KHÔNG TRỞ THÀNH NHÀ THIÊN VĂN HỌC
Mã Hóa Đằng sinh ra tại Sán Đầu, Quảng Đông, nhưng lại lớn lên ở Hải Nam. Chính bầu trời lấp lánh ngàn sao của đảo Hải Nam đã giúp chàng thanh niên Tiểu Mã dệt nên muôn vàn mộng tưởng về thế giới trong tương lai.
Có niềm đam mê đối với vũ trụ bao la nên Mã Hóa Đằng muốn sở hữu một chiếc kính viễn vọng chuyên nghiệp. Nhưng lúc đầu, gia đình ông không đồng ý, bản thân ông cũng thấy yêu cầu của mình có phần quá đáng nên chỉ đành ngậm ngùi bày tỏ nỗi lòng trong những dòng nhật ký: “Cách làm của bố mẹ có thể sẽ giết chết một nhà thiên văn học.” Sau này, khi tình cờ đọc được nhật ký của con trai, mẹ của Mã Hóa Đằng hạ quyết tâm rút tiền tiết kiệm để mua cho ông một chiếc kính viễn vọng.
Từ khi có chiếc kính, Mã Hóa Đằng ngày ngày say mê quan sát các hiện tượng thiên văn. Một vài năm sau, có người đã hỏi Mã Hóa Đằng rằng việc ông tự hào nhất là gì. Mã Hóa Đằng nghiêm túc trả lời, đó chính là việc chụp được hình ảnh sao chổi Halley và nhận phần thưởng trị giá mấy chục tệ.
Về cha mẹ của Mã Hóa Đằng, cuốn sách này không thể không giới thiệu đôi dòng. Cha của Mã Hóa Đằng tên là Mã Trần Thuật, vốn là cán bộ xuống phía Nam công tác, từng là kế toán của Cục Nghiệp vụ cảng Ba Sở, Hải Nam, thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc. Chức vụ cao nhất mà ông từng đảm nhiệm là thành viên Ban Giám đốc Công ty Cảng Diêm Điền, Thâm Quyến, công ty này đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Mã Trần Thuật và Lý Gia Thành còn là đồng hương. Tập đoàn Viễn thông và Truyền thông PCCW của Lý Gia Thành từng có lần cung cấp vốn mạo hiểm cho Tencent, vì thế mọi người vẫn nghĩ rằng, Mã Hóa Đằng được nhận không ít nguồn lực từ các mối quan hệ xã hội của cha mình.
Nhưng trên thực tế, sự giúp đỡ trực tiếp duy nhất Mã Trần Thuật dành cho con trai Mã Hóa Đằng là đích thân ông thực hiện nghiệp vụ kế toán khi công ty Tencent vừa thành lập, còn những lợi ích khác từ mối quan hệ cha - con này đều chỉ là ảnh hưởng thông qua giáo dục.
Ngoài công ơn dạy dỗ của người cha Mã Trần Thuật, người mẹ Huỳnh Huệ Khanh cũng được coi là “người phụ nữ” đứng sau thành công của Mã Hóa Đằng, có lẽ bắt nguồn từ việc bà là đại diện pháp nhân của Tencent trong suốt một thời gian dài. Mã Hóa Đằng từng bày tỏ một cách bất lực rằng lúc đó, đại diện pháp nhân đứng ra thành lập công ty bắt buộc phải là người chưa có việc làm hoặc đã nghỉ hưu nên ông mới đành “lôi mẹ vào cuộc”.
Quay lại chủ đề chính.
Năm 1984, Mã Hóa Đằng chuyển đến học tập tại trường trung học tốt nhất ở Thâm Quyến. Sống trong thành phố ngập tràn khẩu hiệu “thời gian chính là vàng bạc, hiệu suất chính là tính mạng”, Mã Hóa Đằng dần tôi luyện một tinh thần lao động thực chất, tính cách và tư tưởng của ông cũng ngày một trưởng thành theo đà phát triển của thành phố trẻ năng động này. Có lẽ chính vì quyến luyến và cảm thấy hòa hợp với nơi đây mà ông đã lựa chọn học tại Đại học Thâm Quyến, vốn ở gần nhà.
