CHO TÔI VAY TIỀN
Tháng 11 năm 1999, lượng người đăng ký QQ tăng lên con số một triệu. Đối với Mã Hóa Đằng, thông tin này vừa đáng mừng vừa đáng lo. Người dùng QQ ngày càng nhiều, áp lực tài chính mà công ty phải gánh vác cũng ngày một lớn. Đến nửa cuối năm 1999, Mã Hóa Đằng cùng đội ngũ sáng lập bàn bạc, quyết định bán ra một số cổ phần để huy động vốn.
Khi nhớ lại quãng thời gian này, Mã Hóa Đằng từng nói: “Năm 1998, khi mới thành lập Tencent, ngành mạng Internet ở Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển bùng nổ. Khi đó, cư dân mạng mới có ba triệu người, không bằng số lẻ hiện nay. Môi trường lúc đó cũng không tốt như bây giờ, cơ hội nhận được vốn mạo hiểm cũng lộ diện nhưng cực kỳ ít.”
Mới đầu, Mã Hóa Đằng nghĩ tới biện pháp tìm ngân hàng góp vốn, dù gì họ cũng có tài lực dồi dào, thực lực hùng hậu, nhưng sau một vòng tìm kiếm, ông mới phát hiện, giữa mô hình doanh nghiệp truyền thống như ngân hàng với doanh nghiệp mới ra đời như dịch vụ mạng Internet vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn. Ngân hàng gần như không hứng thú với số lượng người dùng đăng ký QQ, bởi trong mắt họ, điều này chẳng thể chứng minh một ngày nào đấy trong tương lai, chú chim cánh cụt nhỏ bé có thể kiếm được tiền thông qua những người dùng miễn phí.
Mã Hóa Đằng lòng như lửa đốt, ông phải nghĩ cách để chú chim cánh cụt nhỏ bé này no bụng rồi mới lên đường được. Sau đó, Mã Hóa Đằng chứng kiến rất nhiều trường hợp huy động vốn nước ngoài, ông phát hiện ra cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài có lẽ rộng mở hơn, nên đã sửa lại bản kế hoạch thương mại, chuyển trọng điểm tìm kiếm đầu tư ra nước ngoài.
Theo quy định ban đầu khi mới thành lập Tencent, Mã Hóa Đằng toàn quyền phụ trách mảng huy động vốn. Nhưng nguy cơ thiếu vốn lúc đó đã trở nên vô cùng cấp bách, vì thế, ngoài Mã Hóa Đằng bận rộn ngày đêm thì với tư cách là giám đốc vận hành, Tăng Lý Thanh cũng giúp đỡ tìm kiếm nhà đầu tư.
Hồi đó, Tăng Lý Thanh có suy nghĩ, cả công ty Tencent có giá trị là 5,5 triệu đô la Mỹ, như vậy, hy vọng có thể huy động lượng vốn tới 2,2 triệu đô, tức là bán ra khoảng 40% cổ phần. Còn tại sao lại là 2,2 triệu đô thì đây là kết quả sau khi năm nhà sáng lập cùng phân tích, thảo luận và 40% có lẽ là giới hạn mà mọi người đều có thể chấp nhận.
Để thu hút nhà đầu tư góp vốn, Mã Hóa Đằng và những người bạn đã nhiều lần sửa lại bản kế hoạch. Điểm cốt lõi trong bản kế hoạch ban đầu là tiền để mua máy chủ và băng thông rộng, những vật tư mà Tencent thiếu nhất lúc bấy giờ. Còn việc làm thế nào có được lợi nhuận thì bản kế hoạch lại viết khá mơ hồ, chỉ mới đề cập đến hai nguồn thu là phí hội viên và quảng cáo mạng. Đó dường như là phương thức chung của các công ty mạng Internet thời ấy, chưa làm nổi bật khả năng sinh lãi nhờ vào đặc trưng cốt lõi và ưu thế tự thân của Tencent. Ngoài ra, bản kế hoạch cũng không nhắc tới các dịch vụ giá trị gia tăng như: thu phí tin nhắn, biểu tượng cảm xúc và trò chơi trực tuyến, trong khi đây là yếu tố dễ thu hút vốn nhất. Có thể thấy bản kế hoạch này có quá ít điểm sáng.
Mặc dù hiện tại, Tăng Lý Thanh đã trở thành một trong những nhà đầu tư giỏi kêu gọi vốn nhất ở Trung Quốc, nhưng lúc bấy giờ chưa có nhiều kênh đầu tư và với ông, việc huy động vốn vẫn còn khá lạ lẫm. Tăng Lý Thanh nghĩ đơn giản: chẳng qua là tìm mấy người quen giúp đỡ, giới thiệu thôi, không phải vấn đề gì lớn.
Người quen đầu tiên Tăng Lý Thanh nghĩ đến là Lưu Hiểu Tùng, vốn có mối quan hệ khá tốt với ông và mấy nhà sáng lập Tencent. Lưu Hiểu Tùng và Trương Chí Đông còn từng là đồng nghiệp, cùng làm việc ở Công ty Máy tính Lê Minh. Trong suốt quá trình Tencent tăng nguồn vốn bằng cách phát hành cổ phiếu đạt đến 1 triệu Nhân dân tệ, số tiền mà Tăng Lý Thanh mượn được chính là từ chỗ Lưu Hiểu Tùng.
