1999, bắt đầu phụ trách toàn diện các mặt công tác như: hành chính, pháp luật, phát triển chính sách, nguồn nhân lực và quỹ từ thiện công ích, ngoài ra còn xử lý các việc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và quan hệ với cơ quan Nhà nước.
Những nhà sáng lập Tencent khác đều đứng phía sau Mã Hóa Đằng, còn Trần Nhất Đan có thể nói là “phía sau của phía sau”. Trong mười lăm năm nhậm chức ở Tencent, gần như chưa từng có một phương tiện truyền thông nào phỏng vấn riêng Trần Nhất Đan, ông làm việc rất mực thầm lặng. Trần Nhất Đan vô cùng am hiểu pháp luật nên trong quá trình Tencent phát triển từ một công ty không ai biết tới thành một doanh nghiệp lớn nổi tiếng thế giới, ông đã có những cống hiến quan trọng đối với công cuộc quy hoạch phát triển và xây dựng quy phạm quản lý.
Ở Tencent, mọi người cho rằng Trần Nhất Đan và Mã Hóa Đằng đều thuộc típ người có tính cách trầm lặng, ổn định, cho dù làm việc gì cũng đều vừa cẩn trọng, vừa “nhìn xa”. Hơn nữa, Trần Nhất Đan và Mã Hóa Đằng có thể bổ sung cho nhau: Mã Hóa Đằng có tài năng xuất chúng trong lĩnh vực liên quan đến sản phẩm và công nghệ, còn Trần Nhất Đan xuất sắc trên phương diện pháp luật, có thể nhanh chóng tiếp thu và chuyển hóa những điểm mới cũng như chính sách mới do Mã Hóa Đằng đưa ra, đồng thời có thể đứng từ góc độ chuyên môn nhắc nhở Mã Hóa Đằng cần chú ý những vấn đề gì trong thực tiễn, tránh đụng chạm đến pháp luật.
Trần Nhất Đan rời đi là kết quả của quá trình trao đổi cặn kẽ với các nhà sáng lập khác. Sau khi được mọi người đồng ý, ông mới bắt tay sắp xếp các bước từ chức. Trải qua thời gian hai năm bàn giao, công việc của Tencent đã ổn định, đội ngũ cũng đã thành hình, Trần Nhất Đan mới yên tâm ra đi. Quá trình từ chức cũng thể hiện con người chín chắn, điềm tĩnh có thừa của ông.
Trương Chí Đông, nhân vật nổi bật về công nghệ, cũng là một người làm việc thầm lặng, ít khi lộ diện trước công chúng. Ở Tencent, Trương Chí Đông đảm nhiệm hai chức vụ quan trọng là giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ, phụ trách toàn bộ công việc khai thác công nghệ của Tencent, bao gồm nền tảng tin nhắn trực tuyến, hệ thống ứng dụng trên mạng cỡ lớn… Vì thế, ngày 19 tháng 3 năm 2014, khi Trương Chí Đông tuyên bố từ chức, rất nhiều người cảm thấy tiếc nuối, bởi dù sao Trương Chí Đông cũng đang ở thời kỳ đỉnh cao phong độ.
Tuy nhiên, xét từ tình hình hiện tại của Tencent, phần mềm Wechat do chính họ sản xuất đã vượt lên cả QQ, “nền tảng tin nhắn trực tuyến cơ sở” do Trương Chí Đông quản lý hiển nhiên dần bị chính nội bộ Tencent “lạnh nhạt”, còn Wechat do Trương Tiểu Long sáng tạo đã trở thành hạng mục hạt nhân.
Ngoài ra, công tác khai thác hệ thống ứng dụng trên mạng cỡ lớn do Trương Chí Đông quản lý đã có lực lượng mới tiếp quản, chính là Lô Sơn, người tốt nghiệp khoa Khoa học và Công nghệ Máy tính Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc. Cũng chính vì thế, Trương Chí Đông khó tránh cảm giác “anh hùng tuổi xế chiều”. Ông cũng biết rõ thế giới mạng Internet là thế giới của người trẻ, cho nên lựa chọn tốt nhất là nhường chỗ cho những tài năng trẻ, để lui về sống những tháng ngày nhẹ nhõm.
Hiện nay, năm người sáng lập chỉ còn lại Hứa Thần Diệp. Công việc chính của Hứa Thần Diệp là quy hoạch và triển khai sách lược liên quan đến tài sản và cộng đồng của các trang mạng, quan hệ khách hàng cũng như quan hệ công chúng của Tencent. Nhưng có một điều đặc biệt là, dù Hứa Thần Diệp là nhà sáng lập chính của Tencent, nhưng lại không phải là giám đốc điều hành. Ông cũng là một trong hai người nắm giữ cổ phần ít nhất trong năm nhà sáng lập, phần lớn công tác do ông phụ trách thuộc về nội bộ.