Theo lẽ thường, nếu đam mê thiên văn học thì sẽ chọn chuyên ngành thiên văn, nhưng Mã Hóa Đằng lại “phản bội” lý tưởng của mình. Qua thời gian mải mê quan sát bầu trời bao la, Mã Hóa Đằng nhận ra, từ giấc mơ thiên văn học đến hiện thực là cả một khoảng cách quá xa vời. Vì thế, ông quyết định chuyển sang một chuyên ngành yêu thích khác là máy tính.
Máy tính và thiên văn có một đặc điểm chung là đều đi sâu tìm hiểu về thế giới chưa được xác định trong tương lai. Đặc điểm này đã khiến chàng trai Mã Hóa Đằng với trái tim dâng trào nhiệt huyết tuổi trẻ lẫn khao khát khám phá như tìm được đất dụng võ.
Bốn năm đèn sách tại Đại học Thâm Quyến đã giúp Mã Hóa Đằng tích lũy được vốn kiến thức chuyên ngành vững vàng và mau chóng trở thành một nhân tài về máy tính. Sản phẩm tốt nghiệp của chàng trai trẻ họ Mã là một phần mềm có tính ứng dụng rất cao tên là “Hệ thống phân tích cổ phiếu”. Chính nhờ sản phẩm được đánh giá cao này, Mã Hóa Đằng tốt nghiệp suôn sẻ và nhận bằng cử nhân một cách thuận lợi.
Không lâu sau đó, một công ty mạng đã nhìn ra ưu điểm từ tác phẩm tốt nghiệp của Mã Hóa Đằng nên ngỏ ý mua. Ông nhận được năm vạn tệ sau khi kết thúc hợp đồng. Ở thời điểm ấy, đây quả là một khoản tiền rất lớn.
Sau khi kiếm được khoản tiền lớn đầu tiên trong đời, trải qua một hồi phân tích và cân nhắc, Mã Hóa Đằng quyết định, phải tích lũy kinh nghiệm rồi mới có thể hành động.
Tinh thần thận trọng cùng tốc độ phát triển vừa phải đã giúp Mã Hóa Đằng tránh được việc đi đường vòng khi đứng trước ngã rẽ đầu tiên của cuộc đời và giúp cho sự nghiệp sau này của ông có thể thuận lợi bay cao như diều gặp gió. Nếu phân tích một cách kỹ lưỡng kế hoạch của chàng trai trẻ họ Mã, chúng ta không khó nhận ra những bước đi vững chãi: Mã Hóa Đằng luôn làm ra làm, chơi ra chơi, không mơ mộng viển vông mà luôn xuất phát từ thực tế để lập ra một kế hoạch tương lai sáng rõ cho bản thân.
“CHI NHÁNH HỌ MÔ, NƠI CẤT CÁNH ƯỚC MƠ
Năm 1993, Mã Hóa Đằng tốt nghiệp chuyên ngành máy tính của Khoa Máy tính Đại học Thâm Quyến.
Sau khi tốt nghiệp, Mã Hóa Đằng trở thành kỹ sư phần mềm của Công ty TNHH Phát triển Thông tin Nhuận Tấn (tên viết tắt tiếng Anh là CM). Công ty CM được thành lập năm 1992, lĩnh vực kinh doanh chính là nghiệp vụ nhắn tin. Với phương châm “chiếm lĩnh thị trường, dẫn đầu công nghệ”, công ty này đã ra mắt một số sản phẩm có danh tiếng và nhanh chóng mở ra thị trường mới. Thời đó, slogan quảng cáo “Hễ gọi cả thiên hạ trả lời” của Nhuận Tấn nổi tiếng khắp cả nước.
