ĐẦU ĐỘI TRẮC TRỞ, MẮT NHÌN THẲNG VỀ PHÍA TRƯỚC
Tháng 11 năm 1998, Mã Hóa Đằng và Trương Chí Đông “góp vốn” đăng ký thành lập Công ty TNHH Hệ thống Máy tính Tencent (tên tiếng Hán là “Đằng Tấn”), Thâm Quyến.
Tại sao tên công ty là “Đằng Tấn”? Một mặt là vì tên của Mã Hóa Đằng có chữ “đằng,” mặt khác, “đằng” cũng có nghĩa là phát triển nhanh như bay. Còn chữ “tấn” phần nhiều là vì ảnh hưởng của công ty cũ, Nhuận Tấn, đối với Mã Hóa Đằng.
Không lâu sau khi Mã Hóa Đằng và Trương Chí Đông bắt tay thành lập Tencent, ba người còn lại là Tăng Lý Thanh, Hứa Thần Diệp, Trần Nhất Đan chính thức gia nhập công ty. Mã tài khoản QQ của năm người sáng lập Tencent là từ 10001 đến 10005.
Ngay từ giai đoạn đầu khi Tencent mới thành lập, Mã Hóa Đằng và bốn người bạn đã phân rõ “phạm vi quyền lực”: Mã Hóa Đằng là CEO (tổng giám đốc điều hành), Trương Chí Đông là CTO (giám đốc công nghệ), Hứa Thần Diệp là CIO (giám đốc thông tin), Trần Nhất Đan là CAO (giám đốc hành chính), Tăng Lý Thanh là COO (giám đốc điều hành).
Tỷ lệ cổ phần của năm thành viên sáng lập là: Mã Hóa Đằng góp 23,75 vạn tệ, chiếm 47,5% cổ phần; Trương Chí Đông góp 10 vạn tệ, chiếm 20% cổ phần; Tăng Lý Thanh góp 6,25 vạn tệ, chiếm 12,5% cổ phần; Trần Nhất Đan và Hứa Thần Diệp mỗi người góp 5 vạn tệ, chiếm 10% cổ phần.
Mặc dù trong số năm thành viên sáng lập, Mã Hóa Đằng góp vốn nhiều nhất, nhưng ông đã yêu cầu giảm tỷ lệ cổ phần nắm giữ trong tay xuống dưới 1/2 nên mới có con số 47,5%. Mã Hóa Đằng đã giải thích về việc này như sau: “Tổng tỷ lệ cổ phần của họ phải nhiều hơn tôi một chút, tránh hình thành cục diện lũng đoạn, độc tài.” Ngoài ra, Mã Hóa Đằng đóng góp số vốn chủ yếu, nắm giữ phần lớn cổ phần, bởi vì ông không muốn quyền sở hữu cổ phiếu bị phân tán rải rác, dẫn đến tình trạng không ai có thể đưa ra quyết định khi đứng trước vấn đề quan trọng.
Thời gian đầu khi Tencent mới thành lập, Mã Hóa Đằng và những người bạn cùng lập nghiệp của mình đã phải bước từng bước rất vất vả, gian nan, lúc thì mơ hồ, lúc lại mệt mỏi: Mơ hồ do bởi họ chưa nhìn rõ đường đi trong tương lai, mệt mỏi là vì những tháng ngày lập nghiệp đầu tiên thật sự khiến con người ta dễ nản lòng.
Năm 2008, tức là mười năm sau khi thành lập, chính công ty nhỏ bé không đáng nhắc tới thời điểm ban đầu đó đã công bố với thế giới những số liệu “khủng bố”: Tổng số người dùng QQ đã lên tới 856,2 triệu, trong đó, lượng người dùng thường xuyên là 355,1 triệu, kỷ lục số người dùng trực tuyến nhiều nhất lên tới 45,3 triệu; số lượng người dùng trả phí thuê bao hàng tháng cho các dịch vụ giá trị gia tăng mạng Internet là 30,3 triệu, số lượng người dùng trả phí thuê bao hàng tháng cho các dịch vụ gia tăng thông tin di động là 14,8 triệu; doanh thu quý III của Tencent đạt 2,245 tỷ Nhân dân tệ, vượt hơn 500 triệu Nhân dân tệ so với doanh thu cùng kỳ của Alibaba và Baidu cộng lại, trong khi Alibaba và Baidu lần lượt là công ty mạng lớn thứ hai và thứ ba của Trung Quốc.