Lưu Hiểu Tùng bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ Tăng Lý Thanh thông qua việc giới thiệu người khác đến đầu tư. Tăng Lý Thanh vô cùng vui mừng và đồng ý đem 5% vốn huy động quy ra cổ phần tặng cho Lưu Hiểu Tùng. Sau này, Lưu Hiểu Tùng đã giới thiệu Tencent với IDG (Quỹ Đầu tư công nghệ mạo hiểm Thái Bình Dương). Cùng lúc đó, Tăng Lý Thanh cũng nhờ người tìm đến Công ty Doanh Khoa PCCW của Hồng Kông.
IDG và Doanh Khoa Hồng Kông đều sẵn lòng đầu tư cho Tencent, nhưng không phải vì bản kế hoạch thương mại dày hơn hai mươi trang đã được Mã Hóa Đằng và các nhà lãnh đạo Tencent sửa lại tới sáu lần mà là vì câu chuyện ICQ được bán cho AOL với giá 287 triệu đô la Mỹ. Có lẽ cả hai công ty này đều cảm thấy QQ vốn là phiên bản ICQ được Trung Quốc hóa, cho dù không đáng giá hàng trăm triệu đô la thì vài triệu đô la cũng không tới mức quá cao. Hơn nữa, ICQ đã có thể nổi tiếng khắp thế giới thì tại sao QQ lại không thể nổi tiếng ở Trung Quốc?
Nhờ thế, vào nửa đầu năm 2000, sau khi trải qua đợt huy động vốn đầu tiên, nhóm các nhà sáng lập Tencent nắm giữ 60% cổ phần, còn IDG và Doanh Khoa Hồng Kông mỗi bên góp 1,1 triệu đô la Mỹ tương ứng với 20% cổ phần.
2,2 triệu đô la Mỹ quả thật chỉ là một số vốn mạo hiểm nhỏ trong ngành mạng Internet, bởi có không ít doanh nghiệp được tiếp sức bởi số vốn lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ. Mặc dù lượng tiền chưa nhiều, nhưng điều quan trọng là trong tay Mã Hóa Đằng đã có tiền, rất nhiều ý tưởng đã có thể biến thành hiện thực. Ông nhanh chóng dùng khoản tiền này để cải thiện hạ tầng phần cứng như máy chủ và băng thông rộng, mua thêm máy chủ IBM có dung lượng 200 nghìn MB, đồng thời tăng cường nghiên cứu, khai thác và cải tiến phần mềm QQ. Không lâu sau, QQ đã vượt qua các sản phẩm cùng loại. Nhắc tới chuyện này, Mã Hóa Đằng vẫn nhớ là, khi những thiết bị mới được đưa vào công ty, ông đã vô cùng phấn khởi.
Có thể nói, những gian truân mà người lập nghiệp phải nếm trải, Mã Hóa Đằng đều đã trải qua. Sau khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ, ông tiếp tục dấn bước vào mảng tin nhắn trực tuyến. Ông tin rằng QQ, phần mềm mà rất nhiều người không nhìn ra được tiềm năng, chắc chắn sẽ có ngày phát triển huy hoàng.
TRIẾT LÝ HUY ĐỘNG VỐN “DỊU DÀNG” NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Sau lượt huy động vốn đầu tiên, Mã Hóa Đằng và các đồng nghiệp đã dốc toàn tâm toàn lực, nhưng các nhà đầu tư lại có vẻ đứng ngồi không yên, bởi ngoài việc chứng kiến Tencent mua thêm mấy chiếc máy chủ, họ không nhìn thấy bất kỳ thay đổi nào khác. Bởi vậy, khi Mã Hóa Đằng lại rơi vào khó khăn, định vay thêm tiền của nhà đầu tư, không đâu tình nguyện giúp đỡ nữa. Họ cảm thấy chú chim cánh cụt này quả là cái động không đáy, rót bao nhiêu vốn cũng không đủ, nếu cứ tiếp tục thì dù có nắm giữ 100% cổ phần cũng lỗ sạch sành sanh. Vì thế, họ từ chối cấp tiền thêm cho Tencent.
Khi đó, IDG vẫn khá thiện chí khi đi khắp nơi tìm người tiếp quản, hy vọng có thể giúp Tencent vượt qua cửa ải khó khăn này. Trái lại, Doanh Khoa Hồng Kông không tỏ rõ thái độ, có lúc muốn tiếp tục đồng hành, nhưng qua một thời gian, lại phân vân, không xác định dứt khoát. Điều này khiến Mã Hóa Đằng không biết rõ được suy nghĩ thật sự của đối phương. Cuối cùng, Doanh Khoa Hồng Kông do Lý Trạch Khải làm đại diện đã ký thỏa thuận đầu tư dự toán với Tencent trong một quán trà ngay cạnh trụ sở của mình, đồng thời chi ra một khoản không nhỏ.