Năm 1995-1998, câu chuyện “thần thoại Nhuận Tấn” được đẩy đến cao trào. Mặc dù Mã Hóa Đằng chỉ là một nhân vật nhỏ không quá nổi bật ở Nhuận Tấn, nhưng được làm việc trong đúng môi trường, tầm nhìn của chàng trai trẻ họ Mã ngày càng mở rộng, có phần vượt trội hơn so với đồng nghiệp.
Nhuận Tấn đã mang lại cho Mã Hóa Đằng hai sự giúp đỡ lớn.
Một là, Nhuận Tấn đã khơi thông tư tưởng cho Mã Hóa Đằng trong công tác quản lý. Khi làm việc tại Nhuận Tấn, Mã Hóa Đằng đã học được cách xây dựng và quản lý một công ty có quy mô lớn, học được cách chiếm lĩnh thị phần ở thị trường mới nổi và cách thu hút vốn ở Hồng Kông (Công ty Nhuận Tấn Hồng Kông đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán của Hồng Kông).
Hai là, Nhuận Tấn đã mang đến nguồn khách hàng đầu tiên cho Tencent. Khi Mã Hóa Đằng mới thành lập Tencent, sản phẩm đầu tiên là dịch vụ đi kèm cho đài phát tin. Vì từng làm việc tại công ty truyền phát tin nhắn nổi tiếng nhất Trung Quốc nên ông đã gây dựng được một số mối quan hệ với đài truyền tin ở các địa phương. Điều này giúp ông có những bước đi ban đầu thuận lợi hơn so với người khác.
Cũng trong thời gian gắn bó với Nhuận Tấn, nhận thức của Mã Hóa Đằng về lĩnh vực khai thác phần mềm đã hoàn toàn thay đổi. Ông nhận ra điều quan trọng nhất của một phần mềm không phải ở hình thức, mà là tính ứng dụng. Vì thế, khi viết phần mềm, Mã Hóa Đằng không bao giờ cho rằng công việc lao động mang tính sáng tạo này chỉ để thỏa mãn thú vui của bản thân, ông luôn hy vọng phần mềm mình viết ra được nhiều người đón nhận và có tính ứng dụng cao.
Những năm tháng ở Nhuận Tấn, mặc dù cả ngày làm việc trên máy tính cùng các chương trình nhưng Mã Hóa Đằng không cảm thấy chán. Ông càng tiếp xúc nhiều với máy tính, hứng thú với công việc càng tăng. Nhờ đó, kiến thức chuyên ngành của ông ngày càng phong phú, danh tiếng và thông tin về ông cũng ngày càng lan rộng trong giới.
Làm việc tại Nhuận Tấn đến năm thứ ba, ông bắt đầu “không tập trung việc chính” vì ông bị cuốn hút bởi “việc phụ” là mạng Huệ Đa (Huiduo) đang nóng hổi khi đó.
Mạng Huệ Đa Trung Quốc (Chinese fidonet, Cfido) ra đời năm 1991 và thịnh hành nhất trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1998. Đó là một mạng Internet BBS được kết nối bởi đường dây điện thoại. Thư từ được gửi đi trên mạng này nhờ phương thức người dùng cùng nhấp chuột. Mạng Huệ Đa là hệ thống mạng nghiệp dư do các tín đồ yêu thích công nghệ của Trung Quốc sáng lập và vận hành.
Cũng là một tín đồ công nghệ giàu kinh nghiệm, tất nhiên Mã Hóa Đằng rất hứng thú với mạng Huệ Đa. Ông đã dành khoảng nửa năm để mày mò, tìm hiểu và cuối cùng quyết định thành lập một chi nhánh tại Thâm Quyến. Năm 1995, Mã Hóa Đằng đầu tư bốn đường dây điện thoại cùng tám chiếc máy tính để xây dựng chi nhánh Thâm Quyến và đặt tên là “Ponysoft” (Pony là tên tiếng Anh của Mã Hóa Đằng).
