TÔI CÓ 800 TRIỆU, TÔI SỢ AI?
Ngày 16 tháng 5 năm 2007, báo cáo hoạt động quý I năm 2007 do Tencent công bố cho thấy: Tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2007, số lượng đăng ký QQ đã đạt 597,9 triệu người, trong đó số người dùng thường xuyên là 253,7 triệu, số lượng người dùng QQ lên mạng cùng lúc cao nhất đạt 28,5 triệu.
Năm 2011, tại Bắc Kinh, Tencent tổ chức một buổi “Đại hội mở cửa” có quy mô lớn và được nhiều người biết đến. Tại đại hội, Tencent và tất cả đối tác cùng thảo luận kế hoạch “mở cửa”. Mục đích của đại hội lần này là Mã Hóa Đằng muốn chia sẻ thành quả QQ của Tencent với mọi người.
Trong cuộc “đại chiến 3Q” năm 2010, Mã Hóa Đằng đã đưa ra một quyết định tương đối khó khăn: Mở cửa QQ đối với cả người dùng đang sử dụng phần mềm 360. Chính quyết định tưởng không mấy quan trọng này lại thay đổi tương lai của Tencent, thậm chí thay đổi hiện trạng của cả ngành Internet Trung Quốc, ảnh hưởng đến cuộc sống trên mạng của hàng trăm triệu cư dân mạng trong cả nước.
Ngày 17 tháng 11 năm 2010, mấy ngày sau khi “đại chiến 3Q” kết thúc, Mã Hóa Đằng tham dự “Hội nghị cấp cao các nhà khởi nghiệp Trung Quốc” trong khuôn khổ Đại hội các trường bậc đại học lần thứ 12. Trong hội nghị, ông đã phát biểu như sau: “Mạng Internet ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống mọi người, đồng thời, cũng mang đến nhiều cơ hội hơn. Mở cửa và chia sẻ đã trở thành xu hướng của ngành chúng ta. Trong tương lai, Tencent sẽ đưa thêm nhiều yếu tố mở cửa, chia sẻ hơn nữa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, tích cực thúc đẩy sâu hơn việc mở cửa không gian, quan tâm đến sự hài hòa của chuỗi cung ứng. Với chủ trương tăng cường mở cửa và chú trọng thực tế, Tencent sẽ cùng các đối tác hợp tác trong chuỗi cung ứng như trang web theo chiều dọc (vertical website), nhà khai thác ứng dụng và người khai thác độc lập triển khai hợp tác cùng có lợi, cùng thúc đẩy ngành Internet Trung Quốc phát triển rực rỡ.”
Chính sách mở của Mã Hóa Đằng có nội dung như sau: Với tiền đề là mở cửa khung trên QQ, người dùng không còn phải đối diện với hệ điều hành kiểu dập khuôn, máy móc, và cũng không còn bị hạn chế bởi các điều kiện khách quan như điểm cuối hay hệ điều hành, mà có thể tận hưởng trang mạng “Cuộc sống Online” đa sắc hơn do Tencent cung cấp qua các phần mềm như “Q+”. Chúng cho phép càng nhiều nhà khai thác ứng dụng bên thứ ba coi QQ như một sân khấu lớn có thể biểu diễn các loại hình nghệ thuật, trực tiếp cung cấp dịch vụ cho 600 triệu người dùng QQ.
Thực chất của ý tưởng này là: Trước tập thể người dùng khổng lồ, một hệ điều hành cộng đồng xã hội mở và thông minh hơn hòa nhập vào hệ thống thế giới mạng Internet, đồng nghĩa với việc dựng lên một bộ khung kiên cố, vững chắc rồi xâu chuỗi chặt chẽ các đơn vị trong “mạng lưới lớn” này lại với nhau. Cùng với quá trình “Q+” ngày càng hoàn thiện, mạng lưới vững chắc này ngày càng hiện lên rõ nét trước công chúng.
Qua “Q+” có thể thấy, Mã Hóa Đằng có một mong ước với doanh nghiệp của mình là: QQ mở sẽ không đơn thuần là hạt nhân trong hoạt động của Tencent, mà là hạt nhân trong chuỗi cung ứng mạng Internet, trở thành trạm xuất phát của đông đảo cư dân mạng Trung Quốc khi tiến hành các loại hoạt động mạng.