Doanh Khoa Hồng Kông còn giới thiệu Tencent với đơn vị có mối quan hệ tốt với mình là Tập đoàn TOM. Tuy Tập đoàn TOM cũng như lãnh đạo cấp cao của TOM Online đều từng kết nối với Tencent, nhưng cuối cùng, việc đầu tư vào Tencent vẫn không có kết thúc tốt đẹp. Vì đã bỏ ra hàng triệu đô la Mỹ, IDG và Doanh Khoa Hồng Kông không thể trơ mắt đứng nhìn Tencent sụp đổ. Họ vẫn cố gắng giúp đỡ, tiếp sức cho Mã Hóa Đằng.
Điều Mã Hóa Đằng không hề ngờ tới là đúng lúc ông và đồng đội đang dốc sức vì chú chim cánh cụt bé nhỏ thì gặp phải “mùa đông giá lạnh của mạng Internet”.
Khi Mã Hóa Đằng đang lo lắng vì bước huy động vốn tiếp theo, một người Mỹ đã xuất hiện ở văn phòng Tencent, ông ấy là David Wallerstein - phó tổng giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc của Tập đoàn đầu tư quốc tế Milad (MIH).
Không phải là một nhà đầu tư bình thường, tập đoàn MIH, ngoài tài lực dồi dào, còn có tham vọng và ý chí lớn lao. Lĩnh vực hoạt động chính của MIH là truyền hình tương tác và truyền hình thu phí với doanh thu hằng năm khi đó đã lên tới hàng trăm triệu đô, giá trị vốn hóa thị trường khoảng hơn 4 tỷ đô la Mỹ. Họ rất quan tâm đến các doanh nghiệp mạng Internet của Trung Quốc, muốn tìm một đối tác đáng tin cậy để tiến sâu vào thị trường này.
Là người có tầm nhìn, David Wallerstein đã “xe duyên” thành công cho MIH và Tencent. Năm 2001, MIH dễ dàng mua lại 20% cổ phần của Tencent từ tay của Doanh Khoa Hồng Kông, ngoài ra, còn mua được 13% cổ phần của Tencent từ tay của IDG. Nhưng rất nhanh chóng, MIH nhận ra không gian phát triển của Tencent trong tương lai có thể vô cùng rộng mở. Tự thấy đã quá đỗi nhát gan, tập đoàn này không muốn chỉ đóng vai phụ là người đầu tư góp vốn nữa.
Tháng 6 năm 2002, những người sáng lập Tencent đã chuyển nhượng cổ phần cho MIH, cơ cấu sở hữu cổ phiếu của Tencent tất nhiên cũng thay đổi. Lãnh đạo cao cấp của hai bên đã trao đổi kỹ lưỡng để thống nhất hai vấn đề: tỷ lệ nắm giữ cổ phần và quản lý công ty. Việc quản lý hoạt động kinh doanh của Tencent vẫn do Mã Hóa Đằng cùng e kíp đảm nhận, có toàn quyền quyết định. MIH chỉ điều đến hai nhân sự và không nắm giữ vị trí giám đốc điều hành cũng như quyền quản lý cụ thể.
Về việc này, suy nghĩ của Mã Hóa Đằng vô cùng rõ ràng: Tiền không phải tự dưng mà có, nhưng không thể để người ngoài kiểm soát cổ phần, càng không thể cho phép họ nhúng tay vào quản lý, nếu không được như thế, thà không nhận tiền còn hơn.
Chính nhờ Mã Hóa Đằng năm đó kiên trì tuân thủ nguyên tắc của chính mình là đội ngũ quản lý nắm đa số cổ phần nên đã tránh được không ít rắc rối, điều này cũng thể hiện tầm nhìn sâu rộng của ông. Đương nhiên, cơ cấu sở hữu cổ phần mà MIH yêu cầu ở Tencent cũng vô cùng ổn định, đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để Tencent có được thành công.
Chính nhờ khả năng và tầm nhìn đã giúp Mã Hóa Đằng vượt qua cửa ải gian nan, đồng thời, tích lũy những kinh nghiệm vô giá trên con đường lập nghiệp. Vừa kiếm tiền vừa trưởng thành, có lẽ đó mới là con đường mà các công ty khởi nghiệp cần phải đi qua.
CHUYỂN LỖ THÀNH LÃI
Mùa xuân năm 2000, QQ cán mốc 100 nghìn người lên mạng cùng lúc. Mã Hóa Đằng nhờ cậy một người bạn đăng bài tuyên truyền trên một trang tin tức online. Không lâu sau, tờ Nhân dân online - cơ quan trực thuộc của “Nhân dân Nhật báo” nổi tiếng, đã dẫn lại bài viết này, khiến Mã Hóa Đằng vô cùng phấn khởi.