Mã Hóa Đằng vừa bận rộn quản lý chi nhánh Ponysoft vừa phải hoàn thành tốt công việc ở Nhuận Tấn, nhưng dường như ông đã dần nghiêng sang mạng Huệ Đa, bởi nơi đó ngày càng tập trung nhiều nhân tài trong lĩnh vực Internet. Ông có thể học hỏi từ những người giỏi rất nhiều thông tin mang tính tiên phong.
Kiên nhẫn đợi chờ, dũng cảm hành động là những tính cách giúp Mã Hóa Đằng thành công, cũng là điều mà ít người có được. Mã Hóa Đằng biết lúc nào cần hành động, lúc nào cần phải dừng lại. Đó là vì ông “biết mình, biết ta”, đồng thời, có khả năng đánh giá chính xác thời cuộc nên rất hiếm khi đưa ra quyết định sai lầm.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ “Họa báo Bến Thượng Hải”, Mã Hóa Đằng từng chia sẻ rằng trên thị trường tài chính, ông là một doanh nhân, còn trong lĩnh vực công nghệ, ông là một kỹ sư. Nếu so sánh hai nhiệm vụ, ông thích vai trò của một kỹ sư hơn. Ông luôn mang trong mình một niềm đam mê bất tận đối với lập trình. Nghe nói, khi sản phẩm của Tencent ngày một nhiều lên, thỉnh thoảng Mã Hóa Đằng vẫn tham gia với vai trò của một “nhà kiểm định hàng đầu”, ông không chỉ đích thân dùng thử các sản phẩm của công ty, mà còn dùng thử sản phẩm do các công ty khác khai thác. Mã Hóa Đằng từng tuyên bố một cách đầy tự hào rằng ông đã sử dụng hết các phần mềm tin nhắn trực tuyến.
Khi đang lướt trên “làn sóng Internet”, Mã Hóa Đằng tình cờ tiếp xúc với một phần mềm tin nhắn mang tên “ICQ” và lập tức bị nó cuốn hút. Cuộc sống của ông có bước chuyển mình cực kỳ quan trọng từ đó.
“IM” LÀ MỘT ĐIỀU TUYỆT VỜI
IM là gì? IM là viết tắt của Instant Messaging và dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “tin nhắn nhanh, tin nhắn trực tuyến hoặc tin nhắn tức thời”. Nhìn từ góc độ công nghệ, IM là một bước tiến vượt trội mang tính cách mạng. IM vừa mang tính tức thời như điện thoại, vừa mang tính đồng thời như thư điện tử nên được coi như “loại hình tiếp xúc thứ ba” trong giao tiếp giữa người với người, nhưng nó lại ưu việt hơn hẳn so với hai loại kia.
Nhìn chung, các phần mềm tin nhắn trực tuyến đang thịnh hành đều có nhiều chức năng và nguồn nội dung vô cùng phong phú. Không dừng lại ở tính năng cơ bản là trao đổi, trò chuyện trên mạng, phần mềm IM không ngừng được cập nhật và hoàn thiện, tiến tới tích hợp các tính năng “nâng cao” như tin nhắn thoại, thư điện tử, hội nghị trực tuyến… và đã trở thành một “nồi lẩu” thực sự. Tuy nhiên, “nồi lẩu” này không quá phức tạp, người dùng chỉ mất một thời gian ngắn tìm hiểu là có thể dễ dàng sử dụng.
“Ông tổ” của IM là ba thanh niên người Israel. Ban đầu, họ chỉ dự định phát triển một loại công cụ có thể giúp nói chuyện với nhau một cách thoải mái và thuận tiện. Nhưng chính trí thông minh của người Do Thái đã đem lại những điều khác biệt cho phần mềm này. Họ đã biến một phần mềm nhỏ thành một công cụ thông tin mạng có thể liên lạc với nhiều người cùng một lúc.