Có thể trong thời gian đầu lập nghiệp, không ai từng nghĩ sẽ rời đi, chỉ khi thời gian trôi qua, mỗi nhà sáng lập nảy sinh suy nghĩ riêng, nhận thức về thế giới cũng thay đổi, nên đã lựa chọn những con đường khác nhau.
TÔI CŨNG CẦN BẢN QUYỀN
Do từng bị ICQ khởi kiện, vấn đề độc quyền sáng chế và bản quyền trở thành công việc quan trọng của công ty. Mã Hóa Đằng cũng ý thức được rằng Tencent không thể phạm sai lầm tương tự. Năm 2003, Tencent thành lập một bộ phận chuyên trách là Ban Thực thi Pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình bằng quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, nhanh chóng tuyển dụng các vị trí như: nghiên cứu viên về quyền sở hữu trí tuệ, chuyên viên luật cao cấp và luật sư về quyền sáng chế.
Hệ thống bảo vệ do Mã Hóa Đằng lập nên này hoạt động ở ngay giai đoạn đầu của bất kỳ dự án nào về nghiên cứu khai thác sản phẩm công nghệ và dịch vụ, tức là xây dựng bộ sách lược bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mang tính định hướng, khiến cho mỗi sản phẩm đều đảm bảo “hoàn toàn kín kẽ” về mặt pháp luật. Ngoài ra, hệ thống SCM (quản lý chuỗi cung ứng) của sản phẩm mới cũng tăng thêm khâu thẩm định quyền sở hữu trí tuệ trước khi công bố, như vậy mới có thể kịp thời phát hiện phát minh mới và sáng tạo mới, đồng thời, còn có tác dụng phòng ngừa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.
Sau khi hình ảnh đại diện mới của QQ ra đời, Mã Hóa Đằng thắt chặt công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những thiết kế sáng tạo nghệ thuật này, tránh để bị người khác lợi dụng.
Đầu tiên, ông khởi động cơ chế bảo vệ chung cho bí mật thương mại và bản quyền. Đối với sản phẩm đã hoàn tất sáng tạo như mã nguồn phần mềm, bản vẽ thiết kế đều áp dụng phương thức bảo vệ bí mật thương mại nghiêm ngặt, để quan điểm lập nghiệp cũng như chiến lược thương mại nòng cốt không lọt ra ngoài, đảm bảo sản phẩm mới chắc chắn nắm giữ yếu tố có lợi then chốt trong cuộc cạnh tranh thị trường.
Tiếp theo, bản quyền và nhãn hiệu được bảo hộ cũng được quan tâm nhiều hơn. Năm 2000, Tencent coi hình ảnh hoạt hình của chú chim cánh cụt là một trong những sản phẩm thương mại quan trọng nhất và đăng ký bản quyền, ngoài ra, còn thực hiện đăng ký toàn bộ nhãn hiệu được bảo hộ này, phòng ngừa người khác lấy cắp hình ảnh thiết kế đã được đông đảo người dùng đón nhận và yêu mến. Song song với đó, Tencent cũng rất mực coi trọng thương hiệu, thực hiện bảo hộ toàn bộ đối với những thương hiệu then chốt của công ty, lấy nhóm sản phẩm có hình ảnh hoạt hình chú chim cánh cụt QQ là trọng tâm.
Cuối cùng, xác lập sách lược bảo vệ kép đối với độc quyền sáng chế và bản quyền. Về việc bảo vệ độc quyền sáng chế, thông qua xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý độc quyền sáng chế và hệ thống theo dõi hạng mục đăng ký độc quyền sáng chế, kết hợp bảo vệ bản quyền và độc quyền sáng chế thành một, từ đó ra đời cả bộ quy trình và hệ thống quản lý điện tử đối với công tác đăng ký bảo hộ độc quyền. Vì vậy, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Tencent càng hệ thống, có quy phạm hơn.
Việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ mang lại cho Tencent ngày càng nhiều lợi ích, nhưng Mã Hóa Đằng lại đối mặt với một vấn đề mới, đó là quản lý như thế nào cho hiệu quả lượng lớn quyền sở hữu trí tuệ. Một khi tiến hành chuyển giao, bên được chuyển giao sẽ có đầy đủ quyền tự chủ. Nếu điều khoản hợp đồng không rõ ràng, rất có khả năng đối phương giành mất quyền quản lý hình ảnh sản phẩm.