“Q+” DO MÃ HÓA ĐẰNG XÂY DỰNG CÓ SỨC KẾT NỐI KHÔNG HỀ NHỎ
Năm 2014, cơ quan đại diện tiêu dùng truyền thông xã hội quốc tế We Are Social đã thực hiện điều tra các không gian mạng xã hội quy mô lớn trên thế giới. Trong năm mạng xã hội lớn nhất được liệt kê, QQ, QQ Zone và Wechat của Tencent đều có mặt. Báo cáo của cơ quan này cho biết: Năm 2014, tổng số người dùng mạng Internet trên toàn cầu đã vượt 3 tỷ người, trong đó, số lượng người dùng thường xuyên theo tháng của Facebook, mạng xã hội sôi động nhất đạt 1,35 tỷ, gần bằng tổng số dân của Trung Quốc, xếp ở vị trí thứ nhất. Còn đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là QQ và QQ Zone, với tổng lượng người dùng là 829 triệu và số người dùng thường xuyên hằng tháng là 645. Vị trí thứ năm thuộc về ứng dụng tin nhắn trực tuyến trên điện thoại mới được Tencent đưa vào khai thác là Wechat, lượng người dùng thường xuyên hằng tháng đạt 438 triệu.
Mấy năm gần đây, tốc độ phát triển của Wechat ở thị trường Trung Quốc đã vượt cả QQ và QQ Zone. Việc Wechat được yêu thích liên quan mật thiết với QQ, bởi vì ít nhất một nửa người dùng Wechat đến từ QQ.
Từ 600 triệu đến 829 triệu, con số tăng lên rõ ràng này một lần nữa chứng minh sức mạnh của Tencent, đồng thời giúp Mã Hóa Đằng có thêm niềm tin trong việc tạo dựng một thời đại lớn của mạng Internet. Sở hữu lượng người dùng khổng lồ như vậy, dù Mã Hóa Đằng ra mắt phần mềm mới gì, đều sẽ được hàng trăm triệu người hưởng ứng.
“BA TAY” ĐÀO VÀNG
Năm 2012, Mã Hóa Đằng tổ chức lại Ban Di động của Tencent để thích nghi với thời đại Internet di động mới.
Cánh tay đầu tiên là tập hợp các dịch vụ mạng Internet di động. Vai trò của tập hợp các dịch vụ mạng Internet di động này là giúp cho Ban Không dây và các ban PC khác của Tencent phát triển theo hướng mạng không dây, từ đó hình thành một chuỗi nghiệp vụ, và cuối cùng là thúc đẩy Tencent nhanh chóng trở thành doanh nghiệp mạng Internet di động.
Một cánh tay khác là Wechat với hiệu ứng kết bạn “lắc lắc” (cách kết bạn đặc trưng của Wechat). Wechat đã thoát được khỏi lối tư duy của thời đại SP, trở thành một sản phẩm thích ứng thời đại mới, có quy hoạch phù hợp với nhu cầu trải nghiệm của người dùng, rất có khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Với Mã Hóa Đằng, “hai cánh tay” này có thể cùng lúc ra đòn, tấn công đối thủ, nhưng chúng vẫn tồn tại một vài khuyết điểm khó tránh. Ví dụ, tập hợp các dịch vụ mạng Internet di động có thiết kế chưa đạt đến mức hoàn thành kế hoạch chiến lược mà Mã Hóa Đằng đã vạch ra, chỉ có thể đem về cho Tencent doanh thu nhất định trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, do chúng bắt nguồn từ các nghiệp vụ liên quan đến PC, nên rất nhiều phòng ban truyền thống đã trở thành “nơi cung cấp” tài nguyên. Ngoài ra, tập hợp các dịch vụ mạng Internet di động lại có tác dụng thay thế nhất định với các nghiệp vụ truyền thống, khiến các phòng ban khó tránh xảy ra va chạm.
Bên cạnh đó, do Wechat và tập hợp các dịch vụ mạng Internet di động có sự trùng lặp về đầu tư, nên để phát triển, nó cũng phải tận dụng tài nguyên của các phòng ban khác. Như thế, hai nắm đấm được Mã Hóa Đằng tạo ra sẽ ảnh hưởng và tác động lẫn nhau.