Khi đó, ba thanh niên người Do Thái đặt tên cho phần mềm mà họ vô cùng tự hào là “I seek you”, có nghĩa là “Tôi đang tìm bạn”. Để phát âm thuận miệng hơn, họ gọi tắt là “ICQ”. Chương trình ICQ ngày càng được lập trình hoàn thiện, ba chàng trai đã thành lập một công ty mang tên “Marabilis”, chính thức đưa dịch vụ ICQ đến với mọi người. Giá trị thương mại cũng như tiềm năng phát triển to lớn của ICQ đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Cuối cùng, ba chàng thanh niên đã bán lại ICQ cho một trong những công ty mạng lớn nhất toàn cầu là American Online (viết tắt là AOL) với giá 287 triệu đô la Mỹ.
Sau khi ra mắt thị trường, ICQ đã nhanh chóng nhận được sự yêu mến của hầu hết cư dân mạng và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống Internet hằng ngày.
ICQ đã cho thấy sức mạnh to lớn của nó khi chinh phục đông đảo người dùng mạng trên toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc và có phần khó lý giải là, một “báu vật” mạng Internet như ICQ lại không thể phát triển ở Trung Quốc, thậm chí còn có xu hướng “chết yểu”. Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt của mạng Internet, ai nắm bắt được thời cơ trước thì người đó chiếm được ưu thế lớn hơn, nhưng ICQ đã đánh mất cơ hội tốt nhất để thực hiện cuộc “tấn công chiến lược” vào Trung Quốc, do ba nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, ICQ thua bởi quan điểm kinh doanh.
ICQ không hề ý thức được rằng sự ra đời của mình đại diện cho một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực thông tin hiện đại nên không xác định rõ thị trường khai thác là toàn bộ thế giới, mà lại cho ra đời phiên bản tiếng Anh chỉ mang tính tượng trưng và thăm dò trên phạm vi toàn cầu. Đáng tiếc hơn nữa là, sau khi tất cả số liệu hiển thị đầy đủ việc ICQ được đông đảo người dùng đón nhận thì những nhà lãnh đạo vẫn không tiến hành điều chỉnh chiến lược kinh doanh kịp thời, để rồi buộc phải chấp nhận sự thật: một khi để thời cơ vuột khỏi tay, ắt sẽ bị người đi sau phản công.
Thứ hai, ICQ thua bởi môi trường sử dụng.
IM là gì? Đó chính là một công cụ giao tiếp mạng có khả năng vượt qua mọi cản trở của không gian cũng như các hạn chế khác. Xét từ tiêu chí này, các yếu tố như khả năng dung nạp của phần mềm cũng như thói quen của người sử dụng đều cho thấy rằng ICQ khó có thể “cấy ghép” và “chiết cành” ở nước ngoài trên phạm vi lớn, nhất là khi không áp dụng biện pháp tích cực thì chướng ngại trong trao đổi giữa người dùng ICQ và người không dùng ICQ khó bị phá bỏ. Đương nhiên, đây cũng là yếu tố khách quan khó cải thiện. ICQ phải vượt qua hạn chế rất lớn để có thể mở rộng phạm vi và phát triển bề sâu. Mặc dù Công ty American Online từng tiến hành ghép và thay đổi hai phần mềm trò chuyện là AIM và ICQ để cho ra đời phiên bản ICQ Lite với các chức năng đơn giản hơn, nhưng vẫn không thể phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc đại lục. Kết quả vẫn là thất bại.
Thứ ba, ICQ thua bởi trở ngại ngôn ngữ.
ICQ mang nhược điểm chí mạng mà các phần mềm tin nhắn trực tuyến của nước bản địa không gặp phải, đó chính là ngôn ngữ. Kể từ khi ICQ ra đời, ngoài phiên bản tiếng Anh, gần như không còn phiên bản ngôn ngữ nào khác, điều này gây trở ngại rất lớn đối với người sử dụng không thuộc các nước nói tiếng Anh. Vì vậy, ở Trung Quốc, ngoài một số người thông thạo tiếng Anh có thể sử dụng ra, những người có nhu cầu liên lạc qua mạng internet khác đều tuyệt đối nghiêng về phần mềm tin nhắn trực tuyến bản địa, nơi không có bất kỳ trở ngại ngôn ngữ nào.