Mã Hóa Đằng ngày càng coi trọng vấn đề này. Sau quá trình từng bước tích lũy kinh nghiệm, cuối cùng, ông xác định một mô hình chuyển giao quyền quản lý hình ảnh thương hiệu QQ mang màu sắc Tencent. Nội dung của mô hình này là: Tencent yêu cầu tất cả sản phẩm sử dụng hình ảnh hoạt hình QQ được chuyển giao, cho dù là khai thác, sản xuất hay tiêu thụ, chỉ cần liên quan đến việc thay đổi như sáng tạo lại đều phải nhận được sự đồng ý của Tencent, không được tự ý thay đổi. Tất cả biểu trưng có cập nhật đều thuộc về Tencent.
Con đường này Tencent phải đi qua để phát triển, chỉ là nó bỗng nhiên bùng nổ sau sự kiện tranh chấp tên miền mà thôi. Mã Hóa Đằng thúc đẩy những sách lược bảo vệ như trên là cách bảo vệ Tencent trên phương diện sáng tạo trí tuệ, còn phương thức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ của ông khiến cho giá trị thương hiệu của Tencent được nâng cao nhanh chóng, đây là một bước đi mang lại lợi nhuận nhanh nhất.
Mã Hóa Đằng là người có thể tạo nên sức mạnh từ bài học nhận được, ông không cúi đầu nhụt chí vì tranh chấp tên miền, mà ngược lại, đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh tiềm ẩn từ đó. Sau khi kết hợp hiệu quả sáng kiến và công nghệ, ông đã dần xây dựng QQ thành một thương hiệu nổi tiếng. Cũng chính vì từng thua kiện, Mã Hóa Đằng mới càng ý thức sâu sắc rằng quyền sở hữu trí tuệ là sức mạnh cạnh tranh của thương hiệu doanh nghiệp.
BÍ QUYẾT “HAI NGỌN ĐAO NHÀ HỌ MÔ
Với tư cách nhà sáng lập “gã khổng lồ” trong ngành mạng, được mệnh danh là “cha đẻ của chim cánh cụt”, ở Mã Hóa Đằng đương nhiên hội tụ rất nhiều đặc điểm ưu tú của người thành công. Nhưng hai đặc điểm quan trọng nhất và cũng nổi bật nhất chính là: Linh hoạt và biết nắm bắt thời cơ. Hai nguyên tắc làm việc này trở thành “hai ngọn đao nhà họ Mã” giúp Mã Hóa Đằng mở mang bờ cõi đế quốc chim cánh cụt.
Triết lý nhân sinh mà Mã Hóa Đằng luôn tâm niệm là: chớp thời cơ phản công mới càng có sức mạnh. Hơn nữa, phản công rủi ro thấp hơn nhiều, đặc biệt là khi Tencent đã sở hữu ưu thế nhất định về nền tảng công nghệ, chỉ có cách tấn công sau mới đảm bảo không mắc sai sót. Đương nhiên, Mã Hóa Đằng cũng cho rằng bản thân là một người tương đối bảo thủ, không thích mạo hiểm. Ông từng nói: “Chúng tôi sẽ đưa ra những sáng tạo và thử nghiệm nhỏ, nhưng các dự án lớn như trò chơi trực tuyến hay thương mại điện tử chắc chắn phải ra đời sau, ra đời sau cho phép chúng tôi nghiên cứu những gì phù hợp nhất để phát huy. Ví dụ, chúng tôi cảm thấy mô hình hoạt động của Taobao có thể phát huy lợi thế nhờ lượng người dùng mạng Trung Quốc khổng lồ, sàn thương mại điện tử của chúng tôi sẽ nghiêng về học tập mô hình này của họ.”
Mã Hóa Đằng ý thức được tầm quan trọng của việc “hoạch định mưu lược chuẩn xác rồi mới hành động”. Đến nay, cho dù Mã Hóa Đằng quyết định làm gì, đầu tiên đều suy xét làm thế nào để chu kỳ học tập của doanh nghiệp hài hòa với vòng đời sản phẩm sắp đưa vào sản xuất, nhờ đó, kế hoạch tổng thể được thúc đẩy từ từ và ổn định.
Mạng Internet có tốc độ phát triển và thay đổi rất nhanh, thường chỉ trong vài tháng sẽ xuất hiện yếu tốt mới, nên tương đối khó phán đoán cái nào là điểm nóng, cái nào không phải, bất kỳ khả năng nào cũng có thể xảy ra. Với biến số khó nắm bắt như vậy, là người đứng đầu một doanh nghiệp, Mã Hóa Đằng phải luôn cẩn trọng, bởi hễ đưa ra phán đoán sai lầm, cái giá phải trả có thể vô cùng đắt. Do đó, ông càng ngày càng không muốn làm “người đi tiên phong”, mà hy vọng thông qua quan sát người khác để xem bản thân có theo được hay không, đồng thời học hỏi ưu điểm, sau khi cải tạo và hoàn thiện theo cách của mình mới đưa ra thị trường, từ đó hình thành ưu thế lớn mạnh của thương hiệu.