Tuy thế, mãi đến tháng 8 năm 2001, tâm trạng của Mã Hóa Đằng mới thư thái hơn một chút, bởi vì lúc này Tencent đã có nguồn thu mới. Khi đó, Tencent và Công ty Di động Quảng Đông Mobile ký một thỏa thuận hợp tác giúp người dùng QQ có thể tiến hành liên lạc thời gian thực với bất kỳ người dùng di động nào ở khu vực Quảng Đông thông qua tin nhắn QQ và di động. Từ đó, QQ có thêm một tính năng mới và đó là một tin vui đối với cư dân mạng của thời đại giao lưu mạng xã hội mới.
Nhờ quá trình hợp tác với Công ty Di động Quảng Đông Mobile triển khai thuận lợi, Tencent dễ dàng thực hiện công cuộc chuyển lỗ thành lãi, đồng thời, tận dụng thời cơ xảy ra cuộc chiến cạnh tranh tin nhắn giữa các nhà mạng Internet Trung Quốc để nhanh chóng chiếm lĩnh một nửa thị trường tin nhắn ngay trong năm đó.
Sau khi hoạt động kinh doanh của Tencent ngày một khởi sắc, Mã Hóa Đằng dần tìm ra nhiều phương thức kiếm tiền, ngoài dịch vụ tin nhắn, còn có thêm dịch vụ quảng cáo, dịch vụ QQ di động và dịch vụ hội viên QQ thu phí. Trong số các dịch vụ đó, đem lại doanh thu lớn nhất chính là cho thuê thương hiệu QQ, giúp Mã Hóa Đằng kiếm được 10% phí đại lý.
Khi chú chim cánh cụt bắt đầu mang tiền về cho mình, Mã Hóa Đằng cũng dần phát hiện nhiều lĩnh vực có thể thu lợi mà trước đây không nhìn ra. Mã Hóa Đằng đã xúc động nói rằng chưa bao giờ nghĩ có thể kiếm bộn tiền nhờ QQ. Vì thế, ông không khỏi ngỡ ngàng khi sau đấy, một công ty ở Quảng Châu chủ động tìm đến và còn thể hiện rõ thành ý bằng việc vừa tới, đã “quăng” cho ông mấy trăm nghìn Nhân dân tệ.
Sự thay đổi này hiển nhiên là kết quả nỗ lực của Mã Hóa Đằng, nhưng nó cũng là sự thay đổi tất yếu dưới tác động của thời cuộc để không tách khỏi bước chuyển mình lớn lao của môi trường mạng Internet lúc bấy giờ. Suy nghĩ khi đó của Mã Hóa Đằng là: Tencent vừa tiến hành quảng bá vừa kiếm được tiền, “một mũi tên trúng hai đích”.
Không lâu sau, hệ thống phát thanh của chú chim cánh cụt không ngừng đưa tin về việc Tencent đã cho ra đời các loại đồ chơi QQ và người dùng có thể mua được ở rất nhiều nơi trên toàn quốc. Kể từ đó, QQ từ một phần mềm thông tin trực tuyến đơn giản đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Không gian văn hóa mà QQ mở ra cho người dùng vừa có giao lưu trực tuyến, vừa thúc đẩy sự ra đời của những mối quan hệ mới như “tình yêu qua mạng” hay “bạn trên mạng”.
Tháng 8 năm 2000, trên cửa sổ thông tin của QQ còn xuất hiện biểu ngữ quảng cáo, ba tháng sau, mức độ phổ biến của nó được tăng thêm một bước. Số liệu thống kê của tháng 12 năm 2000 cho thấy, tính riêng thu nhập từ quảng cáo của Tencent đã đạt 1,5 triệu Nhân dân tệ. Ngay cả việc “bong bóng dot-com” vỡ cũng không ảnh hưởng nhiều đến QQ, chỉ là lượng quảng cáo giảm một nửa vào tháng 2 năm 2001, nhưng lại khôi phục ngay trong tháng 3.
Ngoài phương thức thu lợi truyền thống từ quảng cáo này, Tencent còn đưa chế độ hội viên vào trong hệ thống thu phí, có thể gọi là “máy in tiền thứ hai”. Lúc đó, Tencent có tổng cộng hơn 3.000 hội viên, mỗi người phải nộp từ 120 đến 200 Nhân dân tệ phí hội viên hằng năm. Mặc dù con số này còn rất khiêm tốn, nhưng đối với Tencent, những hội viên đó chính là “mầm lửa cách mạng”.
Cuối năm 2001, Tencent đạt được mức lợi nhuận ròng là 10,22 triệu Nhân dân tệ; chỉ một năm sau đã lên tới 144 triệu, tăng hơn mười lần. Đến năm 2003, lợi nhuận ròng đạt 338 triệu Nhân dân tệ, tăng gần gấp ba so với năm 2002. Sang năm 2004, Tencent giành được chiến tích huy hoàng với mức doanh thu lên tới 1.144 tỷ Nhân dân tệ, vượt hẳn 55,59% so với năm trước; lợi nhuận ròng đạt 446 triệu Nhân dân tệ, vượt hơn 38,6% so với năm 2003.