Mặc dù ICQ không thể đi xa hơn trong không gian Internet Trung Quốc rộng lớn, nhưng không thể phủ nhận nó đã mở ra thời đại tin nhắn trực tuyến, khiến mọi người ý thức được rằng: Chỉ cần một đường truyền mạng là có thể kết nối với những người ở cách xa cả trăm nghìn cây số.
Nhắc đến ICQ với Trung Quốc, có lẽ người được hưởng lợi lớn nhất chính là Mã Hóa Đằng.
Là người yêu công nghệ, có kinh nghiệm làm việc lâu năm và còn là cư dân mạng đời đầu, Mã Hóa Đằng được tiếp xúc với ICQ từ rất sớm rồi nhanh chóng bị thu hút. Ông thường xuyên trò chuyện với bạn bè trên mạng thông qua ICQ, phương thức trò chuyện kỳ diệu của thời đại Internet.
Tuy vậy, sau một thời gian sử dụng ICQ, Mã Hóa Đằng bỗng nhận thấy: Với số dân lên đến hàng tỷ người, Trung Quốc là thị trường rộng lớn có nhu cầu cao đối với phần mềm IM. Người Do Thái có thể phát minh ra phần mềm nhắn tin trực tuyến, tại sao người Trung Quốc lại không thể sở hữu phần mềm IM của riêng mình?
Tuy nhiên, Mã Hóa Đằng không chỉ suy nghĩ đến việc khai thác một công cụ thông tin trực tuyến, mà còn ôm hoài bão phát triển phần mềm đó lớn mạnh. Những công việc mà một “trưởng chi nhánh đại diện” đảm nhận chưa thể thỏa mãn “khát khao công nghệ” của Mã Hóa Đằng, ông muốn đầu tư nhiều thời gian và sức lực hơn để tìm được “ngọn núi” có thể yên tâm “gửi gắm” tiền đồ trong thời đại cạnh tranh khốc liệt. Con đường lập nghiệp của ông dần hình thành từ đó.
VẬN HẾT TRÍ LỰC LÀM CÁCH MẠNG
Khi trả lời phỏng vấn của của báo “Doanh nhân Trung Quốc” vào tháng 4 năm 2010, Mã Hóa Đằng đã nói: “Ngay lúc đó, tôi đã bắt đầu suy nghĩ, mạng Internet có thể mang đến những gì? Vì công việc đang làm liên quan đến máy nhắn tin nên ý tưởng đầu tiên nảy ra chính là khái niệm tin nhắn mạng. Tôi vốn nghĩ rằng liên lạc qua mạng Internet, kết nối hệ thống nội bộ có thể mang đến một màu sắc mới của công nghệ cao cho ngành máy nhắn tin, giúp trì hoãn quá trình tuột dốc của ngành, đồng thời, giải tỏa áp lực cực lớn mà công ty tôi nói riêng và cả ngành máy nhắn tin đang gặp phải. Nhưng ngay khi điện thoại di động vừa ra đời, tin nhắn vừa trở nên phổ cập, tôi đã biết rằng ‘cuộc đời’ máy nhắn tin đã đến buổi ‘hoàng hôn’.”
Thực tế lúc đó, không chỉ Công ty Nhuận Tấn mà toàn bộ ngành máy nhắn tin đều không nhận ra viễn cảnh u tối sắp ập đến, khung cảnh thịnh vượng nhất thời dường như đã khiến tất cả bị “mù” tập thể, từ đó mất đi ý thức cảnh giác và tầm nhìn chiến lược cần thiết. Để rồi đến năm 2000, khi bước ngoặt thị trường ập đến, các công ty máy nhắn tin đều rơi vào trạng thái hỗn loạn và dần đi đến hồi kết vào năm 2001. Bước sang năm 2002, tất cả dây chuyền ngừng hoạt động. Công ty Nhuận Tấn một thời huy hoàng đành phải nhượng lại số ít khách hàng còn lại cho Tập đoàn Viễn thông Liên hợp Trung Quốc (China Unicom) với giá 0 đồng.