Dù ra chiêu phản công sau, nhưng Mã Hóa Đằng lại là một người rất giỏi nắm bắt cơ hội. Ông từng nhiều lần phát biểu một cách rất khiêm tốn trước công chúng rằng bản thân là người may mắn, sở dĩ có thể thành công là vì nắm bắt được cơ hội. Mã Hóa Đằng cảm thấy, cho dù là ông hay đội ngũ của ông đều không phải đặc biệt thông minh, hơn nữa sản phẩm của Tencent cũng không phức tạp, chỉ có điều công ty đã nhanh nhạy nắm bắt và tận dụng từng cơ hội mà thôi.
Năm 1995, Mã Hóa Đằng đã biết đến mạng Internet, điều này khiến ông có bước đi đầu tiên nhanh hơn mọi người. Ông được tiếp xúc sớm hơn với các công nghệ máy tính mới, sau này, rất nhiều nhân vật xuất chúng trong làng Internet cũng gây dựng được giang sơn của mình nhờ ưu thế này.
Đương nhiên, chỉ hiểu về mạng Internet thì chưa đủ, còn cần độ nhạy bén nhất định với mạch phát triển của toàn ngành Internet. Mã Hóa Đằng chính là kiểu người này, ông luôn nhanh nhạy với công nghệ mới, đưa ra phán đoán thương mại chính xác, đồng thời dự báo tốt về xu thế thị trường.
Ưu điểm của Mã Hóa Đằng nằm ở chỗ ông có thể nhanh chóng nắm lấy điều kiện thuận lợi bên cạnh, tạo ra điều kiện để nắm lấy thời cơ. Ví dụ, khi chưa có nhiều chuyên gia máy tính, Mã Hóa Đằng đã tận dụng ưu thế địa lý của Thâm Quyến, dốc sức thu hút nhân tài, xoay tìm nguồn vốn.
Ngoài ra, Mã Hóa Đằng còn có một “bí quyết” để nắm bắt cơ hội. Đó là trước khi đưa ra quyết định, phải suy nghĩ thấu đáo về các chi tiết có liên quan, chứ không tùy tiện dấn thân để rồi không có đường lui. Ông không đối diện với cơ hội bằng tâm lý “được ăn cả ngã về không” hoặc nghe theo số trời mà suy nghĩ kỹ càng kết quả trước sau, khiến cho bên đầu tư yên tâm về ý tưởng cũng như kế hoạch của mình. Có thể nói, Mã Hóa Đằng không lập nghiệp bằng cảm xúc, mà lập nghiệp nhờ biết phân tích.
Chính vì nắm bắt được cơ hội phát triển của mạng Internet, ông mới có thể trở thành bá chủ trong lĩnh vực tin nhắn trực tuyến. Thực ra, những người am hiểu về mạng Internet đều biết, phần mềm trò chuyện giành phần thắng không phải nhờ công nghệ mà là nhờ thứ tự tiến vào thị trường trước hay sau. Một phần mềm được nghiên cứu, chế tạo xuất sắc đến đâu, nếu lượng đăng ký ít thì cũng không ai quan tâm. Tencent đã giành được cơ hội đi đầu này, tích lũy được hàng trăm triệu người dùng. Bởi vậy, đế quốc chim cánh cụt ngày càng lớn mạnh với danh tiếng và ưu thế ngày càng nổi trội. Những kết quả này có được đều là nhờ Mã Hóa Đằng đã sáng suốt nắm bắt thời cơ.
Quan sát người đi trước, ra đòn phản công khiến vô số người đi trước phải chịu thất bại trước Tencent; nắm bắt thời cơ khiến vô số người cùng ngành phải chịu thua trước Tencent. Chính nhờ “hai ngọn đao” này, Mã Hóa Đằng đã mở ra “một con đường máu” làm cơ sở cho đế quốc chim cánh cụt.
Thời đại đang thay đổi, công nghệ đang phát triển, từ mạng Internet sang mạng Internet di động, từ PC sang thiết bị di động, chim cánh cụt nhỏ đã trải qua một cuộc cách mạng công nghệ và cách mạng văn hóa với nhiều nội dung sâu sắc. Cho dù con đường tương lai không thể đoán định, nhưng với sức ảnh hưởng của thông điệp doanh nghiệp là lấy “trao đổi” làm nòng cốt, đế quốc chim cánh cụt sẽ tiếp tục đi theo con đường thành công này, thăm dò và viết nên những trang huy hoàng mới trên hành trình chinh phục phía trước.