Cũng chính từ dấu mốc này, một Mã Hóa Đằng mà trước kia luôn phải “giật gấu vá vai” mới cảm thấy yên lòng, cuối cùng, đã có được cảm giác chạm tới thành tựu trên con đường lập nghiệp. Có lẽ, đây chính là con đường mà Mã Hóa Đằng bắt buộc phải đi qua để trở thành một người thành công, được mọi người chú ý. Rất nhiều người đã biết đến sự thông minh, tài trí của ông, rất nhiều người cũng nhìn thấy hoa tươi và những tràng vỗ tay dành cho ông, nhưng rất ít người hiểu được những đắng cay và đau khổ phía sau ánh hào quang đầy vẻ vang ấy.
MẶN CHAY KẾT HỢP, DỊCH VỤ MỚI KHÔNG THUA LỖ
Vào thời kỳ tồi tệ nhất lúc mới thành lập Tencent, Mã Hóa Đằng luôn tìm kiếm hướng đi mới để chú chim cánh cụt có thể đem lại lợi nhuận, thậm chí cấp bách tới mức “không từ chối bất kỳ ai”, tức là chỉ cần có thể kiếm tiền, chỉ cần có thể duy trì QQ. Vì thế, Mã Hóa Đằng đã phát hiện nhiều cơ hội kinh doanh mới trong không ít lĩnh vực.
Cuối năm 2000, Công ty Di động Trung Quốc chính thức giới thiệu mạng “Monternet”, hệ thống mạng kết hợp giữa di động và Internet với đông đảo người sử dụng. Không ai ngờ rằng chuỗi giá trị mới ra đời này sẽ cứu vớt một loạt các công ty mạng, trong đó, người được hưởng lợi nhiều nhất phải kể đến Mã Hóa Đằng.
Tencent sở hữu lượng người dùng đăng ký mạng Internet lên tới hàng trăm triệu và đều có nhu cầu tiêu dùng rất lớn, nhưng đáng tiếc là Mã Hóa Đằng chưa tìm ra kênh thu phí. Việc mạng “Monternet” thông qua thỏa thuận “phân chia 2 - 8” từ việc thu cước hộ đã giúp Mã Hóa Đằng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Tencent nhanh chóng cho ra đời dịch vụ QQ di động. Không lâu sau, QQ di động đã trở thành lực lượng nòng cốt của mạng “Monternet” với doanh số ở thời điểm cao nhất từng chiếm tới 70%.
Trong năm 2002 và 2003, một mặt, Tencent “trình làng” các dịch vụ mới là “QQ Xing” và “QQ Show”; mặt khác, tăng cường giới thiệu với người dùng các dịch vụ tin nhắn, nhạc chuông và kết bạn cũng như “QQ nam nữ”… Ngoài ra, Mã Hóa Đằng còn học tập Công ty Shanda Thượng Hải, bắt đầu triển khai trò chơi trực tuyến.
Thực tế đã chứng minh quyết sách của Mã Hóa Đằng hoàn toàn chính xác.
So với trò chơi trực tuyến, mục đích Mã Hóa Đằng “xây dựng” cổng thông tin điện tử có phần khác biệt, nhắm tới mở rộng thị trường quảng cáo trực tuyến. Bởi lẽ thời đó, đơn vị cần quảng cáo muốn đầu tư vào những trang web có tầm ảnh hưởng và cổng thông tin điện tử chính là nơi dễ gây dựng sức ảnh hưởng nhất. Mã Hóa Đằng nhận thấy, mặc dù về quy mô, thị trường trò chơi trực tuyến vượt xa quảng cáo trực tuyến, nhưng về tiềm lực tăng trưởng thì ngược lại. Bởi thế, nhất định phải thành lập trang mạng điện tử.
Nhưng khó khăn cũng lập tức xuất hiện. Không ít người dùng đã quen với phần mềm QQ nhấn mạnh sự trẻ trung và tính giải trí, muốn thay đổi ấn tượng này không dễ. Cần phải có một tên gọi và hình ảnh hoàn toàn khác thì mới có thể xây dựng thành công trang web điện tử mang “diện mạo” cao cấp hơn. Ngoài ra, Mã Hóa Đằng cũng xem xét việc phân định rạch ròi về thương hiệu giữa trang web điện tử và công cụ nói chuyện. Cách làm của Mã Hóa Đằng là: Nếu cần, có thể bỏ qua tính giải trí. Bởi việc tạo ra những chú chim cánh cụt nhảy nhót trong những khung cảnh không phù hợp là kém sáng suốt và không hợp lý, sẽ khiến người dùng thấy phản cảm.
Không lâu sau, “trang mạng Tencent” đã ra đời. Để biến nó thành một thương hiệu cao cấp, trước tiên, Mã Hóa Đằng tuyển dụng số lượng lớn nhân tài trong lĩnh vực thu thập, biên tập thông tin. Bên cạnh đó, ông không bỏ qua cơ hội tuyệt vời là trở thành “nhà tài trợ Triển lãm thế giới Thượng Hải Expo 2010” để xây dựng hình ảnh cổng thông tin tổng hợp.