Ngoài sự suy yếu của ngành máy nhắn tin, sự kiện Đinh Lỗi bán lại hòm thư miễn phí Netease do ông viết trong bảy tháng cho trang mạng Phi Hoa của Quảng Châu với giá 1,19 triệu tệ cũng ảnh hưởng đến quyết sách tương lai của Mã Hóa Đằng. Mã Hóa Đằng nhạy bén nhận ra, Internet thật sự là một “kho vàng” đang chờ người đủ bản lĩnh đến khai thác, tuy nhiên, chỉ một phút lơ là, cơ hội sẽ vuột mất ngay lập tức. Ông không thể ngồi chờ thêm nữa!
Khi ấy, ý tưởng lập nghiệp của Mã Hóa Đằng rất giản đơn, đó là không ngừng tìm kiếm để mở ra một con đường mới trên mạng Internet nhằm nâng cao giá trị bản thân.
Trong giới IT từng xuất hiện một tin đồn: Khi còn làm việc tại Nhuận Tấn, Mã Hóa Đằng từng đưa ra đề nghị muốn khai thác một phần mềm tương tự như QQ, nhưng đề xuất mang tính tiên phong này lại không được giới lãnh đạo cấp cao chú ý, bởi họ chưa hình dung ra một phần mềm nhỏ như vậy sẽ phát triển như thế nào.
Sở dĩ giới lãnh đạo cấp cao của Nhuận Tấn phản ứng như vậy là vì lúc đó, họ vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của thông tin khách hàng mà chỉ quan tâm tới việc nâng cao lợi nhuận. Trên thực tế, những khách hàng trung thành kia mới chính là nguồn tài nguyên và tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp. Có lẽ từ đây, Mã Hóa Đằng nhận ra mình và Nhuận Tấn không cùng chí hướng nên mới quyết định tách ra lập nghiệp.
Tháng 10 năm 1998, Mã Hóa Đằng chính thức đệ đơn xin thôi việc.
Cũng chính năm ấy, Trung Quốc bước vào thời kỳ mạng Internet phát triển với tốc độ cao. Trương Triều Dương thành lập Công ty Sogou, Chu Hồng Y thành lập hãng phần mềm 3721. Đó đều là các sự kiện khiến những tài năng IT đang hoạt động sôi nổi cảm thấy hưng phấn. Họ liên tiếp đầu tư thành lập các công ty mạng, chuẩn bị vươn mình, sải cánh trên một chiến trường hoàn toàn mới.
Đương nhiên, Mã Hóa Đằng không nằm ngoài số đó. Mặc dù chưa hình thành một tư duy rõ ràng và cụ thể về sự nghiệp tương lai nhưng phương hướng chính thì đã được xác định, là tin nhắn và mạng Internet. Sở dĩ Mã Hóa Đằng nhắm đến hai mục tiêu này là vì ông nhận thấy rõ lợi thế của mình. Kinh nghiệm thực tế sau năm năm vừa làm nghề vừa là cư dân mạng sẽ giúp ông tiến bước thuận lợi và dễ dàng thu được thành công với hai hướng đi trên.
Nhưng lập nghiệp một mình có những khó khăn nhất định, để chắc chắn thành công, ông cần tìm kiếm những người bạn đồng hành cùng chí hướng trên con đường phía trước.
Người chiến hữu đầu tiên là Trương Chí Đông, bạn cùng học chuyên ngành máy tính với Mã Hóa Đằng ở Đại học Thâm Quyến. Sau khi tốt nghiệp đại học, Trương Chí Đông học tiếp lên thạc sỹ tại Đại học Khoa học Tự nhiên Hoa Nam. Sau khi nhận bằng thạc sỹ, Trương Chí Đông quay lại Thâm Quyến và làm việc tại công ty máy tính Lê Minh khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Công việc chính của ông là lập trình phần mềm giao dịch chứng khoán cho hai thành phố Thâm Quyến và Thượng Hải.