Vốn khởi nghiệp của Tencent là 500 nghìn Nhân dân tệ. Thời đó, số tiền ấy không phải là một con số nhỏ. Nhưng đối với doanh nghiệp mạng Internet, nếu không tìm được nhà đầu tư có nguồn lực dồi dào, không tìm ra điểm thu lợi thì số vốn khởi nghiệp dù lớn đến đâu cũng sẽ có ngày hết sạch.
Vậy rốt cuộc Tencent phải kinh doanh lĩnh vực gì?
Khi đó, Mã Hóa Đằng chưa có được khí phách ngang tàng như sau này. Ông cũng chỉ muốn kết hợp mạng Internet với máy nhắn tin một cách chặt chẽ nhằm tạo ra một hệ thống nhắn tin qua mạng không dây. Vì thế, công việc chính lúc mới bắt đầu của Tencent là thực hiện dự án cho Công ty Điện tín Telecom Thâm Quyến, Liên thông Unicom Thâm Quyến và một vài trạm tin nhắn. Còn việc khai thác phần mềm IM mà Mã Hóa Đằng hứng thú nhất chỉ là sản phẩm phụ.
Tại sao lại là sản phẩm phụ?
Nguyên nhân khiến kiến nghị của Mã Hóa Đằng bị hội đồng cấp cao phủ quyết cũng chính là đáp án: Mọi người chưa nhìn thấy lợi nhuận có thể thu về từ phần mềm tin nhắn trực tuyến. Mặt khác, Mã Hóa Đằng biết rõ đó là một sản phẩm mới có tiềm năng phát triển nhưng nếu ngay lập tức đầu tư, nghiên cứu, khai thác thì với một Tencent vừa bắt đầu hành trình khởi nghiệp lại có phần quá sức, nên đành phải tạm thời gác qua một bên.
Lúc mới đầu, Mã Hóa Đằng và những người bạn của ông chưa hiểu lắm về thị trường kinh doanh, không biết phải đưa sản phẩm vào thị trường thế nào cho hiệu quả. Họ đem sản phẩm đi giới thiệu với các nhà cung cấp dịch vụ nhưng thường xuyên bị từ chối.
Tuy thế, muôn vàn bất lợi ở thời điểm khai phá thị trường đã không thể hạ gục năm nhà sáng lập Tencent, mà ngược lại, mỗi lần thất bại, họ lại tích cực động viên nhau: Ắt sẽ có người chịu đón nhận sản phẩm sau nhiều lần dùng thử.
Rạng sáng ngày 11 tháng 2 năm 1999, cuối cùng Tencent đã cho ra đời phần mềm ICQ tiếng Trung Quốc. OICQ chính thức có mặt trên mạng, trở thành sản phẩm then chốt đánh dấu sự chuyển mình của Tencent từ tối tăm sang huy hoàng.
Phần mềm OICQ có nhiều điểm khác biệt so với QQ ngày nay. Nói một cách chính xác, nó chỉ là một phần mềm ICQ phiên bản tiếng Trung Quốc, không có thêm bất kỳ dấu ấn sáng tạo nào. Cũng chính vì thế nên sau này, rất nhiều người đã “đội” cho Tencent chiếc mũ “sao chép, đạo nhái”.
OICQ ra đời, việc tiếp theo của Mã Hóa Đằng là làm thế nào để thu lợi từ phần mềm này. Họ bắt đầu kiếm tìm những người có nhu cầu sử dụng. Thời đó, một số bưu điện và ngân hàng ở Trung Quốc thường bỏ ra một, hai chục triệu để triển khai dự án, đây quả là thời cơ kinh doanh tuyệt vời đối với doanh nghiệp mạng Internet như Tencent. Mã Hóa Đằng và những người bạn tích cực liên hệ với những đơn vị này, giới thiệu với họ phần mềm OICQ và ra mức giá là hơn 300 nghìn Nhân dân tệ.
Trong lần dự thầu đó, Mã Hóa Đằng không thành công, Tencent phải chịu thua trước Công ty Hoa Phi có hậu thuẫn là Công ty Điện tín Quảng Châu.
Dĩ nhiên, Tencent đấu thầu thất bại không phải là một chuyện hay, nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy, đó lại là một chuyện tốt. Bởi nếu Tencent dự thầu thành công, quyền tác giả đối với OICQ sẽ rơi vào tay người khác, không còn liên quan đến Mã Hóa Đằng nữa.