Căn cứ theo thỏa thuận, Tencent chịu trách nhiệm tổng thể các công tác tập hợp, vận hành cũng như duy trì trang mạng “Triển lãm thế giới online”, ngoài ra, còn phụ trách việc xây dựng không gian trao đổi trên mạng Internet cùng không gian thương mại điện tử của Triển lãm thế giới. Mã Hóa Đằng tuyên bố: “Sẽ có thêm nhiều người nhìn nhận lại Tencent, Tencent không đơn thuần chỉ là công cụ trò chuyện.”
Nhờ tầm nhìn chiến lược của Mã Hóa Đằng, cổng thông tin điện tử của Tencent đã thành công, trò chơi trực tuyến của Tencent cũng đã thành công, và bước tiếp theo có thể là thử sức trong lĩnh vực dịch vụ giá trị gia tăng.
Rất nhiều người dùng không hiểu rõ về khái niệm “dịch vụ giá trị gia tăng”, nhưng nếu hỏi họ Q Coin là gì, họ đều biết rất rõ. Đối với Mã Hóa Đằng, những dịch vụ này cũng như mức tăng trưởng chóng mặt của nguồn thu từ trò chơi trực tuyến vừa đảm bảo công ty vận hành và phát triển thuận lợi, vừa là bước đệm cho Tencent trong lĩnh vực cổng thông tin điện tử và thương mại điện tử.
Năm 2001, Tencent chính thức phát hành thẻ Q mệnh giá 120 tệ, có giá trị trong vòng một năm; không lâu sau, lại cho ra đời dịch vụ thu phí “QQ show” và các trò chơi cờ. QQ show là một ứng dụng ảo mang tính giải trí cho phép người dùng QQ có quyền lựa chọn trang phục ảo.
Có người kể lại rằng khi hạng mục QQ show được nội bộ Tencent thẩm định, toàn bộ công ty từng tiến hành thảo luận nghiêm túc về một bản Power Point dài hơn 80 trang có logic chặt chẽ, đủ thấy lúc đó Tencent quan tâm thế nào đến sản phẩm này. Và ngày nay, QQ show đã trở thành một trong những hạng mục kiếm được nhiều tiền nhất của Tencent, và cũng là một trong những sản phẩm tiên phong đánh dấu hành trình khai phá lĩnh vực dịch vụ gia tăng của Mã Hóa Đằng.
Mã Hóa Đằng có một triết lý kinh doanh rất tài tình, được mọi người gọi là “tam vấn tự thân”. Trong quá trình kinh doanh, ông thường xuyên tự đặt ra ba câu hỏi cho chính mình.
Câu hỏi đầu tiên là: Lĩnh vực mới này bạn có giỏi không?
Đối thủ cạnh tranh có thể rất hứng thú với thương vụ, lợi nhuận và nguồn vốn, nhưng chưa chắc đã thật sự xem xét đến nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó, Mã Hóa Đằng luôn dựa trên sự hiểu biết và phán đoán nhạy bén về thị trường mạng để dẫn dắt công ty. Có thể nói, Mã Hóa Đằng tạo nên “chiếc khung” cho Tencent bằng niềm hứng thú có phần cố chấp cùng lòng say mê điên cuồng. Ông kiên trì theo đuổi nguyên tắc “lấy công nghệ làm nòng cốt” trong sản xuất cũng như kinh doanh, chú trọng nâng cao cả ba “mũi nhọn”: nghiên cứu, sản xuất và chất lượng công nghệ.
Câu hỏi thứ hai là: Giả sử bạn không làm, người dùng có phải chịu tổn thất?
Thực ra, giá trị thật sự của khai thác phần mềm là tính ứng dụng chứ không phải là niềm vui của bản thân người khai thác. Mã Hóa Đằng từng nói: “Tôi vốn chỉ là một người rất yêu đời sống mạng, biết người đam mê mạng cần cái gì nhất, vì thế sản xuất ra thứ hữu ích nhất cho bản thân mình cũng như mọi người mà thôi.”
Câu hỏi thứ ba là: Một khi đã làm rồi, dự án mới này còn có thể duy trì được bao nhiêu phần ưu thế cạnh tranh?
Nửa cuối năm 1999, trên thị trường hệ thống máy nhắn tin, Mã Hóa Đằng càng làm càng thắng lớn, nhưng ông phải đối mặt với một lựa chọn vô cùng quan trọng. Khi ấy, một mặt, ngành máy nhắn tin đã có dấu hiệu suy thoái; mặt khác, số lượng người dùng QQ đã tăng lên con số 1 triệu và vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, QQ vẫn chỉ là sản phẩm phụ của Tencent và Mã Hóa Đằng vẫn chưa nhận thức rõ ràng về giá trị thị trường khổng lồ mà QQ có được. Vì lẽ đó, cho dù là về công nghệ hay nguồn vốn, Mã Hóa Đằng đều thiếu tự tin do không biết rốt cuộc, mình nắm giữ bao nhiêu phần trăm ưu thế. Do đó, sách lược mà Tencent áp dụng là “suy xét cùng lúc ba phương diện”: một là dồn sức hoàn thiện tính năng của QQ và khai thác phiên bản mới; hai là tìm kiếm nhà đầu tư có thể ủng hộ vốn cho Tencent; ba là tiếp tục gia tăng lợi ích mà hệ thống tin nhắn mạng truyền thống đem lại. Kết quả, Mã Hóa Đằng đã lựa chọn một hướng đi hoàn toàn chính xác.