Các sản phẩm mạng Internet di động của Tencent không ngừng được hoàn thiện. Mã Hóa Đằng cũng nhận thức sâu hơn về mạng Internet di động, ông thấy chiến lược “hai cánh tay” đã không còn đáp ứng nhu cầu của hiện thực, cần phải tăng thêm một “cánh tay tàng hình”. “Cánh tay tàng hình” này là tập hợp dịch vụ giải trí tương tác gồm cả tập hợp dịch vụ truyền thông giao tiếp xã hội của Mobile QQ cũng như trò chơi trên thiết bị di động. Trải qua thời gian cải tổ, Ban Di động của Tencent đã không còn là “quỷ hút máu”, mà là “cơ quan tạo máu”. Mã Hóa Đằng cũng khuyến khích các bộ phận khác tiếp thêm vốn và lực cho lĩnh vực mạng Internet di động.
Mặc dù cách sắp xếp này của Mã Hóa Đằng khó tránh màu sắc “chủ nghĩa trung lập”, tức là Mã Hóa Đằng không để Wechat diễn vai “người điều khiển xe ngựa” mà tiếp tục đóng vai “ruộng thử nghiệm”. Thực ra, “ba cánh tay đào vàng” vẫn không giống “hai cánh tay đào vàng”. Một mặt, tập hợp các dịch vụ mạng Internet di động được giảm bớt áp lực doanh thu ngắn hạn thì cũng dần mất tiếng nói trong công ty. Trong khi Wechat lại càng trở nên quan trọng hơn; mặt khác, các dịch vụ đem lại lợi nhuận như Mobile QQ và trò chơi trên thiết bị di động lại quay về Ban PC sau khi cải tổ, điều này khiến giá trị thương mại của nó được tăng thêm nữa, gia tăng thu nhập cho công ty, làm giảm áp lực thương mại hóa Wechat.
Do đó, nếu Wechat có thể phát triển thuận lợi thì có thể chứng minh nó có vai trò quan trọng trong lĩnh vực mạng Internet di động của Tencent, có không gian phát triển lớn hơn trong tương lai.
“Đại hội chiến lược di động mở Tencent” diễn ra năm 2014 được coi là hội nghị có giá trị nhất trong năm. Trong hội nghị trước thềm năm mới này, các bên tham gia đều lên kế hoạch về phương hướng chiến lược và xu hướng sản phẩm trong tương lai. Là gã khổng lồ trong ngành mạng Internet, Tencent cũng đã tiết lộ một vài chi tiết liên quan đến chiến lược di động.
Tại hội nghị, Tencent xác định “Yingyongbao” là sản phẩm chủ đạo. Có vẻ như Yingyongbao có không gian và tiềm lực phát triển rất lớn, việc xác định giá trị của nó chính là chiến lược mới của Tencent với mục tiêu “đào sâu nền tảng giao tiếp xã hội”. Có thể thấy, xoay quanh nền tảng giao tiếp xã hội, Mã Hóa Đằng đã thử một con đường mới trong việc đi sâu điều chỉnh các sản phẩm và tài nguyên nội bộ, từ đó, khiến người dùng và nhà khai thác đạt được lợi ích lớn nhất, cũng là để Tencent bước lên con đường phát triển khác biệt trong cuộc cạnh tranh thị trường tương lai.
“Yingyongbao” không giống với trang web cung cấp ứng dụng truyền thống mà mang đậm màu sắc cá nhân, đây cũng là điểm nổi bật được Mã Hóa Đằng đánh giá cao. Yingyongbao phiên bản 4.0 sau khi nâng cấp đã không còn bị bó chân trên kênh cung cấp ứng dụng, mà biết phân tích đặc điểm người dùng theo dữ liệu, từ đó, giới thiệu ứng dụng phù hợp với từng cá nhân. Cách làm này vừa có lợi cho việc nâng cao cảm nhận vừa đáp ứng tối đa các nhu cầu sử dụng của người dùng.
Năm 2013, những người khổng lồ đã thảo luận và thử nghiệm “dữ liệu lớn - Big Data”. Năm 2014 là năm những người khổng lồ thật sự so sánh thực lực dữ liệu lớn. Ai có thể khai thác dữ liệu lớn và mang về lợi nhuận trong năm này, người đó sẽ giành được vị thế có lợi trên thị trường giai đoạn sau. Chắc chắn một loạt chiến lược di động mới của Mã Hóa Đằng sẽ khiến nhiều đối thủ lo sợ, từ đó, xuất hiện càng nhiều sản phẩm cùng loại. Điều này sẽ khiến người dùng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn, thúc đẩy thị trường mạng Internet di động thêm phát triển.