Trương Chí Đông cũng là một nhân tài công nghệ. Khi còn học đại học, Trương Chí Đông và Mã Hóa Đằng đều là những sinh viên giỏi nhất khoa, thậm chí Trương Chí Đông còn là “đỉnh của đỉnh”. Nếu thời đấy mà có nhóm Những người “phát sốt” vì máy tính của Thâm Quyến thì hẳn là ông không đứng Nhất thì cũng đứng Nhì.
Một tháng sau khi Mã Hóa Đằng và Trương Chí Đông cùng sáng lập Tencent, người đồng hành thứ ba xuất hiện, chính là Tăng Lý Thanh.
Tăng Lý Thanh học cử nhân ở Đại học Khoa học Công nghệ Điện tử Tây An. Chuyên ngành của ông là thông tin nên sau khi tốt nghiệp, theo phân công, ông đến làm việc tại Công ty Truyền thông Thâm Quyến. Con đường ông đi tương đối bằng phẳng và êm đềm. Ông cũng thường xuyên tham gia những hoạt động của Hiệp hội Máy tính Thâm Quyến. Do con gái của hội trưởng Hiệp hội lại là bạn học của Mã Hóa Đằng và Trương Chí Đông nên hai người thường xuyên được mời tới dự, và nhờ đó, đã gặp gỡ Tăng Lý Thanh.
Tăng Lý Thanh có trong mình sự quyết đoán và lòng dũng cảm của người đi “mở núi”. Chính ông đã thúc đẩy xây dựng mạng LAN tốc độ cao đầu tiên ở Thâm Quyến, cũng là đầu tiên ở Trung Quốc. Dự án tích hợp hệ thống này suýt chút nữa thì phải dừng lại giữa chừng, nhưng Tăng Lý Thanh đã hoàn thành nó với nỗ lực không ngừng nghỉ, giống như cách ông khai phá thị trường tương lai. Trong những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, thành quả và chí khí ấy quả khiến người khác phải “ngước nhìn” và “ngả mũ thán phục”.
Ngoài ba nhân vật trên, hai người sáng lập khác của Tencent là Hứa Thần Diệp và Trần Nhất Đan.
Hứa Thần Diệp học cùng Khoa Máy tính tại Đại học Thâm Quyến với Mã Hóa Đằng và Trương Chí Đông. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông theo học thạc sỹ chuyên ngành Máy tính Ứng dụng tại Đại học Nam Kinh rồi nhận công tác tại Sở Số liệu Điện tín Thâm Quyến và trở thành đồng nghiệp với Tăng Lý Thanh. Với tính cách ôn hòa, ông được coi là “ông tốt” nổi tiếng. Còn Trần Nhất Đan tên thật là Trần Nhất Châu, là bạn thời trung học ở Thâm Quyến của Mã Hóa Đằng. Sau này, ông cũng thi đỗ vào Đại học Thâm Quyến nhưng lại theo học chuyên ngành hóa học. Do trùng tên với Trần Nhất Châu, người sáng lập, CEO nổi tiếng của trang mạng xã hội ChinaRen nên ông quyết định đổi tên thành Trần Nhất Đan1. Có chứng chỉ hành nghề luật sư trong tay, Trần Nhất Đan luôn giữ tác phong làm việc cẩn thận, chặt chẽ và trong mọi hoàn cảnh, luôn khơi dậy được tính tích cực của mọi người.
1. Trong tiếng Hán, chữ Đan và chữ Châu có cách viết gần giống nhau.
Bốn chiến hữu tề tựu đông đủ, họ trở thành những cánh tay phụ trợ đắc lực của Mã Hóa Đằng trên con đường lập nghiệp và đích đến cho chặng đường tiếp theo không gì khác, chính là thực hiện kế hoạch lớn!