Thật ra, không phải Mã Hóa Đằng tạo nên Tencent, cũng không phải Tencent tạo nên Mã Hóa Đằng, mà là sự chuyên tâm của ông tạo nên Tencent, khiến Tencent tạo nên kỳ tích.
TENCENT LÊN SÀN CHỨNG KHOÁN THUẬN LỢI, PHÚ ÔNG CHẠY KHẮP NƠI
Từ năm 2001 đến năm 2003, quy mô và lợi nhuận của Tencent đều tăng gấp bội. Tháng 8 năm 2003, đội ngũ sáng lập Tencent tiến hành thu mua toàn bộ số cổ phần còn lại của IDG và một ít cổ phần trong tay MIH. Sau khi điều chỉnh lại tỷ lệ sở hữu cổ phần, MIH và đội ngũ sáng lập Tencent mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần trước khi công ty lên sàn chứng khoán.
Tài liệu công khai của Tencent cho thấy lợi nhuận quý I năm 2004 đạt một trăm triệu Nhân dân tệ, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng Mã Hóa Đằng không muốn nguồn vốn của mình bị hạn chế trong vốn mạo hiểm. Để hình thành kênh huy động vốn phong phú, giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động, Mã Hóa Đằng bắt đầu suy nghĩ tới việc đưa công ty lên sàn chứng khoán.
Về vấn đề niêm yết trên sàn chứng khoán ở đâu, Mã Hóa Đằng nói: “Trong số các công ty tư vấn bảo lãnh chứng khoán, sáu công ty đề nghị ở Hồng Kông, bốn công ty gợi ý ở NASDAQ, ba công ty đề xuất cùng lúc lên sàn chứng khoản ở cả hai nơi, khiến đầu tôi muốn nổ tung. Tỷ lệ lợi nhuận chứng khoán bình quân của các công ty niêm yết ở Hồng Kông thấp hơn ở Mỹ, nhưng nếu tôi là người dẫn đầu thị trường thì sao?”
Cuối cùng, Mã Hóa Đằng đã lựa chọn Hồng Kông, nơi cách Thâm Quyến chỉ một con sông. Về việc này, ông giải thích rằng yêu cầu của thị trường chứng khoán Hồng Kông khắt khe hơn so với NASDAQ, chỉ khi Tencent kinh doanh có lãi trong ba năm liên tiếp trước thời điểm niêm yết thì mới có tư cách lên sàn chứng khoán Hồng Kông. So sánh với các công ty mạng Internet khác của Trung Quốc, chỉ có Tencent làm được điều này.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 7 tháng 6 năm 2004, Công ty TNHH Cổ phần Tencent với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ QQ, sản phẩm thông tin trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc đại lục, công khai phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hồng Kông, chính thức mua bán cổ phiếu với các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi được công bố, thông tin này đã lập tức làm dấy lên một làn sóng lớn trong giới mạng Internet Trung Quốc. Bởi trước đó, dường như không một ai biết việc Tencent chuẩn bị niêm yết. Công tác bảo mật của Mã Hóa Đằng quả thật được thực hiện quá tốt!
Ngày 16 tháng 6 năm 2004, Công ty Cổ phần Tencent chính thức treo biển giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Căn cứ trên mức giá phát hành khi đó cho mỗi cổ phiếu là 3,7 đô la Hồng Kông, Tencent lập tức sở hữu giá trị vốn hóa thị trường là 6,22 tỷ đô la Hồng Kông. Nhờ lần niêm yết này, xung quanh Mã Hóa Đằng liền xuất hiện năm tỷ phú (bao gồm cả ông) và bảy triệu phú.
Con đường niêm yết hanh thông khiến chú chim cánh cụt nhỏ bé lại được dịp thể hiện sức hấp dẫn. Do lúc đó, Tencent đã có vị thế nhất định nên sau khi “lên sàn”, lập tức được người chơi chứng khoán dốc sức theo đuổi. Mặc dù phần lớn các nhà đầu tư đều giữ tâm lý tương đối tỉnh táo, không dễ dàng đeo bám một loại cổ phiếu nào, nhưng cổ phiếu của Tencent tung ra không lâu, số đăng ký đã vượt mức 146 lần.
Sau khi Tencent lên sàn chứng khoán, Mã Hóa Đằng dùng nguồn vốn huy động được để làm gì? Thông qua tài liệu huy động vốn của Tencent có thể thấy, Mã Hóa Đằng dự định đầu tư 818 triệu đô la Hồng Kông vào chiến lược mới của Tencent là tin nhắn trực tuyến, giải trí và dịch vụ mạng Internet, đối tượng thu mua có thể bao gồm thương mại điện tử hoặc dịch vụ giá trị gia tăng thuộc lĩnh vực âm nhạc, đồng thời, không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ thu mua nhà khai thác và nhà cung cấp công nghệ bên thứ ba. 250 triệu đô la Hồng Kông còn lại dùng để mở rộng lĩnh vực hoạt động hiện tại của công ty.