TIẾN QUÂN VÀO LĨNH VỰC TRUYỆN TRANH
Năm 2014, Tencent mở cuộc họp báo về lĩnh vực giải trí tương tác hằng năm. Trong buổi họp báo lần này, trang mạng chuyên về truyện tranh của Tencent (Tencent Comics) đã công bố một chiến lược mới: Tencent sẽ dốc toàn lực xây dựng chuỗi cung ứng truyện tranh. Để đảm bảo chuỗi cung ứng truyện tranh này vận hành bình thường, Tencent đã chính thức khởi động trang chủ Hội người hâm mộ Naruto, dự án đầu tiên được đưa vào sử dụng.
Có thể nói, chiến lược mà Tencent Comics công bố là đột phá mang tính chiến lược. Nó không chỉ đồng nghĩa với việc Mã Hóa Đằng triển khai thăm dò mô hình thương mại của ngành truyện tranh Trung Quốc, mà còn cung cấp cho đông đảo người yêu truyện tranh một địa chỉ để trải nghiệm nội dung giải trí hấp dẫn. Tại đây, Mã Hóa Đằng sẽ tạo ra nhiều trải nghiệm có chất lượng hơn.
Mấy năm gần đây, Trung Quốc luôn nỗ lực hỗ trợ ngành truyện tranh, nên chắc chắn sẽ ban hành chính sách ưu đãi trên nhiều phương diện, ngành truyện tranh của Trung Quốc sẽ có tương lai xán lạn. Mã Hóa Đằng gây dựng chuỗi cung ứng này là xác định truyện tranh như một trận địa mới trong lĩnh vực giải trí tương tác của Tencent. Bởi ông nhạy bén nhận ra: Một mặt, sản phẩm phái sinh cũng như môi trường xung quanh ngành truyện tranh có giá trị thị trường tương đối lớn; mặt khác, văn hóa truyện tranh là một phương tiện truyền tải văn hóa có thể bày tỏ tình cảm của bản thân, rất dễ tạo nên tiếng nói chung với tập thể người hâm mộ.
Mã Hóa Đằng đã triển khai công tác trên bốn mặt sau: Thứ nhất, khuyến khích sáng tác truyện tranh, cố gắng mang tới cho đông đảo người yêu truyện tranh những tác phẩm xuất sắc nhất; Thứ hai, tăng cường chuyển thể thành phim hoạt hình những tác phẩm có chứng nhận bản quyền tác giả, từ đó lan tỏa sức ảnh hưởng của tác phẩm; Thứ ba, tăng cường chuyển thể truyện tranh thành trò chơi, khiến trò chơi hiện có và giá trị sở hữu trí tuệ được chia sẻ với nhau; Thứ tư, làm tốt các sản phẩm bên lề, để nội dung của phiên bản gốc được phát huy và tập hợp một cách hoàn hảo.
Năm 2014, Mã Hóa Đằng chỉ ra con đường sinh tồn và phát triển cho Tencent Comics: Dựa vào môi trường giàu sức mạnh là Tencent, lấy nòng cốt là các tác phẩm xuất sắc có bản quyền để tập hợp lượng lớn người yêu thích truyện tranh, giúp Tencent đặt nền móng cho công cuộc thương mại hóa truyện tranh.
Năm 2014, Tencent Comics vẫn tiếp tục thực hiện “chiến lược giải trí rộng rãi”, gần như tái cơ cấu một cách có hiệu quả ngành truyện tranh nội địa Trung Quốc, từ đó, xây dựng chuỗi cung ứng truyện tranh lấy những tác phẩm có bản quyền nổi tiếng làm hạt nhân.