Mã Hóa Đằng luôn cho rằng tất cả khó khăn và áp lực đều mang tính tạm thời, chỉ cần kiên trì làm tốt việc trước mắt, thời cơ và vận may sớm muộn cũng sẽ tới.
“CÁNH CỤT HOÀNG ĐẾ” ĐƯỢC RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Thời đại của OICQ đã đến.
Trong lúc mô phỏng theo ICQ, Mã Hóa Đằng và những người đồng nghiệp đã phát hiện ra một số khuyết điểm của sản phẩm này. Ví dụ, ICQ chỉ lưu trữ thông tin của người dùng trên một máy tính, nếu đăng nhập ở thiết bị khác, danh sách bạn bè trước đó đều biến mất. Ngoài ra, ICQ chỉ cho phép người dùng nói chuyện với bạn bè đang online. Hơn nữa, chức năng tìm kiếm bạn bè lại rất yếu, phải căn cứ thông tin do người dùng cung cấp. Do vậy, còn rất nhiều “không gian” có thể khai thác để gia tăng trải nghiệm cho người dùng.
Thật ra, nếu những điểm hạn chế tưởng như nhỏ bé này được cải thiện thì sản phẩm sẽ có ưu thế cực lớn khi đưa vào thị trường sử dụng mạng ở Trung Quốc. Bởi khi đó, rất nhiều người dùng mạng Trung Quốc lên mạng ở quán net, đương nhiên, họ hy vọng thông tin trên OICQ được lưu trữ trên máy chủ chứ không phải trên máy khách. Chính vì thế, sau khi nhận ra những lỗ hổng và thiếu sót của ICQ, Mã Hóa Đằng liền bắt tay cải tiến. Không lâu sau, ông viết ra một chương trình có máy chủ lưu trữ thông tin, dù người dùng có thay đổi máy tính thì khi đăng nhập, OICQ vẫn bảo toàn danh sách bạn bè trước đó. Đồng thời, Mã Hóa Đằng căn cứ vào nhu cầu của người dùng, tiến hành tích hợp một cách tự nhiên các tính năng trước và sau khi lên mạng, để người dùng có những trải nghiệm vui vẻ nhất khi sử dụng sản phẩm. Ví dụ, người dùng có thể để lại tin nhắn cho người bạn đang offline, đối phương chỉ cần lên mạng là sẽ nhìn thấy lời nhắn; người dùng cũng có thể dựa vào danh sách bạn bè đang online để lựa chọn đối tượng nói chuyện. Ngoài ra, OICQ còn có một đặc điểm nổi bật nữa là cho phép người dùng tùy chọn ảnh đại diện. Mấy năm sau, MSN mới đưa ra tính năng tương tự, từ đó có thể thấy việc cải tiến ICQ của Mã Hóa Đằng có giá trị lớn đến nhường nào.
Làm thế nào để nhiều người dùng tiềm năng hiểu hơn về OICQ và sử dụng nó? Chỉ có một cách là tuyên truyền.
Mã Hóa Đằng hiểu rất rõ, thương mại thời hiện đại cần có những chiến lược khác biệt, trong đó, biện pháp chủ yếu là tuyên truyền. Xem xét một lượt các trang mạng lớn của Trung Quốc được nhận đầu tư từ nước ngoài, không trường hợp nào không sử dụng phương thức quảng cáo với độ phủ sóng rộng khắp.
Công ty Tencent lúc đó chưa nhận được bất kỳ khoản vốn mạo hiểm nào. Nghĩ đi nghĩ lại, Mã Hóa Đằng chỉ còn cách tìm đường đi mới. Rất nhanh, ông dồn tâm huyết vào việc quảng cáo, giới thiệu BBS. Nghĩ là làm, ông tìm tới diễn đàn BBS của các trường đại học và ra sức đăng bài.
Không thể phủ nhận, việc làm này của Mã Hóa Đằng rất hiệu quả, đồng thời cũng thể hiện đầu óc nhạy bén của ông. Mạng Internet của Trung Quốc xuất hiện tương đối muộn, phần lớn đối tượng có thể tiếp xúc và sử dụng thành thạo là thanh niên. Sinh viên đại học lại là đội quân chủ lực trong khối thanh niên, rất hứng thú với mạng Internet, thích lên mạng và cũng hiểu về mạng. Vì thế, sau khi Mã Hóa Đằng xác định mục tiêu: đây là nhóm người dùng “mũi nhọn”, OICQ đã nhanh chóng “bị” những “đứa con cưng” này chiếm lĩnh.