Có nhà phân tích chỉ ra rằng nhìn từ tình hình lợi nhuận năm 2003, cho dù Tencent không phát hành cổ phiếu huy động vốn, họ vẫn sở hữu dòng tiền lớn mạnh, đủ năng lực thu mua một số công ty vừa và nhỏ trong nước cũng hoạt động ở mảng tin nhắn trực tuyến và dịch vụ giải trí mới. Kết quả phân tích tình hình hoạt động của Tencent trong quý I năm 2004 cho thấy công ty vẫn trong trạng thái có lãi. Vì thế, nếu chỉ xét từ góc độ huy động vốn, công ty niêm yết không hoàn toàn vì tiền.
Một số ngân hàng đầu tư cho rằng, chính các cổ đông lớn xuất phát từ mục đích đổi sang tiền mặt mới thúc đẩy Tencent lên sàn chứng khoán. Quan sát cơ cấu cổ đông cũng như tình hình kinh doanh của Tencent lúc bấy giờ có thể thấy, MIH có lẽ đã thu hồi được vốn đầu tư. Vậy thì tại sao Mã Hóa Đằng lại đem “miếng thịt béo bở” như thế tặng cho các cổ đông Hồng Kông?
Lời giải cho câu hỏi này đến nay vẫn không rõ ràng, nhưng từ sự kiện đó chúng ta có thể thấy, Mã Hóa Đằng muốn kiên trì theo đuổi chính sách phát triển nội địa. Ngoài ra, khi so sánh Tencent trước và sau khi niêm yết, Mã Hóa Đằng cho rằng, mặc dù sau khi niêm yết, Tencent vẫn đối mặt với một số vấn đề về quản lý và điều tiết kết cấu khung, nhưng mô thức vận hành cơ bản của công ty đã đi vào chính quy và ổn định, đồng thời, Mã Hóa Đằng cũng có cơ chế quản lý hoàn thiện hơn, khoa học hơn đối với quy hoạch doanh nghiệp và phát triển nghiệp vụ. Nếu Tencent không đi theo con đường niêm yết, vấn đề phải đối mặt sau này sẽ là không đủ lực lượng dự trữ và suy giảm động lực.
Song song với việc công ty lên sàn chứng khoán, Tencent cũng chú trọng vấn đề duy trì và lan tỏa động lực, khích lệ nhân viên. Năm 2008, khi trả lời phỏng vấn của “Tuần báo Thanh Niên Bắc Kinh”, Mã Hóa Đằng nói: “Đối với Tencent, người sáng lập và cổ đông đều vô cùng quan trọng trong việc góp vốn, nâng cao hình ảnh, lưu thông và tuần hoàn cổ phần, nhưng việc thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài cao cấp thì càng trở nên quan trọng hơn.”
Trong mấy năm sau khi Tencent lên sàn chứng khoán, Mã Hóa Đằng luôn cổ vũ việc sở hữu cổ phần. Tháng 12 năm 2007, Tencent ban hành kế hoạch khích lệ việc sở hữu cổ phần với nội dung là: cổ phần sẽ do người ủy thác độc lập mua vào, chi phí do Tencent chi trả, kế hoạch có hiệu lực kể từ ngày tiếp nhận là 13 tháng 12 năm 2007 và kéo dài trong mười năm. Kế hoạch này quy định, tổng số cổ phần mà hội đồng quản trị trao ra sẽ hạn chế trong khoảng 2% vốn cổ phần đã phát hành, và cổ phần khen thưởng cho cá nhân cao nhất cũng không vượt quá 1% vốn cổ phần cần phát hành.
Ngày 29 tháng 8 năm 2008, Hội đồng Quản trị Tencent nghiên cứu và quyết định đưa ra một triệu cổ phiếu mới làm cổ phần khen thưởng cho 184 nhân viên, mục đích là tận dụng nguồn tài nguyên hiện có của Tencent để thu hút và giữ chân nhân tài. Ngày 10 tháng 7 năm 2009, Hội đồng Quản trị Tencent lại triển khai một kế hoạch lớn, tung ra chục nghìn cổ phiếu để khen thưởng cho tổng cộng 1.250 nhân viên. Số cổ phiếu lần này không nhỏ, khiến người người đều phải thán phục.
Kế hoạch khen thưởng bằng việc sở hữu cổ phần cho thấy, sau khi Mã Hóa Đằng đưa đội ngũ chim cánh cụt của mình bước sang giai đoạn phát triển mới, vấn đề mới cũng xuất hiện. Ông phải đưa ra chính sách để giải quyết những trở ngại trước mắt, để có thể chèo lái con thuyền khổng lồ đang lướt nhanh giữa đại dương mạng Internet đi đến những vùng đất xa hơn.