Mã Hóa Đằng không chỉ quan tâm tới những tác phẩm truyện tranh nổi tiếng có bản quyền mà còn để ý cả những sáng tác mới, thu hút người yêu truyện tranh gia nhập vào cộng đồng lớn của Tencent. Sau khi đăng tải trên Tencent Comics, bộ truyện tranh mang tên “Thi huynh” do Thất Độ Ngư sáng tác nhận được sự yêu thích của đông đảo người dùng. Với sự ủng hộ, hỗ trợ của Mã Hóa Đằng, bộ truyện tranh này được chuyển thể thuận lợi từ truyện tranh sang hoạt hình, trò chơi và các sản phẩm phái sinh, còn tác giả Thất Độ Ngư sau khi hợp tác với Tencent Comics đã trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh có thu nhập mỗi năm lên tới hàng triệu Nhân dân tệ.
Cũng trong buổi họp báo này, Mã Hóa Đằng chính thức đưa ra khái niệm mới là “giải trí rộng rãi” để nói về chiến lược nâng cấp, khiến mọi người dần hiểu rõ, khái niệm này chứa đựng tư tưởng cốt lõi là mạng Internet và mạng Internet di động cùng sinh tồn. Hiệu ứng kinh tế thu được từ những tác phẩm có bản quyền này cũng sẽ trực tiếp thúc đẩy chuỗi cung ứng trong tương lai của Tencent.
Có một chuỗi cung ứng tốt làm bệ đỡ, Mã Hóa Đằng đã sở hữu mặt bằng cung cấp trải nghiệm giải trí hấp dẫn cho đông đảo người dùng. Do đó, ông tiếp tục mở rộng dịch vụ giải trí tương tác của Tencent, không ngừng thăm dò và tiến xa hơn trong lĩnh vực này, đồng thời cũng dốc hết sức lực, tâm huyết đầu tư vào chiến lược thương mại là: dẫn nhập và phổ biến những sáng tác mới có bản quyền, từ đó, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dùng Tencent.
ĐỌC LÀ VUA
Năm 2013, trang văn học Tencent (book.qq.com) thuộc Công ty Tencent giới thiệu tới người dùng phần mềm đọc sách QQ Reading phiên bản 4.0 dành cho hệ điều hành Android. Trang văn học Tencent cho hay, sau khi trải qua tiểu blog, trình duyệt web, an ninh (phần mềm diệt virus), trò chơi, ngành Internet Trung Quốc hiện nay đã xác định trận địa tiếp theo là lĩnh vực văn hóa đọc. Điều này có nghĩa là các đối thủ cạnh tranh trong ngành sẽ đối mặt với thách thức và cơ hội sinh tồn hoàn toàn mới. Vì thế, book.qq.com cũng sẽ từng bước kết nối chặt chẽ Wechat cũng như các nền tảng giao lưu xã hội khác của Tencent với phần mềm đọc văn bản, nhưng cụ thể phải tiến hành đưa vào và tổng hợp như thế nào, Tencent vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thăm dò.
Sách lược này của Mã Hóa Đằng vô cùng rõ ràng, ông đã nhìn thấy phương hướng phát triển của phần mềm đọc tài liệu trong tương lai, nên tăng cường cải cách và xúc tiến công nghệ số hóa việc đọc của Tencent. Nhìn từ tình hình trước mắt, phiên bản mới của QQ Reading đang hoàn thiện trên bốn phương diện: Thứ nhất, nội dung phong phú hơn trước; Thứ hai, tính năng mạnh hơn; Thứ ba, lành mạnh hơn về thị giác; Thứ tư, chi tiết nhân văn hơn.
Chỉ có phần mềm đương nhiên không thể hoàn thành việc đọc. Do đó, Mã Hóa Đằng cũng tăng cường hợp tác với trang mạng Sáng Thế Trung Văn (cszww.cc) để cung cấp cho người dùng sự hỗ trợ cần thiết về nội dung đọc. Mã Hóa Đằng đã đánh giá đúng về tương lai phát triển của thị trường này, nên đã tính toán tới từng bước đi.
Nửa cuối năm 2013, Tencent mở cuộc họp báo ở Bắc Kinh, chính thức công bố thương hiệu “Văn học Tencent”, hệ thống nghiệp vụ cũng như chiến lược phát triển “văn học toàn diện”. Trong lần họp báo quan trọng này, Tencent ra mắt thương hiệu “Văn học Tencent” và hệ thống dịch vụ, bao gồm trang mạng Sáng Thế Trung Văn thuộc mạng văn học mới dành cho nam và Thư viện Vân Khởi dành cho nữ. Ngoài hai trận địa trên, Văn học Tencent còn mua các đầu sách bán chạy của các đơn vị xuất bản số và đưa lên cổng thông tin Văn học Tencent dành cho PC. Đương nhiên, Mã Hóa Đằng cũng không quên khách hàng di động. Trang Văn học Tencent book.qq.com đã bổ sung kênh sản phẩm là cổng thông tin dành cho mạng không dây và phần mềm QQ Reading cho di động. Các nguồn kênh phong phú và rộng rãi như vậy đã chứng minh rằng Mã Hóa Đằng rất quan tâm đến mảng dịch vụ này.