Một vùng đất khác mà Mã Hóa Đằng nhắm đến là các quán net. Lúc đó, máy tính gia đình còn rất hiếm, mọi người chủ yếu lên mạng ở quán net. Máy tính của các quán net luôn có các phần mềm giải trí được cài đặt sẵn, loại “phần mềm cố định” này trở thành một trong những con đường quảng cáo tốt nhất cho OICQ.
Không lâu sau, Mã Hóa Đằng tiến tới “thời đại chim cánh cụt” của mình: Tháng 11 năm 1999, tổng số người dùng OICQ tăng vọt lên con số 1 triệu, tháng 4 năm 2000 đạt 5 triệu người dùng.
Ngày 9 tháng 5 năm 2001, số lượng người dùng ICQ của Công ty America Online cán mốc 100 triệu. Thành tích này giúp AOL xóa bỏ nghi ngờ đối với tin nhắn trực tuyến và cũng nhận thấy việc Mỹ bỏ ra 287 triệu đô la để mua lại ICQ vào năm 1998 là một quyết sách đầu tư sáng suốt. Tuy nhiên, đến cuối năm 2001, số lượng người dùng OICQ, một sản phẩm nội địa Trung Quốc, đã vượt mốc 90 triệu! Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn nữa là số lượng người dùng OICQ mỗi ngày tăng thêm khoảng 390 nghìn người, tốc độ này cho thấy việc OICQ vươn lên sánh ngang với ICQ và thậm chí vượt qua ICQ chỉ còn là thời gian.
OICQ chỉ mất ba năm để tăng từ con số 0 lên tới 90 triệu. Nhìn bề ngoài, sự phát triển của Tencent dường như chẳng tốn mấy công sức, nhưng trên thực tế, những khó khăn và thử thách mà Mã Hóa Đằng và đồng đội của mình trải qua trong thời gian này không đơn giản. Khi OICQ nhanh chóng trở nên nổi tiếng, ICQ cuối cùng cũng phát hiện ra “người anh em sinh đôi” đang âm thầm lớn mạnh của mình và nghi ngờ về nguồn gốc cũng như tính hợp pháp của nó. Vì thế, một vụ kiện về bản quyền sáng chế kỹ thuật là khó tránh khỏi.
OICQ nổi tiếng, ICQ ắt sẽ lo sợ.
Từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1999, Tencent nhận được hai lá thư về vấn đề pháp lý từ AOL. Trong thư chỉ rõ, ICQ là sản phẩm do họ giữ bản quyền sáng chế, trong khi hai tên miền là oicq.com mà Tencent đăng ký ngày 26 tháng 1 năm 1999 và oicq.net đăng ký ngày 7 tháng 11 năm 1998 đều có chứa cái tên “ICQ”. Với lý do đây là hành vi vi phạm bản quyền, AOL yêu cầu Tencent phải chuyển nhượng miễn phí hai tên miền oicq.com và oicq.net cho họ.
Đứng trước “tối hậu thư” này, Mã Hóa Đằng không đưa ra phản hồi rõ ràng, trong khi AOL quyết định hành động thực tế. Ngày 3 tháng 3 năm 2000, họ chính thức nộp đơn kiện lên Tòa Trọng tài Mỹ (NAF) của bang Minnesota, đồng thời gửi chi tiết vụ tranh chấp đến Tencent.
Trong bức thư mới, AOL còn nhấn mạnh, họ từng thực hiện một vụ kiện có liên quan đến “smsicq” và đã giành chiến thắng với dụng ý ám chỉ rằng tòa án sẽ tham khảo vụ việc đó, Tencent chắc chắn sẽ thua trong lần tranh chấp này.
Mặc dù AOL chiếm không ít ưu thế về vấn đề tên miền, nhưng Tencent vẫn tiến hành biện hộ cho OICQ. Họ chỉ ra rằng OICQ không được đăng ký trong lãnh thổ nước Mỹ, thậm chí cũng không đăng ký trong lãnh thổ Trung Quốc, nên về cơ bản không liên quan gì với ICQ.
Trong cuộc “hùng biện”, hai bên đều giương cung rút kiếm, không ai chịu nhường ai. AOL chỉ rõ, Tencent từng dùng số 0 thay thế chữ cái o để đăng ký 0icq, việc làm này thể hiện thái độ ác ý. Tencent cũng không chịu lùi bước, lên tiếng chỉ trích AOL đã có ý đồ xấu khi đăng ký tên miền oicq.org chỉ một tháng trước khi chính thức bắt đầu quy trình tố tụng, đây rõ ràng là một chiêu hiểm độc hòng đạt được mục đích.
Ngày 21 tháng 3 năm 2000, một trọng tài tên là James đã ký vào bản phán quyết: Tencent phải trả lại hai tên miền là oicq. com và oicq.net cho AOL.
Vào năm 2000, bỗng nhiên xảy ra sự việc là nhiều người dùng cùng lúc bị rớt mạng khi truy cập trang www.oicq.com, một trong những tên miền mà Tencent từng sử dụng. Nhưng sự cố rớt mạng này không phải là trò chơi xấu của ai khác, mà là hành động của chính Tencent nhằm gây áp lực với AOL.
Tencent thua kiện, một số người trong giới không cảm thấy bất ngờ, bởi từ lâu đã có người cho rằng ICQ là thương hiệu được đăng ký bởi AOL, vì thế tất cả những phần mềm cùng loại có chữ ICQ trong tên gọi đều liên quan đến tội xâm phạm quyền sử dụng thương hiệu của AOL.
Tuy thua kiện nhưng độ nổi tiếng của OICQ không hề sụt giảm.
Ngày 25 tháng 3 năm 2001, khi phiên bản 0325 ra đời, chú chim cánh cụt nhỏ từ lâu được gọi bằng cái tên “OICQ2000” được đổi tên mới là “QQ2000”. Sau khi phần mềm cài đặt hoàn tất, phần thuyết minh bản quyền cũng đổi “OICQ2000” trước đây thành “QQ2000”, nút nhấn có chữ OICQ trên trình đơn chính ở góc trái, phía dưới của khung hình phần mềm cũng bị thay thế bởi “QQ2000”.
Tại sao OICQ bỗng nhiên biến thành QQ?
Thực ra, ngay từ trước khi AOL và Tencent xảy ra tranh chấp kiện tụng, rất nhiều người dùng đã cảm thấy tên gọi OICQ khó đọc nên thường đọc chệch là QQ. Sau đó, Tencent biết được chuyện này nên quyết định đổi OICQ thành QQ, như vậy, vừa tránh được tranh chấp bản quyền sáng chế, vừa phù hợp với thói quen đại chúng. Cái tên QQ càng phù hợp với quy tắc về tên gọi trên mạng Internet: đơn giản, dễ đọc và đáng yêu.
Trên thực tế, hành động kịp thời thay đổi tên gọi sang QQ của Mã Hóa Đằng mang tính chiến lược và rất sáng suốt. Nó tránh được va chạm sâu hơn về mặt pháp lý với ICQ. Điều khiến Mã Hóa Đằng hân hoan hơn nữa là phần lớn người dùng chấp nhận tên gọi mới, thậm chí xem như đây là một sự tiến bộ.
Sau khi tên gọi được thay đổi, hình ảnh đại diện của Tencent cũng thay đổi theo. Lúc đó, rất nhiều người dùng đã đưa ra phản hồi: mới đẹp hơn cũ.
Hình ảnh đại diện ban đầu của Tencent đều bắt nguồn từ những nhân vật hoạt hình đã rất quen thuộc như: chú vịt Donald, chú mèo Garfield, thủy thủ lực sỹ Popeye hay Xì-trum… Sau vụ kiện với AOL, Tencent càng coi trọng hơn vấn đề bản quyền nên đã thay đổi toàn bộ hình ảnh đại diện có khả năng vi phạm bản quyền này.
Phần mềm QQ mới ra đời dường như sở hữu một sức mạnh ngoan cường hơn, mang tính bản địa cao hơn, đem đến cho Mã Hóa Đằng và Tencent một sức sống dồi dào, đồng thời, cũng mở ra con đường phát triển ngày một thênh thang cho Tencent.
MỘT XU CŨNG CÓ THỂ KHIẾN BẬC ANH HÙNG GỤC NGÃ
Cùng với quá trình phổ cập của QQ và phạm vi người dùng mở rộng, chú chim cánh cụt nhỏ bé trải qua gian nan đã trở thành một trong những phần mềm IM được cư dân mạng sử dụng nhiều nhất. Trong khi lượng người dùng ICQ ở Trung Quốc ngày một sụt giảm thì lượng người dùng QQ, phần mềm được hồi sinh sau trận “thập tử nhất sinh”, lại tăng lên từng ngày. Chú chim cánh cụt hoàng đế đáng yêu này đã thật sự trở thành một phần trong đời sống thường nhật của người dân.