Cuộc họp báo lần này được nhiều người coi trọng, chủ yếu là vì tại đây, Văn học Tencent đã tuyên bố đưa vào “QQ Reading center” do Mobile QQ sản xuất. “QQ Reading center” là nền tảng đọc được xây dựng trên cơ sở của “QQ Reading” với nội dung chính: “nhanh, nhẹ nhàng mà chất lượng”. So sánh với “Game center” trước đây, thay đổi rõ nét nhất chính là nó sẽ xuất hiện ở phiên bản QQ mới dành cho thiết bị di động trong tương lai.
Có thể thấy, Mã Hóa Đằng đã hoạch định chiến lược “văn học toàn diện” cho Tencent, chiến lược này có cơ sở là hệ thống nghiệp vụ vừa kiến tạo với nội dung phong phú cùng kết cấu chuỗi cung ứng to lớn có thể bao hàm toàn bộ nội dung, toàn bộ người dùng và toàn bộ nền tảng.
Kết cấu to lớn như trên mang nhiều ưu thế. Trước tiên, về mặt nội dung, Văn học Tencent bao gồm cùng lúc hai hình thức là văn học truyền thống và văn học mạng, và thông qua “sách bán chạy” của đơn vị xuất bản số cũng như Nhà xuất bản Bách Gia để tạo nên chiến lược mới. Không chỉ thế, Văn học Tencent cũng tiến thêm một bước lớn về mặt người dùng, nó sẽ cung cấp dịch vụ đọc có định hướng cho các nhóm người dùng có độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp khác nhau của Tencent. Cũng chính việc cá nhân hóa được coi là tiêu chuẩn cơ bản của dịch vụ đã khiến Tencent thực hiện công tác nhất thể hóa các kênh đầu ra từ PC đến thiết bị di động khi xây dựng nền tảng, cụ thể là nhất thể hóa nội dung và tài khoản. Nhất thể hóa có tác dụng lớn nhất là cập nhật đồng bộ tất cả dữ liệu sách, tài liệu, trạng thái đọc cũng như số liệu người dùng, đảm bảo người dùng có được trải nghiệm tốt nhất trên thiết bị di động.
Để đảm bảo chất lượng của tác phẩm, Mã Hóa Đằng còn thành lập “Đoàn cố vấn các nhà văn hàng đầu của Văn học Tencent” do Mạc Ngôn, tiểu thuyết gia được tặng giải thưởng Nobel văn học, làm hạt nhân cùng sự tham gia của các nhà văn nổi tiếng như: A Lai, Tô Đồng, Lưu Chấn Vân…
Đương nhiên, Mã Hóa Đằng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn học, Tencent còn hợp tác chiến lược với các công ty điện ảnh như Hoa Nghị Huynh đệ (Huayi Brothers Media Corporation), thành lập “Liên minh hỗ trợ các tác phẩm điện ảnh truyền hình có kịch bản xuất sắc”, dốc sức đầu tư, sản xuất và vận hành dự án chuyển thể các tác phẩm văn học chất lượng cao, có bản quyền trên Văn học Tencent thành phim điện ảnh, phim truyền hình.
Thật ra, chiến lược mới của Mã Hóa Đằng trong lĩnh vực đọc là một lần điều chỉnh tổng hợp chuỗi cung ứng của Tencent. Ông tận dụng tư duy chiến lược mới là “giải trí rộng rãi”, kết nối nó với các nghiệp vụ mạng Internet của Tencent để hình thành tổ hợp hoàn hảo, từ đó, xây dựng kế hoạch chiến lược tổng thể có nòng cốt là các tác phẩm có bản quyền, phát triển theo nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, hướng tới các lĩnh vực như: trò chơi, điện ảnh truyền hình, kịch, truyện tranh…