Tuy nhiên, vấn đề cũng theo đó mà phát sinh. Khi Mã Hóa Đằng còn chưa tìm ra phương thức kiếm tiền, chú chim cánh cụt nhỏ dần biến thành “chiếc thùng không đáy” ăn không biết no. Nguyên nhân là do lượng người dùng không ngừng tăng lên, lượng máy chủ mà Tencent cần cũng tăng lên không ngừng, mỗi tháng đều phải trang bị thêm hai máy, chi phí mua máy chủ, chi phí cho công tác duy trì và quản lý hằng ngày không thể tiết kiệm.
Đối mặt với tình trạng thiếu vốn, Mã Hóa Đằng từng tìm cách hạn chế số lượng người dùng. Việc làm này chỉ là kế sách tạm thời, bởi nó đi ngược với chiến lược lâu dài là mở rộng phạm vi người dùng QQ.
Sau khi lên mạng không lâu, tài khoản của Tencent chỉ còn khoảng hơn mười nghìn Nhân dân tệ. Vì lợi ích của mười tám nhân viên công ty, Mã Hóa Đằng buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là bán dịch vụ QQ. Mã Hóa Đằng bắt đầu đàm phán với một số công ty có ý muốn mua QQ.
Không phải Mã Hóa Đằng không muốn nuôi dưỡng chú chim cánh cụt này một cách tử tế mà do lực bất tòng tâm nên đành tìm người “nhận nuôi” nó. Lúc đó, Mã Hóa Đằng đã tìm đến không ít ICP (công ty dịch vụ mạng), nhưng kết quả là tất cả đều yêu cầu mua đứt bán đoạn. Đây là việc Mã Hóa Đằng không thể chấp nhận, bởi ông còn muốn bán chú chim cánh cụt cho vài công ty nữa để thu lợi. Do vậy, ông lại bắt đầu suy nghĩ xem có thể “đóng gói” đem bán hay không. Ông đã tìm đến một số công ty để đàm phán bán QQ nhưng cuối cùng, đều không đạt kết quả như mong muốn vì vấn đề giá cả.
Sau đó, Cục Số liệu Điện tín Thâm Quyến tìm đến Mã Hóa Đằng. Đơn vị này đã kiểm tra tất cả máy tính cũng như bàn ghế của Tencent nhưng rồi lại chỉ trả giá hơn 600 nghìn Nhân dân tệ. Mức giá lý tưởng trong lòng Mã Hóa Đằng là 1 triệu Nhân dân tệ, nhưng ông cũng đành gật đầu. Khi đối tác bắt đầu chuyển đồ đạc, Mã Hóa Đằng bỗng nhiên hối hận, quyết định chấm dứt thương vụ.
Cũng có người nói, Mã Hóa Đằng khi đó đã tìm đến Ban trù bị đầu tư lâm thời Lenovo vừa thành lập, dự định bán QQ cho họ. Tuy vậy, báo cáo còn chưa kịp gửi lên các lãnh đạo cấp cao thì đã bị nhân viên cấp cơ sở của tập đoàn này gạt đi với lý do: họ không hiểu Tencent đang làm gì.
Do quá trình bán rẻ QQ gặp phải quá nhiều trắc trở, Mã Hóa Đằng dần vứt bỏ suy nghĩ bán QQ. Một lý do quan trọng hơn nữa là số lượng người dùng QQ vẫn tăng lên từng giờ từng phút. Quãng thời gian ông định bán QQ, số lượng người đăng ký QQ chỉ trong vài tháng đã tăng thêm mấy chục nghìn, ngày nào cũng có người dùng mới, còn người dùng cũ vẫn ở lại. Có lẽ chính những số liệu này đã khiến Mã Hóa Đằng ý thức được rằng bán rẻ QQ là một lựa chọn kém sáng suốt.
Chính giai đoạn này đã khiến Mã Hóa Đằng xúc động mà đúc rút ra một chân lý: “Muốn đào được vàng trên mạng Internet thì không thể chỉ nhìn lợi ích trước mắt. Rất nhiều nhân tài mạng với tài năng vượt trội vì không chú ý điều này mà đánh mất cơ hội lâu dài.”